Đạo Bà Ni của dân tộc Cham bỗng nhiên bị biến thành Islam
Quang Nguyên, VNTB, 20/02/2023
Cộng đồng dân tộc Cham Việt Nam tại Ninh Thuận, Bình Thuận đang dấy lên lại vấn đề từng gây đau đớn cho nhiều người theo đạo Bà-ni về việc danh xưng đạo Bà-ni của họ bỗng nhiên bị biến mất, tín đồ Bà-ni bị choàng vào cổ danh xưng tín đồ Islam mà không biết nguyên do. Chức sắc và Tín đồ Bà-ni đang đấu tranh với chính quyền đòi lại tên Tôn giáo của mình và họ không thể bị ghi tên là tín đồ Islam. Họ thấy ban tôn giáo tỉnh Ninh Thuận nhúng tay làm việc mờ ám này.
Một tôn giáo kỳ cựu có gốc rễ mà bị xóa sổ không rõ lý do. Một tôn giáo, một nền văn hóa bị xóa xổ một cách uất ức và nhanh chóng, có phải ai đó đang đàn áp tôn giáo, xóa bỏ luôn bản sắc độc đáo của dân tộc Cham
Bài này viết theo tin tổng hợp.
Dân tộc Cham ở Việt Nam hiện tại theo 3 tôn giáo chính : Bà-la-môn, Bà-ni và Islam.
Trước và sau 1975, tên tôn giáo chính thức của cộng đồng Cham Bà-ni là "Tôn giáo Bà-ni". Căn cước, Chứng minh Nhân dân và cả Hộ khẩu của người theo đạo Bà Ni cũng ghi như vậy. Thoạt nhiên năm 2017, tín đồ Bà-ni khi làm Chứng Minh Nhân Dân, tất cả bị đổi thành "Tôn giáo : Đạo Hồi". Cùng thời gian, danh mục tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ mất hẳn tên Tôn giáo Bà-ni.
Sự thể gây hoang mang lớn trong cộng đồng Cham Bà-ni hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Chức sắc và tín đồ Bà-ni lên tiếng, đủ cách – 4 năm qua vẫn chưa tới đâu.
Vào mùa lễ Ramưwan 2021, một số người trẻ thuộc thế hệ mới Cham Bà-ni, trong đó có Kiều Maily, Xuân Bào và một nhà văn hóa Cham, ông Inra Sara, đã trao đổi ráo riết về vấn đề này. Ông Inra Sara nhắc :
"Hai đóng góp lớn nhất của Cham vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam, đó là Kiến trúc & điêu khắc và Hải sử & văn hóa biển ; còn [đóng góp] cho thế giới là Đạo Bà-ni, một tôn giáo khả năng hóa giải và hòa giải hai hệ tư tưởng không đội trời chung".
Năm trụ cột dựng nên Islam : Chahada, Salat, Ramadan, Zakat và Hadj qua đến đất Champa bị biến tấu, thay mới, hoặc làm khác đi. Làm khác đầy chủ động, để thành Bà-ni !
Cham Bà-ni không còn nhớ đến việc hành hương La Mecque, việc cầu nguyện mỗi ngày, ăn chay vào tháng Chín và bố thí được thực hiện vào mùa Ramưwan (Ramadan) chỉ dành cho giới tu sĩ…
Đó chính là công lao to lớn nhất của Đức vua Pô Rômê [1627-1651].
Cham Bà-ni đa thần, là điều tối kị đối với tôn giáo độc thần Islam. Không một Muslim nào chấp nhận một tín đồ như thế trong đạo của mình.
Bà con Cham cả Bà-la-môn lẫn Bà-ni [Ahiêr và Awal] thờ phụng thứ nhất là Pô Yang : Pô Inư Nưgar, Pô Klong Girai, Pô Rômê, Pô Riyak, Nai Tangya… là các vị vua, anh hùng liệt nữ được thần hóa, tiếp đến là Muk Kei (Ông bà tổ tiên) và sau cùng mới tới các Yang (thần) tiền tôn giáo như Thổ thần, thần Núi, thần Sóng…
‘Ahiêr Awal’ hay Ba-ni, đích thị là Tôn giáo của riêng người Cham miền Trung Việt Nam, một tôn giáo dân tộc, hòa bình và nhân văn.
