Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

11/09/2017

Ngành nghề Việt Nam tại Triển lãm Hoàn cầu Paris 1900

Thu Hằng

Năm 1900, Paris tổ chức Triển lãm Hoàn cầu lần thứ năm, từ ngày 15/04 đến 12/11, với quy mô lớn hơn nhờ những công trình hiện vẫn còn được lưu lại đến nay : Le Grand Palais (Cung điện lớn) và le Petit Palais (Cung điện nhỏ).

Exposition Universelle de 1900. Entrée du Pavillon de l'Indochine. Paris, 1900.

Triển lãm Hoàn cầu Paris 1900. Lối vào khu Đông Dương (Pavillon de l'Indochine), Paris.Parisenimages / Léon et Lévy / Roger-Viollet

Triển lãm Hoàn cầu Paris 1900 là cơ hội để toàn quyền Paul Doumer chứng minh với Mẫu Quốc rằng Đông Dương, đặc biệt là vùng đất Bắc Kỳ mới được bình định, có thể tự lực cánh sinh để phát triển. Ngoài mục đích ca ngợi những phát triển kỳ diệu tại đây, cuốn Bắc Kỳ năm 1900 (Le Tonkin en 1900) với 172 hình ảnh minh họa của Robert Dubois còn muốn giới thiệu rộng rãi đến công chúng Pháp những ngành nghề và cuộc sống hàng ngày của người dân vùng đất mà tác giả đánh giá là "tuyệt vời" này.

***

Với tác giả Robert Dubois, Bắc Kỳ phát triển hơn An Nam về các ngành công nghiệp và nghệ thuật. Ngoài khéo léo và tài hoa, người dân còn chăm chỉ và có tính kiên nhẫn trước mọi thử thách. Bằng chứng được tác giả đưa ra là ba nghề thêu, chạm khắc và sơn mài, người thợ tài tình tạo ra những tác phẩm nghệ thuật thực sự khiến người phương Tây phải trầm trồ.

Người thợ thêu không chỉ làm theo những mẫu vẽ hoa, nhân vật hay những con chim có hình dáng kỳ lạ, mà phải nói là họ phủ mầu sắc rực rỡ, sống động trên nền lụa Tầu. Còn người thợ khảm chứng tỏ tài năng bằng những con rồng khảm trai trên nền gỗ cứng, phản chiếu những sắc thái yêu kiều và nhẹ nhàng khiến người mua phải hân hoan. Những họa tiết của họ đều mang một cốt chuyện thực sự, từ những trận chiến đến đôi bướm lượn trên hoa…

Nghệ thuật khảm xà cừ (khảm trai, khảm ốc) nổi tiếng ở Bắc Kỳ và rất nhiều người cần cù theo đuổi nghề này. Giá trị của tác phẩm nằm ở chính sự kết hợp giữa hiệu ứng của nghệ thuật khảm, hình vẽ, chất gỗ và cách gắn những mẩu trai được cắt gọt và bào nhẵn khéo léo. Công việc này đòi hỏi gu thẩm mỹ, sự khéo léo, đều tay vì không được để những đường khắc bị sứt mẻ, nếu không các miếng ghép sẽ không được khít. Dù chỗ hở sẽ được phủ lớp sơn mài hoặc bôi sáp, nhưng những người am hiểu sẽ không chấp nhận một tác phẩm như vậy. Sau khi đã chọn mầu sắc tỉ mỉ, người thợ kiên nhẫn gắn từng miếng vỏ trai bé xíu lên gỗ.

Chất liệu xà cừ thường được lấy từ vỏ ốc, vỏ trai bên bờ biển Việt Nam, hoặc mua từ các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa. Vỏ trai vàng và bóng rất được ưa chuộng. Ngoài ra, các mầu xanh dương, xanh lá cây cũng được sử dụng rất nhiều và được chuộng hơn mầu trắng. Thế nhưng, việc xác định được mầu sắc của những mảnh trai cũng rất khó vì chỉ một mẩu trai cũng đã có đủ mầu sắc từ xanh lục nhạt, sắc hồng đến tím… tùy theo góc nhìn.

