Đấy không chỉ đơn giản là một khu chung cư lớn ở trung tâm Sài Gòn. Đó còn là một nhân vật có tay và chân mà mạch máu là những dãy hành lang và các hộ dân cư, mạch sống chính. Và đó cũng là những gì phóng viên ảnh Laurent Weyl đã tâm sự với trang mạng Asialyst về bộ tập ảnh "President Hotel" của mình, ra mắt công chúng Pháp ngày 07/12/2016, do nhà xuất bản Sun/Sun phát hành. Lời bình do các nhà báo Donatien Garnier và Sabrina Rouillé biên soạn.
Khu chung cư President Hotel - Sài Gòn. (RFI chụp lại từ http://www.collectifargos.com)
Với phông màu xám xanh, hơi tối, tập sách ảnh dày hơn 160 trang của Laurent Weyl được chia làm hai phần. Phần một chiếm phần lớn số trang sách (hơn 130 trang) dành để giới thiệu các bức ảnh. Và phần hai dành cho lời chú giải (Sabrina Rouillé) và lời bình (Donatien Garnier).
Những mảnh vụn ký ức
"President Hotel" không ai khác chính là khu chung cư cũ nát nằm ở số 727 đường Trần Hưng Đạo, không xa mấy khu Chợ Lớn. Nhìn từ xa, dưới ánh đèn đêm người ta có thể thấy mọc lừng lững giữa những ngôi nhà mới xây và các cao ốc chọc trời lộng lẫy là một tòa nhà đen đúa mốc xì, có vẻ chẳng giống ai, chẳng hợp với cảnh quan xung quanh chút nào.
Một trang ảnh trong bộ sách "President Hotel" của nhà nhiếp ảnh Laurent Weyl.RFI / Tiếng Việt
Nhưng những tấm ảnh về President Hotel của Laurent Weyl đã hai lần được trao giải thưởng : Giải ảnh phóng sự xuất sắc tại Vienna International Photo Award và Giải của Ban giám khảo Roger Pic de la Scam dành cho bộ ảnh. Chị Tường An, một người chơi ảnh nghiệp dư, nhận xét nét độc đáo của tập ảnh "President Hotel" của Laurent Weyl đã lột tả được những "ký ức" của một nơi sống và của từng con người ở đó :
"Đó là một nơi chốn kỷ niệm, những nơi mà người ta đã từng sống để lại trong ký ức : trên những bưc tường, sàn nhà, hay nóc nhà, những nơi mà người ta đã từng đi qua, kể cả trên những chiếc ghế ngồi, trên những vật dụng. Rồi ánh sáng đi xuyên qua những vật dụng đó, những nơi mà tác giả muốn làm nổi bật cũng giống như là những ký ức trong mỗi con người, ở đó chúng ta không thể nào giữ lại được hết mà chỉ giữ lại những chi tiết quan trọng nhất.
Điểm quan trọng nữa là hình ảnh những con người ở đó, đôi khi không phải là hình chụp toàn thân mà những mảnh vụn. Đó là những mảnh vụn của con người hay cũng có thể là những mảnh vụn của cái nơi mà con người đã từng ở. Đấy cũng chính là những mảnh vụn của ký ức, mà ký ức không bao giờ trọn vẹn.
Ví dụ như hình ảnh một con gấu bông được treo lơ lửng ngoài cửa sổ, được tác giả chụp từ dưới lên. Hình ảnh chú gấu đó giống như là ký ức tuổi thơ, nơi trẻ con từng đi qua, từng sống. Hình ảnh này mang một ý nghĩa rất là mạnh".
Tuy đen đúa xấu xí, nhưng tòa chung cư này lại khá nổi tiếng ở Sài Gòn. Anh Laurent Weyl cho biết là các nhiếp ảnh gia và các trường đào tạo đạo diễn vẫn thường lựa tòa nhà này để chọn góc quay và chụp ảnh. Thổ lộ với phóng viên trang mạng Asialyst, nhà nhiếp ảnh Pháp cho biết cơ duyên nào đã dẫn anh đến với tòa nhà này :
"Chỉ là một sự tình cờ. Vào năm 2007, tôi đến để làm phóng sự về những người di dân từ nông thôn lên thành phố làm việc. Chính trong quá trình tìm hiểu đã dẫn tôi đến President Hotel. Nơi này là một trong số các địa điểm hiếm hoi mà tôi đã có thể khám phá và nghĩ rằng phải trở lại lần nữa vì có điều gì đó để viết.
