Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

23/07/2023

Ký sinh & Tầm gửi

Tưởng Năng Tiến

Họa sĩ Lê Huy Cầm  cho biết : "Vừa dứt xong cái tranh cho cựu sinh viên Đại học Dalat sẽ đấu giá kiếm tiền cho sinh viên nghèo trong ngày họp mặt 20 năm". Bên dưới thông tin này là lời nhắn của FB Hue Chau  ("Nếu dành cho cựu SV ĐH Dalat pre 75 thì trên tháp chuông nhà Nguyện Năng Tĩnh kg phải là cái…ngôi sao – Lê Huy" và hồi đáp của tác giả : "Sinh viên ra trường năm 2000 nên vẽ như vậy").

kysinh1

Tôi rời Viện Đại học Đà Lạt đã lâu, ngay sau Mùa Hè Đỏ Lửa, vào năm 1972. Gần nửa thế kỷ đã vụt đi với không biết bao nhiêu là nước suối, nuớc sông (cùng với nước mưa/nước mắt) đã ào ạt qua cầu và qua cống. Nhìn lại hình ảnh trường xưa không khỏi có thoáng chút bồi hồi, và cũng thấy có hơi hụt hẫng. 

Tuy thế, tôi hoàn toàn đồng ý với lời giải thích thượng dẫn của tác giả bức tranh. Thấy sao thì vẽ vậy thôi. Mà sao vàng và cờ đỏ thì được "gắn" vào tất cả những công trình kiến trúc ở Việt Nam (trường học Yersin, nhà ga Đà Lạt, bưu điện Sài Gòn, Toà Đô Chính, Dinh Gia Long, Dinh Độc Lập…) chớ có sót chỗ nào đâu. 

Ngó riết rồi cũng quen mắt thôi mà !

Chỉ riêng có "chỗ" này thì phải công nhận là nhìn hơi quá chướng, theo nhận xét của một nhà văn miền Nam – lần đầu đặt chân đến Hà Nội – hồi năm 1989 :

"Ô nhưng cái gì thế kia ? Trên đỉnh Tháp Rùa có một ngôi sao ! Cái này ra ngoài dự kiến của tôi về cảnh trí ở đây. Tôi chợt hiểu và liên tưởng ngay đến các ngọn tháp chuông ở điện Cẩm Linh mà tôi thấy trên báo chí Liên Xô, trên mỗi tháp cũng có gắn một ngôi sao. Dấu hiệu của Cách Mạng. 

Chỉ tiếc khi nhìn ngôi sao trên đỉnh tháp Rùa thì trí tưởng tượng của tôi về câu chuyện con rùa đòi thanh gươm của Lê Lợi không thể nào hoạt động được, nó tê cứng như con chuột bị con rắn thôi miên vậy. 

Tôi tự hỏi có phải trong trường hợp nào cũng cần phải đem cái hiện tại đè lên trên cái cổ truyền như thế không. Thỏa mãn một nhu cầu nhất thời có khi lại làm hại một sự thành tựu đã lâu đời. Và nếu ‘ý chí’ muốn rằng cái nhất thời phải thành vĩnh viễn trong tương lai thì nên tạo ra một công trình mới, ở chỗ khác, chứ sao lại sống tầm gửi vào những gì đã thành lịch sử như thế" (Phạm Xuân Đài, Hà Nội Trong Mắt Tôi. Nhà xuất bản Thế Kỷ, Westminster, CA, 1994).

kysinh2

Ah, thì ra thế ! Thế ra là chủ trương "sống tầm gửi" có nguồn gốc tuốt bên Nga, quê hương cách mạng tháng mười, từ hồi đầu thế kỷ trước lận (và đã trở thành truyền thống chung của khối anh em vô sản trên toàn thế giới) chớ đâu có phải là chuyện tình cờ hay cá biệt ! Tuy thế, khách quan mà nói, chính sách "tầm gửi" khi vào đến Việt Nam thì mới phát huy được thêm hai "mảng" mới tinh : đám thuyền nhân (boat people) và bọn công nhân xuất khẩu.

Những kẻ trôi sông lạc chợ này sinh sống gần như là một loài cá vậy, cá hồi. Họ được (hay bị) Đảng và Chính phủ đẩy ra khỏi nước, tứ tán khắp nơi, tha phương cầu thực. Tất cả đều chăm chỉ cần mẫn mưu sinh, và cần kiệm từng đồng, để mỗi khi hồi hương thì có được một mớ đô la nặng túi. Đó là chưa kể số tiền gửi về hàng quí, hay hàng tháng, cứ như thể là đóng hụi (chết) vậy.

Theo tạp chí Thương Gia Online : "Việt Nam tiếp tục trong top 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Kiều hối chuyển về năm nay ước đạt 16,7 tỷ USD… tăng nhẹ so với 16 tỷ USD của năm 2018". Nếu không có những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi (và nước mắt) của hàng triệu khúc ruột xa ngàn dặm thì cái "chính phủ tầm gửi" hiện hành, chắc chắn, đã không thể nào tồn tại được tới ngày nay.

