Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

05/03/2018

Sức mạnh của văn hóa đại chúng trong chính trị

Nick Bryant

Nhìn lại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008, ngay sau khi ứng viên Barack Obama lúc đó là thượng nghị sĩ được đám đông cả triệu người ở Berlin kéo dài từ Cổng Brandenburg suốt cho tới Strasse des 17 Juni tung hô, đối thủ của ông bên Đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ John McCain, đã tung ra một quảng cáo tấn công đơn giản được gọi là 'Người nổi tiếng'.

vanhoa1

Tổng thống Mỹ Donald Trump - GETTY IMAGES

Đan xen với hình ảnh của Obama được chào đón giống như tại một lễ hội nhạc pop mùa hè là hai nhân vật nổi tiếng mà chúng ta thường không nghĩ là sẽ xuất hiện trong quảng cáo chính trị : Britney Spears và Paris Hilton.

"Ông ta là nhân vật nổi tiếng đình đám nhất thế giới", quảng cáo viết như một điềm báo. "Nhưng liệu ông ấy có sẵn sàng lãnh đạo ?"

Thông điệp được truyền tải rất thẳng thừng : nước Mỹ cần một vị tổng tư lệnh chứ không phải người đứng đầu các nhân vật nổi tiếng.

Sức mạnh ngôi sao

Chính Obama chứ không phải McCain đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống một vài tháng sau đó.

Cựu tù nhân chiến tranh Việt Nam, người đã từ chối lời đề nghị được thả ra sớm khỏi nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội do cho rằng bỏ lại những bạn tù khác là hèn, có thể khoe một câu chuyện cá nhân gây xúc động.

Điều mà ông không bao giờ có thể có được là sức mạnh ngôi sao cá nhân của đối thủ đầy sức trẻ của ông. Do đó, quảng cáo tấn công của ông không gây tổn thương cho đối thủ. Nó làm nổi bật điểm mạnh chứ không phải điểm yếu của đối thủ.

Là người nổi tiếng không phải là lý do duy nhất, thậm chí không phải là lớn nhất, giúp cho Barack Obama thắng cử tổng thống.

vanhoa2

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama - GETTY IMAGES

Tuy nhiên, việc ông trở thành một thần tượng chính trị trong kỷ nguyên thần tượng đại chúng đã giúp đưa ông vào Nhà Trắng.

Một thập kỷ sau, đường ranh giới giữa nền văn hóa chính trị và nền văn hóa người nổi tiếng của Mỹ thậm chí còn bị lu mờ hơn nữa.

Điều đó giải thích cho sự vươn lên của ông Donald Trump. Một cựu ngôi sao truyền hình thực tế khao khát được công chúng chú ý đã đánh cược sự nổi tiếng vào giờ vàng trên truyền hình của mình để tiến tới địa vị tổng thống.

Qua 14 mùa của show Apprentice, nhà tỷ phú bất động sản ngồi trên chiếc ghế bọc da có lưng ghế cao đưa ra các quyết định điều hành trong khi thuộc cấp sợ hãi tuân theo từng mệnh lệnh của ông, không hề cãi lại.

Đối với hàng triệu người ủng hộ ông Trump thì không cần phải mất nhiều trí tưởng tượng để nhìn thấy ông sẽ làm điều tương tự trong Phòng Bầu dục ra sao.

Chiều theo văn hóa đại chúng

Cũng như với Barack Obama, tư cách người nổi tiếng không phải là lý do duy nhất giúp Donald Trump thắng.

Sự nhạy bén của một doanh nhân và vị thế của ông như là một người ngoài cuộc chính trị là nguyên nhân then chốt.

vanhoa3

Tổng thống Donald Trump trong một show truyền hình - GETTY IMAGES

Cả hai điều này đã giúp biến nhà tỷ phú thành một người hùng của tầng lớp lao động.

Tuy nhiên, Trump đã làm tốt hơn là đáp ứng được một yêu cầu chính để có thành công chính trị trong thời hiện đại : khả năng mua vui cho công chúng.

Việc ông chỉ có những hiểu biết hạn chế về chính sách và các vấn đề quốc tế không quan trọng. Quan trọng hơn là tài năng của ông trong tư cách người trình diễn.

Thành công trong tỷ suất người xem truyền hình đã biến thành thắng lợi về phiếu bầu trong chính trị.

Việc tổng thống trở thành một người nổi tiếng đại chúng không hề là điều gì mới mẻ.

Buổi lễ nhậm chức của vị tổng thống ngôi sao truyền hình thực tế đầu tiên của nước Mỹ diễn ra 36 năm sau buổi lễ nhậm chức của vị tổng thống ngôi sao điện ảnh đầu tiên, Ronald Reagan, mặc dù người từng giữ chức thống đốc tiểu bang California hai nhiệm kỳ không phải là tay mơ về chính trị.

