Can đảm làm nên lịch sử
Trần Quốc Việt, 13/03/2022
Trong bài diễn văn đọc vào tháng Sáu 1965 trước những sinh viên sắp ra trường, Mục sư Martin Luther King khuyên họ nên đấu tranh cho cuộc cách mạng xã hội để tạo ra một nước Mỹ bình đẳng hơn, tự do hơn, và cơ hội hơn cho tất cả mọi người không phân biệt màu da hay chủng tộc.
Ông nói "đừng bao giờ để cho người ta nói rằng các bạn chỉ là những kẻ đứng nhìn thầm lặng, những khán giả thờ ơ mà các bạn hãy là những người tham gia tích cực để biến công bằng thành hiện thực". Đặc biệt ông khuyên không nên chờ đợi vì sự tiến bộ của xã hội không bao giờ diễn ra tất yếu. Đằng sau bánh xe của lịch sử là những con người dấn thân tận tụy, can đảm, và bền bỉ. Và theo ông, nếu chờ đợi thì "thời gian sẽ trở thành đồng minh của những thế lực trì trệ xã hội lạc hậu". Hãy giúp thời gian tăng tốc lịch sử là sự thôi thúc của lương tâm trong lòng những người đi khai phá con đường tương lai chung.
Xét cho cùng, cuộc cách mạng nào cũng khởi đi từ một thiểu số những cá nhân dấn thân can đảm và kết thúc bằng sự tham gia đồng loạt của rất nhiều người. Thiểu số mở đường ấy chính là những người đấu tranh say mê không ngừng nghỉ "để nhóm lên những bụi lửa tự do trong tâm hồn con người" (1).
Can đảm là nhiên liệu không thể thiếu mà chuyến tàu lịch sử cần phải có để ít nhất rời khỏi nhà ga số phận. Nếu Điếu cày và vài đồng đội của ông không đứng lẻ loi trên thềm nhà hát lớn năm nào để phản đối Trung Quốc thì những cuộc biểu tình chống Trung Quốc biết lúc nào mới bắt đầu. Chính họ, đặc biệt Điếu Cày, đã khởi động lịch sử của những cuộc xuống đường chống Trung Quốc !
Tự do không thể có nếu không có can đảm. Chúng ta hãy nhìn lại những trường hợp can đảm tạo ra lịch sử.
Vào tháng 10/1986, Tổng thống Mỹ Reagan đến Iceland họp thượng đỉnh với Tổng bí thư Liên Xô Gorbachev để bàn về hiệp ước kiểm soát vũ khí. Khi hai bên dường như thương lượng gần xong sau nhiều ngày họp, Gorbachev mỉm cười và nói với Reagan, "Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc ông từ bỏ Sáng Kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI)".
Reagan kể lại "Tôi sửng sờ không tin được và rất giận... Tôi chợt hiểu ra rằng ông ta mời tôi đến Iceland họp với một mục đích duy nhất : giết chết Sáng Kiến Phòng thủ Chiến lược". Điều Reagan làm sau đó khiến cả thế giới sửng sốt. Tổng thống quay sang Bộ trưởng ngoại giao Mỹ George Shultz nói, "Thôi cuộc họp như thế là xong. George, chúng ta đi về thôi". Và ông bước ra khỏi phòng họp.
Reagan không ký hiệp ước bất chấp hậu quả về chính trị cho ông hay phản ứng của dư luận thế giới vì ông tin vào lẽ phải và đấu tranh vì lẽ phải. Chỉ vài năm sau Liên Xô sụp đổ. Một phần nhờ can đảm đã khiến Reagan đứng lên bỏ về này mà hàng triệu người bị áp bức trong các chế độ toàn trị cộng sản ở Đông Âu tìm lại được tự do và nhân phẩm của mình.
Khác với Reagan, Rosa Parks chỉ là một người thợ may da đen bình thường hầu như không ai biết đến. Nhưng bằng hành động can đảm là không nhường ghế trên xe buýt cho người da trắng lên sau, bà đã góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh dân quyền cho hàng triệu người da đen bị kỳ thị. Cả Reagan và Rosa Parks góp phần mở ra những con đường giải phóng cho biết bao nhiêu người phải sống trong sự kỳ thị đè nén lên số phận của họ hay cho hàng triệu những người nô lệ sống dưới ách toàn trị cộng sản. Hôm nay nghĩ về những người can đảm cao nhất và thấp nhất trên nấc thang quyền lực này chúng ta hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của câu người Mỹ thường nói về nước họ - "đất nước của những người tự do nhờ những người can đảm".
