Một vấn đề văn hóa và lịch sử hay để dư luận không quan tâm đến những xáo trộn trong nội bộ Đảng cộng sản ?
Xét 'công-tội' của Petrus Trương Vĩnh Ký - dựa trên tiêu chuẩn 'địch-ta' ?
Winston Phan Đào Nguyên, RFA, 16/02/2024
Sự kiện Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) rút hình ảnh Petrus Trương Vĩnh Ký khỏi chương trình Xuân sau khi một số trang mạng buộc tội ông "bán nước" làm dấy lên tranh luận về nhân vật lịch sử này. Luật sư Winston Phan Đào Nguyên gửi đến BBC News tiếng Việt bài viết chia sẻ quan điểm.
Tượng Petrus Trương Vĩnh Ký tại trung tâm Sài Gòn vào năm 1971 và đã bị di dời sau biến cố 30/4/1975
Nói đến nhân vật lịch sử Petrus Trương Vĩnh Ký, thế nào cũng sẽ có người nhắc đến "công" và "tội" của ông. Đã có không biết bao nhiêu tác giả, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn, chính trị gia… hăng say nói đến chủ đề này, một khi cái tên Trương Vĩnh Ký, hay Petrus Ký, được nhắc đến.
Điều này có lẽ bắt nguồn từ một bài thơ được cho là do Petrus Ký làm, vì nó được tìm thấy trong những giấy tờ nghiên cứu của ông. Trong đó hai câu chót là hai câu được biết đến nhiều nhất :
"Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai"
Petrus Ký là một tín đồ Công giáo và đây là hai câu thơ có ý nghĩa nặng về mặt tôn giáo, để nhắc cho người đời biết rằng vị thẩm phán sau cùng về "công" và "tội" phải là một đấng tối cao, tức là Thiên chúa của ông.
Thế nhưng, như đã nói, lại có quá nhiều người tự cho mình cái quyền xét xử "công" và tội" của Petrus Ký !
Mặc dù họ chưa bao giờ đọc được một tác phẩm nào của ông, một nghiên cứu nào của ông, để biết được ông là người như thế nào, ý tưởng của ông ra sao.
Mặc dù họ không đủ chữ nghĩa để đọc những gì ông viết bằng tiếng Pháp, bằng tiếng La tinh, nhưng họ lại sẵn sàng trích dẫn những gì ông viết bằng những câu dịch ra chữ quốc ngữ sai lạc và đầy ác ý để kết "tội phản quốc" cho Petrus Ký.
Và đó là những người đang quản lý truyền thông tại Việt Nam hiện nay.
Nhưng đó là những người muốn kết "tội" cho Petrus Ký, những người muốn bôi nhọ thanh danh ông đã đành - còn những người muốn kể "công" cho Petrus Ký, thật tình cũng hại ông không kém.
Bởi vì những người muốn bênh vực Petrus Ký đã cố tình đem cái "công" của ông ra để hy vọng bù đắp lại cái "tội theo Pháp" của Petrus Ký.
Do đó, họ đã đánh lạc hướng dư luận bằng cách nói rằng chỉ nên nhìn về Petrus Ký như một "danh nhân văn hóa" mà thôi, chứ đừng nhìn về mặt chính trị.
Mà như vậy thì họ đã mặc nhiên nhìn nhận là Petrus Ký có "tội" phản quốc, cho nên họ không dám nhìn về con người "chính trị" của Petrus Ký.
Do đó, ngoài việc gọi Petrus Ký là "danh nhân văn hóa", họ cũng còn ráng vớt vát gọi ông là người "yêu nước" "phi truyền thống" (Bằng Giang). Theo đó, yêu nước "truyền thống" là phải phân chia rõ rệt "địch" và "ta".
Hoặc họ bênh vực Petrus Ký bằng cách cố tình đánh đồng ông với nhân vật Từ Thứ trong Tam Quốc diễn nghĩa, rằng ông là người ở Tào mà lòng ở Hán.
Kể hết như vậy, để thấy rằng cái nhìn "công và tội" gần như hoàn toàn dựa trên tiêu chuẩn "địch và ta". Và vì Petrus Ký là một người làm việc cho chính phủ thuộc địa Pháp, cho nên ông phải thuộc diện "địch", và do đó, phải có "tội", vì đã theo "địch".
Nhưng cũng với cái nhìn đó, ông có "công" vì đã là người tiên phong trong việc phát triển chữ Quốc ngữ, ngành báo chí, ngành dân tộc học… Nghĩa là ông có công với "ta", với người Việt.
