Liệu Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất có được nhà nước Việt Nam nhìn nhận ?
Ngọc Lan, VNTB, 05/09/2022
Nếu căn cứ vào Hiến pháp và Luật tín ngưỡng, tôn giáo, thì về nguyên tắc, Nhà nước Việt Nam phải nhìn nhận tổ chức tôn giáo có tên là Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất.
Tổ chức tôn giáo không chịu sự định hướng ý thức hệ
Ngày 1/9/2022, trên trang web Hội đồng Hoằng Pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ở chuyên mục "Thông tri – Điều hành", có phát hành thông tri "Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Viện Tăng Thống trân trọng công bố" (*), trong đó có đoạn rất đáng quan tâm khi đặt trong bối cảnh chính trị đơn nguyên ở Việt Nam :
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam không phải là một hiệp hội thế tục, do đó, không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ quyền lực thế tục, không là công cụ bảo vệ sự tồn tại của bất cứ xu hướng chính trị, của bất cứ tổ chức thế tục nào ; không hành đạo, hoằng đạo theo bất cứ định hướng ý thức hệ nào ; duy chỉ một định hướng duy nhất : Thập phương Bạc-già-phạm nhất lộ Niết-bàn môn ; một cứu cánh duy nhất là giải thoát.
Các thành viên trong hàng giáo phẩm không là thành viên của bất cứ tổ chức, đoàn thể thế tục nào. Cộng đồng đệ tử Phật duy nhất là cộng đồng Bốn Chúng, được thiết lập bởi Đức Thích Tôn bằng Pháp và Luật thiện thuyết".
Nội dung trên cho thấy có sự khác biệt rất rõ khi so với tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện tại đã lựa chọn phương châm "Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội" để định hướng cho mọi hoạt động của mình.
Ngoài ra còn có điểm khác biệt nữa, là nếu như tổ chức Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất nhấn mạnh, "Các thành viên trong hàng giáo phẩm không là thành viên của bất cứ tổ chức, đoàn thể thế tục nào. Cộng đồng đệ tử Phật duy nhất là cộng đồng Bốn Chúng, được thiết lập bởi Đức Thích Tôn bằng Pháp và Luật thiện thuyết", thì với Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện không chỉ là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà hàng giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng là thành viên chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp địa phương, nơi có tổ chức Tỉnh hội/ Thành hội của Hội Phật giáo Việt Nam.
Vì sao cần phải có "Chủ nghĩa xã hội"
Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam có biện giải như sau về phương châm "Chủ nghĩa xã hội" được đặt sau cùng so với "Đạo pháp – Dân tộc", trích :
"Đặt mệnh đề này trong phương châm hoạt động của Giáo hội, Phật giáo Việt Nam một lần nữa muốn khẳng định, tinh thần ‘nhập thế", "khế lý khế cơ" luôn luôn được theo đuổi và thực hiện một cách triệt để của mình. Đó là, không chỉ luôn đồng hành, gắn bó, mà Phật giáo luôn luôn kề vai sát cánh với dân tộc, với nhân dân trong bất kể thời kỳ nào, giai đoạn phát triển nào của đất nước, miễn là làm cho nhân dân được sống trong hòa bình và an lạc, quốc thái dân an (dân giàu nước mạnh).
Hơn nữa, những mục tiêu của xã hội xã hội chủ nghĩa với không hề xa lạ hay đối lập với mục tiêu xây dựng cõi Cực lạc ở nhân gian của Đạo Phật.
Vấn đề ở đây phải trên tinh thần "vô úy vô ngại", tìm ra và vận dụng những pháp môn thiện xảo thích hợp, trong muôn vàn pháp môn, để thực hiện cho được mục tiêu.
Như vậy, phương châm "Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội" mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra có 3 thành tố, những thành tố ấy đã hòa quyện, gắn bó với nhau để tạo thành một khối thống nhất không thể tách rời. Đó là sự kết hợp hài hòa lợi ích giữa tôn giáo (Phật giáo) với lợi ích của dân tộc, của nhân dân Việt Nam" (dừng trích).
