Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

09/10/2018

Đi tìm Vương quốc H'Mông - 7

Quang Nguyên

Kỳ 7 (Phần chót)

Khu tự trị Văn Sơn

Tôi cảm thấy thân thiện với phi trường Côn Minh hơn phi trường Bắc Kinh, hay Phố Đông-Thượng Hải. Sao nhỉ ? Hay vì lúc trên phi cơ ngồi cạnh một cô thật xinh, nói tiếng Anh như chim hót và được cô hẹn đưa đi ăn mì Vân Nam ? Tiếc quá, từ lúc đến Trung Quốc cho tới khi rời Thượng Hải, hai chiếc điện thoại tôi mang theo đều hoàn toàn nối kết được ViFi, nhưng không nói chuyện được. Chẳng biết cô có trách tôi thất hứa không ? Bao nhiêu bận rộn, mệt mỏi những ngày cuối cùng của chuyến đi khiến tôi đánh mất nhiều thứ, cả số điện thoại và địa chỉ của cô.

hmong1

Khu tự trị Văn Sơn

Không phải chỉ không găp lại cô bạn mới quen dễ thương, mà tôi bị mất kết nối thế giới bên ngoài mặc dù cả hai điện thoại của tôi đều tiếp được sóng Wifi rất mạnh ở mọi chổ có internet. Người ta đã bảo về điều này trước khi tôi đến Trung Quốc, tôi vẫn nghi hoặc, nhất là khi thấy các người Hoa tôi quen vẫn dùng điện thoại, có ViFi, internet rất đầy đủ. Hỏi ra, người ta bảo chỉ có thể dùng điện thoại sim trong nước. Việc này đồng nghĩa với bị nghe lén bị kiểm duyệt, bị theo dõi.

Người ta khuyên tôi không nên xài bất cứ cái gì như phôn, computer, sim card của Trung quốc. Tôi không muốn bị theo dõi, bị nghe lén. Tôi không muốn thành một tù nhân giam lỏng của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Điều như vậy không xảy ra trong các xứ tự do, trừ phi đối với kẻ bị tình nghi khủng bố hay tội phạm nguy hiểm. Tôi bày tỏ sự khó chịu với bạn Trung Quốc, họ cười bảo : "Bây giờ chúng tôi sống tốt hơn trước nhiều. Sống như các anh cũng chẳng hơn gì chúng tôi". Tôi bảo hơn nhiều, nhiều lắm chứ. Họ bảo họ cũng có xe, có nhà cao, cửa rộng, ăn uống đầy đủ, muốn đi du lịch thì đi. Họ bảo không hiểu sao một số người trong họ còn đòi dân chủ, nhân quyền, tự do làm gì, họ bảo họ cóc cần đến mấy cái đó. Té ra họ không thể hiểu nổi hạnh phúc của những người đã hưởng đày đủ những quyền tự do đó. Tôi không thể cắt nghĩa cho họ về hạnh phúc của một người trưởng thành khi làm đầy đủ bổn phận của mình, với gia đình, với cộng đồng, với quốc gia thế nào. Nhiều người trong chế độ cộng sản, xã hội bị vo viên, đóng cửa, cảm thấy hạnh phúc như đưa trẻ sống trong nôi, như các người thiểu năng lẵng nhẵng theo chân bố mẹ. Họ bảo những người như Lưu Hiểu Ba, Ngải Vị Vị ôm rơm nặng bụng. Họ giống như những con cá chậu, chim lồng chưa bao giờ hít thở, vùng vẫy trong bầu trời tự do làm sao hiểu và tận hưởng được cái lẽ sống tự do, có trách nhiệm của đồng loại, nhưng có thể, nếu tôi sinh ra, lớn lên trong xã hội cộng sản, và được giáo dục như họ, có lẽ tôi cũng cảm thấy sống cảnh chim, cá kiểng vậy là có hạnh phúc.Tôi đã thấy nhiều đứa nhỏ sống với mẹ chúng trong tù vài năm, chẳng biết mất tự do, bất hạnh là gì, sân chơi của chúng là mấy cái giường của người tù nhân cùng phòng với mẹ nó và hạnh phúc của nó là được cho mấy miếng bánh của mấy bà, mấy chị vừa có thăm nuôi.

hmong2

Thế là tôi phải sống một thời gian không với người thân yêu, không gia đình và bạn bè, không tin tức gì ngoài những việc xảy ra quanh mình trong bàn cờ vây vô hình của nhà tù Trung cộng. Một vị cựu đại sứ nói với tôi, ông sẵn sàng trả thêm tiền để quá cảnh một nước nào đó khác Trung Quốc. Ông có dùng cái ngôn ngữ thẳng tưng, phản ngoại giao như vậy để nói chuyện với các quan chức chính phủ Trung Quốc không nhỉ ?

