Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

28/05/2018

Suy ngẫm về hai cách ứng xử văn hóa

Hà Văn Thùy

Việc làm của dân cư mạng và cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng trước hai tấm bia xuất hiện ở thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng đáng phải suy ngẫm.

vanhoa1

Hai tấm bia ở thôn Thanh Trì

Bia có chữ, thậm chí rất nhiều chữ. Nhưng những chữ được đọc quá ít. Cụ Lân người địa phương đọc rồi nói rằng "Những chữ khắc trên bia liên quan đến mộ chí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm".

Người thứ hai là nhà văn Đặng Văn Sinh đọc được 14 chữ 莫晁容皇帝同宗阮公文達之九原. Ông phiên âm là : "Mạc triều Dung hoàng đế đồng tông Nguyễn công Văn Đạt chi cửu nguyên". Tạm dịch nghĩa : Mộ của ngài Nguyễn Văn Đạt cùng họ với hoàng đế nhà Mạc (là) Dung (Văn Đạt là tên tự của Nguyễn Bỉnh Khiêm).

Nhưng chủ trang Nguyễn Xuân Diện sửa lại : chữ thứ ba là (duệ) chứ không phải (dung). Vậy dòng chữ này được đọc chính xác là : 莫晁睿皇帝同宗阮公文達之九原 : Mạc triều duệ hoàng đế đồng tông Nguyễn công Văn Đạt chi cửu nguyên. Từ những thông tin ít ỏi đó, cộng đồng mạng ra sức ném đá, khẳng định là bia giả do một âm mưu nào đó ngụy tạo vì mục đích đen tối. 

Đến lượt mình, Sở Văn hóa Hải Phòng dựa vào hai nguyên nhân : hai tấm bia vật trôi nổi và ở ngoài quy hoạch nên đưa ra quyết định ngưng nghiên cứu, niêm phong hiện vật. 

Chúng tôi thấy ở đây có điều gì đó bất thường, không phản ánh một chuẩn mực văn hóa cần phải có. Nhìn không khí chung của cuộc tổng ném đá và nhất là tiếng reo hồ hởi của vị Tiến sỹ Hán Nôm : "Tễu Blog Hoan nghênh Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng về chỉ đạo và đề nghị này. Cần niêm phong vĩnh viễn hoặc hủy bỏ hai tấm bia này, tránh hậu quả về sau", người ta có cảm tưởng đang diễn lại cảnh của thời phần thư khanh nho xa xưa.

Ngành Văn hóa Hải Phòng nói là "vật trôi nổi". Nhưng lẽ đời lại là : dù một xác chết trôi từ đâu nhưng khi tấp vào bờ sông làng mình thì lý dịch phải có phận sự. Một hiện vật xuất hiện ở địa phương, người làm văn hóa phải có trách nhiệm. Giả hay thật ? Cố nhiên đó là câu hỏi đầu tiên. Nhưng ai là người có đủ tư cách phân xử ? Vì vậy, điều cần phải làm trước tiên là đọc xem bia nói gì ? Chả lẽ cả đất Hải Phòng không còn ai đọc được dù ít dù nhiều chữ trên bia ? Nhưng chưa cần đọc thêm, thì dòng chữ ở trên khiến mọi người phải lưu ý : rõ ràng, tấm bia liên quan tới khu mộ nhà Mạc cùng mộ Trạng Trình. Trước một vấn đề lớn không chỉ của Hải Phòng mà của cả dân tộc mà người ta dửng dưng bỏ qua khôn g chỉ là vô trách nhiệm mà còn là vô tâm với tiền nhân.

Trong khi đó, từ Paris cách đất nước nửa vòng Trái đất, ông cụ ngoài tám mươi tuổi, tên đề trên hộp thư điện tử là Trinh Nguyên, gửi về những dòng sau cho Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh :

"Thưa Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh,

Tôi gửi đến Anh thư này có phần hơi đường đột, nhưng tự thấy là việc nên làm của một người già ngoài bát tuần đã dành cả đời cho Nho học. Có lẽ anh không biết tôi, nhưng tôi lại biết và có thiện cảm với Anh qua một ông bạn già vong niên của anh ; và vì thế, có được địa chỉ hộp thư này. 

Vài hôm nay, nhiều người biết Hán-Nôm có chút xôn xao, có người hồ nghi, quy kết vội vã về các tấm ảnh chụp 2 tấm bia mà anh đã có cơ duyên mà phát hiện được ở Hải Phòng. Là người khi còn công tác đã gây dựng và đào tạo nhiều môn sinh ở Viện Hán Nôm, cũng còn nặng lòng với chữ Nho, với các di vật lịch sử, tôi cũng rất quan tâm đến việc này. Bởi nếu chân xác, đây quả là một sự kiện lớn liên quan đến một danh nhân lớn của nước Việt.

