Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

20/06/2023

Đi bộ 10.000 bước mỗi ngày thực sự tốt cho sức khỏe ?

Tuấn Thảo

Nhân số báo mùa hè kỷ niệm 50 năm ngày phát hành phiên bản tiếng Pháp (1973), chuyên mục đời sống của tạp chí thời trang Cosmopolitan đặt câu hỏi về số bước chân nên đi bộ trong ngày để gìn giữ sức khỏe. Người mới bắt đầu cần phải đi bộ trong bao lâu mới có thể thấy tác dụng ?

step1

Người dân luyện tập thể thao, chạy, đi bộ, trong công viên Brooklyn, thành phố New York, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 06/06/2023. Getty Images via AFP – Spencer Platt

Không phải ngẫu nhiên mà các tạp chí chuyên về phong cách sống thường đặt câu hỏi về sức khỏe nói chung và chuyện giảm cân nói riêng vào mỗi dịp hè, mùa của những chế độ ăn uống lành mạnh hơn, cho cơ thể vóc dáng vừa với các bộ đồ tắm. Tuy nhiên, theo Cosmopolitan, việc đi bộ mỗi ngày (10.000 bước) sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến việc giảm cân. Trái lại, đi bộ thường xuyên giúp vận động cơ thể, điều hòa hoạt động của hệ tim mạch, nhờ hít thở mà cơ thể người đi bộ cảm thấy khỏe hơn. 

Con số "lý tưởng" hay thủ thuật quảng cáo ?

Trong một cuộc sống ít có vận động cơ thể, đa số dân thành thị chủ yếu ngồi hoặc nằm để xem phim truyền hình, chơi trò chơi điện tử, đọc sách hoặc truy cập mạng xã hội nhiều giờ trong ngày trên điện thoại di động, Cosmopolitan cho rằng chịu khó đi bộ là chuyện nên làm. Nhưng phải đi bao nhiêu bước mới thực sự tốt ? Nhiều dân thành thị theo dõi việc đi bộ thường ngày bằng đồng hồ đếm bước, điện thoại thông minh có cài ứng dụng dành cho người đi bộ. Trên cả hai thiết bị này, mục tiêu đặt ra vẫn thường là 10.000 bước mỗi ngày. 

Trên đồng hồ hay qua smartphone, những chức năng chính vẫn là theo dõi cảm biến nhịp tim, tính lượng calorie tiêu thụ trong ngày, đo quãng đường (theo miles hay km) đi trong ngày, nhịp độ của bước đi, biểu đồ sinh trắc học tính theo ngày hay theo tuần. Về mức độ đo lường, đồng hồ đếm bước chính xác hơn nhờ thiết bị cảm biến đặt ở mặt dưới đồng hồ, trong khi điện thoại thông mình thường được bỏ túi. Người vận động có thể sử dụng cả hai, chỉ cần kết nối đồng hồ đếm bước và đồng bộ với smartphone thông qua ứng dụng. 

Hầu hết các thiết bị theo dõi đều ấn định mục tiêu là 10.000 bước mỗi ngày, nhưng con số này xuất phát từ đâu ? Trên thực tế, 10.000 bước mỗi ngày, một con số được xem là "lý tưởng" cho sức khỏe, lại chẳng dựa vào nghiên cứu khoa học nào cả. Đó chủ yếu là một mánh khóe quảng cáo tiếp thị. Theo Cosmopolitan, con số này đã ra đời trong khuôn khổ chiến dịch tiếp thị được phát động cách đây hơn nửa thế kỷ, trước thềm Thế Vận Hội Olympic Tokyo 1964. 

Một công ty Nhật Bản tung ra thị trường loại máy đếm bước đi bộ có tên là Manpo-kei : "man" có nghĩa là 10.000, "po" là bước chân, còn "kei" là đồng hồ. Máy đo 10.000 bước đi nhanh chóng thành công trên thế giới, dù chẳng có cơ sở khoa học nhưng do con số rất dễ nhớ nên nhanh chóng trở thành thiết bị của hàng chục triệu người chọn cách đi bộ để vận động cơ thể. 