Khoảng không gian này chứa đựng nhiều câu chuyện để thuật lại, kể cả trên phương diện ảnh chụp (…). Tôi rất muốn biết các sinh viên đến từ nhiều vùng miền khác nhau, họ sinh sống ra sao ở thành phố. Nhờ một người định cư tại chỗ mà tôi đã được biết đến President Hotel. Các bạn sinh viên mà chúng tôi gặp trao đổi họ thuê một căn hộ cho 5-6 người. Đó từng là chỗ ở thuê dễ tìm nhất đối với các bạn. Sau đó thì tôi đến sống hẳn ở Sài Gòn vào năm 2011 với hy vọng hoàn thành dự án này (…)".
Gấu bông lơ lửng trong President Hotel của Laurent Weyl.RFI / Tiếng Việt
"President Hotel" : Một nhân chứng lịch sử đang bị phá hủy ?
President Hotel đứng sừng sững giữa lòng thành phố từ hơn nửa thế kỷ nay, lặng lẽ nhìn dòng lịch sử trôi qua, những biến đổi của Sài Gòn qua từng giai đoạn phát triển. Theo tìm hiểu của cô Sabirna Rouillé, President Hotel được một người giàu có ở miền Nam Việt Nam xây dựng trong những năm 1960. Vào thời ấy, President Hotel từng được xem là khu chung cư cao nhất và đẹp nhất.
Cao 13 tầng, với những hành lang rộng rãi thoáng đãng và một hồ bơi trên sân thượng, tòa cư xá này từng là một địa điểm đặc biệt, được xây dựng kiên cố và rất an toàn trong suốt cuộc chiến. Trong những năm cuối cùng của cuộc xung đột, quân đội Mỹ vốn ủng hộ chế độ cộng hòa Nam Việt Nam đã từng thuê làm nơi nghỉ ngơi cho các binh sĩ thủy quân lục chiến YBRM-20. Khu cư xá được trang bị đầy đủ các tiện nghi gồm một quán bar, một nhà hàng và một phòng chơi bi-da.
Tạo hóa trêu ngươi, President Hotel trước đón lính Mỹ, sau đón những người "bên thắng cuộc". Trong suốt những năm sau ngày Việt Nam thống nhất 30/04/1975, khu cư xá này lần lượt tiếp đón những đợt dân cư mới. Ban đầu là những quan chức chính quyền và quân đội đến từ miền Bắc, rồi sau đó là những người thuộc trường Phát thanh và Truyền hình (năm 1980).
Vào giai đoạn này, President Hotel đón tiếp nhiều nghệ sĩ của nhà hát kịch Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn dân cư của tòa nhà này trở nên đông đúc nhất, khoảng 600 hộ gia đình, tức khoảng 2500 dân. Nhưng đến năm 2000, khu nhà bắt đầu xuống cấp do không được bảo quản tốt. Gần trung tâm đô thị, mảnh đất cũng trở nên đắt giá. Dân cư ngày càng đông đúc, nhà ở khan hiếm, đất xây nhà trở nên đắt đỏ, phát triển đô thị trở thành một thách thức lớn cho chính quyền thành phố Hồ Chí Minh.
"Thợ may" trong tập ảnh President Hotel của Laurent Weyl.RFI / Tiếng Việt
"President Hotel" : Biểu tượng của sự mai một văn hóa cộng đồng ?
