Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Giáo hội Chính thống giáo rạn nứt từ những hiềm khích chính trị (RFI, 16/10/2018)

ortho1

Tổng giám mục Hilarion đặc trách đối ngoại của Tòa Thượng phụ Moskva trong cuộc họp báo tại Minsk, Belarus, ngày 15/10/2018. Reuters/Vasily Fedosenko

Giáo hội Chính thống Nga tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Constantinople (Istanbul), Giáo hội Chính thống toàn cầu. Sự kiện được đánh giá là một vụ ly giáo lịch sử trong Chính thống giáo này bắt nguồn từ những căn nguyên đậm màu sắc chính trị.

Quả thực đây là một vụ ly giáo lịch sử trong lòng Giáo hội Chính thống giáo. Sau phiên họp Thượng Hội Đồng kéo dài nhiều giờ tại Minsk, Belarussia, Tòa Thượng phụ Moskva thông báo cắt đứt mọi quan hệ với Constantinople, Tòa Thượng phụ lãnh đạo Chính thống giáo toàn cầu. Giáo chủ Hilarion, đặc trách ngoại giao của Giáo hội Chính thống Nga tuyên bố :

"Quyết định này là không thể tránh được. Chúng tôi đã không thể làm khác vì những quyết định mới đây của Tòa Thượng phụ Constantinople. Cách đây vài hôm, Tòa thánh này đã quyết định hủy phép thông công lãnh đạo Giáo hội ly khai Ukraine". Giáo hội Nga khẳng định, quyết định của Constantinople mang màu sắc chính trị.

Quyết định tuyệt giao này chỉ bắt nguồn từ một căn nguyên duy nhất : Tòa thánh Constantinople thừa nhận Giáo hội Ukraine độc lập chấm dứt quyền lực của Giáo hội Chính thống Nga đối với Nhà thờ Chính thống giáo Ukraine kéo dài hơn 300 năm qua.

Công nhận Giáo hội Ukrana độc lập, Tòa thánh Constantinople khiến Giáo hội Nga mất đi một bộ phận lớn tín đồ và ảnh hưởng tại Ukraine. Hơn thế, về mặt lịch sử, Ukraine chính là nơi phát tích của Nhà thờ Chính thống Nga, ra đời tại Kiev năm 988. Đó cũng là một phần trong lịch sử dựng nước của dân tộc Nga. Cũng tại Ukraine, các giáo chủ Nga đã cho xây dựng lên một hệ thống hơn 10.000 nhà thờ, giáo xứ Chính thống giáo, trong đó có những công trình nguy nga nổi tiếng thế giới.

Với quyết định đoạn tuyệt với Tòa thánh Constantinople, Giáo hội Moskva đang mở ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong Chính thống giáo, hiện đang chăm sóc phần hồn cho khoảng 300 triệu tín đồ.

Theo thông tín viên RFI Daniel Vallot tại Moskva, cộng đồng Chính thống giáo đang bị đặt trước sự lựa chọn giữa hai làn nước. Một bên là tòa Thượng Phụ Constantinople, có quyền năng tinh thần cao nhất và một bên là Giáo hội Moskva, cũng có một ảnh hưởng rất rộng lớn, "kiểm soát" phần hồn của hơn 100 triệu tín đồ Chính thống giáo ở nhiều nước Đông Âu. Bên cạnh đó, ngay tại Ukraine, hiện vẫn còn khá đông các giáo xứ, giáo chủ vẫn được cho là "thân Moskva", tuân theo Giáo hội Nga.

Nhà sử học Antoine Arjakovsky, thuộc trường thần học Collège des Bernardins tại Paris, một chuyên gia về Chính thống giáo nhận định, sự kiện Chính thống giáo Nga ly khai "sẽ gây nhiều tổn thương". Vụ chia tay chắc chắn sẽ kéo theo một cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai hội đồng Thượng phụ Moskva và Istanbul để kiểm soát các giáo hội khác trong cộng đồng Chính thống giáo thế giới, hiện có khoảng hơn chục Hội đồng Thượng phụ hay Giáo hội độc lập.

Căn nguyên của những rạn vỡ này không bắt nguồn từ những xung khắc tôn giáo, mà là một phần của tranh chấp chính trị giữa Kiev và Moskva. Bởi thế, ngay sau khi đại giáo chủ Bartholomew tuyên bố độc lập cho Chính thống giáo Kiev, tổng thống Ukraine Petro Porochenko đã nhanh chóng chúc mừng quyết định của Giáo hội Chính thống Constantinople.

