Nữ tài tử Kiều Chinh là một trong những gương mặt nổi bật của điện ảnh miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Sinh năm 1937, nữ diễn viên Kiều Chinh (tên thật là Nguyễn Thị Chinh) là một trong những diễn viên ‘huyền thoại’ của Việt Nam. Trong sự nghiệp điện ảnh trên 60 năm của mình, bà đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có Giải thưởng Emmy do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Truyền hình Mỹ trao tặng năm 1996, và Giải thưởng Thành tựu Suốt đời (Lifetime Achievement Award) năm 2003.
Bà đến Toronto, Canada, tị nạn đúng vào lúc 6 giờ chiều ngày 30/4/1975, và sau đó định cư tại Hoa Kỳ nhờ sự giúp đỡ của nữ diễn viên điện ảnh Mỹ Tippi Heidren. Trên đất Mỹ, bà vẫn tiếp tục con đường điện ảnh và tạo được một sự nghiệp vững chắc tại Hollywood mà chưa có một tài tử Việt Nam nào đạt được.
Nữ diễn viên từng chinh phục làng điện ảnh Việt Nam và quốc tế không chỉ bằng vẻ đẹp kiều diễm, mà còn bằng năng khiếu thiên phú, cho biết bà đến với nghệ thuật thứ bảy như một sự tình cờ.
"Thủa bé tôi đi coi xi-nê rất nhiều, gần như là mỗi tuần. Nhưng thời đó điện ảnh đối với Việt Nam chưa phổ thông cho nên mộng của tôi thời bé không phải là về điện ảnh mà là về âm nhạc. Cho nên, bố tôi có cho tôi đi học piano từ lúc tôi mới 5, 6 tuổi. Mãi đến khi di cư vào Nam năm 1954, xa bố, xa Hà Nội, trở thành người di cư trên chính quê hương mình, thì vấn đề học đàn của tôi bị dang dở, không còn nữa. Và tôi bắt đầu tình cờ vào điện ảnh từ năm 1957".
"Tôi nghĩ việc tôi được đến với điện ảnh là do nhà sản xuất Bùi Diễm, sau này ông làm đại sứ của Việt Nam Cộng hòa tại Washington D.C", bà Kiều Chinh cho biết.
"Tôi đến với điện ảnh bằng một cách tự nhiên và hồn nhiên làm công việc của mình thôi", bà nói khi được hỏi về cảm xúc lần đầu tiên đóng phim ‘Hồi chuông Thiên Mụ’ cùng với tài tử Lê Quỳnh, người đã có kinh nghiệm diễn xuất trong bộ phim nổi tiếng ‘Chúng tôi muốn sống.’
Trước đó, bà đã từ chối một vai diễn trong phim "Người Mỹ thầm lặng" (The quiet American) của đạo diễn Joseph L. Mankiewicz khi đoàn phim của ông đến Sài Gòn tìm người đóng vai Phượng, một cô gái Việt lâm vào cuộc tình tay ba, trong tiểu thuyết cùng tên của Graham Green, vì gia đình nhà chồng không đồng ý.
Tuy không học diễn xuất từ một trường lớp nào, nhưng điện ảnh đã thấm vào máu của nữ diễn viên Kiều Chinh từ nhỏ.
"Lúc đó Việt Nam mình chưa có trường nào dạy về diễn xuất cả. Tuy nhiên, thủa bé tôi được coi điện ảnh rất nhiều và coi sách vở điện ảnh bởi vì bố tôi hay đọc những cuốn như ‘Ciné Monde’, ‘Ciné Revue’ thành ra tôi cũng được coi sách vở về điện ảnh từ thời rất là nhỏ", bà tâm sự.
Hồi tưởng những bộ phim đã đóng trước năm 1975, bà Kiều Chinh cho biết trong số hơn 20 phim tham gia thời ấy như ‘Mưa rừng’, ‘Ngã rẽ tâm tình’, ‘Chiếc bóng bên đường’, ‘Bão tình’, ‘Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ’, ‘Hè muộn’..v..v.., thì bộ phim của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc do hãng phim Giao Chỉ của bà sản xuất đã để lại trong bà nhiều ấn tượng khó phai. Nguyên nhân, bà chia sẻ, là do tất cả các binh chủng của quân đội Việt Nam Cộng hòa từ không quân, hải quân, thủy quân lục chiến, bộ binh, cho đến pháo binh…đều góp mặt trong bộ phim và những cảnh quay được thực hiện hoàn toàn nơi chiến trận chứ không phải ở phim trường.
