Những người không uống rượu thường (hơi) buồn bã. Tôi ít khi giao du với họ. Ông Nguyễn Mộng Giác là một người như thế. Bởi thế, trong suốt thời gian ông ấy còn sống độc thân (tại chỗ) chúng tôi chỉ ngồi lâu được với nhau – đằm thắm và tương đắc – chỉ độ mươi lần.
Có lần, ông Giác có tâm sự chi buồn và (chắc) buồn ghê lắm. Thoáng thấy tôi, đương sự mừng ra mặt, lật đật lôi đâu ra một chai rượu bự, và hào sảng rót ngay ra hai ly đầy ắp.
Sau vài lần cạn ly đầy (rồi đầy ly cạn) thì nhà văn Nguyễn Mộng Giác (bỗng) biến thành một… nhà thơ. Ông cao giọng đọc thơ Phùng Quán :
Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất…
Rồi trầm giọng bình thơ Khoa Hữu :
"Thơ không còn là món trang điểm đua tranh sức chói lọi nơi cung đình. Thơ không còn là món đưa cay trong những cuộc say túy lúy. Thơ không còn là cái áo giáp cho ngươì ta phùng xòe trước đám đông và che dấu những thân thể suy nhược. Thơ không còn là khẩu hiệu cho những cuộc biểu dương lực lượng… Thơ là chiếc nạng vững chắc cho người già, là chỗ dựa cho những người thất thế từ đó đứng lên làm lại cuộc đời…" (*)
Coi : mới hết có nửa chai mà thằng chả đã "xỉn" hết biết luôn ! Thay vì nói rằng "tiền là chiếc nạng vững chắc cho người già, là chỗ dựa cho những người thất thế từ đó đứng lên làm lại cuộc đời…" thì Nguyễn Mộng Giác nói lộn thành "thơ". Ở đâu mà ra cái thứ thơ văn bảnh bao và ngon lành (quá cỡ) như vậy, cha nội ?
Tôi cũng thường xuyên uống quá chén, và nói quá lời như thế, nên chả bao giờ bận tâm đến những câu phát ngôn (ẩu tả) theo kiểu đó. Tưởng đâu là nghe qua rồi bỏ, và sẽ quên luôn, như thường lệ. Tưởng vậy mà không phải vậy.
Hôm rồi, từ Canada, chị Lâm Thu Vân ghé qua California và có cho tôi tập Truyện và Thơ của Phùng Cung (**). Tôi đọc gần hết đêm, rồi thức luôn tới sáng chỉ vì (chợt) nhớ lại những câu thơ mà Nguyễn Mộng Giác đã lớn tiếng ngâm nga mấy năm về trước :
Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất…
Bữa rượu hôm ấy, không chừng (dám) tôi say chớ không phải là ông Giác. Nhận là mình uống say, hay viết dở, là điều (hơi) khó đối với rất nhiều người – trong số đó có tôi. Dù vậy, xem xong thơ Phùng Cung tôi không chối được rằng :
Sứ mệnh thơ ơi
Trong sáng tuyệt vời !
Thơ quả đã giúp cho Phùng Cung sống sót, sau những năm dài tù ngục, và là chỗ dựa cho những người thất thế (như ông) đứng lên làm lại cuộc đời.
Và cuộc đời te tua, tả tơi, bầm dập của Phùng Cung cũng khiến tôi thốt nhớ đến những người cầm viết khác – cùng thời với ông – những kẻ đã dựa vào thơ văn chỉ để kiếm chút công danh, hay bổng lộc.
Theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi, sở dĩ ông Trần Thanh Mại được mời về làm cột trụ ở Viện Văn Học là nhờ vào công lao chống… nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Tuy nhiên, trong cuốn Trần Thanh Mại toàn tập (Nhà xuất bản Văn Học 2004) người ta đã không thấy có in lại những bài viết đấu tranh quyết liệt và nẩy lửa này.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã nhắc đến sự "thiếu sót" đó với (đôi chút) mỉa mai :
"… toàn tập chỉ là những gì còn ‘ăn khách’ được với hôm nay ? Còn những ‘miếng xấu hổ’ ‘khạc chẳng ra nuốt chẳng vào’ thì thôi, đành theo ý ai đấy giấu nhẹm đi để người ta quên đi một thời người cầm bút phải thóa mạ nhau túi bụi ‘cho vừa lòng bề trên’… Có lẽ như thế cũng là cách xử sự hữu lý chăng ?".