Nhà văn hóa Cham Inra Sara lưu ý : Từ thời lập quốc, Ấn Độ giáo là quốc giáo của Champa. Vào thế kỉ VIII, Phật giáo Đại thừa vào vương quốc Champa trong 300 năm rồi biến mất, Ấn Độ giáo [hay Bà-la-môn Cham] vẫn là quốc giáo. Từ thế kỉ XI, Islam được du nhập vào vương quốc Champa, tín đồ từ Bà-la-môn và Ấn Độ giáo sinh sống hòa hợp với nhau. Đến thế kỉ XIV Ấn Giáo và Islam trở thành 2 thế lực mạnh, xung đột khủng khiếp dẫn đến tan cửa nát nhà. Sang thời Pô Rômê giữa thế kỉ XVII (1627-1651), Ngài hóa giải Islam và hòa giải với Bà-la-môn thành đạo Bà-ni. Trong tôn giáo Ba-ni yếu tố Bà-la-môn và yếu tố bản địa lấn át hẳn yếu tố Islam.
Trong suốt hơn 400 năm sau thời Pô Rômê, hai tôn giáo Cham Bà-la-môn và Cham Bà-ni "không hề có xung đột lẫn nhau", dù là nhỏ nhất.
Đến thập niên 1960, Islam lần nữa được du nhập vào cộng đồng Cham Ninh Thuận, liền tức thì ba cuộc xung đột gây chết chóc đã xảy ra.
Thế nên, nói Bà-ni xuất phát từ Bà-la-môn Cham hay từ Islam thế nào cũng đúng, không vấn đề gì cả, đó là lý thuyết !
Nhưng "thực tế sinh hoạt tôn giáo" Cham hôm qua và hôm nay mới đáng kể :
1. Từ trước và sau 1975 tên gọi, bộ phận Cham theo Bà-la-môn Cham được gọi là "Tôn giáo Bà-la-môn", còn Cham Bà-ni là "Tôn giáo Bà-ni". Chỉ từ 2017, tên gọi này mới bị thay đổi mà không ai biết nguyên do.
2. Cham Bà-la-môn và Cham Bà-ni sinh hoạt tôn giáo chung rất hòa bình, trong khi Bà-la-môn hay Bà-ni "tuyệt đối" không sinh hoạt chung với Cham Muslim [Islam].
3. Cuối cùng, sự thay đổi tên tôn giáo này bị cả cộng đồng Cham Bà-ni "phản đối", từ chức sắc cho chí tín đồ. Phản đối và đòi "phục hồi" lại đúng tên tôn giáo của mình.
4. Thêm nữa, Bà-ni đa thần [Pô Yang là vua chúa được thần hóa, Muk Kei là ông bà tổ tiên và Yang là các thần tiền tôn giáo] là điều tối kị với Islam. Không Muslim "thật" nào chấp nhận, ngoài một nhóm rất nhỏ Cham Bà-ni giả danh Muslim [bà con gọi là Jawa-lai] cố lôi kéo bà con mình vào Islam mới sanh chuyện, để mùa Ramadan vừa qua suýt gây bạo loạn lớn ở Phước Nhơn.
Được biết mấy tháng nay, một số tín đồ Hồi giáo ở Phước Nhơn đang xung đột với nhau đến đổ máu, nguyên nhân vì sao chưa rõ, nhưng đây không phải lần đầu họ tranh chấp chém giết nhau như vậy.
Trong khi đó Ban Tôn giáo của chính quyền tỉnh Ninh Thuận đang vận động các chức sắc Bà-ni đến dự Đại hội Hồi giáo. Người Bà-ni thắc mắc trên cơ sở nào Ban tôn giáo tỉnh vận động, ép buộc người Chăm Bà-ni phải theo Hồi giáo. Họ cho rằng đây là việc làm trái pháp luật, trái với đạo lý và đề nghị Ban tôn giáo tỉnh ngừng ngay việc vận động áp đặt công dân theo bất kỳ tôn giáo nào.
Một người nêu đích danh ông Nguyễn Hữu Tuấn, Bí thư huyện Ninh Phước, "yêu cầu không can thiệp vào chuyện nội bộ của tôn giáo Bà-ni.
Không ép buộc các tín đồ, chức sắc đi họp khi chưa giải quyết dứt điểm ở các halauw.
Bà-ni và Hồi giáo là hai tôn giáo riêng biệt, mong ông tìm hiểu kĩ trước khi nói gì thêm.
Đề nghị các chức sắc và bà con thôn Thành Tín giữ vững lập trường của mình".
Rất lạ ! Một tôn giáo kỳ cựu có gốc rễ mà bị xóa sổ không rõ lý do. Một tôn giáo, một nền văn hóa bị xóa xổ một cách uất ức và nhanh chóng, có phải ai đó cách đàn áp tôn giáo, xóa bỏ luôn bản sắc độc đáo của dân tộc Cham ?