Tượng Petrus Trương Vĩnh Ký ở gần Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đã bị di dời sau ngày 30/4/1975
Nhưng hỡi ơi, đó là cái nhìn của thời đại ngày nay, không phải của thế kỷ 19 của Petrus Ký. Bởi vì "địch và ta" của thời gian đó chưa hề bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc, một chủ nghĩa mới được du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 mà thôi.
Và cái cách nhìn "địch và ta" qua lăng kính "Pháp và Việt" thì đơn thuần là cách nhìn theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tối giản.
Bởi vào thế kỷ 19, hay chính xác hơn vào thập niên 1860, khi Pháp bắt đầu xâm chiếm Nam Kỳ, thì "ta" ở đây là ai ? Là triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Tự Đức. Là một chế độ quân chủ chuyên chính, trong đó người dân chỉ là con sâu cái kiến, còn đất đai là tài sản của nhà vua. Và triều đình này đã tàn sát hàng ngàn giáo dân Ki tô giáo chỉ vì họ không chịu bỏ đạo, chứ không phải vì tội lỗi gì khác.
Đó không phải là một chính thể được toàn dân bầu ra, là một đại diện cho "dân tộc" Việt. Đó chỉ là một chính thể quân quyền được xây dựng trên vũ lực và cai trị bằng vũ lực. Họ chỉ "ta" ở chỗ họ là người nói tiếng Việt.
Vì vậy cho nên khi Petrus Ký vừa chân ướt chân ráo trở về quê nhà ở Vĩnh Long thì đã bị triều đình nhà Nguyễn truy lùng để bắt giam. Nghĩa là "ta" ở đây, tức triều đình nhà Nguyễn, đã coi ông ta là một tội phạm ngay từ đầu. Nghĩa là "ta" đã không và chưa bao giờ chấp nhận cho Petrus Ký đứng trong hàng ngũ của họ cả. Mà ngược lại, "ta" đang truy sát Petrus Ký.
Vậy thì Petrus Ký có bao giờ là "ta" đâu mà gọi là phản quốc ? Vậy thì Petrus Ký có bao giờ có một sự lựa chọn nào ?
Trong khi đó, "địch", tức Người Pháp, lại là những người cứu Petrus Ký khỏi sự truy lùng vô cớ của nhà Nguyễn. Lại mời ông làm thầy dạy cho họ ngôn ngữ và văn hóa Việt. "Địch" Pháp chưa bao giờ đối xử tàn ác với ông ta như triều đình nhà Nguyễn đã từng làm.
Tượng Petrus Trương Vĩnh Ký vốn được đặt ở công viên trước Dinh Độc Lập (sau này gọi là Công viên 30/4). Sau biến cố 30/4/1975, tượng đã bị di dời khỏi công viên ở trung tâm thành phố, rồi sau đó đưa về Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Ghi chú trên chân tượng nhấn mạnh đây là một tác phẩm nghệ thuật trưng bày hơn là một tượng đài công cộng. Ảnh chụp tháng 12/2022.
Cần nói rõ, "địch" ở đây, tức đội quân xâm lược Pháp, đương nhiên là "địch" của "ta", tức triều đình Huế, chứ không phải là "địch" của người dân Nam Kỳ. Bởi họ tranh giành đất đai với triều đình nhà Nguyễn, chứ họ không đàn áp hay tàn sát người dân như triều đình "phong kiến thối nát" kia.
Nhưng đương nhiên họ cũng không phải là "ta", vì họ đặt quyền lợi của nước Pháp và người Pháp lên trên hết.
Như vậy, sự định nghĩa đơn giản "địch và ta" tức "Pháp và Việt" như trên, trong cách học lịch sử tại Việt Nam đương thời, là hoàn toàn không phù hợp với thực trạng của thế kỷ 19 ở Nam Kỳ. Không có "ta", cũng không có "địch", giữa hai thế lực tranh giành quyền lợi chính trị lẫn nhau. Người dân Việt chỉ là những con cờ mà thôi.
Thế nhưng ảnh hưởng của cái nhìn qua lăng kính chủ nghĩa dân tộc cực đoan như trên đã làm cho không biết bao nhiêu thế hệ người Việt chỉ có một cái nhìn một chiều, và dẫn tới việc đánh giá "công và tội" của các nhân vật lịch sử như Petrus Ký như trên.
Nghĩa là từ người muốn kết án cho đến người muốn bênh vực đều hăm hở xách bàn cân ra đòi đo lường "công và tội" của Petrus Ký, và đều chỉ dựa trên tiêu chuẩn "địch và ta".
