Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

09/10/2018

Đi tìm Vương quốc H'Mông - 6

Quang Nguyên

Tôi muốn viết lên đây rõ ràng tên vùng đất rừng, gần Việt Nam, sát chân núi, cách thành phố nhiều tiếng đồng hồ, nơi người H'Mông Việt Nam trú ngụ trên đất Lào đang cố thích hợp với phong tục tập quán địa phương, bương chải để sống, nhưng người ta nhắn tôi đừng viết. Họ vẫn còn sợ bị truy nã. Họ vẫn sợ bị chính quyền Việt Nam tìm cách bắt họ về. Lúc đầu họ cũng e ngại, nghi ngờ tôi giống như những người H'Mông tôi gặp trong rừng sâu Miến Điện.

Điều đó làm tôi cảm thấy có lỗi trước mặt họ và buồn không ít. Chúng tôi không phải loại người Kinh bắt đạo, chúng tôi không phải người mang còng, súng ống đến bắt họ, chúng tôi không phải là tác nhân khiến họ phải bỏ nhà cửa, mồ mả tổ tiên chạy trốn.

Ai làm họ nghi ngờ người Kinh ? Ai gieo mầm vào sự chia rẽ Kinh Thượng ? Ai chia rẽ ngay cả người Kinh Thượng theo cùng một tôn giáo, một chi phái ? Ai gieo mầm cho người Thượng Tin Lành Tây nguyên nghi ngờ Hội thánh Tin Lành Việt Nam ? Ai xóa bỏ hẳn giáo hội Cao Đài chân truyền 1926 ? Ai dựng nên chi phái Cao Đài 1997 phá hỏng đạo sự ? Ai dựng nên các đoàn thể tôn giáo quốc doanh và bắt nhân dân đóng thuế nuôi các đoàn thể phá hoại này ?

Chúng tôi phải đi rất xa thành phố, cũng trên những con đường đất đỏ, quanh co dốc lên, dốc xuống, nhồi sóc, lắc lư đến chóng mặt. Hai bên đường chỉ thấy rừng tre, lồ ô và những khoảng trống cây thấp, thỉnh thoảng gặp vài chiếc xe thô sơ gắn máy của người làm ruộng chạy ngược chiều. Vài làng bản nhỏ bên đường và những chiếc nhà sàn, cột chống bằng xi măng. Gà, vịt, ngan, ngỗng, chó, heo,dê lang thang ngoài đường.

Cây cỏ dại trong vùng trung du thích hợp làm thức ăn cho dê hơn trâu bò, những con vật không còn cần thiết lắm trong công việc đồng áng. Ông bạn tôi hứa đãi tôi món miền miến vài món đặc biệt mà tôi tò mò muốn ăn như lõi cây song mây thấy bán dưới chợ Thành Phố 52, nhưng các chợ nhỏ trên đường đi không nơi nào bán, có thể rừng khu này không có song mây. Ông bạn tôi mua một tảng thịt heo cả chục kg và mớ rau cải to đùng đem lên xe ; tôi thấy trước được bữa ăn chiều ; cũng vẫn thịt heo đó, cũng vẫn loại rau đó, và có thể nói, cũng vẫn với những người ‘dẫn độ’ tôi từ nhà này sang nhà khác ở Hà Giang, Miến Địện, Thái Lan, tôi phải ‘đối diện’ với món truyền thống (?) của anh em H'Mông của tôi, thịt heo rang mặn, cải luộc và ớt trộn muối cục. 

Chúng tôi vào nhà bác ruột của một người trong chúng tôi. Ông ôm chầm lấy cháu khóc. Hàng xóm, bà con lục tục đến, căn nhà khá rộng xây tường gạch bloc xi măng như chật lại, nhiều người phải ngồi phệt trên nền đất. Họ hỏi nhau chuyện nhà cửa, gia đình, công ăn việc làm. Người con dâu lui cui dưới bếp, cắt thịt heo bằng con dao to bản, nhọn hoắt dễ sợ, sửa soạn rang mặn.