Ít ngày trước đó, ông Porochenko còn là người tích cực đến tận Istanbul để vận động. Sự kiện Giáo hội Ukraine tách ra độc lập với Moskva là một thắng lợi chính trị của Kiev để gửi đi một thông điệp rằng Nga có thể chiếm được Crimea và kiểm soát một phần miền đông Ukraine, nhưng họ không thể nắm giữ được "linh hồn" của Ukraine.

Trong các chiến dịch vận động tranh cử gần đây, các chính trị gia Ukraine không quên đặt độc lập của Chính thống giáo nước này làm đề tài lôi kéo cử tri.

Trong khi đó Kremlin tránh bị mang tiếng dính vào công việc của tôn giáo. Phát ngôn viên của tổng thống Nga, Dmitri Peskov tuyên bố : "Nga bảo vệ khắp mọi nơi lợi ích của người Nga, của những người nói tiếng Nga, Nga cũng bảo vệ lợi ích của những tín đồ Chính thống giáo".

Giới quan sát cho rằng, với thời gian có thể mối quan hệ giữa Chính thống giáo Nga và Constantinople có thể rồi cũng được hàn gắn lại, nhưng giữa Chính thống giáo Ukraine với Nga thì sẽ khó có ngày trở lại, vì nó bắt nguồn từ những xung khắc lịch sử, văn hóa và chính trị sâu sắc.

Anh Vũ

*****************

Nga-Ukraine : Chính thống giáo hoàn toàn chia rẽ (BBC, 16/10/2018)

Giáo hội Chính thống Nga (Russian Orthodox Church - ROC) đang rung động vì kế hoạch của Thượng phụ Constantinople cho phép Giáo hội Ukraine tách ra khỏi Giáo hội từ lâu nay do Moscow lãnh đạo.

ortho2

Bé gái cầm tranh thánh trong ngày lễ tại Kiev năm 2016, kỷ niệm Ngày Rửa tội cho xứ Kievan Rus năm 988, đánh dấu kỷ nguyên Ky Tô giáo đến với tổ tiên của người Slavơ phía Đông mà sau chia thành các dân tộc Nga, Ukraine và Belarus

Truyền thông Nga cũng lên tiếng ngày càng mạnh sau quyết định hôm 11/10/2018, xóa thỏa thuận có từ trên ba thế kỷ, theo đó, Giáo hội Ukraine thuộc quyền quản lý của Moscow, và đảo ngược lại các lệnh rút phép thông công với hai vị tu sỹ cao cấp, gồm một người cổ vũ cho xu thế lập ra Giáo hội Ukraine độc lập.

Vấn đề hiện nay là liệu Giáo hội Ukraine sẽ có chính thức ly khai khỏi vòng tay của Nga, và được công nhận như một dòng mới, tự trị của Chính thống giáo Phương Đông (Eastern Orthodoxy) hay là không.

Trong ngày 15/10/2018, Giáo hội Chính thống Nga đã chính thức tuyên bố cắt đứt quan hệ với Constantinople tại cuộc họp của Đại Hội đồng Giám mục ở Minsk.

Cạnh tranh ngôi vị tối cao

Giáo hội Chính thống Nga thường nhấn mạnh họ có 180 triệu tín đồ và chống lại sự lãnh đạo của Constantinople - đại giáo phận trụ sở của Chính thống giáo Đông La Mã, hiện là thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ - vốn có gần 300 triệu tín đồ toàn cầu.

ortho3

Ngài Bartholomew, vị giáo chủ Constantinople, thăm Thessaloniki hôm 30/09 năm 2018 để tượng niệm người Hy Lạp bị giết trong Thế Chiến I

Cả hai đều nêu lịch sử ra để viện dẫn cho quyền lãnh đạo tối cao về Giáo hội ở Ukraine.

Moscow nói về quyền được trao quản lý Đại Giáo phận cổ đại (Kievan archdiocese) từ 1686, khi Giáo chủ công đồng đại kết Dionisy (Constantinople) cho Thượng phụ Moscow được bổ nhiệm các chức giám mục ở Kiev.