"Đất nước của những người tự do nhờ có những người can đảm"
Bức tường Berlin sụp đổ không phải từ Berlin mà từ thành phố Leipzig cách Berlin gần 200 cây số. Và bức tường không phải sụp đổ vào ngày 9/11/1989 mà sụp đổ vào đêm 9/10 khi 70.000 người đan cánh tay vào nhau, tay cầm cả một biển nến, và cả biểu ngữ đòi tự do bất chấp lời cảnh cáo của chính quyền là sẽ có đổ máu. Nhà cầm quyền không nói suông. Trước đêm hôm ấy họ đã ra lệnh các bác sĩ và y tá phải trực đêm ở bệnh viện và các bệnh viện phải trữ sẵn một số lượng máu và huyết tương rất lớn. Công an cho các y bác sĩ biết họ sẽ chữa trị nhiều người sẽ bị bắn tối hôm đó.
Can đảm dân sự đã thắng được trước tiên bức tường sợ hãi đè nén lên trong lòng những cá nhân hơn 40 năm trời. Một khi bức tường sợ hãi trong lòng sụp đổ thì chỉ là vấn đề thời gian trước khi bức tường bắng xi măng và cốt thép sụp theo trong tiếng reo hò vỡ tung ra dưới bầu trời đêm, trước biết bao nụ cười, nước mắt, nụ hôn trong biển người nô lệ vừa giành được tự do.
Để biết họ can đảm như thế nào chúng ta hãy nghe một trong những người biểu tình vào đêm lịch sử đầu tiên vào ngày 9/10 kể lại. Valentine Kosch là cô giáo. Tối hôm ấy trước khi ra khỏi nhà để biểu tình, chị đã giải thích với hai đứa con gái của mình rằng mẹ chúng sẽ đi tuần hành với nhiều người bạn để cho các thầy cô giáo hòa nhã hơn và nhân ái hơn đối với học trò. Rồi chị dặn chồng rằng nếu tối nay chị không trở về trước 10 giờ tối thì chồng chị nên đưa hai con đến thành phố Dresden để làm lại cuộc đời ở đấy, nơi hai đứa con gái sẽ không bị xem là con của kẻ thù của nhà nước (2).
Leipzig đêm 9/10/1989, 70.000 người cầm biểu ngữ xuống đường đòi tự do bất chấp lời cảnh cáo của chính quyền là sẽ có đổ máu.
Tối hôm ấy, rất nhiều người như chị suy nghĩ ra đi là chấp nhận. Họ đã vượt qua bức tường sợ hãi trong lòng. Lịch sử nước Đức bắt đầu sang trang mới. Sức mạnh ôn hòa của 70 ngàn người đi trong đêm tối và sát cánh bên nhau trong lời kinh cầu nguyện giữa một biển ánh nén đã khiến cả hệ thống chỉ huy chống biểu tình tê liệt từ trên xuống dưới. Không ai dám ra lệnh bắn. Lãnh đạo thành phố gọi liên tục về Berlin xin chỉ thị nhưng cũng không ai dám bắt điện thoại ra lệnh bắn trước biển người ôn hòa rất can đảm như chị Valentine Kosch.
Nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn từng nói : "Cái giá của hèn nhát sẽ chỉ là cái ác ; chúng ta sẽ gặt hái được can đảm và chiến thắng chỉ khi chúng ta dám hy sinh".
Tự do sinh ra từ can đảm và can đảm sinh ra từ sự chấp nhận hy sinh vì một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ sau, vì lẽ phải và công lý, vì lương tâm và trách nhiệm đối với tương lai của gia đình và tổ quốc.
Cách đây 2.500 năm, Alexander Đại đế nói : "Tôi không sợ đạo quân sư tử do cừu lãnh đạo, tôi sợ đạo quân cừu do sư tử lãnh đạo".
Phải chăng chúng ta cứ mãi mãi là những con cừu kêu be be tuyệt vọng theo tiếng gọi của những con cừu lãnh đạo hèn nhát đang kìm hãm tương lai của đất nước và đang đưa đất nước vào thời kỳ Bắc Thuộc mới hay, nếu vượt qua sợ hãi, mỗi người chúng ta sẽ là những chiến binh sư tử của đạo quân yêu nước tiến bước mạnh mẽ đến một Việt Nam tự do và độc lập muôn năm.
Trần Quốc Việt
(13/03/2022)
Chú thích:
(1) Lời của nhà lãnh đạo cuộc cách mạng Mỹ Samuel Adams
(2) Elizabeth Pond, The Berlin Wall : what really made it fall, The Christian Science Monitor, 8 tháng 10, 2009.
************************
Liều chết vì Tự do
Francine Kiefer, Trần Quốc Việt dịch, 13/03/2022
Cuộc chiến tranh của Nga chống Ukraine đã khiến tôi hồi tưởng thời gian cách đây hơn 30 năm khi tôi là phóng viên của báo Monitor tại Đức. Lúc ấy tôi tường thuật về sự sụp đổ của Bức tường Berlin ngày 9/11/1989.
Hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình đòi dân chủ và bầu cử tự do tại Quảng trường Karl Marx ở Leipzig, Đông Đức cũ, ngày 13/11/1989 - Ảnh Heinz Duclau/AP
Tất nhiên, bối cảnh thời ấy khác rất xa thời nay - đặc biệt, Mạc Tư Khoa vào thời ấy có một nhà lãnh đạo, người đã dần dần chấp nhận và bắt đầu ủng hộ quyền của nhân dân để quyết định chính quyền của họ, thay vì một nhà lãnh đạo quyết tâm dùng vũ lực để tái tạo lại bức màn sắt một thời đã qua. Nhưng đây là điểm chung cơ bản : công dân can đảm khẳng định tự do. Đây là yếu tố cực kỳ cần thiết để chiến thắng độc tài. Đây cũng chính là những gì đang rõ nét ở Ukraine.
Tương tự như Ukraine thời nay, nhân dân Đông Đức thời ấy chính là những anh hùng của thời đại lịch sử. Người dân Đông Đức không chống trả cuộc xâm lăng, không khiêu khích. Nhưng đối mặt với cái chết, người dân Đông Đức vẫn biểu tình kiên trì và ôn hòa, nhờ đấy đã giải phóng nước họ ra khỏi ách cai trị 40 năm trường của chế độ cộng sản công an trị.
Những công dân thành phố Leipzig đặc biệt nổi bật trong câu chuyện về cuộc đấu tranh này. Vào một tối thứ hai rất quan trọng trong tháng 10/1989, đám đông khoảng 70.000 người lại tiếp tục cuộc tuần hành mỗi tuần của họ, bất chấp lực lượng công an được tăng cường và sự hiện diện của quân đội sẵn sàng dùng vũ lực để giải tán các đám đông. Công an mặc đồ chống bạo động đứng ở các ngã tư, có vòi rồng hỗ trợ. Xe bọc thép đậu dọc theo các con đường nhỏ, chở đầy công an. Tin đồn lan ra rằng các bệnh viện đã trữ sẵn máu và huyết tương.
Những lời cảnh cáo cụ thể được thông báo đến các nơi làm việc là không được tuần hành. Các công dân đều biết giới lãnh đạo cộng sản ở Berlin có thể làm bất cứ chuyện gì. Vào tháng Tám năm ấy, nhà lãnh đạo số 2, Egon Krenz, đến Trung Quốc. Ông tuyên bố tán thành việc quân đội Trung Quốc dẹp tan cuộc phản kháng Thiên An Môn do sinh viên lãnh đạo vào tháng Sáu, và nói rằng phải cần thiết làm như vậy để "duy trì trật tự". Thật vậy, nhà lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker đã ra lệnh lực lượng quân đội sẵn sàng bắn vào các người biểu tình.
Nhưng một nhóm những người lãnh đạo địa phương kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh và những người tuần hành vẫn vừa đi vừa hô vang "bất bạo động" và "chúng tôi là nhân dân". Cuộc thảm sát mà mọi người chờ đợi đã không xảy ra. Về sau, những người tuần hành ở thành phố Leipzig đã khích lệ các cuộc biểu tình bùng nổ trên toàn quốc mà không thể nào bị chặn đứng được.
Hai mươi năm sau, tôi trở lại Đức để dự lễ kỷ niệm ngày Bức tường Bá Linh sụp đổ tại Cổng trường Brandenburg ở Berlin. Trong cơn mưa tầm tã, tôi lắng nghe các nhà lãnh đạo thế giới ca tụng quyền tự quyết không gì cản được của nhân dân Đông Đức. Đặc biệt nhất là bài diễn văn của Lech Walesa, nhà bất đồng chính kiến, cựu lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết tranh đấu cho quyền lợi của công nhân và là vị tổng thống dân cử tự do đầu tiên ở Ba Lan hiện đại.
Theo như tôi nhớ, ông nói nước Đức nên cảm ơn nhân dân Ba Lan và Công đoàn Đoàn kết - và ông im lặng một cách đầy ý nghĩa, rồi tiếp tục nói : cũng như nên cảm ơn người Tiệp Khắc vào năm 1968, người Hung vào năm 1956, và công nhân Đông Đức vào năm 1953.
Tất cả những cuộc nổi dậy này đều bị lực lượng quân đội Xô Viết đàn áp thê thảm cho tới khi cuối cùng cuộc nổi dậy của Ba Lan thành công, cuộc nổi dậy của Đông Đức thành công, rồi một loạt các cuộc cách mạng dân chủ. Chúng ta không biết số phận của Ukraine rồi sẽ ra sao.
Nhưng với điều này thì chúng ta biết rõ : người dân không thể có tự do hay giữ được tự do trừ phi người dân quyết tâm bảo vệ tự do. Người Ukraine đang làm đúng như thế.
Francine Kiefer
Nguyên tác : In Ukraine, can humanity withstand Russian tanks ?, The Christian Science Monitor, 11/03/2022. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch (12/03/2022)