"Nói về phim ‘Người tình không chân dung’ đó từ thời năm 70-71, phong trào điện ảnh lúc đó đang ở cao trào và một số tư nhân, ngoài những hãng phim lớn như Alpha Phim hay Mỹ Vân Phim hay Liên ảnh Công ty, cũng lập những hãng phim nho nhỏ, nhất là về phía nghệ sĩ như Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương. Tôi cũng làm phim riêng. Riêng về phần tôi, tôi rất thân, gần với anh đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc. Chúng tôi mê cốt truyện của phim mà khi tôi đưa ra thì những hãng phim không đồng ý làm. Mỗi người có quan niệm làm phim khác nhau. Có người quan niệm làm phim ăn chơi bốn món thì hợp được thị hiếu của số đông, nhưng anh Hoàng Vĩnh Lộc với tôi thì lại muốn làm một số phim do ý của người làm phim tạo ra. Riêng tôi, tôi quan niệm là phim để phụng sự khán giả và khán giả đi theo chiều hướng của những người làm phim để dẫn dắt họ đi tới nghệ thuật phim ảnh. Ngoài ‘Người tình không chân dung,’ chúng tôi còn một số dự định nữa, nhưng chẳng may chúng tôi không còn ở Sài Gòn nên những dự định của chúng tôi không thành".
Trên chặng đường điện ảnh tại Mỹ, ngoài việc đóng phim, nữ tài tử Kiều Chinh còn là người đồng sản xuất phim ‘Ride the Thunder’ vào năm 2015, do Fred Koster đạo diễn và viết truyện phim.
Được hỏi bà đắc ý nhất về vai diễn nào và bộ phim nào trong sự nghiệp điện ảnh của mình, nữ tài tử Kiều Chinh nói : "Tôi là một người khó tính, cho nên chưa được đắc ý thực sự với phim nào cả. Đúng với sự mong muốn của mình thì chưa. Mong một ngày nào đó có một phim ý nghĩa, mình có một vai trò xứng đáng để mình được đắc ý. Nhưng nói về, gọi là tạm thời thôi, thì thời còn ở Việt Nam có lẽ tôi thích ‘Người tình không chân dung.’ Còn thời ở bên Mỹ, có lẽ tôi thích ‘The Joy Luck Club’. Hai mươi mấy năm sau rồi, ở các phi trường bên Pháp, bên London, bên Đức, mình đi đâu người ta cũng nhận ra mình qua phim đó thì tôi thấy đó là là cuốn phim thành công đầu tiên của người Á Đông ở Hollywood".
Xuất hiện trong những cuộc phỏng vấn của các cơ quan truyền thông hải ngoại ở Toronto (Canada) hay California (Mỹ), nữ tài tử Kiều Chinh đều mặc áo nâu sồng, đeo tràng hạt.
"Màu nâu là màu tôi thích nhất trong suốt của đời của tôi. Tủ áo của tôi mở ra chắc toàn là màu nâu. Cũng như trong nhà của tôi trang trí cũng vậy. Đồ đạc của tôi cũng màu nâu. Tôi không phải là người thích kim cương, vàng ngọc. Tôi lại thích những chuỗi hạt, những cái rất giản dị, những cái đi về tâm linh", bà nói.
"Trong nhà của tôi trang trí rất nhiều tượng Phật, rất nhiều chuỗi hạt, rất nhiều hình ảnh về chùa chiền, ngay cả những nhà tôi ở, những nơi tôi lập nên, nơi nào cũng có những cái ‘am’ nho nhỏ của riêng mình tại vì tôi ít khi tới chùa nơi công cộng. Hàng ngày mình đi ra đi vào, sáng sáng mình thắp nhang, lập lễ. Tôi nghĩ cái đó nó trở thành một cái đi vào đời sống hàng ngày của tôi", bà cho biết thêm.
