Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

24/11/2023

Sách "Cõi trời cõi ta" của Bác sĩ – Nhà văn Hoàng Dung

Trịnh Bình An, Nguyễn Xuân Vinh, Uyên Thao

Hoàng Dung - Cõi trời cõi ta

Trịnh Bình An, hocxa.com, 20/6/2023

Hoàng Dung tên thật là Hoàng Xuân Trường. Ông từng là một đại úy Quân y trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi đến Hoa Kỳ, ông học lại và sau đó hành nghề Y khoa. Hoàng Xuân Trường được nhiều người nói tới như một bác sĩ tận tâm, một người hiền lành và ít nói.

hoangdung1

Nhà văn Hoàng Dung

Tôi đặt nghề nghiệp và tư cách của Hoàng Dung ngay phần mở đầu là có lý do, vì tôi cho rằng chính tấm lòng "lương y như từ mẫu" của tác giả mà "Cõi trời cõi ta"trở thành cuốn sách đặc sắc, đặc sắc đến nỗi tôi phải bỏ hẳn một ngày chủ nhật đầu Xuân tuyệt đẹp, tự giam mình trong phòng để viết những dòng chữ này.

Tôi cho rằng người đọc chỉ có một bổn phận duy nhất, đó là phải làm sao cho mình có được cảm giác thống khoái qua việc đọc sách. Muốn như thế, người đọc phải để cho mình tự do đi theo những cảm xúc hay suy nghĩ của chính mình dù cho đó là những cảm xúc, suy nghĩ điên rồ nhất. Người viết, trái lại, vì muốn truyền đạt ý tưởng của mình đến người đọc nên không thể quá buông thả. Người viết luôn luôn phải cân nhắc, lọc lựa những cảm xúc, suy nghĩ sao cho ý tưởng được chuyển tải gọn ghẽ, rõ ràng, và chính xác. Chính vì lẽ đó mà thường khi người viết chỉ có thể bày tỏ phần nào điều mình muốn nói. Thành thử câu "ý tại ngôn ngoại" cho thấy phần nào sự khổ tâm của người viết.

Vậy nên, khi người đọc để tâm tưởng buông lung là khi người đọc có cơ may đến gần với người viết nhất bởi người đọc đã giúp người viết nói ra những điều người ấy muốn nói mà chưa thể, hay không thể, nói toạc ra. Cứ cho là tôi quá tự tin khi nghĩ như thế, nhưng có hề chi, nếu tôi không tận hưởng cái khoái của việc đọc sách thì tại sao tôi cần đọc sách ? Và tôi đã đọc "Cõi trời cõi ta" bằng cái trí buông thả như vậy.

Trước đây Hoàng Dung đã viết cuốn sách có tựa "Đi về cõi vô cùng" với những đề tài về thiên văn học. Lần này "Cõi trời cõi ta" thì ngoài "trời" ra còn có cả "ta" nữa. Vậy thế nào là "cõi trời", thế nào là "cõi ta" theo Hoàng Dung ?

hoangdung2

Sách "Cõi trời cõi ta", Hoàng Dung, Amazon xuất bản, 380 tr.

Trong "Cõi trời cõi ta", những bài viết như "Thời gian", "Bốn mùa", "Trăng sao và tháng ngày", "Những thăng trầm của trái đất"… trình bày một số hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ và trên trái đất. Ở "cõi trời" cái này tạo thành cái kia, cái nọ hủy diệt cái khác theo những quy luật của tự nhiên. Ở "cõi trời" vạn vật tuân theo những định luật ngàn đời mà chuyển biến. Do đó, "cõi trời" tuy bao la vô cùng nhưng lại là một nơi có những nguyên tắc và trật tự hết sức rành mạch, dứt khoát.

So với "cõi trời" thì "cõi ta" cực kỳ bé nhỏ, chỉ là một nhúm homosapien chíu chít trên mặt trái đất. Nhưng cái "cõi ta" ấy sao mà rối rắm quá. "Cõi ta" đầy những tham vọng và ngu dốt, đầy những mơ mộng và yêu thương. Hoàng Dung viết về "cõi ta" ấy với những nhớ nhung quyến luyến trong "Nhớ về một người bạn đã nằm xuống", "Thủy quân lục chiến Việt Nam trong Mùa hè đỏ lửa" ; với những ưu tư trăn trở trong "Tương quan lực lượng Trung Hoa-Việt Nam tại Biển Đông" ; với những băn khoăn thắc mắc trong "Từ kiếm hiệp đến khoa học giả tưởng", "Vài liên tưởng phân tâm học qua thơ Bùi Giáng", "Nguyễn Tất Nhiên và vấn đề tự tử"… Tóm lại, "Cõi ta" của Hoàng Dung là một thế giới rắc rối và khó hiểu vì con người vốn đã khó hiểu và rắc rối.

Hãy cứ tạm cho rằng "cõi trời" là thế giới tự nhiên còn "cõi ta" là thế giới con người, từ đó sẽ thấy tác giả là người thích nghĩ ngợi, khi thì lan man chuyện "cõi trời", khi lại băn khoăn chuyện "cõi ta". Thế nhưng, điểm đặc biệt ở đây là dù đã chia hai "ta" và "trời" riêng rẽ theo từng đề tài nhưng Hoàng Dung vẫn không muốn tách hai cõi này hẳn với nhau, trời riêng trời, ta riêng ta, mà lại thích để cho cõi này chen lẫn vào cõi kia.

Như trong bài "Nguồn gốc và tương lai vũ trụ", lúc nói về thuyết Big Bang, Hoàng Dung đã chen "ta" vào "trời" khi viết :

Vì quan niệm hiện đại về sự khai sinh vũ trụ, hay thuyết Big Bang cũng đề cho là vũ trụ được khai sinh từ "mảy may", từ một điểm rất nhỏ, nhỏ hơn cả một hạt điện tử, nhưng trong đó có chứa một năng lượng vô hạn. Điểm này được gọi là điểm vô cực, nhưng đúng hơn, có thể dùng một từ ngữ trong thơ Mai Thảo là điểm "vô hình tướng" - "Điểm cuối đường sương điểm hiện dần. Hiện cùng điểm mất ở vong thân. Đáy xe, từ điểm vô hình tướng. Chết rũ theo người ở dưới chân". Từ điểm "vô hình tướng" đó, khoảng gần mười lăm tỷ năm trước, một năng lượng cực độ đã nổ bùng và nhanh chóng sinh hóa để trở thành vũ trụ (*).

Loài người của "cõi ta" thường thích nhìn "cõi trời" theo con mắt chủ quan của mình. Cái điểm "mảy may" của vũ trụ có gì là vui, có gì là buồn, nhưng khi trở thành điểm "vô hình tướng" thì thể nào cũng sẽ kèm theo một nỗi buồn man mác. Cách nhìn sự vật tự nhiên theo con mắt chủ quan giúp cho loài người tạo nên một sản vật đặc biệt mà chỉ có loài người mới có, đó là nghệ thuật, trong đó thơ là một.

Một điều dễ thấy, Hoàng Dung rất yêu thơ, dường như bất kỳ hiện tượng tự nhiên nào cũng dễ dàng gợi nhắc ông nhớ tới một câu thơ. Như trong bài "Việt Nam thời kỳ tiền lịch sử", khi nhắc tới sông Mã, ông nhớ ngay đến những câu thơ của Quang Dũng :

Đường tiếp giáp của hai tiểu lục địa này là sông Mã, giòng sông hùng tráng trong thơ Quang Dũng "Áo bào thay chiếu anh về đất. Sông Mã gầm lên khúc độc hành". Nhưng hơn 200 triệu năm trước, sự tiếp giáp giữa hai tiểu lục địa còn mạnh hơn tiếng gầm của dòng sông Mã hàng muôn triệu lần. Đất trời rung chuyển, bờ đất tiểu lục địa Indochina bị dội nên, tạo nên dãy Trường Sơn (*).

Cái cách chen thơ vào kể ra cũng hay, nó giúp cho những kiến thức khoa học bớt khô khan. Người đọc còn có thể "nhìn" ra các hiện tượng tự nhiên qua những hình ảnh sống động của thơ, như "gầm lên" vẽ ra quang cảnh trời đất rung chuyển, còn "điểm cuối đường sương" vẽ ra một điểm rất mờ, rất ảo, đến mức gần như không có. Cái "thấy" của sự tưởng tượng có khi cụ thể và linh hoạt hơn cái thấy của mắt nhìn là thế.

Không chỉ yêu thơ, Hoàng Dung còn yêu cả người thơ. Ông nghĩ nhiều về Bùi Giáng và Nguyễn Tất Nhiên, hai thi sĩ miền Nam nổi tiếng với những bài thơ trữ tình nhất, ảo diệu nhất. Nhưng tới đây Hoàng Dung lại không nằm hẳn trong "cõi ta" để mê đắm trong các vần điệu du dương, chữ nghĩa mật ngọt, tới đây Hoàng Dung lại đứng về bên "cõi trời" - vùng đất của các quy luật tự nhiên - để phân tích và tìm hiểu Bùi Giáng và Nguyễn Tất Nhiên ở góc độ của một người làm khoa học, một bác sĩ y khoa.

Trong bài "Vài liên tưởng phân tâm học qua thơ Bùi Giáng", trước khi đi vào nguyên cớ gây nên chứng điên của Bùi Giáng, Hoàng Dung đưa ra một số ý niệm cơ bản về phân tâm học, đó là Ngã, Siêu Ngã, và Di Ngã.

Nhân cách khác biệt của mỗi chúng ta là do mức độ thăng bằng khác nhau giữa Ngã, Siêu Ngã và Di Ngã. Đời sống tâm linh của con người là một tiến trình liên tục ; một mặt thâu thập những kinh nghiệm, cảm xúc, kiến thức ; mặt khác giải tỏa nhừng ẩn ức, âu lo, những đòi hỏi chất chứa trong bản năng. Sự mâu thuẫn giữa những đòi hỏi vô thức của Di Ngã với những cấm đoán và giới hạn của Siêu Ngã nếu không được giải quyết sẽ tạo nên một cảm giác bất an trong ý thức (Ngã) (*).

