Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

10/03/2023

Thời phản động

Tưởng Năng Tiến

Từ khi có FB, tôi hay đọc tác giả Ngô Nhật Đăng nên biết rằng ông mở mắt chào đời ở Hà Nội hồi cuối thập niên 1950. Tôi thì sinh ra tại Sài Gòn, trước đó vài năm. Chút dị biệt này khiến cho chúng tôi sống trong hai xã hội khác nhau, và tham dự vào hai cuộc chiến (cũng) hoàn toàn khác.

phandong1

Những dòng chữ Ngô Nhật Đăng viết về chiến tranh biên giới (Việt – Trung) đều hết sức sống động, và vô cùng chân thật. Ông giúp cho độc giả, nhất là những kẻ đã từng cầm súng, thấy rõ hơn cái thân phận của người lính trận. Ở nơi đâu (và thời nào) cũng thế, họ cũng đều sống khổ cực và chết dễ như chơi.

Ngô Nhật Đăng không chỉ viết về những tháng năm binh lửa. Ông am tường nhiều vấn đề và bao biện rất nhiều lãnh vực (chính trị, xã hội, khoa học, kỹ thuật, nhân sinh…) nhưng riêng về chuyện tình cảm (Anh hùng với mỹ nhân) thì tôi e rằng tác giả không được khách quan cho lắm :

Mình quen biết nhiều các bác, các chú Nhân văn giai phẩm, thấy phu nhân của các vị ấy thật tận cùng lãng mạn. Nếu không có các bà chăm lo thì các ông ấy chết đói từ lâu rồi, nói gì đến chuyện phản kháng, phản động. Nuôi chồng, chăm con, xù lông lên dữ tợn như gà mái nếu có kẻ nào dám động đến đàn con của mình.

Thỉnh thoảng đến chơi, ví dụ như nhà chú Phùng Quán mình lại thích ngồi nói chuyện với cô Bội Trâm hơn, quan sát cách cô chăm sóc chú Quán mà cảm động. Rồi vợ bác Văn Cao, Lê Đạt, Bùi Xuân Phái, chị Mai của anh Lộc Vàng… đúng là thuyền quyên sánh với anh hùng. Đổi lại, các vị ấy cũng tôn trọng nếu không nói là biết ơn các bà nội tướng của mình lắm. Luôn tương kính nhau, nhìn mà phát thèm.

Có "Hiền thê" được coi là thành tựu quan trọng nhất trong đời đàn ông. Một lần ngồi với ông bạn vong niên cũng là bậc trưởng thượng, ông bảo :

- Nước mình hết mỹ nhân rồi, vận nước suy nên làm ra như thế.

Mình ngạc nhiên nói :

- Thưa bác, đâu có vậy. Cháu thấy Việt Nam bây giờ ngày càng nhiều người đẹp đó chứ, đẹp hơn xưa nhiều lắm, hàng năm có đến cả chục cuộc thi hoa hậu, người đẹp đó thôi.

Ổng phẩy tay :

- Cậu còn nông cạn lắm, từ thượng cổ, trời đất đã định mỹ nhân chỉ dành cho anh hùng. Cậu xem các ông chồng của những "mỹ nhân" bây giờ có ai đáng mặt anh hùng không ?

Có thể đúng là "các ông chồng của những ‘mỹ nhân’ bây giờ không có ai đáng mặt anh hùng" (cả) nhưng như thế không có nghĩa là nước Việt không còn người hùng anh, và số "người đẹp" ở xứ sở này chỉ giới hạn vào những bóng hồng đã tham dự "vào mấy chục cuộc thi hoa hậu hằng năm" mà thôi.

Mới cách đây không lâu, hôm 01/01/2023, FB Bông Tuyết đã đưa lên mạng hình chụp chung của chính cô và vài người bạn đồng cảnh – Trịnh Nhung, Lê Bích Vượng, Bùi Thị Huệ – cùng với lời chú thích vô cùng sảng khoái ("Vợ ‘phản động’ xinh dã man ha ha ha…") rồi nhận ngay được không ít những lời lẽ tán thưởng rất nhiệt tình :

- Nguyễn Thanh Mai : "Xinh quá".

- Phạm Thị Xuân : "Xinh đẹp lắm em".

- Huynh Ngoc Chenh : "Đẹp thế này nên chúng nó âm mưu bắt mấy anh chồng đi nhốt hết".

- Nguyễn Thu Nga : "Sao bọn ‘phản động’ chọn vợ giỏi thế nhỉ. Toàn giỏi giang xinh đẹp và vô cùng có văn hóa".

- Dũng Nguyễn : "Không phải vợ phản động ! Đây là vợ của những người đàn ông yêu nước !"

Thế "những người đàn ông yêu nước" này, những ông chồng của những phụ nữ ("xinh dã man") trong bức hình trên là ai vậy ?