Dù lớn tuổi nhưng công việc bận rộn hiện nay của nữ tài tử Kiều Chinh không còn là phim ảnh mà là góp sức xây dựng Quỹ Trẻ em Việt Nam (Vietnam Children’s Fund). Bắt đầu xây trường học cho trẻ em nghèo tại Việt Nam từ năm 1994, tới nay Quỹ đã xây được 51 trường học tại mọi miền đất nước Việt Nam và trường học thứ 52 đang được xây tại Cam Ranh, theo ý nguyện của sáng lập viên Lewis B. Puller Jr., một cựu chiến binh thuộc thủy quân lục chiến Mỹ bị mất hết hai chân và gần như mất cả hai tay vì mìn trong cuộc chiến Việt Nam.
Nữ tài tử Kiều Chinh nói bà cũng hy vọng thực hiện một cuốn nhật ký ghi lại những thăng trầm trong cuộc sống, trong sự nghiệp ‘cùng với những sóng gió trong cơn hồng thủy của đất nước, của lịch sử quê hương’ trong lúc sức khỏe còn cho phép, nhưng hiện bà còn quá bận rộn với lịch diễn thuyết và các công việc từ thiện, hướng tới cộng đồng dù tuổi đã ngoài 80.
Hà Vũ
Nguồn : VOA, 14/09/2019
Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ được yêu thích từ thập niên 1960, 1970. Nhạc của ông lãng đãng, bàng bạc như hơi thở của người yêu, với giai điệu sâu lắng cùng lời hát trữ tình làm say mê giới trẻ trên làn sóng điện, tại các quán cà phê, phòng trà ca nhạc miền Nam sau năm 1963.
Nhạc sĩ Từ công Phụng
Từ Công Phụng với nhạc bản đầu tay "Bây giờ tháng mấy" sáng tác năm 1960, khi ông mới 18 tuổi và được phổ biến lần đầu tiên trên đài phát thanh Đà Lạt ba năm sau đó đã đưa người nghe vào một thế giới tuyệt vời, huyền diệu của tình yêu. Nhưng ông cho biết không có bóng dáng một thiếu nữ nào đằng sau tình khúc này, mà đó là kết tinh của những bản nhạc ông thường nghe hàng đêm của các nhạc sĩ nước ngoài lẫn trong nước như những tình khúc của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Phạm Duy...
Bây Giờ Tháng Mấy - Courtesy of Từ công Phụng – Tuấn Ngọc
"Hồi đó mình mới lớn mình đâu có dám yêu ai đâu. Nhát thấy mồ", ông tâm sự với VOA.
Sau "Bây giờ tháng mấy" bản tình ca "Mùa Thu mây ngàn" ra đời kế tiếp cũng được giới yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng bị kẹt lại miền Nam Việt Nam sau ngày 30/4/1975 và mãi đến năm 1980 ông và gia đình một vợ 8 con mới vượt biên thành công, sang Mỹ định cư. Trong thời gian 5 năm sống dưới chế độ cộng sản, ông vẫn tiếp tục sáng tác tình ca.
"Vẫn là những bài tình ca nhưng nó đượm một cái vẻ cuộc đời nhiều hơn là thuần túy tình ca. Sau này khi đời sống mình tạm thời ổn định rồi thì tôi viết lại tình ca nhưng nó cũng phảng phất những đời sống ở trong đó với cái nhìn sâu sắc hơn ví dụ như bài ‘Đời bỗng phù du’ với những câu như ‘Tôi như người du mộng trong cuộc đời bềnh bồng, ngó theo đời quạnh hiu, buồn vây theo năm tháng,’ nhạc sĩ Từ Công Phụng chia sẻ.
Với tâm hồn nghệ sĩ nhìn đâu cũng thấy nhạc, nghe nhạc, nên trong những ngày lênh đênh trên biển trong hành trình vượt biên, ngắm nhìn những cánh chim bay, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã dệt nên những ca từ của nhạc bản ‘Qua vùng biển nhớ’
"Như cánh chim bay giữa vùng biển nhớ mênh mông,
Dạt về đây nghe sóng vỗ hồn sầu…"
Đặt chân lên đất Mỹ, ông đã cho ra đời bài hát ‘Khi tôi đến nơi này’ để mô tả sự khác biệt lớn lao giữa lối sống tại Mỹ và cuộc sống ở Việt Nam.