Tôi không thấy cảnh người Trung Quốc chụp giật khi ăn uống như đã bị chụp hình, quay video. Nhà những người Hoa tôi quen có lẽ sạch hơn nhà tôi. Bàn trà, tủ rượu, phòng ngủ, cầu tiêu nhà tắm tinh tươm, ngăn nắp. Trong xe của họ cũng vậy, nhưng ngoài ngưỡng cửa các nhà, đặc biệt trong các quán ăn là nợi nhiều người Hoa khác thực hiện quyền làm chủ xã hội chủ nghĩa, cộng sản, theo truyền thống Trung quốc mạnh nhất.

Một đám người ngối gần bàn chúng tôi trong tiệm ăn hình như muốn cho mọi người phải biết họ là ông A chức vụ bcd, bà B chức vụ xyz… qua những câu chuyện ồn ào, khoe khoang. Họ xả ngập rác xuống gầm bàn, ngoài lối đi cho mọi người biết họ đã ăn gì, nhả ra cái gì. Họ thi nhau hò hét to nhất để vổ vũ đám tiếp viên robot nhăn nhó, vô cảm đang múa cho thực khách xem trên lối đi.

Chúng tôi gửi va li lại nhà một người bạn ở Vân Nam, theo gia đình anh đến thành phố H'Mông Tự thăm người chú ruột của anh. Họ tiếc cho chúng tôi lỡ dịp tối hôm qua, rằm tháng 7 âm lịch là ngày lễ lớn tại địa phương, người ta kéo ra đường hóa trang, mang mặt nạ quái dị, rước đèn trong thành phố, ăn uống, chơi đùa, bông lơn với nhau. Chú anh, gốc dân tộc Miao, quan chức của tỉnh Vân Nam sống hoàn toàn theo cách người Hoa, ông mới tậu miếng đất trong khu cư dân trung bình, xây một căn nhà lớn thô kệch, tường cao, hai cánh cổng sắt như cổng trại tù. Họ tiếp chúng tôi rất ân cần. Một bữa ăn với 12 món được dọn lên bên cạnh món miền miến mà tôi muốn được ăn thử, đó là món bột bắp. Ngô phơi khô, xay khá nhuyễn, như hạt kê, hấp ăn thay cơm. Họ bảo trước nghèo, chỉ miền miến, khá lên độn thêm cơm. Bây giờ khi nào thích, hoặc lễ tết thì ăn. Món này dân Nam Mỹ cũng có, cũng ăn như vậy hay làm bánh đa, bánh cuộn. Bột bắp bán đày trong chợ Mỹ, nhuyễn hơn, thường đề tẩm tôm, cá chiên dòn.

Ông chủ dành cho bạn tôi cái chân dê ninh nhừ nhìn thấy những sợi gân tưởng như dai dai, mềm mềm, sừn sựt vừa đủ, tôi bằng lòng với cái đuôi dê và đầu gà ông ân cần gắp cho. Chỉ mình ông trong bữa ăn là đảng viên Cộng Sản và như thế ông bà chỉ có một thằng con trai. Những người khác không làm trong nhà nước, không phải đảng viên thoải mái có hai đứa. Con trai ông, bặm trợn, xâm trổ về kịp lúc bữa ăn bắt đầu. Sau vài chung rượu, chú và các anh họ của nó bắt đầu lôi nó ra sửa trị. Thằng nhỏ nhìn ngầu ra mặt, nhưng chỉ biết cúi đầu vâng dạ. Cả nhà, mọi người đều ‘cho nó một trận’. Cuối cùng bố nó nhờ tôi, ông bác, nói với nó vài câu. Rượu ngà ngà, tôi đến khoác vai nó, cố rặn ra mấy câu tiếng tàu pha trộn cả tiếng phổ thông lẫn tiếng Quảng Đông học được hồi ở tù với đám Tàu Tưởng, Quốc dân Đảng trong Chí Hòa.

Tôi còn nhớ mấy câu học hồi còn nhỏ, nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô, hổ phụ sinh hổ tử, cứ thế mà diễn dịch, ‘dậy dỗ nó’. Nói xong một hồi, chẳng còn biết mình nói gì. Bố nó bắt tay cảm ơn tôi. Mọi người thấy tôi mệt, ép đi ngủ sớm. Rượu nặng thật, uống đến cháy cổ họng. Bọn họ uống đến hai giờ sáng. Bà chủ nhà ngồi với họ cho đến cuối bữa nhậu để phục vụ và dọn dẹp.Tôi phản đối chuyện này. Bà bảo đó là vinh dự và bổn phận để lo cho chồng và bạn bè của chồng. Dự định về khu tự trị Văn Sơn của người H'Mông, Choang của chúng tôi trễ hết hơn nửa ngày.