Ở một đoạn khác, Hoàng Dung phân tích lý do tại sao nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng, có thể đem lại cho ta cảm giác thích thú.

Thú sáng tạo và thưởng ngoạn nghệ thuật được coi như tổng hợp của hai yếu tố : thứ nhất là cảm giác bình yên do sự giải thoát những lo âu, những ký ức bị dồn nén hay chôn kín, và mặt khác là cảm giác khoan khoái tiếp thu được do nhừng thỏa mãn trực tiếp (immediate gratification). Hãy đọc câu thơ của Nguyễn Nhược Pháp : "Yêu nàng bao nhiều người làm thơ". Dĩ nhiên, trong số "bao nhiêu người làm thơ" này chưa chắc có ai được nàng yêu lại, nhưng không ai có thể cấm họ mơ mộng để có những khoảnh khắc hạnh phúc nhất thời. Cái hạnh phúc dựa trên một thực tại giả tạo đó phân tâm học gọi là "những thỏa mãn trực tiếp" (*).

Ngoài ý niệm về Ngã, Siêu Ngã, Di Ngã, "cảm giác bình yên", và "thỏa mãn trực tiếp", Hoàng Dung còn nói về sự "thoái bộ" và "phóng ngoại".

"Thoái bộ" là khi chúng ta bắt gặp trong nội dung bài thơ nhừng ẩn ức nội tâm tương ứng, lúc đó tâm hồn chúng ta tự động trở về (thoái bộ) trạng thái tâm lý ấu thơ, lúc siêu ngã còn yếu kém. Vì thế, tâm hồn chúng ta thường có khuynh hướng hoài vọng về một dĩ vàng mơ hồ. Bùi Giáng là thi sĩ thoái bộ thường xuyên và sâu xa với những câu thơ có các hình ảnh siêu thực như : "Người đi xiêm mỏng xuôi triều nước xanh", hay, "Mai kia có héo đầu ghềnh. Ngó sang trời lạ thấy mình mất thu", v.v.

"Phóng ngoại" là gán những ý nghĩ, cảm xúc của mình ra ngoại giới để giao hòa tâm tư của mình với trời đất, để không còn thấy run sợ trước những điều mình không biết, không hiểu, hay run sợ vì thấy thân phận mong manh của ta trước cái bệnh, cái chết, cái già nua. Vì thế, làm thơ, nói theo Bùi Giáng là "Một cách dìu ba đào về một phương trời khác. Đi vào giữa trung tâm bão động một lúc thì lập tức xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức". Một câu thơ mang tính chất phóng ngoại của Bùi Giáng như : "Cá khe nước cõng lên đồng. Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng. Tại từ tháng chạp quay nghiêng. Ầm trong sử lịch thu triền miên trôi".

Với người bình thường như chúng ta, lâu lâu mới có các "cơn" thoái bộ và phóng ngoại (thường được gọi bằng cái tên mỹ miều là "cảm hứng"), nhưng riêng với Bùi Giáng thì ông thoái bộ và phóng ngoại thường xuyên hơn, sâu xa hơn. Kết quả, thơ Bùi Giáng rất lạ thường nhưng chính Bùi Giáng lại trở thành rất bất thường, nói trắng ra là… điên.

Tôi được Uyên Thao kể cho nghe một mẩu chuyện "bất bình thường" của Bùi Giáng. Lúc đó hai người cùng làm cho tờ Giáo Dục Phổ Thông. Khi thấy Uyên Thao sắp viết một bài phê bình thơ Xuân Diệu, Bùi Giáng bảo Uyên Thao rằng khi viết về Xuân Diệu là phải ăn cháo chứ không được ăn cơm, thêm nữa, phải thắp nến chứ không được để đèn điện. Sau đó Uyên Thao viết xong bài, đưa cho thợ sắp chữ. Bùi Giáng thấy vậy bèn hỏi lại Uyên Thao "Mày có làm theo lời tao nói không ?". Uyên Thao đáp "Tao quên mất rồi, tao vẫn ăn cơm và để đèn điện bình thường". Vừa nghe xong, Bùi Giáng nổi giận, vác nguyên cái máy chữ nặng chịch liệng Uyên Thao !

Đó là trường hợp của Bùi Giáng, còn Nguyễn Tất Nhiên thì sao ? Tại sao Nguyễn Tất Nhiên tự tử ? Không nhẽ khả năng "thoái bộ" và "phóng ngoại" của thơ không giúp gì được cho nhà thơ hay sao ?

Để tìm hiểu cái chết của Nguyễn Tất Nhiên, trước tiên Hoàng Dung nhắc đến David Émile Durkheim (1858-1917) , nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về xã hội, trong đó có tác phẩm "Suicide". Theo Durkheim, có 4 loại tự tử chính :

Tự tử vì mất phương hướng (anomic suicide) : Xảy ra với những người không thích hợp được với những thay đổi đột ngột của xã hội, lúc đó họ cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng và thường xuyên thất vọng. Như Maiakovski tự tử vì thất vọng với chủ nghĩa cộng sản, hay, Mishima (tác giả Kim Các Tự) tự tử vì không chịu nổi sự suy sụp của tinh thần võ sĩ đạo của Nhật Bản.

Tự tử vì bị áp chế (fatalistic suicide) : xảy ra với những người bị áp bức, họ thấy tương lai đen tối không lối thoát, mọi ước mơ đều bị dập tắt. Đây là trường hợp của những tu sĩ Tây Tạng tự thiêu để phản đối sự cai trị tàn bạo của Trung Quốc.

Tự tử vị tha (altruistic suicide) : Xảy ra với những người mà mối quan hệ của họ với xã hội, với cộng đồng quá bền chặt. Những cái chết của Đặng Dung, Hoàng Diệu, Nhất Linh, Nguyễn Khoa Điềm, là những cái chết vị tha. Cuộc đời của họ đã gắn liền với quốc gia, dân tộc, đồng đội. Họ tìm cái chết để giừ gìn khí tiết không nhừng cho bản thân mình mà còn cho tập thể.

Tự tử vị kỷ (egoistic suicide) : Xảy ra với nhừng người gặp khó khăn trong mối giao tiếp với xã hội chung quanh. Ngược lại với "tự tử vị tha", người "tự tử vị kỷ" thường có thích sống co cụm, tách rời xã hội. Nếu căn cứ trên thi văn, cái chết của Nguyễn Tất Nhiên là một cái chết vị kỷ. Nguyễn Tất Nhiên không bao giờ thích ứng được với xã hội xung quanh.

Nguyễn Tất Nhiên luôn sống cô đơn như một tu sĩ : "Vì tôi là linh mục, không mặc chiếc áo dòng. Nên suốt đời hiu quạnh, nên suốt đời lang thang". Nguyễn Tất Nhiên không chỉ gặp khó khăn với những người tình mà còn đối với cuộc đời : "Mỗi cuộc sống phải mua bằng nhục nhã. Mỗi mặt trời, trả giá một hoàng hôn". Từ đó, Nguyễn Tất Nhiên phải thu mình vào chính bản thân, "Khi mòn mỏi, nghe đời mình trắc trở. Hơn lúc nào tôi quá đỗi thương tôi".

Từ những thể hiện như trên và tương tự trong các bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Dung đưa ra nhận định :

Khuynh hướng thu những cảm xúc cay đắng vào chính bản thân này có lẽ là một yếu tố khiến Nguyễn Tất Nhiên lúc nào cũng nghĩ đến "thế nào rồi tôi cũng giết tôi", vì theo phân tâm học, tự tử là hướng cái bản năng hủy phá vào chính bản thân mình (*).

Nguyễn Tất Nhiên cũng dùng thơ như một cách để thoái bộ, trở về thời thơ ấu, hay, hoài cảm : "Tôi có cánh buồm tấp về ký ức. Em có chỗ ngồi quên lãng như mây". Nguyễn Tất Nhiên cũng phóng ngoại, ông không những gán tâm tư mình vào ngoại giới mà còn muốn điều khiển ngoại giới theo ý mình : "Thà như giọt mưa, gieo xuống mặt người, vỡ tan vỡ tan. Nào ta ân hận, bởi còn kịp nghe, nhịp run vồi vội, trên ngọn lông măng, (người từ trăm năm vì ta phải khổ)".

Khi một người vừa hướng bản năng phá hủy vào chính mình, vừa thấy mình có quyền định đoạt số phận chính mình (như giọt mưa vỡ tan), thì kết quả không xa là người ấy sẽ tự mình tìm đến cái chết. Quả thật, khi chỉ mới 20 tuổi, Nguyễn Tất Nhiên đã từng nghĩ tới cái chết của chính mình, "Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ. Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian. Phải đau theo từng hớp rượu tàn. Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định". Để rồi, ông ra đi lặng lẽ - khi chỉ mới 40 tuổi - trong một chiếc xe hơi cũ, đúng như những câu thơ định mệnh, "Vì tôi là linh mục, không biết rửa tội người, nên âm thầm lúc chết, tội mình còn thâm vai".

Qua cơn điên của Bùi Giáng và cái chết của Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Dung nhận thấy giữa thơ và phân tâm học có một mối liên hệ tinh tế. "Cõi ta" với những tâm lý phức tạp của con người có thể được làm sáng tỏ bằng những phân tích rành mạch của khoa học của "cõi trời". Ở đây, Hoàng Dung không đọc thơ hoàn toàn như một người thưởng ngoạn nữa mà làm công việc của một bác sĩ, nghe ngóng, suy luận, so sánh, để tìm ra căn bệnh.

