Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

24/02/2023

Tôn giáo Bà-ni của người Cham

Inra Sara

1. Cham – Tôn giáo hay tín ngưỡng dân gian ? 

Cộng đồng Cham Pangdurangga ít có khái niệm về tôn giáo theo nghĩa chữ ‘Agama’ (Sanskrit : Āgama), mà thường dùng chữ ‘Adat cabbat tana rakun’ ("phong tục tập quán").

bani1

Các Từ điển đều dịch ‘Agama’ là "tôn giáo, đạo", tuy thế nếu có hỏi, hiếm ai biết chữ "tôn giáo" Cham gọi là gì. Po Dharma ở các buổi trao đổi miệng, nhiều lần bảo Cham không có tôn giáo mà chỉ có tín ngưỡng dân gian, không phải không có lí. Một tôn giáo cần hội đủ : Giáo chủ, giáo lí và giáo đường, cùng nếp sinh hoạt nghiêm ngặt. Đằng này Cham cả ‘Ahiêr’ lẫn ‘Awal’ đều thiếu một, hay thiếu cả ba. Lạ, đó là thứ tôn giáo đặc chất Cham.

[1] Tên gọi các thành phần "tín đồ" Cham.

Cham phân biệt rất rành mạch : ‘Anưk Chăm’, ‘Anưk Bini’ và ‘Asulam’.

Riêng từ ‘Asulam’ và người theo ‘Asulam’ ít được dân gian hay văn bản nhắc đến. 

Khi đứa con ăn muỗng [bởi khó gắp bằng đũa], bà mẹ la : ‘Bbang yau ath[u]lam’ : "Ăn như người Islam. 

Ở Sử thi Um Mưrup, câu 34 : 

‘Um Mưrup nưmơix thukaal thong Dêbita

Asulam prong pabha kloong halaar khing tamư’

"Hoàng tử Um Mưrup vinh danh Thượng đế chí tôn

Islam cao cả tuyệt trần, con muốn tin theo".

(xem Inrasara, Sử thi Cham, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2013)

Hoàng tử Um Mưrup ngộ lí tưởng Islam, đã đưa ra tuyên bố ấy.

[2] Riêng từ ‘Chăm’, ‘Bini’ và ‘Anưk Chăm’, ‘Anưk Bini’ thì có mặt khắp và vô số kể. 

Tiếng nói dân gian ngày xưa : ‘Chăm gôp – Bini raloh’, ‘Chăm thong Bini karei ia’ : "Chăm với Bà-ni khác nước". Ca dao có bài mỉa mai : ‘Chăm coh ajah coh klao…’ (xem Inrasara, Văn học Dân gian Cham, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, 2006).

Văn học viết, người Cham có Trường ca Cam – Bini, câu 9 :

‘Gaup gan ra đôm tôk tai

Kau jwak tha takai tamư Bini’

"Xóm giềng người cười chê mặc kệ

Em quyết tâm vào Bà-ni"

(xem Inrasara, Trường ca Cham, Nhà xuất bản Thời Đại, 2011).

Cô gái Chăm bị cấm cản lấy anh chàng Bini, đá tuyên như thế. Rất rõ ràng. Và nhiều nữa. 

Kê ra để thấy ngày trước cộng đồng Cham đã phân biệt đối xử nhau gay gắt kiểu ấy. Nay đã khác rồi : tốt lành. ‘Xa-ai Chăm adei Bini’ là tiếng dân gian, còn minh triết Cham gộp hai hệ tôn giáo này thành : ‘Ahiêr’ : nam, ‘Awal’ : nữ, cùng nhiều cộng hưởng khác. 

[3] ‘Ahiêr Awal’ có phải là tôn giáo ?

Giới chức sắc bên "Chăm" gọi là ‘Halau janưng Ahiêr’, bên "Bini" là ‘Halau janưng Awal’, còn chức sắc phục vụ cho cả hai hệ như Ông Mưdôn, Kadhar… được gọi là ‘Halau janưng Ahiêr Awal’. Đó là thuật ngữ của Cham đã và đang dùng. 

Hiện nay ta dịch ‘Cham Ahiêr’ là "tôn giáo Bà-la-môn", ‘Cham Awal’ : "tôn giáo Bà-ni" là không chuẩn. Vì thói quen, cứ tạm thời chấp nhận như thế. Còn cho rằng ‘Cham Awal’ là "Hồi giáo Bà-ni" thì sai to ! 

[4] ‘Cham Ahiêr’ khác Bà-la-môn thế nào ? 3 điểm chính :

Khác biệt lớn nhất giữa Cham Ahiêr với Bà-la-môn giáo, chính là Tứ đẳng cấp (chaturvarna) hoàn toàn mất dấu vết trong sinh hoạt tín ngưỡng Cham. Người Cham hiện nay chỉ phân biệt hai cấp : tu sĩ (paxêh) và dân thường (gaheh), còn tầng lớp tu sĩ cùng hòa nhập vào giới bình dân trong mọi sinh hoạt. 

Hệ thống các thần Ấn Độ (Trimurti) được thay thế bằng các vị vua, anh hùng trong lịch sử được thần hoá như Pô Klong Girai, Pô Rômê, Pô Xah Inư… 

Tu sĩ Cham Ahiêr cũng không còn biết đến các kinh cổ điển Ấn Độ như Upanishad, Bhagavad-Gita nữa.