Người em rể của ông chủ nhà đêm qua hứa đưa chúng tôi đi Văn Sơn không thể dậy sớm nổi. Đêm hôm qua rượu say về, anh chồng kiếm chuyện với vợ bảo con gái không phải con anh ta, nó không có một tí nào giống bố, hai vợ chồng cãi nhau một trận dữ dội, nhưng vợ chồng cũng cố đến cùng cả nhà đi ăn sáng với chúng tôi. Anh chồng vẫn toe toét, bô lô, nhưng chị vợ hai mắt còn sưng.

hmong3

Người ta đang xây một trung tâm nhiều hàng quán, quảng cáo sẽ là khu bán mì, hoằn thắn, hủ tíu lớn nhất thế giới. Sân phía trước rộng lớn trang trí 6 cái tô đường kính khoảng 4m, nhưng phải đến đầu năm mới khai trương. Chúng tôi đến một trong những quán có vẻ như đã lâu năm ở gần đó. 

Vẫn tưởng các tô phở ở California, Houston, Dallas to nhất thế giới, có đường kính gần bằng đôi đũa nhựa gác ngang, nhưng tôi đã thấy ở Las Vegas trong một tiệm ăn Thái Lan, hai người đàn ông ăn trong hai tô to như cái thau nhỏ một món gì đó. Tiếc là lúc đó vừa ăn xong, đi ra, chứ nếu không tôi nhất định sẽ hỏi nhà hàng món gì để thử. Ở đây nhiều nơi bán hàng ăn với cái tô to hơn, sâu hơn. Khu chúng tôi đến ăn sáng có nhiều tiệm bán đồng giá mỗi tô hủ tíu chừng 3,4 đô la. Thực khách chỉ cho ông đầu bếp đang bên cạnh cái chảo to đùng, nước sôi ùng ục, ninh 5 - 7 con gà còn nguyên những món mình thích được bày chung quanh trên quầy, thịt heo ba chỉ, gà xé phay, lòng, mề,... Người đầu bếp bỏ những thứ khách muốn vào một tô, múc đầy nước lèo gà. Khách bưng qua quầy khác, chọn gia vị, rau, ớt, tỏi, đến quầy mì, bún, hũ tíu lấy bao nhiêu tô cũng được. Tôi tò mò đặt đôi đũa trong túi giấy thường thấy trong các tiệm ăn Á Châu đo tô hũ tíu của tôi. Chiều dài đôi đũa bằng đường kính cái tô. Chỉ ăn gần 1/3 tô, với một chén nhỏ mì, bụng tôi đã căng ra.

Nhiều quán ăn trong khu này không có nhà vệ sinh. Hỏi nhà vệ sinh, họ chỉ ra đầu đường. Lần ra đầu đường, họ chỉ đi nữa… ra đầu đường. Ra tận đầu đường, nơi ngay ngã tư, họ chỉ bên kia đường.

Bên kia đường, chiếm hết hai mặt tiền ngã tư là đồn công an. Tôi bảo đó là đồn công an. Họ gật gật đầu, chỉ thẳng vào đó, nói như hét, trong đó có chỗ đi tiểu tiện, cả đại tiện nữa. Tôi băng qua đường, mon men vào cổng có hai câu đối. Sân đồn công an giao thông rộng lớn chứa xe cảnh sát và nhiều xe hơi tôi đoán là xe bị giam. Tô hỏi chỗ đi vệ sinh, mấy người đứng ngoài sân chỉ đi thẳng vào đại sảnh. Bước vào, thấy hàng chục cảnh sát lố nhố đứng, ngồi. Một chú lính thấy tôi lơ ngơ, nói líu lo, chỉ vào phía sau. Trong đó có 2 dẫy phòng vệ sinh cho đàn ông, đàn bà đang có người lau chùi.

Ở một khu công cộng khác, chúng tôi vào một nơi có hàng chữ tiếng Hoa, Anh : Emergency toilet. Bạn tôi trào phúng bảo cầu tiêu cấp cứu ! Mắc lắm mới được vào, mắc vừa thì đi tìm đồn cảnh sát.

Người ta gọi taxi cho chúng tôi. Chở gần hai tiếng mới nghe bảo xe đến. Đứng dưới cái nắng hừng hực, hứng bụi đường gần nửa giờ taxi mới tới, trong xe đã có 2 hành khách, hai vợ chồng cùng đi Văn Sơn, người vợ ngồi ghế trước. Chiếc xe hiệu Trung quốc, hai chúng tôi và người chồng ngồi băng sau, kể cả cái nạng của ông ta gác bên hông cửa, chúng tôi bị ép như cá mòi hộp. Chị tài xế khoảng 40 tuổi diện như đi dạ hội, áo váy ren đen ôm thân hình còn trẻ trung, găng tay đen dài đến khuỷu, mắt kiếng cũng đen, tóc đen ngắn cắt xéo một góc có vẻ ngang tàng, nhưng mặt thì xấu và cũng đen đen. Một tiếng đồng hồ xe loanh quanh chúng tôi không ra khỏi Mộng Tự, chị tài bận đi đến hết chỗ này, đến chờ chỗ kia lấy hàng giao về Văn Sơn.