Trong cái đám dân bá vơ này (thảng hoặc) cũng có vài cá nhân nổi bật, được Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm. Nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn là một người như thế. Từ Nga, có lần, ông gửi thư về cho thân phụ (một nhân vật bất đồng chính kiến – nhà thơ Đặng Đình Hưng) với những dòng chữ nhạt nhòa nước mắt :

"Con bị ốm nặng bố ạ, có lẽ vì hành trình đi Vac-sa-va quá dài mà con đi bằng xe lửa. Sứ quán bác đơn xin tiền lộ phí của con để đi thi, họ cũng khước từ bảo hộ cho danh xưng của con trong cuộc thi. Nhưng con quyết định liều và giáo sư Na-ta-xon một lần nữa lại giúp con, ông ấy cho con tiền đi đường, tiền thuê dàn nhạc đệm và tiền trọ… Trong cơn sốt 39.5 độ, con đã chảy nước mắt ròng : Các nước tham dự cuộc thi đều được chào cờ và cử quốc ca của mình, mà Việt Nam thì không có – Con tham dự với tư cách thí sinh tự do… Nhưng cũng nhờ sự cay đắng đó mà con gặp đươc Chopin – Những nỗi đau giao thoa với nhau đã bật lên tiếng đàn của hồn ông…" (Thế Giang, "Cây Đắng Nở Hoa", Thằng Người Có Đuôi, Nguời Việt, Westminster, CA, 1987).

Ngay sau khi "cây đắng nở hoa" thì… thánh đế hồi tâm. Đặng Thái Sơn được trao danh hiệu Nghệ Sĩ Nhân Dân, cùng với nhiều lời tung hô thái quá (tung toé) trên khắp những trang báo quốc doanh :

– Âm thanh thế kỷ 20 dưới tiếng đàn Đặng Thái Sơn

– Huyền Thoại Dương Cầm Đặng Thái Sơn

– Cánh chim tìm về tổ 

– Đặng Thái Sơn, tiếng đàn vọng lên từ những căn hầm trú ẩn

– Đặng Thái Sơn, những nổi đau của một dân tộc đấu tranh đòi độc lập

Bên cạnh câu chuyện đắng cay này, có không ít những lời bình vô cùng cay đắng :

– Đặng Chương Ngạn : "Tiền đi thi không cho, đến cả cái danh xưng thí sinh Việt Nam cũng không cho, nhưng sau khi đoạt giải lại nhận ông ấy là người Việt Nam".

– Lê Công Định : "Tôi nhớ ngày anh Đặng Thái Sơn đoạt giải về nước, cả hệ thống truyền thông bu lại ca ngợi đảng và nhà nước đã hun đúc tài năng của dân tộc !"

– Hoàng Khởi Phong : "Cha anh, nhạc sĩ và nhà thơ Đặng Đình Hưng được nhìn thấy con ông như một con cá kình, quẫy thủng cái lưới mà thoát ra biển khơi".

– Nhat Vu Hong : "Chính vì sự bội bạc đó nên Đặng Thái Sơn không về Việt Nam mà định cư tại Canada".

Son Nguyen & Bùi Phi Hùng : "Cũng giống như Ngô Bảo Châu, người Việt được chăm bón, vun trồng ở tận đẩu tận đâu rồi thành quả, về ‘báo công’ cho nhà nước hít hà, phả ra đầy khí quyển những lời hào sảng hết cỡ ; đưa tất cả lên đỉnh, tưởng chừng như thế gian này chỉ còn có người Việt ; người Việt sẽ làm cho thế giới thăng hoa…".

Trường hợp của Giáo sư Ngô Bảo Châu thì tương đối vẫn còn mới mẻ, rất nhiều người biết nên cũng chả cần phải rườm lời, trừ sự kiện này : ông không phải là một con cừu nên không quen bám lề, và thỉnh thoảng lại đi "trật đường rầy" một khoảng (hơi) xa. Có lẽ xa nhất là lời bình luận của ông vào hôm 19 tháng 5 năm 2016, nhân ngày sinh nhật lần thứ 126 của Hồ Chí Minh : "Có quý mến ai thì mong h thoát khi vòng luân hi, đừng bt h sng mãi trong s nghip ca chúng ta".

Thế là Nhà nước Việt Nam xùy chó ra cắn ngay :

– Ngô Bảo Châu tiếp tục cổ súy cho các hành động sai trái chống phá đất nước của những tên phản động như Lê Công Định, Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam, Mẹ Nấm…

– Ngô Bảo Châu một con trâu biết làm toán

– Ngô bảo Châu đã tìm cho riêng mình một con đường khác, đi ngược lại con đường mà đảng, Bác Hồ cùng nhân dân đã chọn hơn 70 năm qua… 

– Ngô Bảo Châu trên con đường ngụy dân chủ phản bội dân tộc.

Ngó bộ thì lũ chó này chưa chắc đã cắn rách được gấu quần của nạn nhân nhưng tư cách của đám chủ thì ai cũng nhìn thấy rõ : đồ ăn hại và phường vô lại.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : Đàn Chim Việt, 23/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tưởng Năng Tiến
Read 349 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)