[5] ‘Cham Awal’ khác Islam thế nào ? Rất nhiều…

Khác biệt nền tảng của ‘Cham Awal’ so với Islam, đó là ‘Cham Awal’ quên/làm khác đi 5 cột trụ căn bản của Islam, ở đó lớn nhất : ‘Cham Awal’ đa thần, là điều tối kị đối với tôn giáo độc thần là Islam. Islam nào chấp nhận một tín đồ như thế.

Đã vậy, ‘Cham Awal’ còn phối hợp với ‘Cham Ahiêr’ cùng thực hiện các nghi lễ quan trọng, cũng là điều mà bên Islam không bao giờ làm.

[6] Cuối cùng, hai bên ‘Cham Ahiêr’ và ‘Cham Awal’ không còn gọi nhau miệt thị như ‘Chăm gôp – Bini raloh’, ‘Chăm thong Bini karei ia’… như xưa nữa.

Đây là các sự thật đang diễn ra giữa hai hệ ‘Ahiêr Awal’. Thế nên chuyện ai nói lí gọi là "làm khoa học" với những lí giải tùy tiện, không gì khác ngoài ý đồ lôi kéo gây chia rẽ rất không nên trong cộng đồng Cham quá nhỏ bé này. 

Từ diễn giải trên có thể dẫn đến kết luận :

– Dù tên gọi chưa chuẩn, cần giữ nguyên Tôn giáo Bà-la-môn, Tôn giáo Bà-ni.

– ‘Ahiêr Awal’ là sáng tạo đẹp và độc đáo nhất của Pô Rômê, là đóng góp tuyệt nhất của Cham vào lịch sử tư tưởng tôn giáo nhân loại. Dù còn vài tồn đọng, chỉ cần gặp nhau bàn cải cách thì mọi chuyện sẽ tốt lành.

– Lễ ‘Xuk Yơng’ là cơ hội tốt, hai bên tiếp tục gặp mặt để thảo luận thống nhất, cộng đồng Cham Pangdurangga chắc chắn hòa thuận và phát triển.

2. Thế nào là Bà-ni ? 

Trước hết tôi muốn lưu ý, Bà-ni, Hồi giáo Bà-ni, Hồi giáo cũ, Hồi giáo mới, Bà-la-môn, vân vân là các từ/ ngữ được dịch hay phiên âm sang tiếng Việt. Còn để gọi các thành phần "tín đồ", người Cham phân biệt rất rành mạch : ‘Anưk Chăm’, ‘Anưk Bini’ và ‘Asulam’.

Xin tuần tự… 

[1] ‘Bani’ là tiếng Ả Rập, theo Từ điển Aymonier : "les fils" nghĩa là "những đứa con trai" mang nghĩa những đứa con trai của Mohammad. Nguyên gốc là vậy, chứ ngày nay cộng đồng Cham hiểu chữ ‘Bani’ hoàn toàn khác. Tiếng Bà-ni để chỉ một bộ phận tôn giáo của cộng đồng Cham Pangdurangga [tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận].

[2] Từ ‘Asulam’ xuất hiện trong Sử thi Akayet Um Mưrup để chỉ người Cham theo Islam. ‘Asulam’ ít được văn bản Cham nhắc đến, giới bình dân [ở Phước Nhơn và An Nhơn] thường gọi người theo đạo Islam là ‘Jawa’, còn người Cham theo Islam gọi mình là Muslim. 

Ngoài bộ phận Cham theo Islam ở Tây Ninh, An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh, ở Ninh Thuận và Bình Thuận có Cham Bà-la-môn và Cham Bà-ni.

[3] Cặp từ ‘Chăm/Bini’ và ‘Anưk Chăm/ Anưk Bini’ có mặt khắp và vô số kể. Từ văn học viết như Trường ca Cam-Bini, Trường ca Bini-Cam, cho đến tiếng nói bình dân, như : ‘Xa-ai Chăm adei Bini’ : "Anh Chăm em Bà-ni". 

Cham Bà-la-môn còn được gọi là Cham ‘Ahiêr’, ‘Cham cuh’ (Cham thiêu) hay Bà Chăm ; Cham Bà-ni còn được gọi là Bini, Bani, Cham ‘Awal’, Hồi giáo cũ, Hồi giáo Bà-ni.

Minh định. 

Chữ "Hồi giáo cũ" / "Hồi giáo mới" xuất hiện sau năm 1960 và tồn tại trong thời gian ngắn rồi biến mất. Còn "Hồi giáo Bà-ni" theo Nguyễn Văn Tỷ ("Tìm hiểu vấn đề tôn giáo xưa và nay", facebook Cộng đồng Chăm Bà Ni, 30/8/2021), cụm từ này xuất hiện vào năm 1970 qua "vụ người Cham Bà-ni thôn Phước Nhơn, Huyện Ninh Hải, Tỉnh Ninh Thuận tổ chức biểu tình chống người Chăm Islam, toàn bộ bản báo cáo lên chính quyền cấp trên đều dùng từ ngữ Hồi Giáo Bà-ni (để chỉ người Bà-ni), chữ "Hồi giáo" (để chỉ người Islam)". Ông khẳng định "đó là sai sót lớn", bởi "Hồi giáo Bà-ni" không có cơ sở khoa học và hoàn toàn vô nghĩa. Vì không lẽ ta nói Islam Bà-ni !"

"Hồi giáo Bà-ni" được sử dụng trong tên gọi "Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà-ni tỉnh Ninh Thuận" từ năm 2006, sau đó khi biết mình sai và nhất là khi bị một bộ phận nhỏ lợi dụng xuyên tạc tôn giáo Bà-ni để truyền đạo, Nghị quyết của Đại hội thay đổi thành Hội đồng Sư cả Bà-ni Ninh Thuận.

