Người Chăm cảm thấy bị phân biệt đối xử khi tôn giáo Bani không được công nhận
Một số người Chăm ở Ninh Thuận nói rằng đạo Bani của họ bị chính quyền đổi thành đạo Hồi giáo Bani và từ đó họ bị phân biệt đối xử, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng những tuyên bố trên không đúng.
Một sự kiện tôn giáo của người Chăm Bàni ở Việt Nam. Photo Luu Hoang Diep
Dân tộc Chăm còn có nhiều tên gọi khác như Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Chăm Pa, Hời... với dân số gần 179.000 người theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Ủy ban Dân tộc của Việt Nam. Họ vốn sinh tụ ở duyên hải miền Trung Việt Nam từ rất lâu đời, đã từng kiến tạo nên một nền văn hóa rực rỡ với ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Ấn Ðộ.
Ông Phương, một người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận không nêu tên thật vì lý do an toàn, cho biết trước năm 2017, trong Chứng minh Nhân dân và mọi giấy tờ thủ tục hành chính khác, ở mục tôn giáo, họ đều được ghi đúng theo ý nguyện của mình là đạo Bani.
Tuy nhiên, sự việc bắt đầu từ khi Nhà nước thay đổi giấy tờ tuỳ thân (chứng minh nhân dân 12 số, căn cước công dân mã vạch, căn cước công dân gắn chip) và các giấy tờ hành chính khác. Các giấy tờ này hoặc là không có mục tôn giáo, hoặc là người theo đạo Bani phải khai theo Hồi giáo hoặc tôn giáo khác.
Ông Phương giải thích với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào ngày 10/9 về sự khác nhau giữa người Chăm theo đạo Hồi giáo và người Chăm theo đạo Bani :
"Người Hồi giáo, họ hành hương về Thánh địa Mecca, họ tiến hành ăn chay và họ làm các nghi lễ đám cưới và đám tang khác hoàn toàn người Bani chúng tôi.
Người theo tôn giáo Bani chúng tôi thờ đa thần, thờ thần đất, thờ các vị vua và tổ tiên chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện cho tổ tiên của chúng tôi, không phải cầu nguyện Thánh Allah, và cũng không đi Thánh địa Mecca. Chúng tôi có thờ Allah nhưng Allah là cái gì đó rất mơ hồ trong cộng đồng người Bani chúng tôi".
Ông cho biết cộng đồng người theo đạo Bani đã đấu tranh đòi lại tên của mình trong nhiều năm qua nhưng không thành công. Cộng đồng đã gửi đi rất nhiều đơn thư khiếu nại và kiến nghị đến Ban Tôn giáo chính phủ và Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Thuận từ khi cộng đồng Chăm Bani bị mất tên tôn giáo nhưng đều nhận được sự im lặng.
Giới học giả, văn hóa không thống nhất về đạo Bani
Nhà thơ, nhà văn hóa Chăm Inrasara là một người thuộc đạo Bà-la-môn. Theo ông, trong cộng đồng người Chăm có tồn tại đạo Bani vốn có liên hệ với Hồi giáo nhưng thay đổi rất nhiều.
Ông nói với RFA :
"Tức là nó (đạo Bani) có dấu vết Hồi giáo nhưng mà nó phá hết năm cột trụ của Hồi giáo. Năm trụ cột là gì ? Đó là Allah là đấng duy nhất, Ramadan người Hồi giáo ăn kiêng còn người Bani biến thành Ramưwan và tín đồ nhậu nhẹt suốt cả tháng.
Thứ ba là Zakat - tức là bố thí, người Bani không bố thí còn người Bà-la-môn đội bánh trái vào để cúng. Rồi người Hồi giáo tuyệt đối phân biệt đối xử với người phụ nữ trong khi người Bani theo chế độ mẫu hệ".
Đạo Bani ở tỉnh Ninh Thuận có tổ chức Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Ninh Thuận. Ông cho biết năm 2016, đại hội của tổ chức này đã quyết định đổi tên thành Hội đồng Sư cả Bani. Tuy nhiên, trong danh mục các tổ chức tôn giáo được Ban Tôn giáo chính phủ công nhận thì tên cũ vẫn còn được giữ nguyên tới ngày nay.
Giáo sư tiến sĩ Văn Ngọc Sáng (tên Chăm là Putra Podam), người từng có 22 năm giảng dạy toán và khoa học máy tính của Đại học Tây Nguyên và có hàng chục bài viết về văn hóa và tôn giáo của người Chăm trên trang điện tử Kauthara.info- bảo tồn tiếng nói và chữ viết Chăm, lại có ý kiến khác.
Ông nói người Chăm không có tôn giáo của riêng mình mà tiếp thu hai tôn giáo khác. Đạo Hindu (Bà-la-môn) du nhập vào vương quốc Chăm Pa từ thế kỷ thứ 2 và trở thành quốc giáo cho đến thế kỷ thứ 15, còn đạo Hồi được du nhập từ thế kỷ thứ 10 và trở thành quốc giáo từ thế kỷ thứ 16.
