Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

15/05/2022

Qua những truyện ngụ ngôn này, suy ngẫm thêm về mình

Chinua Achebe và John Iroaganachi, Lỗ Tấn, Ana Blandiana

Tại sao báo có móng vuốt ?

Chinua Achebe và John Iroaganachi, The Native American and West African oral traditions, 04/05/2010

Lời giới thiệu : "Nếu ta nhìn đời qua nghệ thuật kể chuyện, trước tiên ta có người kêu gọi, người đánh trống giục giã mọi người đến - tôi gọi người ấy là người đánh trống. Rồi ta có người chiến sĩ tiến lên đánh nhau. Nhưng ta cũng có người kể chuyện thuật lại sự kiện, và đây chính là người còn sống, người sống lâu hơn tất cả mọi người khác. Chính người kể chuyện là người sinh thành ra nhân cách chúng ta và tạo ra lịch sử. Người kể chuyện tạo ra ký ức mà những người còn sống phải có ; nếu không, sự sống sót của họ sẽ chẳng có ý nghĩa" (Chinua Achebe).

ngungon1

Ban đầu... muông thú sống chan hòa thân tình với nhau. Báo là vua của chúng. Ông đầy quyền uy, nhưng hiền đức và sáng suốt. Ông rất chăm lo trị vì muông thú nên được tất cả chúng thương mến.

Vào thời đó thú vật không đánh nhau. Hầu hết chúng đều không có răng hay móng vuốt sắc bén. Chúng không cần đến những thứ ấy. Ngay cả Vua Báo cũng chỉ có răng nhỏ. Vua hoàn toàn không có móng vuốt.

Chỉ chó có răng lớn và bén. Các thú vật khác chê chó xấu xí, và chúng chế nhạo chó.

"Mang những thứ sắc bén ấy trong miệng quả là dại quá", rùa nói.

"Tôi cũng nghĩ thế, bác ạ", dê đồng tình.

Khỉ nhảy vào và bắt đầu chọc ghẹo chó.

"Bạn ơi, đừng lo", khỉ nói. "Bạn cần răng để khai khẩn đất đai nhà bạn chứ".

Thú vật phá ra cười trước câu nói đùa của khỉ.

Khi mùa canh tác lại đến, Vua Báo dẫn muông thú ra ngoài đồng ruộng. Ai ai cũng đều làm lụng cần cù để cày cấy mảnh đất của mình. Vào cuối ngày làm việc mệt nhọc chúng trở về nhà. Rồi chúng ra ngồi trên những ghế gỗ dài ở quảng trường làng. Trong lúc nghỉ ngơi chúng kể chuyện cho nhau nghe và uống rượu cất từ nhựa cây cọ.

Nhưng chẳng bao lâu nửa mùa mưa sẽ lại đến, nhưng thú vật chẳng có chỗ trú mưa.

Nai trình bày vấn đề này với Vua Báo. Cả hai bàn bạc rất lâu. Vua Báo quyết định gọi tất cả thú vật lại để thảo luận.

Vào một buổi sáng trời trong xanh... Vua Báo đánh trống triều. Khi thú vật nghe tiếng trống, chúng tụ hợp lại ở quảng trường làng. Rùa có mặt ở đấy. Dê cũng có mặt ở đấy. Cừu, đại thử, khỉ, nhím, vượn, chó và nhiều thú vật khác đều có mặt ở đấy.

Vua Báo chào hỏi tất cả thú vật rồi nói, "Ta mời tất cả mọi người đến đây để họp bàn về chuyện làm nhà trú ẩn chung".

"Ý kiến này hay đấy", hươu cao cổ nói.

"Đúng rồi, ý kiến rất hay", nhiều thú vật đồng thanh lên tiếng.

"Nhưng tại sao chúng ta lại cần nhà chung ?", chó hỏi. Chó vốn không thích Vua Báo.

"Chó hỏi thật hay", vịt nói. "Tại sao chúng ta cần nhà trú ẩn chung ?".

"Chúng ta thực sự cần có chỗ để nghỉ ngơi khi chúng ta từ ngoài đồng về", Vua Báo đáp.

"Ngoài ra", dê nói thêm, "chúng ta cũng cần nơi trú mưa".

"Tôi thì chẳng ngại gì bị mưa ướt", vịt nói. "Thực ra, tôi còn thích nữa. Tôi biết dê không thích bị ướt. Vậy hãy cứ để dê đi làm nhà trú mưa".

