Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

26/04/2018

Giỗ Tổ Hùng Vương : Cần hiểu hơn về Tổ tiên người Việt

RFA tiếng Việt

Các dòng họ Việt Nam tri ân công đức tổ tiên

Ca dao Việt Nam có câu : "Dù ai đi ngược, về xuôi / Nhớ ngày Giỗ Tổ - mùng mười tháng ba". Tín ngưỡng thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương, đặc biệt là trong ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba âm lịch đã ăn sâu vào truyền thống, văn hóa người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay.

gio00

Lễ giổ tổ Hùng Vương tại đền Hùng. Kênh 14

Tiến sĩ Phạm Vũ Câu - thành viên Hội đồng họ Phạm Việt Nam chia sẻ, mọi người dân Việt Nam đều có tâm niệm chung là tri ân Quốc Tổ Hùng Vương. Các dòng họ Việt Nam cũng luôn hướng về Quốc Tổ mỗi dịp 10/3 âm lịch.

"Riêng năm nay, chúng tôi có một cái tự nguyện là các dòng họ, mà trước hết là các dòng họ mà chúng tôi theo dõi, thống kê được là những dòng họ mà có các cụ của dòng họ mình là những danh thần, danh tướng từ thời Hùng Vương được thờ ở các đình, đền thờ trong cả nước. Chúng tôi tụ họp với nhau và bàn với nhau rằng, các cụ xưa nhà mình sinh ra thời Hùng Vương và đóng góp nhiều cho nước, cho nên là chúng ta cùng nhau lên dâng hương cho Quốc Tổ".

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phùng Văn Duân, đây là năm đầu tiên các dòng họ cùng tập hợp lại, dâng tâm, dâng đức lên Quốc Tổ Hùng Vương, hướng về cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ những công tích của tiền nhân.

"Trước đây, có thể là có khó khăn nào đó trong việc tổ chức, hoặc là còn cá lẻ, nên là chưa tập hợp được với nhau. Bây giờ thì một số dòng họ đã có các tổ chức dòng họ của mình, ví dụ như : Họ Phạm Việt Nam, Họ Trần Việt Nam, Họ Phùng Việt Nam, … rồi nhiều cộng đồng ở các họ khác nữa. Nên là việc này được thực hiện dễ dàng hơn. Các dòng họ có liên kết với nhau là điều rất tốt cho dân tộc chúng ta".

Tiến sĩ Phạm Vũ Câu và Phó Giáo sư Tiến sĩ Phùng Văn Duân đều mong đợi, sự kiện các dòng họ Việt Nam cùng dâng hương lên Quốc Tổ Hùng Vương sẽ trở thành sự kiện thường niên.

"Chúng tôi mong muốn là các năm sau cái việc này sẽ vẫn tiếp tục và hy vọng là những năm sau với kinh nghiệm lần tổ chức đầu tiên như thế này, các năm sau sẽ được tổ chức tốt hơn, quy củ hơn, số người tham gia đông hơn, và nhiều dòng họ thì không phải chỉ đi tính chất một vài người cá nhân mà là đại diện cho dòng họ".

Tiến sĩ Phạm Vũ Câu cho biết thêm về dự tính của các dòng họ Việt Nam,

"Sau đây, chúng tôi còn làm việc lớn thứ hai, đó là chúng tôi sẽ cùng với các nhà khoa học tổ chức một hội thảo khoa học về thời Hùng Vương, tức là khẳng định rằng, các dòng họ Việt Nam có từ thời Hùng Vương. Chắc chắn cái việc sắp tới đây, các dòng họ tập trung với nhau như vậy, thì sẽ là một sự kết nối nữa và có thể sẽ duy trì việc dâng hương Quốc Tổ hàng năm. Chúng tôi cũng nghĩ là chắc mọi người hưởng ứng".

Hậu thế cần hiểu rõ hơn về Tổ tiên của dân tộc

Theo Tiến sĩ Phạm Vũ Câu, mặc dù lịch sử giữa truyền thuyết và thực tế còn nhiều điểm cần tiếp tục phải làm rõ, nhưng công tích của tổ tiên người Việt nói chung và của các dòng họ từ thời kỳ dựng nước đến nay là rất lớn.

