Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

09/10/2018

Đi tìm Vương quốc H'Mông - 4

Quang Nguyên

Kỳ IV

Người H'Mông tỵ nạn tại Bangkok

 

Chúng tôi bịn rịn, buồn bã chia tay dân bản H'Mông nằm sâu trong rừng, không ăn bữa sáng bà chủ nhà chúng tôi ngủ nhờ nấu sẵn, một phần vì muốn tiết kiệm cho họ, phần khác, chúng tôi sợ mất hết cả buổi sáng để phải đi đến 5, 3 nhà nữa ăn các bữa sau.

hmong11

Một trạm kiểm soát trên đường biên giới Thái-Miến - Ảnh minh họa

Tưởng rằng khi về Tachileik không bị các nhà xe làm khó. Tôi khoan khái nghĩ đến lúc được ngồi dựa lưng trên ghế xe, cứng hay mềm, kệ, sẽ thoải mái hơn ngồi sau chiếc xe mô tô ê ẩm hết tất cả từ cổ đến gót chân. Nhưng tất cả xe đò đều từ chối chúng tôi thẳng thừng. 

Những người dẫn đường lượt đi ngày hôm qua không còn nữa, chúng tôi phải nhờ hai thanh niên trong bản đưa đi. Họ có vẻ sợ khi thấy những chiếc xe chở đầy lính, võ trang đến tận răng rầm rập qua lại. Tôi nhớ lại thời chiến tranh u buồn Việt Nam, cũng với các xe chở đầy lính, các trạm kiểm soát và tiếng bom đạn.

Mỗi khi đến gần trạm kiểm soát, hai thanh niên bảo chúng tôi đi chung một xe, họ chạy trước. Vượt qua trạm kiểm soát trên đường trong các khu dân cư cũng dễ dàng, chúng tôi chỉ bình tĩnh, chầm chậm vòng vèo lách qua đủ thứ chướng ngại vật bắt xe phải giảm tốc độ. Nhưng bất ngờ, giữa đồng không mông quạnh, từ xa, chúng tôi thấy cây tre chắn ngang đường và người đứng gác. Đổi qua một xe, chúng tôi chạy theo hai thanh niên dẫn đường một quãng không xa lắm. Có vài xe đã đậu trước cây tre chắn, chúng tôi cũng vừa trờ tới. Hai người dẫn đường đã chạy mất tăm. Họ sợ. Mà có ở lại cũng chẳng giúp được gì, họ không biết tiếng Miến, chỉ nguy hiểm thêm.

Tôi thấy mọi người chẳng nói, chẳng rằng, móc túi cho hai người gác 200 đồng tiền Miến. Hai người gác, một mặc quần đùi, áo thung, một cuốn váy sa rông, ở trần, ốm nhách, nhếch nhác chẳng có dấu hiệu gì là ‘nhân viên công lực’. Bạn tôi lấy 200 đưa cho họ. Người mặc sa rông ở trần hau háu nhìn vào cái ví, y chỉ vào túi ông, nói nhí nhố gì không biết. Ông bạn tôi đưa cho họ xem tờ entry-permit. Y lật ngang, lật ngửa coi, xua tay lia lịa. Tôi cáu tiết, nghĩ mình là người ngoại quốc, nếu có vi phạm luật đi ra khỏi địa phương thì có lẽ chỉ bị đuổi ra khỏi nước. Việc mình đã xong, cũng chẳng sao.

Định làm căng, nhưng chợt nghĩ lại, xe chúng tôi chạy của người khác, nếu bị rắc rối, xe bị giữ có thể làm phiền đến họ, tôi nín thinh, ngậm bồ hòn làm ngọt. Ông bạn tôi mở ví, móc thêm vài tờ giấy bạc. Lần này thì thằng ăn cướp không còn chần chừ, y thọc tay vào xấp tiền của ông, chọn mấy tờ tiền Thái. Tôi thót tim thấy xấp 100 dollar xanh trong tay nó, may mắn, thằng ngốc ngắm nghía một chút rồi bỏ lại. Nó chọn tiền Thái. Đến lúc thấy không chịu nổi, ông bạn tôi ngăn tay nó lại, hai bên nhìn trừng trừng vào mắt nhau, nó chịu thua, phất tay cho chúng tôi đi. Mất một số tiền khoảng 30 đô. Kể chuyện lại, người bảo chúng là cảnh sát dân phòng, bọn nhân dân tự phát, người bảo bọn ăn cướp.