Riêng chữ Bà-ni, Bani được dùng xuyên suốt ba thế kỉ qua từ khi xuất hiện Trường ca Bini-Cam thế kỉ XVII đến tận hôm nay, cả trong giới chuyên gia lẫn bình dân.

Nhiều người nghĩ chữ nghĩa thôi mà, "sao chẳng được", tại sao cứ phải Bà-ni ? Đúng, không ít người nghĩ thế. Cho đến có sự cố, bà con mới vỡ lẽ và phản ứng – phản ứng mạnh. Đó là năm 2017 khi làm Chứng minh Nhân dân, người Bà-ni bị thay "Tôn giáo : Đạo Bà-ni" thành "Tôn giáo : Đạo Hồi", rồi đợt làm Căn cước Công dân sau Tết Nguyên đán 2021, Tôn giáo Bà-ni biến mất, để thành "Hồi giáo" hoặc "Tôn giáo khác". Tệ hơn nữa, khi Danh mục Tôn giáo của Ban Tôn giáo Trung ương tất cả số tín đồ Bà-ni bị chuyển hết cho… Hồi giáo !

3. Bà-ni không là một nhánh Hồi giáo, tại sao ?

Chuyện kể.

Trước 1975, ông bà Blood Tin Lành về Phan Rang, soạn sách dạy chữ Cham Latin, dịch vài chương Kinh Thánh in bằng tiếng Cham Latin phát cho Cham… ; bà con cho ông bà đang ý định truyền Tin Lành vào Cham. 

Ngược lại Cha Moussay ở Trung tâm Văn hóa Chàm, cũng soạn và in sách về văn hóa Cham, nhưng tuyệt không đá động gì đến Thiên Chúa giáo cả ! Nhiều người thắc mắc, Cha trả lời : – Bà con Cham đã có đạo rồi [hành đạo giống đạo Chúa rồi], đâu cần ai phải truyền đạo nữa.

Có thể "chính trị" xíu, nhưng ở đây Cha nói hơi bị… thật. Tại sao ? Bởi từ Kinh cho đến cách hành lễ, Cham ‘Ahiêr Awal’ khá giống… Đạo Chúa ! 

Chuyển qua câu chuyện Cham hôm nay…

Có 4 điểm chính để phân biệt tôn giáo này với khác : Đấng tối cao, thần thánh được thờ phụng ; Kinh sách : gồm kinh, luận và luật ; "Giáo đường", chức sắc và tín đồ ; Cuối cùng là tên gọi : sự chính danh. Qua 4 điểm trên, và từ 4 cấp độ khác nhau mà tôn giáo có TÊN GỌI khác nhau. 

Khác biệt 4 cấp độ…

[1] Tin Lành Việt Nam chẳng hạn.

Tất cả thờ chung một Chúa Trời – Dùng chung một Kinh Thánh tân ước – Có nhà thờ hệt nhau. Nhưng qua quá trình phát triển, Tin Lành có nhiều hệ phái khác nhau với các khác biệt nhỏ lẻ, không quan trọng.

Họ vẫn được gọi chung là Tin Lành.

[2] Phật giáo [chỉ bàn về tông phái]

"Giáo chủ" là Đức Phật – Kinh sách [lắm lúc] khác nhau – Do khác về con đường giác ngộ mà họ được gọi bằng Tông phái khác nhau [ít nhất "10 tông phái lớn của Phật giáo"].

Tất cả vẫn là Đạo Phật. 

[3] Đạo Chúa

Tin Lành và Công giáo, ở đây chỉ nêu 4 khác biệt :

– Cả hai đều lấy Kinh Thánh làm nền tảng giáo lý. Tin Lành không tin tưởng những điều nào ngoài Kinh Thánh. Công giáo ngược lại, ngoài Kinh Thánh còn có nhiều văn bản khác.

– Tin Lành chỉ tôn trọng chứ không tôn kính Mẹ Maria như Công giáo.

– Khác Công giáo, Tin Lành không thờ các tranh ảnh, hình tượng, không tôn sùng và thực hiện việc hành hương đến Thánh địa Jérusalem…

– Luật lệ và lễ nghi của Tin Lành đơn giản rất nhiều so với Công giáo.

Chỉ vậy thôi, họ có tên gọi khác nhau : Công giáo, Tin Lành.

Trong khi Cham giữa Awal Bà-ni và Islam Hồi giáo tồn tại bao khác biệt lớn.

[4] 5 cột trụ dựng nên ngôi đền Islam bị Bà-ni phá vỡ hoặc làm khác đi. Tạm nêu 4 khác biệt chính.

– Đấng tối cao

Islam : chỉ có một Allah và Muhmamad là sứ giả của Ngài.

Ngoài các vị chức sắc, Bà-la-môn thờ Pô Dêbita Thôr, bên chức sắc Bà-ni là Aulwah, còn thì tín đồ hai bên thờ phụng ba hệ thần Yang : Pô Yang là các vị vua, anh hùng liệt nữ được thần hóa, Muk kei là Ông bà tổ tiên và các Yang tiền tôn giáo như Thổ thần Êw Pô Bhum… là điều tối kị với Muslim.

– Kinh

Islam : Kinh Qur’an.

Bà-ni chỉ rút từ kinh Qur’an vài đoạn rất ngắn, chủ âm chứ không chủ nghĩa, ngoài ra ‘Halau janưng’ (chức sắc) Bà-ni còn soạn ra các ‘danak’ hướng dẫn nghi lễ ghi bằng ‘Akhar thrah’ để đọc các đoạn kia. 

