Sinh viên một trường đại học ở Hà Nội làm lễ tốt nghiệp ở Văn Miếu Quốc Tử Giám hôm 18/11/2014.
Những kiến trúc, di sản văn hóa quý giá của quốc gia có tuổi thọ lâu năm không thoát khỏi bị tàn phá bào mòn bởi thời gian, vì vậy nhu cầu phục dựng, bảo tồn hay tôn tạo, gìn giữ là công tác không thể thiếu cho bất cứ quốc gia nào.
Bảo quản phi khoa học
Việt Nam cũng nằm trong trường hợp ấy và mọi việc làm dính tới các công trình kiến trúc lâu đời luôn được giới chuyên gia và người dân theo dõi sát sao vì nỗi sợ di sản bị tàn phá hay diện mạo bị biến dạng do cung cách bảo tồn không hợp lý.
Sự việc mới nhất xảy ra đối với Văn Miếu Quốc Tử giám Hà Nội đã khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng, đó là Ban quản lý Văn Miếu vừa cho quét vôi lại một số lớn tường của Văn Miếu khiến những bức tường đậm dấu ấn thời gian biến mất, thay vào đó là một màu xám trắng vô hồn, lạnh ngắt đập vào mắt người dân Thủ Đô đã khiến dư luận xôn xao phản ứng.
Đã đành Văn Miếu cần phải gìn giữ và bảo quản nhưng biện pháp bảo quản không phù hợp sẽ khiến giá trị tinh thần của nó biến mất, thay vào đó là một kiến trúc song song với thời đại khiến khuôn mặt rêu phong cổ kính đầy vết tích lịch sử biến mất và người ta đã vô tình tàn phá di sản một cách thô bạo do duy ý chí, thiếu khả năng chuyên môn khi muốn trùng tu một di tích văn hóa lâu đời.
Những kinh nghiệm bảo tồn di sản của thế giới không được áp dụng một cách triệt để tại Việt Nam là nguyên nhân khiến cho hàng loạt di sản kiến trúc vùi dưới những vật liệu đương thời gây hiệu ứng ngược với mắt nhìn cũng như cảm giác của người quan tâm tới di sản văn hóa dân tộc.
Đối với Văn Miếu Quốc Tử giám Hà Nội ngoài giá trị nội tại của một thời khoa bảng, nó còn được xem như linh hồn của Thủ Đô. Cùng với Chùa Một Cột, Đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, Ô Quan Chưởng hay Chùa Trấn Quốc tạo thành một quần thể văn hóa dựa vào nhau kể lại những diễn biến, thăng trầm bao đời của lịch sử dân tộc.
Văn Miếu Quốc Tử giám có thể nói dẫn đầu trong các di tích văn hóa ấy và nằm tại một vị trí trung tâm khiến nó mang thêm trọng trách giới thiệu với khách quốc tế một điểm đến văn hóa chứ không còn là du lịch cảnh quan. Từ sự quan trọng này mọi tân tạo, bảo tồn phải làm trong tinh thần khoa học với kỹ thuật được chấp nhận cấp nhà nước và không thể tự tiện "tiết giảm" theo tư duy nhà nông của người trách nhiệm.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Viện trưởng Viện Văn hóa Di sản cho biết ý kiến của ông về việc quét vôi lên tường của Văn Miếu Quốc Tử giám :
Quốc tử giám có từ cả ngàn năm nay rồi chúng ta không nên làm mới nó mà phải giữ tính lịch sử của nó. Cái rêu phong mà nó có là hồn của dân tộc. Tất nhiên bây giờ về kỹ thuật thì có nhiều cách người ta làm, người ta sửa sang nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính của nó. Tôi nhớ cách đây hơn 10 năm về việc Tháp Rùa. Khi ấy nhìn vào Tháp Rùa người ta không khỏi sững sờ khi nó làm mới, sơn phết lại. Sửa sang là cần nhưng sửa sang như thế nào mới là quan trọng. Bây giờ có phương án đưa ra phết màu trắng rồi có khuynh hướng phết màu vàng thì cái đó chỉ là tiểu tiết thôi, vì kỹ thuật hiện nay cho phép chúng ta có thể làm mới nó lại nhưng nó vẫn giữ được cái sắc thái, cái hồn cốt của nó theo kiểu truyền thống như vậy nó tốt hơn.
Nói chung hiện nay đọc trên báo thì mọi người đều nghĩ theo hướng như thế. Còn nói chuyện sơn màu gì thì anh mặc cái áo mới cho nó thì từ một di sản rất lâu năm bây giờ thành di sản mới thì thất bại thôi.
