Các phim bom tấn với thu nhập cả tỉ đô la không còn là độc quyền của Hollywood. Trong tháng vừa qua, một bộ phim được làm theo phong cách rất Hollywood, nhưng của người Trung Quốc, đã lọt vào danh sách 100 phim bán chạy nhất thế giới. Bộ phim Wolf Warrior 2 (tạm dịch là Chiến Binh Sói 2) được hưởng ứng mạnh mẽ tại Trung Quốc, bị nhiều người cho rằng là một công cụ tuyên truyền cho chủ nghĩa dân tộc Đại Hán. Các phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc phủ nhận.
Hình ảnh quảng cáo bộ phim Wolf Warrior 2/Chiến Binh Sói tập 2 - Ảnh chụp màn hình : wellgousa.com
Đại liên hàng tràng, bom nổ tung trời, cận chiến ác liệt tại một thành phố Châu Phi bị lực lượng nổi dậy dìm trong máu, với sự giúp đỡ của lính đánh thuê... Chỉ duy nhất một con người dũng cảm dám đến nơi để giải cứu các kiều dân đang bị mắc kẹt… Những cảnh tượng không khác gì trong phim Hollywood, chỉ có điều người hùng không mang tên Rambo, mà là Lãnh Phong (Leng Feng).
Lòng dũng cảm của cựu quân nhân thuộc lực lượng đặc biệt Trung Quốc hoàn toàn chinh phục được Li Yiming, một học sinh 18 tuổi. Người thanh niên này đã xem phim tổng cộng ba lần. Li Yiming tâm sự : "Gần như tất cả các bạn bè cùng lớp tôi đã xem bộ phim này. Các kỹ xảo đặc biệt, các cảnh chiến tranh thật là tuyệt vời ! Trong cảnh cuối cùng, chúng tôi cũng thấy cả một tấm hộ chiếu Trung Quốc… Điều đó có ý nghĩa là một công dân Trung Quốc gặp nguy hiểm không nên sợ hãi. Tổ quốc chúng ta rất hùng mạnh, sẵn sàng bảo vệ chúng ta. Tôi xúc động về điều này" (1).
Chiến Binh Sói 2, cũng gọi là Chiến Lang 2, không phải là một bộ phim hành động thông thường. Một phụ nữ Trung Quốc khác cho biết cảnh tượng khiến bà hết sức xúc động là khi nhân vật chính giơ cao lá cờ Trung Quốc giữa trận tiền. Li Shenshen tấm tắc :
"Đây là một bộ phim hết sức tuyệt vời. Phim cho thấy một đất nước Trung Quốc hùng mạnh ! Bộ phim làm sôi sục huyết quản của tôi ! Phim làm cho chúng tôi trở nên yêu nước hơn. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người Trung Quốc đều muốn xem nó".
Bí quyết thành công
Giải thích về bí quyết thành công của phim, đạo diễn Ngô Kinh (Wu Jing), cũng thủ vai người hùng Lãnh Phong, cho biết : "Nhân vật chính của phim sử dụng những diễn đạt rất đơn giản, như "tôi là người Trung Hoa", nhằm cổ vũ cho tinh thần yêu nước, và cổ vũ niềm tin vào bản thân. Chúng ta, các công dân Trung Quốc, được an toàn, và được bảo vệ ở khắp nơi, bởi chúng ta giương cao lá quốc kỳ của mình ở khắp mọi nơi".
Không biết là ngẫu nhiên hay chủ ý, Chiến Binh Sói 2 được công chiếu chỉ ít ngày trước dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân Đội Trung Quốc. Tuy nhiên, để chứng tỏ chính quyền hoàn toàn không liên quan đến bộ phim, tờ Hoàn Cầu Thời Báo – nổi tiếng với quan điểm dân tộc chủ nghĩa – giải thích là phim được tài trợ 100% bởi các quỹ tư nhân, và đạo diễn thậm chí còn phải "thế chấp" cả nhà mình để có đủ tiền làm phim.
Bộ phim có kích động chủ nghĩa dân tộc Đại Hán hay không, đến mức nào ? Câu trả lời có thể phần nào thấy được qua phản ứng của các em nhỏ. Chen Yuxuan, mới 12 tuổi, nhưng dường như đã học rất thuộc bài. Bài học mà ắt hẳn em đã lĩnh hội trước đó qua sách vở ở nhà trường.
