Ngày Chủ nhật 18/09/2022, nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến từ Việt Nam đã đến Paris để giới thiệu và ký lưu niệm cuốn sách do ông chủ biên "Kiến trúc Pháp - Đông Dương - Những viên ngọc quý tại Hà Nội" do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I xuất bản.
Bìa sách "Kiến trúc Pháp-Đông Dương Những viên ngọc quý tại Hà Nội" © RFI
Cuốn sách được viết bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh Pháp, với khổ sách lớn, dày gần 300 trang, giới thiệu với độc giả những công trình kiến trúc tiêu biểu của Pháp ở Hà Nội như Nhà hát lớn, Cầu Doumer, Viện Pasteur, Bảo tàng Louis Finot,… hay những ngôi nhà vừa tròn trăm tuổi như ngôi nhà số 6 Hoàng Diệu.
Trước cuốn sách về di sản kiến trúc Pháp ở Hà Nội, ông Phúc Tiến đã xuất bản một số cuốn sách về Sài Gòn "Sài Gòn không phải ngày hôm qua" (2016), "Sài Gòn hai đầu thế kỷ" (2017).
Nhân dịp nhà nghiên cứu Phúc Tiến có mặt ở Paris để giới thiệu cuốn sách "Kiến trúc Pháp - Đông Dương - Những viên ngọc quý tại Hà Nội", RFI Việt ngữ đã gặp và trao đổi với tác giả.
Nhà nghiên cứu Phúc Tiến trả lời phỏng vấn RFI tại Paris ngày 18/09/2022. © RFI
RFI : Hôm nay RFI rất vui mừng gặp lại nhà nghiên cứu Phúc Tiến ở Paris. Trước hết xin được hỏi cảm tưởng của ông khi trở lại Paris đúng vào dịp Những ngày di sản Châu Âu trong cuối tuần và đúng vào hôm nay là ngày "Paris không xe hơi" ?
Phúc Tiến : Rất vui là chúng ta gặp lại nhau và ngồi ở quán cà phê Paris, trở lại với khung cảnh của một thành phố Paris rất giàu về văn hóa, đặc biệt hôm qua và hôm nay là Ngày di sản và hôm nay là ngày không sử dụng xe hơi trong trung tâm Paris. Dáng vẻ của Paris, kinh đô ánh sáng, hoa lệ, như mọi người nói, thì nay có thêm một không gian thư thái. Đó là kinh nghiệm mà các đô thị lớn trên thế giới, trong đó có những đô thị của Việt Nam, cần học hỏi.
RFI : Người dân Việt Nam khi sang Paris, nhất là người dân Hà Nội, có lẽ không cảm thấy xa lạ lắm, bởi vì có nhiều công trình kiến trúc gợi nhớ những công trình mà người Pháp để lại ở Việt Nam, và đặc biệt ở Hà Nội. Ông đã từng viết nhiều sách, bài báo về Sài Gòn, nhưng đây là lần đầu tiên ông viết sách về Hà Nội. Ý định này có quá táo bạo, trong khi đã có rất nhiều người nghiên cứu về thủ đô Việt Nam rồi ?
Phúc Tiến : Người Việt Nam ai cũng yêu quý một thủ đô Hà Nội lâu đời. Đúng là tôi sinh ở Sài Gòn, nhưng tôi là nhà báo đã may mắn có nhiều dịp đi Hà Nội nhiều lần. Tôi đã nhận thấy có những nét độc đáo của Hà Nội. Hà Nội đã từng là thủ đô của Liên Bang Đông Dương. Phải nói là người Pháp đã dồn sức để tạo dựng một đô thị mang dấu ấn Pháp, nhưng đồng thời mang dấu ấn hài hòa với văn hóa bản địa.
Đó cũng chính là lý do mà khi Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I ở Hà Nội đề nghị tôi cộng tác biên soạn chính cho quyển sách này, tôi rất hân hạnh. Dưới con mắt của người "ngoại đạo", tôi không được học về kiến trúc mà chỉ là một người nghiên cứu lịch sử, cũng như không phải sinh ở Hà Nội, thì tôi thấy có lẽ những người không sinh sống ở Hà Nội sẽ có những cảm nhận khác. Và cũng do nghiệp vụ làm sách, làm báo của mình, tôi thấy có nhiều điều mà có thể thông qua các tài liệu lưu trữ, những họa đồ, hình ảnh, chúng ta bổ sung các câu chuyện. Qua cuốn sách " Kiến trúc Pháp-Đông Dương. Những viên ngọc quý ở Hà Nội", chúng tôi muốn gởi đến thông điệp cho các bạn đọc Việt Nam cũng như bạn đọc nước ngoài rằng thủ đô Hà Nội là nơi kết hợp văn hóa Đông Tây, cụ thể là văn hóa Pháp và văn hóa Việt Nam, thể hiện ngay trong quy hoạch đô thị, trong các phố phường, trong các tòa nhà, và ngay cả trong lối sống. Ví dụ người Pháp đã mang đến Việt Nam cái thú ngồi ở lề đường nhâm nhi ly cà phê vào đầu buổi sáng. Đặc biệt là những kiến trúc hơn 100 năm. Đó là những lâu đài, dinh thự, biệt thự, trường học, bệnh viện, công thự mang dấu ấn của văn hóa Pháp.