Tôi đã kỳ công xem xét kỹ các ảnh của 2 tấm bia ở các góc độ, dùng kính lúp soi xét từng chữ và đọc được khá nhiều, luận ra một số nội dung quan trọng. Bia thứ nhất có tiêu đề : "Di ngôn chí " (cái chí để lại cho đời sau bằng ngôn từ/chữ) ; Bia thứ 2 quan trọng hơn : "Mạc triều Duệ Hoàng đế đồng tông Nguyễn Công văn Đat chi cửu nguyên" (Khu mộ của Duệ Hoàng đế và tông tộc nhà Mạc, cùng với Nguyến Công văn Đạt). Nay xin được trao đổi cùng anh mấy ý như sau : Hai tấm bia này, rõ là hoa văn đời Mạc ở cả trán, thân và chân bia với họa tiết diềm đặc trưng, nhưng kích cỡ quá nhỏ, lại nhiều chữ ; kiểu cách có khác biệt với các bia lớn đã phát hiện cùng thời (hiện vật hoặc còn thác bản). Điều này có thể gây phản ứng đối với những người non kinh nghiệm, suy nghĩ máy móc lại lắm hồ nghi trong cái thời đầy những sự man trá bây giờ. Bằng sự từng trải và kinh nghiệm hàng chục năm, với hàng trăm chuyến điền dã tìm và đọc bia, tôi lại thấy sự khác biệt này rất lí thú và có cơ sở.

Trước đây, các bia đời Mạc đã phát hiện tất cả đều dựng ở chùa, quán, đền đình..., kích thước vừa và lớn (cao từ 0,7 - 1,2 mét), được lập ra để bày công khai cho thiên hạ xem. Còn 2 bia do anh phát hiện thì mục đích và công dụng của nó khác hẳn : Nó được chôn giấu sâu dưới đất, ở khu có huyệt mộ chờ đến thời thì phát lộ với kẻ hữu duyên, vừa làm tiêu chỉ báo huyệt mộ, vùa gửi gắm những thông tin bằng di ngôn cho hậu nhân ; lại phải che giấu với những kẻ đương thời có tà ý. Từ xưa, cùng chôn tại mộ phần người ta có thể khắc chữ vào đá, gốm, đồng lá, gỗ... khá đa dạng, đâu cần làm bia lớn y như kiểu cách bia đặt trên mặt đất. Trong trường hợp này, việc lập thành văn tự (thơ, câu đối..) khắc trên bia cỡ nhỏ như vậy là cụ Trạng Trình đã cẩn thận, chu toàn với hậu thế lắm rồi ! Câu : "Trí sĩ Trung Am hương Nguyễn lão soạn" (ông lão họ Nguyễn, về trí sĩ ở làng Trung Am soạn bia) đã tỏ rõ điều ấy !

Do vậy, việc so sánh rồi đàm tiếu thật giả giữa các loại bia với công dụng khác nhau, đặt ở chỗ khác nhau (trên mặt đất và dưới lòng đất), ý định khác nhau (công khai và che giấu) thì thật là nông cạn.

2. Về nét chữ văn khắc : 

Kể cả người không có nghề, dễ nhận thấy chữ khắc trên 2 tấm bia không phải của thợ lành nghề chuyên san khắc bia (thường ở kinh đô, hay xưởng in khắc của nhà nước), mà là của thợ vườn trong hương xóm. Nét chữ gãy, vụn, nhiều chữ thiếu nét, sái niêm luật. Mới đầu, đây là điều tôi rất nghi ngờ có sự giả mạo, nhưng khi dịch xong đoạn văn : "Diên Thành bát niên đại thử tiết đồ mật san" thì tôi chợt hiểu ra tất cả. Đoạn ấy có nghĩa là : "Đồ đệ (học trò của Cụ) bí mật khắc (bia) từ tiết Đại thử, năm Diên Thành thứ 8 (1585)". Học trò tin cẩn của Cụ (không có nghề) tự khắc bia đá, mà lại phải bí mật (vì sợ lộ chỗ chôn cất vua Mạc và Trạng Trình) ; hơn nữa, diện tích mặt bia quá nhỏ, số chữ lại nhiều, làm cho vỡ đá, thiếu nét, chữ xấu vụng là lẽ đương nhiên.

Xin nói thêm rằng, ngày xưa muốn có nét khắc chữ đẹp phải đủ cả 2 điều kiện : người viết chữ đẹp và người san (khắc) bia lành nghề. Học trò của Cụ thì chắc là chữ đẹp, nhưng tay học trò mà cố đục bia thì làm sao chữ đẹp cho được, chỉ miễn sau này đọc rõ, hiểu được thì thôi !

