Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

20/10/2017

Về thời điểm dựng Bia tiến sĩ ở Hà Nội

Tôn Thât Thọ

Trong cuốn Các triều đại Việt Nam do Quách Cư và Đổ Đức Hùng biên soạn đã chép :

"Chính dưới triều vua (Lê) Thái Tông, vào năm Thiệu Bình thứ 5, tổ chức thi Hương ở các đạo và năm sau tổ chức thi Hội tại kinh đô. Từ đó mở đầu ra lệ cứ ba năm một lần thi làm lệ thường. Cũng chính dưới thời vua này, vào năm Nhâm tuất (1442) bắt đầu ra lệnh dựng bia ghi tên các tiến sĩ" (sđd, tr 176).

bia1

Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám Hà Nội.

Thực ra, không phải như vậy !

 Ở nước ta, bia đề tên tiến sĩ chỉ bắt đầu được thực hiện từ năm Hồng Đức thứ 15 (1484) dưới thời vua Lê Thánh Tông. Cụ Lê Quý Đôn đã chép trong Kiến Văn Tiểu Lục như sau :

"Nước nhà có Bia tiến sĩ là bắt đầu tự năm Hồng Đức thứ 15. Khi ấy vua sai quan Bộ Công đục đá, quan văn thần soạn bài ký, thuộc viên Trung thư viết chữ truyện, chừng là phỏng theo lối nhà Minh. Duy có khác là tên quan soạn văn được khắc ở sau bài văn bia.

Hồi ấy, triều đình cho lập Bia tiến sĩ các khoa ở triều trước, nhưng hiện nay chỉ còn 11 bia thôi.

 Bản triều mới trung hưng, trong nước còn đang thời kỳ nhiều việc, nên triều đình chưa kịp tính đến việc dựng bia.

Đến khoa Bính thân (1656), niên hiệu Thịnh Đức mới sai truy lập Bia tiến sĩ các chế khoa trước. Còn mấy khoa về sau, lại không được lập bia. 

Đến năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717), vua sai truy lập bia tất cả 11 khoa Những năm nào mà các viên tiến sĩ còn hiện diện, thì phí tổn do các viên dó tự biện. Có 5 khoa không còn hiện diện các viên tiến sĩ, thì phí tổn do công quỹ đài thọ. Bia nào cũng sai văn thần soạn văn.

Những khoa về sau, dựng bia thì các viên tiến sĩ trúng tuyển đó tự liệu công tác, rồi xin văn bia ở triều đình. Khắc cả tên quan soạn văn ở dưới bia" (Kiến Văn Tiểu Lục, sđd, tr 150).

bia2

Bia tiến sĩ năm Nhâm Tuất 1442.

Như thế ta thấy rằng, năm 1442, dưới thời Lê Thái Tông, khoa thi tiến sĩ chính thức của nhà Lê Sơ được tổ chức. Mặc dù vậy, phải đến năm Hồng Đức (Lê Thánh Tông) thứ 15 (1484), việc xây dựng bia mới được thực hiện, năm này, triều đình tiến hành việc lập bia đá ghi danh các tiến sĩ đã đổ kể từ khoa thi năm Nhâm Tuất (1442) thời Lê Thái Tông, từ đó về sau trở thành lệ.

Nhà Lê trải qua trên 300 năm, với trên 100 khoa thi, chỉ có 24 năm là dựng 1 bia, còn đều là dựng từ 2 bia trở lên. Hiện nay tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn lưu lại 82 tấm bia khắc tên những người đỗ Tiến sĩ của 82 khoa thi, từ khoa năm 1442 dưới thời Lê Thái Tông đến khoa năm 1779 dưới thời Lê Hiển Tông. Số tiến sĩ được khắc trên 82 tấm bia đó là 1306 người. Như đã nói ở trên, số bia này được dựng trong nhiều đợt với số lượng nhiều là vào năm 1484 (10 bia), 1653 (25 bia), 1717 (21 bia), còn lại rải rác trong nhiều năm. Số bia hiện còn so với số khoa thi không đầy đủ (82 bia/124 khoa thi). Bia đầu tiên khắc tên những người đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1442 do Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung (tiến sĩ khoa Kỷ Sửu 1469), người sau này được vua Lê Thánh Tông phong làm Tao Đàn Phó Nguyên soái soạn.