Giời ạ ! Tưởng sao chứ như thế thì có gì đâu là lạ. Trước đó 20 năm, năm 1984, người ta cũng đã chứng kiến cách "xử sự cho vừa lòng bề trên" (gần như thế) trong Tuyển tập Xuân Diệu :
"Nếu khi khai sinh, nhiều bài thơ của ông có lời đề tặng ở bên cạnh như Đi thuyền tặng Khái Hưng, Đây mùa thu tới tặng Nhất Linh, Vô biên tặng Hoàng Đạo thì trong công trình mà ông đích thân tham gia chuẩn bị là Tuyển tập Xuân Diệu ở trên vừa nói, những dây mơ rễ má đó được ông xóa sạch".
"Sợ liên lụy vì những người bạn cũ, trong các tài liệu chính thức, chẳng hạn, tiểu sử bản thân, đề ở đầu Tuyển tập Xuân Diệu (mà đọc kỹ thấy đúng giọng ông, tức do ông tự tay viết ra) nhà thơ giấu biệt chuyện mình đã từng là một thành viên của Tự lực".
"Và có lẽ chịu sự chi phối của ông – những lời năn nỉ thiết tha – nên các tài liệu nghiên cứu về ông, các giáo trình đại học viết về văn học trước 1945, hoặc trong Từ điển văn học in ra năm 1984, chuyện này cũng được lờ đi hoàn toàn".
"Đúng là Xuân Diệu chưa kịp viết hồi ký. Nhưng giá có viết nữa, thì chắc ông không định viết tiểu sử như ông có thực, mà sẽ chỉ viết tiểu sử của ông như nó nên có, như ông bạn đọc biết" (Vương Trí Nhàn, Cây Bút Đời Người, Phương Nam Corp., 2002, 319 -320).
Xuân Diệu đã không có dịp "đẽo gọt đời mình cho vừa với lịch sử" nhưng Tố Hữu thì có. Cuối đời, ông ấy đã cố "đẽo" mình theo hình ảnh… Bụ t! Những lời tâm sự của Tố Hữu – trước khi nhắm mắt – nghe (rất) đôn hậu, thiết tha và (vô cùng) thương cảm :
– Tôi đặc biệt cảm ơn nghệ sĩ Hoàng Cầm về những lời phê bình sắc sảo, chính xác và chân thành của anh bốn mươi năm trước đây đối với thơ tôi.
– Tôi khâm phục tài năng và ý chí của nghệ sĩ Đặng Đình Hưng. Đối với tôi, cuộc đời anh Hưng là một bài giảng cao cấp về niềm tin ở sự thật.
– Trần Đức Thảo là một mẫu mực của lòng say mê nghiên cứu và sáng tạo vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên lĩnh vực triết học. Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường đã góp phần khẳng định được vị trí tiên phong của đội ngũ trí thức cách mạng kiệt xuất và hùng mạnh…
– Văn Cao là một trong những nhạc sĩ lớn nhất…
– Quang Dũng là một trong những cánh chim đầu đàn của nền thơ cách mạng Việt Nam thế kỉ 20.
– Sau Quang Dũng và Hoàng Cầm, Trần Dần cũng là cây bút hạng nặng…
– Ngoài ra, phải kể đến Hữu Loan, Lê Đạt và Phùng Quán, ba nhà thơ ba vẻ khác nhau nhưng cùng sâu sắc, nóng bỏng tính chiến đấu không kém phần lãng mạn.
– Nhà văn Phùng Cung cũng cần phải được minh oan cùng với truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh. Cần lắm. Con ngựa già của chúa Trịnh chỉ là con ngựa già của chúa Trịnh mà thôi, không có ẩn ý gì xấu như bốn mươi năm trước đây một số người lầm tưởng…
(Nhật Hoa Khanh, "Gặp Tố Hữu Tại Biệt Thự 76 Phan Đình Phùng", 2004, không ghi nhà xuất bản)
Mô Phật ! Cuối cùng Tố Hữu đã buông đao, sau khi đã làm cho vô số cuộc đời bị "rạn vỡ, bị ruồng bỏ và bị lưu đầy" – nếu nói theo lời Phùng Quán. Và đó chỉ là những chuyện nhỏ, những hiện tượng lẻ tẻ và cá biệt của văn học thời "cách mạng".
Ở bình diện tập thể, còn nhiều vụ đáng ngại hơn nhiều. Xin đơn cử một thí dụ :
"Trong cuốn Lịch sử và Văn hóa Việt Nam, Những guơng mặt trí thức, tập Một, do Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Ân và Tạ Ngọc Liễn sưu tầm và biên tập, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin Hà Nội xuất bản năm 1998, các soạn giả đã chọn ra 71 nhân vật mà họ vinh danh là những trí thức Việt Nam tiêu biểu trải qua 770 năm lịch sử, với 9 thời đại và thời kỳ (Trần, Hồ, Lê, Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Nguyễn, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam)".