Giáo hội Chính thống phương Đông từ Cận Đông và Hy Lạp truyền sang vùng Balkans, Caucacus và Đông Âu, nay gồm các giáo hội độc lập:

Hy Lạp, Bắc Phi (Alexandria) ; Syria, Jerusalem, Nga, Ukraine, Georgia, Armenia, Serbia, Romania, Bulgaria, Cyprus, Albania, Ba Lan, Czech, Estonia, Slovakia, Hoa Kỳ.

Các giáo phận nhỏ có mặt ở Pháp, Anh, Phần Lan...

Tên của giáo hội 'Orthodox' ghép từ hai từ Hy Lạp: 'orthos: chính thống, đúng đắn ; và doxa: tín ngưỡng, niềm tin.

Đại giáo phận Constantinople, hiện ở Istanbul, có danh hiệu cao nhất, vì đây từng là thủ đô của đế quốc La Mã phía Đông sau khi Ky Tô giáo phía Đông tách ra khỏi Rome, Ý hồi thế kỷ 11.

Nay các vị chủ chăn ở Moscow nói Constantinople "gây hấn" để chen vào lãnh hạt quản trị tôn giáo của họ.

Ngay từ hôm 09/10, Đại Thượng phụ Kirill ở Moscow nói vị Thượng phụ công đồng đại kết Bartholomew ở Constantinople đã tự cho mình quyền vượt quá phạm vị để "giành quyền toàn cầu".

Nhưng như một chuyên gia tôn giáo là Sergei Chapnin ghi nhận, Constantinople chưa bao giờ đem lãnh địa Ukraine cho Giáo hội Chính thống Nga quản lý, mà chỉ công nhận quyền tấn phong giám mục và thẩm quyền này không mang tính vĩnh viễn.

Gần đây, tự điển toàn thư Chính thống giáo của Giáo hội Moscow đã công bố các bình luận không tích cực về nghiên cứu của Thượng phụ Constantinople liên quan đến cơ chế cho Ukraine tách ra, và phán rằng trình độ của nghiên cứu "rất thấp".

Các sử gia của Giáo hội Nga còn nói, Tòa Thượng phụ Constantinople ở Thổ Nhĩ Kỳ rất yếu và chỉ đại diện cho một thiểu số tín đồ bên đó.

Truyền thông Nga nay cũng nêu là ý kiến tương tự.

Trong một cuộc thảo luận truyền hình, biên tập viên nổi tiếng Vladimir Solovyov nói, "ảnh hưởng của Thượng phụ Constantinople bằng con số không ở ngay nước mà ông ta đóng".

Bôi nhọ và cảnh cáo

ortho4

Giáo hội Ukraine nay có quyền tách hẳn hỏi sự kiểm soát của Moscow

Các đài truyền hình chính của Nga đã bỏ ra nhiều tuần để bôi nhọ Đức Thượng phụ Bartholomew (người thiểu số Hy Lạp ở Thổ Nhĩ Kỳ) và các giáo phẩm Ukraine vì "ham muốn độc lập".

Một số cơ quan truyền thông Nga thường nêu ra giải thích rằng tranh chấp giữa các giáo hội này là một mưu đồ của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko để đánh lạc hướng người Ukraine khỏi các vấn đề của đất nước.

Lập luận chính trên các chương trình TV là Ngài Bartholomew nhận chỉ thị từ chính quyền Mỹ, và rằng Giáo hội Chính thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Kiev là "cơ quan thân Mỹ".

Chức sắc của Giáo hội Chính thống Nga cũng nói tương tự.

Hôm 8/10, Kirill Frolov, chủ tịch Hội chuyên gia Chính thống giáo, tổ chức người ta cho là gần với Giáo hội Nga, cáo buộc hai đại diện mà Ngài Bartholomew cử đến Kiev từ Nga và Canada để chuẩn bị cho bước đi độc lập, là "những tay Banderovites cộng tác chặt với CIA", và ví họ như "cuộc xâm lăng của Đức đánh vào Liên Xô năm 1941". (Banderovite là cách gọi chỉ những người theo đường lối chống Liên Xô cũ của Stefan Bandera, một lãnh tụ dân tộc Ukraine).

