Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

14/09/2024

Bác Abbé Pierre

Hoàng Quốc Dũng

Nước Pháp có một nhân vật đã thực sự vĩ đại, Abbé Pierre (5/8/1912 – 22/1/2007). Nói về ông thì không biết đến bao giờ mới hết. Công trạng của ông như trời, như biển.

Abbé có nghĩa là Tu viện trưởng, hay Cha xứ theo cách gọi của người Việt.

Người Việt Nam nói chung cũng không biết nhiều về ông, nhưng ông thực sự đã nổi tiếng không những ở Pháp mà cả trên thế giới. Dưới đây là tóm tắt một phần cuộc đời và công trạng của ông.

Một thần tượng vừa nẩy sinh

abbé1

Abbé Pierre đã cống hiến cả đời mình cho xã hội, ông là biểu tượng của một người miệt mài đấu tranh cho người nghèo, chống bất công trong xã hội.

Abbé Pierre, tên thật là Henri Grouès, là một nhân vật tiêu biểu trong cuộc chiến chống đói nghèo và bất công xã hội ở Pháp. Sinh năm 1912, ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những người nghèo, trở thành biểu tượng của sự đoàn kết tương thân và hào phóng.

Được thụ phong linh mục năm 1938, rồi cha xứ giáo phận Grenoble năm1939, ông tham gia kháng chiến trong Thế chiến thứ hai, giúp đỡ người Do Thái và kháng chiến quân thoát khỏi sự truy lùng của Đức quốc xã. Nhưng phải sau chiến tranh ông mới cống hiến hết mình cho sự nghiệp của người nghèo. Năm 1946, ông tham gia chính quyền và đổi tên thành Pierre Grouès, từ đó mọi người gọi ông là Abbé Pierre (Cha xứ Pierre).

Năm 1949, ông thành lập phong trào Emmaüs, một mạng lưới hỗ trợ những người vô gia cư và những người bị loại trừ khỏi xã hội. Mục tiêu của phong trào là khôi phục phẩm giá và hy vọng cho những người không còn gì cả, bằng cách cho họ việc làm việc và tái hội nhập họ trở lại xã hội.

Abbé Pierre đã cống hiến cả cuộc đời mình để tố cáo sự bất bình đẳng trong xã hội Pháp và thường phải trả giá bằng sự hy sinh cá nhân to lớn của ông. Ông sống giản dị, từ chối mọi đặc quyền và không ngừng đấu tranh cho một thế giới công bằng hơn. Hành động của ông đã có tác động sâu sắc đến xã hội Pháp, ảnh hưởng đến các chính sách về nhà ở xã hội và việc bảo vệ những người cùng khốn.

Phong trào Emmaus, do Abbé Pierre thành lập năm 1949, đã trở thành một tổ chức quốc tế chống lại tình trạng nghèo đói. Có mặt tại hơn 40 quốc gia, phong trào hiện có gần 400 cơ sở trên khắp thế giới. Phạm vi hoạt động của nó vượt xa viện trợ nhân đạo đơn giản, bởi vì Emmaüs mang đến cho những người đang trong hoàn cảnh bấp bênh phương tiện để xây dựng lại cuộc sống của họ, đặc biệt thông qua việc làm và tái hội nhập họ vào xã hội.

Emmaüs hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội độc đáo. Những người được giúp đỡ, được nhận vào cộng đồng được gọi là "bạn đồng hành" (compagnon), họ sống và làm việc trong các cộng đồng Emmaüs. Những cộng đồng này phục hồi, sửa chữa rồi bán lại những vật dụng được quyên góp (đồ nội thất, quần áo, thiết bị điện tử, v.v.), từ đó tạo ra thu nhập để tài trợ cho các hoạt động của họ. Mô hình kinh tế tuần hoàn này cho phép Emmaüs độc lập về tài chính, đồng thời có tác động tích cực đến môi trường thông qua việc tái chế và tái sử dụng đồ vật. Khi phải vứt đồ dùng trong nhà mà còn có thể dùng được, người Pháp thường mang đến các trung tâm Emmaus để cho. Và khi cần mua đồ dùng rẻ tiền, người Pháp cũng lại đến các cửa hàng của Emmaus để tìm.

Di sản của ông tiếp tục tồn tại thông qua phong trào Emmaus, phong trào vẫn hoạt động cho đến ngày nay để giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh bấp bênh trên khắp thế giới. Cho đến khi qua đời vào năm 2007, Abbé Pierre vẫn là tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ những người bị lãng quên trong xã hội, thể hiện các giá trị của lòng nhân ái, sự đoàn kết tương thân và tính nhân văn. Ngoài ra, cộng đồng Emmaüs còn tham gia vào nhiều sáng kiến khác nhau như hỗ trợ người vô gia cư, bảo vệ quyền có nhà ở và giúp đỡ người nhập cư.

Ngày nay, phong trào Emmaus có khoảng 18.000 người trên khắp thế giới. Trong số đó, có khoảng 7.500 bạn đồng hành sống và làm việc tại các cộng đoàn, cùng hàng nghìn tình nguyện viên và nhân viên hỗ trợ các hoạt động của phong trào.

L’Abbé Pierre đã cống hiến cả đời mình cho xã hội nói chung. Hình ảnh của ông là hình ảnh của một con người miệt mài đấu tranh cho người nghèo, chống bất công trong xã hội. Uy tín và danh tiếng của ông cao ngất trời. Ông là một thần tượng vĩ đại. Người ta đã làm cả phim về ông.

Bác Abbé Pierre đã rời cõi đời năm 2007, nhưng di sản của bác vẫn còn đó, vẫn hoạt động, vẫn cứu sống được biết bao nhiêu con người. Để ghi nhớ công lao của bác, tên của bác đã được đặt cho biết bao đường phố, công trình, trường học…

Rồi thần tượng, sụp đổ

Sự ra đi của thần tượng mở đường cho sự sụp đổ của thần tượng. Từ tháng 07/2024, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn lên tiếng tố cáo bác Abbé Pierre lạm dụng tình dục đối với họ. Cho đến nay đã có 24 người và vụ việc đã bắt đầu từ năm 1950 cho đến năm 2.000. Nói chung vụ việc này rất li kỳ và dài dòng, tôi không muốn mô tả ở đây để tránh làm bài dài. Chỉ biết rằng nhiều cuộc điều tra đã được tiến hành và đó là sự thật hiển nhiên. Có trường hợp xẩy ra khi nạn nhân mới 9 tuổi.

abbé2

Ông Christophe Robert, Tổng Giám đốc Emmaüs France đang xem xét loại bỏ dòng chữ "người sáng lập Abbé Pierre" khỏi logo của mình và nơi tưởng nhớ Abbé Pierre sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn - R Meigneux/Sipa

Nhiều hội đoàn đòi truy tố và phải có một tòa án phán xét bác Abbé Pierre. Tuy nhiên, việc này đụng phải hai vấn đề cơ bản :

1. Kẻ phạm tội đã chết cách đây 17 năm. Luật pháp của Pháp không cho phép tố tụng một người đã chết vì cho rằng người đã chết không thể tự bảo vệ được mình.

2. Đa số các vụ việc đã quá thời hạn tố tụng. Cho đến nay, theo như tờ Figaro cho biết là chưa có ai kiện chính thức bác Abbé Pierre.

Một chi tiết cần biết là, nếu không có vụ kiện bác Abbé Pierre thì vẫn có thể có vụ kiện những người khác biết về "tội trạng" của bác Abbé Pierre mà không chịu tố cáo.

Tuy không có bản án cho bác Abbé Pierre, nhưng các nạn nhân cũng sẽ được bồi thường. Các cơ quan chức năng đang làm việc điều tra để giải quyết việc này.

Có hai câu hỏi đặt ra là :

1. Tại sao các nạn nhân bây giờ mới lên tiếng ? Đa số các nạn nhân đều cho rằng bác Abbé Pierre là bậc thánh nhân. Nếu họ lên tiếng lúc đó, không ai nghe họ, nên họ không dám lên tiếng. Chuyện này thì đúng thật. Cũng như những năm 90 đổ về trước ở Việt Nam ta, nếu có ai đó nói bác hồ thế này thế kia thì chắc chắn sẽ bị cả xã hội lên án, con đường vào tù mở rộng thênh thang và cái chết gần như chắc chắn.

2. Thánh nhân đã trở thành "tội phạm" thì bây giờ làm gì với các dấu vết của thánh nhân ? Đa số người Pháp đồng tình với việc phải xóa tên bác Abbé Pierre trên các công trình công cộng. Được hỏi về vấn đề này trên đài truyền hình số 5 của Pháp hôm qua 12/09, cựu Tổng thống François Hollande cũng đồng tình với quan điểm này.

Những lời buộc tội mới chống lại Abbé Pierre đã làm lung lay di sản của ông, đã thúc đẩy các tổ chức do ông thành lập, chẳng hạn như Emmaus và Quỹ Abbé Pierre, phải thực hiện các biện pháp quyết liệt. Họ tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn bảo tàng dành riêng cho Abbé Pierre và thay đổi tên của quỹ. Cộng đồng Emmaus ở Toulouse hôm qua cũng quyết định dỡ tên bác Abbé Pierre trên tường và các tòa nhà của họ…

Bác Abbé và bác Hồ

Để dễ hiểu và so sánh với Việt Nam, có thể nói bác Abbé Pierre cũng giống như bác Hồ ở Việt Nam.

Người Pháp khác người Việt Nam : Bác Abbé Pierre đối với người Pháp là cực kỳ thân thương, một thần tượng lớn. Nhưng người Pháp cũng rất cách mạng. Một khi thần tượng bị sụp đổ do chính lỗi lầm của họ thì người Pháp cũng không ngần ngại hạ bệ thần tượng. Tuy nhiên, để hạ bệ thần tượng, người Pháp không xóa bỏ lịch sử cũng như sự nghiệp của thần tượng.

Người Việt Nam khác người Pháp : Người không đáng là thần tượng cũng trở thành thần tượng. Một khi đã trở thành thần tượng (nhiều khi toàn do các huyền thoại) thì thần tượng mãi mãi là thần tượng. Thần tượng là thánh, không hề có lỗi lầm gì và tuyệt đối cấm đụng vào thần tượng. Đó là trường họp bác Hồ của Đảng cộng sản Việt Nam.

Chúng ta nên hành xử như thế nào đối với thần tượng ? Như người Pháp hay như người Việt Nam ?

Bác Hồ với bác Abbé (đọc là A bê), trong hai bác đó nên chê bác nào ?

Hoàng Quốc Dũng

(14/09/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Quốc Dũng
Read 558 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)