Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

26/02/2018

Giầy thổ cẩm của người Thái và mục tiêu xây trường vùng cao

Thu Hằng

An Bình, Cô Tô, Ba Bể, Mũi Né, Hội An, Phú Quốc, Sơn Đoòng… những địa danh của Việt Nam được công ty khởi nghiệp N’Go (Pháp) đặt tên cho sản phẩm giầy độc đáo bán trên thị trường Pháp. Toàn bộ khâu sản xuất đều được làm ở Việt Nam dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân người dân tộc Thái trắng ở hai hợp tác xã tỉnh Nghệ An và tỉnh Hòa Bình, còn khâu đóng gói thành phẩm được làm ở Hà Nội.

giay1

Một phụ nữ Thái trắng, thành viên hợp tác xã dệt thổ cẩm, tỉnh Hòa Bình, Việt Nam.N'Go

Với hai nhà sáng lập start-up N’Go, Kévin Gougeon và Ronan Collin, mục tiêu chính là khích lệ, hỗ trợ nghề dệt thổ cẩm địa phương và một phần nhỏ sẽ được đầu tư vào Quỹ Sao Biển để xây trường học cho trẻ em vùng núi.

RFI tiếng Việt đã có dịp phỏng vấn anh Kévin Gougeon, một trong hai sáng lập viên, về dự án của N’Go.

***

RFI : N’Go là một công ty Pháp bán sản phẩm được sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam, anh có thể cho biết công ty ra đời như thế nào ? Và ý nghĩa của thương hiệu N’Go ?

giay2

Chúng tôi muốn làm một việc gì đó để đề cao kỹ năng thủ công và thử thách mình với một mặt hàng đậm chất dân tộc "Made in Vietnam" (Kévin Gougeon).

Kévin Gougeon : N’Go ra đời từ đầu năm 2016. Cùng với Ronan, một người bạn từ nhỏ, chúng tôi đi du lịch rất nhiều và mỗi chuyến đi, chúng tôi luôn bị ấn tượng về ngành nghề thủ công ở mỗi nước, và đặc biệt là những họa tiết dân tộc.

Vào đầu năm 2016, sau khi đi du lịch Mexico về, tôi muốn kinh doanh một mặt hàng gì đó liên quan đến nghề thủ công. Vì chỉ du lịch ở Mexico nên tôi không biết rõ ràng về nước này, tôi nói chuyện với Ronan. Cậu ấy vừa từ Việt Nam trở về sau hai năm sinh sống và làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở miền bắc Việt Nam.

Ronan kể lại những gì cậu ấy biết về đất nước, ngôn ngữ và ý định quay lại Việt Nam sinh sống. Thế là chúng tôi cùng đến Việt Nam, tìm những người thợ thủ công, nhà cung cấp và các đối tác xã hội… Và chúng tôi khởi động chương trình vào đầu năm 2017. Chúng tôi muốn làm một việc gì đó để đề cao kỹ năng thủ công và thử thách mình với một mặt hàng đậm chất dân tộc "Made in Vietnam".

Chúng tôi chọn tên "N’Go" vì từ này, viết theo tiếng Việt, có rất nhiều nghĩa, tùy theo dấu, như có thể là họ Ngô, cũng có thể là (bắp) "ngô" hoặc là "ngõ". Và từ này được chúng tôi viết lại theo tiếng Anh là "N’Go for social sneakers". Về mầu xanh lá cây của logo, chúng tôi muốn gợi đến mầu xanh của vùng núi ở miền bắc Việt Nam, mầu xanh của những cánh đồng. Với chúng tôi, mầu xanh này tượng trưng cho mầu sắc của phong cảnh miền bắc Việt Nam. Và chữ viết logo cũng mang hình tựa như chiếc dây giầy.

RFI : Những đôi giầy N’Go đề cao hai giá trị "thủ công" và "đoàn kết". Xin anh giải thích thêm ?