Cảnh báo về hậu quả nghiêm khắc

ortho5

Hagia Sophia hay Thánh Sophia (Sancta Sophia) là Giáo đường của Chính thống giáo Hy Lạp xây thời Hoàng đế Đông La Mã Justinian I, hoàn tất năm 537 ở thủ đô Constantinople, nay là Istanbul

Tổng Giám mục Moscow Ilarion, người có hàm ngang bộ trưởng ngoại giao của Giáo hội Nga, thì nói về "khả năng chia rẽ đầy bi kịch, không hàn gắn nổi của cả cộng đồng Chính thống giáo", và cảnh báo quyền độc lập cho Giáo hội Ukraine sẽ làm nảy sinh các vụ chia tách những nơi khác.

Ngài cũng so sánh quyết định cho Giáo hội Ukraine tách ra giống như cuộc Đại chia tách (schism) giữa Công giáo La Mã và Chính thống giáo năm 1054.

Các đài truyền hình Nga thì đang vẽ ra bức tranh đen tối, cho là có thể sẽ xảy ra đổ máu, và gợi ý rằng đang có "các vụ tấn công" vào những nhà thờ, giáo phận hướng về Moscow, do những kẻ cực đoan, phát-xít, gây ra.

Đài truyền hình Ngôi sao (Zvezda) của Bộ Quốc phòng Nga nói thanh thiếu niên Ukraine bị "phái cực đoan tuyên truyền trong các trại huấn luyện" để chuẩn bị cướp các nhà thờ.

Ngài Ilarion nói trên truyền hình RT, chương trình World Apart rằng những kẻ chia rẽ giáo hội "sẽ giành quyền kiểm soát những tu viện chính, như Kiev Pechersk Lavra (Tu viện Hang động).

Một cáo buộc nữa là Tổng Giám mục Filaret của Kiev vốn đã bị Moscow rút phép thông công, đang tung ra đồn thổi rằng sẽ có vụ ám sát một tu sỹ cao cấp theo Mosow cùng các giáo phẩm thuộc Giáo hội thần phục Moscow ở Ukraine.

Sắp tới là gì ?

Trước đó, phát ngôn viên của Giáo hội Nga, Vladimir Legoyda lên án quyết định của Constantinople và nói Hội đồng Tôn giáo sẽ họp ngày 15/10 ở Minsk, Belarus để có phản hồi.

ortho6

Hàng nghìn người đã bị giết trong cuộc xung đột ở vùng Đông Ukraine mấy năm qua

Tin chính thức từ Minsk tối 15/10 cho hay Giáo hội Nga nói sẽ chính thức cắt toàn bộ quan hệ với Constantinople.

Tháng trước, Giáo hội Nga đã cắt quan hệ ngoại giao với Constantinople và nay thì sẽ cắt cả quan hệ tôn giáo.

Năm 1996, sau khi ngài Bartholomew cho phép các giáo phận Chính thống giáo ở Estonia được độc lập khỏi Moscow, Giáo hội Nga đã cắt quan hệ hiệp thông với Constantinople.

Giáo hội Nga khi đó đã ra thông cáo nói vai trò "Thượng phụ Đại kết" (Ecumenical title) của ngài Bartholomew không có nghĩa là "ông ta có thẩm quyền về các giáo hội độc lập khác".

Nhưng ba tháng sau đó, Moscow đã phục hồi quan hệ hiệp thông.

Thế nhưng, Giáo hội Tông đồ Chính thống giáo Estonia chỉ có vài nghìn tín đồ, còn Giáo hội Ukraine có hàng triệu người đi theo.

Tại Nga hiện có cả những đề nghị tước quyền của ngài Bartholomew và theo nhà bình luận tôn giáo Nikolai Mitrokhin, Giáo hội Nga có thể tự mở nhà thờ mới ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Quyền độc lập cho Giáo hội Ukraine có thể thúc đẩy Giáo hội Nga ủng hộ cho các nhóm cực đoan ở những nước, lãnh thổ mà hiện Thượng phụ Constantinople có quyền, và tạo ra xu hướng ly khai của số tu viện, như ở Núi Athos, nơi người ta không thích ngài Bartholomew.

Nhưng chuyên gia Alexandr Soldatov, trong một bài trên báo Novaya Gazeta theo xu hướng cởi mở, thì dự báo rằng cuộc phân chia toàn cầu sẽ chỉ khiến cho Tòa Thượng phụ Moscow (Moscow Patriarchate) thêm bị cô lập.

Còn ông Chapnin thì dự báo vấn đề sẽ gây chấn động lớn cho cả ba ngôi vị, Moscow, Constantinople và Kiev nhưng Moscow là bên thua thiệt nhất, và đây là sự thất bại cá nhân của Thượng phụ Kirill.