Quang Nguyên
Nguồn : VNTB, 20/02/2023
***********************
Tín đồ Chăm Bàni ở Việt Nam bức xúc khi tôn giáo của họ bị đồng nhất với Hồi giáo
Các tín đồ Chăm Bàni ở Việt Nam bày tỏ bức xúc khi chính quyền không công nhận tôn giáo của họ và tôn giáo này bị gộp chung với Hồi giáo.
Vào những tháng đầu năm 2021, khi các tín đồ Bàni ở các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đi làm căn cước công dân, họ không được chọn Bàni là tôn giáo riêng của họ mà phải khai là theo đạo Hồi (Islam) hoặc tôn giáo khác.
Ông Lưu Hoàng Điệp, một tín đồ Bàni sinh ra và lớn lên ở Bình Thuận, nói với VOA :
"Khi mình đi làm căn cước công dân, trong phần mềm không có tôn giáo Bàni, thay vào đó, họ ghi là "Hồi giáo", hoặc "khác" nên đa số bà con đành phải chọn là "khác".
"Đa số bà con muốn có tôn giáo Bàni riêng, có tên là Bàni, chứ không bị gộp vô Hồi giáo".
"Đa số người dân phản đối, có người gửi đơn thu thập chữ ký gửi lên trung ương, có người đăng bài phản đối lên Facebook", ông Lưu Hoàng Điệp cho biết thêm.
Tài liệu trên trang web của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam ghi nhận sự tồn tại của cộng đồng Chăm theo đạo Hồi và Chăm Bàni. Trang này viết : "Chăm Bàni chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tôn giáo Bàlamôn và tín ngưỡng bản địa với chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng đa thần, có yếu tố dân tộc mang tính vượt trội".
Tuy nhiên, theo các tín đồ Chăm Bàni, tôn giáo của họ không được nhà nước công nhận như đạo Phật hay Công giáo. Và thực tế là những người theo đạo Bàni bị nhà nước gộp chung với những người theo đạo Hồi ở Việt Nam.
Ông Lưu Hoàng Điệp cho biết hiện có khoảng trên 45 ngàn tín đồ theo đạo Bàni, chủ yếu tại hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Ông nói thêm :
"Người Bàni thờ tổ tiên, các anh hùng liệt nữ xưa kia, chứ không hề biết gì về thánh Allah hay Muhamad của đạo Hồi".
Các tín đồ Chăm Bàni cho rằng họ có những tập tục, lễ nghi khác với người theo đạo Hồi. Do đó, gộp tôn giáo của họ chung với đạo Hồi là "không thể chấp nhận được".
Từ Thụy Điển, ông Thành Thanh Dải, Tiến sĩ chính trị quốc tế học, hiện là đại biểu dân sự của dân tộc Chăm trong hệ thống dân sự tại Liên Hiệp Quốc, nói với VOA :
"Bàni là một tôn giáo dân gian, bản địa, hình thành và phát triển trên lãnh thổ Việt Nam bây giờ và trước đây là Chămpa. Bàni không có liên quan gì đến Hồi giáo chính thống ở Trung Đông, khối Ả-rập.
"Hiện nay, chính phủ Việt Nam gộp chung tôn giáo Bàni và Hồi giáo. 45 ngàn tín hữu Bàni khi biết rằng chính phủ Việt Nam có chính sách gộp lại như vậy đã gây ra sự bức xúc, bất bình và xáo trộn trong sinh hoạt và đời sống tinh thần của các giáo dân, tín hữu Bàni".
"Chính phủ Việt Nam không được quyền loại bỏ tôn giáo Bàni mà có lịch sử hình thành gần 400-500 năm về trước", ông Thành Thanh Dải nhấn mạnh.
Đạo Hồi nằm trong danh mục 16 nhóm tôn giáo được Bộ Nội vụ Việt Nam công nhận vào tháng 12/2020. Theo đó, các tín đồ Bàni bị liệt vào nhóm này, với tên gọi là Hồi giáo Bàni.
Truyền thông trong nước nói rằng người Chăm tại Ninh Thuận và Bình Thuận "chủ yếu" theo Hồi giáo và Bàlamôn giáo, và không gọi Bàni là một tôn giáo.
VOA đã liên lạc các cơ quan chức năng của Việt Nam bao gồm Bộ Công an - cơ quan quản lý thủ tục làm căn cước công dân, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo Bình Thuận và Ninh Thuận, để tìm hiểu về các vấn đề mà tín đồ Bàni đang bức xúc, nhưng chưa được phản hồi.
Vào cuối tháng 3/2021, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) dẫn lời Thượng tá Nguyễn Văn Sen, Phó Trưởng Công an huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết : "Trong hệ thống phần mềm (làm Căn cước công dân) không thể hiện danh mục tôn giáo Bàni, nên vẫn làm thống nhất theo chỉ đạo của Bộ Công an".