Kévin Gougeon : Đúng là thương hiệu của chúng tôi nhấn mạnh đến hai giá trị. Thứ nhất là "thủ công". Chúng tôi làm việc với hai hợp tác xã thủ công, một ở tỉnh Hòa Bình nằm ở miền bắc Việt Nam, và một ở tỉnh Nghệ An ở miền trung. Thành viên của cả hai hợp tác xã phần lớn là phụ nữ và họ dệt vải thủ công truyền thống. Họ làm ra các họa tiết đặc trưng của Việt Nam mà chúng tôi thấy tuyệt vời và muốn đưa lên sản phẩm giầy của mình, vừa đáp ứng được thị hiếu phương Tây, vừa mang đậm phong cách dân tộc Việt Nam.

Mục đích chính là để những người thợ này sống được bằng tay nghề và sản phẩm của họ với thù lao công bằng, đồng thời tạo được mối liên hệ chặt chẽ với họ. Ví dụ, khi bắt đầu vẽ họa tiết cho sản phẩm và bàn với những người dệt vải về ý tưởng của mình, chúng tôi ở lại ăn ngủ tại làng trong vòng nhiều ngày, thậm chí vài tháng. Và với chúng tôi, đây là trải nghiệm có một không hai.

Hiện tại chưa thể đánh giá được cuộc sống của những người phụ nữ này được cải thiện như thế nào vì chúng tôi mới hoạt động được chừng một năm. Nhưng một điều chắc chắn là họ tỏ ra hài lòng, cũng như chúng tôi. Chắc hẳn việc này đã giúp được phần nào trong cuộc sống hàng ngày của họ. Và đây cũng chính là mục đích của chúng tôi.

Về mặt "đoàn kết", chúng tôi kết hợp với một tổ chức phi chính phủ mang tên Sao Biển. Họ xây trường học ở miền bắc Việt Nam và chúng tôi giúp họ xây trường mới bằng cách chuyển một số tiền của mỗi đôi giầy bán ra vào quỹ.

giay3

giay4

Học sinh một trường học được Quỹ Sao Biển và N'Go đồng tài trợ xây dựng ở tỉnh Cao Bằng, Việt Nam.
N'Go

RFI : Cứ mỗi đôi giầy bán ra, N’Go chuyển 2 euro vào Quỹ Sao Biển để xây trường học, vậy kết quả hiện nay như thế nào ?

Kévin Gougeon : Sao Biển là một tổ chức phi chính phủ của Áo. Nhà quản lý là Thomas, chúng tôi gặp ông ấy vào đầu năm 2016 khi tìm một đối tác xã hội ở Việt Nam. Cứ mỗi đôi giầy bán ra, chúng tôi chuyển 2 euro cho quỹ. Sở dĩ chúng tôi chọn Sao Biển vì họ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đây là chủ đề chúng tôi rất chú trọng vì trong quá trình phát triển kinh tế của một nước, giáo dục luôn là lĩnh vực hàng đầu. Quỹ Sao Biển giúp những ngôi làng ở miền bắc Việt Nam, thường rất hẻo lánh, bị bỏ quên, không có hoặc có rất ít cơ sở hạ tầng giáo dục, xây dựng những ngôi trường vững chắc để đón các em từ 6 đến 11 tuổi.

Chúng tôi mới hoàn thiện ngôi trường đầu tiên của mình với Quỹ Sao Biển vào tháng 12/2017 ở tỉnh Cao Bằng, nằm sát biên giới với Trung Quốc. Ngôi trường có thể đón 60 học sinh, từ 6 đến 11 tuổi. Đây là một dự án mà chúng tôi tâm huyết và cũng rất tự hào được đóng góp vào việc xây những ngôi trường mới.

Đến cuối năm 2017, Quỹ Sao Biển đã xây được 7 ngôi trường ở miền bắc Việt Nam. Chúng tôi không phải là nhà tài trợ duy nhất cho dự án xây trường mới. Quỹ Sao Biển còn có các nguồn tài trợ khác, trong đó có cả kinh phí từ nhà nước Áo. Về ngôi trường đầu tiên chúng tôi tham gia tài trợ xây dựng, chúng tôi góp được 20% vì công ty mới hoạt động được vài tháng.

