Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

30/05/2022

Sống theo những nguyên tắc danh dự, đức tin và phụng sự

Trần Quốc Việt, John McCain, Don Whitehead

Người lính không bao giờ chết

Trần Quốc Việt, 30/05/2022 

Lời tác giả : Nhân lễ Chiến sĩ trận vong 2022 tại Mỹ, tôi viết lại câu chuyện này như nén hương lòng tưởng niệm người đã khuất.

memorial1

Sau khi cha mất, anh tò mò tháo cổ áo ra. Thay vào những lớp bông đã được rút ra là lá cờ vàng ba sọc của Việt Nam Cộng Hòa được cha quấn gọn gàng kín đáo dưới cổ áo rồi may kín lại - Ảnh minh họa 

Đây là câu chuyện có thật tôi nghe một người bạn thân trong xóm kể lại : 

Khi cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam, cha anh không phải chịu cảnh tù đày vì ông chỉ là trung sĩ truyền tin. Từ đấy vào mùa đông giá lạnh ở miền trung cha anh thường hay mặc chiếc áo khoác dã chiến của lính Mỹ ngày xưa. Chiếc áo trở thành vật bất ly thân của ông mỗi khi mùa đông về.

Bốn mươi năm trôi qua ông vẫn mặc hoài chiếc áo khoác ấy. 

Lúc hấp hối, ông không nói nên lời. Ông ra hiệu cho người con trai đầu đến bên giường. Ông nhiều lần chỉ tay vào cổ áo. Anh không hiểu cha muốn nói gì. Rồi cha anh qua đời, hai tay vẫn đặt trên cổ áo đã sờn nhiều theo năm tháng. 

Sau khi cha mất, anh tò mò tháo cổ áo ra. Thay vào những lớp bông đã được rút ra là lá cờ vàng ba sọc của Việt Nam Cộng Hòa được cha quấn gọn gàng kín đáo dưới cổ áo rồi may kín lại. 

Câu chuyện không có đoạn kết vì bạn tôi không nói gì đến lá cờ sau đó về đâu. Tôi không tiện hỏi. 

Với bảo cảm xúc dâng trào trong lòng tôi viết lại câu chuyện này như nén hương lòng tưởng niệm người đã khuất. 

Lá cờ có thể theo người xuống mộ hay là di vật trao cho người ở lại. Tôi không biết. Nhưng sau đấy mỗi khi đông về tôi thấy trong tâm tưởng hình ảnh cô độc của một người đàn ông lớn tuổi hay mặc chiếc áo khoác đi ngang qua nhà tôi, bóng dáng của người lính không bao giờ chết. 

Trần Quốc Việt

(30/05/2022)

************************

Xin dâng mình cho Sơn Hà và Tự Do

John McCain, National Public Radio, 17/10/2005.

Tôi tin vào danh dự, đức tin và phụng sự cho tổ quốc và cho nhân loại. Bài học này tôi học được từ gia đình, từ những người cùng phục vụ với tôi ở Việt Nam và từ những người bạn Mỹ.

memorial2

Di ảnh cố Thượng nghị sĩ John McCain (28/09/1936 – 25/08/2018)

Đơn cử William B. Ravnel. Ông từng phục vụ trong quân đoàn thiết giáp của Patton mà đã tung hoành khắp Châu Âu. Tuy nhiên tôi biết ông là thầy giáo Anh văn và huấn luyện viên football ở trường tôi. Thầy dạy Shakespeare rất hay và thầy có tài lãnh đạo tuyệt vời khiến tôi ngưỡng mộ thầy. Thầy dạy tôi điều quan trọng nhất là phải tuân theo quy ước danh dự của trường chúng tôi. Nếu chúng tôi luôn luôn làm đúng theo những tiêu chuẩn trung thực và danh dự ấy thì chúng tôi có thể tự hào về mình. Chúng tôi có thể phụng sự cho những sự nghiệp chung cao quý hơn quyền lợi riêng của mình.

Nhiều năm sau, tôi thấy tấm gương danh dự ở nơi bất ngờ nhất. Là người tù binh Mỹ đầy sợ hãi ở Việt Nam, tôi bị những kẻ tra tấn tôi trói bằng dây thừng dùng để tra tấn rồi bị bỏ mặc như thế trong căn phòng trống không để chịu đau đớn suốt cả đêm. Vào xế chiều, một người lính gác mà tôi chưa từng bao giờ nói chuyện bước vào phòng và lặng lẽ nới lỏng dây thừng ra để cho tôi bớt đau đớn. Ngay trước khi trời vừa sáng, người lính gác ấy trở lại và buộc chặc dây thừng lại như cũ trước khi những đồng chí ít nhân đạo hơn của anh lại đến. Mấy tháng sau vào buổi sáng ngày Giáng sinh, khi tôi đứng một mình trong sân tù, người lính gác ấy bước đến chỗ tôi và đứng kế bên tôi một lát. Rồi anh lấy dép vẽ thánh giá lên đất. Chúng tôi đứng đấy im lặng độ đôi phút, cho tới khi người lính gác xóa hình vẽ rồi bỏ đi.