Có thể nói, nếu muốn, người Việt Nam có thể làm được những tác phẩm tuyệt vời và cao cấp hơn nhiều so với sản phẩm từ các nước láng giềng Trung Quốc hay Nhật Bản.

expo2

Triển lãm Hoàn cầu Paris 1900. Khu Đông Dương (Pavillon de l'Indochine), Paris. Ảnh của nhà sách Nghệ thuật Ludovic Baschet, 1900. CC/Brown University

Đồ sơn mài cũng có một vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp Bắc Kỳ. Chất liệu có thể tìm được từ khắp nơi, đặc biệt chất liệu sơn do tỉnh Sơn Tây cung cấp có thể so sánh được với những sản phẩm tốt nhất của Tầu hoặc Nhật. Cách làm tùy thuộc vào mỗi người thợ với những phương pháp riêng. Để có một sản phẩm tốt, lớp sơn phải được trộn kỹ, đồng nhất, không bị gồ ghề.

Đầu ra cho sơn mài rất đa dạng. Từ đồ gỗ, bàn ghế, giường tủ đến xe hơi, xe kéo, đường sắt, tầu thủy… đều dùng đến sản phẩm sơn mài với mầu sắc đa dạng. Sơn mài trở nên cần thiết với một số vật dụng vì gỗ được phủ lớp sơn mài sẽ không bị hỏng, còn việc bảo quản lại vô cùng đơn giản. Khí hậu nóng ẩm, thời tiết xấu không hề gây tác động đến lớp sơn.

Một trong những điểm bất lợi của sản phẩm sơn mài là cần vài tháng để theo dõi và thao tác, sau đó phải hong khô, đôi khi cũng cần đến vài tháng, trước khi có thể sử dụng được. Chính vì vậy, sơn công nghiệp dần được thay thế sơn mài (sơn ta) trong những công trình công cộng cần tiến độ nhanh.

Ngoài ra, còn phải kể đến sản phẩm đủ chủng loại của thợ gốm phục vụ sinh hoạt hàng ngày, từ chum đựng nước đến dụng cụ nhà bếp, bát đĩa, liễn, bình… Đội ngũ thợ đóng gạch cũng rất đông và gạch làm ra có chất lượng cao. Thợ làm sắt tây thường cung cấp cho khách hàng những ý tưởng tài tình. Họ tái chế vỏ đồ hộp cũ hay thùng đựng dầu để tạo ra những chiếc đèn, đèn lồng, đèn măng sông, bình chứa…

Riêng thợ kim hoàn và thợ đồng hồ hầu hết do người Hoa đảm nhiệm với kiến thức rất đa dạng. Tuy nhiên, cũng có một vài người Việt làm nghề vàng bạc. Họ khắc họa tiết trên nhẫn, vòng cổ, vòng tay… nhưng cũng làm ra những chiếc túi đựng thuốc lá, cán ô, hộp diêm, khuy cổ tay áo…

Khá đông người làm nghề gò hàn và sản phẩm của họ đóng vai trò quan trọng trong đời thường, từ đơn giản như chậu đồng đến tinh xảo và cầu kỳ uốn lượn như chuông, lư hương, tượng Phật hay hình con diệc đứng trên rùa đá. Vì phải bỏ nhiều công sức nên đôi khi những sản phẩm này có giá rất cao.

Nghề kinh doanh và dệt chiếu từ lá chuối cũng rất chạy vì đây là sản phẩm không thể thiếu của mỗi gia đình. Những chiếc chiếu có chất lượng cao, đẹp, rất bền chắc và còn được viền mép bằng vải để tránh bị xổ. Quạt giấy nan tre được bán chủ yếu cho dân địa phương, đặc biệt được bán rất chạy vào dịp nắng nóng. Nghề làm mũ cũng là một chuyên môn ở Bắc Kỳ. Một số loại mũ được làm đặc biệt hơn, dành cho giới nhà giầu Việt Nam và có giá đắt. Đôi khi đây là những tác phẩm nghệ thuật thực sự và cần sự kiên nhẫn.

