Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

14/05/2018

Trần Vàng Sao, từ Phản chiến đến Phản tỉnh

Kính Hòa

Nhà thơ Trần Vàng Sao mất vào ngày 9/5/2018 tại Huế, thọ 77 tuổi. Ông là người tham gia cách mạng cộng sản trong chiến tranh Việt Nam và rất nổi tiếng trong giới sinh viên tranh đấu tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Năm 1970 ông ra miền Bắc, và tại đây ông đã gặp rất nhiều khó khăn với nhà cầm quyền Hà Nội vì những gì ông đánh giá và bình luận về xã hội miền Bắc.

vang1

Nhà thơ Trần Vàng Sao. Courtesy of Tiền Vệ.

Sau đây là ý kiến của nhà văn Nguyễn Viện từ Sài Gòn về số phận nhà thơ Trần Vàng Sao.

Ông Nguyễn Viện từng bị cải tạo không giam giữ vì những ý tưởng đấu tranh bất bạo động của ông vào những năm ngay sau khi Việt Nam thống nhất.

Nguyễn Viện : Ông Trần Vàng Sao, cũng như một số người bạn tôi đã đi theo cách mạng từ rất sớm, từ 1968, hoặc trước 68 nữa. Ông Trần Vàng Sao thì trước 68 ông đã "nhảy núi" (vào chiến khu) rồi. Theo những thông tin chính thức thì khoảng 1970 ông ra Bắc.

Theo nhà thơ Nguyễn Minh Thảo viết giới thiệu cho tập thơ Bài thơ của một người yêu nước do Giấy Vụn in, cho biết rằng giai đoạn ông Trần Vàng Sao ra Bắc có lẽ là giai đoạn khổ cực nhất trong cuộc đời ông ấy. Nhưng đấy vẫn là giai đoạn ông giữ được sự lạc quan và trung thành với lý tưởng, mặc dù tôi nghe nói rằng lúc ấy ông đã bị đì rồi, và một số thơ của ông bị coi là có vấn đề, và đã không được tin dùng ngay khi còn ở miền Bắc. Sau khi thống nhất đất nước thì ông tim cách vào miền Nam, vì không được phép đi chính thức. Tôi biết đây không phải là trường hộ duy nhất, một người bạn tôi cũng rơi vào một tình cảnh như vậy. Và họ đã tự tìm cách bỏ cơ quan mà đi vào miền Nam.

Ông vẫn tiếp tục không được tin dùng, mặc dù với tên tuổi ông ấy, khả năng ông ấy, ông cũng chỉ như là một người phát thư của bưu điện ở làng xã. Sau một thời gian thì ông nghỉ. Theo những gì mà người bạn tôi kể lại thì ông đã sống trong sự nghèo khổ, cùng cực.

Nhưng vượt lên trên sự nghèo khổ đó, ông vẫn giữ tư cách của một con người, phẩm chất một người trí thức, giá trị riêng của mình như một nhà thơ.

Kính Hòa : Trong những tác phẩm của nhà thơ Trần Vàng Sao, thì nhà văn Nguyễn Viện đánh giá bài nào là có giá trị nhất ?

Nhà văn Nguyễn Viện : Nổi tiếng nhất vẫn là bài thơ Bài thơ của một người yêu nước mìnhlàm hồi năm 1967. Đây là giai đoạn ông nhiệt tình với cách mạng nhất, nó đầy cái ý vị của của thơ ca cũng như là nỗi đau khổ của một con người.

Còn cái bài tôi cho là khủng khiếp nhất của Trần Vàng Sao là bài Tau chửi, ông sáng tác vào năm 1997, đã trải qua tất cả những giai đoạn đau khổ nhất của cuộc đời mình. Đối với tôi nó giống như sự tổng kết của cuộc đời mình.

Kính Hòa : Những người có số phận như ông Trần Vàng Sao có đông không và lý do tại sao họ có số phận như vậy ?

Nguyễn Viện : Những người như Trần Vàng Sao thì cũng không nhiều, nhưng họ rất tiêu biểu cho những người đi theo cách mạng mà có gốc gác trí thức tiểu tư sản.

Tôi đã từng hỏi những người bạn đã từng theo cách mạng như thế này : Với những người như các anh, tương đối gọi là trí thức, hiểu biết, nhiều kinh nghiệm về cuộc sống ở dưới cả hai chế độ. So với mặt bằng chung của xã hội thì có thể nói rằng các anh là những người giỏi. Nhưng tại sao các anh không được sử dụng đúng mức như khả năng của các anh ?

Một số người bạn tôi trả lời ràng có lẽ việc đó bắt nguồn từ ông Lê Đức Thọ. Ông Lê Đức Thọ nói rằng đối với những thành phần tiểu tư sản trí thức, thì chúng ta vẫn có thể dùng, nhưng không tin họ được.