"Chúng ta cần nhà trú mưa", khỉ nói xong liền nhảy lên nhảy xuống ra chiều thích thú.

"Có lẽ chúng ta cần, hay có lẽ chúng ta không cần", vượn lười biếng ngồi trên hàng rào thấp ở quảng trường góp lời.

Chó lại nói. "Chúng ta chỉ phí thời gian thôi. Ai cần nhà trú mưa thì làm đi. Còn tôi sống trong hang, đối với tôi thế là đủ rồi". Rồi chó bỏ đi. Vịt cũng theo chó ra về.

"Còn ai muốn đi không ?", Vua Báo hỏi. Chẳng ai đáp hay có vẻ muốn đi.

"Tốt lắm", Vua Báo nói. "Những ai trong chúng ta còn lại ở đây hãy cùng nhau làm nhà làng".

Thú vật liền chia nhau đi tìm vật liệu xây dựng. Rùa vẽ mái nhà bắt chước theo kiểu mai của mình. Chuột lớn và chuột nhỏ đào móng nhà. Còn các thú vật khác người thì mang cây đến, kẻ thì mang dây thừng đến, những người khác thì làm các tấm liếp lợp nhà.

Chúng vừa làm nhà vừa hát vang nhiều bài ca hạnh phúc. Chúng cũng kể cho nhau nghe nhiều chuyện cười. Dù chúng làm việc rất cực nhọc, nhưng ai ai cũng vui.

Sau nhiều tuần chúng làm xong tòa nhà.

Tòa nhà quả là đẹp. Thú vật thích tòa nhà mới này lắm. Chúng đồng ý khánh thành nhà mới với ngày hội rất đặc biệt.

Vào ngày khánh thành, các thú vật cùng vợ con tập trung trong nhà làng mới. Vua Báo đọc diễn văn ngắn. Ông nói : "Nhà làng này là nhà của mọi người ở đây để cùng nhau tận hưởng. Các ngươi đã cùng nhau làm việc rất cần cù để làm nhà. Ta tự hào về các ngươi.

Thú vật vỗ tay và ba lần hoan hô đức vua mình.

Từ ngày ấy mỗi khi đi làm đồng về chúng lại nghỉ ngơi trong nhà mới của chúng.

Nhưng chó và vịt tránh xa nhà làng.

Sáng nọ thú vật ra đồng như thường lệ. Vua Báo đi thăm tù trưởng ở làng khác.

Lúc đầu trời nắng chói chang. Rồi những cơn gió mạnh bắt đầu thổi. Mây đen che kín mặt trời. Mưa đầu mùa rơi xuống. Chim chóc ngừng hót. Ve sầu im tiếng. Ánh chớp lóe sáng ngang dọc khắp các đám mây đen. Những tràng sấm sét nổ vang trời. Mưa như trút nước không dứt.

Thú vật ngoài đồng thấy mưa đến liền bắt đầu vội vàng đi về nhà làng.

Chó cũng thấy mưa đến nên trở về hang. Nhưng cơn mưa cực kỳ lớn. Nước bắt đầu tràn vào hang. Chẳng bao lâu hang ngập lụt.

Chó cứ chạy từ đầu hang đến cuối hang. Nhưng nước đuổi theo hắn khắp mọi nơi. Cuối cùng hắn chạy thoát được ra khỏi hang và chạy thẳng đến nhà làng của các thú vật.

Nai đã ở đấy rồi. Nai ngạc nhiên khi thấy chó bước vào nhà.

"Bác muốn gì ở đây ?", nai nói với chó.

"Không phải chuyện nhà bác", chó đáp.

"Chính là chuyện của nhà tôi đấy chứ", nai nói. "Bác làm ơn đi ra, nhà này chỉ cho những ai đã góp tay làm nên nó thôi".

Rồi chó tấn công nai và dùng răng lớn, bén của hắn cắn nai. Nai đau đớn kêu thét lên. Chó nắm cổ nai ném ra ngoài mưa.

Các thú vật khác lần lượt bước vào nhà.

Chó sủa vang và tống cổ tất cả chúng ra khỏi nhà. Chứng đứng ngoài mưa bên nhau run rẩy và khóc nức nở. Chó tiếp tục sủa vang và nhe răng ra.