expo3

Thợ đóng giầy dép. Ảnh chụp từ cuốn Bắc Kỳ năm 1900 (Le Tonkin en 1900) của Robert Dubois nhân dịp Triển lãm Hoàn cầu Paris 1900. RFI tiếng Việt

Dù phần lớn người Việt đi chân đất nhưng thợ sửa và đóng giầy vẫn làm ăn phát đạt ở thành phố. Một số thợ ở Hà Nội có tay nghề đóng giầy Pháp. Thợ ráp ô (dù) cũng tài hoa trong nghề này. Nếu như lọng vẫn chỉ được dành cho quan lại, thì nhờ tư tưởng tự do hơn của Pháp, người dân Bắc Kỳ được dùng ô có kiểu cách đơn giản. Với những người phiên dịch, thư lại, bếp…, chiếc ô là đồ vật thể hiện sự sang trọng và quyền quý hơn so với một bộ phận khác như culi, thợ thuyền… Những người này sẵn sàng che ô ngay cả lúc 9 giờ tối và nắng đã tắt từ lâu.

Thợ mộc có nguồn thu dồi dào nhờ khách bản địa chuộng gu kiến trúc và đồ gỗ theo phong cách Châu Âu. Dù chất lượng không thể so sánh được với nghề làm gỗ ở Pháp, nhưng có lợi cho người Việt muốn có sản phẩm tương tự mà không phải trả quá đắt. Gỗ được chuyển từ miền ngược, kết chặt thành bè, thả xuôi theo dòng sông. Đồ gỗ trang trí của Việt Nam được chạm khắc tao nhã, hài hòa giữa các đường nét chạm trổ. Thợ đóng quan tài cũng đông hơn người ta hình dung. Sản phẩm của họ là những chiếc hộp hình chữ nhật, thuôn dài, một đầu rộng hơn và dần thu hẹp đến đầu bên kia. Thường những chiếc quan tài được đóng và chạm trổ cũng rất khéo léo.

Tại Triển lãm Hoàn cầu 1900, người ta có thể ngắm một số mẫu vải do thợ Việt thực hiện dưới sự chỉ đạo của ông Viterbo, nhưng chỉ có khổ 50 cm. Nghề dệt lụa chưa đạt được sự tinh tế cần thiết, song thợ địa phương vẫn chưa biết cách cải thiện. Nghề may không chỉ thu hút mỗi phụ nữ, rất nhiều đàn ông cũng theo đuổi công việc cần tính kiên nhẫn và tỉ mẩn. Khách hàng của họ chủ yếu là người địa phương, nhưng tại các khu phố Pháp, nơi chủ yếu là thợ người Hoa, cũng may đo cho người Pháp.

Nghề làm giấy ở Bắc Kỳ làm ra được loại giấy bền như giấy da, rất chắc, sờ khá mềm mại, mực không bị thấm sang mặt bên kia. Ở ngoại thành Hà Nội có Làng Giấy nổi tiếng về nghề này với cách sản xuất thủ công kỳ lạ, còn dụng cụ thì rất thô sơ. Trên loại giấy này, họa sĩ vẽ nhiều chủ đề khác nhau, đầy mầu sắc, để trang trí trong nhà. Một số họa sĩ đã đạt đến trình độ hoàn hảo và sao chép như thật những mẫu theo yêu cầu của người Châu Âu.

Ngoài ra, còn phải kể đến nghề làm muối có chất lượng tốt. Muối được dùng để làm nước mắm, nấu ăn, bảo quản thịt lợn và gia cầm, hai loại thịt được ưa chuộng. Người Việt nhuần nhuyễn trong việc nấu rượu vì loại nước uống có cồn này được dùng rất nhiều và phổ biến. Làm đường mật, dầu ăn và dầu thắp sáng cũng là những ngành mà người Việt nắm rõ.