Nhưng Petrus Ký lại không có cái nhìn đơn giản giữa "địch và ta" như vậy. Mà ông nhìn thấy "ta" là những người dân Việt lạc hậu, cần học hỏi ở "bạn" là những người Pháp văn minh. Muốn được như vậy thì cần phải đẩy mạnh sự học hỏi. Và sự học hỏi bắt đầu là ở chữ viết Quốc ngữ !
Và đó là nhiệm vụ ông đã tự gánh vác cho cả cuộc đời : làm thầy dạy cho người Việt, là phát huy sự học qua công cụ chữ Quốc ngữ.
Cũng vì lý do đó mà người Nam Kỳ, từ thế hệ này qua thế hệ khác, đều yêu mến ông.
Cũng vì vậy mà ông đã chép hai câu thơ trong di cảo, để nhắn nhủ hậu thế rằng chuyện "công với tội" là để cho một vị thẩm phán tối cao có đủ hiểu biết và thẩm quyền để phán xét.
Còn nếu không đủ khả năng và chỉ dựa vào cách phân loại "địch và ta" thì xin đừng !
Luật sư Winston Phan Đào Nguyên
Nguồn : BBC, 16/02/2024
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Winston Phan Đào Nguyên, một luật sư sống tại California, Mỹ. Ông là tác giả các bài báo về Petrus Trương Vĩnh Ký : Minh oan cho Petrus Ký về câu, 'Ở với họ mà không theo họ' và Petrus Key và Petrus Ký – Chuyện một lá thư mạo danh Trương Vĩnh Ký vào Thế kỷ 19. Ông cũng là tác giả
**************************
Trương Vĩnh Ký có đáng bị miệt thị đến thế không ?
Hiền Vương, VNTB, 16/02/2024
Nhiều đĩa phương chọn đặt tên trường là Trương Vĩnh Ký, hay Pétrus Ký. Vậy thì các trường này phải chăng đã tôn vinh sai lầm một học giả trí thức trong thời cuộc lịch sử như nhận định của trang fanpages "Tôi Yêu Công An Nhân Dân Việt Nam" ?
Với tựa đề bài viết : "Người ta đang làm cái gì với lịch sử của đất nước tôi ?" (*), trang fanpage "Tôi Yêu Công An Nhân Dân Việt Nam" hôm mùng 5 Tết đã phê phán nặng nề chương trình "Tạp chí Xuân : Năm Rồng trên đất Chín Rồng" phát trên sóng VTV Cần Thơ dịp Tết vừa qua.
Fanpage nhắc lại rằng : "Pétrus Trương Vĩnh Ký là một nhân vật gây tranh cãi vô cùng. Mới mấy hôm trước thôi, chính VTV cũng đã "âm thầm" xóa đi chương trình VTV Khát vọng non sông nói riêng về Petrus Trương Vĩnh Ký – một chương trình nói về những con người yêu nước, những sự kiện lịch sử dân tộc… Nhưng xem như, những thế "tẩy trắng" cho Trương Vĩnh Ký là quá lớn, những âm mưu rõ ràng là có ý đồ, như muốn len lỏi bào chữa cho những con người phản bội lại lợi ích quốc gia, dân tộc.
Fanpage cho rằng một điều xúc phạm lịch sử khác nữa là VTV đã đặt Trương Vĩnh Ký cùng với Bác Vật Lang – hay còn gọi là cụ Lưu Văn Lang, một người cũng du học Pháp, làm quan cho Pháp, nhưng thẳng thắn phê phán Pháp, từ chối làm cho chính quyền thuộc địa, ủng hộ Cụ Hồ, kêu gọi thống nhất đất nước, liên hệ với Trung ương Cục miền Nam để làm việc… Cùng là làm cho Pháp, cũng phát triển chữ Quốc ngữ, nhưng cụ không bán nước. Vậy mà giờ đây, VTV lại đặt cụ chung với một người viết thư cho Pháp, mong muốn Pháp xâm lược Việt Nam (…).
Trong phần tiểu sử của Trương Vĩnh Ký ở các trường học mang tên ông, viết – trích : "Những người chỉ trích Pétrus Trương Vĩnh Ký đã quên rằng : Triều đình Huế cần Pétrus Ký trong việc bang giao với người Pháp, thì tiên sinh hiển nhiên phải "đi với Tây". Họ đã quên rằng nhà chánh trị Pétrus Ký đã dứt khoát chủ trương : "Đi với họ mà không lệ thuộc họ". Họ đã quên rằng Trương Vĩnh Ký là một người suốt đời sống khiêm tốn và thanh liêm, một người tài cao đức rộng, thừa sức để tạo cho mình một địa vị cao sang, mà suốt đời không bao giờ mưu cầu danh lợi.