"Còn trong quá trình làm rồi, nếu sau này có ý kiến từ cấp trên thì sẽ chỉnh sửa", ông Nguyễn Văn Sen cho biết thêm.
Được biết trước đây khi người dân làm giấy chứng minh nhân dân, họ được khai là theo tôn giáo Bàni, hay đạo Bàni.
Ông Thành Thanh Dải, còn có tên gọi là Daisa Dao, đồng thời là một tín hữu tôn giáo Bàni, là bày tỏ mong muốn :
"Chúng tôi mong muốn chính phủ Việt Nam xem xét tư cách pháp lý của tôn giáo Bàni độc lập với Hồi giáo vì chúng tôi không theo đạo Hồi. Chính phủ Việt Nam cần phải khách quan, sáng suốt để chúng tôi thờ phượng tổ tiên ông bà theo tín ngưỡng dân gian của mình.
"Cá nhân tôi là người đại diện tinh thần dân tộc Chămpa tại hệ thống dân sự Liên Hiệp Quốc, trong quá trình tham gia diễn đàn hơn 10 năm nay, tôi lên tiếng bênh vực cho quyền căn bản về văn hóa, giáo dục, quyền bảo tồn di sản và giá trị tinh thần người Chăm.
"Tôi cũng khuyên anh em nên đấu tranh theo tình tự pháp lý của Việt Nam, có thiện chí và bình tĩnh, không dùng bạo lực… tiến hành các tình tự pháp lý căn cứ vào công pháp quốc tế về vấn đề tôn giáo mà Việt Nam đã cam kết".
Vào cuối tháng 5/2021, Tiến sĩ Thành Thanh Dải, đã gửi một kháng thư đến Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong đó ông phản đối việc chính quyền "cải biến" 45 ngàn tín đồ Bàni thành các tín đồ Hồi giáo "một cách phi lý và phi pháp".
Nguồn : VOA, 17/06/2021
***********************
Sự phát triển của đạo Islam ở người Chăm thuộc hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận
Tạ Long – Ngô Thị Chính, Nghiên cứu lịch sử, 24/10/2013
Người Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận chiếm 65,1% dân số tộc người trong cả nước, chủ yếu thuộc các đạo Ấn Độ giáo (thường được gọi là Bàlamôn giáo), Bàni và Islam. Đạo Bàni còn được gọi là Hồi giáo cũ, vì đã pha tạp giữa Islam giáo với tín ngưỡng bản địa, không thuần khiết như Hồi giáo chính thống. Islam giáo còn được gọi là Hồi giáo mới, vì du nhập vào hai tỉnh muộn hơn đạo Bàni. Cộng đồng Chăm Islam chiếm 3,42% dân số Chăm hai tỉnh, sống xen kẽ với người Bàni ở 4/47 làng Chăm, ở 4/15 làng Chăm Hồi giáo cũ và mới.
Sự du nhập Hồi giáo chính thống vào Ninh Thuận
Hồi giáo đã du nhập vào người Chăm sớm nhất từ thế kỷ thứ X, được người Chăm theo nhiều từ sau năm 1470 và xác lập được vị trí trong xã hội Chăm vào thế kỷ XVII. Bản thân tên Bàni cũng từ gốc Arập "Beni" nghĩa là "những người con trai của đấng tiên tri" 1. Sau khi vào người Chăm, Hồi giáo bị bản địa hóa bởi tín ngưỡng dân gian (thờ cúng tổ tiên mẫu hệ, thờ cúng các vị vua có nhiều công đức với dân và tín ngưỡng nông nghiệp cũng như sự sùng bái tự nhiên…), nên được dân gian gọi là đạo Bàni (Phan Xuân Biên, 1993, tr. 297-300).
Vào đầu thập niên 1960, trong cộng đồng Chăm Bàni ở Ninh Thuận đã nảy sinh thêm một tôn giáo mới : đạo Islam chính thống. Hồi giáo chính thống đã tồn tại ở người Chăm vùng Châu Đốc (tỉnh An Giang), Tây Ninh và Sài Gòn từ thời kỳ nhà Nguyễn cho tới hiện nay với sự toàn vẹn cả về kinh thánh, giáo lý, giáo luật (tức những quy định) và tính chất phụ hệ, phụ quyền của nó (Nguyễn Văn Luận, 1974, tr.75 -82 ; Nguyễn Tuấn Triết, 1992, tr. 80 – 81 ; Lê Thanh Nhân, 1991, tr. 92 – 95). Sự toàn vẹn này không có ở người Bàni. Hồi giáo chính thống cũng đã từng thâm nhập vào các làng Chăm khác ở Ninh Thuận như Lương Tri (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn), Thành Tín (xã Phước Hải), Phú Nhuận (xã Phước Thuận) thuộc huyện Ninh Phước và vùng Chăm Bình Thuận, nhưng đều bị tẩy chay.