Nai cất tiếng kêu :

Hỡi Vua Báo cao thượng của chúng tôi,

Người ở đâu ?

Hỡi vua da đốm của rừng xanh,

Người ở đâu ?

Dù người ở đâu xa,

Cũng phải mau vội về nhà !

Điều xấu xa nhất đã xảy ra với chúng tôi

Điều xấu xa nhất đã xảy ra với chúng tôi...

Nhà thú vật dựng nên,

Chó tàn ác không cho chúng tôi vào,

Nhà chung chúng tôi đã cùng làm,

Chó tàn ác không cho chúng tôi vào.

Điều xấu xa nhất đã xảy ra với chúng tôi,

Điều xấu xa nhất đã xảy ra với chúng tôi...

Tiếng kêu của nai vang vọng to và rõ. Tiếng kêu theo gió lan xa. Vua Báo trên đường về nghe tiếng nai kêu liền bắt đầu chạy thẳng đến nhà làng.

Khi ông đến gần, ông thấy thú vật, người ướt đẫm và đang trú mưa dưới cây. Cả bọn đều than khóc. Khi ông đến gần hơn, ông thấy chó đi ngang qua ngang lại trong nhà.

Vua Báo rất tức giận. "Cút ngay ra khỏi nhà", ông nói với chó. Chó sủa và lao đến ông. Họ bắt đầu đánh nhau. Chó cắn báo và dùng móng vuốt xé da báo. Vua Báo mình mẩy đầy máu me. Chó trở lại vào nhà. Hắn đứng ở cửa sủa liên hồi. "Đến lượt ai nào ? Ai ! Ai !", hắn sủa vang.

Vua Báo quay sang thú vật nói, "Chúng ta hãy cùng nhau xông vào đánh đuổi kẻ thù. Hắn mạnh, nhưng hắn chỉ có một mình. Còn chúng ta đông hơn. Chúng ta có thể hợp lực cùng nhau đánh đuổi hắn ra khỏi nhà chúng ta".

Nhưng dê nói : "Chúng ta không thể đương đầu với hắn. Hãy nhìn hàm răng mạnh mẽ của hắn kia kìa ! Hắn chắc chắn sẽ xé xác chúng ta ra trăm mảnh !"

"Bác dê nói đúng", các thú vật đồng thanh nói. "Hắn quá mạnh nên chúng ta không thể nào chống lại nổi".

Rùa đứng lên nói : "Tôi chắc chắn tất cả ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy buồn về chuyện xảy ra với bác báo. Nhưng báo thật là dại dột khi ăn nói với chó như thế. Chỉ có kẻ ngu dại mới làm cho người mạnh mẽ như chó khó chịu. Chúng ta hãy làm hòa với chó thôi. Tôi không biết mọi người khác nghĩ sao chứ. Nhưng tôi nghĩ đáng lẽ ra chó phải làm vua chúng ta từ lâu rồi. Chó mạnh mẽ ; chó tuấn tú. Chúng ta hãy quỳ xuống chúc tụng Người".

"Tán thành ! Tán thành !"n tất cả các thú vật hô vang. "Hoan hô chó !"

Đôi dòng nước mắt bắt đầu chảy xuống mặt báo. Lòng ông trĩu nặng. Ông thương thú vật rất nhiều. Nhưng chúng đã quay lưng lại với ông. Bây giờ ông mới biết chúng là những kẻ hèn nhát. Cho nên ông quay lưng lại với chúng và bỏ đi. Do chịu quá nhiều vết thương ông thấy người yếu và mệt mỏi. Vì vậy ông nằm nghỉ một lát ở dưới một bóng cây xa làng.

Thú vật thấy ông đi khỏi. Nhưng chúng chẳng quan tâm. Chúng quá bận rộn xúm vào khen tụng chó, vua mới của chúng. Rùa tạc vương trượng mới cho vua. Cóc sáng tác bản nhạc mới ca ngợi vua :

Chó vĩ đại

Chó tốt

Chó ban cho chúng ta thức ăn hàng ngày.

Chúng ta yêu đầu chó, chúng ta yêu hàm chó

Chúng ta yêu chân chó và tất cả các móng vuốt của chó.

Chó nhìn quanh những thú vật đang đứng thành vòng tròn hỏi, "Báo ở đâu ?"

"Tâu Vua, chúng tôi nghĩ báo đã bỏ đi", dê nói.