Những người H'Mông ở đây từ Việt Nam sang, không hoàn toàn là người trốn chạy vì bị đàn áp tôn giáo, còn cả những người tìm một nơi dễ sống. Họ nói tiếng Việt. Họ là bà con của vài người đi với chúng tôi. Họ không dấu diếm nhau điều gì. Chúng tôi không ngần ngại hỏi họ về Vương Quốc H'Mông.

Họ đến đây, nhiều gia đình không visa, không hộ chiếu, người bản trưởng H'Mông Lào chấp nhận họ như người trong họ hàng. Chỉ cần 40 triệu đồng Việt Nam, họ có quốc tịch Lào để có quyền mua đất, mua ruộng. 

hmong1

Vang Dia cùng các anh trai, mua một miếng đất đồi dựng nhà gần nhau, giá 1 mẫu tây xê dịch tứ 7 ngàn rưởi đến 8 ngàn rưởi đôla, công ban đất đồi xuống thành nền nhà khoảng 1000 đôla, Nhà ở đây đàng hoàng hơn, ngăn nắp hơn và cố định, không chông chênh như nhà anh em H'Mông ở Miến.Đặc biệt các đồ gỗ trong nhà, từ giường, tủ, bàn ghế, và ngay cả vách nhà bếp đều làm từ nhưng loại gỗ rất chắc, quý. Họ chỉ cất công lên rừng xẻ gỗ mang về. 

hmong2

Nhà Vang Dia vừa hai giường ngủ, nơi ngồi tiếp khách và chỗ để thóc sau mùa gặt. Bếp riêng. Nhà khóa cửa bên cạnh của người anh làm thuê ở đồn điền chuối của Trung quốc cách bản chừng 100 cây số. Hai vợ chồng nhà này bỏ mấy đứa con cho người em trông coi giùm. Họ ký hợp đồng với đồn điền trồng chuối làm suốt năm mới về. Trừ tiến ăn ở, mỗi năm vợ chồng mang vể khoảng 70,80 triệu. Số tiền này chỉ đươc lãnh mỗi cuối hợp đồng. Hết năm họ về nhà một tháng, sau đó lên lại, nhà người anh có tủ lạnh, máy may. Hai vợ chồng người em ở nhà coi con, cháu, giống người dưới thành phố 52km, họ làm ruộng mướn. Họ cũng có một miếng ruộng nhỏ ở rất xa nhà, lúa gặt chỉ đủ ăn sáu tháng. 

hmong3

Sau nhà có giếng bơm từ mạch nước ngầm, công đào giếng một mét sâu 1 triệu đồng, buổi chiều cả gia đình, người lớn, cha mẹ con cái, cả người hàng xóm tắm gội chung ngoài trời, ì uồm xối nước, kỳ cọ cho nhau và giặt dũ luôn thể. Lúc đó là lúc họ vui vẻ chuyện trò, xả láng nhất. Ngay trước nhà,vừa bước qua cổng là bể phốt cầu tiêu, ống thông hơi đậy bẳng chai nhựa coca, hơi bốc lên thật khó chịu. Nhà nuôi khá nhiều gia súc, anh than phiền hay bị mất trộm. Những đứa nhỏ thẩn tha chơi với nhau trước cửa nhà, trên đường đi bùn lầy trong xóm giống như bọn trẻ con người H'Mông trốn chạy tại Miến. 

Nhiều thanh niên ở đây nghiện hút, ăn cắp ăn trộm. Từ thành phố 52, cho đến các nơi như Viên Chan, Mường Phương, Mương Mường, Pa sọn. Nông Hai…lên đến Luang Namtha.. chúng tôi đều nghe đến nạn thanh niên Lào nghiện ngập thuốc phiện, ăn cắp ăn trộm. 

hmong4

Chúng tôi như những người đi tìm mua ruộng lội bộ vào các khu sâu hơn. Chỉ có ruộng lúa ngút ngàn. Người H'Mông bản địa phá rừng làm nương gần đường lớn. Người H'Mông Việt Nam đến sau vào sâu hơn. Xe cơ giới thô sơ giúp họ có thể đi lại dễ dàng cho đến hết đường đất đỏ. Nhiều cái lán xiêu vẹo trong các thửa ruộng bỏ lại sau mùa lúa, trơ trọi bên cạnh những cây đu đủ còi cọc và những cây ớt xum xuê trái. Hết ruộng là những cánh rừng không người ở.

