Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

10/07/2018

'Bữa tiệc cưới được dọn bằng xương máu của các chiến sĩ'

Ánh Liên

Cách đây 68 năm về trước, vào một ngày đầu hè năm 1950, một thi sĩ khi ‘tận mắt chứng kiến các chiến sĩ bị thương thiếu thuốc men, bông băng, và hầu hết chiến sĩ đều rách rưới, "võ vàng đói khát", "chỉ còn mắt với răng"’, thì ông nhận được thiệp mời cưới của X.

Thượng tướng Phương Minh Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đã dựa vào cái ghế đang có, xẻ thịt đất quốc phòng cho tư nhân để kiếm lợi.

Thi sĩ bước vào phòng cưới và ông choáng ngợp, ‘cái hội trường dựng bằng tre nứa, lợp lá gồi, sáng trưng những dãy bạch lạp to bằng cổ tay. Trên những dãy bàn dài tít tắp, xếp kín chim quay, gà tần, vây bóng, nấm hương, giò chả, thịt bê thui, rượu tây, cốc thủy tinh sáng choang, thuốc lá thơm hảo hạng. Ban nhạc sống của nhạc sĩ Canh Thân được mời từ khu 3 lên tấu nhạc réo rắt… X mặc quân phục đại tá choáng lộn, cưỡi ngựa đến dự cưới, theo sau là một vệ sĩ cao lớn, súng "côn bạt" đeo xệ bên hông’.

Nếu thay X bằng Trịnh Xuân Thanh, một Phó Chủ tịch tỉnh nghèo Hậu Giang, người bắt đầu gây chú ý khi đi trên chiếc xe tư nhân hạng sang (Lexus 570) gắn biển xanh gây phản ứng mạnh dư luận. Người từng phán chiếc đồng hồ Patek Philippe Sky Moon Tourbillon 6002G trị giá 78.000 USD của một phó Tổng giám đốc tập đoàn tư nhân lớn tại Hà nội là thứ 'bọn lái xe đeo', và khoe khéo chiếc Patek Philippe Sky Moon Tourbillon 6002G trị giá 1,7 triệu USD của mình thì độ khốn nạn xã hội được đặc tả trong truyện ngắn ‘người ngựa, ngựa người (Nguyễn Công Hoan, 1931) cũng không khác nhau là mấy.

Hay mới đây - Thượng tướng Phương Minh Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - người bị Ủy ban Kiểm tra trung ương phê là 'vi phạm nghiêm trọng' trong việc ký văn bản sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế, liên doanh, liên kết không đúng quy định. Nói gọn hơn là dựa vào cái ghế đang có, xẻ thịt đất quốc phòng cho tư nhân để kiếm lợi. 

Nhưng đó mới chỉ là tảng băng nổi trong hệ thống chìm ! Và những câu chuyện tương tự như thế còn sự khái quát nào hay hơn, đặc sắc hơn khái quát của cố nhà thơ Đoàn Phú Tứ :

‘Bữa tiệc cưới của chúng ta sắp chén đẫy hôm nay,

Được dọn bằng xương máu của các chiến sĩ’.

Câu chuyện cách mạng thời chiến và cách mạng thời bình cứ đan xen lẫn nhau, và cho thấy một tình trạng hủ hóa trong đội ngũ công quyền. Sự hủ hóa không chừa một ai, kể cả ‘chú bộ đội’. 'Chú bộ đội' gắn liền với kỷ luật, nhưng khi sống trong một đất nước mà 'trách nhiệm' là hư từ (không ai 'chịu trách nhiệm' khi phát ngôn hay buộc phải chịu trách nhiệm từ hành vi), khi bản thân quốc gia được hình thành một sự gian dối và bạo lực ; sự ham muốn quyền lực và ưa nịnh về vật chất thì 'chú bộ đội' cũng nhập đoàn vào bầu thê lương cướp bóc, biến quốc gia này trở thành vô chủ, xã hội này trở thành một xã hội không ai còn khả năng làm chủ.

‘Bữa tiệc cưới của chúng ta sắp chén đẫy hôm nay,

Được dọn bằng xương máu của các chiến sĩ’

Nếu nhìn dưới góc độ của chủ nghĩa tự do và con mắt của người tự do Ronald Reagan thì chúng ta, từng thực thể sống trong đất nước này, xã hội này cũng chỉ là những thực thể 'nhỏ bé và yếu ớt'. Chiến tranh đã lấy đi những người anh hùng nhất, tài ba nhất và để lại phần lớn những con người, chiến sĩ què quặt nhất, cơ hội nhất. 

Và những người từ trong cuộc chiến đi ra, đã thiết lập một nền tảng xã hội mà ở đó 'nhỏ bé, yếu ớt' cả về mặt tư tưởng lẫn kết cấu.

Càng ngày, những nhà lãnh đạo đảng và nhà nước Việt nam càng chứng minh tính đúng đắn của một câu nói vô danh, rằng : muốn thắng người cộng sản thì trước hết phải thua họ.

Cái giá của 'hòa bình' dưới mắt của những con người tự do, từ những cựu tướng như Trần Độ, đến những thanh niên một thời tung hoành máu lửa như Hạ Đình Nguyên,... cũng phải thở dài cho một thể chế và xã hội mà những hậu duệ của Trần Dụ Châu đang làm chủ ; và máu - nước mắt họ đổ ra cũng chỉ là thiết lập bàn tiệc và cung phụng cho điều đó.

Và tháng 7, là tháng phủ cờ tưởng niệm những người đã ngã xuống trong cuộc chiến...

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 10/07/2018

Quay lại trang chủ
Read 951 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)