Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

02/07/2018

Phan Huy Lê : Cầu nối các sử gia Pháp với Việt Nam

Philippe Papin & Mạc Thu Hương

Sáng 27/06/2018, rất nhiều người đã đến tiễn đưa giáo sư Phan Huy Lê, qua đời ngày 23/06, về nơi an nghỉ cuối cùng. Là một trong "tứ trụ""Lâm, Lê, Tấn, Vượng" (1) của sử học Việt Nam đương đại, vai trò của giáo sư Phan Huy Lê được giám đốc đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn lược lại trong bài điếu văn tại nhà tang lễ bộ Quốc Phòng : "Là chuyên gia về lịch sử Việt Nam, nhưng tầm bao quát của giáo sư Phan Huy Lê lại bao trùm lên hầu hết các lĩnh vực chủ yếu của khoa học xã hội Việt Nam".

phan1

Tiểu sử giáo sư Phan Huy Lê trên website của Viện Hàn Lâm Văn Khắc và Văn Chương, thuộc Viện Pháp (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres, Institut de France).RFI / Tiếng Việt

Trong suốt sự nghiệp, giáo sư Phan Huy Lê đã công bố hơn 450 công trình nghiên cứu khoa học và luôn nhấn mạnh đến trường phái sử học chứng thực. Với giới nghiên cứu trong nước, giáo sư Phan Huy Lê là "nhân cách lớn trong giới sử học", "nhà giáo tài danh, nhà sử học hàng đầu cả nước" "mang sứ mệnh khỏa lấp khoảng trống lịch sử" và là "người xây dựng ngành Đông phương học".

Với giới sử gia Pháp chuyên về lịch sử Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, giáo sư Phan Huy Lê là "người thầy tài năng, đức độ", là cầu nối các chuyên gia nước ngoài với Việt Nam.

RFI tiếng Việt đã gặp gỡ nhà sử học Philippe Papin, trường Cao đẳng Thực hành Pháp (Ecole pratique des Hautes Etudes), một học trò và cộng sự với giáo sư Phan Huy Lê trong suốt ba thập kỷ qua, cũng như gặp chị Mạc Thu Hương, vợ của giáo sư Papin.

RFI : Là một người bạn, một đồng nghiệp với giáo sư Phan Huy Lê từ 25 năm nay, xin ông cho biết hình ảnh của giáo sư Phan Huy Lê như thế nào trong giới nghiên cứu về Đông Dương và Việt Nam tại Pháp ?

Philippe Papin : Tôi làm quen với giáo sư Phan Huy Lê từ 30 năm nay. Đúng là tôi đã gặp giáo sư Lê vào đầu thập kỷ 1990, chính xác là vào năm 1991 khi mới sang Việt Nam. Khi đó, thầy đã đón tôi một cách rất cởi mở và rất là vui vẻ. Và nếu không có sự giúp đỡ của thầy, thì chắc lúc đó tôi sẽ không thể nghiên cứu và làm việc về Việt Nam được.

Giới học giả, không phải chỉ ở Pháp mà cả quốc tế, có lòng khâm phục giáo sư Lê rất là nhiều. Trong tất cả các đồng nghiệp của tôi, cả ở Pháp, Châu Âu nói chung và cả ở Châu Mỹ, ai cũng đánh giá sự đóng góp của giáo sư Lê rất là cao, không phải chỉ về mặt khoa học mà còn về mặt tinh thần và tư cách, phong cách của ông, ai cũng khâm phục.

Và đúng là khi cộng đồng khoa học quốc tế sang Việt Nam, họ đều đến số 7 phố Vọng Đức để gặp giáo sư Phan Huy Lê. Ai cũng đến, ai cũng thích và ai cũng khâm phục giáo sư Phan Huy Lê. Quả thực, tình cảm dành cho Việt Nam của các học giả quốc tế chỉ có được do những người thầy tài năng, đức độ như thầy Phan Huy Lê.

Tôi cũng muốn nói vài câu về tư cách của ông, vì đó là ấn tượng mà tôi không bao giờ quên. Ông có tư cách rất rộng rãi, luôn luôn giúp người khác. Tôi nhớ là từ 30 năm nay, mỗi khi có vấn đề về lịch sử, có một cái gì đó mà tôi không hiểu, hoặc một văn bản mà tôi không hiểu, thì tôi có thể sang nhà của giáo sư Lê để hỏi và ông luôn sẵn sàng và dành thì giờ để giải thích cho học trò cũ là cái văn bản này là như thế nào, chữ này như thế nào. Ông rất rộng rãi và ông rất lịch sự.

