Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

13/10/2018

Giáo hội Chính thống giáo chia đôi : căng thẳng giữa Nga và Ukraine

Tổng hợp

Chính thống giáo Ukraine độc lập : Nga lên án một hành vi khiêu khích (RFI, 13/10/2018)

Một ngày sau khi Thượng Hội đồng Chính thống giáo công nhận giáo hội Ukraine độc lập, ngoại trưởng Nga hôm qua 12/10/2018 lên án "hành động khiêu khích", được Washington ủng hộ "công khai và trực tiếp".

ortho1

Người đứng đầu giáo hội Chính thống giáo Ukraine phát biểu trong một buổi lễ tại nhà thờ Volodymysky ở Kiev, Ukraine, ngày 11/10/2018. Reuters/Valentyn Ogirenko

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nhà nước Nga RT và hai báo Pháp, Le FigaroParis Match, ngoại trưởng Serguei Lavrov đã chỉ trích thượng phụ Chính thống giáo Bartholomew I đã can thiệp vào hoạt động tôn giáo, vi phạm luật pháp Ukraine và Nga. Và ông cho rằng hành động nói trên được Hoa Kỳ ủng hộ.

Quyết định của Thượng Hội đồng Chính thống giáo thừa nhận một giáo hội Chính thống giáo đôc lập tại Ukraine, chấm dứt 332 năm Ukraine nằm dưới quyền quản lý của giáo hội Nga, đặt ra vấn đề tương lai của hàng triệu tín đồ vốn vẫn sinh hoạt trong giáo hội trung thành với Moskva.

Người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitri Peskov, trong một phát biểu hôm qua, cũng khẳng định Moskva sẽ "bảo vệ lợi ích của các tín đồ Chính thống giáo" tại Ukraine, trong trường hợp có các rối loạn trong lĩnh vực tôn giáo. Tuy nhiên, người phát ngôn Nga cũng cho biết cụ thể là các biện pháp mà Moskva dự kiến tiến hành sẽ "chỉ thuần túy mang tính chính trị và ngoại giao".

Sau tuyên bố của Thượng Hội đồng Constantinople, Tòa thượng phụ Nga lên án một cuộc "ly giáo", và cảnh báo "những hậu quả hết sức nghiêm trọng". Một số chức sắc trung thành với Moskva, lo ngại nhà thờ và tu viện bị trưng thu, kêu gọi tín đồ đứng lên bảo vệ các thánh đường.

Kiev tôn trọng quyết định của các xứ đạo

Về phần mình, chính quyền Ukraine bảo đảm sẽ hoàn toàn tôn trọng quyền quyết định của các xứ đạo nào chọn con đường tiếp tục trung thành với Tòa thượng phụ Moskva, và không để xảy ra một "cuộc chiến tranh tôn giáo".

Quyết định công nhận giáo hội độc lập Ukraine được hàng trăm người đón mừng tại thủ đô Kiev tối hôm qua. Một số người cho đây là một biến cố lịch sử quan trọng nhất kể từ khi Ukraine độc lập với Nga. Tuy nhiên, chính quyền Ukraine tỏ ra thận trọng.

Trả lời AFP, một quan chức cao cấp ngành an ninh Ukraine, xin ẩn danh, thừa nhận đây là "một sự kiện lịch sử", nhưng rất có thể "khuấy lên nhiều vấn đề lớn".

Theo dòng lịch sử, đạo Thiên chúa chia thành nhiều nhánh khác nhau. Trong đó ba nhánh lớn nhất là Công giáo, Tin lành và Chính thống giáo. Chính thống giáo là nhánh lớn thứ ba, ước tính có từ 125 triệu đến 250 triệu tín đồ trên khắp thế giới, nhưng chủ yếu là tại Nga và khu vực Đông Âu.

Cuộc phân liệt năm 1054 : Nguồn gốc ra đời

Sau nhiều thế kỷ tranh luận về thần học và chính trị, cuộc phân liệt giữa giáo hội Tây Phương và giáo hội Đông Phương đã xảy ra vào năm 1054, với sự kiện thượng phụ thành Constantinople, Michel Cerulaire đệ nhất, bị rút phép thông công, vì không thừa nhận uy quyền của giáo hoàng.

