Vùng cao ở Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi tôn giáo mạnh mẽ của một dân tộc thiểu số bị gạt bên lề xã hội trong suốt ba thập niên qua.
Tín đồ Hmong là sinh viên dự một buổi lễ trong nhà thờ ở Hà Nội
Kể từ thập niên 1980, từ chỗ đạo Tin Lành hầu như không được nhắc đến ở vùng núi phía bắc Việt Nam, đến nay khoảng 300.000 trong số 1.000.000 người Hmong là tín đồ Tin Lành.
Theo thời gian, những tác động của việc thay đổi tôn giáo đối với xã hội, kinh tế và chính trị ngày càng khó bỏ qua, từ việc bị ngược đãi, di dân đến việc thay đổi lối sống và các quan hệ mới về giới.
Đức tin từ 'phát thanh sóng ngắn'
Ngày nay có khoảng 4 triệu người nói tiếng Hmong sống rải rác khắp các biên giới Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Thái Lan, cộng với lượng người di cư đáng kể đang sống ở Mỹ và Úc.
Người Hmong ở Trung Quốc còn gọi là Miêu tộc theo Thiên Chúa giáo trong một làn hát Thánh Ca
Bản sắc dân tộc chung được họ tạo dựng trên các phương ngữ thông hiểu được, và tên của các dòng họ giống nhau, dù sống ở đâu.
Gần giống với người Kurd ở Trung Đông, người Hmong tách ra thành một số nhóm lớn nhưng lại bị gạt ra ngoài lề. Trong suốt Chiến tranh Lạnh, người Hmong bị mắc kẹt trong cuộc xung đột giữa hai phe : cộng sản và lực lượng của Hoa Kỳ. Tướng Vàng Pao lừng danh chống Cộng được CIA ở Lào tài trợ.
Khi Thiên Chúa giáo bắt đầu lan rộng tại vùng cao Việt Nam vào cuối những năm 1980, điều ngạc nhiên là tại đây không có sự hiện diện của các nhà truyền giáo nước ngoài.
Sự phát triển này bắt nguồn từ việc dân làng tình cờ phát hiện một chương trình phát thanh từ Manilla, truyền bá Phúc âm bằng tiếng Hmong. Hào hứng vì nghe được ngôn ngữ của mình trong không trung, những người này liền nói với hàng xóm và họ hàng để cùng dò kênh nghe. Các bản tin và thông điệp truyền đi nhanh như đám cháy rừng.
Đàn áp tôn giáo và các phản ứng
Trước sự lớn mạnh của đạo Tin Lành trong người Hmong, chính quyền Việt Nam phản ứng bằng cách bác bỏ, và không công nhận sự tồn tại của đạo này, phát tán các ấn phẩm tuyên truyền chống lại đạo này và hạn chế sự tự do tín ngưỡng.
Phụ nữ Hmong ở vùng núi Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong kinh tế địa phương
Với lịch sử đấu tranh chống đế quốc phương Tây, chính phủ buộc tội "các thế lực thù địch bên ngoài" thúc đẩy đạo Tin Lành để làm suy yếu niềm tin của người dân vào chủ nghĩa cộng sản và gây bất ổn xã hội dọc theo các biên giới chiến lược quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Văn bản tuyên truyền một thời nhằm khuyên người Hmong không theo Ki Tô giáo
Theo các tổ chức nhân quyền, những người vào đạo Tin Lành bị chính quyền địa phương đe doạ, bắt giữ, phạt tiền, bị đánh đập, bị tịch thu tài sản và buộc phải từ bỏ đức tin.
Nhiều người Hmong đã trốn chạy sang Lào, Thái Lan và các vùng khác của Việt Nam để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sự đàn áp tôn giáo đã giảm bới trong những năm gần đây. Tuy vậy các nhà thờ mới vẫn rất khó có được sự công nhận chính thức.
Sau một giai đoạn bị cấm hoặc ngăn chặn, nay người Hmong có thể hành lễ và dùng tiếng Việt để đến với Thiên Chúa
Kỳ thị tôn giáo vẫn tiếp diễn khi những người theo đạo Tin Lành bị từ chối cấp học bổng hoặc vào làm viên chức nhà nước, điều được cho là cách duy nhất để có được thu nhập ổn định ở các vùng núi làm nghề nông.