Đối với tôi đấy là đức tin : đức tin kết nối mà không bao giờ phân chia, đức tin nối liền những bến bờ không thể nào nối được ở con người. Chính đức tin rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng và đều được Tạo hóa ban cho những quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc bất khả xâm phạm. Tôi sẵn sàng chết để bảo vệ chính đức tin ấy.

Quyết tâm hành động một cách danh dự và trung thực của tôi luôn luôn thúc dục tôi hoạt động để phụng sự tổ quốc. Từ trước đến nay tôi tin rằng phương tiện để đạt đến hạnh phúc thật sự và giá trị chân chính của con người luôn luôn được đo bằng sự phụng sự trung thành của chúng ta cho sự nghiệp chung cao quý hơn quyền lợi riêng của mình. Ở Mỹ, chúng ta tán dương những đức tính của người anh hùng thầm lặng - người khiêm nhường thực hiện nghĩa vụ của mình mà không phàn nàn hay hy vọng được khen ngợi ; người lắng nghe chăm chú tiếng gọi của non sông, và khi non sông lên tiếng, người ấy đáp lời không dè dặt, chẳng phải vì danh tiếng hay tưởng thưởng, mà chỉ vì tình yêu tổ quốc.

Tôi là người phụng sự kém cỏi cho tổ quốc và tôi là người hèn kém thật sự trước bao sai lầm của mình. Tôi luôn luôn cố gắng sống theo những nguyên tắc danh dự, đức tin và phụng sự vì tôi cũng muốn con tôi sống theo những nguyên tắc ấy. Tôi hy vọng là tấm gương tốt cho con để khi thế hệ của họ thay thế chúng ta, họ sẽ đạt đến những quyết định tốt hơn và tiếp tục mở đường đến công chính và tự do.

John McCain

Nguyên tác : "The Virtues of the Quiet Hero", National Public Radio, 17/10/2005. Tựa đề của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

John McCain (28/09/1936 – 25/08/2018) là cố thượng nghị sĩ Hoa Kỳ . Ông là phi công hải quân Mỹ phục vụ trong cuộc chiến Việt Nam và bị giam giữ 5 năm tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

*********************

Dâng mình cho Tự Do

Don Whitehead - Trần Quốc Việt dịch 

Tại một tiền đồn heo hút ở Việt Nam, một người lính ở Knoxville mới vừa đủ tuổi đi bầu ngồi một mình trong sở chỉ huy nghĩ về nhà, về cha mẹ, về ý nghĩa cuộc chiến tranh trên đất nước xa lạ ấy, và lý do anh ở đây.

memorial3

Một người lính Mỹ ngồi viết thư / Life - Ảnh minh họa 

Hôm ấy là ngày 4 tháng Sáu, 1969.

Thanh niên ấy mang lon trung úy.

Anh tự nguyện đăng lính vào năm 1967 lúc 19 tuổi. Rồi trải qua nhiều tháng huấn luyện ở các quân trường Benning và Bragg và Bliss. Huấn luyện căn bản. Huấn luyện sĩ quan. Và những giờ học tiếng Việt.

Vào tháng Tư năm này anh đến Việt Nam. Anh được phái về làm cố vấn cho một đơn vị lính Nam Việt. Bấy giờ anh ở một nơi tên Suối Cát. Ngoài xa kia trong rừng thẳm bên ngoài phòng tuyến bảo vệ làng là Việt Cộng và chẳng ai biết họ có thể đánh lúc nào.

Nhiệm vụ nặng nề

Người lính trẻ, tóc đen và đẹp trai, ngồi trong sở chỉ huy viết hai lá thư. Lá thư đầu dài gởi cha mẹ kể lại những trải nghiệm và công việc của anh với quân đội Nam Việt.

"Hôm nay con đi ngang qua rừng khá rậm rạp", anh viết. " Hiện nay chúng con đang ở Suối Cát, và xa cách những đồng ruộng mênh mông bằng phẳng... Lúc còn ở đấy, mỗi khi chúng con đi tuần chúng con có thể dừng lại hái thơm, xoài, mít, chuối vân vân. Còn bây giờ ở đây chỉ có dây leo và cây cối và đủ loại lá cây xanh và nâu quấn lẫn nhau...

"Tối nay có lẽ con sẽ đi tuần tra mai phục, chúng con phải tham gia ít nhất ba cuộc hành quân đêm mỗi tuần. Hiện nay, vì con là sĩ quan duy nhất trong toán nên cuộc hành quân nào con cũng đi...