Còn cách thành phố khoảng 100km, chúng tôi thuê được xe ôm. Hai cậu dẫn đường trở lại bản. Giữa đường, mắc một trận mưa lớn, ướt hết, nhưng không lạnh.

Ngủ lại một đêm. Sáng hôm sau chúng tôi qua cửa khẩu rất sớm. Cô nhân viên hải quan Miến xinh đẹp vừa ăn sáng vừa làm việc với khách, không thèm để ý việc tôi lỗ mãng chụp hình.

Mệt mỏi. Chúng tôi lấy taxi về Chieng Rai. Ăn đĩa sôi nếp sầu riêng ngon lành tại phi trường. Ngủ thiếp đi trên máy bay về Bangkok.

Thái Lan đang chịu những cuộc tấn công nhập cư lậu của dân nhiều nước vùng Đông Nam Á. Không ít người Việt đến Thái tìm cơ hội làm việc. Họ làm đủ thứ nghề, từ bán hàng rong, thợ lao động phổ thông, phụ hồ, thợ xây, với giá rẻ mạt, số ít làm điếm. Không ít người Việt, H'Mông, Thượng đến Thái Lan, như họ nói, tỵ nạn chính trị, hay bị đàn áp vì lý do tôn giáo. Tôi gặp vài người Việt tỵ nạn chính trị, người quen có, người chưa quen có. Họ có khả năng, dễ thích nghi cho nên dù sống tạm bợ nhưng thường tìm được công việc thoải mái hơn.

Hai dòng người nhập cư lậu vì sinh kế và tỵ nạn hình như không có sự quan hệ, hay có thể nói, họ tránh nhau.

Nhập cảnh Thái Lan không khó, người cầm passport Hoa Kỳ không cần visa. Tôi găp mấy người Lào, Việt có visa đáo hạn, ra cửa khẩu biên giới, đóng dấu, về bên kia, đóng dấu, vào lại. Cũng theo họ nói, nhiều người gom hộ chiếu chung, một người cầm ra biên giới, ‘xuất, nhập cùng một phát cho tiện’, mỗi người mất vài ba ngàn baht. Người tỵ nạn thì khác, họ không quay trở về.

Theo quy định mới của Hải quan Thái Lan, du khách phải xuất trình tối thiểu 20.000 baht (tương đương 13,6 triệu VND) tiền mặt khi nhập cảnh. Bà Napasorn Kakai, Giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan cho biết cơ quan của bà chưa ghi nhận trường hợp du khách Việt Nam nào bị từ chối nhập cảnh do quy định phải đem theo 20.000 baht tiền mặt, nhưng một người bạn của tôi đã bị hãng máy bay Jetstar Pacific Airlines, thay chính phủ Thái (!), từ chối cho anh lên máy bay tại Nội Bài. Biên bản không cho anh lên máy bay ghi : "Khách đi Bangkok, khách không mang theo tiền để nhập cảnh, có khả năng NTL". Không biết khả năng NTL là gì, nhưng anh không được trả lại tiền vé máy bay cả hai chiều khứ hồi.

Chúng tôi có dịp thăm nhiều gia đình H'Mông đang sống tại Bangkok đã trốn khỏi Việt Nam từ 3-5 năm trước vì bị đàn áp tôn giáo. Họ cho biết đã bị cướp đất đai, đánh đập, bỏ tù. Gia đình người H'Mông đông con, kể cả cha mẹ già, thường từ 7 đến 10 người, thuê căn hộ nhỏ trong khu chung cư, nóng nực, chật chội, không giường chiếu, bàn tủ, với giá khoảng 100 dollar một tháng, chưa kể tiền điện nước. 

hmong2

Một góc phòng dành cho các thứ ve, chai, thùng carton lượm về, chất đống chờ bán đồng nát. Để trang trải sinh hoạt phí, người lớn trong gia đình vơ vào bất cứ việc gì có thể với tiền công rẻ chỉ bằng 1 phần 3 công nhân Thái, họ phải làm việc cự nhọc, nguy hiểm hơn. Vừa làm, vừa trốn cảnh sát, hết sức nhịn nhục các công nhân Thái cùng làm, tránh đụng chạm, sợ bị trả thù. Họ ngồi nhà trông ngóng người trung gian công việc đến gọi đi làm, Rất may mắn nếu cả tuần làm được đủ 6,7 ngày. Ít ngày làm việc, thậm chí không có ngày nào, họ phải cắn răng nặn ra những đồng tiền dành dụm từ vài tháng trước để trang trải đủ thứ. 