Chen Yuxuan : "Em thấy đất nước chúng ta là vĩ đại nhất, em rất yêu đất nước vĩ đại của mình. Nhân vật chính trong phim là một người yêu nước thực sự. Em cũng muốn noi gương ông ấy để phục vụ tổ quốc".
Theo những người quan sát tại chỗ, với những ai còn lưỡng lự sau khi xem phim này, các rạp phim tại Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn nhiều đoạn clip ngắn, được tung ra trước mỗi buổi chiếu, để biểu dương cho "giấc mộng Trung Hoa" - tức tham vọng khôi phục một nước Trung Hoa hùng mạnh - một chủ trương mà chính quyền của ông Tập Cận Bình thường xuyên cổ vũ.
Lễ Tình Nhân Trung Quốc : Gấu bông cho người độc thân
Tại Trung Quốc có đến hai dịp lễ cho các đôi yêu nhau. Dịp Lễ Valentin ngày 14/2, và ngày Lễ Tình Nhân, theo tập tục cổ truyền, trùng vào ngày 28 tháng 7 âm lịch năm nay. Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên là nhân vật chính trong dịp này thường khi lại là những người độc thân. Thông tín viên Angélique Forget tường trình từ Thượng Hải,
"Trong những ngày gần đây, trên khắp các đường phố, mặt tiền của các cửa hàng, người ta thấy tràn ngập các quảng cáo kêu gọi ăn mừng ngày Ngưu Lang Chức Nữ (người Việt gọi là ông Ngâu, bà Ngâu), được coi là ngày Lễ Tình Nhân rất phổ biến tại Trung Quốc.
Khởi đầu của ngày hội này là một câu chuyện thần thoại, về một mối tình không thể trở thành hiện thực giữa một tiên cô và một người nông dân. Hai người chỉ được gặp nhau một năm có một lần vào dịp ngày mùng bảy tháng bảy âm lịch.
Tuy nhiên, đối với một đất nước mà có đến 200 triệu người không lập gia đình… ngày hội này cũng được dành cho cả những người độc thân ! Tối hôm nay, ví dụ như tại các quán ăn thuộc chuỗi nhà hàng lẩu Hải Để Lao (Haidilao), người ta mời các khách độc thân ăn tối với một gấu bông đối diện, để có bầu có bạn.
Những người độc thân - được mệnh danh là "những con chó cô đơn" - thường phải chịu rất nhiều áp lực gia đình, buộc họ phải tìm được người phối ngẫu. Bởi tại Trung Quốc, lấy vợ, lấy chồng là một bảo đảm cho thành công trong xã hội.
Để giúp cho các thanh niên tìm được nửa thứ hai của mình, ngay cả Đoàn Thanh Niên Cộng Sản cũng can thiệp. Trong những ngày gần đây, nhân dịp Lễ Tình Nhân Trung Quốc, cơ quan này đã tổ chức này đã tổ chức nhiều trắc nghiệm "các test mù" hay các trắc nghiệm ngẫu nhiên để những người độc thân có cơ hội gặp nhau tại nhiều thành phố".
Trung Quốc : Cấm tình yêu đồng giới để làm "sạch" internet
Cổ vũ cho hôn nhân để chống lại tình trạng lão hóa dân số, cùng lúc đó chính quyền Trung Quốc tiếp tục có những chính sách bài trừ tình yêu giữa những người đồng giới. Hồi cuối tháng 6, cơ quan phụ trách internet (CNSA) nước này ra một chỉ thị mới, cấm tuyên truyền cho "các hành động hay quan hệ tình dục " bất bình thường" như… đồng tính luyến ái", nhằm làm sạch không gian mạng.
Tình yêu giữa những người đồng tình được xếp cùng nhóm với các quan hệ bị lên án khác, như ngoại tình, mãi dâm, hay ma túy. Chính quyền ra lệnh cho ba trang mạng (Sina Weibo, iFeng.com và ACFUN), nằm trong số các địa chỉ được nhiều người truy cập nhất, ngừng đăng tải cả video và các băng âm thanh có chứa đựng các nội dung nêu trên.