"Cha mẹ biết không, những lúc yên tĩnh là những lúc khiến con nhớ nhà nhiều nhất. Nhớ ánh đèn rực rỡ và âm thanh của thành phố hiện đại. Nhớ những cửa tiệm với những dãy kệ đầy ắp bao hàng hóa mới, sạch tươi sáng. Nhớ lại chính ván cờ cuối cùng và lần cuối cùng ôm nhau hôn. Nhớ đến những đêm yên tĩnh dưới những vì sao lặng lẽ.

"Nói vậy chứ những lúc như thế cũng hiếm hoi vì ở đây con cũng bận nhiều việc... Bây giờ chúng con sẽ đi hành quân nhiều hơn. Ngoài ra, là trưởng toán con có thêm rất nhiều trách nhiệm khác. Con là người lên kế hoạch, người khéo giao thiệp, người giám sát, người liên lạc, người chỉ huy khôn khéo, người lính chiến đấu. Con phải cố vấn cho những người đã từng dạy dạn chiến trận trong 5 hay 10 năm hay lâu hơn nữa. Con không được phạm sai lầm. Chỉ một sai lầm thôi là hỏng bét... Thật là nhiệm vụ nặng nề.

"Nhưng con lại thích. Hấp dẫn là ở chỗ đấy. Con đang làm chuyện lớn lao. Con làm công việc con thích mà đòi hỏi thông minh, khả năng, tưởng tượng và khéo léo. Tối con mệt mỏi lăn ra ngủ rồi thức dậy sớm sẵn sàng bắt đầu làm việc. Con tự tin chuyện gì xảy ra con cũng có thể giải quyết được. Con bình thản. Con không ngờ con bình thản đến như thế. Ở đây có biết bao nhiêu chuyện con có thể làm được... Đúng là thử thách nhưng con lại thích. Đôi lúc con hơi sốc. Nhưng con lại thích...

Thư giao sau khi chết

Thư thứ hai khác thư đầu. Thư thứ hai viết lâu hơn vì đây là lá thư không được gởi đi trừ phi người lính trẻ ấy tử trận. Thư là sự trải lòng trên trang giấy. Và anh viết với nét chữ rắn rõi...

"Cả nhà thân thương :

"Con biết khi gia đình nhận thư này gia đình đã nghe tin buồn. Nhưng tin buồn, chỉ vì mọi người hiểu không đúng thôi. Cho nên con viết thư này để cố gắng làm sáng tỏ mọi điều. Cả nhà biết không, con không muốn bất kỳ ai nghĩ con đã quá ngu vì chết vô ích. Con luôn luôn là người có tiếng nói quyết định sau cùng, nên bây giờ con cũng sẽ nói lời sau cùng.

Con không yêu cầu nhà mình hợp lý hóa rằng Việt Nam là sự nghiệp tốt vì lý do này hay lý do nọ. Con yêu cầu điều sâu sắc hơn thế. Con yêu cầu nhà mình hãy tin lời con rằng con chẳng làm điều gì vô ích, vì không ai biết rõ hơn con. Đừng bao giờ hỏi "Tại sao lại là mình ?", vì con sẽ nói ngay bây giờ cho nhà biết tại sao. Để đi từ điểm này đến điểm khác, con người chỉ cần đi từng bước một, nhưng nếu họ không bao giờ bước đi bước đầu tiên họ sẽ không bao giờ đến đích. Để gìn giữ tự do phải cần nỗ lực của tập thể. Tập thể được tạo nên từ những cá nhân bước đi bước đầu tiên ấy. Chừng nào có đủ người quan tâm đến tự do đủ đến mức có can đảm bước đi bước đầu tiên ấy để đấu tranh cho tự do thì tự do sẽ không mất.

"Đúng là có một vài thất vọng. Có nhiều thứ con muốn làm, nhưng rất tiếc con không làm được. Tuy con không thích thật, nhưng con có sự an ủi là biết rằng con làm điều con cho là chính nghĩa và con làm tới cùng. Con không do dự. Con công khai bày tỏ ý kiến, và, chừng nào con còn chiến đấu, con sẽ chiến đấu tốt. Đó là điều ai cũng làm được.