Trái lại, tiên sinh luôn luôn mặc quốc phục với áo dài khăn đóng đoan trang, trong khi tiếp xúc với người Pháp trong nước cũng như ngoài nước, để giữ thể diện và tạo uy tín cho quốc gia.
Họ đã quên rằng có những học trò ở Trường Thông ngôn nhờ biết tiếng Pháp mà được bổ nhiệm đến chức Tri Huyện, Tri Phủ, trong lúc nhà bác học lỗi lạc Pétrus Ký, Giám đốc của Trường Thông ngôn này, thì sống cuộc đời đạm bạc của một thiện tri thức.
Họ đã quên rằng có nhiều nhân vật quan trọng người Pháp vì khâm phục tài đức của Trương Vĩnh Ký nên đã khuyến khích tiên sinh "vô dân Tây" (nhập quốc tịch Pháp), nhưng tiên sinh đã dứt khoát từ chối, trong lúc biết bao nhiêu người khác tìm đủ cách mà vô dân Tây để hưởng nhiều lợi lộc. Họ đã quên rằng, tuy Pétrus Trương Vĩnh Ký là một người Thiên Chúa ngoan đạo, đã lánh nạn cấm đạo từ lúc lên 11 tuổi (đi học ở chủng viện tại Nam Vang) mà vẫn cộng tác đắc lực với người cấm đạo (triều đình Huế), và dành hết thì giờ, vận dụng hết khả năng để phục vụ dân tộc trong lúc "Quốc phá Gia vong".
Họ đã quên những gì cần phải nhớ và họ cố tình quên như vậy để rồi, đứng ngoài vòng đau khổ của dân tộc, trong cuộc chiến tranh bi đát, họ nghênh ngang chỉ trích. Tệ hơn nữa, có kẻ không cần quên, không cần nhớ, chỉ đứng ngoài vòng đạo lý mà bóp méo lịch sử, mà xuyên tạc sự thật và cho rằng tiên sinh Pétrus Ký đã làm tình báo cho giặc Pháp.
Nhờ có những cơ hội xuất ngoại, nhà chánh trị Trương Vĩnh Ký đã thấy rõ cái tân tiến của khoa học và kỹ thuật Tây phương, nên đã tìm mọi cách thuyết phục triều đình Huế nhằm cải thiện đời sống của nhân dân (…)".
…Thiết nghĩ với một nhân vật lịch sử mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã "cấp phép" dùng làm tên gọi cho hệ thống cả 3 bậc tiều học – trung học cơ sở – trung học phổ thông, thì cần hết sức thận trọng khi tùy nghi chỉ trích, phê phán về cái gọi là "ngụy" của nhân vật lịch sử này ở fanpage "Tôi Yêu Công An Nhân Dân Việt Nam".
Hiền Vương
Nguồn : VNTB, 16/02/2024
Tham khảo :
(*)https://www.facebook.com/100072615153013/posts/412271014536734/
****************************
Xóa các video về Trương Vĩnh Ký, VTV làm đúng hay sai ?
RFA, 16/02/2024
Trong tuần đầu tháng 2 năm 2024, Đài truyền hình Quốc gia Việt Nam (VTV) đã xóa hai tập phim về Tuổi thơ của Trương Vĩnh Ký, thuộc loạt hoạt hình ‘Khát vọng non sông’, mà không có lời giải thích nào trên website của mình. Trương Vĩnh Ký là một học giả nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ thứ 19, người viết nhiều tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, dịch thuật...
Photo courtesy of vanviet.info
Đừng đổ thừa "dư luận trên mạng"
Lên tiếng về việc này, ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 16/2/2024 khẳng định rằng :
"Xóa bỏ video về ông là không hay, bởi vì không phải những người làm việc cho Tây là không yêu nước. Tức là ở đây có kiểu người ta muốn một là mày đứng bên tao, hai là mày đứng bên địch, cái đó không đúng. Có những người họ không theo bên nào cả, người ta lấy quyền lợi dân tộc làm trên hết. Họ có thể nương cái này, nương cái kia... miễn là đem lại lợi ích cho dân tộc là tốt rồi, mình phải hiểu như thế. Tôi chỉ nói nhân vật Trương Vĩnh Ký là một người có công với đất nước".