Yaroslava Kiryukhina

Bài của Yaroslava Kiryukhina do BBC Monitoring tại London ấn hành hôm 15/10, và ban biên tập đã bổ sung những tin mới nhất về cuộc họp ở Minsk.

Published in Văn hóa

Chính thống giáo Ukraine độc lập : Nga lên án một hành vi khiêu khích (RFI, 13/10/2018)

Một ngày sau khi Thượng Hội đồng Chính thống giáo công nhận giáo hội Ukraine độc lập, ngoại trưởng Nga hôm qua 12/10/2018 lên án "hành động khiêu khích", được Washington ủng hộ "công khai và trực tiếp".

ortho1

Người đứng đầu giáo hội Chính thống giáo Ukraine phát biểu trong một buổi lễ tại nhà thờ Volodymysky ở Kiev, Ukraine, ngày 11/10/2018. Reuters/Valentyn Ogirenko

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nhà nước Nga RT và hai báo Pháp, Le FigaroParis Match, ngoại trưởng Serguei Lavrov đã chỉ trích thượng phụ Chính thống giáo Bartholomew I đã can thiệp vào hoạt động tôn giáo, vi phạm luật pháp Ukraine và Nga. Và ông cho rằng hành động nói trên được Hoa Kỳ ủng hộ.

Quyết định của Thượng Hội đồng Chính thống giáo thừa nhận một giáo hội Chính thống giáo đôc lập tại Ukraine, chấm dứt 332 năm Ukraine nằm dưới quyền quản lý của giáo hội Nga, đặt ra vấn đề tương lai của hàng triệu tín đồ vốn vẫn sinh hoạt trong giáo hội trung thành với Moskva.

Người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitri Peskov, trong một phát biểu hôm qua, cũng khẳng định Moskva sẽ "bảo vệ lợi ích của các tín đồ Chính thống giáo" tại Ukraine, trong trường hợp có các rối loạn trong lĩnh vực tôn giáo. Tuy nhiên, người phát ngôn Nga cũng cho biết cụ thể là các biện pháp mà Moskva dự kiến tiến hành sẽ "chỉ thuần túy mang tính chính trị và ngoại giao".

Sau tuyên bố của Thượng Hội đồng Constantinople, Tòa thượng phụ Nga lên án một cuộc "ly giáo", và cảnh báo "những hậu quả hết sức nghiêm trọng". Một số chức sắc trung thành với Moskva, lo ngại nhà thờ và tu viện bị trưng thu, kêu gọi tín đồ đứng lên bảo vệ các thánh đường.

Kiev tôn trọng quyết định của các xứ đạo

Về phần mình, chính quyền Ukraine bảo đảm sẽ hoàn toàn tôn trọng quyền quyết định của các xứ đạo nào chọn con đường tiếp tục trung thành với Tòa thượng phụ Moskva, và không để xảy ra một "cuộc chiến tranh tôn giáo".

Quyết định công nhận giáo hội độc lập Ukraine được hàng trăm người đón mừng tại thủ đô Kiev tối hôm qua. Một số người cho đây là một biến cố lịch sử quan trọng nhất kể từ khi Ukraine độc lập với Nga. Tuy nhiên, chính quyền Ukraine tỏ ra thận trọng.

Trả lời AFP, một quan chức cao cấp ngành an ninh Ukraine, xin ẩn danh, thừa nhận đây là "một sự kiện lịch sử", nhưng rất có thể "khuấy lên nhiều vấn đề lớn".

Theo dòng lịch sử, đạo Thiên chúa chia thành nhiều nhánh khác nhau. Trong đó ba nhánh lớn nhất là Công giáo, Tin lành và Chính thống giáo. Chính thống giáo là nhánh lớn thứ ba, ước tính có từ 125 triệu đến 250 triệu tín đồ trên khắp thế giới, nhưng chủ yếu là tại Nga và khu vực Đông Âu.

Cuộc phân liệt năm 1054 : Nguồn gốc ra đời

Sau nhiều thế kỷ tranh luận về thần học và chính trị, cuộc phân liệt giữa giáo hội Tây Phương và giáo hội Đông Phương đã xảy ra vào năm 1054, với sự kiện thượng phụ thành Constantinople, Michel Cerulaire đệ nhất, bị rút phép thông công, vì không thừa nhận uy quyền của giáo hoàng.