Trải qua bao cơn binh lửa, vật đổi sao dời, nhiều tấm ngày nay chữ đã mờ không sao đọc nổi, nhiều tấm bia nọ lắp vào rùa kia, nhiều tấm nứt vỡ phải gắn chắp lại. Tháng 4 năm 1976, Viện Khảo cổ phối hợp với phòng Bảo tồn bảo tàng sở Văn Hóa Thông Tin Hà Nội đã khai quật được thêm một con rùa đá để bia chìm sâu dưới lòng hồ cạnh Khuê Văn Các. Thân bia không thấy, song con rùa để bia đã nâng con số Bia tiến sĩ lên đến 83.

Lần tu sửa nhà bia cuối cùng vào năm Tự Đức thứ 16 (1863). Hồi ấy Bố Chánh Hà Nội là Lê Hữu Thanh cùng với thự Hậu quân Đô thống, Tổng đốc Hà Ninh là Tôn Thất Hân và án sát Hà Nội là Đặng Tá khởi xướng việc thu thập các bia tản mác dựng vào hàng lối như ngày nay, rồi làm hai nhà bia, mỗi nhà 11 gian để che mưa nắng cho các di vật quý giá này. Rồi ít lâu sau 2 nhà bia cũng không còn nữa.

Những năm thực dân Pháp xâm chiếm Hà Nội, 2 vườn bia có lúc hoang vắng, cỏ cao lút đầu. Nhà Nho Đào Văn Bình (1893- 1959) người làng Lăng, huyện Thư Trì tỉnh Thái Bình nhiều năm lưu tâm nghiên cứu về những sự kiện quanh các tấm Bia tiến sĩ, ví như sự kiện Nguyễn Huệ dựng lại Bia tiến sĩ. Ngày 21/6/1959 trước khi mất vẫn chưa thỏa chí vốn ước mong, để thư lại cho bạn là Trần Văn Giáp trao lại tư liệu và ký thác việc tiếp tục nghiên cứu. Trong thư có đoạn :

"Tôi đã nhiều lần mặc áo cộc, quần đùi, đi giày tây, ghệt, xung phong lội vào 2 vườn bia để khảo cứu hai điểm trên này, nhưng mỗi khi thấy cỏ cao hơn thước (hoặc cao hơn đầu) thì rụt chân lại, dùng dằng nấn ná cho đến bây giờ…" (QTG & TTV, sđd, tr 8).

Sau ngày miền Bắc giải phóng 1954, cơ quan văn hóa Hà Nội đã liên tục từng bước tu sửa và bảo vệ khu di tích Văn Miếu. Hiện nay 2 vườn bia đã sạch sẽ phong quang…

Văn bia tiến sĩ đã cung cấp những tư liệu quý giá cho lịch sử văn hóa nước nhà. Không thể không tìm đến những tư liệu gốc trên đá này nếu muốn tìm hiểu nghệ thuật chạm khắc, nghệ thuật viết chữ và lịch sử khoa cử dưới triều Lê. Về nội dung cũng phản ánh được một số đặc điểm về bối cảnh xã hội của khoa thi, cách chấm bài thi, người chấm, cách công bố tên họ người đỗ, thường không thể tìm thấy trong các sách Đăng Khoa Lục. Hơn nữa, những người được giao trách nhiệm soạn thảo hay nhuận sắc văn bia đều là những nhân vật nổi tiếng đương thời như Tân Nhân Trung, Vũ Duệ, Dương Trí Trạch, Bùi Sĩ Tiêm, Nguyễn quý Đức, Nguyễn Công Thể, Lê Quý Đôn…

Với những lời chải chuốt, nghiêm trang, nhiều bài văn bia nhắc tới những gương sáng và cả những gương xấu của những trí thức thời phong kiến đã được lịch sử ghi lại, hoặc biểu dương, hoặc lên án, để khuyến miễn, răn đe những sĩ tử đương thời, dù đỗ rồi hay chưa đỗ, lúc nào cũng phải cố gắng học tập, tu dưỡng nhằm đền ơn trên và đem lại an vui hạnh phúc cho dân chúng. Ở một chừng mực nhất định, văn bia có tác dụng giáo dục tinh thần, góp phần vào việc đào tạo một tầng lớp sĩ phu ở thời đại cũ, biết trọng khí tiết, không khuất phục trước uy vũ, không sa đọa vì lợi danh.

