Thư ngỏ gởi Chủ tịch nước
Nhân dân Việt Nam chúng tôi viết thư này để xin lỗi Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bởi vì những lý do sau.
Nguyễn Phú Trọng 3 nhiệm kỳ Tổng bí thư - Ảnh minh họa
Chúng tôi không sánh với Chủ tịch nước về tài lặn của Chủ tịch nước. Người là Yết Kiêu của mọi thời đại. Trong suốt nhiều tháng Chủ tịch nước lặn rất sâu và chỉ trồi lên đôi lần không phải để lấy hơi mà để bàn việc nhân sự Đảng. Người là người cá của thế kỷ hai mươi mốt.
Chúng tôi không sánh với Chủ tịch nước về nghệ thuật uống trà cực kỳ tinh tế của Người. Hơn bốn ngàn năm qua chỉ có duy nhất một vị nguyên thủ quốc giaViệt Nam là Người mà công khai khen trà Tàu ngon hơn trà Việt ngay trước mặt Chủ tịch Trung Quốc. Cả dân tộc từ xưa đến nay chỉ biết uống trà nhưng chỉ có một mình Người là biết thưởng thức trà lưỡng quốc nên nhận xét tinh tế đến như vậy.
Chúng tôi không sánh với Chủ tịch nước về sức khỏe. Người sinh ra để dẫn dắt dân tộc đi tìm chủ nghĩa xã hội hoàn thiện trong trăm năm tới. Hôm nay chân Người tuy yếu và bước đi tuy không vững nhưng Người vẫn đi tới mãi, tuy chậm hẳn nhưng không nản lòng. Vậy thời gian đi đến chủ nghĩa xã hội hoàn thiện chắc chỉ đến hai hay ba trăm năm tới là cùng thôi. Cả dân tộc quyết tâm đi theo sau Người đến cùng vì Người là người dẫn đường vĩ đại nhất của Việt Nam.
Chúng tôi không sánh với Chủ tịch nước về sự kín đáo. Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng mà vẫn không lay động mảy may đến lòng Người. Người vẫn quyết tâm im lặng đến cùng để Người bình tâm mà ngước nhìn lên trời mỗi ngày và chợt nhận ra chân lý rằng mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam. Người là nhà thiên văn và dự báo thời tiết vĩ đại nhất của mọi thời đại.
Người là nhà thiên văn và dự báo thời tiết vĩ đại nhất của mọi thời đại.
Chúng tôi không sánh với Chủ tịch về tài lẩy Kiều. Tố Như học đòi ba trăm năm nữa chắc chi bằng Người.
Chúng tôi nhân dân bên dưới không sánh với Người ngự trên cao về mọi phương diện nên không thể suy nghĩ giống như Người. Nhưng chúng tôi mạo muội lẩy Kiều để tặng Người và để thay lời kết thư này.
Cánh hồng bay bỗng tuyệt vời.
Giữa đường gãy cánh rớt vào đống phân.
An Nam dị vương
Thay mặt thiên triều, sứ giả đến An Nam Phủ vào năm thứ chín mươi hai khởi nghiệp của triều nhà Nam Sản để chọn người kế vị. Trước khi đi sứ giả đã được thiên tử dặn dò cách chọn người. Theo đó từ trong bốn đại thần An Nam, y sẽ chọn ra một người lên làm Nam vương.
Trong bốn đại thần An Nam, y sẽ chọn ra một người lên làm Nam vương.
Sau khi bốn người quỳ mọp xuống sân triều y bắt đầu đọc to thánh chỉ chúc mừng họ đã được tuyển chọn vào cuộc thi. Tiếp đến y tuyên bố hễ ai mang vừa đôi giày thiên tử ban cho hôm nay thì người ấy được phong vương. Nói xong, y trao cho mỗi người một hộp đỏ bên trong có đôi giày.
Bốn người vào bốn phòng nhỏ trước mặt để thử giày. Một khắc sau, theo tiếng vỗ tay của sứ giả, họ bước ra mặt mày ai cũng hớn hở vô cùng vì ai cũng mang giầy rất vừa vặn.
Sứ giả bối rối ra mặt. Y nghĩ rất lung rằng chẳng lẽ có sự ngẫu nhiên không tiền khoáng hậu là ai cũng mang vừa đôi giày của mình sao. Y bỗng lo sợ khi nhớ lại nụ cười bí hiểm của thiên tử lúc bảo y có toàn quyền quyết định. Y bước tới bước lui trong phòng một lát và rồi với vẻ mặt rất đăm chiêu và căng thẳng nhìn từng đôi giày giống hệt nhau của mỗi người. Cuối cùng y ngồi xuống ghế và buông ra tiếng thở dài đầy lo âu khi nghĩ chuyến này mình đi về chắc cái đầu mình không còn vì việc lớn y làm chưa xong.
Bốn người từ nãy đến giờ vẫn đứng nhìn y và chờ đợi. Họ hiểu ra ngay sứ giả đang ở vào tình huống thật khó xử. Chợt quan đại phu già tóc bạc phau xin phép vào trong phòng thử giày một lát để ngồi nghỉ trong lúc chờ đợi. Sứ giả đồng ý.
Lát sau ông ta bước ra mỉm cười với vẻ mặt rất tự tin. Mọi người nhìn ông ngạc nhiên. Chợt tách trà trên tay sứ giả run run vì y thấy giày của đại phu già sáng loáng lên khác thường.
Y run giọng hỏi :
"Tại sao giày ngươi chợt bóng lên như vây ?"
Viên đại phu nói :
"Dạ xin tâu với sứ giả thiên triều, hạ thần trộm nghĩ bất luận vật phẩm nào của thiên tử ban tặng cũng đều quý giá hơn cả bảo vật quý nhất trên đời. Cho nên hạ thần mạo muội đánh bóng lại đôi giầy cho đẹp ạ".
