Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

29/01/2017

Có nên bỏ Tết ta ?

Song Chi

Vài năm gần đây, cứ Tết đến là lại thấy có những ý kiến xới lại về việc có nên bỏ ăn Tết ta, gộp chung Tết ta với Tết tây thành một ngày hay không.

tet0

Thiệp chúc Tết nguyên đán - Ảnh minh họa 

Những người anti-Tết

Những người đưa ra ý kiến bỏ Tết ta thường nêu lý do ăn Tết Âm lịch kéo dài quá mất thêm nhiều ngày lao động, tốn kém quá, người giàu không nói gì nhưng người nghèo cũng ráng chạy ngược chạy xuôi, thậm chí vay mượn đầu này đầu kia cho có cái Tết với người ta, sau đó ra Tết lại kéo cày trả nợ. Rồi thì tỉnh này tỉnh kia nhiều lúc phải xin trung ương cấp gạo cứu đói nhưng vẫn cứ bày vẽ trang hoàng đường phố, cơ quan cực kỳ tốn kém.

Tết còn là dịp để người giàu vung tiền chi quá tay, săn lùng những món hàng độc làm quà biếu sếp hoặc trưng bày trong nhà như chim quý hàng chục triệu, những chậu cây cảnh có giá từ vài chục đến hàng trăm triệu, những cây mai cổ thụ tiền tỷ, rồi năm con gì thì có quà độc năm đó, ví dụ như năm con gà thì có gà chín cựa cho tới gà mạ vàng, bưởi Hồ lô tài lộc, vàng miếng dập thành thỏi vàng đặt trong bao lì xì đỏ v.v… Rồi tìm mua cho được những món ăn cho là quý, bổ thận, tráng dương gì đó để ăn và biếu người khác…

Với nhiều người giàu ở Việt Nam bây giờ thì lại không thèm ăn Tết trong nước vì đi lại xe cộ chỗ nào cũng đông đúc, mệt mỏi, rồi phải thăm viếng, chúc Tết nhau, nấu nướng đãi đằng… Nên sau này nhiều người giàu Việt Nam chọn ngày Tết để đi du lịch xa vừa đổi gió vừa tránh những nỗi nhọc mệt nói trên. Tết do vậy càng làm lộ rõ khoảng cách giàu nghèo, tạo thêm mặc cảm cho người nghèo.

Tết còn là dịp để những nếp xấu trong văn hóa xã hội Việt thời nay lại có dịp bung ra. Nạn ăn uống nhậu nhẹt thừa mứa, nhậu say thì lại lời qua tiếng lại, tranh cãi, thậm chí đánh lộn, năm nào cũng có những vụ đánh nhau đâm nhau vì nhậu, nhất là ba ngày Tết. Rồi tai nạn giao thông năm nào cũng xảy ra. Bởi Tết đến đâu phải ai cũng có tiền đi máy bay, người có thu nhập trung bình hay người nghèo lại phải đi xe, mua vé phải chen chúc chầu chực, xe đò thì ham tiền nhồi nhét khách như nêm, coi khách chả ra gì, rồi phóng nhanh phóng ẩu gây tai nạn. Năm nào cũng vậy cứ mua báo, mở máy tính ra đọc báo online là thấy đủ thứ tai nạn ngay trong ngày mùng một Tết…

Vệ sinh thực phẩm bây giờ thì không bảo đảm an toàn, thực phẩm độc hại từ Trung Quốc tuồn qua đã đành, mà do chính người Việt vì ham lợi nhuận nên làm hại cho người mua cũng không ít ; ngày Tết ăn nhiều, mua sắm nhiều càng dễ bị ngộ độc.

Và cuối cùng, cũng có những ý kiến cho rằng Tết Nguyên đán của người Việt vốn là phiên bản Tết Nguyên đán của người Hoa, nếu muốn thoát Trung hãy bắt đầu từ những việc như thoát khỏi văn hóa, phong tục tập quán ảnh hưởng từ người Hoa, trong đó có cái Tết Âm lịch, một điều mà người Nhật đã dứt khoát từ bỏ.

Đó là cái nhìn của những người anti-Tet mà tình hình thực tế cũng đúng là như vậy thật, ở Việt Nam bây giờ.

Những người pro-Tết

Những người đưa ra ý kiến giữ Tết ta thường nhấn mạnh Tết là dịp lễ lớn nhất, quan trọng, vui và nhiều ý nghĩa nhất trong đời sống xã hội Việt Nam. Tết là nét đẹp truyền thống, là dịp để gia đình, họ hàng quây quần xum họp bên nhau, nhớ về cội nguồn tổ tiên, thắt chặt những mối yêu thương gắn bó mà nhiều khi cả năm quay cuồng với việc mưu sinh nên cũng có phần lơi là, lạnh nhạt. Người đi làm xa quê, người rời nước ra đi làm ăn sinh sống ở xứ người, cứ đến Tết là lại cố gắng để quay về nhà, quay về Việt Nam. Ai không về được thì ba ngày Tết cứ bần thần, nhớ quê hương, nhớ Tết.

