Bài trước tôi đã kể về sự thực bảo tồn di tích cung điện triều Nguyễn trong Đại nội Huế. Bài này xin kể tiếp những điều mắt thấy tai nghe về hiện trạng bảo tồn, trùng tu các lăng tẩm bên ngoài Đại nội.
Cung thành Huế nhân chuyến thăm của Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu năm 2017 - Reuters
Mã QR Code
Trong Tử cấm thành, dưới chân cửu đỉnh đặt tại sân Thế Miếu có những thông báo như thế này :
Cửu đỉnh là chín chiếc đỉnh bằng đồng xếp một hàng ngang dưới thềm Hiển Lâm Các, theo thứ tự đối diện với các án thờ trong Thế Miếu. Trên mỗi đỉnh có 17 bức hình chạm nổi trên mặt đồng về trời biển, núi sông, chim, cá, hoa quả và binh khí (những danh thắng, sản vật nổi tiếng của Việt Nam). Tên đỉnh cũng chính là tên thụy của vua sau khi mất, được đưa vào thờ tại Thế Miếu. Cao đỉnh (Cao là miếu hiệu của vua Gia Long) đặt ở chính giữa. Hai bên trái phải là Nhân đỉnh (Nhân là miếu hiệu của vua Minh Mạng) và Chương đỉnh (Chương là miếu hiệu của vua Thiệu Trị), Anh đỉnh (Anh là miếu hiệu của vua Tự Đức), Nghị đỉnh (vua Kiến Phúc), Thuần đỉnh (vua Đồng Khánh), Tuyên đỉnh (vua Khải Định), còn Dũ đỉnh và Huyền đỉnh chưa kịp tượng trưng cho vua nào thì triều Nguyễn đã bị xóa bỏ vĩnh viễn trong sự kiện Cách mạng tháng 8.
Đó là những thông tin tôi đọc được trên mạng, về sau này.
Nhưng lúc đó chúng tôi chưa biết rõ như thế. Cho nên lúc trông thấy mã QR code như trong ảnh trên, chúng tôi thật vui mừng. Theo chỉ dẫn, chỉ cần bật điện thoại lên, vô mạng, quét mã QR code in ở đây thì sẽ được nghe thuyết minh về di tích qua tai nghe. Thật hết sức tiện lợi cho du khách khi rất nhiều du khách đến Đại nội chỉ một mình. Nếu đi đoàn thì nhiều khi đông quá nên những người đứng vòng ngoài chỉ có thể nghe tiếng cô hướng dẫn qua loa phóng thanh, nhưng không nhìn được di vật.
Chúng tôi làm ngay theo hướng dẫn, lòng mừng khấp khởi. 4.0, hiện đại quá, hoan hô Ban quản lý.
Ấy thế nhưng nó lạ lắm.
Điện thoại cũng vào được ứng dụng bằng mã QR code, nhưng… trong tai nghe chỉ có tiếng rẹt rẹt xì xì. Ngoài ra chẳng hề có âm thanh nào khác.
Tôi chạy đi tìm mã QR code ở các khu vực khác. Chỗ nào cũng có những hướng dẫn có QR code như thế này cả. Hỡi ôi, kết quả y chang nhau. Chẳng có một lời thuyết minh nào ngoài tiếng gió vi vu thổi qua các bãi hoang vắng lặng trong Tử cấm thành.
Hôm sau, chúng tôi đến các lăng tẩm bên ngoài Đại nội. Có QR code nhiều nơi, nhưng tình trạng cũng y vậy.
Nuôi gà chó trong lăng Khải Định
Các di tích lăng tẩm bên ngoài Đại nội gồm có lăng Khải Định, lăng Gia Long, lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng và lăng Thiệu Trị. Có các lăng tẩm từ lâu đã được tôn tạo trùng tu sạch đẹp và mở cửa cho khách tham quan, có những lăng tẩm ở khá xa (cách trung tâm thành phố Huế vài chục km), có lăng đã đổ nát.