Tạp chí Cosmopolitan trích dẫn Thư viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ (National Library of Medecine / NLM) cho biết 10.000 bước đi bộ mỗi ngày tương đương với các bài tập thể dục trong vòng 30 phút, 5 ngày mỗi tuần. Theo thông tin của cơ quan NLM, 10.000 bước đi bộ mỗi ngày cải thiện chức năng của hệ tim mạch và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường. 

Luyện cách tận dụng mọi cơ hội có thể để đi bộ 

Việc đi bộ ít hay nhiều dù sao cũng tốt hơn là không vận động cơ thể. Trên thực tế, con số 10.000 bước bị cho là quá nhiều, không phù hợp với mọi độ tuổi. Mục tiêu đi bộ 10.000 bước (tương đương với 7km) trong một ngày thì dễ đạt tới, nhưng đi 10.000 bước một cách liên tục, từ ngày này sang ngày nọ đòi hỏi cách tổ chức và một chút "kỷ luật" thi hành, không hẳn là chuyện dễ làm với tất cả mọi người. Yếu tố tâm lý này tạo ra rào cản, khiến cho một số người sau vài tuần thực hiện đã bỏ cuộc do cảm thấy mệt mỏi, chán nản. 

Theo một cuộc nghiên cứu vào cuối năm 2019 tại trường Đại học Y khoa Harvard (Harvard Medical School), con số được cho là "lý tưởng" đối với giới cao niên (từ 70 tuổi trở lên) là khoảng từ 4.500 đến 6.500 bước mỗi ngày, giúp giảm tỷ lệ tử vong từ 45% đến 65% nơi thành phần cao tuổi.

Nơi những người ở độ tuổi trung niên, không nhất thiết phải đi bộ 10.000 bước mỗi ngày. Khi so sánh giữa hai nhóm thử nghiệm : nhóm đi 7.500 bước mỗi ngày và nhóm đi 10.000 bước, thì không có khác biệt gì cho lắm về việc cải thiện các chức năng cơ thể. Nói cách khác, một khi đã đạt tới ngưỡng 7.500 bước thì cụ thể, không có tác động tích cực nào đáng ghi nhận thêm. 

Tuy vậy, cuộc nghiên cứu của Đại học Y khoa Harvard có một vài phát hiện thú vị. Chẳng hạn như việc đếm từng bước khi đi bộ sẽ giúp quá trình vận động trở nên dễ dàng hơn. Theo các nhà tâm lý học, người đặt trọng tâm vào quá trình ít bỏ cuộc hơn so với người chỉ nhìn vào kết quả. 

Nhịp độ quan trọng hơn là số bước mỗi ngày 

Đối với những ai phải ngồi nhiều trong văn phòng khi làm công việc, thay vì phải đi liền một mạch 7.500 bước trong ngày, chỉ cần chia số bước ra thành hai hoặc ba lần trong ngày, đi bộ trước khi tới sở làm hay sau khi rời văn phòng. Để đạt được số bước cần thiết, nên tận dụng mọi cơ hội có thể để đi bộ.

Điều đó dẫn tới việc thay đổi một số thói quen trong cuộc sống thường ngày, chẳng hạn như leo bộ cầu thang thay vì dùng thang máy ngay tại công sở, tăng quãng đường di chuyển lúc đi cũng như lúc về khi chịu khó xuống một trạm trước khi tới bến. Tất cả các chặng đi bộ ấy, dù nhỏ cách mấy vẫn được tính vào số bước mỗi ngày.

Ban đầu là một trò quảng cáo, khái niệm "10.000 bước mỗi ngày" đã trở thành một dạng "urban legend", những giai thoại truyền miệng được cho là có thật dù không dựa trên cơ sở khoa học nào cả. Tuần báo Pháp Le Point trích dẫn nghiên cứu gần đây của đài quan sát Pháp Onaps về các thói quen đời sống, cho thấy nhịp độ quan trọng hơn là số bước. Người đi bộ thay nhàn nhã đi dạo, nên rảo bước nhanh hơn một chút (với tốc độ khoảng 5km/giờ). Chỉ cần đi 4.000 bước mỗi ngày là đã bắt đầu có tác động tích cực lên cơ thể với điều kiện là dáng người đi có bước chân thoăn thoắt thay vì thong thả. 

Tuấn Thảo

Nguồn : RFI, 19/06/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tuấn Thảo
Read 331 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)