– Hệ thống chức sắc 

Bà-ni có hệ thống chức sắc riêng biệt là là ‘Halau janưng Awal’, cạnh đó còn thêm bộ phận chức sắc phục vụ cho cả hai hệ ‘Ahiêr’ lẫn ‘Awal’ như Mưdôn, Kadhar, Pajau là ‘Halau janưng Ahiêr Awal’ – là điều Islam không có.

– Nghi lễ

Nhiều nghi lễ Cham Bà-ni không tồn tại trong cộng đồng Cham Muslim, ngoài ra Bà-ni còn kết hợp với Cham Bà-la-môn làm nhiều lễ chung, điều mà Islam tuyệt đối không bao giờ làm.

Từ 4 khác biệt lớn đó, Bà-ni là một tôn giáo riêng biệt, không thể khác. Kết luận : Cham có 3 tôn giáo với TÊN GỌI khác nhau : "Cham" tức Cham Bà-la-môn, Bini hay Bà-ni tức Cham Bà-ni, và Asulam là Cham Islam.

4. Đức vua Pô Rômê hóa giải và hòa giải Tôn giáo Cham như thế nào ?

Bà-ni là sáng tạo vô cùng độc đáo của Đức vua Pô Rômê. Có 4 điểm quan yếu :

Pô Rômê (1627-1651) là người Cham Bà-la-môn [chứng tích ‘klong’ Pô ở tháp Pô Rômê và nhà Bà Thềm] lấy công chúa con Pô Mưh Taha là Islam.

Vương quốc loạn lạc, dân tình bị chia xé bởi xung đột tôn giáo Bà-la-môn và Islam [xem sử thi Akayet Um Mưrup], ngài thân chinh qua Kelentan học đạo. Lẽ nào ngài qua tận Malaysia học Kura-ưn để về nước làm đúng theo giáo luật Islam ! Thế càng làm cho tình hình trầm trọng thêm, là gì – Vô ích. 

[chứng tích : sau đó ngài cho dựng ‘Kut’, xây tháp…]

Ngài đã hóa giải Islam thành Bà-ni và hòa giải với Bà-la-môn thành Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ rất đặc thù Cham. Qua đó hai hệ phái tôn giáo này hợp lực tạo nên triều đại lớn cuối cùng của Champa.

Pô Rômê là anh tài, ngài không thể hiểu sai Kinh Qur’an để hành lễ sai được. Ngài đã cố ý làm khác, đó là truyền thống rất… Cham. 

Cứ xem Bà-la-môn Cham làm khác Bà-la-môn chính thống bên Ấn Độ cũng đủ thấy. Bà-ni khác Islam đã đành, còn tiến thêm bước thứ hai : hòa giải với Bà-la-môn Cham để khác đến vô cùng !

Khác để thành thứ tôn giáo dân tộc !

Cho rằng do người Bà-ni thực hiện sai giáo lí Islam, thêm trong thời gian dài không được tiếp xúc với thế giới Hồi giáo, thế nên đã thành tệ hại như hôm nay. Chuyện như đùa ! 

Này nhé, vừa lên ngôi vua, để hiểu Islam, Pô Rômê thân hành viễn dương qua Kelantan học đạo. Hiểu sâu thẳm, mới có thể thuyết phục hai bên tín đồ. Hiểu rốt ráo, mới có thể hóa giải và hòa giải.

Xin lặp lại : Để dựng nên ngôi nhà Islam, cần đến 5 trụ cột, là : Chahada, Salat, Ramadan, Zakat và Hadj. Cả năm đều bị người Bà-ni biến tấu hay thay mới, hoặc làm khác đi. Làm khác đầy chủ động, chứ không phải không hiểu mà làm bừa.

Bên cạnh đức tin vào Aulwah, người Bà-ni còn thờ phụng vô số vị thần Yang khác. Cham Bà-ni không còn nhớ đến việc hành hương La Mecque. Việc cầu nguyện mỗi ngày, ăn chay vào tháng Chín và bố thí chỉ được thực hiện vào mùa Ramưwan chỉ dành cho giới tu sĩ. Ảnh hưởng nặng chế độ mẫu hệ nên đặt karơh trên katat. Đám cưới, đám tang hoàn toàn theo họ mẹ.

Đây có lẽ là ca độc đáo trên thế giới !

Đó chính là công lao to lớn nhất của Đức vua Pô Rômê.

Khác biệt nền tảng của nền tảng của Cham Bà-ni so với Islam, chính là người Bà-ni đa thần. Nói Bà-ni độc thần là không hiểu tôn giáo Cham, hoàn toàn thiếu thực tiễn sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng Cham. Đa thần, là tối kị đối với tôn giáo độc thần là Islam. Không một Muslim nào chấp nhận một tín đồ như thế trong đạo của mình.

Không chỉ Bà-la-môn, Bà-ni cũng là tôn giáo đa thần. Nói chung ‘Ahiêr Awal’ là tôn giáo đa thần. Cham thờ phượng 5 hệ Thần Yang khác nhau. 

Cham thờ phụng Đấng tối cao Aulwah, thờ các vị Thần Bà-la-môn và các vị thánh Islam, các vị vua thần, cạnh đó bà con Cham còn thờ ‘Muk kei’ Ông bà tổ tiên và các Yang tiền tôn giáo nữa.