"Nhưng người làm cách nào khi không có đồ dùng để đánh giày ?", y kinh ngạc hỏi.
"Dạ hạ thần dùng lưỡi". Đại phu cười nói.
Buông vội chén trà xuống bàn, sứ giả chạy đến quỳ lạy trước mặt đại phu nói :
"Kẻ hèn này xin vập đầu tạ ơn tân Nam vương đã cứu mạng !"
Trần Quốc Việt
07/05/2022
**********************
Cách nhìn
Arkady Averchenko - Trần Quốc Việt dịch
"Đàn ông các anh tức cười thật", bà nói rồi mỉm cười mơ màng. Không biết lời này ngụ ý khen hay chê, tôi đành trả lời mập mờ : "Cũng hơi đúng".
"Đúng quá đi chứ, như chồng tôi cũng ghen tuông thường tình như ai vậy. Nhiều lúc tôi tiếc là đã lấy phải ông ấy".
Tôi bối rối nhìn bà, "Chờ bà giải thích ạ", tôi mở đầu.
"À, tôi quên là ông đã chẳng nghe chuyện gì. Khoảng cách đây ba tuần, tôi với nhà tôi đi bộ qua quảng trường để về nhà. Tôi lúc ấy đội cái mũ đen lớn rất hợp với tôi, và má tôi ửng hồng do đi bộ. Khi chúng tôi đi qua dưới ánh đèn đường, một người đàn ông tóc đen đứng gần đấy liếc nhìn tôi và bất ngờ nắm lấy tay áo ông Alexander nhà tôi".
"Xin ông cho tôi mồi lửa", người ấy nói. Alexander giật tay về, cúi xuống và nhanh hơn chớp đập cả viên gạch vào đầu ông ấy. Ông ấy ngã vật xuống. Kinh quá !"
"Sao chồng bà bỗng dưng nổi ghen lên thế ?"
Bà nhún vai. "Tôi đã nói với anh rồi đàn ông rất tức cười".
Tạm biệt bà, tôi ra về, và tình cờ gặp chồng bà ở góc đường. "Chào ông", tôi nói. "Tôi nghe nói ông đập vỡ đầu người ta". Ông ta cười rộ lên. "Vậy anh nghe vợ tôi nói lại chứ gì. Rất may là tôi vớ được viên gạch có sẵn. Nếu không, thử nghĩ xem : Tôi có độ 1500 rúp ở trong túi, còn vợ tôi đang mang đôi bông tai kim cương".
"Ông nghĩ hắn muốn cướp ông à ?"
"Một thằng lạ đến gần anh ở chỗ vắng vẻ, hỏi xin lửa và nắm tay anh. Thử hỏi anh còn muốn gì nữa đây ?"
Bối rối, tôi chia tay ông và đi tiếp.
"Hôm nay không đuổi kịp anh", tôi nghe tiếng nói từ đằng sau.
Tôi nhìn quanh và thấy người bạn mà ba tuần qua tôi đã không gặp.
"Trời !" Tôi kêu lên. "Chuyện gì xảy ra với cậu vậy ?"
Hắn mỉm cười gượng gạo và hỏi ngược lại : "Anh biết dạo này có mấy thằng điên hay đi lang thang ngoài đường không ? Tôi bị một thằng điên đánh cách đây ba tuần đấy. Đến hôm nay tôi mới xuất viện".
Tôi bất ngờ tò mò hỏi : "Cách đây ba tuần ư ? Lúc ấy cậu đang ngồi ở quảng trường phải không ?"
"Đúng rồi. Chuyện phi lý hết sức. Lúc ấy tôi đang ngồi ở quảng trường, thèm thuốc muốn chết được. Mà chẳng có cây diêm nào ! Khoảng mười phút sau, có một ông với một mụ già đi ngang qua. Ông ta đang hút thuốc. Tôi liền đi đến ông ta, chạm vào tay áo ông và hỏi lịch sự : "Xin ông cho tôi mồi lửa ?". Anh có ngờ chuyện gì xảy ra không ? Cái gã điên khùng ấy, cúi xuống, nhặt cái gì đấy lên, rồi bất ngờ tôi nằm bất tỉnh trên đất đầu thì vỡ toác. Anh chắc có đọc báo về chuyện này".
Tôi nhìn hắn và hỏi nghiêm túc : "Cậu có thật sự tin cậu gặp phải người điên ?"
"Tôi chắc chắn hắn điên".
Dù gì đi nữa, về sau tôi háo hức lục tìm lại những số báo cũ của tờ báo địa phương. Cuối cùng tôi thấy điều tôi tìm : bản tin ngắn trong mục tai nạn.
Say rượu
"Vào sáng hôm qua những người trông coi quảng trường thấy trên ghế một thanh niên mà giấy tờ tùy thân chứng tỏ anh ta là người con nhà đàng hoàng. Anh ta rõ ràng đã té xuống đất trong tình trạng quá say xỉn, và bị vỡ đầu trên một viên gạch kế bên. Thật không thể nào tả được nỗi lo buồn của cha mẹ của kẻ say sưa này".
Arkady Averchenko
Nguồn : https://www.mn-masons.org/sites/mn-masons.org/files/TFS%20No%20213%202-1-12%20Truth.pdf
Arkady Averchenko (1881-1925) là nhà văn châm biếm Nga bậc thầy. Ông đào thoát khỏi nước Nga cộng sản vào năm 1920 và tiếp tục sáng tác những tác phẩm nổi tiếng chỉ trích chế độ cộng sản ở Nga. Ông sống và qua đời ở Tiệp Khắc.