Thánh đường Islam chính thống đầu tiên – thánh đường 101 được xây dựng ở thôn Văn Lâm (xã Phước Nam, huyện Ninh Phước ngày nay) vào năm 1962, nhờ vai trò quan trọng của ông Từ Công Xuân, người thôn này. Nhưng người đầu tiên chuyển đạo Islam về Ninh Thuận là Mã Thành Lâm, quê ở thôn Phước Nhơn, xã Ninh Hải, huyện Ninh Hải. Năm 1959, Mã Thành Lâm làm việc ở Sở Canh nông Sài Gòn, có dịp tiếp xúc với người Ấn Độ theo Islam là Mohamad Allih, được người này giúp tìm hiểu về Hồi giáo chính thống. Sự hiểu biết về kinh thánh, giáo lý, giáo luật cùng những nghi lễ đơn giản trong cưới xin, tang ma của Islam và cách tự quản của cộng đồng dân cư – tôn giáo dưới sự điều hành của ban hakem do dân bầu đã giúp Mã Thành Lâm nhận thấy sự ưu việt của Islam chính thống so với đạo Bàni : Các cá nhân có thể tự hiểu được đạo lý qua đọc sách kinh thánh và những sách đạo, không phải chỉ các chức sắc tôn giáo dòng dõi cha truyền con nối mới được tiếp cận, còn các tín đồ chỉ được truyền khẩu thụ động. Việc hành đạo chỉ cần tuân thủ 5 điều cơ bản của đạo Hồi, không phụ thuộc vào sự chi phối nhiều khi mang tính cá nhân của các thầy achar như trong đạo Bàni.
Một khía cạnh xã hội nữa cũng khiến những người có danh phận trong xã hội như Mã Thành Lâm quan tâm tới Hồi giáo chính thống : Khác với xã hội Bàni chịu ảnh hưởng của đạo Bàlamôn, người Chăm Hồi giáo chính thống không phân chia đẳng cấp. Những người đã hành hương được mang tước vị Hadji cũng như các thầy giảng kinh (Khotib), các thầy điều khiển buổi lễ (Imâm), các thầy giáo (tuôn) dạy đọc kinh Coran, tuy được kính nể, nhưng không phải là đẳng cấp ăn trên ngồi trốc trong cộng đồng Hồi giáo chính thống như ở đạo Bàni. Cũng khác với cộng đồng Chăm mẫu hệ, người Hồi giáo chính thống miền Tây Nam Bộ quý trọng con trai hơn con gái, con trai được thừa hưởng phần gia tài gấp đôi con gái (Nguyễn Văn Luận, 1974, tr. 82).
Có thể thấy ưu thế này như sự giải tỏa đối với những cá nhân có địa vị xã hội, nhưng lại bị ràng buộc của các chức sắc Bàni, của quan hệ dòng tộc và cộng đồng làng xóm. Và Mã Thành Lâm đã tiếp nhận Islam chính thống về truyền bá cho một số bạn của mình là quan chức trong chính quyền từ tỉnh tới quận và xã ở Ninh Thuận, trong đó nhân vật quan trọng nhất là Từ Công Xuân. Ông Xuân bấy giờ là quận trưởng, sau đó lại là dân biểu của hạ nghị viện Sài Gòn hai khóa, có tham vọng chính trị.
Thời gian Mã Thành Lâm đưa Hồi giáo chính thống về Ninh Thuận là lúc các đảng phái chính trị ở địa phương như Đại Việt, Dân Chủ và Cấp Tiến tranh giành ảnh hưởng trong dân chúng : đảng Đại Việt tranh thủ được đông đảo dân chúng. Đảng Cấp Tiến với sự tham gia của tỉnh trưởng là người Phan Rang, nên đã thu hút được các hào lý theo.
Trong điều kiện xã hội và con người cụ thể như vậy, đạo Islam đã được tiếp nhận để lôi kéo dân chúng, tạo cơ sở xã hội cho mình tách thoát khỏi những ảnh hưởng và ràng buộc của cộng đồng thân thuộc trong dòng tộc cũng như làng xóm.