Không phải tất cả mọi người đã sang đây đều muốn ở lại. Vàng Dế rất muốn trở lại Việt Nam, tôi ngạc nhiên khi nghe anh nói khó thích hợp với phong tục tập quán ở đây. Anh kể, Bí thư huyện, chủ tich huyện đều là người H'Mông, họ dễ dàng chấp nhân người đồng chủng tộc ở mọi nơi đến. Đất rộng, người thưa. Đất hoang có thể khai khẩn còn nhiều, nhưng những người H'Mông Lào ở đây vẫn giữ thói tục cũ, những tục lệ mà người theo Tin Lành cảm thấy không hợp nữa. Họ vẫn kéo vợ, họ vẫn làm ma chay lãng phí, hủ lậu và nhất là họ thoải mái dùng thuốc phiện, ma túy, rượu chè bê bối, Anh rất sợ chính anh rồi sẽ xa đà trở lại, con cái anh sẽ không thoát khỏi cám dỗ. Chính anh đã từng là một con nghiện, chỉ khi theo Tin Lành, sống trong cộng đồng Tin Lành anh mới dứt được con ma nghiện. Trong bản có nhà thờ Tin Lành, có mục sư nhưng tín đồ không có bao nhiêu, sống giữa cộng đồng thoải mái dùng thuốc phiện, anh lo sợ con cái anh, cả chính anh sẽ khó lòng giữ mình. Anh muốn trở về Việt Nam, nhưng đâm lao thì phải theo lao, cuộc sống có đỡ vất vả hơn, không ai bắt đạo, nhưng cơ hội sa ngã nhiều hơn.

Tôi hỏi anh có nên bỏ làng này, xuống thành phố mở một tiệm cà phê, tiệm tạp hóa, tách xa với những người dễ ảnh hưởng xấu đến mình, anh nói cần vốn nhiếu lắm. Anh mơ ước có được căn nhà giá 35, 40 ngàn đôla giống như căn biệt thự gần chợ Thành phố 52 để mở một tiệm Karaoke, nhưng cái ước mơ đó khó như tìm được kho tàng. Nhiều người H'Mông từ Việt Nam sang đều có ý như anh, họ muốn về, nhưng sợ sự trả thù. Vài lần họ đã lén lút về thăm mồ mả tổ tiên, rồi đi ngay. Người già thì không nghĩ họ sẽ trở lại được dù chỉ một lần. 

Không ai trong họ biết đến cái gọi là Vương quốc H'Mông, họ chẳng bao giờ nghe thấy có một loại vương quốc H'Mông đang ra sức chống lại, lật đổ chính quyền Việt Nam. Họ lý luận thật đơn giản và thực tế : Nếu có một Vương quốc H'Mông như vậy nằm sát ngay nách Việt Nam, thì chỉ một sớm, một chiều quân Việt Nam sẽ dọn họ sạch sẽ. Họ nói Việt Nam nắm chặt Lào trong bàn tay, thuộc nước Lào không khác gì thuộc đường phố Hà Nội. Một vương quốc H'Mông như thế chỉ là bịa đặt. 

Nghe tôi nói báo chí và chính quyền Việt Nam đưa tin người H'Mông theo đạo Tin Lành trốn ra khỏi nước để thành lập Vương quốc H'Mông chống lại Việt Nam, họ sợ. Họ không ngờ chuyện họ trốn khỏi Việt Nam vì lý do bị kỳ thị tôn giáo, hoặc tìm kế sinh nhai bị nhà nước Việt Nam chụp lên đầu cái mũ phản quốc như vậy.