Nguyên nhân VTV rút hai tập phim về ông Trương Vĩnh Ký được báo Nhà nước loan là do trên mạng xã hội có nhiều phản ứng, cho rằng ông Trương Vĩnh Ký là ‘tên đại Việt gian’.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Thân nói :
"Không đúng, ổng làm sao là việt gian được. Thứ hai, ở trên mạng thì lắm chuyện kiểu như Nguyễn Đắc Xuân lên án ông Alexandre de Rhodes vì vấn đề chữ Quốc Ngữ. Trong khi ngay chính Nguyễn Đắc Xuân bây giờ cũng viết bằng chữ Quốc Ngữ. Chẳng lẽ vì vậy mà đi dẹp những gì liên quan đến ông Alexandre de Rhodes à, đâu có được. Bây giờ cuối cùng cũng không ai nghe họ, và người ta vẫn thờ ông Alexandre de Rhodes. Cho nên đừng đổ thừa cho dư luận trên mạng, dư luận trên mạng là ai, bao nhiêu người nói như vậy. Không được dùng chữ ‘dư luận trên mạng’, chẳng lẽ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam lãnh đạo đất nước này theo dư luận trên mạng ?"
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một chuyên gia giáo dục Việt Nam, nguyên là giảng viên đại học Liège - Bỉ, cũng không đồng tình với luận điệu cho rằng ông Trương Vĩnh Ký là ‘tên đại Việt gian’, Giáo sư Hưng nêu dẫn chứng :
"Vừa rồi một người đã tìm được trong ngân khố ở Paris, có một bản báo cáo của cảnh sát Pháp về hành vi của Trương Vĩnh Ký thời trước, nói rõ Trương Vĩnh Ký là một người rất nguy hiểm, là một người có tinh thần yêu nước và luôn luôn đòi hỏi, mong mỏi nước Việt Nam được độc lập. Thành ra những luận điểm sai lầm về Trương Vĩnh Ký nên sớm nghiên cứu lại để phục hồi sự thật về Ngài Trương Vĩnh Ký. Để sự tôn vinh Ngài Trương Vĩnh Ký được bình thường trở lại, đặc biệt nên đặt lại tên trường Petrus Trương Vĩnh Ký, một trường trung học danh giá ở Sài Gòn, phục hồi lại cái tên của người xứng đáng hơn hết, đó chính là Ngài Trương Vĩnh Ký".
Qua sự việc này, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ thêm về nhà văn hóa, ngôn ngữ học Trương Vĩnh Ký, theo quan điểm của ông với RFA hôm 16/2 :
"Quan điểm của tôi về việc này cũng giống quan điểm của tôi về chữ Quốc Ngữ mà tôi là một người cổ võ và tôn vinh. Ngài Trương Vĩnh Ký là một nhà ngôn ngữ học Việt Nam thâm sâu và được sự ngưỡng mộ của nhiều người. Ngài Trương Vĩnh Ký là người có công phổ biến chữ Quốc Ngữ hồi thế kỷ thứ 19. Ngài là người sáng lập và là Tổng Biên tập tờ báo đầu tiên về chữ Quốc Ngữ là tờ Gia Định Báo... cho nên vấn đề công đức của Ngài Trương Vĩnh Ký là một chuyện không thể chối cãi".
Ông Lê Thân, cũng góp thêm ý kiến rằng :
"Ông Trương Vĩnh Ký là một nhà giáo, một người yêu nước, nhưng ông sinh ra trong một thời đại như thế và chính người dân Việt Nam rất mang ơn ông, cho nên mới có tên trường Petrus Ký. Nếu nói rộng ra thì cả dân tộc Việt Nam mang ơn ông".
Việt Nam không nên né tránh việc "luận công hay tội"
Một tuần sau khi VTV xóa hai video về ông Trương Vĩnh Kỳ trong phát sóng loạt phim ‘Khát vọng non sông’, Kênh VTV Cần Thơ cũng có động thái tương tự khi xóa tên ông Trương Vĩnh Ký khỏi số Tạp chí Xuân ‘Năm rồng trên đất chín rồng’.
Cụ thể, trong phóng sự dài khoảng 55 phút về vùng đất Tây Nam Bộ với những ‘địa linh nhân kiệt’... VTV Cần Thơ đã lần lượt chiếu hình ảnh các nhân vật lịch sử như Bác Vật Lang, Trần Văn Khê, Nguyễn Đình Chiểu, Lương Định Của, Cao Văn Lầu, Lưu Hữu Phước, Trương Định, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng... và Trương Vĩnh Ký. Tuy nhiên sau đó, những gì liên quan đến ông Trương Vĩnh Ký đều bị xóa bỏ trong phóng sự này. Video này trên kênh YouTube của VTV Cần Thơ cũng bị gỡ bỏ.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhận định với RFA hôm 16/2/2024 về việc làm trên của VTV :
"Công và tội của các nhân vật lịch sử được đánh giá như thế nào với việc VTV rút hay không rút tên Cụ Trương Vĩnh Ký là hai chuyện khác nhau. Với chuyện trước, họ làm được gì cho nước cho dân. Với chuyện sau, các quyết định về chính trị hiểu theo nghĩa có gây tranh cãi gì hay không ? Hai năm trước đây, Ban Tuyên giáo Trung ương ra công văn đề ngày 5/1/2022 do Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ký nêu rõ : ‘Cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa làm sáng tỏ được những vấn đề liên quan đến hai nhân vật Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký đối với lịch sử Việt Nam và quy định những nhân vật còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử, chưa đặt tên đường phố hoặc công trình công cộng..".