Dẫu sao nhìn kĩ hơn, ta thấy các thần thuộc Ấn giáo như Shiva, Vishnu, các đấng, các vị trong Islam như Allah, Mohammad xuất hiện khá mờ nhạt trong tâm thức lẫn nghi lễ. Cả các Yang tiền tôn giáo : Pô Bhum, Patau Ging… cũng thế.

Cham Bà-ni và Cham Bà-la-môn thờ phượng nổi trội lên là Pô Yang : Pô Inư Nưgar, Pô Klong Girai, Pô Rômê, Pô Riyak, Nai Tangya… là các vị vua, anh hùng liệt nữ được thần hóa. Tiếp đến là Muk Kei Ông bà tổ tiên.

‘Ahiêr Awal’ đích thị là tôn giáo dân tộc : Tôn giáo Cham.

5. Ahiêr Awal tuy hai mà một ?

Có mấy điểm cần lưu ý, thứ nhất và là nhiêu khê nhất chính là Xakawi (Lịch) dùng chung, bên này lệ thuộc bên kia và ngược lại. Thế nên không năm nào Halau janưng và trí thức Cham không mang Xakawi ra bàn, bàn mãi vẫn không xong. 

Dịp Xuk Yơng, Halau janưng bên Ahiêr được mời vào Sang Mưgik Awal để bàn thống nhất, nhưng rồi thế nào cũng lại sai biệt. Các nhà "khoa học" vào cuộc càng thêm rối rắm. Thế mới là… Cham.

Nếu thống nhất, hết chuyện bàn rồi còn gì. Không xong, mới hay, để sang năm gặp nhau bàn tiếp. Pô Rômê muốn thế !

Cham Ahiêr không kiêng thịt heo, tuy thế bà con tuyệt đối không cúng thịt heo trên tháp, tế thần các loại cũng không dùng đến luôn. Sự thể có nguyên do sâu xa đầy tính nhân văn của nó. Để hai bộ phận Cham hiểu, mà nhường nhịn nhau. 

Pô Bin Thôr dạy thế. Ai – sinh linh Cham dám chống Chế Bồng Nga, giơ tay lên nào ? Thanh long đao ‘bat palidao’ Ngài khỏ cho một nhát u đầu luôn !

Áo, chức sắc Ahiêr mặc là của "nữ", còn Awal là áo "nam". Áo Acar ‘lah tada’ "mở phần ngực, và có 3 ‘kacing’ "nút" ; áo Paxeh thì ‘ikak talei’ "buộc dây". ‘Kadung’ "túi" Acar biểu thị cho "2 hòn", "túi" Paxeh đích thị là "bướm". 

Trải chiếu cúng, thì "Pô pađaang, Yang pagrwak" (Cúng Pô thì [trải chiếu cói] ngửa, cúng thần thì úp). Ngửa tượng trưng cho Awal, úp tượng trưng cho Ahiêr.

Lưu ý thêm, hai món này liên quan đến tinh thần sinh thực khí Cham.

Karah mưta (nhẫn có mắt) là dấu hiệu độc để Cham nhận ra nhau, vụ này yut Quang Cẩn có giai thoại rất vui, nên kể lưu truyền. Nếu nhẫn Ahiêr có "4 mắt" thì Awal đeo nhẫn "6 mắt" ! Riêng Inrasara tự làm cho mình "8 mắt" bởi ổng là Luận sư ‘Ahiêr Awal’ ! 

Đó là các hiện tượng nhỏ lẻ vô cùng độc đáo trong tôn giáo Cham, tại sao ? 

Cham Bà-ni (Cham Awal) và Cham Bà-la-môn (Cham Ahiêr) là không thể phân li. Từ đó cặp đôi từ ‘Ahiêr Awal’, ‘Cham Bini’, ‘xa-ai Cham adei Bini’… xuất hiện với tần suất rất cao trong đời thường, trong ngôn ngữ lẫn văn chương. Từ Ariya Cam Bini xa xưa đến tận nhạc sĩ Đàng Năng Quạ thời hiện đại. 

Chối bỏ chúng là quay lưng lại truyền thống tốt đẹp của ‘muk kei’ Cham rồi còn gì.

Và đây là điều trọng đại cuối rốt [mà chưa hẳn là cuối cùng].

Cham Ahiêr Awal thờ phụng chung nhiều Pô Yang thì hẳn rồi. Có ai thấy chức sắc hai tôn giáo nào trên thế giới PHỐI HỢP nhau thực hiện nghi lễ chung cho dân tộc như Cham chưa ? Cham Bà-la-môn và Bà-ni đã làm như thế.

Tạm kể 5 lễ :

‘XUK YƠNG’ được coi là đẹp nhất. Tại đó tất cả các vị chức sắc Cham Awal [mời thêm 3 vị Pô Adhya trụ trì ba đền tháp trong khu vực và thành phần trí thức hiểu biết tham dự] họp mặt để bàn về các vấn đề tôn giáo.

PALAO PAXAH Chức sắc tôn giáo xuất hiện qua các cặp biểu hiện cho cặp Nam – Nữ, như : Paxeh – Acar, Kadhar – Pajau, Mưdôn – Ka-ing, Ông Binơk – Ông Hamu Ia.

RIJA NƯGAR và các lễ Rija, cả hai bên ‘Ahiêr Awal’ cùng thực hiện tương tự nhau. 

BBANG PABE, ‘Cham Ahiêr’ trân trọng mời cấp Acar vào palei mình hành lễ này. 