3hmong3

Các gia đình chúng tôi dến thăm thường thấy người lớn ngồi bó gối, bên các đứa nhỏ ngủ mê mệt trên nền xi măng nóng bức, hiếm nhà có quạt máy. Họ chỉ cho chúng tôi mấy túi gạo, mấy chai dầu nhận được từ nhà thờ, cơ quan cứu trợ, hay từ Phủ Cao Ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc và những rổ rau, củ, quả lượm được từ ngoài chợ.

hmong4

Mỗi tuần họ có hai ngày đi nhặt các thứ ngoài chợ vứt đi. Thứ bảy, chủ nhật không có cảnh sát, họ dậy từ sáng sớm, đến các chợ gần nhà, chờ các cửa hàng đổ bỏ hàng cũ, chọn lựa, lượm về những thứ có thể còn dùng được.

hmong5

Quần áo cũ cho người lớn, trẻ em thường dễ lựa chọn ở các nhà thờ.

Người Thái, người Việt giống nhau, dễ trộn lẫn với nhau, nhưng người tỵ nạn ra đường lúc nào cũng nơm nớp sợ bị bắt, bị tống vào, chỉ được tha khi bằng lòng ký giấy trở lại Việt Nam. Người có việc ra ngoài luôn để trong túi vài trăm baht đề phòng cảnh sát bắt, bỏ của chạy lấy người. Một người kể, khi anh mới trốn khỏi Việt Nam, lớ ngớ bị cảnh sát tóm, bảo anh cho coi giấy tờ. Thấy 200 đô anh dành từ Việt Nam để trong ví, y chộp lấy, bỏ túi, chỉ phía trước quát xí xa xi xồ. Dù không biết tiếng Thái, anh cũng đoán được ý, chạy vắt giò lên cổ. Dù vậy, người tỵ nạn nói thà ở tù Thái Lan chứ nhất định không trở về vì sợ sự trả thù của chính quyền Việt Nam. Ông Lor Nhia Thao, đã bị giam giữ tại Thái Lan hơn 10 năm, nhất quyết không chịu ký giấy trở lại Việt Nam. Theo luật, người nhập cư lậu hay người đã có quy chế tỵ nạn chờ định cư tại nước thứ 3, bị cảnh sát bắt đều phải ở tù. Một mục sư, gia đình đã có quy chế tỵ nạn, bị bắt khi đi làm, phải ở tù hơn một năm, cho tới ngày gia đình ông được Hoa kỳ nhận. Những người trong nhà ông phải đến trình diện cảnh sát để cùng vào tù trước khi được tha đi. 

Một trong những an ủi cho dân tỵ nạn là chuyện con cái họ được ăn, học đàng hoàng.

Mặc kệ mấy ông lãnh đạo ở Việt Nam nói gì thì nói về chuyện chính phủ chăm sóc trẻ em, chuyện lo cho giáo dục tốn hàng trăm, ngàn tỷ, tôi chỉ mong các trẻ em ở Việt Nam được theo học trường như con người tị nạn tại Thái Lan.

hmong6

Minh 6 tuổi (hình trên), con một gia đình trốn khỏi Việt Nam vì bị đàn áp tôn giáo. Cho đến nay họ vẫn chưa được cấp quy chế tị nạn của Liên Hiệp Quốc. Gia đình không được hưởng bất cứ quyền lợi nào, họ có thể bị cảnh sát bắt giữ, tống vào trại giam. Minh được nhận vào trường sơ, tiểu học (Primary school) của phủ tỵ nạn. Người ta không đòi hỏi một thứ giấy tờ gì để em có thể vào học. Em được phát 2 bộ đồng phục, người lớn trong nhà được thẻ vé xe buyt miễn phí để đưa, đón em đến trường. Lớp học từ 9 giờ sáng, 12 giờ ăn trưa, món ăn thay đổi mỗi ngày, kèm theo trứng, sữa và trái cây. Sau bữa ăn các em phải ngủ 2 tiếng đồng hồ và gia đình đến đón lúc 2g30. Chương trình học gồm Anh văn, tiếng Thái và Toán. Gia đình không phải đóng thêm một đồng nào cho nhà trường.