Sợ bị chính quyền Việt Nam trả thù. Tôi nghe thấy câu đó ở mọi nơi có người H'Mông, người Việt Nam trốn ra khỏi nước. Họ đã bị bức hại phải ra đi,như họ nói, phải bỏ tất cả những gì thân thương nhất trong đời, biết không bao giờ có thể trở lại. Họ cũng giống như những người vượt biên sau 1975, ra đi tìm sự sống trong cái chết, không bao giờ nghĩ đến có thể trở lại. Nhiều người cả Việt, lẫn H'Mông đang tỵ nạn tại Hoa Kỳ đã mấy mươi năm vẫn sợ không dám trở lại Việt Nam, mặc dù nghe họ than thở nhớ Việt Nam lắm

Hình như nhà cầm quyền Hà Nội không học được một chút gì qua cuộc ra đi của hàng triệu người miền bắc di cư vào Nam năm 1954, lại càng không thấy được gì qua cuộc vượt biên đầy thảm thương , chết chóc sau 1975 của hàng triệu người dân miền Nam làm toàn thế giới rúng động. Người ta chỉ biết đổ tội cho người trốn chạy, cho kẻ thù của chế độ dụ dỗ người dân bỏ nước ra đi, thậm chí đổ tội trên đầu chính tôn giáo của người trốn chạy. Chỉ biết đổ tội. Họ không học được tý gì. Họ không có lòng khoan dung.

Những người H'Mông, trong suốt dọc dài lịch sử, từ Vân Nam, chỉ biết trốn chạy để tìm một nơi có thể dung thân lâu dài, được các chế độ phong kiến Việt Nam bao dung hàng trăm năm, nay lại phải bỏ nơi chôn rau, cắt rốn, bỏ mồ mả tổ tiên ra đi.

Chính quyền của người thắng trận, của kẻ mạnh không thấy được nỗi đau lòng của người trốn. Chính quyền không thấy hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, hàng chục ngàn thuyền nhân chôn thân dưới lòng biển sâu, không thấy cả gia đình người chạy trốn bỏ thây nơi rừng già. Chính quyền Việt Nam không quăng một cáo phao nào ra cứu vớt, không một lời thành thật, thiết tha kêu gọi ở lại, và ngồi xuống với họ để cùng tìm ra một giải pháp khả thi.

Đối với chính quyền Việt Nam, buộc tội, thóa mạ, vói tay đánh tiếp theo, vói tay xô lật thuyền, đẩy người cô thế vào hang cọp, vào tay ăn cướp, hải tặc, vu khống cho người tỵ nạn tội ra đi lập quân đội chống lại chính quyền, tròng vào cổ họ trọng tội phản bội tổ quốc thì dễ hơn là ngồi xuống nói chuyện với đồng bào mình.

Tôi ghét câu cửa miệng của các quản giáo cộng sản Việt Nam leo lẻo mồm nói với chúng tôi : "Cách mạng đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Người H'Mông trong hoàn cảnh phải chạy đi, bị đánh dồn theo, bị đóng dấu trên trán tội ra đi thành lập vương quốc H'Mông nhằm lật đổ chính quyền, cũng như sau 30/04/1975 người bỏ trốn vượt biên bị ghép đủ tiếng xấu, nhưng người ở lại với cách mạng, kẻ bị ‘hoc tập cải tạo’ đến vài chục năm, kẻ chết rũ tù.

Chính quyền không chịu sửa sai, không chịu mở một chút khoan dung, hay họ không có lòng khoan dung? Bản chất của tôn giáo là khoan dung và người có tôn giáo càng cần đến sự khoan dung. Đừng trộn lẫn tôn giáo với đủ loại tội ác, hay tội lật đổ chính quyền. Ai cũng có thể lật đổ chính quyền bằng cách này cách khác, dù ở trong nước hay ngoại quốc, dù có tôn giáo hay không. Những người cộng sản vô thần vẫn thường tự hào lật đổ hết chính quyền này đến chính quyền khác.

Có lẽ giáo lý của các tôn giáo thường nói đến sự bình đẳng, giải phóng và tự do gây dị ứng cho đảng cầm quyền chủ trương toàn trị? Có người không tôn giáo tích cực đấu tranh cho tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, nhưng chưa hề thấy người cộng sản cổ vũ cho tự do tôn giáo, tự do ngôn luận. 

Hãy dừng tay lại, hãy mở chút lòng khoan dung với các tôn giáo. Đừng nhìn tôn giáo là thế lực phản động. Đừng tạo thêm tội ác chồng lên tôi ác, vu khống chồng lên vu khống. Đừng để tất cả tội ác vu khống một ngày nào trở ngược lại chụp trên đầu mình. 

Quang Nguyên

Nguồn : VNTB, 01/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 647 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)