MƯLIÊNG BIMÔNG, cấp Acar và nhất là tín đố ‘Cham Awal’ thường xuyên lên tháp cúng tế. Và nhiều nữa…

Cũng là những điều không một Muslim nào chấp nhận làm.

bani2

6. Đâu là mâu thuẫn Bà-ni và Islam ?

Trong sinh hoạt đời thường, bởi chưa có khảo sát cụ thể, xin được miễn. Riêng trong văn chương thì rất rõ. Từ văn chương ảnh hưởng và tác động vào đời sống là khó tránh. Cụ thể ở sử thi Akayet Um Mưrup.

Hoàng tử Um Mưrup khi giác ngộ chân lí Islam, đã khinh bỉ tất cả những gì của Champa. Từ thực phẩm :

‘Ahar haram biak lo, ahar siam pak akhirah’ : "Bánh trần gian quá ghê tởm, bánh quý ở thế giới khác".

Đến con người, vua cha hay hoàng hậu mẹ chàng cũng như binh lính :

‘Um Mưrup lac amư mưnwix haram’ : "Um Mưrup bảo cha là kẻ phàm nhân ô trọc", ‘Nhu tak baul gah amư yuw ra jah’ : "Nó giết quân lính vua cha nằm chết như rạ"

Ngay cả đền tháp là niềm hãnh diện của cả Champa cũng bị phế bỏ và cười ngạo nghệ trên tan nát đó :

‘… mưsuh tayah mưdhir gilơng/ Jalơh kalan takaprah’ : "cung điện vua ông phá. Tháp đền đổ nát".

Cham Bà-ni không cải đạo theo Islam, mà theo Islam bởi hoàn cảnh rất đặc thù.

Năm 1960 vài đứa con Bà-ni vào nam "ngộ đạo" Islam về Pangdurangga truyền đạo nhấn vào hai làng Bà-ni lớn : Phước Nhơn và Văn Lâm. Ở Phước Nhơn, sự vụ như sau, trích Palei Phước Nhơn của tôi (xem Kiều Maily, Palei Phước Nhơn của tôi, 2017) :

"Vào năm 1960 Mã Thanh Lâm làng Phước Nhơn sau khi có bằng Tiểu học được vào Sơ cấp nghề. Ông đi thực tập ở vùng Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang, là nơi có cư dân Cham theo Islam. Về làng, ông nói với dân làng, rằng :

– Islam rất hay, cũng duh Po (phụng sự Allah) như Cham mình ở đây, nhưng họ không có ngap Yang (cúng tế) thần Yang. Nghĩa là không mê tín dị đoan.

Đây là quan niệm được cộng đồng ủng hộ, bởi lâu nay người Cham đã bị bao nhiêu lễ lạt cúng tế gây hao tiền tốn của, nên nghe ai thế cũng thích, rủ nhau tin theo Islam. Có thể nói bà con Phước Nhơn theo Islam gần hết.

Đó là vào cuối năm 1961. Để rồi chỉ sau 4/5 tháng, con số "gần hết" ấy rời bỏ Islam ngay, khi tôn giáo mới này va chạm với thực tế tín ngưỡng Bà-ni. 

Trước tiên là Ngap đok tian Cúng lúa làm đòng liên quan trực tiếp đến lễ nghi nông nghiệp ; rồi chuyện vứt bỏ Ciet Atuw là biểu tượng của dòng họ [đã có dòng họ Bà-ni, sau khi Muk Rija mất, nửa đêm con trai bà theo Islam mang Ciet Atuw của dòng họ ra vứt xuống sông] – cuối cùng là bỏ Ew Yang (cúng thần Yang) trong nhà. Bà con Bà-ni kêu : Bảo Cham bỏ gì thì được, làm sao mà bỏ thần Yang !

Và đỉnh điểm của xung đột là, vào đầu năm 1965, tượng Po Klaung Kachait lâu nay vốn được bà con thờ phụng như vị Thần Hoàng của làng, nay bị mang ra thách thức đức tin của bà con Bà-ni ! Lời qua tiếng lại để cuối cùng có người bứng tượng Po đi ném xuống cái ao làng. Sau vụ đó, bản thân ông ta bị hành đi lang thang và chết mất tăm tích. Kế đến con cháu ông cũng bị đọa gây tan hoang nhà cửa.

Dân làng bị phân hóa trầm trọng, tách ra hai phe rõ rệt : phe vừa duh (phụng sự) Po vừa duh Yang, phe chỉ duh Po. Năm 1966, một cuộc họp lớn được mở ra. Khoảng 5% dân Pabblap Biruw cùng Imưm Thành Thông theo đạo mới, còn lại vẫn giữ nguyên tôn giáo cũ".

Ở Văn Lâm hơi khác…

Cộng đồng Cham nhìn chung, nhỏ bé và biết yêu thương đùm bọc nhau. Dẫu sao khác biệt tôn giáo Bà-ni và Islam dẫn đến mâu thuẫn là không thể tránh. Mẫu thuẫn ở nhiều khía cạnh, nặng nhất vẫn là ở sống và chết.

Sống, cặp tình nhân khác đạo lấy nhau, dù là Bà-ni hay Muslim, nam hay nữ phải vào Islam. Nghĩa là Islam rút tín đồ Bà-ni qua hôn nhân. Trước, người Bà-ni cho chả sao cả, sau đó mới thấy mình bị thiệt. Đây là mẫu thuẫn lớn chưa có cách hóa giải.