Từ Công Xuân và Mã Thành Lâm đã tập hợp một số người thân tín ở các thôn Văn Lâm (quê của ông Xuân), Phước Nhơn (quê vợ ông Xuân), An Nhơn (vốn là làng gốc của Phước Nhơn) để đưa vào Sài Gòn học đạo. Những người này đều là công chức chính quyền hoặc là hào lý như Dark Kei, Báo Bí (Văn Lâm), tổng Giàu (Phước Nhơn), hào Ruôn, Tài Hành, Thành Kiểu (An Nhơn), v.v. Họ lại được Mohamad Allih bày cho cách quyên tiền và giúp đỡ quyên tiền của các tín đồ Islam là người Chăm, Ấn Độ, Pakistan… ở Sài Gòn về giúp người ở Ninh Thuận.
Lúc đầu, Từ Công Xuân và Mã Thành Lâm đưa đạo Islam về truyền bá ở Phước Nhơn, nhưng bị người Bàni ở đây phản bác, họ chuyển sang Văn Lâm. Ở đây Từ Công Xuân đã dựa vào các chức sắc Bàni thân cận lại có uy tín như Bá Tó, Bá Tía để truyền đạo trong bà con thuộc họ mẹ ông ta. Bằng cách đó và bắt đầu từ đó những người truyền bá đã bắt rễ trở lại Phước Nhơn và An Nhơn. Mặc dù người Bàni nói chung, ở Phước Nhơn và An Nhơn nói riêng không chấp nhận thứ đạo trái phong tục của mình, nhưng vị thế của Từ Công Xuân và các đồng sự của ông ta đã khiến người Bàni, trước hết là họ hàng thân thích của ông ta và vợ ông ta ở Văn Lâm và Phước Nhơn, An Nhơn vì nể và đổi đạo theo Islam.
Trong thời gian đầu hành đạo chưa có thánh đường, họ đã làm lễ ở nhà những người nòng cốt :
– Ở thôn Văn Lâm : nhà Từ Công Xuân
– Ở thôn Nho Lâm : nhà Báo Đại Ngô
– Ở thôn Phước Nhơn : nhà tổng Giàu
– Ở thôn An Nhơn: nhà bà Được
Đến năm 1962 họ đã phát triển được 30 hộ ở Văn Lâm, chủ yếu trong họ nội, ngoại của Từ Công Xuân, thành lập ban hakem và xây dựng thánh đường 101. Tới năm 1964 thánh đường 102 được xây dựng ở thôn Phước Nhơn, năm 1968 thánh đường 103 được xây dựng ở An Nhơn và năm 1974 thánh đường 104 mọc lên ở thôn Nho Lâm (cùng xã Phước Nam với thôn Văn Lâm) 2 .
Quan hệ giữa cộng đồng Islam với cộng đồng Bàni
Đồng thời, những bất đồng tôn giáo đã nảy sinh trong nội bộ người Chăm mà trước đó không có :
Năm 1960 đã xảy ra tranh chấp cả sư ở thánh đường Bàni thôn Văn Lâm (xã Phước Nam).
Năm 1964, một tín đồ Islam ở thôn Văn Lâm là Thập Hữu Xác bị chết ở bệnh viện, được người thân và cộng đồng Islam ở thánh đường 101 đưa về thánh đường để làm tang lễ. Đối với người Bàni việc đưa người chết vào làng là trái phong tục của họ. Vì vậy đã xảy ra đánh nhau dữ dội giữa tín đồ hai đạo phái suốt hai ngày đêm. Tranh chấp giữa hai cộng đồng xung quanh việc đưa thi thể về làng ở Phước Nam chỉ chấm dứt sau khi thánh đường 104 được xây dựng ngay bên quốc lộ 1, người Islam có thể đưa thi thể vào thánh đường mà không phải rước vào làng. Ở Phước Nhơn và An Nhơn (thuộc xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) vấn đề này tồn tại dai dẳng tới năm 2004, nhờ sự hòa giải của những nhân sĩ, trí thức địa phương, dân hai đạo mới thống nhất để người Islam đưa người chết về thánh đường trong làng làm lễ. Tuy vậy, vướng mắc vẫn chưa thật sự được thanh thỏa trong lòng người dân Bàni. Mặt khác, tín đồ Islam thường lên án, chê bai tín đồ Bàni là lạc hậu, nhiều nghi lễ tốn kém và rườm rà, không khoa học như người Islam… (R.Nakamura, 1999, tr. 152).