Nói đến 82 tấm bia còn lưu danh các vị Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội, dường như ai cũng biết những câu chữ tha thiết, trọng thị mà cụ Thân Nhân Trung đã viết trong tấm bia khoa thi Nhâm Tuất năm 1442 :

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì nước mạnh và vươn cao ; nguyên khí suy thì nước yếu mà xuống thấp. Vì thế, các bậc thánh đế minh vương không ai không lấy việc gây dựng người tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí là việc đầu tiên. Kẻ sĩ đối với đất nước quan trọng là thế cho nên quý trọng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng".

Cũng trên tấm bia này, ở một đoạn khác cụ đã viết :

"Hãy đem tên họ những người đỗ khoa thi này mà điểm lại. Người đem văn học, chính sự tô điểm cho cảnh trị bình, được quốc gia tin dùng suốt mấy chục năm cũng nhiều. Nhưng gián hoặc cũng có kẻ vì nhận hối lộ mà hư hỏng, hoặc sa ngã vào hàng bọn gian ác, có lẽ vì đời họ chưa được nhìn thấy tấm bia này (bia dựng sau khoa thi 42 năm-1484-NV). Ví thử đương thời được mắt thấy thì lòng thiện tất tràn đầy, ý ác tất ngăn chặn đâu còn dám nảy sinh như vậy được ? Xem thế việc dựng bia này ích lợi biết bao, kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đấy mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, vừa để rèn luyện danh tiết cho sĩ phu, vừa để củng cố mệnh mạch cho đất nước. Ai đó xem bia nên hiểu ý sâu này !". 

 Trên bia ghi danh Tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463) do Hàn Lâm Viện thị giảng Đào Cử soạn, có lời răn :

"Kẻ sĩ may được khắc tên trên bia đá này tất phải làm sao cho " danh" xứng với "thực", sửa đức hạnh (...) ngõ hầu trên không phụ ý tốt của triều đình ban khen, dưới không phụ chí cả phò vua giúp dân, để tiếng khen mãi mãi… Khiến người đời sau xem bia đá này chỉ tên mà nói : Người này tận trung với nước, người này để ơn cho dân, người này đạo nghĩa ngay thẳng, người này giữ đức lập công. Thật vinh hạnh. Nếu không người ta sẽ trông vào mà nói : Đồ gian tà, tuồng phụ bạc, quân hèn nhát. Công luận còn rõ ràng há lại không thận trọng được ư ?!".

Tất cả những tấm bia đều có những lời răn đe như thế :

"Nếu chỉ mượn tiếng đỗ đạt để cầu no ấm, lấy con đường ấy làm lối tắt để ra làm quan, thì đời sau sẽ gọi là kẻ tiểu nhân gian tà, thành ra nhơ nhuốc cho khoa mục" (Bia Tiến sĩ khoa Đinh Sửu 1577).

Bia tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám là một di sản văn hóa đặc biệt quý giá, có giá trị trên nhiều phương diện. Đó là dấu ấn của một phần tinh hoa trí tuệ và truyền thống hiếu học Việt Nam, là tấm gương muôn đời về tinh thần khổ luyện thành tài của nhiều thế hệ học trò ; đồng thời như là những thông điệp của người xưa muốn để lại cho hậu thế…

Tôn Thất Thọ

Nguồn : nghiencuulichsu, 18/10/20147

Tài liệu tham khảo :

- Kiến Văn Tiểu Lục, Lê Quý Đôn, Bộ giáo dục Sài Gòn, 1962.

- Tuyển tập văn bia Hà Nội, Ban Hán Nôm (Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1978.

- Các triều đại Việt Nam, Quỳnh Cư & Đỗ Đức Hùng, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2000.

- Quốc Tử Giám và trí tuệ Việt, Đỗ Văn Ninh, Nhà xuất bản  Thanh Niên, 1995.

Quay lại trang chủ
Read 888 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)