Hai chị của Minh, Một mới nghỉ học năm trước vì quá 16 tuổi, chị thứ 2 vẫn đi học, đồng phục, sách vở, ăn trưa và tiền xe buýt vẫn được cung cấp. Hai chị em học gần nhau, cho nên chị Minh đưa, đón em, dùng thẻ xe buýt của Minh, và dôi ra được phần tiền xe của mình.

Tôi có dịp ngồi ăn cơm với nhiều gia đình H'Mông ở đây. Dù nghèo khổ nhưng người ta vẫn chưa thoát khỏi tục lệ ăn uống phí phạm khi mời khách tại quê nhà.

Tôi đã khổ vì những bữa ăn với họ. Người H'Mông có câu : Chết cũng không được từ chối bữa ăn được mời. Không mời khách là không quý khách, mà được mời, không đi là coi thường chủ. 

Dù ở Sơn La, Hà Giang, Điện Biên, hay Lào, Miến Điện, chúng tôi đều đã khổ bị đám đông điệu đi, hay rước đi, hiểu theo nghĩa nào cũng được, từ nhà này sang nhà khác. Rồi lại ngồi xuống với những người trong đám rước, cùng một món ăn y như bữa vừa xong, thịt heo, hay gà rang mặn, rau cải luộc, muối hạt đâm ớt. Ăn, nhậu không phải với bia, mà là sữa. Chúa ơi, từ hồi nhận Tin Lành, họ bỏ thuốc phiện, bỏ cả thuốc lá, rượu, bia để ‘nhậu’ với sữa đậu nành, hoặc với một thứ nước màu tím nhạt rất đẹp, lạt nhách, vô vị, nấu từ một thứ gỗ tôi quên mất tên, nhưng được bảo là tốt cho gan, thận, tì, vị, v.. v..Họ cụng các hộp sữa đậu nành với nhau, khà một tiếng, rồi gắp thức ăn cho người khác ! Tôi nghĩ nếu không có khách, bữa cơm của họ chỉ có rau luộc và muối ớt.

Với những người H'Mông tỵ nạn ở Bangkok, dù phải chắt chiu từng đồng, bữa ăn mời khách của họ có phong phú hơn, nhưng nạn phải ‘dẫn độ’ từ nhà này đến nhà khác vẫn không tránh khỏi. Tôi đã nhiều lần khuyên họ bỏ tục lệ phí phạm, mất thì giờ, hại sức khỏe nhưng không được. Họ nại lý do lâu lắm mới có khách từ xa đến. Đi thăm một nhà, từ lúc 5, 6 giờ chiều, sẽ phải ra về sớm nhất lúc 12 giờ đêm từ một nhà khác với cảm giác óc ách trong bụng, đau nhừ từ cổ đến mông vì phải ngồi xếp bằng dưới sàn nhà hàng bao nhiêu tiếng đồng hồ.

Trong những bữa ăn, ký ức về Việt Nam lần nào cũng trôi trở lại với nhiều ngậm ngùi, đau xót, trộn lẫn với những lo âu nếu không được cấp chứng nhận quy chế tỵ nạn, làm nhiều người khóc.

Một người đàn ông, gia đình đã có được quy chế tỵ nạn, khi tôi hỏi Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn đã hỏi anh những gì để cấp chứng chỉ hợp lệ tình trạng tỵ nạn cho anh. Nước mắt long lanh, anh không trả lời.

