Đầu năm 2017, ban tiếng Việt đài phát thanh quốc tế Pháp RFI đã có dịp đến thăm làng trẻ em SOS Huế (trước là Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân), một trong ba làng trẻ được hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam (Aide à l’Enfance du Vietnam, AEVN), tại Gif-sur-Yvette, ngoại ô Paris, xây dựng và hỗ trợ tài chính.
Nhà Trà My, Làng Trẻ em SOS Huế, được xây dựng từ năm 1998 và chuẩn bị được trùng tu.AEVN
Sau khi bốn ngôi nhà mới được đưa vào sử dụng từ tháng 09/2016, ba ngôi nhà đầu tiên xây vào năm 2000 và hai ngôi nhà xây sau đó, chuẩn bị được trùng tu sau gần 20 năm chịu tác động của thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều dù đã lần lượt được sửa sang khi có nhu cầu. Ngoài dự án trùng tu ba ngôi nhà, Hội AEVN còn cải tạo lại con đường dẫn vào làng, mở rộng cống rãnh thoát nước, do thay đổi khí hậu, mưa to và liên tục, để tránh ngập trong mùa mưa, xây tường bao quanh làng và nếu có đủ điều kiện quy hoạch một sân bóng đá cho các em.
Như vậy, với chín ngôi nhà dành riêng cho các gia đình ở, sau khi trùng tu xong, làng có thể đón giữa 80 đến 90 em, như giải thích với RFI tiếng Việt của bà Lê Kim Ngọc, chủ tịch hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam (AEVN) :
"Ba ngôi nhà cũ được xây cất năm 2000, đến bây giờ cũng được 17-18 năm. Tuy đã được sửa sang, thay đổi nhiều lần nhưng đến giờ cần được trùng tu toàn bộ. Hiện bây giờ, trên tổng số 73 người con của làng, có 59 em đang sống trong làng. Tất cả đều ở trong những ngôi nhà đó".
Ngôi nhà sinh hoạt chung của các em ở Làng Trẻ em SOS Huế. RFI / Tiếng Việt
Mô hình mái ấm gia đình, mẹ và các con
Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân, được đổi tên là Làng Trẻ em SOS Huế từ năm 2015, là làng trẻ thứ ba trong tổng số ba làng trẻ được Hội AEVN xây dựng và tài trợ tại Việt Nam, sau Đà Lạt và Đồng Hới. Tuy nhiên, cũng như hai làng trẻ này, ngay từ khi thành lập Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân, vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc, chủ tịch Hội, đã muốn áp dụng mô hình gia đình SOS, thương yêu, bao bọc nhau. Có nghĩa là dưới một mái ấm gia đình có mẹ và các con. Ngay những năm 1970, khi bắt đầu thành lập hội AEVN để thực hiện dự án đầu tiên, ông bà Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc luôn tâm niệm là phải thể hiện với thế giới là Việt Nam không chỉ nhận viện trợ nhân đạo, người Việt nên tự giúp đỡ người Việt.
"Từ ngày năm 1973, chúng tôi xây cất làng Đà Lạt và khánh thành năm 1974. Lúc đó, chúng tôi muốn theo một mô hình của Làng SOS và nằm trong một liên hiệp của các làng quốc tế để họ có một tinh thần bền bỉ, với ý nghĩa là có một bà mẹ nuôi mấy em và sau này trở thành mẹ của các em cả đời. Mấy em mồ côi, không có gia đình, thì các em có được một gia đình. Đó là mô hình SOS mà Hội AEVN chúng tôi muốn mang lại cho các em.
Làng Đà Lạt, lúc lập ra, là muốn theo mô hình làng SOS quốc tế. Nhưng đó chỉ là theo mô hình, còn Hội lo hết. Và họ là người đưa tâm trí của mình vào đào tạo các mẹ của mình. Cho nên, làng Đà Lạt là do Hội xây cất hoàn toàn, nuôi nấng các em. Làng Đà Lạt hoạt động theo mô hình như vậy trong thời gian rất lâu. Gần đây, Hội Liên hiệp các làng SOS Quốc tế đưa thêm một số cha mẹ đỡ đầu.
Riêng về làng Đồng Hới, việc xây cất do AEVN và SOS Pháp tài trợ (50% mỗi bên). Về việc nuôi nấng các em, AEVN có nhận được sự tham gia của SOS Quốc tế và SOS Pháp.
Lúc thành lập làng ở Huế, Hội cũng theo ý như vậy, nhưng Hội SOS Quốc tế nói là họ đã có làng ở Đà Nẵng, thành ra, họ không thể có hai làng gần nhau, cách mấy trăm cây số thôi, về mặt gọi là "chính sách" của họ. Cho nên, mình gọi là Trung tâm Thủy Xuân, nhưng mô hình thì hoàn toàn theo Làng SOS".