Còn từ trước đó rất lâu, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt, nhờ vào tài năng của ông trên sóng phát thanh, và Tổng thống John F Kennedy, nhờ vào khả năng làm chủ truyền hình, đã cho thấy các công cụ truyền thông đại thông đại chúng được tận dụng cho mục đích chính trị như thế nào.

Các tổng thống khác, vốn không có tài biểu diễn như thế, đều nhận thấy rằng ít nhất họ cần phải chiều theo văn hóa đại chúng.

Richard Nixon đã lên sóng chương trình Laugh-In của Rowan và Martin - show tạp kỹ có đông người xem nhất vào thời đó, và vào năm 1970 đã mời ca sĩ Elvis Presley đến Nhà Trắng.

Tổng thống Jimmy Carter đã đồng ý cho tạp chí Playboy phỏng vấn và trong cuộc phỏng vấn đó ông đã thừa nhận một điều đã trở nên nổi tiếng là ông đã ngoại tình trong tư tưởng.

Ngay cả Dwight D Eisenhower, có lẽ là vị tổng thống cứng nhắc nhất trong thời hậu chiến, đã thấy được giá trị của việc xuất hiện trong show của Ed Sullivan bên cạnh các diễn viên hài Abbott và Costello.

Thúc đẩy chính sách

Bill Clinton có lẽ giành danh hiệu là vị tổng thống văn hóa đại chúng đầu tiên.

Cho dù là đeo kính râm để chơi kèn saxophone trong show Arsenio Hall hay tiết lộ với diễn đàn giới trẻ trên kênh MTV rằng ông ưa quần lót hơn là quần đùi thì ông cũng đã thích thú với điều mà ngày càng trở thành một phần yêu cầu của công việc.

vanhoa4

Cố Tổng thống Richard Nixon và cố ca sĩ Elvis Presley - GETTY IMAGES

Điều mà từng được xem là không đáng mặt tổng thổng trở thành cách ứng xử chuẩn mực. Không chơi trò này có nguy cơ biến mình trở thành kiểu cách và xa cách.

Barack Obama còn đi xa hơn. Ông không chỉ là một tổng thống văn hóa đại chúng mà ông còn trở thành một biểu tượng của văn hóa đại chúng.

Nghệ sĩ Shepard Fairey đã giúp ra mắt vai trò đó của ông khi vẽ Obama, lúc đó còn là ứng viên tranh cử tổng thống, bằng những khối tô màu đỏ, xanh và màu be trên bích chương nổi tiếng 'Hope'.

Trong khi nhiều người tiền nhiệm của ông có vẻ như là đã đi sai đường khi họ thử bước vào thế giới giải trí, Barack Obama đã có sự chuyển tiếp rất ngọt.

Nhại Al Green, khiêu vũ với Ellen DeGeneres, xuất hiện trong chương trình The View hay lái xe quanh Nhà Trắng và pha trò với Jerry Seinfeld cho show 'Comedians in Cars Getting Coffee' đã trở thành một phần của công việc tổng thống của ông, cũng như những lần xuất hiện đạo mạo. Ở đây không còn là việc phải bước qua hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Không còn ranh giới ở đây.

Những khoảnh khắc văn hóa đại chúng này ngày càng được sử dụng để thúc đẩy chương trình nghị sự của Obama như khi ông xuất hiện dày đặc trên các tin tức với show Jimmy Fallon và xuất hiện trong chương trình Between Two Ferns với Zach Galifianakis.

Cả hai nhân vật này đều vận động cho Obamacare mà sự thành công của nó phụ thuộc vào đông đảo những người trẻ, khỏe đăng ký tham gia.

Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển quan trọng. Phần lớn các tổng thống chỉ muốn lấy lòng công chúng khi họ xuất hiện trong các chương trình trò chuyện trên truyền hình. Riêng Obama có mục tiêu cụ thể về chính sách trong đầu.

Tranh cử hay show truyền hình ?

Obama dường như đặc biệt tự tin tại sự kiện Tiệc tối Thường niên của các Phóng viên Nhà Trắng, một sự kiện trang trọng nơi thế giới chính trị và giải trí giao thoa.

Phòng dạ tiệc của khách sạn Washington Hilton thường có đông đảo các ngôi sao cũng như các phóng viên hay có mặt tại các buổi họp báo của Nhà Trắng tham dự.

Có một sự mỉa mai vào lúc đó là lời chỉ trích không khoan nhượng của Obama nhằm vào Donald Trump tại sự kiện năm 2011 thường được nhắc đến như là một khoảnh khắc bước ngoặt trong chiến dịch chinh phục Nhà Trắng của nhà tỷ phú mặc dù ông Trump phủ nhận điều này.