Đến lượt mình, thượng phụ Constantinople cũng quyết định rút phép thông công đối với đại diện của Tòa Thánh, hồng y Humbert de Moyenmoutier, người thực thi lệnh của giáo hoàng.

Các cuộc thập tự chinh, do một số lãnh đạo giáo hội Tây Phương hoặc thủ lĩnh quân sự tổ chức, trong hai thế kỷ tiếp theo tại miền đông nam Châu Âu và khu vực Cận Đông khiến sự phân tách giữa hai giáo hội càng trở nên trầm trọng hơn. Quân thập tự chinh đã lập ra nhiều cơ sở của giáo hội Tây Phương ngay bên cạnh các cơ sở Chính thống giáo ở Hy Lạp.

Nỗ lực hòa giải giữa hai nhánh Thiên chúa Giáo nói trên chỉ thực sự có kết quả vào năm 1965, khi hai bên từ bỏ các lệnh rút phép thông, hơn 9 thế kỷ trước.

Đức tin Chính thống giáo

"Chính thống giáo" bắt nguồn từ hai từ gốc Hy Lạp, "ortho" có nghĩa là chính thống và "doxa" là học thuyết. Giáo hội Chính thống giáo tự cho là chỉ có mình mới sở hữu "đức tin thực sự" và tất cả các giáo hội khác, bao gồm cả giáo hội Công giáo, đều phải trở lại với đạo gốc.

Bất đồng chính giữa hai nhánh Công giáo và Chính thống giáo xoay quanh cách lý giải về thuyết Tam vị nhất thể, hay Chúa Ba Ngôi, giáo lý cốt lõi của đạo Thiên chúa. Ngược lại với bên Công giáo, đạo Chính thống chấp nhận thụ phong các chức sắc đã lập gia đình, hoặc chấp nhận việc ly dị, nếu có chuyện ngoại tình.

Nghi thức của Chính thống giáo gần như không thay đổi từ một thiên niên kỷ nay, trong lúc đạo Công giáo biến chuyển nhiều theo thời gian.

Hệ thống tổ chức phức tạp

Chính thống giáo, với Constantinople (thuộc thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay) là trung tâm, bao gồm 10 giáo quyền hay các giáo hội độc lập (autocephaly), trong đó có giáo hội Ukraine, vừa được Thượng Hội đồng Chính thống giáo ở Constantinople công nhận.

Cùng với trung tâm Constantinople được coi là có uy tín nhất hiện nay, đạo Chính thống còn có ba trung tâm khác từng có vai trò rất quan trọng, tại Alexandria (Ai Cập), Antioche (Syria) và Jerusalem. Ba trung tâm này vẫn tồn tại, nhưng tầm ảnh hưởng bị thu hẹp.

Trong số các giáo hội độc lập thừa nhận uy quyền của thượng phụ đại kết thành Constantinople có các giáo hội Moskva, Serbia, Romania, Bulgaria, Gruzia, Hy Lạp, Chyprus, Albania, Ba Lan, giáo hội Czech và Slovakia, và giáo hội Ukraine vừa được công nhận.

Một số giáo hội Chính thống giáo có quyền tự trị, nhưng không độc lập, ví dụ như giáo hội Phần Lan, trực thuộc Tòa thượng phụ đại kết Constantinople (Patriarcat œcuménique de Constantinople), hay giáo hội Nhật Bản trực thuộc Tòa thượng phụ Moskva.

Riêng về Chính thống giáo ở Ukraine, với khoảng 30 triệu tín đồ, chiếm 70% dân cư Ukraine, có hai nhóm chính. Một giáo hội trung thành với Tòa thượng phụ Moskva, với nhiều xứ đạo nhất (khoảng 12.000). Thứ hai là giáo hội Kiev - tự thành lập năm 1992 (sau khi Liên Xô sụp đổ) và vừa được Thượng Hội đồng thành Constantinople công nhận - có khoảng 5.000 xứ đạo. Tuy nhiên, ngày càng có đông người Ukraine theo giáo hội này (40% hiện nay, so với 15% dân cư cách nay 10 năm).

Uy quyền của Tòa thượng phụ đại kết Constantinople

Người đứng đầu Thượng Hội đồng ở Constantinople là thượng phụ đại kết thành Constantinople, giáo chức cao cấp nhất của Chính thống giáo, thường do tổng giám mục Chính thống giáo thành Constantinople đảm nhiệm. Thượng phụ thành Constantinople hiện nay là Bartholomew I, được coi là người đứng đầu, về mặt tâm linh và nghi thức, của tất cả các giáo quyền trong thế giới Chính thống giáo Phương Đông, nhưng không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của các giáo hội khác.