Trong tháng bảy, công luận Trung Quốc khá bất ngờ với việc một người đồng tính – bị cưỡng bức vào bệnh viện tâm thần hồi 2015 – đã được xử thắng trong vụ kiện chống lại bệnh viện nói trên. Đây là sự kiện hy hữu tại một quốc gia mà quyền của những người đồng tính, lưỡng tính hay chuyển giới không được thừa nhận.
Trung Quốc chính thức đưa tình dục đồng giới ra khỏi danh sách các bệnh tâm thần vào năm 2001, nhưng các bệnh viện vẫn tiếp tục các "trị liệu" chữa "bệnh đồng tính".
Quyết định nói trên của tư pháp Trung Quốc rõ ràng là một bước tiến, nhưng phán quyết của tòa án không khẳng định "các trị liệu" là phi pháp, mà chỉ cho rằng việc cưỡng bức vào bệnh viện là xâm phạm quyền của đương sự, vì nguyên đơn không phải là một nhân vật nguy hiểm. Cộng đồng đồng tính và LGBT nói chung vẫn tiếp tục là đối tượng đàn áp tại Trung Quốc.
Pierre Frolla : Người "bay" trong lòng biển cả
Đối với những ai yêu quí biển, những ngày gần đây có một sự kiện nhỏ, nhưng rất được truyền thông Pháp chú ý. Vận động viên Pierre Frolla, bốn lần lập kỷ lục thế giới về môn lặn tự do, vừa hoàn tất một bộ trang phục đặc biệt.
Bộ áo liền quần mang tên "Đôi cánh đại dương/Oceanwings" – lấy cảm hứng từ môn thể thao mạo hiểm wingsuit - cho phép bơi lượn tự nhiên trong thế giới của các loài cá, như thể một đồng loại của chúng. Với "Đôi cánh đại dương", Pierre Frolla có thể đi xa hơn trong ước mơ của anh : làm bạn với những loài cá mập nổi tiếng hung dữ.
"Đôi cánh đại dương", thai nghén từ bốn năm trước, giờ được trang bị thêm bốn bình gaz có trọng lượng chỉ 38 gam mỗi chiếc, nhưng giúp anh có thể nhanh chóng trở lại mặt nước từ bất cứ độ sâu nào, nhờ thế đi được thật xa dưới nước.
Pierre Frolla trong "Đôi cánh đại dương" - Ảnh chụp màn hình : AFP qua youtube
Pierre Frolla, sinh năm 1975 tại Monaco và suốt đời gắn bó với bờ biển Cote d’Azur, đẹp như mơ ở Địa Trung Hải. Với bộ đồ này, nhà vô địch Pháp có kế hoạch lấy mẫu sinh thiết của các sinh vật biển và làm nhiều thực nghiệm khác, nhưng khao khát lớn của anh là giúp cho mọi người thấu hiểu sự mong manh của môi trường biển cả.
Nói chuyện với AFP, Pierre Forlla cho biết, khác với cách làm của nhà môi trường nổi tiếng Nicolas Hulot – hiện là bộ trưởng Sinh Thái Pháp – cách riêng của anh là chuyển đến công chúng những xúc cảm khi được chung sống với các loài sinh vật biển lớn nhất như cá nhà táng, cá mập hay cá đuối.
Đến với đại dương, về với chính mình
Pierre Frolla tâm sự : "Ở trong nước, tôi nhận ra mình là ai. Nước siết chặt cơ thể tôi, giúp tôi đi đến tận nơi sâu thẳm của chính mình… Ở dưới đáy đại dương, tôi đến được với nơi sâu nhất trong mình…
Lặn không thở, đó là sự chia sẻ, cuộc truy tầm sự thật sâu xa, cuộc tìm kiểm không ngưng nghỉ những cảm giác thuần khiết nhất… Tôi bay đi không trọng lượng, nghe vọng về tiếng rầm rì của cuội, đá dưới lòng đại dương...
Hạnh phúc tràn ngập khiến tôi nghẹn thắt, mắt nhắm nghiền, tôi giang rộng vòng tay. Gió bao bọc toàn thân thể, khiến tôi chao đảo… tiếng hát của của những cá voi lưng gù làm tim tôi tăng tốc… Tôi cảm thấy hạnh phúc, một thứ mùi gợi lại trong tôi ký ức tuổi thơ…" (Libération 15/08/2017).
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 02/09/2017