Những kết nối mới và cơ hội mới
Người Hmong đang ở vị trí dưới cùng của hệ thống cấp bậc các nhóm dân tộc Việt Nam, với mức nghèo đói cao nhất và trình độ học vấn thấp nhất.
Vì sống ở các địa bàn sâu và xa, họ không được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam. Những sáng kiến phát triển do địa phương khởi xướng thường có kết quả đáng thất vọng vì thành kiến sắc tộc và những hiểu lầm văn hóa.
Sapa, Việt Nam : mẹ con người Hmong ngồi nghỉ trước một nhà thờ địa phương
Tuy nhiên, một số tín đồ đạo Tin Lành người Hmong hiện nay có thể tiếp cận các nguồn tài trợ, các thông tin mới và sức mạnh mới thông qua các mạng lưới tôn giáo.
Ví dụ, nhiều trường Kinh Thánh ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho phép học sinh dân tộc thiểu số học tập và sống ở đó với mức phí tối thiểu.
Sinh viên Hmong học nhiều về thần học. Họ được tiếp xúc với môi trường đô thị và sau khi tốt nghiệp, họ sẽ mang về bản làng tư duy mới và cách kiếm sống mới.
Nhiều lãnh đạo Giáo hội cũng liên kết với các nhà truyền giáo và các tổ chức nước ngoài trong các đại nghị đạo Tin Lành. Một vài người trong số họ có mong muốn tài trợ cho các nhà thờ hoặc cho các sáng kiến giảm nghèo.
Thay đổi lối sống và xu hướng về giới
Ngay cả những cán bộ nhà nước luôn có thái độ ác cảm trước đây cũng thừa nhận một số mặt tích cực của các tín đồ đạo Tin Lành người Hmong. Chẳng hạn, khi cải đạo, các tín đồ được khuyên bỏ rượu và thuốc lá.
Vì bạo lực gia đình có liên quan chặt chẽ với tình trạng say xỉn, phụ nữ Hmong nhận thấy đạo Tin Lành là một con đường để họ được trao quyền. Họ thường cải đạo đầu tiên, sau đó thuyết phục chồng cải đạo theo mình.
Mặc dù phần lớn các linh mục là đàn ông, phụ nữ lại chiếm đa số trong các giáo hội và họ thường đi đầu các hoạt động của nhà thờ.
Một nhóm đàn ông Hmong ngoài chợ
Mặt khác, bia rượu vẫn là thứ kết nối đàn ông nên bỏ rượu đã tạo nên xung đột giữa người theo đạo Tin Lành và người không theo đạo này.
Gia đình và cộng đồng đã bị chia rẽ khi cả hai bên đều có thù oán và hiểu lầm đối với nhau, lại được đẩy cao bởi những cáo buộc của chính quyền về hoạt động tôn giáo.
Hủy hoại hay bảo tồn văn hóa ?
Một mối lo ngại khác là các tín đồ đạo Tin Lành Hmong thường từ chối nghi lễ và cúng bái truyền thống. Nhiều pháp sư người Hmong và người không theo đạo Tin Lành sợ rằng văn hoá của họ đang bị mai một đi.
Chính phủ cũng khá lo lắng vì ngành du lịch của các dân tộc vùng cao đang được thúc đẩy bằng cách đưa các tín ngưỡng văn hoá và phong tục ra trưng bày.
Người Hmong đạo Tin Lành thì phản đối cáo buộc này.
Khi học Kinh Thánh Hmong, họ tuyên bố là họ đang bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết, một khía cạnh quan trọng của văn hoá mà không còn dạy trong trường nữa.
Các vấn đề vừa nêu có lẽ sẽ ngày càng dễ nhận thấy hơn khi mà đạo Tin Lành tiếp tục lớn mạnh trong cộng đồng người Hmong và các nhóm dân tộc khác ở Việt Nam.
Seb Rumsby
Nguồn : BBC, 22/10/2017
Seb Rumsby hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Warwick, Anh Quốc.