"Tại sao ? Hắn không có quyền bỏ đi", chó nói. "Không ai có quyền rời khỏi làng và nhà làng xinh đẹp. Tất cả chúng ta phải cùng nhau ở lại".

"Chí lý thay", thú vật đồng thanh hô vang. "Chúng ta phải cùng nhau ở lại ! Báo phải trở về làng ! Đức vua sáng suốt của chúng ta đã phán ! Phúc thay có được đức minh quân sáng suốt !"

Rồi chó kêu tên của sáu thú vật lực lưỡng và ra lệnh chúng : "Hãy đi ngay đưa báo về. Nếu hắn không chịu theo các ngươi, các ngươi phải lôi cổ nó đi. Nếu chúng ta để hắn đi, những kẻ khác có thể noi theo gương độc ác của hắn rồi đến lúc đấy chẳng còn ai ở lại làng này nữa. Điều ấy quả thực rất xấu xa. Bổn phận làm vua của ta đối với các ngươi là bảo đảm tất cả chúng ta sống chung với nhau. Báo là thú vật độc ác. Cho nên hắn mới bỏ đi sống riêng một mình. Bổn phận của chúng ta là phải ngăn chặn hắn lại. Không ai có quyền đi khỏi làng và nhà làng xinh đẹp của chúng ta".

"Không ai có quyền đi khỏi làng", tất cả các thú vật nói hòa theo như hát khi sáu sứ giả ra đi tìm báo.

Chúng thấy ông nghỉ dưới cây ở ngoài làng. Mặc dù ông bị thương và yếu ông vẫn còn trông giống như vua. Vì vậy sáu sứ giả đứng hơi xa nói với tới ông.

"Chó, đức vua mới của chúng ta, ra lệnh ngươi phải trở về làng". Chúng nói.

"Người nói không ai có quyền rời khỏi làng", lợn nói.

"Đúng, không ai có quyền rời khỏi làng và nhà làng xinh đẹp của chúng ta", những sứ giả khác nói.

Báo nhìn chúng khinh bỉ. Rồi ông chậm rãi đứng lên. Sáu thú vật liền lùi lại. Nhưng báo không bước đến chúng. Ông quay lưng lại với chúng và bắt đầu bỏ đi - một cách chậm chạp và đau đớn. Một thú vật nhặt đá ném ông. Rồi tất cả những thú vật lập tức nhặt đá ném ông. Chúng vừa ném vừa đồng ca : "Không ai có quyền rời khỏi làng chúng ta ! Không ai có quyền rời khỏi làng chúng ta !"

Mặc dù nhiều hòn đá ném trúng vào báo khiến ông đau đớn, nhưng ông không quay lại dù chỉ một lần. Ông tiếp tục đi cho tới khi ông không còn nghe tiếng ồn ào của lũ thú vật nữa.

Báo đi suốt bảy ngày và bảy đêm. Rồi ông đến nhà người thợ rèn. Người thợ già đang ngồi bên lò rèn. Báo nói với ông : "Tôi muốn ông có thể lấy sắt mà rèn cho tôi bộ răng mạnh mẽ nhất. Và tôi muốn ông có thể lấy đồng mà rèn cho tôi bộ móng vuốt gây tử thương nhất".

Người thợ rèn nói : "Tại sao ông cần những thứ khủng khiếp như thế ?". Báo kể chuyện mình. Nghe xong người thợ rèn nói : "Tôi không trách ông".

Người thợ rèn mất cả ngày trời mới làm xong bộ răng, rồi thêm cả một ngày nữa mới làm xong bộ móng vuốt. Báo rất thích chúng. Ông mang chúng vào và cảm ơn người thợ rèn. Rồi báo từ biệt và đi đến nhà Sấm.

Báo gõ cửa và Sấm nổ vang động ầm ầm khắp bầu trời.

"Tôi muốn tiếng nói tôi có được một phần tiếng sấm của ông", báo nói. "Dù chỉ một chút cũng được".

"Tại sao ông muốn tiếng sấm của tôi trong tiếng nói ông ?", Sấm hỏi. "Và tại sao ông lại có bộ răng và móng vuốt khủng khiếp ấy ?"

Báo kể chuyện mình. "Tôi không trách ông", Sấm nói. Ông cho báo tiếng sấm. "Cảm ơn ông đã ban cho quà tặng", báo nói. Rồi báo bắt đầu lên đường về nhà.