Với cách nhìn nhận vấn đề trên nên hoàn toàn không ngạc nhiên khi đại diện chính phủ đã có lời tán dương tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017- 2022, về việc Phật giáo Việt Nam đã làm tốt yêu cầu của Nghị quyết Đảng – trích (**) :
"Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, cùng với toàn Đảng và toàn dân, tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam đã và đang đóng góp nhiều công sức, trí tuệ với những việc làm lợi đạo, ích đời, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giúp đỡ người già cả, neo đơn, trẻ tàn tật, mồ côi, người khó khăn… thực hiện các chương trình tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ…".
Ý thức hệ chính trị là quyền lực thế tục
Với tổ chức Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, đưa ra lời biện giải về chuyện "không phải là một hiệp hội thế tục, do đó, không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ quyền lực thế tục, không là công cụ bảo vệ sự tồn tại của bất cứ xu hướng chính trị, của bất cứ tổ chức thế tục nào ; không hành đạo, hoằng đạo theo bất cứ định hướng ý thức hệ nào", như sau – trích :
"Cộng đồng bốn chúng đệ tử Phật, trong hiện tại, hành đạo và hoằng đạo giữa các cộng đồng dân tộc trong một thế giới đang bị bao phủ trong hận thù, nghi kỵ, điên đảo tranh chấp quyền lực, danh vọng, lợi dưỡng.
Trong một thế giới đảo điên, với sự phổ biến chóng mặt của các phương tiện truyền thông toàn cầu ; xoay vần giữa những nhiễu loạn thông tin, trí ngu đồng đẳng, thực giả khó phân, chánh kiến tà kiến không phân biệt, Phật thuyết, ma thuyết đồng giá.
Và, trong một đất nước trải qua 20 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn, dù được biện minh hay lý giải bằng bất cứ lý luận gì : vì một xã hội tiến bộ được định hướng theo ý thức hệ gì, duy tâm, duy vật hay duy linh các thứ, thì thực tế không thể phủ nhận đối với ai còn đủ lương tri để nhìn lại lịch sử dân tộc, hòa bình và thống nhất đã đẩy dân tộc dấn sâu vào hận thù, nghi kỵ kéo dài trên nửa thế kỷ vẫn chưa có dấu hiệu hòa dịu.
Trong một thế giới như vậy, một đất nước như vậy, chúng đệ tử Phật, trực tiếp hoặc gián tiếp, có ý thức hay không ý thức, dễ bị cuốn hút trong vòng xoáy của danh vọng và lợi dưỡng, đã minh giải những giá trị chân thật được tác thành bởi Minh và Hành xuất thế bằng những giá trị thế tục ; từ nơi đó khoét sâu và làm vỡ cộng đồng hòa hiệp mà đức Thích Tôn đã thiết lập bằng Pháp và Luật thiện thuyết".
Như vậy, từ cách nhìn có phần khác nhau về thế sự, song nếu căn cứ về quyền hiến định và Luật tín ngưỡng, tôn giáo hiện tại, thì tổ chức Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất không có vi phạm gì để nhà nước Việt Nam hạn chế quyền tôn giáo của tổ chức hiệp hội không thế tục này.
Ngọc Lan
Nguồn : VNTB, 05/09/2022
Chú thích :
(*)https://hoangphap.org/hoi-dong-giao-pham-trung-uong-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-thong-nhat-vien-tang-thong-tran-trong-cong-bo/
(**)https://baochinhphu.vn/print/phat-giao-viet-nam-kien-dinh-ly-tuong-dao-phap-dan-toc-chu-nghia-xa-hoi-102230593.htm
**********************
Vì sao Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ bước ra nhận Phật sự, lại được ủng hộ ?
Tuấn Khanh, RFA, 04/09/022
Trong ngày cuối tháng 8/2022, ở Việt Nam xôn xao tin tức về sự ra mắt của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, chính thức vào chức vụ Chánh Thư ký - Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống. Bậc minh sư lâu nay ẩn danh đột nhiên xuất hiện ở lễ nhận di chúc, ấn tín, và khai ấn từ Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ khiến những người yêu Phật giáo chân chính và tự do của Việt Nam đều vui mừng.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ - Chánh Thư Ký - Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống - Hoằng Pháp
Tuy nhiên, có không ít người nhầm lẫn vị trí hiện nay của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một Tăng thống mới, tức vị trí của người lãnh đạo toàn diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất). Trên thực tế, khi phụng thừa ủy thác tâm nguyện của Hòa thượng Thích Quảng Độ vào năm 2020, ngài Tuệ Sỹ đã thông báo rằng sau giai đoạn sắp xếp lại nhân sự, nội bộ lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, khi "điều kiện thuận duyên", ngài cùng Giáo hội sẽ tổ chức đại hội để suy cử Đệ Lục Tăng Thống, người lãnh đạo tối cao tiếp nối của Giáo hội. Hiện tại, nói nôm na, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ có vai trò như quyền tổng quản.