Lăng Khải Định, lăng tẩm của vua Khải Định, vị vua thứ 12 triều Nguyễn khác hẳn các lăng tẩm khác. Ông sống trong thời cận đại (1885-1925) nên đã đi đây đó nhiều hơn, kiến văn của ông cũng bao quát hơn chứ không chỉ hướng Khổng, Nho như nhiều vị vua trước. Cá tính của vua Khải Định cũng hết sức khác biệt với tiền nhân. Lăng của ông nhỏ gọn, chỉ có kích thước 117m * 48,5 m, nhưng cực kỳ công phu và tốn kém. Nguyên liệu xây dựng lăng gồm sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise (đá chẻ, đá phiến)… mua ở Pháp về. Đồ sứ, thủy tinh màu mua từ Trung Quốc, Nhật Bản. Không hề có vườn cây, bãi cỏ, trường lang hay đình đài lầu các, ao sen như các lăng tẩm khác. Lăng cao chót vót vì xây trên đồi, đã thế lại chia làm ba tầng, leo muốn rụng cái giò qua ba cầu thang dài mới lên tới nơi. Tuy nhiên, mọi thứ ở đây rất độc đáo.
Lúc chúng tôi đến, lăng vắng tanh vắng ngắt, không một du khách nào khác. Cũng không hề thấy bóng bảo vệ hay người hướng dẫn. Mãi sau, nghe tiếng đài phát thanh văng vẳng bên hông lăng, tôi đi tìm. Thì cả một khung cảnh sinh hoạt ấm áp khác hẳn với sự lạnh lẽo của phần còn lại bày ra trước mắt: hai con chó bị xích vào khung cửa đang chồm lên sủa dữ. Mấy con gà đi loanh quanh mổ cơm. Mấy thau cơm chó lăn lóc. Rổ rá, xoong nồi, thau chậu sinh hoạt bừa bãi, nước chảy lênh láng đọng rêu xanh.
Trong căn phòng bên đó, một người đàn ông lớn tuổi nằm võng tòong teng, bên tai có một chiếc radio nhỏ đang phát chương trình thời sự của đài tiếng nói Thừa Thiên-Huế. Đồ dùng chung quanh bừa phứa đúng kiểu sinh hoạt của một người đàn ông sống một mình. Ông kể ông là người bảo vệ lăng. Chỉ một mình ông. Ông nuôi gà, nuôi chó, nấu cơm ăn, sinh hoạt ngủ nghỉ tại căn phòng này.
Về tìm đọc tài liệu, tôi mới biết phòng này gọi là Tả, Hữu trực phòng, dành cho lính hộ lăng (phía bên kia có một căn phòng đối xứng).
Tôi không rõ về nguyên tắc bảo tồn và quản lý di tích. Người bảo vệ lăng hiện giờ có được sinh sống trong Tả trực phòng, Hữu trực phòng không?
Chỉ có một điều đập vào mắt, rằng nếu họ được sinh sống trong đó để tiện bảo vệ lăng thì vẫn cần phải lưu ý, Trực phòng không phải nhà ở riêng mà là một bộ phận gắn liền của lăng. Do vậy nó phải có sự nghiêm trang và chỉn chu cần thiết.
Ngay gian phòng bên cạnh, chỉ cách một khoảng cửa chạm trổ rộng rãi, chính là nơi trưng bày tranh ảnh, tài liệu giới thiệu về khu vực lăng tẩm và cuộc đời vua Khải Định. Nhưng mọi thứ cũng đều lem nhem và tiêu điều như trong một triển lãm cấp xã. Không thể hình dung lăng tẩm của một vị vua độc đáo trong lịch sử Việt Nam lại có thể được bảo tồn theo cách như thế.
Trùng tu hay phá hoại ?