Báo đi suốt bảy ngày và bảy đêm để trở lại làng thú vật. Đến nơi ông thấy thú vật đang nhảy thành vòng tròn quanh chó. Ông đứng xem chúng một lát với vẻ khinh bỉ và lòng ông dâng trào phẫn nộ. Chúng quá mải mê bận rộn nên không nhận thấy ông đến. Ông cất lên tiếng gầm trầm trầm ghê sợ. Đồng thời ông phóng vào giữa vòng tròn. Thú vật ngừng hát. Chó rớt vương trượng. Báo vồ lấy chó rồi cắn và cào không thương tiếc. Rồi ông ném chó bay ra khỏi vòng tròn.

Tất cả thú vật đều phát run cầm cập.

Nhưng chúng sợ quá không chạy nổi. Báo quay sang chúng nói :

"Các ngươi là lũ sâu bọ khốn nạn. Những kẻ hèn nhát không biết xấu hổ. Ta là vị vua nhân ái hiền từ, thế mà bọn các ngươi quay lại phản ta. Do thế từ hôm nay trở đi ta sẽ cai trị khủng khiếp rừng xanh. Cuộc sống làng ta chấm dứt từ đây".

"Còn nhà chúng ta thì sao ?", rùa hỏi giọng run sợ.

"Ai đã mang cái gì đến làm nhà thì bây giờ hãy lấy mang về", báo nói.

Thú vật bắt đầu khóc nức nở như từ lâu chúng đã khóc nức nở trong mưa.

"Báo ơi, xin tha thứ cho chúng tôi", chúng kêu lên.

"Ai đã mang cái gì đến làm nhà thì bây giờ hãy lấy mang về", báo nhắc lại. "Làm nhanh lên !", báo gầm lên như sấm động.

Thế là thú vật vội vàng tháo dỡ nhà ra. Kẻ thì lấy gỗ mang đi, người thì lấy đi các tấm liếp. Những người khác thì lấy đi các cánh cửa và cửa sổ. Cóc mang theo trống cơm và bắt đầu gõ trống cho báo và hát :

Sống hay chết báo vẫn là vua nhé,

Nên bạn ơi hãy coi chừng, chớ ghẹo Người.

Nhưng báo gầm thét lên như sấm dội khiến cóc rớt cả trống còn các thú vật chạy tán loạn vào rừng.

Lúc báo gầm thét ấy thì chó đã chạy rất xa. Bây giờ hắn lại chạy càng lúc càng nhanh hơn. Khắp mình hắn đầy máu, và hắn rất yếu, yếu lắm rồi. Hắn muốn dừng lại nghỉ một chút. Nhưng hắn sợ báo đến mức quên đi bao yếu đuối. Vì thế hắn bước đi lảo đảo rồi ngã rồi đứng lên lại và cứ đi lảo đảo như thế mãi không ngừng...

Sau nhiều ngày chó đến nhà người thợ săn.

"Ông ơi làm ơn che chở tôi khỏi báo dữ", hắn kêu van.

"Vậy người làm gì lại để đền đáp ơn ta ?", người thợ săn hỏi.

"Tôi sẽ là nô lệ của ông", chó nói, "Ngày nào ông thèm thịt tôi sẽ chỉ đường đưa ông vào rừng. Ở đấy chúng ta có thể cùng nhau săn và giết các thú vật đồng loại của tôi".

"Được rồi, vào đi", người thợ săn nói.

Ngày nay thú vật không còn là bạn hữu nhau nữa. Báo, sôi sục uất hận, ăn sạch bất kỳ ai ông có thể vồ được. Thinh thoảng nhờ chó dẫn đường, người thợ săn vào rừng bắn bất kỳ thú vật nào ông thấy. Có lẽ ngày nào đấy thú vật sẽ làm hòa với nhau để lại sống chung với nhau như xưa. Lúc ấy chúng mới có thể tránh xa người thợ săn là kẻ thù chung của chúng.

Chinua AchebeJohn Iroaganachi

Nguyên tác : "How the Leopard got his Claws", in The Native American and West African oral traditions, We too were Children, 04/05/2010

Trần Quốc Việt dịch

*******************

Kẻ khôn, người dại và nô lệ

Lỗ Tấn, The Unz Review, An Alternative Media Selection, 05/11/1946.