Đến lượt mình, thượng phụ Constantinople cũng quyết định rút phép thông công đối với đại diện của Tòa Thánh, hồng y Humbert de Moyenmoutier, người thực thi lệnh của giáo hoàng.

Các cuộc thập tự chinh, do một số lãnh đạo giáo hội Tây Phương hoặc thủ lĩnh quân sự tổ chức, trong hai thế kỷ tiếp theo tại miền đông nam Châu Âu và khu vực Cận Đông khiến sự phân tách giữa hai giáo hội càng trở nên trầm trọng hơn. Quân thập tự chinh đã lập ra nhiều cơ sở của giáo hội Tây Phương ngay bên cạnh các cơ sở Chính thống giáo ở Hy Lạp.

Nỗ lực hòa giải giữa hai nhánh Thiên chúa Giáo nói trên chỉ thực sự có kết quả vào năm 1965, khi hai bên từ bỏ các lệnh rút phép thông, hơn 9 thế kỷ trước.

Đức tin Chính thống giáo

"Chính thống giáo" bắt nguồn từ hai từ gốc Hy Lạp, "ortho" có nghĩa là chính thống và "doxa" là học thuyết. Giáo hội Chính thống giáo tự cho là chỉ có mình mới sở hữu "đức tin thực sự" và tất cả các giáo hội khác, bao gồm cả giáo hội Công giáo, đều phải trở lại với đạo gốc.

Bất đồng chính giữa hai nhánh Công giáo và Chính thống giáo xoay quanh cách lý giải về thuyết Tam vị nhất thể, hay Chúa Ba Ngôi, giáo lý cốt lõi của đạo Thiên chúa. Ngược lại với bên Công giáo, đạo Chính thống chấp nhận thụ phong các chức sắc đã lập gia đình, hoặc chấp nhận việc ly dị, nếu có chuyện ngoại tình.

Nghi thức của Chính thống giáo gần như không thay đổi từ một thiên niên kỷ nay, trong lúc đạo Công giáo biến chuyển nhiều theo thời gian.

Hệ thống tổ chức phức tạp

Chính thống giáo, với Constantinople (thuộc thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay) là trung tâm, bao gồm 10 giáo quyền hay các giáo hội độc lập (autocephaly), trong đó có giáo hội Ukraine, vừa được Thượng Hội đồng Chính thống giáo ở Constantinople công nhận.

Cùng với trung tâm Constantinople được coi là có uy tín nhất hiện nay, đạo Chính thống còn có ba trung tâm khác từng có vai trò rất quan trọng, tại Alexandria (Ai Cập), Antioche (Syria) và Jerusalem. Ba trung tâm này vẫn tồn tại, nhưng tầm ảnh hưởng bị thu hẹp.

Trong số các giáo hội độc lập thừa nhận uy quyền của thượng phụ đại kết thành Constantinople có các giáo hội Moskva, Serbia, Romania, Bulgaria, Gruzia, Hy Lạp, Chyprus, Albania, Ba Lan, giáo hội Czech và Slovakia, và giáo hội Ukraine vừa được công nhận.

Một số giáo hội Chính thống giáo có quyền tự trị, nhưng không độc lập, ví dụ như giáo hội Phần Lan, trực thuộc Tòa thượng phụ đại kết Constantinople (Patriarcat œcuménique de Constantinople), hay giáo hội Nhật Bản trực thuộc Tòa thượng phụ Moskva.

Riêng về Chính thống giáo ở Ukraine, với khoảng 30 triệu tín đồ, chiếm 70% dân cư Ukraine, có hai nhóm chính. Một giáo hội trung thành với Tòa thượng phụ Moskva, với nhiều xứ đạo nhất (khoảng 12.000). Thứ hai là giáo hội Kiev - tự thành lập năm 1992 (sau khi Liên Xô sụp đổ) và vừa được Thượng Hội đồng thành Constantinople công nhận - có khoảng 5.000 xứ đạo. Tuy nhiên, ngày càng có đông người Ukraine theo giáo hội này (40% hiện nay, so với 15% dân cư cách nay 10 năm).