Ông nói Bani không phải là một tôn giáo. Ông giải thích :
"Thật ra các định nghĩa từ Bani nó tương đương với từ đạo của tiếng Việt, tôn giáo trong tiếng Hán, và religion của tiếng Anh mà thôi chứ không phải tên tôn giáo Bani".
Theo danh mục tôn giáo của Ban Tôn giáo chính phủ thì người Chăm có hai tôn giáo là Bà-la-môn và Hồi giáo. Hồi giáo của người Chăm có hai nhánh là Islam (Hồi giáo chính thống) và Hồi giáo Bani.
Theo tiến sĩ Sáng, gọi Hồi giáo Bani là không chuẩn xác vì Bani không phải tên tôn giáo. Thực tế người Chăm có hai tín ngưỡng là Ahier (Bà-la-môn tôn thờ Allah, không còn tôn thờ tam vị thần Trimurti của Hindu như Brahma, Vishnu và Shiva), và Hồi giáo Awal (tôn thờ duy nhất Đấng Allah). Gọi Hồi giáo Awal là chuẩn xác nhất mà tổ tiên để lại hơn 400 năm từ thời vương triều Po Rome.
Chưa bao giờ có đạo Bani, kể cả trong chế độ Việt Nam Cộng hoà trước kia và nước Việt Nam hiện nay, vị giáo sư định cư ở California (Hoa Kỳ) từ năm 2018 khẳng dịnh.
Theo ông, việc có một số người Chăm không muốn nhận mình là Hồi giáo có lỗi của chính quyền hiện nay. Trước năm 2017, khi làm chứng minh nhân dân hay các giấy tờ khác, người Chăm có thể khai ở mục tôn giáo là Hồi giáo, Hồi giáo Bani hay là đạo Bani thì nhà chức trách chấp nhận hết.
Tuy nhiên, từ năm 2021, Ban Tôn giáo chính phủ chỉ công nhận Hồi giáo Islam và Hồi giáo Bani mà không giải thích cặn kẽ cho người Chăm.
Cũng theo ông Sáng, việc bỏ mục Tôn giáo và Dân tộc trong Căn cước Công dân khiến nhiều người Chăm nghĩ tôn giáo và dân tộc của mình bị xóa, từ đó chỉ trích Nhà nước đàn áp tôn giáo khi loại bỏ đạo Bani - vốn chưa từng được công nhận.
Chính phủ Việt Nam nói gì ?
Theo Sách trắng về tôn giáo "Tôn giáo và Chính sách tôn giáo ở Việt Nam" mà Ban Tôn giáo chính phủ công bố năm 2022, Hồi giáo (Islam) được truyền vào cộng đồng dân tộc Chăm ở Việt Nam khoảng thế kỷ thứ 10.
Trong khi người Chăm Islam thực thi giáo luật Hồi giáo hầu như trọn vẹn mang tính chính thống thì người Chăm Bani thực hiện giáo luật mang tính tượng trưng, không thực hiện hết 5 điều sống đạo (chỉ thực hiện trong tháng Ramadan).
Mặt khác, Chăm Bani chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tôn giáo Bà-la-môn và tín ngưỡng bản địa với chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng đa thần, có yếu tố dân tộc mang tính vượt trội.
Khi phóng viên hỏi về việc một số người Chăm cáo buộc bị đối xử phân biệt vì lý do tôn giáo, ông Nguyễn Tấn Thuyên, trưởng phòng Tôn giáo của Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận, bác bỏ. Ông nói :
"Mọi chế độ mỗi chính sách nói chung là việc làm, đi học tất tần tật là không ảnh hưởng bởi tên gọi tôn giáo đâu. Có thể người ta nói thêm phức tạp hóa vấn đề lên đó, thực tế không có vấn đề phát sinh liên quan đến tôn giáo cả".
Cơ quan nhà nước ai phân biệt đối xử hoặc là anh theo cách này anh theo kia đâu, mọi tôn giáo đều bình đẳng".
Một công chức và là đảng viên người Chăm theo Hồi giáo Bani, người không muốn nêu danh tính vì lý do an ninh, cho RFA biết trước kia không có chuyện người Chăm bị đối xử phân biệt vì lý do tôn giáo mà người Chăm được tuyển dụng vào nhiều vị trí trong nhiều cơ quan nhà nước ở tỉnh Ninh Thuận.
Tuy nhiên, gần đây lực lượng công an và quân đội dường như có chính sách bí mật không tuyển dụng người theo đạo Công giáo, Tin Lành, Cao Đài… chứ không riêng gì Hồi giáo, ông nói.
Một chức sắc của Hồi giáo Islam ở tỉnh Ninh Thuận nói với RFA rằng nhiều người thân và người quen của ông giữ chức vụ cao trong cơ quan nhà nước ở địa phương và hoàn toàn không có chuyện phân biệt đối xử với người Hồi giáo.
Nguồn : RFA, 12/09/2024