Phải gìn giữ nét văn hóa cổ
Hoàng tử Anh, William tham quan cây cầu gỗ cũ trong khu phố cổ Hà Nội hôm 16/11/2016. AFP photo
Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện, một nhà văn hóa cổ nhìn vấn đề với nhãn quan nghiêm khắc hơn bởi ông là người song hành với từng di tích văn hóa, thở cùng chúng và buồn lòng khi mỗi di tích bị xâm hại hay tàn phá :
Văn miếu là một di tích quan trọng vào bậc nhất của thành phố Hà Nội bởi vì nó liên quan đến văn hiến của Thăng Long cũng là văn hiến của đất nước. Mặc dù trải qua các bể dâu, tang thương lúc lên lúc xuống, lúc thăng lúc trầm nhưng Văn Miếu lúc nào cũng nằm trong tâm tưởng và trong văn hóa của người Thăng Long Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung. Vì vậy cho nên nó nhạy cảm lắm và tôi cho rằng người ta có thể quét vôi vào giữa năm hay vào mùa hè mùa thu gì đó nhưng quét vôi vào sát ngày Tết Nguyên đán như thế này. . . và quét vôi thì tức là che lên không thể nào rêu phong như cũ nữa, mà người Việt Nam khi nhìn thấy rêu phong thì hoài cổ vì vậy việc quét nước vôi nó đã tước đi tâm thái hoài cổ thì người ta ngỡ ngàng là phải.
Bên cạnh việc bảo quản phi khoa học, Văn Miếu Quốc Tử giám đang gồng mình chịu đựng một dự án khác mà khi thực hiện nó sẽ giống như một ngôi nhà tạm, hay một ga tàu nhỏ bé chứ không còn là Văn Miếu nữa bởi lúc ấy hàng trăm ngàn người qua lại mỗi ngày trên các con tàu điện ầm ĩ chạy ngang. Di sản văn hóa thành phố Hà Nội sắp chứng kiến một cuộc dời đổi đau đớn khi con đường Metro từ Nhổn chạy xuyên qua trái tim thủ đô thành hình.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện chia sẻ :
Tôi được đọc 166 trang báo cáo của Ban Quản lý dự án Metro Hà Nội tức là từ Nhổn vào đến tận ga Hà Nội. Dự án này đi qua bao nhiêu là đền chùa đình miếu và quan trọng bậc nhất là nó tiến sát Văn Miếu và cách Văn Miếu có 15 -16 mét. Điều này vô cùng quan trọng và tôi đã chất vấn ông trưởng ban quản lý của dự án này thì ông ấy đã báo cáo trước mặt Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân và các đại diện ngân hàng ADB tức là Ngân hàng Phát triển Châu Á rằng ở đấy có một cái hộc sâu đến 20-30 mét và nó chỉ cách Văn Miếu có 15 mét thôi. Vì vậy đây là một việc rất nghiêm trọng.
Chúng ta biết Văn Miếu ngày xưa là một cái gò đất nằm giữa một cái hồ phía nam Thăng Long. Vào thế kỷ 20 những tấm ảnh do người Pháp chụp được thì Văn Miều nằm giữa một đường nước lớn lắm rất mênh mông thế nhưng do dân cư ở nhiều nên dần dần lấp hết và gì vậy ở đấy có một cốt nước rất lớn. Nếu đào thì sẽ ảnh hưởng, tác động đến cái diện mạo địa chất của Văn Miếu. Cũng như tàu điện nó cứ chạy suốt ngày rầm rập thì ảnh hưởng đến cái không khí của Văn Miếu.
Còn đâu di sản nếu không biết bảo tồn
Chùa Pháp Bảo trong khu phố cổ Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới năm 1999. AFP photo
Phúc lợi công cộng dễ dàng thuyết phục thành phố hơn là bảo vệ di sản văn hóa. Những nước phát triển sẽ không bao giờ chấp nhận sự đánh đổi này nhưng với các nước đang phát triển như Việt Nam thì chọn lựa một dự án kinh tế giúp cho hàng triệu người di chuyển và bài toán kẹt xe vẫn hấp dẫn hơn một di sản dù có cổ kính và lâu năm đến mức nào đi nữa. Để minh họa cho thái độ của nhân sĩ Bắc Hà trước cơn sóng cuốn trôi di sản Văn hóa của đất nước. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện kể lại một câu chuyện từ thời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như sau :
Tôi được biết câu chuyện thế này đó là ngày xưa Phó Thủ tướng Lê Xuân Nghị đã từng ký một quyết định dời Văn Miếu đi lấy đất đấy làm nhà máy xe đạp Thống Nhất. Khi được biết việc này một nhà nho khăn xếp áo the guốc mộc tới Văn phòng Thủ tướng để gặp ông Phạm Văn Đồng và nói với ông Phạm Văn Đồng là Thủ tướng lúc bấy giờ là ngài hãy ký ngay văn bản thu hồi quyết định của ông Phó Thủ tướng nếu không thì tôi sẽ đập đầu chết ngay trước mặt ông ở đây và bây giờ luôn. Ông Đồng sau đó phải xem lại bản quyết định ấy và ra quyết định hủy bỏ cái quyết định của Phó Thủ tướng Lê Xuân Nghị.
Thời nào cũng có những vị bô lão có tấm lòng như trong câu chuyện vừa được kể, tuy nhiên không phải thời nào cũng có người cầm quyền cao nhất biết lắng nghe khi chung quanh quá nhiều cố vấn mải mê để vật chất và phát triển che mất tinh thần mà người xưa xem trọng : nhân văn, minh triết.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Nguồn : RFA tiếng Việt, 15/01/2017