Hương ước - hay còn gọi là lệ làng, là một giá trị văn hóa, truyền thống, gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam. Trải qua bao biến cố, Hương ước đến nay vẫn còn được lưu giữ và đóng vai trò trong nền văn hóa và phong tục, tập quán của người Việt. Một số tiến sĩ luật gia trong nước đánh giá vai trò của hương ước thời nay ra sao ?
Đình - Đền Hào Nam tổ chức Lễ hội truyền thống. RFA
Hương ước xưa - nguồn gốc và ý nghĩa
Cho đến ngày nay, giới nghiên cứu sử học và văn hóa chưa xác định được những quy ước chung trong cộng đồng làng người Việt cổ bắt đầu có từ khi nào. Theo Luật gia Lê Đức Tiết - người nhiều năm nghiên cứu về Hương ước cho rằng, từ thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu, người Việt đã có hương ước. Còn Tiến sĩ Phương đông học Nguyễn Văn Vịnh thì chia ra hai thời kỳ : tiền hương ước và hương ước thành văn chính thức.
"Trước khi nó (hương ước) có văn bản, giai đoạn tiền hương ước chính là các luật lệ, và các luật lệ đó duy trì đời sống xã hội Việt Nam trong nhiều nghìn năm từ trước đến nay. Còn một cách chính thức, cũng phải đến đời Trần, thì hệ thống bằng văn bản, có những điều luật cụ thể thì hương ước mới được hình thành một cách tương đối phổ biến và rộng rãi. Như vậy, ta có thể chia giai đoạn tiền hương ước đã có những luật lệ như thế. Đấy chính là nền tảng tạo ra hương ước".
Luật gia Lê Đức Tiết lý giải, Hương ước hay lệ làng ra đời do nhu cầu của đời sống cộng đồng làng xã từ thời xa xưa.
"Nói chung lại, người Việt Nam sống trong không khí cộng đồng. Với nền văn minh lúa nước, với chống ngoại xâm, một người không thể chống được, mà phải có sự cố kết. Mà sự cố kết đó là hương ước, sự cố kết đó là lệ làng. Vì thế cho nên nghìn năm Việt Nam mất nước nhưng mà làng không bao giờ mất là do đấy".
Có chung quan điểm với Luật gia Lê Đức Tiết, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh nói thêm, cộng đồng làng là nòng cốt trong xã hội Việt Nam thời xưa và ít bị thay đổi. Do vậy, hương ước giúp bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống nền tảng của Việt tộc trong các cộng đồng làng xã trước sự "đồng hóa" của người Hán trong thời kỳ Bắc thuộc, dưới dạng các phong tục, tập quán, quy tắc ứng xử chưa thành văn bản.
Trong thực tế, nội dung của hương ước xuất phát từ chính các phong tục, tập quán, thói quen của cộng đồng làng xã trong quá trình chung sống và lao động, do các bô lão, các vị có vai vế và Hội đồng Kỳ mục trong làng tập hợp, soạn thảo. Theo Luật gia Lê Đức Tiết, Hương ước hàng năm được đọc cho cộng đồng làng nghe, ghi nhớ, và tuân thủ. Hương ước cũng được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những điểm còn thiếu sót hoặc không phù hợp trong quá trình áp dụng.
Các bản hương ước của cộng đồng làng xã ở Việt Nam chứa đựng các phong tục, tập quán, quy tắc ứng xử trong các việc thờ cúng Thành Hoàng làng, thờ cúng tổ tiên, quan hệ gia đình, quan hệ làng xóm, ma chay, cưới hỏi, quan hệ lao động, phân xử tranh chấp trong làng... và một phần quan trọng liên quan đến phân chia, quản lý đất đai, đặc biệt là đất đai hương hỏa. Những điều trong hương ước điều chỉnh các quan hệ xã hội căn bản phát sinh trong đời sống nông thôn Việt Nam truyền thống.
Dân gian Việt Nam có câu "Phép vua thua lệ làng" có thể xuất phát từ nguyên do như Luật gia Lê Đức Tiết vừa nói. Mặt khác, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, khi chưa có nhà nước tập quyền, tự chủ, thì hương ước đóng vai trò điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng dân cư.
"Nếu như chưa có quốc gia tập quyền, độc lập, thì bản thân hương ước thay mặt hệ thống pháp luật. Làng xã và cộng đồng Việt tộc vẫn tồn tại bình thường với hương ước. Theo xu hướng chung, mỗi thể chế, chế độ đến giai đoạn thịnh đạt, thì người ta xây dựng các bộ luật. Đến lúc nào có bộ luật, thì lịch sử Việt Nam ghi nhận có lẽ thời nhà (Hậu) Lê, thời Hồng Đức (Hoàng đế Lê Thánh Tông) thì được coi là bộ luật đầu tiên và được cho rằng có nhiều điểm tiến bộ".
Hương ước thời kỳ xã hội chủ nghĩa
Luật gia Lê Đức Tiết cho biết, trong thời kỳ Pháp thuộc, chính quyền thực dân có hai điều sợ ở Việt Nam : thứ nhất là tổ chức đồn điền kháng chiến, và thứ hai là hương ước.
Cổng một ngôi chùa trong dịp Tết cổ truyền. RFA
"Giặc Pháp muốn bỏ Hương ước, nhưng mà không bỏ được, vì nó đã ngấm vào trong dân rồi. Cho nên giặc Pháp mới "cải lương" hương ước, bằng cách tranh ngôi thứ trong làng, bằng cách đưa vào thủ tục ma chay, cưới hỏi. Ví dụ như vấn đề "khao vọng" : ngày xưa trong làng khao vọng là ai có lên chức, ai có được cái gì thì là khao vọng. Cái khao vọng nó ăn sâu vào người Việt Nam bây giờ - hiện nay người ta ai lên chức thì phải khoản đãi anh em, nếu không khao là không được".