Đã ồn ào vì hai người đàn bà nói chuyện như hét trên xe, lại còn phải chịu thêm nóng bức. Nóng ! Cửa sổ xe đóng hết, máy lạnh trên xe chỉ mở nấc thấp nhất, cộng với mùi mồ hôi và nước hoa của cô tài xế lẫn người đàn bà phía trước làm tôi muốn phát khùng. Tôi lẩm nhẩm đánh vần chữ Nhẫn của các cụ dậy. Cuộc đời này chỉ như cõi tạm, cuộc đời này như chung chuyến xe một lát rồi mạnh ai nấy rẽ lối khác, nhưng đến lúc mọi người xuống đi tiểu ở cái chỗ ‘nhà tiêu tiểu cấp cứu’, chữ Nhẫn của tôi rơi mất chữ Tâm, tôi lén mở máy lạnh đến mức số hai, chỉ số hai thôi. Leo lên xe, mở máy, có lẽ nghe tiếng nổ có tí khác, cô tài chuyển ngay máy lạnh về số 1, kéo mắt kính, nhìn xuống hàng ghế sau, liếc con đại Đao vào mặt tôi.Thôi mà ! Tiết kiệm không mở máy lạnh, thì kéo hết của sổ xe xuống đi, năn nỉ mà, nhưng mở cửa sổ gió thổi tung tóc của 2 nàng thì sao ? May mắn đường xa lộ tốt không thua gì ở Mỹ và cô nàng chạy qua mặt tất cả các xe cùng chiều. Đến Văn Sơn tôi cảm thấy hạnh phúc không thành con gà hấp.

Văn Sơn, khu tự trị của người H'Mông, Choang hiện ra trước mắt tôi không thua gì các thành phố ở Mỹ với chung cư cao tầng, đường rộng rãi và cửa hàng khang trang, sáng đèn, ngăn nắp, nhưng vắng người đi lại, mua xắm dù là chiều Chúa nhật. Một số đàn bà con gái mặc quần áo dân tộc H'Mông, Choang lếch thếch theo nhau. Lề đường rộng đủ cho xe hơi đậu hàng ngang và người đi bộ thoải mái.

hmong4

Một cái skyway chung quanh một quảng trường lớn, khách bộ hành sang đường không phải đi qua các làn xe cộ thưa thớt.

Căn hộ trong một khu chung cư khá đẹp giá hơn 150 trăm ngàn đô một chút. Gần như nhà nào cũng có xe hơi và một hai xe gắn máy. Hầu hết xe nhãn hiệu Trung quốc.

Tôi thấy như có một cái gì vênh, chênh giữa sinh hoạt của cư dân thành phố với tầm to lớn đô thị trung tâm, họ có vẻ như lạc lõng ngay giữa thành phố đẹp đẽ của họ. Chính quyền có vẻ như muốn cố phô hết vẻ hào nhoáng ra bề mặt, còn phía sau lưng những căn nhà cao từng ít người ở, vô số ổ chuột. Cuộc sống của người dân và môi trường nghèo nàn ở đó có vẻ khớp với nhau. 

hmong5

Người H'Mông ở đây chỉ cho tôi những rặng núi xa xa chung quanh thành phố buồn rầu bảo tổ tiên họ có thời đã ròng rã 13 năm cố thủ trên nhũng ngọn núi đó chống lại quân xâm lược Hán. Khi người Hán chiếm được các cứ địa họ đã giết hết đàn ông con trai H'Mông chưa kịp trốn thoát, nhưng hậu duệ của những người hào kiệt, từng có thời tự hào đã từ miền băng tuyết một năm chỉ có hai ngày, sáng, tối, đến đây lập nghiệp từ hàng ngàn năm trước, chỉ còn biết sợ hãi lảng sang chuyện khác khi nghe hỏi đến Vương quốc H'Mông.

Những nhận xét của tôi về Văn Sơn có thể không chính xác. Tôi chỉ qua lại đó trong vài ngày. Nhưng tôi có cái cảm giác lành lạnh khi đến một nơi chỉ có xác mà không hồn, một cảm giác tôi không có khi đến Viên Chan, một thành phố nhỏ, nghèo nàn, nhếch nhác hơn nơi đây và mặc dù sự ấm áp của nó đã lạnh đi nhiều từ hàng chục năm sau chiến tranh.

Quang Nguyên

Nguồn : VNTB, 08/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 739 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)