Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

22/11/2022

Trò tốt hay xấu có hoàn toàn do thầy/cô ?

RFA tiếng Việt

Mới đây lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cho rằng : "Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu". Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu như vừa nêu khi tham dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội mới đây.

thaytro1

Một lớp học ở Hà Nội (hình minh hoạ). Reuters

Ông Chính nhấn mạnh ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để tri ân hơn 1,6 triệu nhà giáo. Thủ tướng dẫn chứng nhiều thầy cô đã vượt khó vươn lên, cống hiến với nghề, tình nguyện trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh…

Nhưng khi nhắn nhủ tới đội ngũ nhà giáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính lại nhắc lại câu nói của ông Hồ Chí Minh : "Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu" và cho rằng mỗi thầy, cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, đặt toàn bộ lương tâm, sự hiểu biết và trách nhiệm vào công việc.

Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Cần Thơ, nguyên giảng viên trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, hôm 22/11 nhận định :

"Nói chung, kết quả của ngành giáo dục không chỉ phụ thuộc vào người dạy và người học, mà nó còn bao gồm rất nhiều yếu tố của quá trình dạy học như : trường lớp, bàn ghế, sách giáo khoa, v.v. Nếu như nói giáo viên tốt thì học trò sẽ tốt, giáo viên xấu thì học trò sẽ xấu, thì nó hoàn toàn không chính xác, vì nó hoàn toàn không phản ảnh được cả một quá trình giáo dục. Thực tế trong các trường học ở Việt Nam cũng như thế giới, chúng ta thấy rõ ràng trong một năm, trong một học kỳ rất nhiều học sinh sinh viên bị rớt môn, thậm chí bị cho thôi học… thì như thế chẳng lẽ chúng ta nói rằng những người đó rớt môn hay là bị cho thôi học đều học ở thầy cô xấu hết cả sao ?"

Do đó Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng, phát biểu của Thủ tướng nằm ở một góc độ khác, có lẽ do ông ta phát biểu không trọn vẹn về một quá trình giáo dục. Do đó xảy ra sự phê phán của dư luận trong mấy ngày qua.

Còn Thầy Đỗ Việt Khoa - giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, khi trả lời RFA hôm 22/11, cho rằng quan điểm của Thủ tướng vừa đúng, vừa không đúng :

"Nếu thật sự người thầy tốt đúng nghĩa thì chắc chắn không thể làm xấu học trò được, chỉ có thể làm học trò tốt lên. Nhưng học trò giỏi hay không lại khác, chữ tốt và chữ giỏi khác nhau, làm một người tốt so với một người giỏi cũng không giống nhau. Vì vậy cái giỏi của học trò còn phụ thuộc vào tố chất cá nhân của nó, phụ thuộc vào môi trường học tập… Còn chỉ là một người tốt thì dứt khoát là một việc dễ dàng hơn. Tôi không đồng ý với Thủ tướng, có lẽ ông ấy đồng hóa học trò giỏi và học trò tốt là một".

Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng, tất nhiên nếu thầy cô chưa giỏi chưa tốt, luôn luôn cư xử với trẻ bất công, tạo cho trẻ sự vô lý trong tâm lý tiêu cực… thì chúng ta không thể tạo ra thế hệ học trò là người tốt được. Thầy Khoa dẫn chứng :

"Tôi cho rằng rất nhiều vụ nữ sinh đánh nhau ở ngoài rất dã man, tàn bạo, có sự cổ vũ của những học sinh khác, đó là một trong những biểu hiện vô cùng xấu là do thầy cô giáo không công bằng, tạo ra sự bất công đối với trẻ… Còn một nguyên nhân nữa là nhân tố gia đình".

Trong năm học 2021-2022, đã có hơn 16 ngàn giáo viên đã nghỉ dạy, lý do chính theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn là do lương thấp. Nhưng nhiều giáo viên khi trả lời RFA trước đây cho rằng giáo viên nghỉ việc là do quá nhiều áp lực.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành, có 10.407 người là giáo viên công lập và số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người.

Với thực trạng ngành giáo dục hiện nay, sao Thủ tướng lại đè nặng thêm trách nhiệm cho giáo viên ? Trong khi thực chất công việc quản lý giáo dục có nhiều việc cần phải làm.

Một giáo viên tiểu học ở Sài Gòn không muốn nên tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, nói :

"Có rất nhiều thứ, thứ nhất về chương trình ngày càng quá nặng, không tạo cho giáo viên sự thoải mái để họ cống hiến hết sức mình. Họ bị gò bó, rồi đưa ra những thi đua này nọ buộc họ phải làm, vắt kiệt sức giáo viên. Nói chung là có rất nhiều chuyện dẫn đến sự bất mãn của giáo viên".

Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm ngoái đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục hiện hành, kiến nghị lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, đề xuất bảng lương riêng hoặc chế độ phụ cấp cao nhất đối với giáo viên đã không được tán thành.

Thầy Đỗ Việt Khoa nhận định thêm về môi trường giáo dục tại Việt Nam hiện nay :

"Môi trường xã hội cũng như môi trường giáo dục hiện nay có hai mặt, có chỗ tốt, nhưng cũng có chỗ chưa tốt để lại nhiều ấn tượng xấu cho trẻ, hay không hoàn toàn tìm được môi trường hoàn toàn tốt tại Việt Nam. Dù các trường quốc tế thì sự chăm sóc quản lý tương đối tốt, nhưng ở những trường đó cái tốt nó lại trả giá bằng rất nhiều tiền. Các trường quốc tế ở Hà Nội mỗi tháng học phí lên tới hơn 30 triệu đồng, nó có giá cả, chưa tạo ra được các nhân bản của ngành giáo dục. Còn các trường công lập mặc dù học phí rất nhỏ, nhưng hầu hết các trường đều vẽ ra các khoản thu trái quy định, làm ảnh hưởng tới hình tượng nhà giáo. Mà mỗi hình tượng nhà giáo xấu sẽ làm mất đi sự kỳ vọng của học sinh".

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, từng giảng dạy nhiều năm tại Đại học Liège, Vương quốc Bỉ, khi trả lời trước đây nhắc lại nhận định của cố giáo sư Hoàng Tụy với đại ý rằng "nền giáo dục Việt Nam không phải chỉ lạc hậu mà còn lạc đường. Vì lạc đường nên nó loay hoay mãi không có lối ra". Theo ông Hưng, cái lạc đường của Việt Nam là do không đánh giá đúng triết lý giáo dục phù hợp với con người, không phục vụ con người theo ý nghĩa con người tự do, nhân văn, có tinh thần phê phán và sáng tạo…

Nguồn : RFA, 22/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 388 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)