Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

18/03/2018

Một điểm hẹn lãng mạn ở Paris

Trần Thu Dung

Paris tuyết càng rơi, người ta càng háo hức chào đón năm mới. Theo quan niệm người Châu Âu, sau Giáng Sinh, ông già Noel và những con tuần lộc cần có tuyết mới đi nhanh trở về xứ tuyết, và năm mới càng lạnh, mùa xuân sẽ đến nhanh ấm hơn, mùa màng sẽ tốt. Khi càng lạnh con người càng cần hơi ấm của nhau, cần những nụ hôn và những vòng tay ấm. Ngay ở Việt Nam, người ta cũng chọn mùa đông là mùa cưới để cuốn quýt nhau dễ dàng và có cớ bên nhau cạnh bên bếp lửa hồng bập bùng. 

paris1

Cầu Nghệ Thuật (trên sông Seine)

Paris là thủ đô ánh sáng và tình yêu. Nhiều người háo hức đến Paris đón năm mới nhất là đối với những ai đang nao nức khát vọng yêu đương. Rét mặc rét, thiên hạ tập nập đến những khu nổi tiếng lãng mạn ở Paris.

Do quá đông người, tòa thị chính Paris đã miễn phí các phương tiện công cộng vào đêm giao thừa và sáng mồng một. Một chính sách vừa chống ô nhiễm, tắc đường, tránh tai nạn giao thông vì vui năm mới dễ quá chén, nhưng cũng là dịp để tất cả người giàu người nghèo đều được tận hưởng ngày vui chào năm mới và được tỏ tình giữa Paris tráng lệ.

Tình yêu không giới hạn tuổi. Đêm giao thừa, người ta tụ đông vui quanh tháp Eiffel, Cổng chiến thắng, Nhà thờ Đức Bà, Nhà thờ Montmartre, Quảng trường đài phun nước Saint Michel… Tất cả hồi hộp chờ đếm lùi từ 10 đến 0 cái giây phút linh thiêng bước vào năm mới.

Những nụ hôn thắm thiết, và những lời chúc tụng cùng những ly sâm panh mang theo mở ra lúc đó. Nhiều đôi chọn Cầu nghệ thuật (Pont des Ats) nổi tiếng bắc qua sông Seine thơ mộng với hàng ngàn ổ khóa của các cặp tình nhân gài lại với những lời thề ước

paris2

Nhà thờ Đức Bà Paris

Người Pháp quan niệm "ngày đầu năm trao và nhận tình yêu thì cả năm hạnh phúc". Xung quanh vườn hoa Luxembourg nổi tiếng với nàng Codette cùng Marius trong tiểu thuyết "Những người khốn khổ" lãng mạn thu hút đôi lứa không kém. Những người thích huyền bí thì vào Nghĩa trang Père Lachaise. Nghĩa trang ở Paris như một công viên văn hóa, một danh lam thắng cảnh. Nhiều nhà thơ, nhà văn yên nghỉ ở đây như Balzac, Oscar Wild… Lời tỏ tình nhờ những linh hồn chứng dám. Âm dương hòa hợp. Sự linh thiêng và yên tĩnh và phong cảnh hữa tình tạo nên sự thơ mộng khác thường, lạ lạ, một ấn tượng không quên trong đời. Tất nhiên buổi tối nhưng nơi như Vườn hoa Luxembourg và nghĩa trang Père Lachaise đóng cửa vì vấn đề an ninh.

paris3

Một con đường nhỏ trong Nghĩa trang Père Lachaise (Paris 20e)

Ở Paris, đêm giao thừa khách du lịch cũng thường tụ bên khu nhà thờ "Trái Tim Thiêng liêng" nằm trên đồi Montmartre.

Ngay Montmatre, ít ai biết nhiều cặp tình nhân không thổ lộ tình yêu và đón giao thừa dưới chân đồi mà lặng lẽ đến khu nhà thờ Saint Jean de Montmartre gần đó, nơi có một bức tường hoành tráng lát men nằm ẩn khu phố nhỏ Jehan Rictus gần ga tàu điện ngầm Abbesses. Những người chưa đủ can đảm tỏ tình thích chọn nơi đó là điểm hẹn. Bức tường có tên gọi bằng tiếng Pháp "Je t’aime". Trên tường ghi 311 câu "Je t'aime" bằng 300 ngôn ngữ trên thế giới. 

paris4

Lãng mạn hôn nhau dưới chân tường "Je t'aime"

Nếu trên thế giới những bức tường, những cái cầu để chia rẽ dân tộc, chia rẽ đất nước như bức tường Berlin, Vạn Lý Trường Thành, cầu Hiền Lương, thì bức tường "Je t'aime" ngược lại, nơi đây chỉ có tình yêu. Bức tường trở thành điểm hẹn của các lứa đôi lần đầu gặp nhau nhưng "tình trong như đã mặt ngoài còn e", hẹn đến đây như thay lời muốn nói.

Tác phẩm hoành tráng rộng 40 mét vuông, và lát 612 tấm đá nham thạch tráng men. Câu "Je t'aime" được viết bằng những ngôn ngữ thông dụng, và một số những ngôn ngữ hiếm hoặc dường như bị lãng quên như tiếng Navajo, Inuit, Bambara, Esperanto.