Giờ đây, với dự án xây dựng một khu trung tâm thương mại lớn thay vào chỗ khu cư xá, các hộ dân của President Hotel được yêu cầu di dời đi nơi khác. Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn trang mạng Asialyst.com, cô Sabrina Rouillé lấy làm tiếc rằng mất President Hotel, Sài Gòn như mất đi thành trì văn hóa cộng đồng cuối cùng trước đà hiện đại hóa như vũ bão của thành phố. Chính nét đẹp văn hóa đó đã tạo nên hồn sống, những nét đặc trưng hiếm có cho tòa nhà cũ nát đối nghịch với nếp sống hiện đại vị kỷ ngay giữa lòng Sài Gòn :
"Khu chung cư này đặc biệt là vì trước hết nó rất là lớn. Chúng còn phản ảnh nhiều điều về Việt Nam. Ở đó, người ta không chỉ tìm lại được màu sơn xanh dương nổi tiếng, mầu vôi xanh rất phổ biến quét lên các tòa nhà trên khắp cả nước, nhất là ở những ngôi nhà cổ, mà người ta còn có thể gặp tất cả các kiểu buôn bán nhỏ lẻ như trường hợp các cô bán phở trong chung cư.
President Hotel là hiện thân cho sự hòa trộn giữa không gian riêng và chung : Những căn hộ riêng luôn mở rộng cánh cửa ra những dãy hành lang chung, ở đó tất cả mọi người thường hay tụ tập. Đó chính là một thành phố nhỏ trong thành phố, như là tựa đề bài bình trong tập ảnh".
Đối với anh Laurent Weyl, những đặc điểm đó mang đậm nét văn hóa làng xã, rất ư là nông thôn Việt Nam. Anh xúc động nhớ lại : "Đó giống như là một thế giới thu nhỏ phản ảnh rõ nét nếp sống nông thôn Việt Nam. Các hộ dân cư ở đây đều là công chức, nhưng vẫn giữ nếp sinh hoạt thường nhật theo kiểu làng xã : từ việc ngồi ăn trên những chiếc ghế nhựa trong các quán cóc hay đến tiệm phở, nhưng thói quen ăn mặc vẫn không thay đổi – mặc đồ bộ hay ở trần.
Ngoài hành lang, người ta bắt gặp hình ảnh những người bà lẽo đẽo đuổi theo đứa cháu để dỗ chúng ăn (…). Tại President Hotel, ai cũng là bạn hết và luôn dành một ít thời gian gặp gỡ sau giờ làm việc. Rời khỏi không gian này, tức là rời bỏ ngôi làng của mình".
"Điểm tụ tập" trong President Hotel của Laurent Weyl. RFI / Tiếng Việt
Đây cũng chính là điều làm cho cô Sabrina Rouillé cảm thấy ray rứt, nuối tiếc. Những giá trị văn hóa làng xã của người Việt Nam đang dần mai một, thay thế vào đó là lối sống cá nhân, khép kín trước những biến đổi nhanh chóng của kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
"Đó từng là nơi của một cuộc sống chan hòa vui tươi, tương thân tương ái như là việc cùng nhau chia sẻ trách nhiệm bảo quản tòa nhà. Tất cả những điều đó hoàn toàn đúng với bản chất của nông thôn đối lập với thành phố là vị kỷ. Việt Nam là một quốc gia từ lâu quen sống với khái niệm cộng đồng. Những mối quan hệ này đang bị giãn dần tại thành phố nơi mà mỗi người sống trong những căn hộ hay những ngôi nhà riêng. Rời President Hotel, đó cũng làm mất đi sự sống một khu phố, những mối quan hệ xóm giềng quan trọng, và nhất là buộc phải bắt đầu lại từ đầu ở nơi khác. Một sự mất gốc rễ thật sự".
Dưới trời đêm thanh mát, nhìn từ xa, President Hotel đứng trơ trọi giữa muôn ngàn căn nhà mới bao bọc xung quanh. Xa xa lấp lánh ánh đèn từ những tòa cao ốc lộng lẫy, President Hotel như một người thép bê tông khổng lồ, cố vươn mình buồn bã ngắm nhìn lần cuối Sài Gòn trước khi tan thành khói bụi, mang theo bao nỗi ký ức thăng trầm cùng với lịch sử thành phố. President Hotel, một thời huy hoàng, một thời để nhớ…
Minh Anh