"Thời Hùng Vương chúng ta rất oanh liệt. Hơn 2000 năm Vua Hùng chúng ta dựng nước và giữ nước, nhân dân chúng ta, các danh tướng, tướng lĩnh của chúng ta chống giặc ngoại xâm rất nhiều. Đấy là niềm tự hào của dân tộc chúng ta. Cho nên, chúng tôi nghĩ, chúng ta là con dân Việt Nam thì chắc chắn phải duy trì những truyền thống đó. Việc đầu tiên là phải hướng dẫn, tổ chức cho các con cháu đời đời kế tiếp nhớ tới Quốc Tổ Hùng Vương".

Còn theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Phùng Văn Duân, dân tộc Việt Nam đã có nhà nước khởi thủy, gây dựng nên nền văn minh từ rất sớm. Đó là nhà nước Cực Lạc, Viêm Bang, Xích Quỷ, rồi đến Văn Lang, Âu Lạc, Nam Việt, Lĩnh Nam thời kỳ Hai Bà Trưng và sau này là Đại Cồ Việt, Đại Việt.

Trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, người Việt đã gây dựng nên nền văn minh lúa nước, với những phát kiến lớn trong y học, văn hóa trà, kinh dịch, rèn đúc đồ kim khí, kỹ thuật hàng hải, …

Tuy nhiên, môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay về thời kỳ lập quốc còn sơ sài, thiếu thông tin, trong khi những nguồn tài liệu về thời kỳ này còn ít và bị thất lạc rất nhiều, ngoài các thần tích trong các Đền, Đình thờ các danh thần, danh tướng.

"Thời kỳ chưa xa đây lắm là thời kỳ giặc Minh sang xâm lược nước ta, thì nó có lệnh là tất cả sách vở của người Việt phải đưa về nước nó hết, nếu không đưa được thì đốt bỏ hết ; tất cả những công trình văn hóa người Việt làm phải đập bỏ hết, những gì Tàu làm thì để lại. Sách của chúng ta bị mất rất nhiều trong thời kỳ đó. Rồi sau này còn hỏa hoạn, những kho sách quý của tổ tiên ta để lại cũng bị mất. Nhưng may còn một vài quyển còn sót lại được, thí dụ như là Cổ Lôi Ngọc Phả, các Ngọc Phả về Hùng Vương, Bách Việt Ngọc Phả Truyền Thư".

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phùng Văn Duân cho rằng, để hậu thế hiểu rõ về tổ tiên và ham thích môn lịch sử thì cần phải giáo dục từ nhỏ trong gia đình, dòng họ, cho tới nhà trường và xã hội, bằng nhiều phương pháp khác nhau, như các buổi nói chuyện về lịch sử, sản xuất các bộ phim, học lịch sử khi thăm quan bảo tàng, …

Niềm tự hào về dân tộc đúng nghĩa cần dựa trên những hiểu biết về lịch sử, niềm tự hào về cội nguồn, tổ tiên. Chính niềm tự hào đó, và cùng chung dòng máu "con Lạc, cháu Hồng" đã nối kết người Việt lại với nhau.

"Dù anh theo xu hướng chính trị này, hay xu hướng chính trị khác ; hay là dù anh có muốn đất nước phát triển theo con đường này hay con đường khác, thì cái tình cảm với tổ tiên chính là sợi dây kết nối mọi người một cách rất dễ dàng, rất tự nhiên. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng đối với đất nước ta, dân tộc ta".

Dù là người cộng sản hay không cộng sản, ở trong nước hay nước ngoài, hễ mang dòng máu Việt thì đều có chung tổ tiên. Đạo lý dân tộc ta là đoàn kết để cùng nhau chống giặc ngoại xâm, đối phó với các nan đề của đất nước theo tinh thần của câu ca dao

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng".

Nguồn : RFA, 26/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 785 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)