Người nô lệ chẳng biết làm gì hơn ngoài việc hay than thở với mọi người. Ngày nọ hắn gặp một người khôn.

ngungon02

"Ông ơi !" hắn khóc lóc thảm thương, nước mắt cứ tuôn trào trên má, "chắc ông biết con sống chẳng ra gì kiếp người ! Cả ngày một bữa thôi chưa chắc con đã có, mà nếu có thì cũng toàn chỉ trấu thôi đến bọn lợn kia chúng cũng chẳng thèm đụng đến. Đã thế lại chỉ được một bát nhỏ...".

"Bác thật đáng thương lắm !", người khôn động lòng thương hại nói.

"Ông cũng thấy vậy ư ?" - Mặt người nô lệ hớn hở.

"Rồi con còn phải làm lụng không ngơi tay suốt cả ngày lẫn đêm. Sáng gánh nước chiều nấu ăn. Trưa đi chợ tối xay lúa ; trời nắng phải giặt giũ trời mưa phải cầm dù ; đông đến đốt lò hè về quạt cho chủ. Nửa đêm khi chủ khách đánh bài thì con phải nấu ăn phục dịch. Ấy thế họ chẳng cho con tiền quà gì mà đôi khi con còn lại bị ăn roi vọt, và...".

"Trời ơi", người khôn thở dài. Mắt ông ngấn đỏ rồi nước mắt bắt đầu chảy xuống má.

"Ông ơi ! Con không thể nào sống như vầy mãi. Con phải tìm cách khác thôi, ông ạ. Nhưng chẳng biết cách nào đây ?", người nô lệ than.

"Tôi tin hoàn cảnh bác chắc chắn rồi sẽ chẳng mấy chốc khá hơn", người khôn nói giọng nhỏ nhẹ và cảm thông.

"Ông nghĩ vậy sao ? Con cũng luôn luôn hy vọng như thế. Còn giờ đây, con thấy được an ủi rất nhiều sau khi giãi bày hết tình cảnh của con với ông và được ông cảm thông khích lệ. Biết đâu trời cao ngó lại…".

Tuy nhiên, vài ngày sau, người nô lệ lại cảm thấy ưu phiền. Thế là hắn lại đi tìm người để than thân trách phận.

Gặp kẻ đầu tiên hắn khóc òa lên nói : "Ông ơi ! Ông ắt biết rõ nơi con phải ở còn tệ hơn cả chuồng lợn ! Chủ con không đối đãi với con như là con người ; ông ta đối đãi với chó còn vạn lần tốt hơn...".

"Sao lại như thế được ?", người ấy quát lên khiến người nô lệ giật bắn người. Người này là kẻ dại.

"Ông ơi ! con sống trong cái chòi nhỏ tồi tàn, tối tăm, ẩm thấp, rệp nhiều vô kể. Mỗi lần con nằm xuống ngủ là chúng hút máu con đến phình bụng ra. Chỗ ở hôi hám mà chẳng có cửa sổ gì...".

"Hãy nói chủ làm cửa sổ cho bác ?"

"Sao con dám mở miệng nói ?"

"Thôi được để tôi đến đấy xem sao".

Kẻ dại theo người nô lệ về nhà. Ngay khi thấy cái chòi y liền bắt đầu ra sức đập mạnh vào vách đất cho lủng lỗ.

"Ông làm gì thế ?", người nô lệ kinh hãi kêu lên.

"Để tôi khoét cửa sổ cho bác".

"Không, không được đâu. Chủ tôi sẽ la mắng tôi chết".

"Mặc kệ hắn !" - Kẻ dại cứ đập mạnh liên tiếp vào vách.

"Bớ bà con ơi, đến đây mau. Trộm đang đục tường khoét vách nhà đây. Nhanh lên nhà sắp sụp rồi !", người nô lệ nằm lăn lộn ra đất tru tréo.

Đám nô lệ chạy ra đuổi kẻ dại đi.

Nghe tiếng la ó, người chủ cuối cùng từ từ bước ra.

"Bẩm ông, tên trộm đang cố khoét vách vào nhà thì con là người đầu tiên thấy nó liền la to cho mọi người biết. Rồi con cùng với những người khác đánh đuổi nó đi". Người nô lệ kể lại với giọng tôn kính và đắc thắng.

"Giỏi", người chủ khen hắn.

ngungon2

Ngày hôm đó nghe tin nhiều người đến thăm hỏi, trong bọn đến thăm có cả người khôn. Người nô lệ mặt rạng ngời hy vọng mừng rỡ đón chào ông.