Chết, Cham [cả ‘Ahiêr Awal’] tối kị việc đưa thi hài người mất vào làng. Phước Nhơn là palei Bà-ni, Islam mới vào và chiếm số lượng nhỏ, bạn cần nhập gia tùy tục, nhưng không. Xung đột xảy ra từ đó.

Mâu thuẫn kiểu này, dân Chakleng Bà-la-môn làm tốt. Thi hài người Việt vẫn được mang vào nhà [trong làng], sau đó họ làm lễ tẩy tuế tốn 2 triệu đồng, thì ổn. 

Thời gian qua xảy ra mâu thuẫn lớn không phải ở Muslim chính gốc, mà từ vài đứa con Bà-ni muốn đưa Islam vào cộng đồng mình để trục lợi. Bà con Cham gọi họ bằng từ không đẹp cho lắm : ‘Jawa lai’, ‘Gai lah’. 

7. Tại sao Cham Pangdurangga không nên theo Islam ?

Giải đáp cho rốt ráo câu hỏi cần đến sự vòng vo. Hãy tuần tự…

Ngoài kia, Islam nhập địa Ấn Độ và lớn mạnh, xung đột đẫm máu và kéo dài đến không thể hòa giải khiến Ấn Độ banh ra làm hai : Ấn Độ và Pakistan, sau đó tiếp tục Bangladesh tách khỏi Pakistan. 

Champa thì khác. Đây là ca duy nhất trên thế giới hóa giải được Islam thành Bà-ni mà vương quốc không bị phá vỡ !

Hóa giải được hai hệ tư tưởng không đội trời chung : Bà-la-môn và Islam, Cham ban tặng cho nhân loại bài học lớn, hôm nay và cả ngày mai.

Là sáng tạo độc nhất vô nhị của Cham, Bà-ni làm đa dạng tư tưởng tôn giáo loài người, hay rộng hơn – làm phong phú nền văn hóa văn minh nhân loại.

UNESCO bỏ bao nhiêu tiền bạc và công sức bảo tồn mảnh văn minh quá khứ hay loài thú hiếm sắp tuyệt chủng, lẽ nào Bà-ni thì không ? 45.000 Bà-ni cộng thêm vào Islam chỉ là muối bỏ biển, mất nó đi, nhân loại mất lớn !

Bà-ni lại là tôn giáo hòa bình. 

Non 4 thế kỉ chung sống, Bà-ni với Bà-la-môn Cham chưa hề xảy ra một xung đột. Islam vào Champa thì khác, khác từ quá khứ cho đến hiện tại.

Từ thế kỉ XIV-XVII, xung đột làm phân rã, nát tan đất nước và lòng người. Thập niên 1960, lần nữa Islam được truyền vào làng Cham Bà-ni Phan Rang, cộng đồng Cham tiếp tục bị chia xé. Nói không cần thiết, là vậy.

Nữa, Cham Bà-la-môn lẫn Bà-ni không truyền đạo, không chê bai tôn giáo khác, là ‘haruk haram’ ô uế, là "vô đạo". Nghĩa là biết tôn trọng đức tin của người khác, dù đức tin đó có khác mình đến đâu. Sống xen cư và cộng cư với người Việt non 300 năm, hiếm có xung đột Cham Việt mang tính ý hệ, mà hai bên sống hòa hợp và hòa đồng. Vui vẻ !

Trở lại câu hỏi : Tại sao Cham Pangdurangga không nên theo Islam ? Xin nhắc lại lời Cha Moussay : Bà con Cham đã có đạo rồi, đâu cần ai phải truyền đạo nữa.

Bà-ni và Bà-la-môn Cham là tôn giáo dân tộc. Như Israel và Nhật bản có tôn giáo dân tộc là Do Thái giáo và Đạo Shinto. Hai dân tộc trải qua sinh mệnh lạ biệt : Một chịu luân lạc hai ngàn năm, một không tài nguyên và đã phải chịu hai quả bom nguyên tử ở thế chiến II ; họ có tôn giáo đặc thù, và là dân tộc đầy sáng tạo.

Thế kỉ XX, Do Thái với dân số ít oi đã đóng góp vượt trội cho văn minh nhân loại. Nhật Bản – chỉ tính riêng Giải Nobel, người Nhật ăn đứt nhiều nước phát triển cao trong khối NATO.

Cham Bà-la-môn và Cham Bà-ni chịu thứ định mệnh còn thê thảm hơn nữa. Thế nhưng dù "lọt sàng sống sót", và dù phải cật lực chiến đấu bảo tồn bẳn sắc dân tộc, cộng đồng Cham Pangdurangga vẫn phát triển cả về kinh tế lẫn văn hóa.

Hà cớ Cham phải vứt đi bản sắc, hòa bình, và phát triển ? !

8. Theo Islam, Cham Pangdurangga có mất bản sắc không ? 

Thêm một câu hỏi hóc búa nữa !

Tôn giáo hay ý hệ nào bất kì cần được nhìn toàn cảnh và soi chiếu qua 4 điểm chính : Bản sắc, hòa bình, chấp nhận cái "khác", và mở để tiếp thu và sáng tạo. Với Cham bản sắc là cái cốt tủy, bởi Cham mất bản sắc rất dễ tiêu vong. Ta đã mất quá nhiều rồi.

"Không có ai

tim dễ tổn thương hơn trái tim chúng ta

phía mất mát"

(Lễ Tẩy trần tháng Tư/2002) 

Ở đây ta nói về bản sắc. Nếu theo Islam, cộng đồng Cham Pangdurangga có đánh mất bản sắc dân tộc không ? Không ! Cham gì vẫn là Cham, là Cham Muslim, Cham Tin Lành, như Cham Bà-ni, Cham Bà-la-môn. Dẫu sao do đức tin khác, quan điểm khác nên một phần quá khứ được giữ lại hay bị từ bỏ. 