Một lăng tẩm khác, tôi cũng quên tên, nằm trong vùng đồi núi cách trung tâm thành phố Huế khá xa. Lúc chúng tôi tới thì một phần kiến trúc cũ của lăng/cung điện đã được tháo dỡ ra hết và thợ đang làm lại từng phần. Phía trước có một khoảnh sân rộng có mái tôn, cất những đòn tay, cột, kèo, rui, mè, đầu cột… chạm trổ bằng gỗ khá ngăn nắp. Gỗ rất dày, hầu như toàn bộ các phần ghép lại với nhau đều bằng mộng. Trước kia các chi tiết gỗ này được sơn son, có những phần được thếp vàng. Đến nay nước sơn đỏ vẫn còn, chỉ cũ và bám bụi bặm lâu năm. Có lẽ chúng sẽ được dùng để trùng tu lăng.
Những chi tiết bằng gỗ, khảm sành sứ trong cung điện/lăng tẩm cũ bị vứt bỏ lăn lóc khi trùng tu. Ảnh: Công Tôn Học
Nhưng trong khắp mảnh sân bên cạnh và đằng sau nó, rất nhiều chi tiết kiến trúc khác không được may mắn như vậy. Tôi trông thấy những đầu đao, tượng rồng, tượng hổ… bằng xi măng khảm sành sứ màu tuyệt đẹp bị vứt bỏ lăn lóc trong đám cỏ lúp xúp, trong vũng bùn, trong các lùm bụi um tùm. Vộ số chi tiết gỗ chạm trổ đã bị mưa nắng làm phai màu thêm hoặc mục nát dần dần.
Chúng tôi xin thợ cho vào bên trong công trình đang trùng tu để xem một chút. Và thấy họ đang dựng lại bộ khung của kiến trúc, tất cả đều bằng gỗ mới tinh.
Tôi đoán, với cách "trùng tu" như thế nên họ đã vứt sạch những chi tiết kiến trúc nguyên gốc của cung điện/lăng tẩm đang được trùng tu, như đã thấy. Thay vào đó, họ xây mới hoàn toàn.
Không trùng tu, phục nguyên di tích. Không nâng niu gượng nhẹ, giữ gìn từng chút một những chi tiết kiến trúc còn lại để trưng bày tại chỗ cho du khách ngắm nhìn, tìm hiểu về lịch sử và quy trình phục nguyên di tích như nguyên tắc trong ngành này. Họ thẳng thừng phá hoại. Phá hoại một cách thô lỗ, thô bạo những di tích, di sản mang tích lịch sử hiếm hoi và quý giá.
Huế có cả nông, lâm, ngư nghiệp, chăn nuôi, khai khoáng, sản xuất bia, có cảng Chân Mây, v.v. Nhưng trong các báo cáo kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên-Huế, du lịch, chủ yếu là du lịch đến quần thể di tích cố đô Huế - vẫn là lĩnh vực thế mạnh trọng tâm, mang lại nguồn thu dồi dào và đều đặn cho tỉnh. Ở khía cạnh nào - kinh tế, lịch sử, văn hóa hay kiến trúc, quần thể di tích cố đô Huế đều là tài sản quý giá vô song. Nói thô thiển một chút thì quần thể di tích cố đô chính là một nồi cơm Thạch Sanh dành riêng cho Huế, con cháu chỉ việc cẩn trọng giữ gìn kho tàng tổ tiên để lại là đủ no bụng đời đời.
Nhưng, đến Huế đã nhiều lần, nhưng hầu như chưa bao giờ tôi được nếm trải cảm giác thỏa mãn, đầy đủ của một khách du lịch trân trọng lịch sử nước nhà và ưa tìm kiếm sục sạo. Thay vào đó, luôn luôn là cảm giác tiếc nuối, và nhiều lần là đau đớn xót xa vì những điều mắt thấy tai nghe như đã kể.
Thậm chí, năm 2019, đơn vị thi công bờ kè Hộ thành hào (phía Nam cung đình Huế) đã dùng thiết bị cơ giới phá nát bờ kè đá gan gà nguyên gốc để xây dựng bờ kè mới toanh bằng bê tông cốt thép.
Công Tôn Học
Nguồn : RFA, 15/10/2022