Anh cũng như những người khác phải kể lại những hoàn cảnh bi đát họ trải qua. Anh phải trưng ra bằng chứng, hình ảnh của cha, mẹ, anh em ruột thịt bị bắt bớ, bị tra tấn, bị giết trong tù. Càng nhiều chứng cứ củng cố cho tình trạng bị bức hại có liên quan đến anh được nêu ra bao nhiêu, nỗi đau đã lên da non, bỗng chốc lại phải xé toạc ra lớn hơn bấy nhiêu. Anh phải phơi bày tất cả thầm kín, riêng tư của mình, xới tung những gì đã chôn chặt cho người khác thấy. Cuộc phỏng vấn không chỉ một lần, nó lập đi lập lại bởi các người chuyên môn có tài tìm ra sự giả dối. Ký ức anh bị cả người phỏng vấn và chính anh xới tung lên, bươi móc, phơi ra với máu và nước mắt, với những vết thương của roi đòn tra tấn như mưng mủ trở lại. Anh bạn tôi sau lần phỏng vấn đầu tiên về, đêm ngủ, mơ thấy các vết roi, cú đánh, đá trên người bỗng sống lại trên khắp cơ thế. Anh kêu khóc lăn lộn trên giường. Thần kinh trên da anh phản ứng ngược lại các hành động trấn an, xoa bóp, xức dầu nóng của vợ anh. Mỗi hành động chăn sóc của chị biến thành những roi vọt, đấm đá liên tục giáng trên người anh. 

Người khác nhìn thấy thân nhân của mình hiện về với khuôn mặt phù nề bị thắt cổ, hay bụng bị mổ toang khi cơ thể bị đem đi xét nghiệm.

Phỏng vấn để cấp chứng nhận quy chế tỵ nạn với những người phải trốn chạy khác hẳn những lần bị chấp pháp Việt Nam thẩm cung. Đối đầu với những lần bị la hét, đánh đập, tra khảo trong trại tạm giam, tinh thần họ thành chai cứng, lì lợm, sẵn sàng nhận đòn thù, sẵn sàng nhận cả các hình phạt họ không lường trước. Phản ứng của họ có thể phẫn nộ, có thể dẫn đến thái độ, hành động chống lại người chấp pháp, và kết quả có thể là cái chết tức tưởi. Sau các buổi đi cung, họ trở về phòng giam, với thân thể mềm nhũn, tâm trạng có thể đau buồn, thù hằn, cũng có thể kiêu hãnh, bằng lòng với chính mình. Các cuộc phỏng vấn nhận quy chế tỵ nạn không như vậy, nó diễn ra giữa hai bên đang cùng cố tìm ra sự thật, với hộp giấy thấm nước mắt để sẵn trên bàn, cực kỳ đau thương. Giống như một cuộc quật mồ, hai bên cùng cố đào lên để nhìn thấy sự bi đát, thối rữa đã bị chôn vùi. Cả hai bên hợp tác thân thiện, nhưng không kém phần cứng rắn, đau khổ. Ánh mắt người phỏng vấn cho thấy trái tim họ không vô cảm, nhưng tìm ra bằng chứng sự thật sau các lời khai, là bổn phận, và tính công bằng, nhân đạo của họ.

Không ít người bị từ chối cấp giấy chứng nhận quy chế tỵ nạn. Tôi không biết tương lai của những người đó và gia đình sẽ ra sao.Mấy tuần lễ trước dây, hàng trăm người Thượng tỵ nạn ; cả những dứa bé đang ngồi trong trường học đã bị chính quyền Thái giăng lưới bắt trọn.

Tôi đã cố tình không hỏi họ biết gì về Vương quốc H'Mông của chính quyền Việt Nam. Tôi không dám để họ nghe về một thứ tội vô hình họ phải gánh. Không nên quàng lên thêm trên cổ họ một nỗi lo sợ mà tôi nghĩ là kinh khủng nhất, tội bỏ trốn khỏi Việt Nam để thành lập một Vương Quốc H'Mông nhằm lật đổ chính quyền nhân dân mà chính phủ Việt Nam xâm trên trán họ.

Tôi đã không nghe, không thấy về một Vương Quốc H'Mông như chính quyền Việt Nam nói trên xứ Thái, Miến qua những phần đất chúng tôi đã đến, với những người H'Mông chúng tôi tiếp xúc.

Vài ngày sau, chúng tôi đến biên giới Việt Lào, những vùng đất có thể là căn cứ địa của Vương Quốc này.

Quang Nguyên

Nguồn : VNTB, 18/08/2018

Quay lại trang chủ
Read 653 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)