Tôi may mắn và hân hạnh biết được danh tính của họ nên cũng (mau mắn) xin phép được thưa luôn, cho nó lẹ :

- Nguyễn Lân Thắng, phu quân của bà Lê Bích Vượng, ông bị bắt giữ vào tháng 7 năm 2022 cho đến nay (vẫn chưa được xét xử) với cáo buộc : "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

- Bùi Văn Thuận, phu quân của bà Trịnh Nhung, đang thụ án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế, với cáo buộc "thường xuyên đăng các bài viết lan truyền thông tin xuyên tạc nhằm bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo đảng, nhà nước khác của Việt Nam".

- Đỗ Nam Trung, hôn phu của cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, đang thụ án 10 năm tù giam và 4 năm quản chế, với tội danh "phát tán tài liệu chống nhà nước".

- Dũng Vova (Lê Văn Dũng) phu quân của bà Bùi Thị Huệ, đang thụ án 5 năm tù với tội danh : "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Những cáo buộc và tội danh (quen thuộc) này khiến tôi nhớ đến một mẩu đối thoại ngăn ngắn, giữa hai người tù – vào hồi cuối thế kỷ trước – trong tác phẩm Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn :

– Vì sao anh bị vào đây ? Tôi có tò mò quá không ?

– Tôi bị bắt với tội danh "Tuyên truyền phản cách mạng".

– Ở đây anh em gọi là tội nói sự thực.

Đó là một lời khen. Nói sự thực là một việc khó khăn, nguy hiểm. Từ xưa đến nay vẫn thế. Bao giờ cũng là một việc nguy hiểm (Bùi Ngọc Tấn, Chuyện Kể Năm 2000, tập I. Câu lạc bộ Tuổi Xanh, Westminster, CA, 2000).

Khi Đảng chống bọn xét lại, Bùi Ngọc Tấn đi tù nhiều năm vì "tội nói thực". Lúc Đảng chống bọn Nhân Văn, Phùng Quán chỉ vì "muốn là nhà văn chân thật" nên phải chịu cảnh "cá trộm, viết chui, rượu chịu" gần suốt cuộc đời. Nay thì cái giá mà Nguyễn Lân Thắng, Bùi Văn Thuận, Đỗ Nam Trung, Dũng Vova… phải trả cho sự "chân thật" cũng nào có rẻ.

Mà đâu phải chỉ chừng đó mạng thôi. Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR) cho biết hiện có gần 300 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ, một phần ba là người bản địa, không ít kẻ phải nhận những bản án rất nặng nề. Họ chả phải là anh hùng sao ?

Ở mảnh đất này, hào kiệt có bao giờ thiếu. Mỹ nhân cũng thế !

phandong2

Đã thế, họ không chỉ "xinh dã man" mà còn tận tụy cũng "dã man" luôn. Tôi vẫn nhìn theo những bước chân của quý bà Nguyễn Chương (phu nhân của tù nhân lương tâm Trần Đức Thạch) Nguyễn Thị Nghiêm (phu nhân của tù nhân lương tâm Phạm Thành) Nguyễn Thị Kim Thanh (phu nhân của tù nhân lương tâm Trương Minh Đức) Lân Tường Thụy (phu nhân của tù nhân lương tâm Nguyễn Tường Thụy)… khi họ lặn lội thăm chồng – lẽo đẽo trên mọi nẻo đường đất nước – mà không khỏi ứa nước mắt vì sự tảo tần, thương khó triền miên của những người phụ nữa này. Còn có hình ảnh nào đẹp hơn được nữa ?

Nhà văn Ngô Nhật Đăng nhận xét là quý bà Nhân Văn "thật tận cùng lãng mạn". Sự "lãng mạng tận cùng" này – có lẽ – cũng không hơn (hay không khác) những bà vợ tù nhân lương tâm ngày nay là mấy :

- Trịnh Nhung  (phu nhân của tù nhân lương tâm Bùi Văn Thuận) : "Mùa đông là mùa mà anh thích nhất, còn em vì thích anh mà cũng yêu thêm mùa đông".

- Đỗ Thu (phu nhân của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương) : "Hôm qua ngày 10/2 tôi nhận được 2 niềm vui đó là trưa thì nhận được 2 bức thư của chồng… Cả tháng đợi mỗi thư của chồng về".

- Đỗ Lê Na (phu nhân của tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng) : "Trưa nay (lễ tình nhân thứ hai xa cách), bất ngờ nhận được thư chồng gửi về từ trại 6. Cầm thư mà lòng xen lẫn mừng vui và ngậm ngùi !"

Tiến sĩ Mạc Văn Trang cảm thán : "Đất nước của những hòn VỌNG PHU sao cứ cắm vào dân tộc này mãi vậy hả Trời !"

Tôi hoàn toàn đồng tình với tâm cảm của ông nghè họ Mạc. Tuy thế, không ít lúc, vẫn trộm nghĩ thêm rằng : nhờ lúc nào cũng có vài trăm tù nhân lương tâm chật ních trong những nhà tù, cùng những hòn vọng phu luôn ở bên ngoài nên người Việt cũng đỡ ngượng ngùng khi nhìn vào mặt nhau, và họ còn có nơi để hướng tới – khi nghĩ đến tương lai của đất nước này !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 10/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tưởng Năng Tiến
Read 473 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)