Phỏng vấn - nhạc sĩ Từ Công Phụng – Người Việt, 16/05/2013
"Khi mình sống ở dưới thời cộng sản nó khác, nhưng qua bên này nó khác, khác lắm. ‘Khi tôi đ ến nơi đây, nắng rực rỡ ngoài khoan trời xa, mà lòng tôi thấy rộng mở những thiên đường’".
Thời gian đầu tới Mỹ, ông cư ngụ tại tiểu bang Iowa, đi học nghề in trước khi chuyển sang bang Oregon. Tại đây, ông đã mở nhà in kiếm sống, lo cho gia đình.
"Lúc đi qua đây, tôi phải đi kiếm một cái nghề tôi học, tôi làm để kiếm tiền. Đời sống của tôi không phải là một đời sống nghệ sĩ. Tôi không thích phải làm nghệ sĩ để kiếm tiền tại vì mình là sinh viên ngày trước và mình có khả năng mình học mà, tại sao mình không đi học. Tôi kiếm một nghề thực tế lúc bấy giờ là nghề in. Tôi có mấy cuốn sách muốn in và thích tự mình ấn loát mấy cuốn sách của mình. Tôi học in ở Iowa, tôi sửa soạn xong hết mới qua Portland. Lúc bấy giờ tiền bạc không có, nghèo lắm, hai vợ chồng một đàn con, phải kiếm sống hàng ngày, làm bất cứ việc gì cũng được miễn sao đúng nghề của mình để kiếm tiền nuôi gia đình. Cũng có một thời gian tôi đi dạy học ở mấy trường trung học", ông hồi tưởng trong cuộc trò chuyện với VOA.
Cuộc sống vất vả, nhưng ông vẫn sáng tác.
"Mình vẫn viết đều lắm, khi nào cảm thấy hứng là viết, tại vì không ai bắt buộc mình viết cả".
Được hỏi là trong giai đoạn ấy, giữa khung cảnh phải vất vả vì cơm áo gạo tiền, những cảm tác của ông có gì thay đổi không, nhạc sĩ Từ Công Phụng cho biết : "Dĩ nhiên là mình càng sống mình càng cảm thấy có sự thay đổi trong đời sống mình. Mình nhìn đời sống sâu sắc hơn. Cơm áo là một chuyện, âm nhạc là một chuyện khác. Khi nào mình viết nhạc, mình không bị những cái đó nó ảnh hưởng đến mình. Có nhiều người nhờ tôi làm thế này, làm thế kia tôi không làm, trả tôi một số tiền tôi không lấy, đại khái như vậy. Tôi không lệ thuộc vào cái đó".
Nhạc sĩ Từ Công Phụng sử dụng thành thạo cả đàn guitar lẫn đàn piano, nhưng khi sáng tác, ông thường dùng đàn guitar và đôi khi tự xướng âm và sau đó dùng đàn để trau chuốt lại.
"Thường thường cảm giác từ âm nhạc tới và một câu nhạc đầu tiên nào đó. Xong mình ghi lại, mình phát triển ra. Thỉnh thoảng hay có những dòng âm thanh nó bay ngang trong đầu mình, mình thấy hay mình viết lại nhưng thỉnh thoảng nó lướt qua trong đầu rồi nó biến mất không biết ở đâu nữa. Cảm hứng suy nghĩ ra âm nhạc của mình là những kỷ niệm".
Về cung bậc của những nốt nhạc được sử dụng trong các bản nhạc của Từ Công Phụng, nhạc sĩ cho biết ông thích sử dụng âm giai trưởng (major) hơn là thứ (minor).
"Thường thường những bài hát của tôi, tôi viết bằng major nhiều hơn là minor. Major mỗi gam mỗi khác, nhưng nhạc cũng có thể buồn được bằng major hay minor, nhưng minor buồn da diết, nó thảm lắm, tôi không thích. Mình buồn nhưng là buồn man mác là được rồi, không có bi lụy".
Hiện nay, nhạc sĩ Từ Công Phụng đang phải chống chọi với 2 căn bệnh ung thư kéo dài đã 12 năm và bệnh tật đã ảnh hưởng nhiều đến nội lực sáng tác của ông.