Chúng tôi muốn thông qua quyển sách này, người xem có thể hình dung được Hà Nội, thủ đô của Liên Bang Đông Dương, đã được hình thành khá đầy đủ, mang những phong cách đẹp, riêng biệt trước năm 1945. Hiện vẫn còn tồn tại những dấu tích, những di sản sang đến đầu thế kỷ 21 này, đó là một điều đáng mừng vui.
Viện Bảo tàng Lịch sử ở Hà Nội, một công trình tiêu biểu cho kiến trúc Pháp-Đông Dương ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 23/02/2009. AP - Chitose Suzuki
RFI : Để thực hiện được cuốn sách này, ông đã thu thập các tư liệu từ những nguồn nào để có thể tái hiện lịch sử của những công trình kiến trúc tiêu biểu của người Pháp ?
Phúc Tiến : Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, mà tiền thân là Nha Lưu trữ Đông Dương, còn giữ được rất nhiều tài liệu lịch sử của các kho lưu trữ như của Phủ Toàn quyền Đông Dương, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, Tòa Thị chính Hà Nội. Trong kho tàng này, ngoài những văn thư, rất may mắn là còn rất nhiều họa đồ rất là chi tiết, các bản vẽ kiến trúc đầu tiên cũng như hoàn thiện. Thông qua đó, chúng ta có thể thấy được quá trình thiết kế đã diễn ra như thế nào.
Chúng tôi có may mắn là trước đó Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã có làm một cuốn sách, giới thiệu những bản vẽ, những hình ảnh này, cùng với một số chi tiết lịch sử. Nhưng cuốn sách đó có lẽ làm với một góc độ thuần túy phục vụ cho chuyên môn kiến trúc, mỹ thuật. Lãnh đạo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I là chị Mai Hương đã xem quyển sách của tôi " Sài Gòn hai đầu thế kỷ" và chị ấy rất thích ý tưởng giới thiệu các di sản kiến trúc của Pháp tại Hà Nội, không phải dưới góc độ thuần túy kỹ thuật, mà là dưới góc độ nhân văn, góc độ của du khách, của người thưởng ngoạn.
Chúng tôi đã tuyển chọn tổng cộng gần 100 công trình kiến trúc Pháp ở Hà Nội mà hiện còn tài liệu lưu trữ. Nhưng khi chúng tôi tuyển lọc những cái nào còn tồn tại nhiều, còn thấy được và có đủ tài liệu, cũng như là có nét đẹp độc đáo, thì đã chọn được gần 40 công trình. Với mỗi công trình như vậy, tôi viết bài khảo tả trên cơ sở tư liệu cũng như là những tìm tòi riêng của tôi, đặc biệt là những câu chuyện về lịch sử.
Thay vì sắp xếp tản mạn, tôi sắp xếp theo từng quận của Hà Nội. Ví dụ như ở quận Hoàn Kiếm thì chúng ta sẽ bắt đầu từ Nhà Hát Lớn, hoặc ở quận Ba Đình thì chúng ta bắt đầu từ Dinh Toàn Quyền, nay là Văn phòng Chủ tịch nước. Đặc biệt, có những chi tiết không được viết rõ trong sách sử, nhưng thông qua các tài liệu, chúng tôi tìm được, ví dụ như có một villa ở số 6 Hoàng Diệu, trước đây là villa của một quan chức Pháp và sau năm 1954 đã trở thành nhà công vụ của Tổng bí thư Đảng Lê Duẩn. Nhà đó rất đẹp và trong kho lưu trữ còn giữ được những tài liệu gốc về nó. Hoặc có một ngôi nhà có thể gọi là lâu đài, đó là villa của một chuyên gia ngân hàng Pháp, bây giờ là nhà riêng của đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
Đằng sau mỗi công thự, trường học, bệnh viện… là một câu chuyện, không chỉ là câu chuyện của người kiến trúc sư Pháp cùng với các cộng sự Việt Nam, mà còn có câu chuyện của người dân, những người sử dụng…. Chúng tôi muốn nêu lên vẻ đẹp của những công trình kiến trúc này không chỉ là về mặt thiết kế, mà còn về công năng của nó và về sự tồn tại của nó. Chúng tôi không chỉ viết bài dựa trên tài liệu, mà chúng tôi phải đi khảo sát thực địa. Tôi nhớ có một chi tiết thú vị, đó là trường Paul Bert, bây giờ là trường Trưng Vương gần hồ Hoàn Kiếm, trên mặt tiền của tòa nhà vẫn còn lưu giữ logo của Hà Nội trước năm 1945. Đó là logo có hình tượng rất đặc trưng với hai con rồng bay lên, đúng là ý nghĩa của Thành Thăng Long. Ngay trong khu phố cổ của Hà Nội, có một trường học, bây giờ gọi là trường Thanh Quan, nhưng ngày xưa mang tên của một nữ văn sĩ Pháp, và có kiến trúc không phải là Pháp-Việt, mà là Pháp-Hoa, rất là thú vị !