Nói cho cùng, ai trong chúng ta mà không có "bệnh". Thường ngày, ta vẫn phàn nàn về người này, người nọ ; vẫn cứ ta thán về những tánh xấu của người chung quanh. Nhưng ta có bao giờ dừng lại một phút để tự hỏi tại sao người đó lại nói như thế, làm như thế. Biết đâu chừng người đó có điều gì đó chìm sâu trong vô thức khiến họ làm ra những hành động kỳ quặc, phi lý mà ngay chính họ cũng không ý thức được. Riêng Hoàng Dung, với kiến thức và tấm lòng của một lương y, ông hiểu được điều ấy, vì thế ông đưa ra trường hợp của Bùi Giáng và Nguyễn Tất Nhiên với mong mỏi khơi gợi một cách xét người dung dị hơn. Ông viết :

Chúng ta quen nghĩ ‘nhân chi sơ, tính bản thiện’. Giờ đây thử nhìn con người trên căn bản vô thức với những bản năng tình dục, bản năng hủy phá và những phương thức tự vệ tâm lý, có thể chúng ta sẽ khách quan hơn, sẽ thông cảm và thương yêu con người nhiều hơn (*).

Hoàng Dung định bệnh Bùi Giáng và Nguyễn Tất Nhiên, thế đến lượt Hoàng Dung thì ai sẽ định bệnh Hoàng Dung ? Bỗng chợt nhớ câu "Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như !".

Trong bài "Từ kiếm hiệp đến khoa học giả tưởng", Hoàng Dung tự kể về mình :

Tôi là người thiếu thực tế, suốt đời thích đọc những truyện viễn mộng. Mới chín mười tuổi, tôi bắt đầu đọc Bồng Lai Hiệp Khách, Giao Trì Hiệp Nữ … Vào Nam, học đệ thất đệ lục, tôi mê với Lục Kiếm Đồng, Không Không Sư Tổ… Lên đến đệ nhị, tôi bắt đầu làm quen với Kim Dung, qua Anh Hùng Xạ Điêu. […] Ra trường, đi lính, đi hành quân hay về hậu cứ, tôi bỏ tiền mướn tháng để đọc tất cả truyện kiếm hiệp mới ra. […] Sang đến đất Mỹ, tôi quay sang đọc truyện khoa học giả tưởng (*).

Hoàng Dung khai "bệnh", rồi loay hoay phân tích :

Nếu so sánh giữa kiếm hiệp và khoa học giả tưởng ta thấy hai trường phái văn học cực kỳ viễn mơ này có những khác biệt căn bản. Người phương Đông thả hồn vào cõi hoang đường bằng cách đắm chìm trong những hoàn cảnh và nhân vật của quá khứ, đồng hóa vào nhừng khả năng phi thường của nhân vật. Trong khi đó, người Tây phương để cho tâm hồn vơ vẩn trong nhừng hoàn cảnh tương lai.

Những khác biệt căn bản kể trên có lẽ bắt nguồn từ những vũ trụ quan và khác biệt trong nội tâm con người. Người Tây phương luôn tìm cách phân tích, giải thích hay làm chủ ngoại giới, còn người Đông phương có khuynh hướng hòa đồng với ngoại giới (*).

Phải chăng tính ưa làm chủ ngoại giới chính là khuynh hướng "phóng ngoại", còn tính thích hòa đồng với ngoại giới lại là khuynh hướng "thoái bộ" như vừa kể ra ở trên. Và Hoàng Dung khi mê say đọc cả truyện kiếm hiệp lẫn truyện khoa học giả tưởng là ông đã tìm cách điều hòa tâm hồn của mình, giúp nó tìm đến một cõi bình yên, dù biết đó chỉ là bình yên thoáng chút.

Bởi vì trái tim Hoàng Xuân Trường, thực ra, không bao giờ bình yên !

Ông vẫn hằng nghĩ tới những giây phút lửa đạn năm nào, tới những đồng đội đã nằm xuống. Đó là nỗi day dứt không nguôi, những câu hỏi không lời giải đáp, vì tại sao "những người bạn hy sinh đầu tiên trong khóa [Quân Y 17] lại là những anh bạn hiền lành dễ thương nhất", hay, xót xa hơn, "Tại sao chúng ta thua trận ?".

Nhưng chính nhờ có những dày vò trăn trở ấy mà "Cõi trời cõi ta" không còn là một cuốn biên khảo khô khan nữa. Đó cũng là lý do tôi muốn nói tới ngay từ lúc mở bài, rằng nếu không nhờ có tấm lòng của một người thày thuốc tận tâm thì cuốn sách không chắc đã làm tôi thích thú.

Nói chung, "Cõi trời cõi ta" không phải là một cuốn sách dễ đọc, nó đòi hỏi sự tĩnh tâm và suy ngẫm. Nhưng làm sao khác được, có ai muốn tìm hiểu cái cao sâu vòi vọi của Cõi Trời và cái chằng chịt chi ly của Cõi Ta mà lại không muốn bận tâm suy nghĩ ? Nhưng đến với "Cõi trời cõi ta" hay nhất có lẽ là cứ buông thả cho mình đi theo những giòng chữ của tác giả, hãy cứ coi tác giả như một người kể chuyện, và hãy để mặc cho các cảm xúc của mình hoặc bay lên trời hoặc lẫn vào ta.

Ta vừa kể chuyện Em nghe

Lòng ta mở mắt, Em che giọt buồn

(Non Sông Hoài Niệm - Vương Đức Lệ) (*)

Trịnh Bình An

Nguồn : hocxa.com, 20/06/2023

Chú thích :

- Những đoạn đánh dấu (*) trong bài là trích nguyên văn trong "Cõi trời cõi ta".

- "Ý tại ngôn ngoại" : Ý ở ngoài lời. Chỉ những điều hàm ý, không nói thẳng ra, người nghe phải tự suy lấy mà hiểu.

- "Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?" : Đây là hai câu kết trong bài thơ "Độc tiểu thanh ký" của thi hào Nguyễn Du, tức Tố Như. Nghĩa là "Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa. Thiên hạ ai người khóc Tố Như ?"

***

hoangdung3

"Đi vào cõi vô cùng", Nhà xuất bản Trẻ (Việt Nam) / Kệ sách Học Xá

- Hoàng Dung đã có 3 cuốn sách được in, "Sau bức màn đỏ" (Tủ sách Tiếng Quê Hương), "Chiến Tranh Đông Dương III" (Nhà xuất bản Văn Nghệ California), riêng cuốn "Đi vào cõi vô cùng" được Nhà xuất bản Trẻ in ngay trong nước.

************************

Hoàng Dung - Đi vào cõi vô cùng 

Nguyễn Xuân Vinh, hocxa.com, 20/06/2023

Lời giới thiệu

Năm 1963, trên quê hương Việt Nam, một thanh niên vừa hoàn tất bậc Trung học như bao thanh niên Việt khác. Vốn kiến thức của anh được căn cứ vào mười hai năm học theo một chương trình để lại từ thời Pháp thuộc, một chương trình tuy đã được nhiều lần sửa đổi, lúc thêm, lúc bớt, nhưng chưa bao giờ được duyệt lại toàn diện cho thích hợp với nền văn minh nhẩy vọt của thế giới trong thế kỷ XX.

hoangdung4

Một quân nhân chụp ảnh kỷ niệm trước cổng Trường Đại học Y khoa Sài Gòn trước 1975 - Ảnh minh họa

Năm 1970, anh trở thành một bác sĩ quân y để rồi những năm sau phục vụ ngoài mặt trận, ngành chuyên môn của anh, sau nhiều năm thụ huấn tại đại học và các bệnh viện ở đô thành, nay được trau giồi và tinh luyện thêm khi anh săn sóc thương binh ngoài chiến trường. Trước đó một năm, vào ngày 21/7/1969, là sứ giả của nhân loại, phi hành gia Neil Armstrong đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng. Giấc mơ của loài người được lên Cung Quảng nhìn tận mắt chị Hằng đã được thực hiện.

Ở Hoa Kỳ và ở nhiều nước văn minh khác trên thế giới, ở những lớp tiểu học, các em bé đã từ lâu tập làm bằng giấy bồi và những quả bóng xốp buộc bằng những sợi dây nhỏ, những mô hình Thái dương hệ với những hành tinh theo thứ tự xa gần từ mặt trời. Sau chuyến bay lên mặt trăng của phi thuyền Apollo 11, Neil Armstrong được cử đi thăm viếng những nước bạn của Hoa Kỳ và đã ghé Sài Gòn, thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa. Vào dịp đó, được đọc những thông tin phổ biến từ Tòa đại sứ Hoa Kỳ, chàng thanh niên nước Việt, nay là bác sĩ quân y Hoàng Xuân Trường, mới chợt nhận thấy những gì thiếu sót trong chương trình trung học nước nhà. Một trong những phần lệch lạc đó là môn Thiên văn học, trước kia được để trong năm học cuối cùng, nhưng không may mắn cho thế hệ của anh, đã bị bãi bỏ từ mấy năm trước. Với một chương trình học không đầy đủ, người thanh niên Việt, sau khi tốt nghiệp bậc trung học, có thể không biết được vị trí của địa cầu trong không gian, và trên trái cầu nhỏ bé trong vũ trụ vô cùng này, với kiến thức hạn hẹp, khi thời thế đưa đẩy mà anh phải ra nước ngoài để tranh đua với các bạn đồng nghiệp ngoại quốc, đứng trên một bình diện, chắc chắn anh sẽ bị thiệt thòi.