Vai trò tôn giáo quan trọng của thành Constantinople bắt nguồn từ thời kỳ hoàng đế Constantin đệ nhất (272-337), cũng là hoàng đế La Mã đầu tiên theo Thiên chúa Giáo. Constantin đệ nhất coi đạo Thiên chúa là tôn giáo chính thức của Đế quốc Đông La Mã, với Constantinople là thủ đô (Constantinople là tên gọi mới mà hoàng đế La Mã đặt cho thành Byzantium của người Hy Lạp cổ).

Tuy nhiên, trong thời kỳ sau này, Tòa thượng phụ Moskva được xem là có ảnh hưởng còn lớn hơn cả Tòa thượng phụ đại kết thành Constantinople, do có được số lượng tín đồ đông đảo hơn. Thượng phụ giáo hội Chính thống giáo Nga Kirill cũng được coi như một đồng minh của tổng thống Nga Putin.

(Theo AFP và La Croix)

Trọng Thành

****************

Giáo hội Chính thống Ukraine chia tay Nga sau 332 năm (BBC, 13/10/2018)

Quyền lực của Giáo hội Chính thống Nga với Giáo hội Ukraine chấm dứt sau 332 năm bằng quyết định tại Constantinople, Istanbul tuần này.

ortho2

Lãnh đạo Ukraine trong ngày lễ đánh dấu 1030 năm Rus Kiev gia nhập Thiên chúa giáo' hồi tháng 7/2018 ở Kiev

Quyết định hôm 11/10/2018 của Đại Giáo chủ Bartholomew, Tổng giám mục Constantinople - Tân La Mã và cũng là người đứng đầu Giáo hội Chính thống toàn cầu gây choáng cho nước Nga, theo các báo quốc tế.

Thượng phụ Bartholomew chính thức thừa nhận quyền độc lập (autocephaly), cho Giáo hội Chính thống giáo Ukraine bằng việc huỷ một văn kiện từ năm 1686.

Văn bản đó cho Giáo chủ Moscow quyền bổ nhiệm và kiểm soát các chức vụ của Giáo hội ở Kiev.

Nhưng nay, quyết định mới của Công đồng Thần thánh của Chính thống giáo Đông Phương cho phép phục hồi một loại chức vụ trong Giáo hội Ukraine, gồm cả Thượng phụ Filaret, 89 tuổi.

Ngài Filaret đã bị Moscow rút phép thông công vì lý do chính trị, như ngài Bartholomew nói.

Tuy thế, vấn đề này cũng trở thành một phần của tranh chấp chính trị Kiev-Moscow.

'Chúc mừng quyết định'

ortho3

Ông Putin dự lễ của Giáo hội Chính thống và các tôn giáo khác đặt hoa bên tường Điện Kremlin trong ngày lễ kỷ niệm chiến thắng quân Ba Lan năm 1612

Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko đã nhanh chóng chúc mừng quyết định cho Giáo hội Chính thống Ukraine quyền độc lập.

Với nước Nga, sự kiện Giáo hội Ukraine tách hẳn khỏi Moscow gây ra choáng váng cho chính quyền Vladimir Putin và cả người dân.

Kiev nay là thủ đô Ukraine nhưng từng là đất phát tích của Giáo hội Nga và một phần của truyền thuyết dựng nước của dân tộc Nga.

Mới tháng Bảy năm nay, Nga và Ukraine kỷ niệm lễ 1030 năm đạo Ki Tô đến Kiev.

Sự kiện mang tên 'Thiên chúa giáo vùng Kiev Nga' (Kievan Rus Christianization) được cho là bước khởi đầu cho kỷ nguyên Thiên chúa giáo và văn minh Châu Âu ở cả Nga và Ukraine.

Nhưng nay, như một số báo Châu Âu bình luận, chính quyền Vladimir Putin có thể chiếm giữ được Crimea và kiểm soát một phần miền Đông Ukraine, nhưng không thể nào nắm được "linh hồn" của Ukraine nữa.

Quay lại trang chủ
Read 659 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)