"Nó cũng ảnh hưởng vì sức khỏe. Bây giờ tôi ngồi lâu không được, ngồi lâu mệt lắm. Người ngó mạnh khỏe vậy nhưng ngồi lâu mệt trong người. Muốn viết nhạc phải ngồi lâu, phải suy nghĩ nhiều, phải chọn lựa những âm thanh nào tốt, dễ nghe. Mình không ngồi lâu được nên sức sáng tác cũng kém đi. Tuy nhiên lâu lâu cũng được một vài bài, kiếp tầm nhả tơ mà. Có một số bài mới tôi tính in thêm một tập nữa nhưng chưa thực hiện được. Một trong những bài mới đó có tên gọi là ‘Bên dòng đời tịch liêu’ nói về cái cô đơn của mình trong cuộc đời, có câu kết luận như thế này ‘Ng ồi đây một mình bên dòng đời tịch liêu và tôi bỗng thấy hồn mình sẽ tan vào vời vợi thinh không’".
Ông cho biết nhạc khúc ‘Tình tự mùa Xuân’ là kết quả của mối tình của ông với bà Kim Ái, người vợ ông gặp sau biến cố 1975 và cùng đồng cam cộng khổ cho đến ngày nay, nên ca từ của bài hát rất tha thiết, mô tả sự gắn bó của đôi tình nhân.
"Em, lại đây với anh
ngồi đây với anh
trong cuộc đời này
nghe thời gian lướt qua
mùa xuân khẽ sang
chừng như không gian đang sưởi ấm những giọt tình nồng…"
Triết lý sáng tác của nhạc sĩ Từ Công Phụng gói gọn trong hai chữ ‘tình yêu’.
Tình tự mùa xuân - Courtesy of Từ Công Phụng - Ngọc Hạ
"Tôi quan niệm tôi ca ngợi tình yêu hơn là tôi chối bỏ tình yêu. Tôi ca ngợi tình yêu vì tôi nghĩ là rốt cuộc chỉ có tình yêu mới làm nên giá trị con người thôi. Không có tình yêu làm sao có được sự tiếp nối dòng đời, nhân loại. Tình yêu là cái tốt nhất trong cuộc đời người ta mà không ca ngợi thì ca ngợi cái gì nữa. Chính trị rồi cũng qua đi, chiến tranh rồi cũng qua đi, khác biệt về chính kiến làm nổ bùng chiến tranh rồi cũng hết, chỉ là giai đoạn thôi. Nhưng cái vĩnh cửu từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này sang đời kia cũng vẫn là tình yêu thôi".
Chính vì tâm niệm đó, tác giả của ‘Mắt lệ cho người,’ ‘Giọt lệ cho ngàn sau,’ ‘Trên ngọn tình sầu,’ ‘Mùa xuân trên đỉnh bình yên’ cùng nhiều ca khúc trữ tình nổi tiếng khác nữa xứng đáng được mệnh danh là một trong những ‘nhạc sĩ của tình yêu’ của miền Nam trước 1975 và có lẽ là của nhiều thế hệ sau này nữa.
Hà Vũ
Nguồn : VOA, 27/08/2019
Người cao niên tại Mỹ làm việc lâu hơn trước đây, theo kết quả khảo sát của Văn phòng Dân số Mỹ vừa công bố vào tháng 6 năm nay.
Cụ già gốc Việt, 67 tuổi, quét rác nuôi cháu ở San Francisco khiến người Mỹ khóc nghẹn
Phúc trình cho biết năm ngoái có 24% đàn ông và 16% phụ nữ trên 65 tuổi vẫn tham gia vào lực lượng lao động của nước Mỹ, và ước tính đến năm 2026 tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng, lần lượt là 26% và 18%.
Một số báo cáo nói tiếp tục làm việc ở tuổi cao niên dường như giúp cho trí óc người ta minh mẫn sắc bén, thể chất linh hoạt, và được kết nối với xã hội.
Một số cuộc nghiên cứu khác lại cho rằng nghỉ hưu làm giảm những áp lực có hại cho sức khỏe, giúp người cao niên có thời giờ tập thể dục và ăn uống lành mạnh.