Nhưng bác sĩ Hoàng Xuân Trường đã tạo lại được thế đứng của mình giữa các bạn đồng nghiệp ở hải ngoại. Với bản tính hiếu học, kể từ ngày phải buông súng và sau mấy năm phải ở lại để được nếm mùi trại cải tạo, vừa tới được Hoa Kỳ, anh đã lao đầu vào sách đèn và dùi mài kinh sử, trước hết là để lấy lại bằng hành nghề bác sĩ y khoa, và cùng một lúc để học những gì từ xưa anh vẫn khao khát được biết mà nay mới có phương tiện tìm hiểu. Từ gần hai thập niên qua, anh đã đọc thêm được bao nhiêu kinh điển, thấu triệt được thêm những điều gì, có lẽ chỉ mình anh biết được. Nhưng qua những bài anh đã viết và đăng trên sách báo, hoặc ký tên thật, hoặc ký dưới bút hiệu Hoàng Dung, và đặc biệt qua cuốn sách Chiến Tranh Đông Dương III nói về những cuộc chiến Hoa-Việt và Miên-Việt vào những năm 1979, do Văn Nghệ xuất bản năm 2000 và đã được độc giả nồng nhiệt đón nhận, thì ta có thể nói không những anh là một chuyên gia trong y giới, Hoàng Xuân Trường, với bút hiệu Hoàng Dung, nay cũng là một nhà trí thức, hiểu theo đúng ý nghĩa của danh từ này. Vì vậy, tôi không ngạc nhiên sau khi nhận được và đã đọc kỹ bản thảo cuốn sách Đi vào cõi vô cùng , viết về Thiên văn học anh mới viết và đang chuẩn bị cho in.

Hoàng Dung đã tìm tòi trong sách vở, đã đọc và nay đã có một hiểu biết thấu triệt về môn Thiên văn học, môn học ngày xưa không có trong chương trình Tú tài của anh. Hơn thế nữa, không những anh đã học cho mình, mà còn học cho cả thế hệ của anh và cả cho thế hệ trẻ tiếp nối anh bằng cách trình bày thành sách một cách mạch lạc những gì anh hiểu biết về vấn đề này. Với ý nghĩ đó anh đã viết ra cuốn sách Đi vào cõi vô cùng và sau này chắc anh sẽ còn viết tiếp theo nhiều cuốn sách khác với cùng mục đích là chia sẻ những điều anh đã học hỏi và tìm tòi được với những người đọc sách viết bằng tiếng Việt.

Viết mấy lời giới thiệu cuốn sách này, tôi muốn nêu lên một khía cạnh là ít người có thể làm được, hay sẵn lòng làm những điều mà tác giả cuốn sách đã làm. Thứ nhất là người có thiện chí phải bỏ ra nhiều thì giờ tìm tài liệu để nghiên cứu và thấu triệt những vấn đề mình muốn hiểu biết. Sau đó lại cần có can đảm và kiên nhẫn để làm một công việc mà người đời thường gọi là một công việc bội bạc, là viết một cuốn sách tìm hiểu về khoa học khô khan cho một số độc giả hạn hẹp. Hoàng Dung đã có đủ kiến thức, đủ kiên nhẫn và can đảm để làm điều này. Hơn nữa, nhờ lòng say mê văn thơ và biết tận dụng sự hiểu biết của mình, anh đã đưa Thiên văn học tới người đọc như đưa ánh trăng tới Lý Bạch, đưa giấc mơ lên Cung Quảng tới Đường Minh Hoàng. Qua những trang sách anh viết, môn học về trời đất, tinh tú cùng giải Ngân Hà và vũ trụ bao la không còn phải là môn học khô khan nữa, vì theo tác giả : Đọc về Thiên văn học, chính là đọc về Thơ, về triết lý, về ý nghĩa của cuộc tồn sinh, trong đó thời gian đã hòa nhập với không gian, con người đã hòa nhập với vũ trụ.

hoangdung5

"Đi vào cõi vô cùng", bìa trước và sau (Kệ sách Học Xá)

Cuốn Đi vào cõi vô cùng của Hoàng Dung viết thật dễ đọc và dễ hiểu. Anh đã để chen lẫn vào những trang sách giải thích những định luật vạn vật hấp dẫn làm căn bản cho sự chuyển vận các hành tinh, những câu thơ kim và cổ, trích dẫn ra từ những bài thơ đã có giá trị bất diệt với thời gian, để cùng một lúc gây thi vị cho người đọc, tác giả như muốn chứng tỏ rằng chân lý của khoa học và vẻ đẹp của thơ văn đều là những thứ gì vĩnh cửu đối với loài người. Lấy một tỷ dụ là trước khi bàn đến những phương pháp đo những chiều dài và rộng của trái đất, bắt đầu bởi nhà quản thủ thư viện Eratosthenes ở Ai Cập, anh đã đưa ra hai câu thơ của Hồ Xuân Hương để gợi hứng :

Giơ tay với thử trời cao thấp,

Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài

Những trang sách tả những chòm sao trong giải Ngân Hà cũng là những dòng lá thắm để tác giả thả trôi theo những câu thơ, từ những câu thơ bình dân được học từ thuở ấu thơ :

Buồn chông chênh chếch sao mai

Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ ?

cho đến những câu thơ cận đại như của Huyền Kiêu tiễn Nhất Linh sang Tàu làm cách mạng :

Hiu hắt trăng khuya lạnh bốn bề

Ý sầu lên vút tới sao Khuê

Tất cả những điều căn bản cần thiết về Thiên văn học, để biết về chuyển động của trái đất, của mặt trăng và các hành tinh, những độ lớn và những khoảng cách giữa các thiên thể, để hiểu thêm về sự phân chia bốn mùa và thời tiết có ảnh hưởng đến đời sống thực tế của loài người, và đi xa hơn nữa về thuyết tương đối của nhà bác học Einstein và những giả thuyết về nguồn gốc và về tương lai của vũ trụ, cũng rất cần thiết cho cuộc sống tâm linh của chúng ta, đã được tác giả phơi bày trên hơn một trăm trang sách. Lời trình bày giản dị, viết bởi một bác sĩ y khoa, yêu văn thơ, chắc chắn sẽ mang lại thích thú cho người đọc, nhất là khi những trang sách lại luôn luôn được tô điểm đó đây, như những nét chấm phá thủy mặc, bởi những câu thơ của các thi sĩ cổ kim danh tiếng. Những hình vẽ thích hợp cho các trương mục mà tác giả sưu tầm được trong các thư viện vùng Hoa Thịnh Đốn, nay được trình bày lại trên những trang sách cũng làm thêm vui mắt người đọc. Lấy một thí dụ, ngay ở một trong những trang đầu, khi kể lại rằng ngành Thiên văn đã xuất hiện rất sớm ở Trung Hoa, từ thời vua Nghiêu, tác giả đã trích lời ghi của Khổng Tử trong kinh Thư rằng vua Nghiêu đã sai hai họ Hi và họ Hòa quan sát sự chuyển vận của mặt trời, mặt trăng và tinh tú để tiên đoán cho dân biết về thời tiết và, cùng với lời trích dẫn, anh đã kèm theo tranh vẽ cảnh hai họ đang triều kiến để phụng mạng thiên tử.

Viết sách và trình bày một vấn đề khoa học như Thiên văn học như vậy, Hoàng Dung đã đưa hiểu biết lại cho đại chúng, theo đúng truyền thống Lạc Việt của các vị đại sư chúng ta khi xưa. Khi muốn quảng bá cho dân chúng biết rằng từ đời vua Nghiêu (2357-2256 trước công nguyên), vua đã sai hai họ Hi và Hòa làm lịch đặt ra tháng đủ, tháng thiếu, rồi có năm lại phải thêm tháng nhuận để cho ngày tháng năm, khi phân chia theo thời tiết và sự canh tác của người dân, phù hợp theo với sự chuyển động của mặt trăng và mặt trời, từ cửa miệng của những nhà nho thông thái đã đọc ra những câu phong dao thật bình dân :

Ai về trách họ Hi, Hòa

Nhuận năm sao chẳng nhuận vài trống canh

Câu phong dao được truyền miệng nhanh chóng và người dân quê ít đọc sách cũng biết công làm lịch đầu tiên của hai họ Hi và Hòa, cũng một phần nhờ ở câu hát nói đúng lên nỗi lòng của người thiếu phụ đương xuân những mong sao đêm dài thêm một vài canh để còn được nằm trong chăn ấm cùng chồng.

Tôi đã đọc cuốn Đi vào cõi vô cùng một cách thích thú và cùng với lời khen ngợi và chúc mừng thành công tới tác giả, tôi xin gửi lời giới thiệu thật nồng nhiệt cuốn sách tới độc giả.

Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

Nguồn : Hocxa.com, 20/06/2023

Mục lục

Đi vào cõi vô cùng

Lời giới thiệu  (Nguyễn Xuân Vinh)

Dẫn nhập : Đi vào cõi vô cùng

Chương I : Đại cương về thiên văn học và những định luật vật lý căn bản

Chương II : Những hành tinh trong thái dương hệ

Chương III : Những vì sao và những chòm sao quen thuộc

Chương IV : Thuyết tương đối không - thời gian bốn chiều của Einstein

Chương V : Vật lý lượng tử và ý nghĩa thiền học của vật chất

Chương VI : Chung cuộc những vì sao tiểu bạch, sao trung hòa tử và hố đen

Chương VII : Vấn đề di chuyển trong thời gian

Chương VIII : Nguồn gốc và tương lai vũ trụ

Ghi chú

Những trị số quan trọng

Những hạt điện tử đặc biệt

Sách tham khảo

Cảm tạ

*****************

Ý kiến bạn đọc

Một bạn đọc đã nhận xét "Đi vào cõi vô cùng" như sau :

Sách được trình bày theo một lối rất lạ, không biết trước nay đã có văn bản khoa học nào viết theo kiểu này chưa, nhưng đây là lần đầu em thấy. Mỗi vấn đề đều được liên tưởng với ý văn thơ nào đó. Không một ý tưởng hay nhân vật nào được nói đến mà không được dẫn nhập bằng vài ba câu thơ. Nhưng em thấy lối phân tích của Hoàng Dung để nói về khoa học nghe vui vui hay là... hơi ngây thơ (hihi), không biết có phải do mình bị dị ứng với mấy bài tập làm văn phân tích của cấp 2, 3 không nữa ? Như khi nói về Erasthotonos, người đã đo được bán kính Trái đất qua thí nghiệm dưới 1 cái giếng khô, Hoàng Dung viết :

"Yêu một đời. Nhớ một đời. Hận một đời. Nhưng vẫn cảm tạ trời cao đã dành cho một người để yêu, để hận và để nhớ vì nếu không, cuộc đời sẽ chỉ như một cái giếng khô.