Dẫu sao ở ‘Ahiêr Awal’, ‘Pô Yang’ tức vua chúa, anh hùng liệt nữ được thần hóa, ‘Muk kei’ Ông bà Tổ tiên cùng các nét đẹp truyền thống được thể hiện thường xuyên, mạnh mẽ và khá đầy đủ trong nghi lễ, trong ngôn từ, trong mọi sinh hoạt ngày thường.

Một ví dụ lễ cúng Pô Riyak là anh hùng dân tộc được thần hóa : Đẹp, độc đáo và tổng hợp. Nơi đó có : 

Lịch sử : hành lễ – bà con Cham nhớ đến nhân vật lịch sử này ;

Huyền sử : các ‘Damnưy’, lịch sử được huyền thoại hóa hát tụng trong buổi lễ ;

Nghệ thuật : được diễn qua các điệu múa cúng tiếng Ginang, Xaranai… 

‘Damnưy’ : thơ ca với vốn ngôn từ rất đặc thù ; cuối cùng là 

Ngày tưởng niệm, đến mùa đó ngày đó, Cham nhớ Pô Riyak.

Như vậy một người Cham Muslim hiểu biết chỉ có thể biết và trân trọng một phần, đó là Pô Riyak như nhân vật lịch sử mà bỏ qua 4 thành tố còn lại, nghĩa là bản sắc bị mất rất nhiều. Không có gì sai ở đó cả, vì đức tin các bạn không chấp nhận lễ đó. Ở đây tôi chỉ đề cập sự "mất bản sắc" !

Do không tin vào ngẫu tượng, linh tượng, thế nên thập niên 1960 một anh ‘Jawa lai’ đã bứng tượng Pô Klong Kachat là thần làng Phước Nhơn ném xuống ao ngoài đồng. Đó là thái độ xâm phạm đức tin của người khác. Khác với ‘Ahiêr Awal’ đầy bản sắc lại là tôn giáo mở, tôn trọng đức tin của người khác, yêu tự do cá nhân và khuyến khích sáng tạo. Đặc tính này thể hiện rất rõ ở cộng đồng Cham Pangdurangga : Bản sắc, phát triển và sáng tạo. 

Vài sinh linh tiêu biểu, về lịch sử, có Po Dharma ; về văn học, có Inrasara ; về nghiên cứu tập tục nghi lễ, có Sakaya Trượng Văn Món ; về sáng tác, từ cộng đồng này xuất hiện cả chục cây bút ; về văn hóa đời sống nẩy ra hàng trăm người nghiên cứu, tiến sĩ thạc sĩ, kĩ sư bác sĩ, doanh nhân thành đạt. Vân vân. 

Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ không kéo Cham tụt hậu, mà tạo cơ hội và thúc giục Cham tiến tới : Nhập cuộc về hướng MỞ

Kết

Bà-ni là ca duy nhất trong lịch sử nhân loại hóa giải được Islam. Tư tưởng "hóa giải và hòa giải" của Đức Ngài Pô Rômê là bài học lớn cho thế giới hôm nay : các ý hệ xung khắc đến đâu vẫn có thể ngồi chung.

Bà-ni [& Ahiêr Awal] là tôn giáo dân tộc, tôn giáo bản địa. Dù đa thần, song việc thờ phượng nhấn ở hai hệ thần gần gũi : Pô Yang và Muk kei Tổ tiên. 

Đó là độc nhất vô nhị trên thế giới, làm đa dạng tư tưởng tôn giáo nhân loại. Dẫu sao, nếu "độc đáo và độc nhất" kia thuộc thế lực phá hoại, làm suy đồi con người, thì có nên truyền lưu không ? Chắc chắn là không rồi. 

Bà-ni [& Ahiêr Awal] là tôn giáo hòa bình và hòa hợp. Suốt non 4 thế kỉ tồn tại, chưa hề có dấu vết xung đột giữa hai hệ phái ‘Ahiêr Awal’. Chức sắc hai tôn giáo thường xuyên ngồi lại để cùng phối hợp, hỗ trợ nhau nhuần nhị và êm đẹp.

Bà-ni là tôn giáo mở, đức tin mềm rất thích hợp với thời hậu hiện đại trong "thế giới phẳng". Mở, thế nên ở đó nẩy ra nhiều sáng tạo ; mềm, do đó nó dễ bị tổn thương.

Bà-ni mềm, chứ không yếu.

Bài học lịch sử : Xung đột Ấn giáo và Islam đẩy Champa phân rã rồi suy vong ; kinh nghiệm làng Phước Nhơn qua xung đột với ‘Jawa lai’ thập niên 1960 : không mạnh thì mất ; Bà-ni đã trui rèn sức đề kháng mạnh mẽ, khi cần, họ giận dữ đáo để.

Cứ nhìn sự phản kháng của anh chị em Bà-ni thời gian qua cũng đủ hiểu. Hay có tận mắt thấy quý bà mang vũ khí đặc dụng chuẩn bị đón "đoàn hành hương" ở Pabblap Birau mới biết cơn giận kia lớn mạnh thế nào.

Nó gửi đi MỘT THÔNG ĐIỆP dứt khoát.

Inra Sara

Nguồn : VNTB, 24/02/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Inra Sara
Read 212 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)