Ông Phục, một người Mỹ gốc Việt ở quận Cam (bang California) về hưu ở tuổi 70, giải thích lý do ông làm việc quá tuổi hưu 65 :
"Mình thích công việc mình làm, là CEO của một tổ chức liên quan đến chuyện xã hội. CEO thì quyền lợi nhiều, nói ngay vậy, lương cũng OK mà không vất vả gì. Tại sao phải nghỉ trong lúc mình đi làm thì vui, có bạn có bè".
Về ảnh hưởng của chuyện về hưu hay tiếp tục đi làm đối với sức khỏe tinh thần, ông Phục cho rằng :
"Chuyện mất trí nhớ hay không mất trí nhớ, không ảnh hưởng đến chuyện mình làm thêm một thời gian sau khi về hưu tại vì khi mình đi làm thì nó cũng vậy, khi về hưu thì nó cũng vậy, có thể là do điều kiện sức khỏe của mình không thay đổi. Chủ đích mình đi làm không phải là để giữ trí nhớ gì hết. Cái thứ nhất là ở nhà không có việc làm, buồn. Đi làm vui, có tiền, nhưng rồi cũng phải nghỉ thôi để cho anh em họ tiến, chẳng lẽ cứ ngồi giành chỗ người ta".
Ông Phục đồng ý với các nghiên cứu cho rằng người cao niên về hưu hưởng nhàn mà ít hoạt động, sẽ sớm suy sụp về thể chất lẫn tinh thần :
"Chắn chắn là vậy. Mình đi gym mỗi ngày, vừa tập, vừa tắm cũng mất cả hai tiếng mỗi ngày. Mình giữ được sức khỏe, giữ để không bị stress".
Ông Quan, một người Mỹ gốc Việt ở bang Virginia, có thời gian từng nghỉ hưu nay làm việc trở lại, chia sẻ :
"Trường hợp cá nhân tôi làm lâu có hai lý do. Một là cần tiền, hai là bớt thời gian rỗi rãnh. Tôi có một ý nghĩ như thế này những người có trí nhớ thật tốt là những người đã có một quá khứ làm việc bằng trí não rất nhiều và bây giờ họ vẫn còn làm việc bằng trí não. Tôi giải thích theo tôi thôi, ví dụ như mình tập thể dục, đi bộ thì cái đó tốt cho sức khỏe cho thể xác, nhưng nếu mình đọc sách, nghiên cứu, suy nghĩ nhiều thì đó là một hình thức exercise cho bộ óc của mình".
Một ông cụ người Mỹ gốc Việt không muốn nêu tên công tác tại một cơ quan công quyền cấp tiểu bang từ năm 1979 cho đến nay vẫn còn làm dù ông đã 91 tuổi.
Sau 40 năm làm công chức, ông dự trù hai năm nữa mới về hưu, nhưng không phải để nghỉ ngơi, mà là để theo học ngành y trở thành bác sĩ.
Ông cho biết tuy gần tuổi ‘bách niên’ nhưng sức khỏe ông rất tốt và công việc làm của ông giúp ông suy nghĩ nhiều nên trí nhớ không bị sa sút.
"Công việc của tôi nó kích thích về trí não, tác động về trí tuệ. Việc của tôi bây giờ là theo dõi công việc của tài chánh trưởng của một công ty. Đó là một công việc rất là sinh động, tác động đến trí tuệ", ông nói với VOA.
Ngoài công việc tại cơ quan chính quyền tiểu bang, ông còn tích cực theo dõi những sinh hoạt cộng đồng người Việt tại Mỹ, nhất là sinh hoạt của Hội Cựu sinh viên Quốc gia Hành chánh Nam California và Hội Cựu sinh viên Quốc gia Hành chánh miền Đông Hoa Kỳ, vì ông chia sẻ, "cần hoạt động trong công việc, cả cộng đồng nữa".
Theo Bác sĩ Đỗ Văn Hội hiện đang hành nghề ở bang Florida, người cao niên nghỉ hưu hay tiếp tục làm việc tốt hay không tùy thuộc công tác của họ và những hoạt động khi về hưu.