Cuối cùng, nghề tôi vôi cũng thu hút nhiều lao động với cách làm giống ở Pháp nhưng phương tiện thô sơ hơn. Nguyên liệu là đá vôi, đá cẩm thạch và cả vỏ sò biển… được nung trong lò đất đốt bằng củi.

expo4

Thợ làm ô, lọng. Ảnh chụp từ cuốn Bắc Kỳ năm 1900 (Le Tonkin en 1900) của Robert Dubois nhân dịp Triển lãm Hoàn cầu Paris 1900. RFI tiếng Việt

Nghề dịch vụ ngoài chợ

Bên cạnh những nghề thủ công, còn phải kể đến nghề dịch vụ như đấm bóp dạo, lấy ráy tai, đổi tiền, bán hàng rong ngang dọc khắp nơi để bán hàng cho phu kéo xe vài miếng bánh, một mẩu đường hoặc một miếng dồi lợn, thậm chí là dồi chó.

Chợ ở Bắc Kỳ thường họp gần làng hay ngay trong làng và chỉ cần những chiếc lán bằng tre để tránh mưa gió. Người bán hàng, thường là dân quê đi chân đất, đến từ xa, kĩu kịt hàng hóa trên đôi quang gánh mang đến chợ bán. Họ ngồi trên chiếu hoặc ngồi phệt xuống đất, khoanh chân lại và bình tĩnh chờ người mua hoặc rao giá hời để thu hút khách. Quà rong có mặt khắp chợ. Khách hàng có thể ăn một bát phở, uống một tách trà ngay cạnh sạp bán vải, đồ sành sứ, đồ đồng, hay rau củ quả, trầu cau.

Bên cạnh đó còn có nhiều nghề rất thú vị. Người Việt không đi giầy, nên không có thợ đánh giầy, nhưng lại có thợ làm tóc giả giữa chợ, thợ ngoáy tai và đấm bóp. Thợ làm tóc giả lúc ngồi xổm, lúc ngồi trên ghế đẩu, đối diện với khách hàng cũng ngồi xổm. Hai con người mảnh khảnh co người lại, rồi nghiêng đầu, căng cổ, trông rất nực cười. Cách xa đó một chút là thợ lấy ráy tai, cũng ngồi giống như thợ làm tóc hoặc để khách hàng ngồi trên ghế băng. Sau đó, ông ta lấy một cái nạo nhỏ và một miếng giẻ rồi tỉ mỉ ngoáy tai. Còn người được lấy ráy tai nhẫn nại ngồi im.

Người đấm bóp cũng ngồi đối diện với khách hàng, đấm đấm vào phần cơ tay và cơ chân để bắt đầu. Khuôn mặt cũng không tha và đây mới là nơi ông thể hiện nghệ thuật của mình : ấn thái dương, nhấn má, lỗ mũi, rồi xoa bóp đến đê mê cho đến lúc khách hàng giật mình vì đã xong và phải trả tiền. Ở chợ, cũng có một vài người mù đi hát rong, kẻ trộm và những kẻ cờ bạc bịp khéo léo cuỗm tiền của những người nông dân khốn khổ.

Có thể thấy chợ ở Bắc Kỳ có những điểm chung đáng ngạc nhiên với chợ ở Pháp. Sau buổi chợ, người bán hàng tụ tập ở một điểm quen thuộc và chỉ trong vòng vài giây, họ có thể nướng hết số tiền bán hàng trong mấy trò chơi may rủi. Vì chợ là một hoạt động kinh doanh quan trọng và ngày càng phát triển, nên thành phố Hà Nội đã cho xây 5 chợ có mái che để mua bán, trao đổi hàng hóa.

Các ngành nghề thủ công ở Bắc Kỳ có sức hấp dẫn đặc biệt đối với chính phủ thuộc địa. Chính vì vậy, cuộc triển lãm đầu tiên về chủ đề này đã được tổ chức ở Hà Nội trong ba ngày 24, 25 và 26/12/1897. Cuộc triển lãm thứ hai diễn ra đúng một năm sau đó, vào tháng 12/1898.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 11/09/2017

Quay lại trang chủ
Read 815 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)