Với tình hình đó, theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, việc VTV rút tên cụ Trương Vĩnh Ký là điều dễ hiểu. Ông Dũng nói tiếp :
"Còn nhớ đầu tháng 1 năm 2017, cuốn Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ do Nhà Nghiên cứu lão thành nổi tiếng Nguyễn Đình Đầu chủ biên, bị lệnh miệng thu hồi. Lẽ ra Ban Tuyên giáo Trung ương phải có những động thái thúc đẩy công việc nghiên cứu về các nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng để giải quyết điểm tắc trong chính sách về các nhân vật ấy. Nhưng, trên thực tế, chính Ban Tuyên giáo lại cản trở công việc này. Chỉ vì họ sợ hãi một không khí học thuật sôi nổi tranh luận về công, về tội trước lịch sử ! Không cứ gì Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, những người sống cách ta hàng trăm năm rất là nhiều. Ngay thời hiện đại cũng có nhiều nhân vật không dễ gì đạt được sự đồng thuận thực sự trong học giới về công hay tội trước lịch sử".
Nhìn nhận đây là vấn đề nhạy cảm, nhưng theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, tránh né sự đánh giá về công hay tội trước lịch sử không phải là cách giải quyết vấn đề. Ông Dũng cho rằng :
"Trước hay sau, ngay trong sách giáo khoa cho trẻ con học, cũng có những đánh giá thể hiện sự công bằng lịch sử. Vô phương chạy trốn !"
Sách ‘Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ’ của tác giả, học giả Nguyễn Đình Đầu đã được Cục Xuất Bản chấp thuận và cấp phép lưu chiểu từ cuối năm 2016. Tuy nhiên đến ngày 4/1/2017, một "lệnh miệng" được ban xuống yêu cầu hủy bỏ buổi ra mắt sách.
Theo trang truongvinhky.edu.vn, ông Trương Vĩnh Ký là danh nhân văn hóa của dân tộc. Tên khai sinh : Trương Chánh Ký, sau đổi là Trương Vĩnh Ký, tự là Sĩ Tải, tên thánh : Jean Baptiste Pétrus. Quê ở làng Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).
Từ lúc mới 22 tuổi (năm 1859) ông Trương Vĩnh Ký đã có thể sử dụng thông thạo 15 ngôn ngữ phương Tây và 11 ngôn ngữ phương Đông. Năm 1860, ông nhận lời làm phiên dịch cho Pháp. Năm 1863, ông là thành viên của phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp. Sau khi về nước, ông hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và báo chí. Năm 1866, làm hiệu trưởng trường đào tạo thông dịch viên ở Sài Gòn. Năm 1869 làm chủ nhiệm Gia Định báo. Những năm cuối đời, ông chuyên tâm dạy học và viết sách. Ông mất năm 1898.
Nguồn : RFA, 16/02/2024
******************************
VTV rút tên Petrus Trương Vĩnh Ký khỏi chương trình Xuân
BBC, 15/02/2024
Kênh VTV Cần Thơ vừa có động thái xóa tên nhà văn hóa, ngôn ngữ học Petrus Trương Vĩnh Ký khỏi số Tạp chí Xuân "Năm rồng trên đất chín rồng".
Nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký vẫn là nhân vật nhạy cảm đối với chính quyền Việt Nam hiện tại
Cụ thể, trong phóng sự dài khoảng 55 phút, VTV Cần Thơ có đoạn đầu giới thiệu về vùng đất Tây Nam Bộ với những "địa linh nhân kiệt" và nhà đài đã lần lượt chiếu hình ảnh các nhân vật lịch sử như Bác Vật Lang, Trần Văn Khê, Nguyễn Đình Chiểu, Lương Định Của, Cao Văn Lầu, Lưu Hữu Phước, Trương Định, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng và Trương Vĩnh Ký.
Đi đôi với những hình ảnh này là lời bình : "Trải qua bao thăng trầm biến động, vượt lên bao mất mát hy sinh, vùng đất địa linh nhân kiệt luôn tự hào với những con người luôn sống mãi trong lịch sử dân tộc".
