Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

29/10/2017

Dế mèn không phiêu lưu 2 : Truyện ngắn Thụy Sĩ

Người Buôn Gió

Tôi gặp ông một ngôi làng ở Lausanne, người đàn ông Việt Nam 75 tuổi ấy sống trong ngôi nhà rất đẹp nhìn ra ven hồ Leman.

Ông kéo tôi ra mảnh vườn đằng sau, đủ thứ cây cối và hoa lá được trồng và chăm sóc rất cầu kỳ. Ông nói phải thuê một công ty chăm sóc mảnh vườn này, hàng tháng có hai người của họ đến xem xét và chăm sóc từng chiếc cây, có hồ sơ theo dõi ghi chép về tình trạng từng cây, kể cả chiếc cây nhỏ.

thúyi1

Tôi hỏi mùa đông đến sẽ thế nào, ông nhún vai.

- Có những cây sẽ chết.

Tôi kể tôi đã thấy mảnh vườn trên sân thượng của một bà người Việt ở Munich, mảnh vườn ấy được bọc trong nhà kính, chỉ rộng chưa đầy 16 mét vuông nhưng hình như ngốn của bà ấy mấy trăm ngàn euro lúc ban đầu và tiền chăm sóc, sưởi cho cây hàng tháng vào mùa đông cũng rất nhiều tiền. Ông ta cười đáp.

- Nếu cả cái vườn này làm kính và hệ thống sưởi, nó sẽ nhiều tiền lắm.

Cách cười và trả lời của ông ta, làm tôi nghĩ ông ra không bận tâm về số tiền nếu như ông làm nhà kính và hệ thống sưởi cho khu vườn, như vì ý gì đó mà ông không muốn làm mà thôi.

Ông ta không phải người lạ lùng lần đầu tôi gặp, trước đây tôi gặp một ông còn già hơn ở bên Mỹ. Ông già bên Mỹ không hiểu sao có số điện của tôi, hàng ngày ông gọi từ Mỹ sang Đức cho tôi để tâm sự đủ thứ chuyện và nói từ thượng tầng chính trị, kinh tế đến đời sống của ông. Tôi kiên nhẫn nghe và chắt lọc ra những gì mình cần. Đến một ngày, sau khi cứ gọi liên miên cho tôi như thế khoảng 2 tuần, ông già bên Mỹ nói.

- À cái đm tao quên, tao cứ nói như thế này mà mày không biết tao là ai, chưa gặp mày nghĩ tao dở hơi nói luyên thuyên. Thế bình quân bên ấy đi làm một tháng lương bao nhiêu ?

Tôi bảo khoảng 2 ngàn.

Ông già bên Mỹ bảo.

- Vậy tao sẽ gửi mày 2 ngàn, coi như công mày đi làm và nghe tao kể chuyện.

Lúc ấy tôi ở Weimar, thành phố vắng vẻ chỉ có vài người Việt, tôi cũng rất buồn. Có người nói chuyện hàng ngày và đủ thứ chuyện là nguồn vui, nhưng mà tự nhiên có người cho tiền để nghe kể chuyện thì cũng nên nhận xem có người nào dị nhân như thế trên đời không. Ông ta chuyển tôi 2 ngàn thật, đó là một tờ séc, tôi phải ra ngân hàng mở tài khoản và đưa tờ séc ấy, nhân viên ngân hàng Deutsbank ở Weimar làm vài động tác và trong tài khoản của tôi có 2 ngàn USD, đổi ra được 1774 euro thời điểm ấy.

Cái MacBook và chiếc iPhone tôi đang dùng đây cũng của ông già bên Mỹ, đợt tôi sang qua nhà ông, ông dẫn tôi đi và cứ thế mua bảo mày phải dùng máy tốt, viết cho bà nhà tao đọc. Bà đây là vợ ông. Ông nói bà ấy theo tao cả cuộc đời, bao nhiêu lúc thăng trầm, tù tội bà ấy chịu đựng theo tao. Tao khuyên mày nên sang Mỹ sống, có cơ hội nhiều. Còn nếu muốn sống ở Đức mà làm gì thì nói tao sẽ lo vốn cho, mở cái tiệm ăn cũng ổn.

Ông dẫn tôi vào cửa hàng quần áo Polo và mua gần đầy va li, ông bảo mày mặc đồ này hợp, trông nó bụi hợp tính mày.

Lúc về lại Đức, tôi có cả một gia tài, quần áo, máy móc và dĩ nhiên là một phong bì usd nữa.

Ông già bên Mỹ không thích Việt Nam Cộng Hoà, càng không thích Việt Nam Cộng Sản. Ông chỉ thích tiền và tiền. Một ngày ông ta đọc tôi viết về cuộc đời tôi, rồi ông ta muốn gặp tôi để kể về cuộc đời của ông ta li kỳ và thăng trầm gấp tôi hàng ngàn lần. Chỉ thế thôi, ông ta chi cho tôi một đống tiền để tôi nghe mà chả cần tôi phải làm gì cho ông cả.

Ông già bên Thụy Sĩ chắc không giàu bằng ông già bên Mỹ, nhưng hẳn ông cũng có nhiều triệu euro trong ngân hàng, loại tiền sạch. Ông là người Ninh Bình theo đạo Thiên Chúa Giáo, di cư vào Nam theo bố mẹ năm 1954, sau biến cố 75 ông sang đây và kinh doanh sinh sống từ đó đến giờ. Ông có các con lớn trưởng thành người làm ngân hàng, người làm kỹ sư ở Thụy Sĩ. Vợ ông mất hơn chục năm. Ông già Thụy Sĩ và Mỹ giống nhau về số phận, tính cách. Cả hai đều không thích Việt Nam Cộng Hòa hay Việt Nam cộng sản và cả cuộc đời là chăm chú kiếm tiền.