Đa số những người bạn tôi biết, thì họ cũng có những chức vụ nào đó, nhưng đều là những chức vụ không có thực quyền. Và chắc là chúng ta có thể kiểm chức được là những người tham gia phong trào sinh viên tranh đấu ở miền Nam, trí thức rất nhiều, nhưng không ai nắm thực quyền, được giao cái gì có thực quyền.

Ông Trần Vàng Sao lại rơi lào một tình huống là những bài thơ của ông làm khi ở miền Bắc là những bài thơ "có vấn đề". Tức là nó mang tính chất phản tỉnh. Cuộc đời của ông khốn khó vì sự phản tỉnh của mình.

Kính Hòa : Những người như ông Trần Vàng Sao, và những trí thức ở miền Nam đi du học trong những năm 60, 70, tham gia phản chiến, ủng hộ chế độ Hà Nội. Họ đều có một con đường khá là giống nhau là không được sử dụng. Câu hỏi đặt ra là vào thời điểm đó, những thông tin về khối cộng sản, những gì đằng sau bức tường của khối cộng sản, đã có nhiều rồi, nhưng tại sao họ lại có khuynh hướng như vậy ?

Nguyễn Viện : Đây cũng là một câu hỏi mà tôi hỏi những người bạn tôi trong phong trào sinh viên tranh đấu.

Tôi hỏi rằng tại sao anh lại theo cách mạng trong khi tôi biết chắc chắn rằng anh biết chế độ miền Nam dù thế nào cũng tự do hơn chế độ miền Bắc ?

Đa số tôi nhận được câu trả lời như vầy : Có lẽ sự có mặt của người Mỹ ở Việt Nam là cái lý do trực tiếp nhất tạo nên sự phản ứng của những người yêu nước nói chung. Tôi cũng phải công bằng nói rằng họ hoạt động vì sự thần túy yêu nước, chứ không phải là cộng sản hay không cộng sản. Lúc đấy là họ "chống Mỹ cứu nước" thực sự.

Họ không đặt vấn đề là tại sao người Mỹ lại có mặt ở miền Nam. Họ chỉ thấy cái trước mặt là sự có mặt ấy khiến cho họ phải tìm cách chống lại. Họ cảm thấy họ bị xúc phạm và phải chống lại điều đó.

Tôi còn có cảm giác rằng cái đó là một trào lưu trên thế giới, không biết rằng trong chiến tranh thì có những điều này điều nọ cho cả hai phía, còn khi chúng ta chỉ xét đoán từ một phía thì nó trở nên mất công bằng.

Tâm lý chung của con người là người ta thích bênh kẻ yếu, chống lại kẻ mạnh. Trong tình huống của thời điểm đó thì nước Mỹ là một nước mạnh. Thì sự có mặt của người Mỹ ở Việt Nam gây một sự phẫn nộ chung, không chỉ đối với trong nước mà cả đối với thế giới nữa. Và có lẽ đó chính lf cái lý do đưa đến sự thất bại của người Mỹ ở Việt Nam.

Kính Hòa : Thưa ông nếu như có một nhận xét về số phận của trí thức Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, trước và sau chiến tranh, thì ông có thể nói như thế nào ?

Nguyễn Viện : Tầng lớp gọi là trí thức ở Việt Nam có thể nói là không có, nếu mình hiểu theo nghĩa trí thức không chỉ thuần túy là có học, mà còn là những người mà đại diện cho lương tâm của dân tộc, của xã hội, những người phản biện xã hội, vì vai trò trí thức ở Việt Nam rất mờ nhạt.

Cho đến những năm gần đây khi có kiến nghị 72 của nhân sĩ trí thức về việc sửa đổi hiến pháp, tôi cho rằng lúc đó vai trò trí thức mới nổi lên đóng dấu ấn vào đời sống xã hội. Tôi hy vọng rằng trong những ngày kế tiếp thì trí thức Việt Nam sẽ còn đóng góp rất nhiều vào tiến trình phát triển, dân chủ hóa đất nước, để mà làm thay đổi xã hội. Mặc dù rằng giai đoạn sau khi thống nhất người trí thức rất khốn khổ, thật sự là khốn khổ.

**************

Khi nhà thơ Trần Vàng Sao từ trần, báo Tuổi Trẻ tại Sài gòn có bài ca ngợi ông, nhưng không nói gì về giai đoạn ông sống ở miền Bắc, không nhắc đến bài thơ Tau chửi, chỉ có nói rằng đây là một con người đã trải qua cuộc đời trầm nổi truân chuyên.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 14/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 730 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)