Ngày nay, cũng thật buồn cho kiến văn của anh chàng viện trưởng Hán nôm tên Cường khi bình trên trang của cậu Diện : anh ta cứ khẳng định chữ "triều" viết là sai, mà không biết rằng đó chính là dạng chữ cổ, đồng nghĩa, xưa dùng thay cho chữ "triều" phổ biến bây giờ . Đọc văn cổ khó và tinh tế hay không chính là ở chỗ ấy !

3. Về bề mặt 2 tấm bia :

Thoạt nhìn qua ảnh, có vẻ cả 2 bia đều còn lành lặn, bề mặt ít bị phong hóa khi đã ở trong đất hàng trăm năm, làm người ta dễ nghi ngờ. Thực tế là, bia dựng trên mặt đất bị thời gian tàn phá rất nhanh, vài trăm năm là không đọc nổi chữ, nhất là với loại đá kém. Còn trong các cuộc khảo cổ, các di vật bằng đá tốt, độ cứng cao, càng ở tầng đất sâu, yếm khí, nhiệt độ mát mẻ ổn định, tốt nhất là ngậm nước thì bề mặt đá bị tác động không nhiều, chỉ mòn đi mà thôi.

Nhiều bia, phiến đá, cột đá trong các quách mộ cổ khi đưa lên mặt đất còn khá nhẵn nhụi sau khi lau chùi kỹ bên ngoài. Cách đây vài năm, tỉnh Bắc Ninh có khai quật từ tầng đất sâu hơn 2 mét bia đá "Nhân thọ xá lợi" rất cổ, có minh văn ghi rõ niên đại năm 601 (cách nay hơn 1400 năm) mà bề mặt vẫn bóng, còn nguyên vẹn, đọc đủ hết các chữ. Khi giám định cũng có người băn khoăn về niên đại, nhưng nay được công nhận là "Bảo vật quốc gia, bia cổ nhất Việt Nam".

Trường hợp của 2 bia này, chất liệu đá xanh cứng, được lưu giữ ở địa tầng sâu, ổn định, nhiệt độ mát mẻ, luôn ngậm nước (theo tôi biết là dưới tầng phù sa ven sông Hàn). Cụ Trạng Trình lại chọn được huyệt đất kết (có thể tầng sâu có tính dưỡng thi), yếm khí... nên bia có được tình trạng bên ngoài còn tốt như vậy là điều dễ hiểu. Hơn nữa, ở câu cuối tấm bia "Di ngôn chí" ghi rằng "Trấn trạch triệu cát địa bi" (Bia trấn nơi đất tốt để đặt mộ) càng làm rõ thêm nhận định nói trên.

Với kinh nghiệm của người làm nghề lâu năm về bia đá và văn khắc Hán Nôm cổ, và cũng mạo muội tự coi mình có chút "duyên" trong việc này, tôi xin được trao đổi đôi điều như vậy. Tôi đang tập trung cố dịch càng nhiều càng tốt nội dung cả 2 tấm bia, tuy rằng nhiều chữ đã mờ, mất nét nên vừa dịch vừa luận đoán. Qua nội dung và hình thức bia, có thể nhận định với độ khả tín cao rằng đây là 2 tấm bia rất quý và hiếm có, chứa đựng nhiều tiên báo và di nguyện Cụ Trạng để lại cho hậu thế, cho cả nước Việt. Cụ là bậc Thánh nhân, bởi thế những di sản của Cụ (tư tưởng, Sấm trạng, bi ký...) đều rất lớn lao, kỳ bí, vượt qua tầm hiểu của phàm nhân ; lũ người háo danh, tài mọn mà luôn dèm pha, đố kỵ - người xưa gọi là bọn "nhục nhãn" - làm sao hiểu nổi !

Được là người hữu duyên với Cụ, mong anh vững tâm, bền chí để gánh vác công việc rất khó mà cũng đầy ý nghĩa này. Khi cần, tôi lại xin phép viết thư tiếp tới anh cho đến khi mọi việc hoàn thành như di ngôn của Cụ".

Bây giờ không phải thời Tần, cũng không phải thời Polpot nên chắc chắn không kẻ nào dám nghe lời vị tiến sỹ Hán Nôm tiêu hủy tấm bia. Chắc một ngày không xa, sự thật được sáng tỏ. Cùng với những khám phá về nhà Mạc và Trạng Trình, mọi người cũng đánh giá được hai thái độ ứng xử văn hóa.

Nhà văn Hà Văn Thùy

Nguồn : VNTB, 28/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 778 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)