Erasthotonos, sinh vào thế kỉ thứ 2 trước Tây lịch nên không có dịp coi bộ phim Hoàn Châu Cách Cách để biết câu văn trên của Quỳnh Dao, do đó ông đã không thấy cái giếng khô là vô vị…" :

Hay chỗ nói về hiệu ứng Doppler :

"Lâu lâu lúc còi rúc nghe rền rĩ

Hồn của người đi níu kẻ về

Nếu ông (Tế Hanh) để ý nghe kĩ, khi tàu lìa sân ga ra đi, tiếng tàu nghe êm ả rền rĩ hơn là lúc nó tiến gần sân ga. Nhưng lý do không phải như Tế Hanh nghĩ vì "hồn của người đi níu kẻ về" mà còi tàu đã rền rĩ hơn, chính là do tác dụng Doppler" Hoàng Dung đem tư duy lãng mạn để so sánh với 1 lý giải hoàn toàn khoa học nên... : dntknw : On another hand, (thông cảm, chỗ này em không biết dùng từ nào đơn giản mà thích hợp bằng từ này) nếu như Brian Greene trong cuốn Giai điệu dây minh họa cho các lập luận bằng những nhân vật : Geogre, Graice (ko bít nhớ đúng tên hong nữa) bình thường, không gây ấn tượng thì Hòang Dung lại cho Bùi Giáng mời bạn bè đi uống rượu, cho Tế Hanh ra ga xe lửa nhìn những chuyến tàu quay về..., nghe rất thơ, rất Việt Nam. Có đôi khi sự so sánh của ông cũng gây thú vị lắm. "Càng yêu thì càng hận. Yêu càng nhiều thì hận càng sâu". Điều đó có giống định luật 3 Newton không ? (1 lực tác dụng đều có 1 phản lực tương đương) hihi.

Nói đến đây, mọi người có lẽ đã nhận thấy cuốn sách này cũng rất thú vị. Tuy riêng em cảm thấy ở đây có khả nhiều sự so sánh, liên tưởng hơi khập khiễng nhưng "Đi vào cõi vô cùng" là cuốn sách nên đọc. Lý do, cuốn sách nhỏ nhưng lại đề cập đến 1 lượng lớn, rộng thông tin nên chúng chỉ được điểm qua, sơ lược, gây nhiều thắc mắc và kích thích sự tìm tòi sâu hơn : P. Cuốn sách có tính khái quát rất cao, phải nói bác sĩ Hoang Dung là 1 con người hiểu biết rất rộng từ cổ đến kim, từ đông sang tây, từ văn thơ đến khoa học.

"Đi vào cõi vô cùng", nói vậy dường như tác giả khẳng định vũ trụ là vô cùng ??? Nhưng nếu theo Lời bạt, LT cho rằng "nó không phải là cuốn sách giáo khoa, không phải là sách khoa học, cũng không phải sách khoa học giả tưởng" mà là "1 cuốn thơ về vũ trụ" thì ok".

(Trích lời blogger fresa_dulce trong "Đi vào cõi vô cùng", 05/09/2005)

*************************

Hoàng Dung - Cõi trời cõi ta và những gợi nhắc

Uyên Thao, hocxa.com, 20/06/2023

Cõi trời cõi ta là tác phẩm thứ tư của Hoàng Dung sau Chiến tranh Đông Dương 3, Đi vào cõi vô cùng Sau bức màn đỏ.

New view of the Pillars of Creation — visible

Tác phẩm Cõi trời cõi ta  kiến giải về nguyên do hình thành vũ trụ cách đây 15 tỷ năm mà thái dương hệ - dù gồm hàng tỷ mặt trời - vẫn chỉ là một thiên hà trong hàng trăm tỷ thiên hà cách xa nhau có khi tới vài triệu năm ánh sáng

Một thắc mắc có thể đã hiện ra về thế giới chữ nghĩa của tác giả. Bằng cách nào lại lưu tâm được tới diễn biến của những tinh cầu cao thẳm trong cõi vô cùng trong khi bị vây hãm giữa hàng loạt cảnh ngộ gắn liền với mặt đất ? Chiến tranh Đông Dương 3 mở đầu bằng các chi tiết lịch sử hận thù giữa hai dân tộc Miên – Việt để nhìn lại cuộc chiến được đặt tên là Chiến tranh Đông Dương 3. Trong khi đó, Sau bức màn đỏ chấm dứt bằng những dòng tâm sự :

"…Sau năm năm sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa, là một người bình thường, giờ đây tôi vẫn cảm thấy ghê sợ tác dụng của nó trên con người và quan hệ giữa con người. Tự nhận là thuộc giai cấp tiền phong, tiên tiến, được "giác ngộ", được "mặt trời chân lý chiếu qua tim", chế độ đã nhồi sọ đảng viên coi người khác như cỏ rác, và càng được lên cao, càng có thái độ duy ngã độc tôn.

Ngoài ra, nhân danh đạo đức cách mạng, nhân danh quyền lợi tối thượng của đảng, chế độ đã cho phép khai thác những khía cạnh đi ngược lại luân lý và phong hóa cũ, khiến con người nhiều khi bị ép buộc và khuyến khích gian dối, nịnh bợ, dòm ngó và làm hại lẫn nhau. Hãy đọc một đoạn trong bài Một nửa thế giới… trên báo Quân Đội Nhân Dân ngày 9/3/2007 ca tụng một người vợ : "Một chị là cơ sở cách mạng nuôi giấu ông (Lê Duẩn) trong phòng ngủ, bất chợt người chồng trở về và nổi cơn ghen khiến ông có nguy cơ bại lộ. Chị cơ sở báo động và xin chỉ thị có cần phải "khử" người chồng hay không.."..

Tôi đã lợm giọng khi đọc những hàng chữ viết về cái tình nghĩa vợ chồng tiến bộ đến mức đó, nhất là bài báo mới được viết hơn bốn tháng trước đây…".

Với tâm cảnh đó, làm sao tác giả có thể nghĩ đến trăng sao để viết nên Đi vào cõi vô cùng và xây dựng tác phẩm Cõi trời cõi ta bằng các kiến giải về nguyên do hình thành vũ trụ cách đây 15 tỷ năm mà thái dương hệ dù gồm hàng tỷ mặt trời vẫn chỉ là một thiên hà trong hàng trăm tỷ thiên hà cách xa nhau có khi tới vài triệu năm ánh sáng với tốc độ chỉ cần một phần 75 giây đồng hồ đã vượt qua 4000 cây số.

Các con số đã mở ra một không gian mà trí tưởng tượng của con người vô phương hình dung nổi về tầm vóc bao la. Nhưng Hoàng Dung không ngừng ở việc mô tả mức vô biên của vũ trụ mà đi sâu hơn tới các dẫn giải về nguyên nhân cùng cách thế hình thành sự sống từ khi bắt đầu có trái đất và các yếu tố đưa đến con người xuất hiện. 10 chương đầu Cõi trời cõi ta tập hợp nhiều luận điểm chủ yếu về nguồn gốc sự sống mà mỗi người có thể đều muốn tìm biết nhưng không phải ai cũng có cơ hội thu góp, tiếp nhận. Dù khó vượt giới hạn khái quát sơ lược, tác phẩm đã giúp mở một tầm nhìn tương đối về nhiều vấn đề liên quan mật thiết tới số phận con người.

Cho đến nay, về nguồn gốc muôn loài trong đó bao gồm cả loài người vẫn chỉ có hai thuyết được biết đến là thuyết Sáng tạo và thuyết Tiến hóa. Thuyết Sáng tạo coi muôn loài hiện hữu trên mặt đất đều do quyền năng của một đấng thiêng liêng, trong khi thuyết Tiến hóa dựa vào tiến trình tự tồn tự diễn từ một mầm sống thô sơ xuất hiện khoảng 4 tỷ năm trước. Cõi trời cõi ta kể về thuyết Tiến hóa với tiến trình tự tồn tự diễn khởi từ các chuỗi DNA hết sức đơn giản do sắp xếp của các nguyên tố chính gồm than (C), khinh khí (H), dưỡng khí (O), đạm khí (N), lưu huỳnh (S), lân tinh (P) là những nguyên tố tràn đầy khắp nơi khi có trái đất. Theo dòng thời gian hàng tỷ năm, những chuỗi DNA ngày càng biến hóa, trở nên phức tạp, nhưng căn bản cấu tạo luôn giữ đặc trưng bất biến gồm bốn loại bậc thang được các khoa học gia đặt tên là Adenine (A), Thymine (T), Guanine (G), Cytosin (C).

Thuyết Tiến hóa chứng minh suốt một tỷ năm đầu sau khi ra đời, trái đất nóng bỏng, sông biển chưa hình thành, những làn hơi độc kia không ngừng luân chuyển trong bầu khí quyển, tạo thành muôn ngàn phân tử hữu cơ liên tiếp hợp tan, tan hợp cho đến một ngày ngẫu nhiên phối kết thành những chuỗi DNA ngắn và đơn giản. Những chuỗi DNA đó tiếp diễn hàng trăm triệu năm dưới tác động của điều kiện khách quan phức biệt đã trải vô vàn phản ứng sinh hóa để cuối cùng tạo ra một chuỗi DNA có khả năng tự sao chép ra một chuỗi DNA giống hệt. Chuỗi DNA này trở thành mầm sống nguyên thủy vì có thể tự sao chép ra những chuỗi DNA tương tự. Từ đây sự sống xuất hiện vì đã có "sinh sản" và "truyền giống" thô sơ. Do quá trình sao chép khó tránh tác động ngoại cảnh cá biệt, đồng thời cũng do các trở ngại bất ngờ tự bản thân gây nên nhiều đột biến khiến từ chuỗi DNA nguyên thủy đã phát sinh vô vàn loài sinh vật khác nhau qua nhiều thời kỳ. Di tích khảo cổ có độ tuổi cao nhất được phát hiện tại Úc châu và Băng Đảo là một loài vi trùng sống cách đây chừng 3 tỷ 800 triệu năm. Dựa trên các di tích, giới khoa học phát giác sau khi xuất hiện, chuỗi DNA phát triển rất chậm suốt 4 tỷ năm đầu để biến thành các loài vi trùng, siêu vi trùng, rong, tảo …

Cách đây 550 triệu năm, chuỗi DNA đó khởi sự bộc phát tạo ra các loài sinh vật như sò, hến, tôm, cá... sống dưới biển. Kế tiếp, cách đây khoảng 400 triệu năm, các loài cây cối trên đất liền rồi các loài côn trùng xuất hiện cùng những sinh vật thuộc loài bò sát.