"Nếu về hưu mà chúng ta có thể dục thể thao, vẫn luyện trí nhớ thì đó là rất hay. Nếu không làm thì bất lợi, rất không tốt. Đôi khi ngân sách có thể giảm đi, gây ra những khủng hoảng. Tùy theo hoàn cảnh chứ không phải nhất thiết cứ về hưu là tốt, hay làm thêm là tốt đâu. Đi làm mà stress quá thì không tốt. Như tôi bây giờ cũng đã quá tuổi về hưu nhưng tôi vẫn đi làm, một tuần hai ngày, vẫn tốt hơn, vẫn cảm thấy thoải mái hơn, tinh phần phấn chấn hơn là ở nhà không biết làm gì, đôi khi có thể là hại hơn là lợi", bác sĩ Hội giải thích.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, chuyên về Lão khoa tại bang Virginia, cho biết trước khi về hưu, ông cũng nghiên cứu, tìm hiểu lợi-hại của việc tiếp tục làm hay về hưu.
"Theo tôi, ở một tuổi nào đó mình nên về hưu để được thời gian của mình. Nhưng khi về hưu phải tập thể dục đều đặn và có thì giờ để giải trí, chơi những trò chơi có tính cách bổ ích, giúp cho mình lâu quên như đánh cờ tướng, đánh mạt chược, hay chơi những trò đố chữ như trong sách báo. Có người học vẽ, có người học hát, có người tập đánh đàn. Như thế mình vẫn giữ được cơ thể của mình tốt, không bị lão hóa, không bị quên hay mắc những chứng bệnh lú lẫn", bác sĩ Quân nói.
"Những người cần làm việc và thấy rằng mình đủ sức khỏe để làm thì cũng nên làm việc bớt lại để tránh những áp lực", bác sĩ Quân đề nghị.
Theo Văn phòng Dân số, đến năm 2060, số người Mỹ trên 65 tuổi sẽ tăng gần gấp đôi, từ 52 triệu người vào năm 2018 lên thành 95 triệu người.
Hà Vũ
Nguồn : VOA, 27/07/2019
Những thông tin sai lầm về chủ nghĩa cộng sản khiến cho chủ nghĩa này vẫn còn sức thu hút một cách nguy hiểm, theo nhận xét của bà Romina Bandura, một chuyên gia của CSIS :
"Thứ nhất, 26% dân số và 32% những người trẻ trong độ tuổi 18 đến 34 (sinh trong khoảng đầu những năm 1980 đến đầu những năm 2000) cho là có nhiều người bị giết dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush hơn dưới thời nhà độc tài Nga Joseph Stalin. Thứ hai, gần 70% người Mỹ và gần 60% thế hệ những người tuổi từ 16 đến 20 tin một cách sai lầm là nhiều người bị giết bởi Hitler hơn là bởi Stalin. Và thứ ba, nhiều người trẻ trong độ tuổi 18 đến 34 không biết các nhân vật lãnh đạo của cộng sản : 42% biết về Mao trạch Đông, 40% biết đến Che Guevara, 18% biết Stalin, 33% biết đến Lenin mà trong số này có 25% có quan điểm thuận lợi đối với Lenin".
Hội thảo về ảnh hưởng của chù nghĩa cộng sản đối với kinh tế, xã hội và môi trường tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS Washington DC, ngày 23/2/2018
Ngoài ra, vẫn theo chuyên gia nghiên cứu Romina Bandura, còn có một số nguyên nhân khác khiến chủ nghĩa cộng sản vẫn còn vị trí, trong đó phải kể đến thực trạng giới trẻ thiếu nhận thức về sự khủng khiếp, sự lừa gạt, dối trá của chủ nghĩa cộng sản. Lịch sử bị bóp méo cũng là điều đáng nói khi mà học sinh, sinh viên thường không được giảng dạy về sự ác độc, giết chóc và khủng bố của chủ nghĩa cộng sản. Thứ đến, vẫn còn một số người nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản là một lý tưởng tốt đẹp, và theo họ, vấn đề nằm ở chỗ thực thi chủ nghĩa này chưa đúng mà thôi. Chủ nghĩa cộng sản cũng bị lầm tưởng là một lựa chọn tốt hơn trong mắt những ai không hài lòng với kinh tế thị trường.