Mỗi khi sang nhà của ông, ông luôn tiếp đón một cách vui vẻ, mình bắt đầu nói chuyện vui vẻ, uống chè rồi dần dần đi vào chủ đề, sau đó có thể nói về lịch sử Việt Nam trong hai tiếng, ba tiếng… Ông thì không ngừng, không bao giờ mệt !

RFI : Thưa chị Mạc Thu Hương, là vợ của giáo sư Philippe Papin, chị có mối quan hệ thân mật với giáo sư Phan Huy Lê và thường xuyên tiếp xúc mỗi khi ông sang Pháp nghiên cứu. Xin chị chia sẻ thêm về giáo sư Phan Huy Lê !

Mạc Thu Hương : Mình thường hay gặp giáo sư ở nhà, cùng với anh Philippe. Và mỗi lần về, bao giờ ông bà cũng mời. Đặc biệt giáo sư Phan Huy Lê là một người rất chu đáo. Năm nào, trước Tết tây và Tết ta, bao giờ ông cũng chủ động gửi thư chúc Tết. Mặc dù ông rất là bận và hai bác rất là mệt, nhưng mà bao giờ cũng thăm hỏi cặn kẽ tình hình các cháu như thế nào, từng đứa một. Và có một dạo, bé thứ hai nhà mình bị bệnh, thì hai bác rất quan tâm, lúc nào cũng hỏi han, mua quà, có khi mua cả thuốc gửi sang. Bao giờ bác có món gì ngon thì cũng để dành, để phần.

RFI : Ngoài những công trình khoa học nổi tiếng tại Việt Nam, cố giáo sư Phan Huy Lê còn đóng góp rất nhiều cho quan hệ và hợp tác khoa học Việt-Pháp. Xin ông cho thính giả RFI tiếng Việt được biết rõ hơn về công việc này.

Philippe Papin : thứ nhất là phải nói đến thư mục, có nghĩa là số sách và bài khoa học, mà giáo sư Phan Huy Lê đã công bố thì rất là nhiều. Tôi đã dịch những đầu đề tác phẩm của ông cách đây một vài năm, thấy là có hơn 500 cuốn sách và bài khoa học. Đó là con số rất lớn, rất nhiều, trong đó có rất nhiều dự án mà ông đã làm cùng với học giả của Pháp. Ví dụ, có một cuộc nghiên cứu về địa bạ ở Việt Nam, ông đã phân tích, công bố địa bạ của ba tỉnh ở miền Bắc Việt Nam. Đây là một hợp tác giữa Pháp và Việt Nam và công lao của ông rất là lớn.

Tôi cũng nhớ là tháng 10 năm vừa qua (2017), ông và con gái của ông, chị Thảo, đã sang Pháp để nghiên cứu những tài liệu lưu trữ của những người truyền giáo (Archives des Missions étrangères de Paris) ở Pháp từ thế kỷ XVII. Và ngày nào cũng như ngày nào, lúc 9 giờ, ông cũng đi nghiên cứu và đọc tài liệu, 5 giờ (chiều) thì về. Hôm nào cũng đi. Thế là tôi đã nói với ông : Ông ơi, thì cũng phải nghỉ một tí, ông ở đây thì cũng đi gặp các bạn và phải có thời gian để nghỉ. Ông nói : Thôi thôi thôi, tôi vội quá, còn rất nhiều việc phải làm. Sáng nào cũng đi, tối nào cũng về và làm việc cả ngày và không biết ông chuẩn bị dự án nào.

Ý tôi muốn nói là đến phút cuối cùng, ông đã làm việc rất là nhiều và nghiên cứu rất là nhiều về lịch sử của Việt Nam. Chính vì thế, sự tổn thất này rất là lớn lao đối với học giả của Pháp và của quốc tế nói chung.

RFI : Công trình gần đây nhất là ông đã giúp tìm ra cuốn Lục Vân Tiên bằng truyện tranh ?