Điều đáng nói, chân dung và tên tuổi của nhà văn hóa Petrus Ký ở phút thứ 4 :28 đã bị nhà đài đục bỏ, đè lên bằng hình nền cùng màu. Video này trên YouTube của VTV Cần Thơ cũng đã bị gỡ bỏ.
Hình chân dung nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký đã bị xóa (bên phải) trong video "Năm rồng trên đất chín rồng" của VTV Cần Thơ
Trước đó, trang Facebook Tifosi với khoảng 250.000 lượt theo dõi đã chỉ trích đài VTV, cho rằng ban biên tập VTV đặt Pétrus Trương Vĩnh Ký cùng với những "anh hùng, nhà cách mạng, nhà tư tưởng và yêu nước lớn của dân tộc" nói trên "là một sự xúc phạm to lớn".
Trang này còn cho rằng VTV đã cố gắng "tẩy trắng" cho Trương Vĩnh Ký, gọi đây là "những âm mưu rõ ràng là có ý đồ, như muốn len lỏi bào chữa cho những con người phản bội lại lợi ích quốc gia, dân tộc".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định với BBC ngày 15/2 rằng VTV quyết định rút tên cụ Trương Vĩnh Ký ra khỏi chương trình là "chính trị", để tránh gây tranh cãi trong dư luận.
Quan điểm chính trị khác biệt
Đây không phải lần đầu mà những chương trình, sự kiện liên quan đến nhân vật Petrus Trương Vĩnh Ký bị "thổi còi".
Hồi tháng 1/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ra chỉ thị cho các địa phương từ tỉnh đến thành phố không được dùng tên của hai nhân vật Trương Vĩnh Ký và Phan Thanh Giản để đặt cho đường phố hoặc các công trình công cộng.
Lý do được nêu là vì đây là những nhân vật "còn có những ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ về mặt lịch sử".
Định nghĩa của Ban Tuyên giáo đối với danh nhân phải là người "nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như địa phương…".
Vào tháng 1/2017, cuốn sách "Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ" do nhà nghiên cứu nổi tiếng Nguyễn Đình Đầu chủ biên đã bị thu hồi khỏi các hiệu sách và bị cấm phát hành ở Việt Nam. Buổi ra mắt sách đã bị hủy theo "một chỉ thị miệng" và báo chí được cảnh báo không đưa tin về cuốn sách này.
Đài VTV1 từng có chuyên mục Khát vọng non sông, trong đó có đoạn phim hoạt hình ngắn "Tuổi thơ Trương Vĩnh Ký". Hiện video này đã bị gỡ bỏ trên website của VTV.
Tập nói về nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký của chương trình Khát vọng non sông đã bị gỡ khỏi website của VTV
Là người có tên trong nhóm cố vấn của chương trình Khát vọng non sông, ông Dương Trung Quốc nói với BBC rằng chương trình khi đưa ra xã hội lúc nào cũng sẽ có thử thách, có những ý kiến khác nhau.
"Vì khát vọng chung là mong muốn cho đất nước phát triển nhưng có những người cho đó là con đường đi ngược lại với lợi ích quốc gia. Tôi cho là nên tôn trọng lẫn nhau và nhà nước có vai trò cân nhắc làm sao đừng tạo ra những xung đột trong nhận thức xã hội".
Còn Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng nói với BBC rằng, trong bối cảnh những sự kiện nói trên, việc VTV rút tên cụ Trương Vĩnh Ký là điều dễ hiểu, ông lý giải :
"Chỉ vì họ sợ hãi một không khí học thuật sôi nổi tranh luận về công-tội trước lịch sử ! Không cứ gì Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, những người sống cách ta hàng trăm năm mà cả những nhân vật ngay thời hiện đại cũng không dễ gì đạt được sự đồng thuận thực sự trong học giới về công-tội trước lịch sử", ông Dũng nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc bình luận với BBC rằng, việc đánh giá một con người trong giai đoạn lịch sử của họ là "không đơn giản", nhất là ở Việt Nam, một đất nước trải qua nhiều biến cố.
"Đặc biệt là thời hiện đại và cận đại để lại nhiều dấu ấn mà đòi hỏi một sự nhạy cảm hết sức để đánh giá. Tôi là người làm công tác lịch sử, làm báo, tổ chức các hội thảo thì có thể đo đếm được tính nhạy cảm ấy.
"Ví dụ cụ Trương Vĩnh Ký, nếu nói đến đóng góp của cụ đối với văn hóa, báo chí thì cụ có vị trí rất quan trọng, để lại nhiều công trình nghiên cứu, di sản rất quý giá. Nhưng đối với người Việt Nam, điều quan trọng là quan điểm chính trị, mà trong đó, quan trọng bật nhất là chủ nghĩa yêu nước.