Bức tường "Je t'aime" nhắc nhở các dân tộc dù lớn nhỏ, ai ai cũng đều cần tình yêu. Tác phẩm này do Frédéric Baron và Claire Kito thực hiện. Frédéric Baron thu thập "Je t'aime" viết bằng nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Claire Kito, nhà thư pháp đã thực hiện viết trên các phiến gạch với ý tưởng hòa hợp dân tộc qua biểu tượng câu tỏ tình.

paris5

Toàn cảnh khu tường "Je t'aime"

Từ 1992, Frédéric Baron đã đi khắp Paris và nhờ bạn bè sưu tầm được 1000 câu "Je t'aime" với hơn 300 thứ tiếng thông dụng và hiếm. Năm 1995 ông đã cho in 50.000 cuốn sách với tiêu đề "Je t'aime", đem tặng cho khắp nước Pháp. Ông cũng là nhạc sĩ, tác giả của 40 bài hát tình yêu, và đã cho ra đĩa đầu tiên khi 17 tuổi với tựa đề "Chìa khóa mặt trời". 

Chỉ cần nói "Je t'aime" là nói lên tất cả. Dám nói "Je t'aime" là vượt qua được chướng ngại vật lớn nhất, và xóa được ranh giới và khoảng cách ảo giữa con người và giữa các dân tộc. Khi Frédéric xin mấy chữ đó chẳng ai từ chối. Con người ai cũng cảm thấy hạnh phúc khi được nghe và nói lên câu đó bằng tiếng dân tộc mình. Ông trân trọng ghi cả tên nước, tên ngôn ngữ đó rồi đưa bút màu nhờ họ viết vào giấy khổ A4. Những chữ đó như cẩm nang thay hộ chiếu xóa đi khoảng cách con người. 

Mỗi nước do phong tục tập quán, cách biểu lộ tình cảm rất đa dạng. Ở Pháp hay ở Châu Âu người ta thích dùng câu "Je t'aime", ở Châu Phi, người phụ nữ thay lời tỏ tình và lời thề chung thủy bằng cách khéo léo mời người đàn ông miếng thịt ngon nhất, người đàn ông Việt xưa tỏ tình ngại ngùng lại khéo nói :"để anh nói cha mẹ anh mang trầu sang nhà em".

Một bài ca dao Việt quen thuộc đã chứng minh một cách tỏ tình quanh co của đàn ông Việt bằng nhờ khâu áo và nói sẽ trả ơn :

"Khâu rồi anh sẽ trả công

Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho

Giúp cho một thúng xôi vò

Một con lợn béo, một vò rượu tăm

Giúp em đôi chiếu em nằm

Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo…".

Cũng như nhà văn Cocteau nói "Không có tình yêu, chỉ có bằng chứng của tình yêu". Ngôn ngữ cũng là bằng chứng vô hình của tình yêu.

Frédéric Baron và Kito Claire mong muốn bức tường là điểm tựa tình yêu cao đẹp nhất của toàn nhân loại. Những màu đỏ rải rác trên bức tranh là những biểu tượng, những mẫu trái tim tan vỡ, những nếu thu ghép lại, hợp thành một quả tim hoàn hảo. 

Hàng chữ Việt "Anh yêu em" được ghi ngay trên đầu. Rất tiếc câu đó chưa đủ. Do tiếng Việt xưng hô phức tạp nên dịch bức tường "Je t'aime" không dễ. Câu này trong tiếng Pháp hay tiếng Anh đều thể hiện sự bình đẳng, và nam hay nữ không phân biệt vai vế hay tuổi tác đều dùng như nhau. Trong khi tiếng Việt, nếu "Anh yêu em" chỉ là lời tỏ tình của người đàn ông với phụ nữ. Đàn bà cũng có quyền tỏ tình với đàn ông khi nói "Em yêu anh". Mọi người đều có quyền bình đẳng khẳng định tình cảm mình với những người mình yêu.

Do đó dịch "Je t'aime" phải lột được "tình yêu và sự bình đẳng". Đã yêu thật sự cũng đòi hỏi sự bình đẳng trân trọng lẫn nhau. Tình yêu mãi mãi là nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày của mọi lứa tuổi. Cuộc sống càng nhiều đau khổ, nhiều hàng rào ngăn cách, nhiều biên giới càng cần có tình yêu. Chỉ có tình yêu là liều thuốc duy nhất, là vũ khí hòa bình hữu hiệu xích con người lại gần nhau.

Chuyện tình bi kịch nổi tiếng Roméo và Juliette trong kịch cùng tên của Shakespeare đã giúp hai họ tộc hòa hợp. Bức tường "Je t'aime" mong thế giới chỉ tràn ngập những lời yêu thương thay bằng bom đạn, vũ khí, và hận thù. Đó là khát vọng không chỉ của tác giả mà của tất cả con người có trái tim khát yêu và khát hòa bình.

Paris không phải là nơi ngẫu nhiên thường được chọn để ký kết các hiệp định hòa bình trên thế giới. Chiến tranh Việt Nam chấm dứt cũng được ký tại nơi đây.

Paris cũng là nơi nhiều dân tộc đến sinh sống. Ngôn ngữ phong phú. Bạn hãy đến chân bức tường. Bức tường sẽ thay lời bạn muốn nói dù bất đồng ngôn ngữ.

paris6

Cổng Chiến Thắng (Arc de Triomphe de Paris) in chữ nổi chạy vòng quanh với lời chúc mừng năm mới bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Ánh Sáng và Tình Yêu đó là Paris.

Đầu năm mới tặng nhau nụ hôn nồng dù ở đâu, dưới chân tường "Je t'aime" ở Paris, hay ở Tokyo, Mạc tư khoa, Hà Nội đều là khát vọng yêu và được yêu của mọi người trên quả địa cầu.

Paris, 18/03/2018

Trần Thu Dung

Quay lại trang chủ
Read 715 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)