"Ông ơi, chủ con thấy con được việc nên khen con đấy. Con cứ nhớ lời ông dạy là đời con sẽ khá thôi, quả đúng là ông nhìn xa thấy rộng !"

"Tất nhiên", kẻ khôn đáp lại và có vẻ mừng cho hắn.

26 tháng Mười Hai, 1925

Lỗ Tấn

Nguyên tác : How the Leopard got his Claws (1925), Truyện ngụ ngôn, bản dịch tiếng Anh của Hồng Vĩnh Trí, The Unz Review, An Alternative Media Selection, 05/11/1946.

Trần Quốc Việt dịch

********************

Cửa sổ mở 

Ana Blandiana, Review Of Contemporary Fiction, mùa Xuân 2010.

Vào thời ấy, khi một họa sĩ bị bắt anh được phép mang bộ cọ và sơn vào tù. Vì thế khi anh bước vào xà lim tối đen trong tháp ngục, ý nghĩ đầu tiên của nhân vật trong truyện này là vẽ cho mình một cửa sổ mở trên một bức tường bên ngoài. Họa sĩ bắt đầu làm việc và đã thực sự vẽ một cửa sổ mở qua đấy ta có thể nhìn thấy bầu trời xanh lóa mắt. Xà lim nhờ thế trở nên sáng hơn nhiều.

ngungon3

Sáng đến, khi mang mẩu bánh mỳ và chút nước cho họa sĩ, cai tù phải nhắm mắt lại, ánh sáng tràn vào qua cửa sổ họa sĩ đã vẽ khiến hắn phải lóa mắt. 

"Chuyện gì ở đây thế ?", hắn hét to rồi vội vàng đến đóng cửa sổ, chỉ va đầu vào bức tường. 

"Tôi đã mở cửa sổ", họa sĩ bình thản đáp. "Trong này tối quá". 

"Ha, ha, ha", cai ngục cười vang, nhưng cảm thấy xấu hổ vì mình bị lừa, liền lặp lại lời họa sĩ với vẻ châm chọc : "Mày đã mở cửa sổ ? Mày đã vẽ cửa sổ, đồ cặn bả ! Chẳng phải cửa sổ thực sự. Mày chỉ giỏi tưởng tượng đấy là cửa sổ". 

Họa sĩ bình thản trả lời, "Tôi chỉ muốn tạo ra ánh sáng trong xà lim, và tôi đã làm được. Qua cửa sổ ta có thể nhìn thấy bầu trời. Khi ông bước vào, chính ông cũng phải nhắm mắt lại vì ánh sáng đấy thôi". 

Đến đây cai ngục nổi giận : "Tao chả tin được mày. Tháp ngục này không có đến một cửa sổ. Ai bước vào đây rồi sẽ chẳng bao giờ thấy lại ánh nắng ban ngày". 

"Nhưng, trong xà lim tôi, ánh nắng chiếu vào qua cửa sổ". họa sĩ nói. 

"À, mày tưởng thế sao", cai ngục đáp một cách châm chọc. "Vậy tại sao mày không thử vượt ngục ? Có thế mày mới thuyết phục được tao rằng tao với mày đang nói về một cửa sổ thật". 

Họa sĩ trầm tư nhìn cai ngục, bước vài bước đến bức tường, và lao mình qua cửa sổ. 

"Chờ đấy !" cai ngục thất kinh nhảy đến để cản họa sĩ, chỉ lại va đầu lần nữa vào bức tường. "Báo động ! Tù nhân vượt ngục !" hắn bắt đầu la to, trong khi đó qua cửa sổ ta có thể nghe tiếng thân hình của họa sĩ rơi nhanh rồi đập mạnh xuống vỉa hè dưới chân tháp ngục. 

Ana Blandiana

Nguyên tác : "The Open Window" (2005), bản dịch tiếng Anh của Jean Harris, in Review Of Contemporary Fiction, Tập 30, số 1số mùa Xuân 2010.

Trần Quốc Việt dịch

Ana Blandiana là nhà thơ người Romania nổi tiếng với các bài thơ phản kháng chế độ cộng sản toàn trị trước đây ở Romania. 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chinua Achebe và John Iroaganachi, Lỗ Tấn, Ana Blandiana, Trần Quốc Việt
Read 944 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)