Trong 100 triệu người chết vì cộng sản trên thế giới, chiếm phần lớn là ở Trung Quốc : 65 triệu nạn nhân. Kế đến là 20 triệu nạn nhân chết vì cộng sản Liên Xô. Tại Campuchea và Triều Tiên, mỗi nơi có 2 triệu nạn nhân. Số tử vong vì cộng sản ở Châu Phi là 1,7 triệu ; tại Afghanistan là 1,5 triệu. Số nạn nhân chết vì cộng sản Việt Nam là 1 triệu người. cộng sản Đông Âu cướp đi mạng sống của 1 triệu người. cộng sản ở Châu Mỹ Latin chịu trách nhiệm 150 ngàn sinh mạng bị bức tử.
Đáp câu hỏi con số 1 triệu nạn nhân của cộng sản Việt Nam bao gồm những ai, ông Marion Smith, giám đốc điều hành Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân cộng sản, một diễn giả tại buổi hội thảo, đáp :
"Số này bao gồm những thiệt hại về thường dân trong chiến tranh Việt Nam, những người tù cải tạo…"
Ngoài những hậu quả tai hại đối với kinh tế và xã hội, các chuyên gia tại buổi hội thảo của CSIS cũng cho rằng chủ nghĩa cộng sản còn làm tổn hại đến môi trường nữa.
Ông Marion Smith giải thích :
"Tại Trung Âu, một trong những phong trào phản kháng sớm nhất bắt đầu với một số tổ chức môi trường biểu tình chống lại một số dự án của nhà nước làm tổn hại môi trường địa phương, như nguồn nước, đất đai, cảnh sắc thiên nhiên".
Trả lời câu hỏi có phải chủ nghĩa cộng sản tại Trung Quốc hay Việt Nam chẳng hạn đã tiến hóa thích nghi với tình hình để sống còn hay không. Ông Smith nói :
"Đảng cộng sản đã học được những bài học của thế kỷ 20 hơn chúng ta học được về thế kỷ 20. Chúng ta phải hiểu rõ, công việc của chúng ta là làm thế nào chế ngự và hạn chế đảng cộng sản trên sân khấu thế giới. Nếu chúng ta hiểu được, chúng ta đã chế ngự được ảnh hưởng của cộng sản trong 20 năm qua tại Châu Á cũng như chúng ta hạn chế được hoạt động của Cuba tại Venezuela trong 3, 4 năm qua. Do đó chúng ta chắn chắn là phải học những bài học lịch sử. cộng sản Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Nước này đã sử dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho một chế độ độc tài, nhà nước kiểm soát. Thành thử, truyền thông xã hội và công nghệ thông tin không mang lại một xã hội cởi mở, và chủ nghĩa cộng sản hiện nay tinh khôn hơn".
Một diễn giả khác tại buổi hội thảo, cô Laura M. Nicolae, hiện là sinh viên trường đại học Havard, con gái của một người tị nạn trốn khỏi chế độ cộng sản Romania, chia sẻ sự khó khăn của việc tiếp nhận thông tin từ bên ngoài khi phải sống trong một chế độ độc tài cộng sản :
"Cha mẹ tôi trưởng thành trong chế độ cộng sản Romania với những hạn chế sách vở và các nguồn thông tin khác đến từ các nước phương Tây, nên không biết đời sống bên ngoài chế độ cộng sản như thế nào".
Cô Nicolae cho rằng đối với giới trẻ sống trong thế giới tự do, việc giáo dục nhất thiết phải vừa lý thuyết vừa thực tế để họ khỏi bị chủ nghĩa cộng sản chiêu dụ. Cô khuyến nghị :
"Khi giáo dục giới trẻ thì phải nói thật rõ về chủ nghĩa cộng sản, không làm sai lạc nhưng nhấn mạnh đến hậu quả thực tế của chủ nghĩa này, sự mất mát về sinh mạng do chủ nghĩa cộng sản gây ra".
"Điều tuyệt đối cần thiết là trong thế kỷ 21 này, Hoa Kỳ phải tiếp tục đại diện cho tự do và chúng ta phải quy tránh nhiệm cho chế độ cộng sản trong cách đối xử với người dân hay cách họ phá hoại mậu dịch quốc tế và giá trị của thế giới tự do", giám đốc điều hành Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân cộng sản, Marion Smith, kêu gọi.
Hà Vũ
Nguồn : VOA, 28/02/2018