Quan hệ giữa cộng đồng Islam với cộng đồng địa phương
Ngoài những tranh chấp vừa nêu, bộ phận dân cư theo Islam sống tách biệt hẳn cộng đồng Bàni trong đời sống tôn giáo và phong tục, do đức tin và sự tôn thờ chỉ một đấng tối cao Allah và do tuân thủ triệt để các tập tục của người Hồi giáo. Họ không tham gia các nghi lễ của cộng đồng khu vực chung cho cả người Bàlamôn và Bàni cũng như lễ như lễ Rija Nưgar của làng, lễ Palau rijasah (tế thần thủy), Katê (tế thần kim loại), Chapkahalau krong (lễ tế thần mộc ở đầu nguồn nước, còn được gọi là lễ chặn nguồn). Họ không thực hiện những nghi lễ nông nghiệp của gia đình như lễ tạ điền, lễ gieo hạt, lễ dựng chòi, lễ mừng lúa ra đòng, lễ cúng lúa trổ bông, lễ cúng thần chuột, cúng cơm mới (Trương Hiến Mai & Sử Văn Ngọc, 2002, tr. 87 – 176). Họ không tham gia các lễ cúng của dòng họ như lễ múa lớn (rija prong), lễ múa ban ngày (rija harey), lễ múa ban đêm (rija dayaup), lễ tạ tổ tiên (rija hiay), lễ cúng cầu tổ tiên phù hộ khi trong dòng họ có nhiều người ốm đau hoặc tai họa rủi ro, lễ tảo mộ… Họ cũng không thực hiện bất kỳ lễ nghi nào liên quan đến ngôi nhà và người chết như lễ tẩy uế đất, lễ dựng nhà, lễ mừng nhà mới, lễ bắc bếp, lễ cúng tuần sau khi chôn cất, v.v…
Như vậy, mối liên hệ của người Chăm Islam với cộng đồng Chăm nói chung, với cộng đồng làng xã nơi họ chung sống và có quan hệ máu thịt không còn được duy trì về phương diện tôn giáo và phong tục nữa, có chăng chỉ theo quan hệ tình cảm riêng tư, quan hệ láng giềng và quan hệ hành chính. Ngay với những người quá cố, thân nhân không khóc than vì người chết ra đi do Thượng đế an bài đi nhận nhiệm vụ mới. Sau khi an táng cũng chỉ làm lễ tuần cầu nguyện với lễ vật đơn giản. Ở họ chỉ quan hệ giữa những người cùng cộng đồng Islam và quan hệ giữa cá nhân với Allah là thiêng liêng và cao cả. Điều quan trọng đối với họ là hành đạo theo 5 điều căn bản của đạo Hồi :
– Nhận tin Thượng đế
– Cầu nguyện
– Ăn chay tháng Ramadan
– Hành hương về La Meque
– Bố thí
Trong hành động phải chú trọng giáo luật với những bổn phận bắt buộc (Wa jib) ; những điều bị cấm (harăm) như uống rượu, hãm hiếp phụ nữ… ; những điều không nên làm (ma krok) ; việc có thể tùy ý (sunat và haros) (Nguyễn Mạnh Cường, 2003, tr. 143 – 145, 284 – 293 ; Phạm Xuân Biên, 1991, tr. 304 – 307).
Những động thái nói trên của Hồi giáo chính thống đã đặt con người chỉ trong quan hệ với Thượng đế, với đạo, tách thoát họ ra khỏi những quan hệ truyền thống với dòng họ, làng xóm, với văn hóa cổ truyền, là những điều rất sâu nặng đối với người Chăm Bàlamôn và Bàni. Có thể vì vậy mà nó khó phát triển trong cộng đồng người Chăm, mặc dù nó có những nghi lễ đơn giản, không tốn kém, tín đồ không bị lệ thuộc vào các chức sắc, giáo luật nghiêm khắc.
Tuy nhiên, giữa các tín đồ Islam cũng nảy sinh nhiều mâu thuẫn : Trong lễ Taravel của tháng chay niệm Ramadan các tín đồ của phái 8 raach cúi lạy 8 lần, còn các tín đồ của phái 20 raach cúi lạy 20 lần. Sự khác biệt này vẫn thường gây xung đột giữa họ với nhau. Đặc biệt, ở thánh đường X (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đã xảy ra một vụ đổ máu giữa hai phái này vào năm 1988. Cũng ở thánh đường này năm 2003 các tín đồ còn kiện cáo ban hakem không minh bạch về tài chính, đề nghị chính quyền xã phân xử (Nguồn : UBND xã Y, 2005).
Cũng như đạo Bàlamôn và đạo Bàni, sự du nhập của Hồi giáo chính thống vào một bộ phận người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận bắt nguồn từ gốc rễ sâu xa trong chính xã hội Chăm ở địa phương. Tuy vậy, sự du nhập của Hồi giáo chính thống vào chỗ này, nhưng không vào nổi chỗ kia, ngoài đặc thù chung của tộc người còn do những đặc điểm riêng về kinh tế, xã hội trong từng cộng đồng dân cư. Số liệu về tín đồ Islan ở hai xã Phước Nam và Xuân Hải dưới đây sẽ minh chứng cho điều này :
Nguồn : UBND hai xã Phước Nam (huyện Ninh Phước) và Xuân Hải (huyện Ninh Hải), tỉnh Ninh Thuận, 2005.