Bất kỳ ai theo dõi tiến trình tồn tại và tranh đấu cho sự tồn tại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ sau năm 1975 đến nay, đều hiểu rõ cụm từ "điều kiện thuận duyên" là như thế nào. Ngay cả việc Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ làm lễ nhận chức vụ Chánh Thư Ký - Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống và lễ nhận Di chúc, ấn tín, và khai ấn… cũng đã phải lặng lẽ thực hiện, và chỉ công bố sau một tuần. Mục đích của sự lặng lẽ và bất ngờ, thông báo trễ, cũng chỉ để tránh những sự quấy phá rất quen thuộc từ bao nhiêu năm nay.
Trong giai đoạn đau yếu cuối đời, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã nhận ra được sự rối loạn trong nội bộ bởi nhiều nhánh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang có những chủ trương khác nhau. Trong đó có hai nhánh chính khiến nội bộ bất đồng : Một là dùng mượn nhân lực Giáo hội để chuyên đấu tranh chính trị ; Hai là muốn thỏa hiệp với chính quyền, thông qua một số nhân vật trong nội bộ đã suy đồi. Lợi dụng lúc Hòa thượng Thích Quảng Độ đau yếu, những nhân vật muốn thao túng nội bộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã làm giả những Giáo chỉ, phát đi, gây mâu thuẫn không ít trong các các vị lãnh đạo của Hội đồng Giáo phẩm trong và ngoài nước.
Thoạt đầu, tâm nguyện của Hòa thượng Thích Quảng Độ là trao quyền Đệ Lục Tăng thống cho ngài Tuệ Sỹ, nhưng vì muốn mọi chuyện minh bạch và tạo sự đoàn kết nội bộ, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã xin chỉ nhận quyền tạm thừa hành, để chờ thời điểm bầu chọn Đệ Lục Tăng Thống mới.
Sự ra đi của Hòa thượng Thích Quảng Độ vào tháng 2/2020, đã tạo ra một một loạt các cơn sóng ngầm. Phía những người muốn thủ tiêu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã coi đây là cơ hội để dứt điểm cái gai trong mắt. Trong tang lễ của Hòa thượng Thích Quảng Độ, người ta chứng kiến các sư của phía Nhà nước tìm cách cướp tro cốt của ngài, đem về chùa của Nhà nước lưu giữ và thờ, như một thủ đoạn nhằm thống nhất toàn bộ Phật giáo Việt Nam trong vòng tay của thế quyền. Ngay sau đó, cũng đã có một cuộc bầu chọn chớp nhoáng Đệ Lục Tăng Thống diễn ra tại Bình Định, nhằm cướp quyền lãnh đạo. May thay, dù Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị dày vò từ muôn hướng nhưng quý thầy và đệ tử vẫn giữ được sự kiên định trung thành theo Di chúc. Mọi âm mưu ấy, đã mau chóng tàn phai. Nói về những sự bất thường đó, Hòa thượng Thích Không Tánh từng tóm tắt bằng câu nói "Chính quyền muốn quốc doanh hóa đám tang của Hòa thượng Thích Quảng Độ".
Phải kể lại như vậy, mới thấy rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dù bị bôi xóa, phủ nhận như thế nào, nhưng khi người lãnh đạo cao nhất của Giáo hội viên tịch, hầu hết các tờ báo lớn của nhà nước vẫn nhận được lệnh hối hả lên các bài viết mạ lị và bôi nhọ như để tự trấn an nhau. Điều đó cũng dễ hiểu, vì bởi trong lễ tang, ngoài các sư thầy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất quy tụ về, còn có không ít các sư thầy ở các chùa mang bảng hiệu Giáo hội nhà nước lập nên, lặng lẽ đến cung kính lễ bái.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã nhận trọng trách trong bối cảnh đó.
Có một câu hỏi được đặt ra với những người kính trọng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - Giáo hội Phật giáo tự do và chính danh của Việt Nam trước 1975 - đã bị Nhà nước đẩy ra như là một tổ chức nằm ngoài vòng pháp luật, thì sự có mặt của thầy Thích Tuệ Sỹ có thể làm được gì ?