"Trong chủ nghĩa yêu nước là giữa địch và ta, tức giữa Pháp và Việt Nam. Nên khi nói đến những nhân vật như Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản thì phải phân định rõ những chuyện đó. Nên khi làm những chương trình có tính chất công chúng thì phải hết sức nhạy bén", ông Dương Trung Quốc nói với BBC.
Nhà sử học phân tích thêm rằng, thời đại của Trương Vĩnh Ký có những bi kịch lớn, khiến cho cả một thế hệ trí thức Việt Nam phải đứng trước lựa chọn, bằng phương thức nào để thể hiện trách nhiệm của mình với dân tộc.
"Cũng có khuynh hướng hợp tác với Pháp để tránh đổ máu nhưng điều này đi ngược lại ý chí chung là tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống đô hộ, chống xâm lăng", ông Dương Trung Quốc nhìn nhận
Luận công-tội thế nào ?
Trước đây, tượng Petrus Ký được đặt ở công viên đối diện Dinh Độc Lập, hướng ra phía nhà thờ Đức Bà. Nhưng khi Sài Gòn sụp đổ vào tháng 4/1975, tượng Petrus Ký đã bị di dời, thay bằng một tấm bia tưởng niệm Cách mạng tháng Tám. Cùng lúc, con đường và ngôi trường mang tên Petrus Ký cũng bị xóa tên và cùng được đổi thành Lê Hồng Phong.
Tác giả Phúc Tiến viết trên tạp chí Xưa và Nay số Xuân Giáp Thìn rằng tượng đài Petrus Ký tuy không bị "hóa kiếp" thành tro bụi nhưng luôn trong tình trạng tản mát. Hiện bức tượng được đặt ở Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhưng chỉ được giới thiệu như một tác phẩm điêu khắc chứ không bàn gì về thân thế, sự nghiệp của ông.
"Thật là lạ, tượng Petrus Ký bị di dời ra một xó kẹt tại mặt hậu của tòa nhà chính. Hiện tại, khách đến thăm vẫn thấy tượng đặt bên vách tòa nhà, cách vài bước là khu vệ sinh".
Còn bệ và bia của tượng Petrus Ký, theo ghi chép của tác giả Phúc Tiến, đã bị tách rời và giữ ở Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh nhưng gần đây, chúng bị bỏ trong một lùm cây sau tòa nhà chính khiến tác giả "xót xa, buồn giận về cách ứng xử phi văn hóa tại ngay hai địa điểm làm công tác văn hóa".
Cùng với những diễn biến trên, việc VTV Cần Thơ rút tên Trương Vĩnh Ký khỏi phóng sự của mình khi nói đến "địa linh nhân kiệt" vùng Tây Nam Bộ phần nào cho thấy hình ảnh của nhân vật như Trương Vĩnh Ký không được chính quyền hiện tại đón nhận.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng nói với BBC rằng, lẽ ra, chính Ban Tuyên giáo Trung ương phải có những động thái thúc đẩy công việc nghiên cứu về các "nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử" để giải quyết điểm tắc trong chính sách về các nhân vật ấy. Nhưng, trên thực tế, chính Ban Tuyên giáo lại cản trở công việc này.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng giới nghiên cứu lịch sử phải đi đầu trong việc nghiên cứu, công bố về các nhân vật đang tranh cãi ấy, thuyết phục người đọc bằng chứng cứ, bằng tư liệu.
"Trước hay sau, ngay trong sách giáo khoa cho trẻ con học, cũng có những đánh giá thể hiện sự công bằng lịch sử. Vô phương chạy trốn !", ông Dũng bình luận với BBC.
Về vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng "nhà nước cũng không quá gay gắt đâu" vì vẫn có những hội thảo về Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản nhưng rõ ràng, được chấp nhận trong một sự dè dặt.
"Những kênh có tính chất chính thống như đài truyền hình, sách giáo khoa thì nhà nước phải có thái độ của mình. Tôi nghĩ thái độ của nhà nước cũng đúng mức thôi, trong lúc chưa tạo được sự thống nhất, còn xung đột trong nhận thức thì cố gắng né tránh, đừng gây sâu sắc thêm.
"Điều quan trọng là mỗi người dân nhận thức vấn đề về lịch sử trong bối cảnh của nó, có sự cảm thông đối với quá khứ. Mỗi người đứng ở quan điểm nào thì cũng cần nhìn nhận phía bên kia, từng bước, cùng với thời gian tạo ra nhận thức chung", ông Dương Trung Quốc đúc kết.
Nguồn : BBC, 15/02/2024