Trong các kiến trúc này, có những công trình không còn đầy đủ, nhưng còn một số di tích, ví dụ như trụ sở của Phó Toàn quyền Đông Dương, ngay bên cạnh Hồ Gươm, bây giờ là trụ sở của báo Nhân Dân ở Hàng Trống, nhưng mặt sau của nó còn giữ được một villa đẹp, trông ra Bờ Hồ, bây giờ là trụ sở của một ngân hàng Hàn Quốc.
Khi đi khảo sát lại, chúng tôi phải bỏ thêm nhiều thời gian để xác minh nguồn gốc của những tòa nhà này, trải qua thời gian dâu bể đã thay đổi công năng như thế nào, và hiện đang được dùng để làm gì...
RFI : Giúp cho độc giả hiểu được lịch sử và giá trị của các công trình kiến trúc Pháp là một chuyện, vấn đề đặt ra là phải làm bảo tồn các công trình đó để nó không bị thời gian làm hư hại, không bị tác động của con người phá hỏng ?
Phúc Tiến : Trong những năm gần đây tại Việt Nam diễn ra rất nhiều tranh luận, người dân và các tổ chức xã hội dân sự góp ý cho vấn đề ngày càng nhiều. Từ năm 2000 trở đi, với sự phát triển kinh tế vũ bảo, làn sóng đầu tư nước ngoài, làn sóng thương mại hóa, cơn lốc kim tiền, cũng như sự thiếu hiểu biết lịch sử đã tác hại đến không ít công trình di sản. Ngay cảnh quan thiên thiên (nên nhớ cảnh quan cũng là di sản) và các kiến trúc, các tòa nhà, đường phố…, vì mục tiêu thương mại, vì sự thiếu hiểu hiểu biết, người ta có thể làm hỏng chúng đi, thậm chí làm mất đi, như ở Sài Gòn có Nhà máy Ba Son, Thương xá Tax, Công viên Chi Lăng, hoặc ở Hà Nội, có lúc là Hồ Gươm cũng bị nhiều công trình mới xâm lấn, nhưng may mắn là người dân Hà Nội đã đấu tranh để không mọc lên những tòa nhà cao tầng làm hỏng cảnh quan. Nhiều đền chùa, nhiều ngôi nhà thời Pháp đã bị mất, mới nhất là các tòa nhà với kiểu dáng Pháp xưa ở khu vực Ba Đình đã bị đập bỏ dễ dàng.
Để bảo vệ, cứu vãn di sản, trước hết phải có luật lệ. Mới đây bộ Văn Hóa đã chuẩn bị một dự thảo về sửa đổi Luật Di sản. Luật này đã ra đời cách đây hơn 10 năm, tức là Việt Nam đã có chú ý đến vấn đề này, nhưng chưa đủ và bây giờ phải thay đổi luật, đặc biệt là về việc công khai, minh bạch những công trình xây dựng, công trình đầu tư mới. Hiện tại ở Hà Nội người dân đã lên tiếng về dự án xây Nhà hát opera ngay tại Đầm Trị, bên cạnh khu vực Hồ Tây, có thể phá cảnh quan cũng như môi trường.
Điều thứ hai là vấn đề giáo dục. Hai phần ba dân số Việt Nam là những người trẻ. Thế thì, những người ở lứa tuổi 40, 50 trở lên, những người còn giữ được ký ức hay đẹp của Việt Nam thế kỷ 20, trong đó có những di sản mang dấu ấn văn hóa Pháp phải làm sao trao truyền lại những điều đó.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và chúng tôi, những người biên soạn cuốn sách này đều mong muốn đóng góp một phần nào đó trong việc phổ biến kiến thức thông qua việc phổ biến để mọi người biết trân trọng, biết nâng niu những di sản đó.
RFI : Xin cám ơn nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 19/09/2022