Lời chỉ trích của Obama lan truyền nhanh chóng và, năm năm sau đó, đến lượt nạn nhân lời chỉ trích đó xuất hiện dày đặc trên mạng.

Thành công lớn của Donald Trump là biến chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 thành phần nối dài của chương trình truyền hình thực tế của ông và cho tất cả các kênh tin tức truyền hình cáp phát sóng nó miễn phí.

vanhoa5

Tổng thống Donald Trump cổ võ một trận quyền anh - GETTY IMAGES

Ông cũng xây dựng nền tảng truyền thông của riêng ông trên Twitter và Facebook.

Với tư cách là ứng viên, chỉ thỉnh thoảng ông Trump mới xuất hiện trên những show như Saturday Night Live và Jimmy Fallon vốn được giới tinh hoa ở cả Bờ Đông và Bờ Tây ưa thích.

Vốn là một bậc thầy trong việc tự quảng bá mình, ông Trump không hề dựa vào các kênh này như các ứng viên khác. Hơn nữa, đó còn là sân nhà của địch thủ của ông.

Đối với Donald Trump, chính trị là giải trí, và chiến dịch của ông thể hiện nhiều sự đình đám, sự quyết liệt, thổi phồng và sự tranh cãi giả tạo của một trong những thể loại văn hóa đại chúng ưa thích nhất của ông, chương trình Liên đoàn đấu vật Quốc tế (World Wrestling Federation) vốn làm lu mờ ranh giới giữa thể thao và showbiz. Các biệt danh như "Macro nhỏ bé" và "Hillary lươn lẹo". Đám đông tụ tập ở sân vận động. Những lời bình cay nghiệt. Các mặt hàng ăn theo. Chỉ còn thiếu nai nịt và bôi dầu lên người mà thôi.

Tận dụng tài năng giải trí

Trump cũng hưởng lợi từ sự xuất hiện của một hình thức văn hóa đại chúng khác vốn được thừa nhận là dân túy : các show truyền hình rẻ tiền.

Các bê bối tình dục từ thời Tổng thống Bill Clinton được báo chí tường thuật đến từng nhà đã góp phần tạo nên hiện tượng giải trí hóa nền chính trị Mỹ.

Quyết định của Trump tập hợp những phụ nữ từng cáo buộc Bill Clinton quấy rối tình dục trước phiên tranh luận thứ hai với đối thủ Hillary Clinton chính là học theo bài của Springer - một cựu thị trưởng Cincinnati đã đi từ lĩnh vực chính trị sang giải trí.

Khi đến Washington, Trump đã nhanh chóng vận dụng tài năng truyền hình thực tế của mình.

vanhoa6

Oprah Winfrey đang tích cực cân nhắc tới khả năng ra tranh cử tổng thống - GETTY IMAGES

Hồi năm ngoái, New York Times đưa tin ông đã khuyên những người phụ tá của mình nên "nghĩ đến mỗi ngày trong nhiệm kỳ tổng thống của ông như là một tập trong một show truyền hình mà trong đó ông chiến thắng đối thủ".

Các thông báo quan trọng, chẳng hạn đề cử của ông cho chức thẩm phán Tối cao và lựa chọn cho chức Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang, được viết trên Twitter theo cách khiến người xem phải háo hức đón xem điều gì xảy ra kế tiếp.

"Chào mừng đến với trường quay", ông Trump phát biểu vào lúc bắt đầu phiên họp nội các đầu tiên của ông trong năm 2018. Khán giả gần như nghĩ đến nhạc hiệu chương trình The Apprentice trỗi lên đằng sau ông hay cảnh ông chỉ vào một thành viên nội các không may và nói : "Anh đã bị sa thải !"

Thế nhưng vị tổng thống xuất thân là người nổi tiếng này lại không được giới những người nổi tiếng hoan nghênh. Ông đã không mời được gương mặt hạng A nào tới trình diễn trong buổi lễ nhậm chức của mình. Buổi hòa nhạc tại Lincoln Memorial chỉ có sự tham dự của các ngôi sao Country và Western vốn không mấy được biết đến bên ngoài nước Mỹ, trong lúc trong lễ nhậm chức của Obama hồi 2009 thì có một danh sách dài các tên tuổi như Bruce Springsteen, Stevie Wonder, U2, John Legend và Beyoncé.

Với tin là Oprah Winfrey đang tích cực cân nhắc tới khả năng ra tranh cử tổng thống, chúng ta có thể sẽ đạt tới đỉnh điểm làn sóng những người nổi tiếng tham gia vào chính trị Mỹ.

Logic của những người ủng hộ Oprah thì khá rõ ràng. Những người ít nổi tiếng không thể cạnh tranh, giành sân khấu với Donald Trump được, Sẽ cần một siêu sao để đánh bại một siêu sao.

Quay lại trang chủ
Read 783 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)