Bây giờ tôi vỡ lẽ ra một điều, nhưng người thực dụng toan tính chăm chú kiếm tiền cả đời, có khi họ lại là những người lãng mạn và mơ mông nhất. Họ có thể làm những điều rất lạ lùng với tính cách mà ta thường nghĩ về họ, đó là chi tiền vào một việc không đâu.

Chúng tôi ngồi ngoài vườn, trên chiếc ghế xếp và bàn xếp ông mang trong nhà để xe ra. Ông đặt trên bàn chai rượu và hộp xì gà và một ấm trà.

Ông uống rượu và hút xì gà , tôi uống trà và hút thuốc lá. Tôi không biết uống rượu lẫn hút xì gà. Ông giảng cho tôi một loạt kiến thức về đồng hồ đeo tay của Thụy Sĩ, rồi ông bê ra một khay đồng hồ Thụy Sĩ đủ loại cho tôi chiêm ngưỡng. Tôi thích thú chụp tá lả các kiểu. Ông bảo tôi thích chơi loại nào, tôi nói làm sao tôi có tiền được. Ông bảo tao hỏi mày thích loại nào.

Tôi nói thích Rolex, vì nếu cần tiền lúc nguy cấp dễ bán.

Ông nhặt ra một chiếc Rolex trong khay đồng hồ của ông, rồi lấy một dụng cụ nhỏ trong cái túi con ở mép hộp, không cần kính lúp hay kính đeo mắt, ông dễ dàng tháo ra hai mắt dây chiếc đồng hồ cất đi và nói.

- Tôi giữ hai cái mắt này và giấy tờ, cậu lấy cái này đeo.

Tôi ngạc nhiên, tôi không biết lúc ấy mặt tôi thế nào. Tôi đeo thử nó vừa khít tay tôi và tôi ngạc nhiên thêm lần nữa là ông già không hề đo, chỉ liếc nhìn cổ tay tôi và biết tháo đi mấy mắt dây là vừa.

Tôi ngắm mãi cái đồng hồ trên cổ tay mình, ông già bất chợt nói.

- Cậu đừng có theo bọn..., bọn nó không tốt.

Tôi chưa hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nhìn ông ngỡ ngàng. Ông nhìn xa xăm nói.

- Chúng nó khác cậu, không chơi được. Tôi là người kinh doanh, tôi hiểu chúng theo cái nhìn kinh doanh. Góp ý với cậu thế.

Tôi tháo cái đồng hồ, đưa lại cho ông.

- Em đeo không hợp, nó đắt tiền quá, đeo cũng vô duyên. Chuyện bọn kia em chơi giữ mức độ có thể dừng lúc nào cũng được, không bị chi phối hay ràng buộc bằng bất cứ thứ gì.

Ông già nói.

- Chuyện đó tôi hiểu cậu, còn cái này tôi cho cậu, nếu cậu chưa muốn đeo tôi giữ hộ.

Ông cho chiếc đồng hồ lại hộp khay đựng, rồi đứng dây cất đi.

Lúc tôi về, ông đưa hộp trà Long Tỉnh nói.

- Loại trà này phải đặt mua, một hộp trà này rất đắt tiền, cậu đi đường giữ cẩn thận, về đến nhà việc đầu tiên là mở ra uống và nhớ đến tôi.

Tôi về đến nhà nghỉ ngơi, hôm sau mở hộp trà ra định pha uống, chiếc Rolex vàng hồng mặt số kim cương nằm trên những cánh trà Long Tỉnh.

Hộp trà tôi pha uống có lần đó, giờ vẫn còn.

May tôi không hỏi ông rằng, có phải ông thấy con dế đực giữa ban ngày nhảy ra sân gáy thách thức con gà trống không. Tôi nghĩ nếu như tôi hỏi câu ấy, nó là sự xúc phạm nặng nề mà ông sẽ không chịu đựng được.

Nghe một câu chuyện hoang đường, nhưng nó chả hại ai, nếu nghe chăm chú với tầm suy nghĩ khác, thoát khỏi những quy luật vật chất tầm thường với niềm tin những điều quá mơ mộng trong đó là sự thật. Có khi bạn sẽ nhận được một chiếc đồng hồ bằng một gia tài.

Tôi đã nghe ông già bên Mỹ kể mọi thứ một cách kiên nhẫn, dù tôi không biết ông ta thế nào. Tôi cũng nghe câu chuyện về con dế mèn của ông già bên Thụy Sĩ dù chưa gặp và cũng chưa biết ông ta thế nào. Nhưng tôi không hoài nghi về câu chuyện của họ, tôi nghe và nhặt ra những điều gì bổ ích cho mình.

Các bạn biết không, từ một thằng lưu manh , thất học và mang tiền án, tiền sự. Ngày hôm nay tôi ngồi ở nước Đức này trong một cuộc sống khá đầy đủ. Không phải vì tôi thông minh hay may mắn.

Tôi nghĩ , để có điều đó, là do tôi tin những điều nhỏ nhặt và đầy mơ mộng là có thật.

Tất nhiên sẽ nhiều bạn đọc nghĩ rằng câu chuyện tôi kể trên là không có thật.

Người Buôn Gió

Nguồn : fb.nguoibuongio1972, 29/10/2017

Quay lại trang chủ
Read 880 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)