Khoảng 250 triệu năm trước, một biến cố nào đó đã tiêu diệt mọi loài sinh vật đang có mặt để sau đó nảy sinh các sinh vật mới như loài có xương sống, rồi loài có vú, chủ yếu là loài khủng long cùng cây cỏ, chim chóc. Thời kỳ này kéo dài gần 200 triệu năm thì một tai họa khác lại xảy ra tuyệt diệt loài khủng long cùng khoảng 80 phần trăm các loài sinh vật và cây cỏ.

Không lâu sau, sự sống tái bùng nở với sự xuất hiện nhiều loài vi trùng, cây cối, đặc biệt là nảy sinh các loài ngựa, khỉ, hầu, vượn… và cuối cùng là loài người có mặt cách đây khoảng 5 triệu năm.

Kết quả khảo sát của nhiều thế hệ khoa học gia cho thấy muôn loài từ cỏ cây, hoa lá, côn trùng, súc vật hay con người… đều cấu thành bằng những tế bào. Trong muôn loài, ngoại trừ vi trùng hay siêu vi thuộc loài đơn bào, tất cả đều thuộc loài đa bào tức có thể có từ hàng trăm đến hàng tỷ-tỷ... tế bào. Nhưng dù là đơn bào hay đa bào thì tế bào của muôn loài chỉ gồm 20 loại amino acids và trong nhân mỗi tế bào đều luôn có một chuỗi DNA. Công cuộc khảo sát và các thí nghiệm khoa học phát giác chính chuỗi DNA nằm trong nhân mỗi tế bào đã điều khiển quá trình sinh sản các tế bào và quyết định trách vụ của mỗi tế bào.

Từ đây, chuỗi DNA ngẫu nhiên hình thành 4 tỷ năm trước được coi là tổ tiên chung của muôn loài. Con người thuộc hàng cháu chắt sinh sau đẻ muộn xa thẳm của chuỗi DNA này, vì chỉ mới xuất hiện cách đây cỡ 5 triệu năm. Thực ra, việc ước định thời gian con người xuất hiện gần 5 triệu năm trước chưa hẳn chính xác. Bởi vào thời điểm đó, trái đất chỉ vừa xuất hiện loài sinh vật mà giới khoa học gọi là loài hầu nhân Australopithecus afarensis. Loài sinh vật này nảy sinh từ loài hầu do một sai sót đột biến nào đó trong quá trình sinh sản nên có bộ óc cỡ 600 phân khối và có thể đi đứng bằng hai chân.

Di tích hóa thạch của loài sinh vật này được tìm thấy tại Ethiopia là một bộ xương phái nữ khoảng 20 tuổi, sống cách đây chừng 3 triệu 500 ngàn năm và dấu chân của một đôi nam nữ đi trên một con đường lầy lội cách đây 3 triệu 600 ngàn năm ở Tanzania.

Khoảng 1 triệu năm sau đó, loài sinh vật này biết sử dụng hai tay thuần thục hơn, biết chế tạo các dụng cụ thô sơ nên được coi như con người sơ khai với tên gọi giống xảo nhân – homo habilis – người khéo tay.

Rồi giống xảo nhân vắng bóng và một thời gian sau là sự xuất hiện giống người sơ khai khác với tên gọi giống trực nhân – homo erectus – người đứng thẳng. Qua di tích tìm được, giống trực nhân có não bộ cỡ 900 phân khối, đứng thẳng bằng hai chân đã sống trên hầu khắp các lục địa gần 2 triệu năm và cũng biến mất như giống xảo nhân. Cách đây khoảng 200 ngàn năm, giống trí nhân – homo sapiens – người khôn ngoan xuất hiện với đặc trưng có não bộ 1500 phân khối và chính là tiền nhân của loài người hiện nay.

Truy tìm nguồn gốc từng giống người vẫn là một nan đề. Giới khoa học chỉ có thể dừng lại với xác quyết loài hầu nhân thuộc một chi nhánh trong phân nhánh sinh ra các loài động vật có vú cách đây 500 triệu năm. Thêm một xác quyết kế tiếp là từ loài hầu nhân đã nảy sinh giống xảo nhân cách đây gần 5 triệu năm.

Tới đây, mọi chuyện rơi vào cõi mịt mù khi cần giải đáp dứt khoát về nguồn gốc các giống người có mặt kế tiếp là trực nhân và trí nhân.

Các khoa học gia theo thuyết Tiến hóa Đa Phương từng cho rằng chính từ giống trực nhân đã sinh ra giống trí nhân do diễn trình tiến hóa dài hàng triệu năm khiến bộ óc từ 900 phân khối lớn dần lên thành 1500 phân khối. Nhưng hết thẩy di tích tìm thấy đều không giúp chứng minh lập luận này, bởi không có khối óc trung gian nào có độ lớn giữa hai cỡ 900 và 1500 phân khối ở thời kỳ chuyển tiếp hai giống người trên. Thuyết Tiến hóa Đa phương cuối cùng không được nhìn nhận và xuất hiện thuyết Ngoài cõi Phi châu cho rằng "6 tỷ con người hiện nay bất kể chủng tộc, màu da, đều là con cháu một phụ nữ Phi châu" sống cách đây chưa đầy 200 ngàn năm.

Thuyết Ngoài cõi Phi châu dựa trên nghiên cứu về hai chuỗi DNA đặc biệt luôn có trong mỗi tế bào của muôn loài.

Thứ nhất là chuỗi DNA phụ, rất ngắn, nằm ngoài nhân tế bào được gọi là mDNA chỉ di truyền từ mẹ qua các con và không liên quan tới người cha.

Thứ hai là chuỗi DNA trong nhân tế bào được gọi là nhiễm sắc thể Y chỉ truyền từ cha qua con trai với vai trò quyết định phái tính và không liên quan tới người mẹ.

Kết quả nghiên cứu đã cho biết diễn trình sinh hóa tạo thành các sinh vật khởi từ chuỗi DNA nguyên thủy có khả năng tự sao chép bằng cách một tế bào tự biến thành hai tế bào tương tự. Nhưng sự sao chép này không hoàn toàn tuyệt đối, vì có lúc xảy ra các sai sót bất ngờ do đột biến chủ quan hoặc do tác động khách quan. Chính các sai sót đã hình thành nhiều loài sinh vật khác nhau và giúp sự sống trường tồn khi một loài sinh vật bị tiêu diệt bởi không còn thích nghi với môi trường ngoại cảnh hoặc bởi một lý do nào đó.

Nói cụ thể thì các sai sót đột biến vì mọi lý do có thể khai sinh một dòng sinh vật mới hoàn toàn khác biệt với dòng sinh vật cũ. Suốt mấy tỷ năm, các sai sót đã giúp nảy sinh hàng triệu loài sinh vật, trong số có nhiều loài tồn tại và cũng có không ít loài bị tuyệt diệt. Các sai sót luôn mang tính di truyền nên liên tục lưu lại dấu vết nơi các thế hệ con cháu.

Trên thực tế, khi nghiên cứu chuỗi DNA đặc biệt mDNA, các khoa học gia đã thấy hết thẩy sai sót trong cấu trúc tế bào của con người trên trái đất hiện nay đều có dấu vết di truyền từ mDNA của một phụ nữ sống ở Phi châu khoảng 150 đến 200 ngàn năm trước.

Kết quả tương tự cũng được tìm ra khi các cuộc nghiên cứu về đoạn nhiễm sắc thể Y cho thấy các dấu vết sai sót của hết thẩy đều khởi từ nhiễm sắc thể Y của một nam nhân sống tại Phi châu khoảng 100 ngàn năm trước. Từ đây thuyết Ngoài cõi Phi châu hình thành với luận giải là khoảng 150 đến 200 ngàn năm trước, một sai sót đột biến trong giống trí nhân đã nảy sinh một người nữ còn lưu dấu mDNA đến nay, và khoảng 100 ngàn năm trước cũng do một sai sót đột biến khác từ giống trí nhân đã nẩy sinh một người nam có dấu vết di truyền tương tự về nhiễm sắc thể Y. Dù thời gian xuất hiện của hai người cách biệt khá xa nhưng việc gặp gỡ và phối kết giữa các thế hệ con cháu của họ không là điều khó hiểu.

Cùng thời với người nam và người nữ trên chắc chắn đã có nhiều người khác, nhưng hết thẩy con cháu của những người này đều không còn tồn tại vì các lý do nào đó. Cho nên, thuyết Ngoài cõi Phi châu kết luận tổ tiên của nhân loại hiện nay chỉ là người nữ và người nam đã có mặt và sống tại Phi châu vào hai thời điểm đã kể.

Thuyết Ngoài cõi Phi châu đã giải đáp về tổ tiên chung của 6 tỷ con người đang có mặt nhưng nghi vấn về thủy tổ của giống trí nhân vẫn còn nguyên vẹn cũng như lý do tuyệt diệt các hậu duệ giống trí nhân không thuộc dòng dõi của người nữ và người nam kể trên.

Như thế, loài người hiện nay chỉ mới có mặt khoảng trên dưới 100 ngàn năm và đều chung một nguồn cỗi Phi châu dù mang vóc dáng, sắc diện, màu da, màu tóc… nào. Mọi khác biệt chỉ do sai sót đột biến trong diễn trình sinh hóa và do yêu cầu thích nghi với các vùng đất mới sau khi thiên di khỏi nguyên quán Phi châu. Mọi khác biệt cũng không có ý nghĩa đáng kể khi kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ khác biệt trong DNA của những người khác màu da chỉ ở mức một phần ngàn. Ngoài ra, mức độ dân số hơn 6 tỷ hiện nay không hề quá đáng khi kết luận là con cháu của chỉ hai người trong khoảng thời gian dài 100 ngàn năm tức đã qua hơn 70 ngàn thế hệ tiếp nối.

Qua Cõi trời cõi ta, Hoàng Dung ghi lại những kiến giải đó về nguồn cỗi sự sống cùng sự xuất hiện của con người, nhưng không với chủ tâm nghiên cứu mà chỉ do thúc đẩy từ một nỗi ưu tư :

"…Nhiều loài người đã phát sinh, hiện hữu một thời, như loài xảo nhân chừng 100 ngàn năm, loài trực nhân hai triệu năm, loài Neanderthal ba trăm ngàn năm và tất cả đều đã bị diệt vong.

…Loài trí nhân chỉ mới tồn tại hơn 100 ngàn năm nhưng đã tiến một bước dài trong dòng tiến hóa. Họ hiểu biết nhiều về thiên nhiên, đã tận dụng khai thác thiên nhiên. Họ cũng đang tìm cách biến cải DNA để tác động trên sinh vật và sự sống. Đồng thời, họ cũng phát triển được một khả năng hủy diệt mỗi ngày một tàn khốc. Trái đất đã chứng kiến nhiều đổi thay, nhiều cảnh thương hải tang điền, nhiều loài sinh vật, nhiều loài người. Loài trí nhân chúng ta chỉ là một chặng ngắn trên con đường tiến hóa. Hy vọng trong tương lai xa vài chục ngàn năm sau, loài trí nhân sẽ có thể trở nên loài người "hạnh phúc".

Từ nỗi ưu tư về hướng đường hạnh phúc đã dấy lên nhu cầu nhìn lại cuộc sống con người là điều dễ hiểu. Và việc nhìn lại cuộc sống con người dẫn đến các giới hạn xa thẳm trong tiến trình hình thành và diễn hóa sự sống chỉ là đòi hỏi tự nhiên của nỗ lực tìm biết.

Nội dung 10 chương cuối của Cõi trời cõi ta khẳng định ý hướng này. Cũng từ đây, thắc mắc về thế giới chữ nghĩa Hoàng Dung đã tìm được lời giải qua nỗi xúc động khơi gợi từ nhiều thực cảnh trong đời sống Việt Nam.

hoanglong7

Loài người, có mặt cách đây khoảng 5 triệu năm, đã không ngừng tiến hóa theo thời gian.

Qua các tác phẩm đã hoàn thành hoặc chỉ với riêng Cõi trời cõi ta, Hoàng Dung thực ra không hề phân thân để sống trong hai thế giới cách biệt mà luôn chìm đắm giữa những dằn vặt bởi nhiều cảnh ngộ tang thương từ cuộc sống trước mắt. Việc mở rộng tầm nhìn tới nguồn cỗi sự sống, tới các vùng trời bao la, tới các đại họa thiên nhiên, tới các biến đổi khôn lường về lẽ sinh diệt… không nhắm vun bồi kiến thức mà chỉ biểu hiện con tim luôn bị kích động bởi các thảm cảnh oan khiên phần lớn do chính con người tự tạo cho bản thân và đồng loại trong khung cảnh vũ trụ vô thường :

"…Dù trái đất không bị thiên tai nào ghê gớm, số phận của nó cũng chỉ còn khoảng 4 tỷ năm nữa, vì sự sống trên trái đất cũng như ngay cả trái đất đều phụ thuộc mặt trời, mà mặt trời thì đã tiêu thụ gần nửa số lượng hydrogene trong các phản ứng nổ liên tục… Khi hết hydrogen, mặt trời sẽ phát động phản ứng nổ dữ dội cuối cùng. Vụ nổ kinh hoàng này sẽ tạo một vùng lửa bao trùm khắp Thái dương hệ, hỏa thiêu hết trái đất cùng những hành tinh anh em. Sau vụ nổ, mặt trời sẽ là vì sao chết — sao Tiểu bạch (White Dwarf) không phát ra ánh sáng, thi thể rất nhỏ, rất nặng — còn tro bụi của trái đất có lẽ sẽ là những hạt điện tử tụ thành một đám tinh vân nhỏ không đủ năng lượng và sức nóng để hồi sinh.

Số phận trái đất cũng là số phận con người".

Viễn ảnh diệt vong có thể còn đến sớm hơn qua bằng chứng suốt 5 triệu năm qua từng có nhiều loài sinh vật cũng như nhiều giống người chỉ tồn tại một thời gian ngắn cỡ vài trăm ngàn năm rồi đột nhiên biến mất. Thắc mắc hiện ra không còn là thắc mắc về thế giới chữ nghĩa của Hoàng Dung mà là thắc mắc về nguyên do dẫn đến vô vàn cảnh sống do con người đang phải đối diện, phải gánh chịu hàng ngày, hàng giờ. Lúc lần theo các luận giải về cái viễn ảnh diệt vong sẽ đến với toàn vũ trụ cũng là lúc vô phương ngăn chặn âm vang gợi nhắc về các tình huống do con người tạo dựng ngược hẳn với ước mong tìm về hạnh phúc của chính mình :

Chu Pao rét mướt hờn trong gió

Mỗi thước đường đi một xác người.

Do đâu lại có mâu thuẫn bi thảm đó, nhất là khi sự sống của vũ trụ đã được báo trước là hết sức mong manh ? Từ các trang sách của Hoàng Dung lúc này, mọi lý giải về tiến trình diễn hóa của cõi trời đều nhòa nhạt trước vô vàn hình ảnh quen thuộc với con người, đặc biệt là con người Việt Nam gần một thế kỷ na oà y.

Giữa vô vàn hình ảnh đó là hình ảnh một anh binh nhì chỉ nội 4 ngày phải lãnh 7 vết thương qua lời kể của người cố vấn Mỹ, đại úy Ripley :

"Anh ta cũng là một người lính bị thương vài hôm trước, hôm nay anh lại bị thương và đang dìu một bạn đồng đội đến chỗ an toàn. Chiều hôm đó, cả hai người cùng chết".

Anh binh nhì đó thuộc số người còn sống sót của một đơn vị Thủy quân lục chiến từ Đông Hà rút về Ái Tử vào mùa Hè 1972 sau bảy ngày bị vùi dập giữa mưa pháo bão đạn của kẻ địch có hoả lực mạnh gấp bội.

Đơn vị với quân số 700 khi về tới Ái Tử chỉ còn đúng 200. Nhưng trận đánh vẫn tiếp diễn và anh binh nhì kia đã ngã xuống cùng nhiều đồng đội khác trong hoạt cảnh chiến đấu được ghi lại như sau :

"Chưa đầy một giờ sau, một trung đoàn bộ binh địch cùng xe tăng T.54 và PT.76 xuất hiện. Khi đoàn xe tăng sửa soạn vượt cầu, đại úy Ripley, cố vấn tiểu đoàn kể lại : "Một Thủy quân lục chiến Việt Nam leo ra khỏi hố cá nhân, bò tới đầu cầu phía nam. Anh ta mang trên lưng hai cây súng chống chiến xa M.72 và kéo theo hai thùng đạn rỗng để làm khiên che đạn".

Đó là trung sĩ Lượm, trưởng toán chống xe tăng. Trung tá Turley cũng viết về cảnh đó :

"Cuộc đối đầu giữa một David Á châu và khối thép Goliah bắt đầu. Cảnh một Thủy quân lục chiến hơn bốn chục ký nằm ngay trên đường tiến của một xe tăng bốn chục tấn về phương diện nào đó là một điều điên cuồng. Nhưng về một phương diện khác, nó đã khơi động lòng quả cảm cho lực lượng phòng thủ mong manh. Ít có ai chứng kiến được một hành động thách đố hào hùng như vậy.

Trái đạn M.72 đầu tiên của trung sĩ Lượm bị hụt, trái thứ hai trúng vào pháo tháp, chỉ gây hư hại nhẹ. Nhưng chiếc xe tăng đã dừng lại, và có lẽ vì hoảng sợ, nó lùi ra… rồi cả đoàn xe tăng rút lui. Đợt tấn công như nước vỡ bờ của một lực lượng hơn một trung đoàn bị chận lại do hành động quả cảm của chỉ một cá nhân".

Trận đánh còn kéo dài nhiều ngày để đến phiên trung sĩ Lượm ngã xuống và đơn vị gồm 700 người cuối cùng chỉ còn 52 người, khi được chào đón tại Huế như trung tá Turley kể lại :

"Chỉ có 52 người đứng nhận sự chào đón, lòng biết ơn và sự kính phục của đồng đội. Ít có ai để ý đến lời khen ngợi của vị Tư lệnh Sư đoàn. Những người còn lại quá yếu hay bị thương quây quần với đồng đội. Họ đã phải ngăn những giọt lệ vừa mừng vui vừa sầu thảm. Đối với những người hiện diện, rõ ràng là họ đang nhớ tới 650 người khác. Năm mươi hai người lính đó nay là một tiểu đoàn ít người nhất nhưng cũng hãnh diện nhất…"

Không chỉ với Hoàng Dung mà có thể với mọi người đọc, cõi trời lúc này đã nhòa nhạt hẳn để thay thế bằng những xúc động có lẽ còn kéo dài mãi mãi :

"Đã mấy chục năm qua, sau mùa hè đỏ lửa, nhìn lại tấm hình của những người lính trẻ Thủy quân lục chiến, tôi không khỏi cảm thấy ngậm ngùi. Đó là những tinh hoa của miền Nam, suốt hơn mười năm bị đưa vào những trận đánh khốc liệt nhất, từng bị những tổn thất nặng nề, nhất là khi các cấp chỉ huy cao cấp đưa họ vào những cái bẫy hỏa lực chờ sẵn như ở Hạ Lào hay đẩy họ vào tuyệt địa như ở cửa Thuận An…

Nhưng lúc nào họ cũng luôn hăng say chiến đấu, luôn sẵn sàng hy sinh... Qua bao năm chinh chiến, nét mặt họ vẫn mang những nét vô tư của tuổi trẻ… Điều đó làm tôi kính trọng họ hơn".