Philippe Papin : Rồi, chuyện này thì quá hay ! Rất thú vị ! Chuyện này đã xảy ra cách đây, tôi nhớ là năm 2011, ông đã sang Paris vì ông được phong Viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn Lâm Pháp. Lúc đó, ông đi vào thư viện và bỗng nhiên ông tìm được một bản thảo, một cuốn sách cổ của Lục Vân Tiên được vẽ bằng tay, có nghĩa là có phần chữ nôm, nhưng mà xung quanh thì có một số bức tranh minh họa mà một họa sĩ Việt Nam đã vẽ. Ông thích lắm. Sau đó, ông bỏ ra rất nhiều công phu để công bố và chú giải cuốn sách này. Và đúng là cuốn sách đã được công bố và đã ra sau ba năm.

Ông có bao nhiêu dự án như thế. Lúc nào ông cũng phấn khởi. Về công việc khoa học thì ông mê lắm. Mỗi khi có dự án khoa học nào đó, dù nhỏ, dù lớn, ông đều thích tham gia, ông năng động lắm !

Tôi nhớ là khi tôi làm đại diện của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (Ecole française d’Extrême-Orient, EFEO) từ năm 1995 trở đi, ông đã đưa tôi rất nhiều lời khuyên, trong đó, ông nói là cần phải in và công bố cuốn sách do tác giả Việt Nam đã viết. Chính vì thế, chúng tôi đã tạo ra tủ sách gọi là Tủ sách Việt Nam học, trong giới khoa học Việt Nam vẫn biết là sách vở của EFEO. Mỗi năm có một nhà nghiên cứu của Việt Nam được công bố trong tủ sách này như một luận án tiến sĩ của người trẻ hay người già, nhưng năm nào cũng có một tác giả của Việt Nam được in ở chỗ EFEO. Chính điều này là sáng kiến của giáo sư Phan Huy Lê.

RFI : Đầu những năm 2000, khu khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long được phát hiện. Giáo sư Phan Huy Lê cũng như trường Viễn Đông Bác Cổ đóng vai trò như thế nào ?

Philippe Papin : Tôi rất nhớ chuyện này bởi vì lúc đó tôi ở Việt Nam và chính tôi phụ trách chuyện Hoàng Thành Thăng Long về phía Pháp, vì đây là một dự án hợp tác giữa Pháp và Việt Nam.

Ai cũng biết là có rất nhiều chuyện. Trong thời gian đó, tôi đã thấy cách làm của giáo sư Phan Huy Lê như là một hình mẫu vì ông rất khéo léo, ông rất ngoại giao, đồng thời ông cũng rất cứng rắn. Ông có một khả năng rất hiếm, ông biết thuyết phục các người to (quan chức) ở Việt Nam, ông biết phải nói như thế nào, ông cười nhưng ông vẫn theo ý của mình và dần dần đã có kết quả. Ông đã xử lý bao nhiêu việc, có thể gọi là "tai tiếng nhỏ" ở Việt Nam trong giới khoa học. Và ông đã thành công vì phương pháp của ông rất khéo và rất thuyết phục.

RFI : Giáo sư Phan Huy Lê qua đời ngày 23/06/2018 tại Hà Nội. Ở Pháp có tổ chức tưởng niệm cố giáo sư Phan Huy Lê không ?

Philippe Papin : Trong trường của tôi, tức là Trường Cao Đẳng Thực Hành (Ecole Pratique des Hautes Etudes, EPHE), cũng đã gửi thư chia buồn với gia đình và gửi vòng hoa để viếng đám ma của ông. Về phía Ecole française d’Extrême-Orient - Viễn Đông Bác Cổ, ông giám đốc cũng viết thư và cũng làm thế.

Bản thân tôi đã viết hai, ba bài điếu văn nhớ giáo sư Phan Huy Lê, cả bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Việt.

Cũng có hai đồng nghiệp người Mỹ là Keith Taylor và người Hà Lan là John Kleinen, rất gắn bó với giáo sư Phan Huy Lê, đã viết bài ngay khi mới biết ông mất. Họ đã viết bài đăng trên mạng và gửi tới tất cả mọi người. Và tôi cũng rất ngạc nhiên vì chỉ trong một ngày, tôi đã nhận được và xem 100 hay là 200 email nói về việc giáo sư Phan Huy Lê từ trần.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 02/07/2018

(1) "Tứ trụ" gồm các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng.

Quay lại trang chủ
Read 694 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)