"Nhưng nhìn vào danh sách là chúng ta thấy ngay sự ăn gian của những người làm sách : trong suốt 720 năm (1225 – 1945) họ chỉ chấm có 38 nhân vật tức 53%. Ðó là Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu, Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn Trãi, Triệu Thái, Lê Thánh Tông, Lê Sĩ Liên, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp, Lê Qúi Ðôn, Lê Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Trần Văn Kỷ, Võ Trường Toản, Phan Huy Chú, Vũ Phạm Khải, Nguyễn Ðình Chiểu, Phạm Thuật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Quang Bích, Lương Văn Can, Nguyễn Phạm Tuân, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn An Ninh, và Phạm Tuấn Tài".
"Trong 50 năm sau cùng (1945 – 1995), họ đưa ra một số lượng khổng lồ là 33 nguời, tức 47%. Trong số 33 tên, chỉ trừ giáo sư Hoàng Xuân Hãn sống ở Pháp, còn lại 32 tên không ai khác hơn là những đảng viên cao cấp của Ðảng cộng sản Việt Nam và những nguời phục vụ chế độ cộng sản. Ðó là Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Truờng Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát…".
(Trần Anh Tuấn, "Khi chính trị chi phối văn hóa," Khởi Hành, Aug. 1999)
Theo truyền thống, những người độc quyền lãnh đạo cũng sẽ là những kẻ độc quyền đi vào lịch sử. Truyền thống này được giữ vững suốt từ thời phong kiến đến… nay, ở Việt Nam. Nó chỉ chấm dứt khi bắt đầu có hiện tượng viết… chui. Phùng Cung là một trong những người làm thơ chui như thế.
Khi cố "đẽo gọt" đời mình cho thành một "thi sĩ bồ tát" (chắc chắn) Tố Hữu đã không biết rằng chân dung, cũng như chân tướng, của ông đã được "tạc" xong – vào năm 1972, tại trại biệt giam Bảo Thắng, Lào Cai – bởi Phùng Cung :
Tội nghiệp nhà thơ !
Bơ vơ một nẻo
Hết móc ruột moi gan
Lại réo tên chỉ mặt
Bởi không biết sống
Nên không biết chết
Nửa thế kỷ
Bị lưu đầy
Trong cõi tung hô.
Tương tự, khi quí vị lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam chen lấn để đi quá giang (cho bằng được) vào lịch sử – có lẽ – không ai ngờ rằng nhân cách và trình độ trí thức của họ cũng đã được Phùng Cung ghi nhận từ lâu, trước đó :
Đất nước tôi
Triền miên bất hạnh
Tụi mặt dầy – tay bẩn
Tim rắn – lời cừu
Văn hóa lớp hai
Điều hành cuộc sống
Đám "văn hóa lớp hai" này (chắc) "chưa bao giờ nhìn kỹ vào những nấm mồ hay để cả một buổi tối nhìn lên bầu trời thăm thẳm, lấp lánh những ngôi sao im lặng… Bởi vì bất kỳ ai trò chuyện với các nấm mồ, đối thoại với các vì sao đều sẽ tốt hơn, nâng cao được nhân bản, giảm đi sự tàn ác, bất công với đồng loại. Họ đều sẽ hiểu cái phù du, cái vô nghĩa lý của kiếp người".
(Bùi Ngọc Tấn, Chuyện Kể Năm 2000, Nhà xuất bản Thời Mới, Toronto, 2000, tr.279)
Phùng Cung cũng đã nhiều lần ngước nhìn như thế, với nỗi băn khoăn tương tự :
Tôi đứng trong đêm
Ngửng đầu nhìn cao xa
Vọng hỏi
Có phải nước mắt con người
Đằm đằm dội xuống
Mà trên thiên cầu
Bao vì sao xao xuyến đổi ngôi.
Tôi (trộm) nghĩ thêm rằng nếu chợt có lúc "nhìn kỹ vào những nấm mồ hay để cả một buổi tối nhìn lên bầu trời thăm thẳm, lấp lánh những ngôi sao im lặng" thì "tụi mặt dầy tay bẩn" (rất có thể) cũng sẽ thôi làm những chuyện lố lăng, kịch cỡm – như đẽo gọt đời mình, hay cố chen chân (cho lọt) vào lịch sử.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : VNTB, 05/05/2022
(*) Nguyễn Mộng Giác, "Thơ Khoa Hữu", Nhà xuất bản Văn Học, California, 1977.
(**) Phùng Cung, "Truyện và Thơ chưa hề xuất bản", California: Văn Nghệ, 2003.