Sự có mặt của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ chính là ngọn đuốc thắp sáng đức vô úy của những Phật tử và những người hướng Phật trong một thế giới chập choạng không còn rõ lằn ranh Ma-Phật. Nó là điểm tựa của tư duy Phật giáo trong lành trong thời pháp nạn. Ngài là hiện thân của tín ngưỡng, đạo pháp sống và chết vì quê hương và dân tộc. Ít nhất, ngài đang là điểm tựa của những người tỉnh thức.
Tháng 4/1975, dòng tiến quân của miền Bắc vào Nam để lại phía sau vô số thương bệnh binh, những người bệnh bình thường không còn người chăm sóc. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là người đứng ra tổ chức các tăng ni trong vùng ở lại để chăm sóc, cứu thương cho dân chúng đang kêu khóc. Nhiều người khuyên thầy phải đi lánh nạn ngay vì những tin tức dội về từ các vùng khác cho thấy các chùa và sư thầy đang gặp chuyện khó lường. Nhưng bài diễn văn ngắn của ngài đã chặn đứng mọi âu lo, ý thức trách nhiệm con dân Việt dội về "Tôi vẫn còn đây, thì anh em cũng phải ở đây, quê hương và đất nước này còn cần đến anh em nhiều hơn nữa. Chúng ta không thể trốn chạy khi dân tộc, đạo pháp đang gặp cảnh điêu linh".
Năm 1981, Nhà nước thành lập Giáo hội Phật giáo mới, nằm dưới quyền kiểm soát của Mặt Trận Tổ Quốc và ra chiến dịch triệt hạ những nhân sĩ, tu sĩ Phật giáo có tinh thần phản kháng việc chính trị hóa tôn giáo này. Năm 1984, công an tổ chức chiến dịch, đồng loạt đột nhập Viện Phật học Vạn Hạnh và chùa Già Lam, Sài Gòn. Hai nơi này chỗ trú ngụ của nhiều cao tăng và nhân sĩ Phật giáo lúc bây giờ. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu bị bắt mang đi, lúc đó hai ngài đang dang dở công trình Bách khoa Phật học Đại Từ Điển. Tháng 4-1984, cả hai thầy bị kết án tử hình với lý do "tội tán thành, ủng hộ, che chở, đùm bọc hành động phản cách mạng, lật đổ chế độ cộng sản". Phiên tòa không có luật sư và khán giả là công an. Mọi thứ là một dòng chảy dài, định mệnh, cay đắng như chính số phận của Việt Nam. Cuối cùng, với sự vận động của quốc tế, thì cả hai thầy được trả tự do, nhiều năm sau đó.
Cũng như những người Tây Tạng có một điều an ủi thầm kín và lớn lao, khi nhìn về sự có mặt của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong thời đại của mình. Có rất nhiều người Việt Nam cũng mang niềm kiêu hãnh trong trái tim đã chọn tín ngưỡng là tự do của mình, là cùng với hình ảnh của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Vượt lên những huấn dụ tầm thường, để biến con người trở thành mê muội của Phật Giáo Nhà nước hôm nay như sống chỉ để cúng dường, sống để dòm ngó, hãm hại người khác… Hòa thượng Thích Tuệ sỹ hay Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dẫn lối đến đạo pháp và dân tộc, bằng lẽ phải và sự thật, với uy vũ bất năng khuất "Sống hay chết, vinh hay nhục, không làm dao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách của con người, không hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia" (Thư gửi các Tăng sinh).
Với những đền đài ma chướng, lễ hội ngụy trá Phật hôm nay, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ tỏa sáng những khác biệt, vượt lên khỏi những rền rĩ nhảy múa từ các chùa tháp : "Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại ; một đức tính dũng mãnh vô úy ; nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu ; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng" (Thư gửi các Tăng sinh).
