Viện Nghiên cứu Hán Nôm làm mất 25 sách cổ có liên quan "cương vực chủ quyền Việt Nam"
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Văn bản học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm báo động trên trang Facebook cá nhân vụ cơ quan này làm mất 25 cuốn sách cổ viết bằng chữ Nôm mà theo ông Diện là "cực kỳ quan trọng của văn hiến dân tộc" và "liên quan đến cương vực chủ quyền của Việt Nam".
Viện Nghiên cứu Hán Nôm nơi làm thất lạc 25 cuốn sách Hán Nôm cổ - Chụp màn hình
Theo thông cáo của Viện Nghiên cứu Hán Nôm công bố vào ngày 21/12, cơ quan này được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giao nhiệm vụ bảo quản các tài liệu Hán Nôm gồm gần 35.000 cuốn sách và gần 60.000 thác bản văn bia đã có biên mục.
Vào tháng 4/2020, viện tiến hành tổng kiểm kê đầu tiên trong hơn 10 năm qua thì phát hiện thiếu 29 quyển (tập sách đóng rời) và sáu thác bản bia. Sau khi rà soát lại, viện tìm được bốn quyển do để sai chỗ trên giá và bốn thác bản cũng để sai chỗ.
Cho tới thời điểm này, số sách cổ bị mất hoặc thất lạc là 25 quyển. Hai thác bản bị mất nhưng đã có thác bản dự bị đem ra sử dụng. Tuy nhiên, số sách trên đã có bản scan màu và/hoặc bản photocopy làm từ trước, tức là nội dung sách không bị mất.
Thông tin sách cổ quý hiếm biến mất khỏi kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm được Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện- Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Văn bản học của cơ quan này, đưa lên trang Facebook cá nhân cùng tên trong ngày 20/12, một ngày sau cuộc họp tổng kết năm của viện.
Tin sách cổ quý hiếm biến mất khỏi kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm được Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Văn bản học của cơ quan này, thông báo ngày 20/12.
Theo ông Diện, trong số những cuốn sách bị mất có bản gốc bộ sách Toàn Việt thi lục của nhà bác học Lê Quý Đôn (mất 4 cuốn thuộc 3 bộ khác nhau) ; và hai cuốn Địa dư chí ghi chép địa lý, cương vực, bờ cõi rất quý liên quan đến cương vực chủ quyền của Việt Nam.
Tiến sĩ Diện nói trong số sách quý bị mất còn có Việt âm thi tập- tuyển tập thơ đầu tiên của Việt Nam viết bằng chữ Hán, do nhà sử học Phan Phu Tiên (1370-1462) biên soạn và Thị Ngự sử Chu Xa (1407 - ?) kế tục biên soạn.
Kho sách mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm được Nhà nước giao quản lý là tài sản quốc gia quý giá.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua tin nhắn :
"Bộ Việt âm thi tập là một vốn cổ quý giá, không những về thơ văn, mà nó còn là một tài liệu quý hiếm về cả mặt sử học, vì lời chú dẫn có trong sách. Ngoài ra, nó cho biết kỹ thuật in ấn của Việt Nam lúc bấy giờ.
Ưu điểm nổi bật hơn cả của Việt âm thi tập, đó là niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc Việt, nhất là về tiếng nói đặc sắc mang vẻ đẹp và tâm hồn Việt Nam. Ngày nay, có thể nói phần lớn thơ ca ở thời đại Trần-Hồ và đầu đời Lê còn giữ lại được cũng là nhờ Việt âm thi tập".
Ông Diện cho biết kho sách mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm được Nhà nước giao quản lý là tài sản quốc gia quý giá. Kho sách này kế thừa các kho sách cổ mà Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tập được.
Chỉ có một người được giao chìa khóa của kho sách cổ và chỉ Viện trưởng có quyền cho phép đưa sách cổ ra khỏi kho hoặc cho phép ai tiếp xúc trực tiếp với các bản sách cổ tại phòng đọc.
Ông Diện cho rằng 25 cuốn sách cổ bị mất là những cuốn "cực kỳ quan trọng của văn hiến dân tộc".
Trong bài của báo Thanh Niên đăng ngày 21/12, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tuấn Cường nói "Trong số 25 quyển sách trên, có những quyển đã được nghiên cứu kỹ, có những quyển chưa được tìm hiểu nên chưa xác định rõ giá trị nội dung. Vì vậy, để xác định tầm quan trọng của tất cả 25 quyển sách đó, thì cần tìm hiểu kỹ mới xác định được".
Toàn Việt thi lục hiện còn 11 bộ, trong đó riêng Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ 10 bộ, bộ còn lại hiện lưu trữ tại Hiệp hội Châu Á ở Paris (Pháp).
Ông Diện nói đã đề nghị ban lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hán Nôm báo với cơ quan công an về việc sách cổ quý bị mất nhưng Viện trưởng không thực hiện.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do liên lạc với Viện trưởng Nguyễn Tuấn Cường qua email để đề nghị ông bình luận về sự việc. Trong email phản hồi ông cho biết : "Về sự việc này, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có Thông cáo trên website của đơn vị. Những việc khác đang được tổ chức giải quyết, chưa có thông tin chính thức".
Phóng viên có gửi email đến ban lãnh đạo của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cơ quan chủ quản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm để đề nghị bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi.