Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

23/12/2023

Giêsu : Nhà cải cách xã hội

Tạ Dzu

Hàng năm vào dịp cuối năm, người Kitô hữu đón mừng sự kiện Chúa Giêsu giáng trần, mặc lấy thân xác con người để chuộc tội nhân loại, tội tổ tông đã lưu truyền từ Adam - thủy tổ loài người theo dân Do Thái - lúc còn ở địa đàng đã ăn phải trái cấm của Thiên Chúa do Eve dụ dỗ.

jesus01

Hàng năm vào dịp cuối năm, người Kitô hữu đón mừng sự kiện Chúa Giêsu giáng trần

Nhưng người ta chỉ đón mừng sự kiện Chúa Giáng sinh dưới lăng kính tín ngưỡng, ít người để ý đến tính nhân bản của Giêsu và xem ngài như một nhà cải cách xã hội.

Theo Phúc âm, bà Maria, dù có phu quân là Giuse, nhưng do quyền năng của Chúa Thánh thần, vẫn đồng trinh lúc hạ sinh Giêsu trong máng cỏ nơi hang Bêlem. Phúc âm kể rằng khi Chúa Giêsu giáng thế, các mục đồng được thiên thần báo tin đã đến thờ lạy ngài. Từ phương đông, ba vị đạo sĩ thông thái cũng theo sự dẫn dắt của vì sao lạ đến chiêm bái ngài.

Giêsu là người sáng lập Kitô giáo, giữ luật Môisê (Moses), nhà truyền giáo, chữa bệnh bằng phép mầu và thường bất đồng với giáo quyền Do Thái. Cuối đời, ngài bị đóng đinh trên thập giá theo phán quyết của chính quyền La Mã chịu ảnh hưởng bởi giáo quyền Do Thái.

Thời Giêsu sinh sống, xã hội Do Thái đang gặp bế tắc cả về văn hóa và chính trị.

Về văn hóa, họ trăn trở với nền triết học và các giá trị của văn minh Hy Lạp khi đối chiếu với kinh Torah, bao gồm ngũ thư đầu tiên trong kinh thánh Hebrew (Cựu ước) - sách Sáng thế, sách Xuất hành, sách Lêvi, sách Dân số và sách Đệ Nhị luật - tường thuật về công trình sáng tạo vạn vật của Thiên Chúa, về đất nước Samaria (Do Thái thời đó), về luật lệ (quá nặng nề nghiêm khắc và không còn hợp thời đối với Giêsu), và cuộc vượt thoát của dân Do Thái ra khỏi Ai Cập.

Về chính trị, năm 63 trước Công nguyên, Do Thái bị cai trị bởi đế quốc La Mã. Năm 40 trước Công nguyên, Hêrôđê đại đế (Herod the great) được phong vương, cai trị xứ Do Thái (vùng Trung Đông) tới năm thứ 4 trước Công nguyên. Chúa Giêsu sinh vào năm thứ 7 trước Công nguyên.

jesus02

Sơ đồ lãnh thổ Do Thái cai quản bởi Herod the Great

Xã hội Do Thái thời ấy chia thành nhiều giai cấp :

- Giới tư tế bao gồm các tư tế và các thầy Lêvi, phục vụ và bảo vệ đền thờ, đứng đầu là một vị thượng tế được coi như thủ lãnh của dân. Mỗi năm một lần, chỉ vị này được vào nơi cực thánh dâng lễ xá tội cho dân.

- Giới kỳ mục gồm các phú ông và các vị niên trưởng.

- Giới kinh sư hay ký lục, là các luật sĩ thông thạo (lề luật) Kinh Thánh, đa số thuộc nhóm Pharisiêu (Pharisee), chuyên cần suy niệm Kinh Thánh và tỉ mỉ tuân giữ mọi luật lệ.

- Phần còn lại là dân chúng bao gồm nông dân, thợ thủ công, tiểu thương và những người làm thuê.

Ba giới trên là giáo quyền Do Thái, quyền lực đối nghịch nhau, tranh giành ảnh huởng lẫn nhau, thường huênh hoang hách dịch và xa rời dân chúng. Ngoài ra còn có các nhóm như Samari (Samaria) pha trộn với dân ngoại đạo ; nhóm Sađốc (Sadducee) gồm đa số tư tế và kỳ mục tại Jerusalem, rất bảo thủ và tôn trọng ngũ thư hơn các sách thánh khác ; nhóm Hêrôđê, không phải là nhóm tôn giáo nhưng ủng hộ Hêrôđê. Sau này nhóm Pharisiêu liên kết với nhóm Hêrôđê chống Chúa Giêsu.

Sinh ra trong bối cảnh nhiễu nhương như vậy nên thanh niên Giêsu mong muốn thay đổi xã hội qua lời giảng của ngài.

jesus03

Giêsu phải mặc lấy thân phận con người, vui buồn cùng nhân sinh, chọn con người làm tiền đề trong các bài giảng cải tạo xã hội.

Muốn thực hiện cuộc cách mạng đó, Giêsu phải mặc lấy thân phận con người, vui buồn cùng nhân sinh, chọn con người làm tiền đề trong các bài giảng cải tạo xã hội. Mặc dù sống giữa một xã hội với niềm tin tuyệt đối vào quyền lực thần linh bên ngoài con người, cho rằng lịch sử được định đoạt bởi Thiên Chúa toàn năng, phải tuân giữ luật lệ tôn giáo và sử dụng nội dung tín ngưỡng để giảng dậy, nhưng với ý thức nhân bản, Giêsu vẫn xưng mình là Con người (the Son of man – con của loài người), như tường thuật của môn đồ Matthêu, "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con người không có chỗ tựa đầu" (Mt 8:20). Danh xưng này khẳng định Giêsu là con người trọn vẹn, muốn cải tổ xã hội bằng đường lối, cách thức của loài người. Nói khác đi, đó là đường lối nhân đạo.

Nhân đạo - đời sống, lối sống người - chính là lực đẩy làm lịch sử chuyển động.

Tự thân xã hội đã mang tính đa nguyên, nhiều thành phần, nhiều giai tầng. Ý thức nhân đạo giúp con người nhận định rằng cần phải tạo cơ hội bình đẳng cho mọi giai tầng, xã hội mới tiến bộ và lịch sử mới hướng thượng. Ý tưởng dành đặc quyền đặc lợi cho một giai tầng nào đó, hay giai cấp này triệt tiêu giai cấp khác chỉ là bệnh thái xã hội, gây ra hỗn loạn và tụt hậu, chưa phải lối sống người, còn mang đậm tính chất bầy đàn động vật mạnh được yếu thua.

Giêsu giáng sinh làm người là để thực hiện thánh ý Chúa Cha. Ý Cha cũng được coi là ý Trời. Theo triết lý Đông phương, người lãnh đạo chăn dắt dân thì phải làm theo ý trời. Làm thế nào để biết được ý trời ? Ý trời chính là ý dân. Giêsu coi mình là người chăn dắt đàn chiên của Chúa, tức phải thực hiện ý chí của đa số đáy tầng dân chúng chứ không phải chiều theo ý muốn của thiểu số ăn trên ngồi trốc Pharisiêu thuộc giáo quyền Do Thái, nhóm người bị Giêsu phê phán là bọn chuộng hình thức, đạo đức giả, nói điều nhân nghĩa mà lòng dạ xảo trá, tuân giữ những điều luật cứng ngắc và đôi khi vô nhân đạo.

Ngài thường sử dụng các phương pháp linh hoạt như phép nghịch lý, phép ẩn dụ và truyện dụ ngôn để giảng dạy.

Ẩn dụ (metaphor) là phép dùng sự vật hay sự việc này để mô tả sự vật hay sự việc khác.

Dụ ngôn là những câu chuyện gần gũi với cuộc sống, đơn giản và dễ nhớ. Với người Kitô hữu, dụ ngôn là phần quan trọng trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Dụ ngôn là chất liệu tạo nên các thuật ngữ thời đại, làm cho các câu chuyện của ngài nằm trong số những chuyện nổi tiếng nhất thế giới.

Một trong những dụ ngôn nổi tiếng là chuyện Người Samari nhân hậu, được Luca ghi lại như sau :

Khi ấy, có một luật gia đứng lên hỏi Giêsu để thử Người rằng : "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?" Người đáp : "Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?" Ông ấy thưa : "Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình". Giêsu bảo ông ta : "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống". Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Giêsu rằng : "Nhưng ai là người thân cận của tôi ?" Giêsu đáp : "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy, trông thấy người này, ông tránh qua bên kia đường mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri đi đường, tới ngang chỗ người ấy. Khi thấy, và chạnh lòng thương, ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, khi lên đường, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém bao nhiêu thì khi trở lại tôi sẽ hoàn lại bác". Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ? "Người thông luật trả lời : Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Giêsu bảo ông ta : "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy".

jesus04

Một trong những dụ ngôn nổi tiếng là chuyện Người Samari nhân hậu

Thời ấy, đối với người Do Thái là những người đang nghe Giêsu giảng dụ ngôn này, thì người dân ít ỏi xứ Samari là những kẻ ngoại đạo, bị đố kỵ và khinh miệt, gần như sắp tuyệt chủng, nên không còn mấy ai tiếp xúc hoặc nghe nói về họ. Thế nhưng khi gặp kẻ hoạn nạn bị cướp, họ sẵn sàng ra tay hào hiệp. Còn các thầy tư tế và Lêvi Do Thái, được xã hội coi là đạo cao đức trọng, có nhiệm vụ chăm sóc và giúp đỡ kẻ cô thế, thì vội lảng tránh nạn nhân. Có thể các thầy này nghĩ rằng nếu đưa tay giúp đỡ nạn nhân ngoại giáo, thân thể sẽ bị ô uế và phải thực hiện nghi lễ thanh tẩy theo luật Môsê. Họ thà giữ thân thể thanh tịnh theo quy định của lề luật Cựu Ước hơn là cứu một mạng người. Chúa Giêsu đã cho họ bài học nhân bản rằng, đã là con người, thì dù người đó ngoại đạo hay không, có chung mầu da tiếng nói hay không, không thể khinh rẻ hay phân biệt đối xử. Theo quan niệm ngày nay, không được phân biệt chủng tộc.

Một dụ ngôn khác cũng khá nổi tiếng, đó là chuyện Người đàn bà ngoại tình, được Gioan (7, 53-8, 11) thuật lại rằng :

Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pharisiêu dẫn đến trước mặt Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người : "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?" Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi". Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói : "Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?" Người đàn bà đáp : "Thưa ông, không có ai cả". Giêsu nói : "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !"

jesus05

Một dụ ngôn khác cũng khá nổi tiếng, đó là chuyện Người đàn bà ngoại tình

Khi Giêsu nói : "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi", ngài muốn mọi người hãy nhìn lại mình, xét đoán mình trước khi kết án người khác. Hơn nữa, xét đoán người khác thuộc thẩm quyền của Chúa, của Trời.

Ý dân tức ý trời. Có thể nhận định sâu hơn : Giêsu gợi ý rằng chỉ trí tuệ tập thể của dân chúng trong các định chế pháp luật mới có thể tạo ra luật pháp nghiêm minh, công bằng và hợp lý. Ném đá đến chết một người đàn bà ngoại tình theo lề luật cũ đã không còn hợp lý dưới nhãn quan Giêsu. Tính nhân bản của ngài không chỉ áp dụng cho những người công chính và vô tội, mà cả với những kẻ tội phạm. Họ cần được giáo dục để trở về đường ngay nẻo chính, trở về với xã hội chứ không phải cứ phạm tội là chỉ việc bỏ tù. Trong trường hợp này là ném đá đến chết. Đó là hành động trả thù của xã hội chứ không phải tình người mang tính nhân bản. Bài học này cần thiết cho môn Tội Phạm Học ngày nay.

Còn một điểm quan trọng khác. Dụ ngôn Người đàn bà ngoại tình chỉ nói đến việc xét đoán và kết tội đàn bà ngoại tình. Vậy còn đàn ông ngoại tình thì sao ? Không thấy nói đến. Không nói đến không có nghĩa không rút ra được bài học : Không được phân biệt đối xử nam nữ.

Chúa Giêsu thường dùng ẩn dụ trong các cuộc thuyết giảng. Khi ngài nói "không ai đến được với Cha mà không qua Thầy", hàm ý rằng không ai nắm được mệnh trời, nắm được lòng dân mà không thực hiện những điều giảng dậy đầy tính nhân bản của ngài. Hoặc khi nói "…Con người sẽ bị nộp cho các thầy tế lễ cả cùng các thầy thông giáo ; họ sẽ định ngài phải bị tử hình và giao ngài cho dân ngoại. Người ta sẽ nhạo báng ngài, nhổ trên ngài, đánh đập ngài mà giết đi ; sau ba ngày, ngài sẽ sống lại", nhằm nói rằng những lời giảng dậy hợp với suy tư và lối sống mới của thời đại sắp tới sẽ không được người đời, nhất là giới giáo quyền Do Thái chấp nhận. Nhưng sau ba ngày, ba năm, ba chục năm, ba trăm năm… sẽ sống lại và tồn tại với thời gian và nhân loại. Đây không phải là một lời tiên đoán, nhưng Giêsu thấy được hướng tiến của nhân đạo, của đời sống người. Đã là người thì phải thế. Sống cho ra người thì phải thế. "Hãy yêu thương kẻ thù như chính mình", cũng mang tính nhân bản : Dù là người da trắng, đỏ, vàng hay đen, hãy thương nhau trong tình đồng loại, không được phân biệt đối xử. Rất nhiều dụ ngôn khác mang ý nghĩa tương tự như thế.

Đó chính là nhân đạo. Đạo làm người.

jesus06

Jesus chia sẻ buổi ăn cuối cùng trước khi bị hành hình -Tranh La Cène của họa sĩ Philippe de Champaigne, Lyon, 1648

Hai ngàn năm trước mà Giêsu đã có những tư tưởng như trên, theo ngôn ngữ hiện đại, quả là quá "cấp tiến", đi trước thời đại và đầy tính nhân bản trong một xã hội luôn phải nghiêm cẩn tuân giữ lề luật Cựu Ước. Có vậy lời của ngài mới sống mãi cùng thế gian.

Chúa Giêsu chỉ làm được công cuộc cải tạo xã hội, định hướng lịch sử đi đúng với nhân đạo khi đã là người, thực hành đạo sống người giữa dòng đời oan khiên nghiệt ngã. Mà lịch sử của nhân đạo theo đúng thánh ý Cha (ý trời – ý dân) cũng là lịch sử của thiên đạo.

Khi tập họp nhóm 12 tông đồ lại, Giêsu sai các ông đi rao giảng nước trời và chữa lành bệnh nhân. Ngài nói : "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo". Giêsu muốn các môn đồ giảng đạo và sống như dân, sống với dân, hoà vào đời sống người dân. Ngài đâu muốn môn đồ phân chia đẳng cấp hay thiết lập tông quyền chính trị như sau này. Vì thế, "Chúa là tối cao của lý tưởng, của tự do, bác ái và bình đẳng. Chúa là thực thể của lý tưởng đó và đòi phải đấu tranh…" ([1]).

Ngài đích thực là một nhà cải cách xã hội.

Tạ Dzu

(23/12/2023)

Ghi chú :

(1) Lý Đông A, ‘Câu Rút’, Thắng Nghĩa Lý Đông A, 2020, truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2023, tr. 23.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tạ Dzu
Read 822 times
More in this category: « Việt (oan) Thảm luận »

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)