Hoàng Dung định tính cho Cõi trời cõi ta là một tập sưu khảo khoa học và nhân văn. Tuy nhiên, sẽ không sai khi khẳng định tác phẩm là những trang tâm bút ghi lại nỗi lòng một lớp người phải nhận chịu thân phận chìm ngập giữa đau thương và cũng rạng ngời không ít nét tự hào, đặc biệt là với một tình cảm thiết tha luôn thao thức trong tim :

Buổi sáng xuất quân về hướng Bắc

Âm thầm sương sớm bóng quân ma.

Qua cầu sông Lũy nhìn quanh quất

Nước đỏ cầu đen chợt nhớ nhà.

Nguyễn Bắc Sơn

Đường ta đi một vòng trời Quảng Trị

Từ C1, C2, Cam Lộ, Gio Linh

Qua Mai Lộc, Làng Cùa về Ái Tử

Đường ta đi cơn lốc lớn đăng trình

………………………………………………

Đường ta đi mênh mang bát ngát

Chiều dừng quân câu vọng cổ xuống xề

Người lính trẻ dựa ba lô ôm súng

Nhìn hoàng hôn và chợt hát vu vơ

Tóc mây trắng ôm núi già bỗng tím

Giải Trường Sơn say nắng lịm hôn mê

Ta đứng lặng nghe giọng ca người lính

Hồn bỗng ngậm ngùi chợt nhớ thương quê

Nguyễn Lê Minh

Cảm giác nhớ thương bất ngờ chợt đến giữa những đoạn đường khói lửa không chỉ là cảm xúc của riêng người lính Nguyễn Bắc Sơn hay người lính Nguyễn Lê Minh. Vì một mái ấm gia đình, một mảnh đất quê hương đã nằm sẵn nơi trái tim hết thẩy con người từ khi mở mắt chào đời nên không thể không nhớ thương khi cách biệt và càng khó tránh trăn trở băn khoăn khi thấy mình phải chấp nhận triền miên đối mặt với tử thần để bảo toàn tình cảm đó.

Từ đây, quả không dễ dàng diễn tả mức đau xót trong cảm xúc nhớ thương khi hết thẩy phải đối diện với hình ảnh nơi trang cuối của Cõi trời cõi ta cũng là một trong vô số hình ảnh não nề kết thúc một đoạn đường của quê hương Việt Nam - hình ảnh đêm 30 tháng Tư qua ngày 1 tháng 5 năm 1975 tại Liên Đoàn 74 Quân Y. Dù mọi hình ảnh chỉ giới hạn trong không gian nhỏ hẹp của một bệnh viện địa phương tại thị xã Cần Thơ nhưng có thể gợi nhắc khá trọn vẹn về toàn bộ sự sống của hết thẩy con người Việt Nam sau những chặng đường ngập ngụa máu xương mở ra từ những ngày Tháng Tám 1945, gợi nhắc về tấn thảm kịch tương tàn phi lý, về những nỗ lực ngăn chống hoài công và về một viễn ảnh tương lai mù mịt bên cạnh những nỗi uất nghẹn khôn nguôi :

"…Khoảng 10 giờ đêm, đột nhiên bác sĩ Lai nhận được một cú điện thoại. Một người nào đó "ở phe bên kia" muốn nhờ bác sĩ Lai trung gian đưa đến gặp thiếu tướng Nam. Một bác sĩ khác ở Liên Đoàn, anh Tựu, tình nguyện lái xe Jeep đưa anh Lai đi. Chúng tôi ngồi lại Liên Đoàn đến khoảng 12 giờ đêm không thấy động tĩnh gì mới kéo nhau về ngủ. Không ai biết diễn tiến cuộc nói chuyện đêm 30 tháng Tư đó ra sao.

Tôi chỉ biết sáng hôm sau, ngày 1 tháng 5, vào Quân Y Viện, bác sĩ Tùng cho biết khoảng 4 giờ sáng, ông nhận được điện thoại, gọi sang bệnh viện Dân sự mổ cho anh Lai, bị trúng đạn ở bụng, còn anh Tựu bị bắn chết, xác bỏ ở một ngã tư đường. Chúng tôi chưa kịp hỏi về chi tiết cái chết của anh Tựu và trường hợp bị thương của anh Lai thì nhận được tin tướng Nam ra lệnh cho toàn thể Quân Đoàn 4 buông súng. Sau đó, có tin tướng Lê Văn Hưng tự bắn vào tim tự tử và khoảng một giờ sau, Quân Y Viện nhận được điện thoại của Quân Đoàn kêu đem xe Hồng Thập Tự đến đưa thi hài tướng Nam vào Quân Y Viện. Ông đã tự bắn vào đầu sau khi nói chuyện với gia đình tướng Hưng và họp các vị chỉ huy cao cấp trong Quân Đoàn. Cách đó hơn trăm cây số, ở Mỹ Tho, tướng Trần Văn Hai, tư lệnh Sư Đoàn 7, cũng uống thuốc độc tự tận.

Tin về cái chết của ba vị tướng cao cấp nhất Quân Đoàn khiến chúng tôi bàng hoàng đau xót.

Không ai bảo ai, binh lính cũng như sĩ quan, bệnh nhân cũng như nhân viên, chúng tôi tự động xếp hàng một, bước đến chào kính thi hài vị tướng tư lệnh Nguyễn Khoa Nam lần cuối.

Thi hài ông được đặt trên một băng ca trắng. Ông bận quân phục thẳng nếp, da ông ngăm đen, nét mặt thanh thản, một vệt máu nhỏ còn sót lại trên vết thương đầu. Chúng tôi lần lượt đứng nghiêm chào kính, nhiều người không cầm được nước mắt.

Bên ngoài, nắng ấm miền Nam vẫn vô tình.

Khoảng giữa trưa, một nhóm tiền phong của Cộng quân vào tiếp thu bệnh viện. Những người này không lon lá và quân phục luộm thuộm. Đứng đầu là một người khoảng hơn 30 tuổi, dáng gầy yếu. Có lẽ họ chỉ là cán bộ cấp thấp nên đã không phản ứng gì khi vị chỉ huy trưởng của tôi, bác sĩ Tùng quí phái như Tây, tập họp quân nhân dưới quyền đứng thành hàng ngũ chỉnh tề để giới thiệu "những người anh em bên kia". Sau đó, ông ra lệnh đứng nghiêm làm lễ hạ kỳ, rồi dõng dạc ra lệnh bắt đầu phút mặc niệm, thương tiếc "một vị anh hùng của chúng ta, thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, vừa mới tuẫn tiết".

Điều ngạc nhiên là "những người anh em bên kia" đứng yên lặng, không biết họ cũng mặc niệm hay là do bị bất ngờ nên không biết phản ứng ra sao… Sau khi hoàn tất công việc bàn giao, vị chỉ huy trưởng của tôi lo việc chôn cất tướng Nam. Hội Hồng Thập Tự Cần Thơ tặng hai cỗ quan tài cho tướng Nam và bác sĩ Tựu.

Chiều hôm đó, trời đổ mưa lớn.

Chúng tôi ở khu độc thân ngoài cổng Quân Y Viện đứng nhìn theo chiếc xe jeep Hồng Thập Tự chở thi hài tướng Nam tới nơi an nghỉ cuối cùng.

Cuộc sống của ông đơn độc, cái chết của ông cũng đơn độc, không một người thân đưa tiễn. Có lẽ trọn đời, gia đình của ông là quân đội, khi cái quân đội đó tan rã, ông cũng ra đi. Riêng bác sĩ Tùng, vì những hành động đã làm và vì câu trả lời khi bị chất vấn về tướng Nam — "Đời ông ấy để lịch sử xử" - đã bị lưu đày ra Bắc nhiều năm.

Hơn 30 năm đã qua, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh chiếc xe đưa xác nhạt nhòa trong mưa chiều, cùng một hình ảnh khác, cái hình ảnh thương tâm của tất cả thương bệnh binh quân đội Cộng Hòa bị đuổi ra khỏi Quân Y Viện vào sáng hôm sau.

Nhớ lại những khuôn mặt hom hem, những tấm thân què cụt mà băng bó còn loang máu đỏ dìu dắt nhau rời Quân Y Viện trong nhục nhằn khiến tôi luôn thấy trạnh lòng …".

*

Một gợi nhắc cũng là một thắc mắc khó tránh hiện ra khi gấp cuốn sách lại : "Bao giờ con người mới thức tỉnh về lẽ diễn hóa vô thường của vũ trụ để ngưng lao vào các nẻo đường u tối hầu giữ vẹn bầu không khí trong lành cho cuộc sống cực kỳ ngắn ngủi mong manh ? " Câu trả lời có thể còn nằm mãi trong chờ đợi và trước mắt tôi bỗng đột nhiên vươn lên hình ảnh tấm thân hóa đá của người chinh phụ vọng phu qua lời thơ Tô Thùy Yên:

Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng

Chờ anh như biển vẫn chờ sông.

Virginia July 01, 2011

Uyên Thao

Nguồn : hocxa.com, 26/06/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trịnh Bình An, Nguyễn Xuân Vinh, Uyên Thao
Read 619 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)