"Rất ít người biết ơn hay thậm chí ý thức về đời lính hay việc làm của họ. Điều đấy cũng chẳng sao. Con không bao giờ lãng mạn hóa đời lính. Con chỉ muốn làm người lính tốt. Là người lính khi ra đường con ngẩng cao đầu vì biết ít ra con cũng bằng hay có lẽ hơn bất kỳ ai con thấy, vì con hành động đúng theo những suy nghĩ và lời nói của con. Con đang làm tròn vai trò của mình. Con trả nợ theo cách của con. Cũng gần giống như trả nợ nhà vậy. Để vẫn được tự do đôi khi ta phải đánh nhau, vì luôn luôn có những kẻ muốn cướp đi mọi thứ ta có. Con không ngại đánh nhau, và con tự hào đã làm những gì mình thích. Bây giờ kết quả của Việt Nam sẽ như thế nào cũng chẳng quan trọng (về bao nỗ lực của con) vì con đã chiến đấu với sự thành tâm và con xác tín rằng con đang phụng sự cho lý tưởng. Và mặc dù những thành tựu vật chất từ bao công sức của con có thể bị hủy diệt nhưng vẫn còn lại điều gì đấy. Không ai có thể xóa đi bao công sức của con. Cho dù con chiến đấu để giúp đỡ dù chỉ một người thôi thì con cũng đã thành công. Con không ngại gian khổ, con còn cầu mong gian khổ. Còn nếu con chết, con thích chết trong lúc làm điều con biết là bổn phận của con hơn là khi về già lại khinh bỉ mình vì con đã không có can đảm đáp lời kêu gọi lên đường nhập ngũ. Con nghĩ cách đánh giá con người là so sánh toàn bộ ảnh hưởng của những thiện ý suốt đời và nỗ lực của họ với những ác ý của họ. Nếu thiện cuối cùng thắng thì chung cuộc họ thành công. Con chắc chắn con có thể thành công như thế - giờ con không muốn gì hết, ngoại trừ lời sau cùng.

"Gia đình biết không, khi con thường nói với những người bạn dân sự rằng con là lính thì họ luôn luôn cho là con bị bắt đi quân dịch. Khi con nói với họ không phải như thế thì họ lại luôn luôn cho con ngu. Nhưng bây giờ con có lời nói sau cùng, cho nên con sẽ nói lần cuối với họ rằng họ sai. Gia nhập Quân đội để chiến đấu ở Việt Nam (lý do con nhập ngũ, và ngay từ đầu con biết con sẽ sang Việt Nam - con tự nguyện vào lính) là điều sáng suốt nhất con đã làm trong đời. Đời lính đã giải thoát con khỏi thế giới mơ mộng để đưa con vào cuộc chiến đấu. Quyết định ấy đã làm cho con thành nhân (giống như khởi đầu ước nguyện). Con quyết định ủng hộ những lý tưởng suốt đời của con bằng hành động, Sau khi con vào Quân đội, con đã học được nhiều điều khiến con trở nên người tốt hơn, nhưng ngày 17 tháng Tư, 1967 là ngày con nên người.

"Như vậy xét cho cùng con đúng họ sai. Con chết như người tự do, người mạnh mẽ, người hãnh diện. Tất cả chỉ có thế thôi. Con đã chiến đấu cho những điều này, không bao giờ cho ý nghĩ xuẩn ngốc như 'hòa bình trường tồn'. Cho nên con được tất cả các phần thưởng. Con là người thắng. Còn những người sợ hãi, tham lam, hay ngu ngốc đến mức không thấy sự thật là những kẻ thua - cho dù họ vẫn còn 'sống'. Con sống nhiều trong 21 năm hơn họ sẽ sống trong trăm năm. Con đã hạnh phúc hơn, mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn, phong phú hơn, mãn nguyện với cuộc đời hơn, vì con thấu hiểu cuộc đời thật sự. Và con biết mục đích sống trên đời - cho nên con đã sống cuộc đời trọn vẹn nhất theo cách của con. Bởi lẽ đó là cách duy nhất.

Không hối tiếc gì

"Mục đích chính là con hoàn toàn không hối tiếc gì. Gia đình mình cũng vậy. Con hạnh phúc vì con có mọi thứ con từng muốn. Con chỉ nghĩ mọi sự sẽ tốt đẹp hơn nếu gia đình biết điều này. Con cũng muốn nói với cả nhà về tất cả những gì con từng có. Con tự hào nhất về gia đình mình. Con thương rất nhiều từng người trong gia đình, và con nghĩ mọi người trong gia đình đều là những người tuyệt vời nhất trên đời. Con biết mỗi người trong gia đình sẽ luôn luôn sống cuộc đời theo quan niệm của mình, và không bao giờ từ bỏ giấc mơ của mình".

Ngày hôm sau - vào ngày 5 tháng Sáu - Việt Cộng phục kích toán tuần tra của viên trung úy trẻ. Anh ngã xuống, tử thương.

Như vậy kết thúc cuộc đời của một tấm gương can đảm đích thực.

Don Whitehead

Nguyên tác : "Report on Letters from a Vietnam soldier who is gone", News Sentinel, Knoxville, Tennessee, được Congressional Record, Extensions of Remarks đăng lại, 03/09/1969, trang 24257. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Quốc Việt, John McCain, Don Whitehead
Read 908 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)