Còn Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh đánh giá, hương ước trong thực tế không thay đổi, cho đến sau năm 1954 tại miền Bắc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, xã hội nông nghiệp truyền thống có nhiều thay đổi, đặc biệt là sự xuất hiện mô hình sản xuất "hợp tác xã" và cấu trúc xã hội mới. Thêm vào đó, hương ước bị coi như là tàn dư của chế độ phong kiến lạc hậu, nên vai trò không còn được đề cao.
"Bản thân cái hợp tác (xã) đấy bị chi phối bởi cách quản lý của mô hình xã hội mới - có thể là mô hình chúng ta du nhập từ Liên Xô. Đến lúc hợp nhất để tổ chức nhiều làng hợp lại trong một tổ chức hợp tác xã hợp nhất, thì rõ ràng các làng phải bỏ yếu tố riêng biệt của mình, và thậm chí phải quên đi tất cả những ký ức xã hội có tính chất là hệ thống luật pháp tồn tại từ hàng nghìn năm".
Với sự thay đổi trong mô hình quản lý, sản xuất và cấu trúc xã hội, kết hợp với cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc những năm 1950, nhiều giá trị vật chất và tinh thần của người Việt bị xâm hại, trong đó có hương ước.
Khôi phục hương ước trong hoàn cảnh hiện nay
Nền sản xuất nông nghiệp theo mô hình hợp tác xã tại Việt Nam đã thất bại trước năm 1986 - thời điểm Chính quyền Việt Nam chấp thuận "đổi mới, mở cửa" nền kinh tế. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa, đạo đức, ứng xử giữa người với người trong cấu trúc xã hội mới từ thời kỳ bao cấp cho đến nay có nhiều điểm xuống cấp, bị băng hoại.
Do vậy, các giá trị xưa cũ của hương ước lại được nhìn nhận, đánh giá lại với mục đích bảo tồn và phát huy. Theo Luật sư Lê Đức Tiết, khôi phục hương ước chính là khôi phục bản sắc văn hóa làng xã và thúc đẩy sự tham gia của người dân trong các vấn đề chung của cộng đồng, xa hơn nữa là quản lý nhà nước và tăng cường dân chủ về mặt thực chất.
"Cho nên có hương ước là khôi phục tính tự quản của dân. Dân tự quản, dân tự làm lấy. Nếu ở trong làng xóm, người ta có quy tắc giữ vệ sinh, người ta có quy tắc không buôn gian bán lận. Ngày xưa đừng có nói chuyện tráo hàng như bây giờ trồng vạt rau này cho nhà ăn, còn vạt rau có phun thuốc thì đem bán ra thị trường. Nếu như có hương ước, lệ làng thì không có như thế".
Tuy nhiên, việc khôi phục và phát huy giá trị hương ước trong thời đại ngày nay xuất hiện nhiều khó khăn về mặt chủ quan và khách quan.
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong hơn 30 năm qua với xu thế đô thị hóa, dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành phố, đã dẫn đến tình trạng ở nông thôn chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, nên phạm vi tác động của hương ước đến cộng đồng bị thu hẹp lại. Mặt khác, nhiều phong tục, tập quán bị thay đổi, mai một, hoặc thất truyền.
Thêm vào đó, cả Luật sư Lê Đức Tiết và Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh đều nhắc tới vai trò của chính quyền. Theo ông Tiết, những quan chức chính quyền quan liêu, tham lam không muốn "xã hội hóa" việc quản lý xã hội ở cấp cơ sở tại nông thôn, nên họ có khuynh hướng áp đặt trong soạn thảo, sợ công khai, minh bạch hóa hoạt động của chính quyền, và không mong đợi việc khôi phục và phát huy hương ước.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh đưa thêm dẫn chứng về mong muốn thực thi quyền thống nhất quản lý và can thiệp vào quá trình xây dựng hương ước thời nay của chính quyền. Theo đó, Chính phủ quy định, hương ước phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện thông qua. Trước đó, bản dự thảo hương ước, ngoài lấy ý kiến của cộng đồng, còn phải có sự tham gia của chính quyền cơ sở và các đoàn thể.
"Nếu như vậy, hương ước sẽ bị thay đổi tương đối lớn. Bởi vì có những thủ tục riêng biệt, những quy định của các dòng họ lớn sẽ bị thay đổi. Nhưng quay trở lại vấn đề, khi hương ước trở thành một yếu tố của văn hóa - văn hóa làng xã, văn hóa nông thôn Việt Nam, thì ảnh hưởng của thể chế chính trị không nhiều lắm. Bởi vì cái gì đã trở thành văn hóa rồi, thì nó sẽ chỉ thay đổi bằng văn hóa".
Trong xu hướng xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, Tiến sĩ Vịnh và Luật gia Lê Đức Tiết đánh giá vai trò của hương ước thời nay chỉ còn mang ý nghĩa văn hóa, chắt lọc và đề cao các giá trị đạo đức, truyền thống thông qua phong tục, tập quán, giáo dục lối sống. Ngoài ra, theo ông Tiết, các giá trị của hương ước còn có thể được áp dụng cho các doanh nghiệp, các tổ chức, các hội nghề nghiệp trong thời kỳ khởi nghiệp đang là xu thế.
Thông tín viên RFA
Nguồn : RFA, 23/03/2018