Mong muốn của chúng tôi là việc kinh doanh càng phát triển thì chúng tôi càng đóng góp được nhiều hơn vào số lượng trường mới, cũng như đóng góp nhiều hơn vào mỗi dự án xây trường. Tương tự, chúng tôi cũng sẽ hợp tác được nhiều hơn với các hợp tác xã và giúp nhiều phụ nữ dân tộc sống được nhờ vào tay nghề của họ.

RFI : Công ty có 10 mẫu giầy được đặt theo 10 địa danh của Việt Nam ? Ý tưởng này đến như thế nào ?

giay5

giay6

Bộ sưu tập giầy thổ cẩm Việt Nam của N'Go. 

Kévin Gougeon : Khi các mẫu mã giầy được thiết kế xong, chúng tôi nghĩ đến đặt tên cho mỗi mẫu giầy. Và chúng tôi muốn theo đuổi mục tiêu ban đầu là kể tiếp câu chuyện về Việt Nam, về nghề thủ công của nước Việt, vì thế chúng tôi nghĩ đến việc lấy tên mỗi địa danh nổi tiếng của Việt Nam đặt cho mỗi mẫu giầy mà mỗi mầu sắc hay họa tiết khiến người ta nghĩ ngay đến địa danh đó. Qua mỗi chuyến xuyên Việt bằng xe máy, chúng tôi ghi lại những địa điểm gây ấn tượng với mình.

Ví dụ chúng tôi đặt tên "Mũi Né" cho một mẫu giầy mầu trắng và vàng nhằm gợi đến nhưng cồn cát ở nơi này. Hay đôi giầy "Ba Đình" được đặt tên theo nơi ở đầu tiên của Ronan khi đến Hà Nội vì đó là nơi bắt đầu dự án của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi muốn nơi này ghi dấu hành trình của chúng tôi.

RFI : Phở là món ăn mà anh ưa thích nhất, phố Vạn Bảo là địa điểm mà Ronan Collin thích đến, ngoài ra, các anh còn có những kỉ niệm lý thú nào khác về Việt Nam ?

Kévin Gougeon : Miền bắc Việt Nam là một trong số những địa điểm gây ấn tượng với chúng tôi sau hành trình phượt bằng xe máy. Các vùng ở tít miền bắc, sát biên giới với Trung Quốc, có cảnh đẹp tuyệt vời, như chốn thần tiên với những con đường núi ngoằn ngoèo tuyệt đẹp và người nông dân hiền hòa.

Ronan thì rất mê món bò bún và có thể ăn nhiều lần trong tuần mà không chán. Đó là những điều mà chúng tôi rất trân trọng. Về phần mình, tôi cố đến Việt Nam hai lần một năm và mỗi lần đến, Ronan luôn giúp tôi có những khám phá mới. Ví dụ như lần gần đây nhất tôi đến Hà Nội, Ronan đã cho tôi thử ăn thịt rắn, một đặc sản ở Việt Nam nhưng ở Pháp thì người ta không ăn. Vì thế, chúng tôi rất hứng thú khám phá món thịt rắn Việt Nam.

***

Sau lời kêu gọi các "nhà đầu tư" trên internet vào đầu năm 2016 để đặt hàng trước nhằm có kinh phí hoạt động, N’Go nhận được hơn 300 đơn đặt hàng cho 5 mẫu giầy khác nhau. Tính đến đầu năm 2018, N’Go đã bán ra hơn 1.000 đôi giầy. Sau 10 mẫu giầy trong bộ sưu tập Xuân-Hè, công ty đang thiết kế khoảng 3 đến 5 mẫu giầy mùa đông dành cho thị trường Pháp.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 26/02/2018

Quay lại trang chủ
Read 832 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)