Chưa lúc nào như lúc này, Phật giáo trong sự dẫn dắt của tăng ni, chùa tháp dưới quyền nhà nước không dắt tay chúng sinh đi vào cõi an nhiên, mà xô đẩy vào bóng tối, cạm bẫy và thao túng để phục vụ thế quyền. Sự có mặt của Hòa thượng Thích Tuệ sỹ cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tựa như tiếng chuông để thức tỉnh, nhắc lại giá trị khôn cùng của người hướng Phật "Giáo hội Phật giáo Việt Nam không phải là một hiệp hội thế tục, do đó, không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ quyền lực thế tục, không là công cụ bảo vệ sự tồn tại của bất cứ xu hướng chính trị, của bất cứ tổ chức thế tục nào ; không hành đạo, hoằng đạo theo bất cứ định hướng ý thức hệ nào ; duy chỉ một định hướng duy nhất : Thập phương Bạc-già-phạm nhất lộ Niết-bàn môn ; một cứu cánh duy nhất là giải thoát" (Công bố tháng 9-2022 của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - Viện Tăng Thống).
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 04/09/2022
**********************
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có lãnh đạo tối cao mới
RFA, 03/09/2022
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - giáo hội không được chính quyền Việt Nam thừa nhận - vừa có một Hội đồng trưởng lão mới và Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được suy tôn làm Chánh Thư ký xử lý thường vụ Viện Tăng Thống, chức vụ co nhất của Giáo hội vào lúc này.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất - Thầy Hạnh Viên
Theo thông cáo của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất công bố hôm 1/9, một buổi lễ phát nguyện và suy tôn Hội đồng Giáo phẩm Trung ương và suy cử Chánh Thư ký xử lý thường vụ Viện Tăng Thống vừa được cử hành tại Chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Sau khi lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là Hòa thượng Thích Quảng Độ - đức Đệ ngũ Tăng Thống - qua đời vào ngày 22/02/2020, Giáo hội vẫn chưa có đức Tăng thống mới. Vì vậy, chức Chánh Thư ký xử lý thường vụ Viện Tăng Thống hiện là chức vụ cao nhất của Giáo hội.
Vào ngày 25/11/2018, đức Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ đã có quyết định giải tán Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo và tạm ngưng các sinh hoạt của Viện Hóa Đạo trong khi chờ đợi Viện Tăng Thống triệu tập Đại hội bất thường Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để khôi phục và công cử nhân sự mới cho Viện Hóa Đạo.
Thông cáo mới của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thừa nhận những khó khăn, "thông tin nhiễu loạn, sự phân hóa nội bộ càng lúc càng trầm trọng" đã dẫn đến quyết định này của Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Theo Di chúc của Hòa thượng Thích Quảng Độ, việc điều hành Viện Tăng Thống đã được ủy thác cho Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.
"Bất cứ lúc nào, khi hội đủ điều kiện thuận duyên Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ thay mặt Viện Tăng Thống triệu tập đại hội bất thường để bầu cử nhân sự mới cho tất cả chức vụ trong Viện Hóa Đạo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất".
Thông cáo mới cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mới đây đã thành lập "Ban Vận động Hòa hiệp Tăng Già, với nhiệm vụ tham vấn, thỉnh vấn, đề nghị thỉnh cử Chư tôn Trưởng lão, Hòa thượng, đăng lâm pháp tịch Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, để hướng đến suy tôn Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng Thống, cơ quan lãnh đạo tối cao của Giáo hội".
Ngày 21/8/2022, buổi lễ phát nguyện và suy tôn Hội đồng Giáo phẩm Trung ương và suy cử Chánh Thư ký xử lý thường vụ Viện Tăng Thống đã được cử hành.
Ngày 22/8/2022, buổi lễ chính thức trao truyền Di chức, ấn tín và khai ấn được cử hành tại Tổ đường Từ Hiếu, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được chính quyền Việt Nam hiện tại thừa nhận. Lãnh đạo của giáo hội bị chính quyền đàn áp trong nhiều năm kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào tháng 4 năm 1975.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ (sinh năm 1943) là người từng bị chính quyền Việt Nam bắt đi học tập cải tạo ba năm từ năm 1978. Vào tháng 9/1988, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ bị tuyên án tử hình với cáo buộc "Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân". Tuy nhiên, do sự vận động của quốc tế, bản án tử hình của ông sau đó được giảm xuống còn chung thân. Đến ngày 1/9/1998, ông được trả tự do. Vào năm 2003, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ bị chính quyền áp lệnh quản chế hành chính hai năm.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa. Ông làm thơ và viết truyện ngắn.
Ông được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng tranh đấu cho nhân quyền Hellman-Hammet Awards vào năm 1998.
Nguồn : RFA, 03/09/2022