Uy quyền của Tòa thượng phụ đại kết Constantinople

Người đứng đầu Thượng Hội đồng ở Constantinople là thượng phụ đại kết thành Constantinople, giáo chức cao cấp nhất của Chính thống giáo, thường do tổng giám mục Chính thống giáo thành Constantinople đảm nhiệm. Thượng phụ thành Constantinople hiện nay là Bartholomew I, được coi là người đứng đầu, về mặt tâm linh và nghi thức, của tất cả các giáo quyền trong thế giới Chính thống giáo Phương Đông, nhưng không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của các giáo hội khác.

Vai trò tôn giáo quan trọng của thành Constantinople bắt nguồn từ thời kỳ hoàng đế Constantin đệ nhất (272-337), cũng là hoàng đế La Mã đầu tiên theo Thiên chúa Giáo. Constantin đệ nhất coi đạo Thiên chúa là tôn giáo chính thức của Đế quốc Đông La Mã, với Constantinople là thủ đô (Constantinople là tên gọi mới mà hoàng đế La Mã đặt cho thành Byzantium của người Hy Lạp cổ).

Tuy nhiên, trong thời kỳ sau này, Tòa thượng phụ Moskva được xem là có ảnh hưởng còn lớn hơn cả Tòa thượng phụ đại kết thành Constantinople, do có được số lượng tín đồ đông đảo hơn. Thượng phụ giáo hội Chính thống giáo Nga Kirill cũng được coi như một đồng minh của tổng thống Nga Putin.

(Theo AFP và La Croix)

Trọng Thành

****************

Giáo hội Chính thống Ukraine chia tay Nga sau 332 năm (BBC, 13/10/2018)

Quyền lực của Giáo hội Chính thống Nga với Giáo hội Ukraine chấm dứt sau 332 năm bằng quyết định tại Constantinople, Istanbul tuần này.

ortho2

Lãnh đạo Ukraine trong ngày lễ đánh dấu 1030 năm Rus Kiev gia nhập Thiên chúa giáo' hồi tháng 7/2018 ở Kiev

Quyết định hôm 11/10/2018 của Đại Giáo chủ Bartholomew, Tổng giám mục Constantinople - Tân La Mã và cũng là người đứng đầu Giáo hội Chính thống toàn cầu gây choáng cho nước Nga, theo các báo quốc tế.

Thượng phụ Bartholomew chính thức thừa nhận quyền độc lập (autocephaly), cho Giáo hội Chính thống giáo Ukraine bằng việc huỷ một văn kiện từ năm 1686.

Văn bản đó cho Giáo chủ Moscow quyền bổ nhiệm và kiểm soát các chức vụ của Giáo hội ở Kiev.

Nhưng nay, quyết định mới của Công đồng Thần thánh của Chính thống giáo Đông Phương cho phép phục hồi một loại chức vụ trong Giáo hội Ukraine, gồm cả Thượng phụ Filaret, 89 tuổi.

Ngài Filaret đã bị Moscow rút phép thông công vì lý do chính trị, như ngài Bartholomew nói.

Tuy thế, vấn đề này cũng trở thành một phần của tranh chấp chính trị Kiev-Moscow.

'Chúc mừng quyết định'

ortho3

Ông Putin dự lễ của Giáo hội Chính thống và các tôn giáo khác đặt hoa bên tường Điện Kremlin trong ngày lễ kỷ niệm chiến thắng quân Ba Lan năm 1612

Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko đã nhanh chóng chúc mừng quyết định cho Giáo hội Chính thống Ukraine quyền độc lập.

Với nước Nga, sự kiện Giáo hội Ukraine tách hẳn khỏi Moscow gây ra choáng váng cho chính quyền Vladimir Putin và cả người dân.

Kiev nay là thủ đô Ukraine nhưng từng là đất phát tích của Giáo hội Nga và một phần của truyền thuyết dựng nước của dân tộc Nga.

Mới tháng Bảy năm nay, Nga và Ukraine kỷ niệm lễ 1030 năm đạo Ki Tô đến Kiev.

Sự kiện mang tên 'Thiên chúa giáo vùng Kiev Nga' (Kievan Rus Christianization) được cho là bước khởi đầu cho kỷ nguyên Thiên chúa giáo và văn minh Châu Âu ở cả Nga và Ukraine.

Nhưng nay, như một số báo Châu Âu bình luận, chính quyền Vladimir Putin có thể chiếm giữ được Crimea và kiểm soát một phần miền Đông Ukraine, nhưng không thể nào nắm được "linh hồn" của Ukraine nữa.

Published in Văn hóa