Cha mẹ đỡ đầu người Pháp
Ngoài mẹ chăm sóc và các anh chị em trong gia đình, các em trong ba làng có cha mẹ đỡ đầu người Pháp. Tất cả đều bắt đầu từ những người bạn, người quen của vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc :
"Phần đông các em của mình đã mất tình thương, bị bỏ rơi. Khi vào Làng SOS, các em có một bà mẹ nuôi nấng và một cha hay mẹ đỡ đầu. Mấy người đỡ đầu, bạn của chúng tôi hoặc là bạn của bạn chúng tôi, đến lo cho từng em một, có nghĩa là họ giống như một người cậu, dì, chú, bác. Họ theo dõi một cách rất gần gũi, và không phải là họ chỉ kí một cái séc để nuôi mà thôi. Chính họ theo dõi từng chút, từ những buổi đi học, buổi thi, đau ốm như thế nào. Họ rất là gần gũi, họ giống như là người thân trong gia đình. Cái đó là quý nhất !
Trong những cha mẹ đỡ đầu, chúng tôi có những người đã đỡ đầu cách đây 35 năm. Bây giờ, họ tiếp tục đỡ đầu mấy em trẻ nhưng vẫn giữ liên lạc với mấy em lớn. Con của họ làm đám cưới, họ theo dõi như những chú bác, ông bà. Thành ra, họ giống như một gia đình, cùng với gia đình SOS".
Vẫn theo lời kể của giáo sư Lê Kim Ngọc, trong Hội có những gia đình Pháp đỡ đầu trẻ em khó khăn Việt Nam từ hai thế hệ, cha mẹ rồi đến lượt con. Hoặc có rất nhiều ông bố, bà mẹ đỡ đầu nhận giúp đỡ hai hay ba em cùng lúc, thường từ lúc các em còn rất nhỏ. Khi một em đã trưởng thành, học đại học hay học nghề và có thể bắt đầu tự lập, họ lại đề nghị đỡ đầu một em khác.
Hai lần một năm, vào khoảng tháng Ba và tháng Mười Một, Hội tổ chức gặp mặt cha mẹ đỡ đầu ở Paris, quanh một bữa ăn trưa đậm chất Việt, thân mật và ấm cúng. Đây là dịp để các bậc cha mẹ đỡ đầu trao đổi thông tin về con đỡ đầu, thuật lại chuyến thăm con đỡ đầu ở Việt Nam, hoặc nói về những tình cảm liên kết họ với trẻ em ở ba làng SOS của Hội. Trong mắt mỗi người luôn ánh lên niềm vui, một chút tự hào khi nói về thành tích học tập hoặc con đường sự nghiệp của các con. Đây cũng là dịp để Hội cung cấp thông tin cho cha mẹ đỡ đầu về cuộc sống và những sự kiện nổi bật ở mỗi Làng : từ lễ khai giảng đến Tết trung thu, từ những buổi sinh nhật đến giờ vui chơi trong làng của các em.
Buổi gặp mặt cũng là cơ hội để tất cả cùng suy nghĩ về sự phát triển và duy trì lâu dài hoạt động của Hội. Vì Hội cần những ông bố, bà mẹ đỡ đầu mới, tiếp tục chung tay xây dựng và duy trì ba ngôi làng ở Việt Nam, không ngừng giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn. Giáo sư Lê Kim Ngọc so sánh công việc của Hội AEVN như một cánh rừng, không có những cây khác gom sức, cánh rừng sẽ không xanh mướt.
Giáo sư Trần Thanh Vân, chủ tịch Hội AEVN, trong bữa ăn trưa họp mặt cha mẹ đỡ đầu tại Paris, tháng 11/2017.RFI / Tiếng Việt
Hiện nay, làng Đà Lạt, ngôi làng đầu tiên được Hội AEVN xây dựng, đón 201 em, trong đó có 131 sinh sống hàng ngày tại làng, 70 em còn lại, đã trưởng thành và đang theo học đại học, cao đẳng, học nghề và một số ít đang tìm việc. Làng SOS Đồng Hới có 155 em, trong đó 87 em sống trong 12 ngôi nhà gia đình, 21 em sống trong những trung tâm dành cho thiếu niên và 47 em sống ngoài làng để học nghề, học đại học hoặc tìm việc. Làng Huế có 73 em, trong đó 59 em sinh sống tại làng, những em còn lại đang học đại học hoặc bắt đầu cuộc sống độc lập.
Để có được kết quả này, những người mẹ trong mỗi gia đình đóng vai trò rất quan trọng.
Như bao gia đình khác, cuộc sống hàng ngày ở Làng tràn đầy niềm vui và cả khó nhọc. Nuôi dạy khoảng 10 con, không ngừng nghỉ trong vài chục năm, trong khi mỗi em đã có khoảng đời riêng trước khi vào Làng, là cả một nghị lực phi thường. Đã có lúc, mẹ Châu, ở Làng Huế, từng nghĩ "bỏ đi mãi mãi" nhưng rồi tình mẫu tử đã giữ mẹ ở lại. Với mẹ, "hạnh phúc, đơn giản là yêu thương và chia sẻ".
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 29/01/2018