Không biết các nước Âu Mỹ khác thì sao nhưng ở Na Uy nơi tôi đang sinh sống, Tết Dương lịch chả có ý nghĩa gì lớn lắm đối với người Na Uy, thậm chí họ ăn Giáng Sinh to hơn, vì trong văn hóa của họ, Giáng Sinh là ngày lễ dành cho gia đình, Tết Dương lịch là dành cho bạn bè. Cho nên ngoài đường chả có trang hoàng gì nhiều. Ở một số quốc gia khác thì lễ bắt đầu từ Giáng Sinh kéo qua Năm Mới, nên việc trang hoàng đường phố, trang trí nhà cửa là cho cả Giáng Sinh và Năm Mới.

Trong cái nhìn của riêng mình, tôi cho rằng người dân ở nhiều quốc gia ở phương Tây, trong đó có các quốc gia Bắc Âu, có những cái thiệt thòi so với người dân Việt Nam. Ví dụ, không có chợ mà chỉ có siêu thị (siêu thỉ thì đẹp đẽ, sang trọng nhưng cái nào cũng na ná cái nào, đâu phong phú như chợ với đủ loại chợ, rồi chợ ở thành phố lớn có những cái khác với chợ ở vùng quê, vùng cao…, và không có sự giao tiếp thân tình giữa người mua và người bán ; cuối cùng siêu thị hầu hết là đồ đông lạnh, đồ hộp, đóng gói tuy bao bì đẹp đẽ nhưng it khi có đồ tươi gà vịt còn sống, cá nhảy trên mâm, tôm búng tanh tách…) ; không có thức ăn đường phố và không có Tết.

Nên người viết bài này vẫn nghĩ rằng không nên bỏ Tết, ngay cả với lý do Tết Việt Nam là phiên bàn của Tết Trung Hoa, nếu nói vậy thì phải bỏ hết, cả Tết Nguyên Tiêu, Tết Trung Thu, và vô số cái khác nữa chúng ta mượn từ văn hóa, phong tục tập quán của người Hoa. Cái chính là phải bỏ đi những cái xấu, những điều chưa hay khi ăn Tết ta.

Ví dụ ăn Tết ngắn ngày hơn, đơn giản hơn, tiết kiệm, văn minh hơn. Chúng ta đã bỏ chuyện đốt pháo từ nhiều năm trước, đó là một điều đúng đắn, vừa tốn tiền vừa dễ gây ra đủ thứ tai nạn thương tâm. Còn bỏ bắn pháo hoa ? Nếu bây giờ nước đang nghèo, ngân sách hạn hẹp thì bỏ cũng được, nhưng khi có tiền khôi phục lại cũng tốt, rất nhiều nước trên thế giới tổ chức bắn pháo hoa rất đẹp cho người dân thưởng lãm, nhưng nước họ giàu, chẳng ai có ý kiến gì.

Điều chính yếu phải bỏ nằm trong quan niệm, cách nghĩ, lối sống của người Việt. Đó là thói hoang phí, làm một năm tiêu ba ngày Tết ; là ăn quá nhiều, quá tốn kém, ngày xưa thời bao cấp quanh năm không có miếng ngon thì Tết đến nấu món này món kia cho con cái ăn cũng phải, nhưng bây giờ nhiều nhà có thiếu, có thèm gỉ nữa đâu mà cũng bày ra nấu đủ thứ rồi ép khách ăn, chỉ khổ cho cánh phụ nữ phải nấu phải dọn.

Đó là nạn "chặt chém" vô tội vạ của nhiều người bán hàng, nhiều dịch vụ khác nhau trong mấy ngày trước và trong Tết. Đó là thói sĩ diện, phô trương, ngày Tết phải chưng ra đủ thứ đẹp, "độc", của ngon vật lạ, để chứng tỏ gia đình mình đang ăn nên làm ra, đang thành đạt…Đó là trò chúc Tết kèm quà cáp biếu xén cấp trên, một hình thức hối lộ tình cảm, xếp càng to thì quà cáp càng lớn, càng giá trị. Ai không có tiền đi quà thì sếp không vui, sếp đì. Ở Na Uy này tôi chả thấy có hiện tượng đó bao giờ.