Đối chiếu số lượng và tỷ trọng tín đồ Islam trong tổng số tín đồ Hồi giáo (gồm Islam và Bàni) với quá trình phát triển của Islam ở hai xã này có thể thấy: xã Phước Nam (thôn Văn Lâm) đạo Islam du nhập trước và thánh đường 101 được xây dựng sớm hơn (1962). Xã Xuân hải (hai thôn An Nhơn và Phước Nhơn) tiếp nhận Islam chậm hơn và thánh đường 102 và 103 được xây dựng ở đây muộn hơn (1964 và 1968). Số tín đồ Bàni ở xã Phước Nam đông hơn xã Xuân Hải, nhưng cả số lượng và tỉ lệ tín đồ Bàni chuyển sang Islam ở Phước Nam thấp hơn Xuân Hải. Thực tế và lịch sử phát triển của Islam ở hai xã nói trên cho thấy đặc thù địa phương của cư dân cũng ảnh hưởng tới mức độ phát triển của Islam.
Kết luận
Sự tách biệt của một cộng đồng tôn giáo ra khỏi cộng đồng dân cư – văn hóa kiểu thành thị trong điều kiện nông thôn và xã hội nông nghiệp là một trường hợp ít có ở Việt Nam. Vì vậy, nó vừa là một thử thách đối với người quản lý nhà nước, đòi hỏi phải vận dụng những kinh nghiệm ở các vùng nông thôn có tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo… trong quản lý dân cư. Nhưng những kinh nghiệm quản lý vùng Chăm hỗn hợp Bàni và Islam cũng là những kinh nghiệm quý giá cần được đúc kết và so sánh với những vùng tôn giáo khác nhằm phục vụ cho việc quản lý xã hội tốt hơn.
Tạ Long – Ngô Thị Chính
Nguồn : Nghiên cứu lịch sử, 24/10/2013
Chú thích :
1. Theo Phan Xuân Biên (Văn hóa Chăm, 1991, 277 – 300) trích dẫn ý kiến của G. Maspero (Le Royaume de Champa, Van Dest, Paris, 1928, tr. 13), của Thiên Sanh Cảnh (Biên niên tử các đời vua Chăm từ năm 1000 đến 1010, Nội san Panrang, số 8, 1974) và của P.Y. Mauguin (L’introduction de l’Islam au Champa, BEFEO, LXVI, 1979).
2. Sự phác họa này dựa trên thông tin và ý kiến của :
– Cụ Bá Cựu, 91 tuổi, người Bàni thôn Văn Lâm
– Ông Báo Văn Khoảnh, ban hakem thánh đường 101
– Ông Thành Ngọc Bính, tín đồ Islam, trưởng ban khuyến học thôn Phước Nhơn
– Ông Lâm Gia Tịnh, 72 tuổi, tín đồ Bàlamôn, trí thức – nhân sĩ thôn Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.
Tài liệu tham khảo
1. Phan Xuân Biên (chủ biên), Văn hóa Chăm, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1991, 473 tr.
2. Phan Xuân Biên, "Văn hóa Chăm – Những yếu tố bản địa và bản địa hóa", Tạp chí Dân tộc học, 1993, số 1.
3. Nguyễn Mạnh Cường, Người Chăm (Những nghiên cứu bước đầu), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2003, 575 tr.
4. Nguyễn Văn Luận, Người Chàm Hồi giáo ở miền Tây Nam phần, Bộ Văn hóa Giáo dục & Thanh niên xuất bản, Sài Gòn, 1974, 351tr.
5. Nacamura, Rie, "Cham in Vietnam, Dinamics of ethnicity", Doctoral Dissertation, University of Washington, 1999, 310 pages.
6. Nguyễn Khắc Ngữ, "Mẫu hệ Chăm", Trình bày, Sài Gòn, 1967, 200 tr.
7. Viện Đào tạo Mở rộng, "Kinh tế – Văn hóa Chăm", Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, 144 tr:
8. Lê Thanh Nhân, "Người chăm Hồi giáo ở khu vực Mubaraic" (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh).
9. Bá Trung Phụ, "Gia đình người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận".
10. Nguyễn Tuấn Triết, "Đặc điểm mẫu hệ và phụ quyền trong xã hội người Chăm ở Việt Nam".
11. "Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3", ngày 4-7 tháng 12 năm 2008.