Đó là những thói xấu như nhậu nhẹt, cờ bạc bê tha mấy ngày Tết, đi chùa cúng bái, giải hạn, cầu may rồi nhét tiền vào tượng Phật (hối lộ Phật), rổi kiêng kỵ mê tín đủ thứ, rồi ra Tết lại đua nhau đi lễ hội, lễ chùa, giành ấn, cướp lộc… chen chúc nhau, giẫm đạp nhau…

Có phải văn hóa người Việt từ xưa tới giờ là như thế ? Tôi không tin như vậy. Tôi còn nhớ chỉ cách đây mấy chục năm thôi, ở miền Nam và Sài Gòn trước đây người ta ăn Tết đâu có rình rang phô trương đến thế, đâu có chuyện đi chùa với cái tâm thức thực dụng đến thế. Tết thời ấy nhẹ nhàng văn minh hơn mới lạ. Phải chăng chính cuộc sống bây giờ, vốn coi trọng hình thức bề ngoài, coi trọng vật chất, cái danh hão, chạy theo những tiêu chuẩn giá trị bị lệch lạc trong xã hội…đã ảnh hưởng đến cả cách người Việt ăn Tết ?

Thế là người Việt chúng ta vốn đã khổ vì nhiều thứ do phải sống dưới một chế độ độc tài độc đảng ở đó mọi tự do, dân chủ, quyền con người đều bị tước đoạt, nhưng chính chúng ta cũng tự làm khổ mình, làm khổ lẫn nhau.

Mà không chỉ người dân. Chính nhà nước cộng sản là điển hình cho thói nghèo mà chơi sang, phô trương, sĩ diện hão. Nước nghèo, thường xuyên đi vay, đi xin tiền các nước khác, nợ đầm đìa ra nhưng vô cùng hoang phí, tỉnh nào cũng tìm cách xây tượng đài, xây trụ sở chính quyền to hoành tráng, trang hoàng rình rang… Như năm nay cũng vậy, thiên tai nhân họa quá nhiều, người dân các tỉnh miền Trung, người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đói đến không có chút gạo bỏ miệng, mười mấy tỉnh phải xin gạo cứu đói vậy mà vẫn cứ chơi hoang, chơi sang. Trang hoàng tốn cả đống tiền nhưng từ Sài Gòn cho tới Hà Nội, Hải Phòng…chả đẹp gì cả, màu mè rẻ tiền.

Suy cho cùng, bản thân cái Tết Âm lịch chưa chắc đã có tội tình gì, những nỗi khổ vừa kể trên là do xã hội của chúng ta, do chính chúng ta gây ra, chứ chả phải do Tết Âm lịch !

Thay đổi một nếp nghĩ, một thói quen, một phong tục tập quán cho tới quan điểm sống, cách sống, đặt lại những tiêu chuẩn, giá trị là điều không dễ dàng gì, nhất là khi chính cái nhà nước này lại cổ súy cho lối sống phô trương giả dối đó.

Sự thay đổi tận gốc chắc chỉ có thể có khi Việt Nam đã chuyển sang một chế độ khác, ở đó con người phải tồn tại và vươn lên bằng năng lực thật của chính mình, đồng tiền và sự hào nhoáng không thể thay thế cho sự trống rỗng về tri thức và tâm hồn, ở đó mọi chi tiêu quốc gia cho tới tài sản của các quan chức luôn phải minh bạch, rõ ràng, bởi luôn bị pháp luật, truyền thông và con mắt của người dân soi xét…

Nhưng trong khi chờ đợi cái ngày đó, có lẽ mỗi người chúng ta tự mình thay đổi chừng nào hay chừng đó-bắt đầu tự cởi bớt gánh nặng, đặt lại cho mình những tiêu chuẩn sống khác, không bị phụ thuộc vào cái nhìn chung của dư luận. Ăn Tết tiết kiệm, đơn giản, văn minh, dành thì giờ cho gia đình, cho việc tận hưởng thiên nhiên và chia sẻ với những người nghèo hơn, bất hạnh hơn.

Bởi vì trong lúc nhiều gia đình nghèo không có Tết thì những người có đời sống thong thả hơn không lẽ cứ ung dung phô phang cái sự no đủ, sung sướng của gia đình mình mà không chút chạnh lòng nghĩ tới những đứa trẻ mồ côi, những người già neo đơn, những gia đình nông dân, công nhân, đồng bào thiểu số, và nhất là những tù nhân lương tâm đang phải thụ án một cách oan ức trong tù, bỏ lại gia đình, con thơ, chỉ vì dám dấn thân, nói lên sự thật cho một tương lai chung tốt đẹp hơn cho tất cả người Việt Nam ?

Song Chi

Nguồn : RFA tiếng Việt, 29/01/2017

 (songchi's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Song Chi
Read 792 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)