Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Theo dõi những vấn đề xung quanh việc thu tiền của dự án BOT đường tránh Cai Lậy, Tiền Giang mấy hôm nay qua nhiều diễn biến sôi động, người ta thấy được nhiều điều.

bot1

Dân phản đối thu phí Cầu Bến Thủy sáng 03/12/2016 - Ảnh minh họa

Ở đó, người dân thấy sự bất cập của chính phủ mà đại diện là Bộ Giao thông vận tải đã có những hành động mờ ám, trong việc để các nhà thầu tư nhân xây dựng các dự án BOT nhằm mục đích cướp tiền dân có bảo kê một cách bất chính.

Ở đó, người ta thấy các dự án BOT là những miếng mồi béo bở mà rất nhiều nhà đầu tư đã thi nhau lao vào kiếm ăn, chia chác...

Ở đó, người ta thấy sự tù mù về thông tin, cách làm dự án và những khuất tất đằng sau biểu hiện rõ lợi ích của cá nhân, phe nhóm đã lũng đoạn cả nhà nước ra sao.

Nhất là, ở đó, qua các phát biểu của quan chức nhà nước Việt Nam, đặc biệt quan chức ngành Giao thông Vận tải người ta thấy được tư duy của quan chức Việt Nam đối với người dân là gì ?

Đó là cách nghĩ : Cứ bóp nặn, cứ làm những điều mình thích và đưa lại lợi ích như mình muốn. Còn dân ư ? Còn chịu được, nghĩa là ta đúng.

BOT và bao mánh lới cướp xương máu người dân

Ngày 20/07/2017 Thanh tra Chính Phủ đã có kết luận về việc chấp hành quy định pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, hàng loạt dự án nghìn tỷ đã được "điểm danh" với những sai phạm nghiêm trọng.

Những sai phạm được chỉ ra là : Lựa chọn nhà đầu tư, hẳn nhiên ở đây chẳng ai không hiểu nhà đầu tư như thế nào để được bên quản lý tiền nhà nước ưu ái. Để ưu ái, việc công bố thông tin và cách lựa chọn nhà dầu tư có nhiều mập mờ. Đồng thời, để ưu ái các nhà đầu tư, những chỉ số về năng lực, về tính pháp lý... của nhà đầu tư được ưu ái đều được bỏ qua.

Và cái ưu ái này chắc chắn một điều là tiền nhà nước, tức là tiền thuế của dân ra đi. Bởi họ không quản lý và đầu tư bằng tiền của họ, mà là cua nhà nước - của chung - của chùa - của dân.

Tiếp theo, đó là việc thiết kế, lập dự toán và thi công, giám sát thi công cũng như quyết toán giá trị đầu tư, xác định khả năng thu hoàn vốn... tất cả đều trong một quy trình tít mù vòng quanh. Để rồi cuối cùng thì bao sự khuất tất xảy ra như đội giá, đánh giá không đúng, lãng phí và phải điều chỉnh...

Nhưng có điều này thì chắc chắn. Đó là tất cả những sai phạm, thiếu sót trên đều dẫn đến kết quả là người dân cứ móc tiền nộp thuế là chịu thiệt.

Chỉ riêng thanh tra mấy dự án BOT tại Hà Nội, con số sai phạm đã là hàng nghìn tỷ đồng.

Điều đó giải thích vì sao các nhà đầu tư thích BOT, nhiều tập đoàn tư nhân đã kết hợp các quan chức để lập những dự án BOT nhan nhản mà như báo chí phản ánh thì ở miền Bắc, BOT bao vây Hà Nội.

Trên bình diện cả nước, có lẽ béo bở nhất là dự án BOT giao thông.

Các dự án BOT giao thông như một ma hồn trận đẩy người dân đến chỗ hết lựa chọn. Oái oăm nhất là việc đầu tư một nơi, thu tiền một chỗ. Oái oăm hơn nữa, là những chỗ đặt sai trạm thu tiền, lại là những chỗ gom nhiều nạn nhân nhất hoặc chặn tất cả những đường khác có thể đi, nhằm buộc người dân đi vào đường BOT như vụ Cầu Việt Trì.

Cuối cùng thì... không cho chúng nó thoát.

Dù trên thực tế người dân không sử dụng, thì BOT vẫn thu tiền người dân. Điều này rõ nhất là trạm BOT cầu Bến Thủy 1 nhằm thu cho đường tránh Thành phố Vinh và mới đây là trạm thu phí Cai Lậy.

Hẳn nhiên là phải kể đến hàng chục dự án như vậy, chẳng hạn trạm thu phí Cầu Rác, Kỳ Anh để thu phí đường tránh Thành phố Hà Tĩnh cách đó có... 30 km.

Dù không hề đi, không hề sử dụng đường BOT, người tham gia giao thông vẫn cứ phải móc hầu bao hàng ngày. Mà con số đâu có ít, mới đây, một tờ báo đã nêu câu chuyện "Viện phí 2,2 triệu nhưng hết 2,8 triệu BOT phí" đấy thôi.

Một sự trắng trợn nữa, là những con đường được đầu tư từ tiền nhà nước, nghĩa là tiền của người dân, hàng năm người dân vẫn đóng hàng triệu đồng mỗi đầu xe để bảo dưỡng, duy tu... Giờ bỗng nhiên được một nhóm tư nhân rải thêm lớp mặt, lau dọn sạch sẽ và cắm biển thu tiền BOT. Đó là điều đang xảy ra ở BOT Cai Lậy, BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Những đoạn đường khác song song với BOT mà người dân có thể lựa chọn, có nguy cơ không lùa được dân vào chiếc thòng lọng BOT, thì nhà nước cũng đua với tư nhân giở trò nâng cấp và thu phí. Mức phí cũng đua nhau cạnh tranh với BOT cho xứng tầm.

Người dân không còn lựa chọn nào khác là nôn tiền ra.

Những hành động và cách làm đó, không thể dùng từ nào khác ngoài một từ đúng nghĩa : Cướp.

Và người dân bị cướp bóc trắng trợn không chỉ mới đây, mà đã từ rất lâu.

Quan chức của dân !?

Còn nhớ, mới đây thôi, dàn lãnh đạo nhà nước, quốc hội, chính phủ đua nhau giơ tay thề phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước hết sức mình và vì hạnh phúc của nhân dân. Mà những lời thề thốt ấy không chỉ một lần. Chỉ trong vòng mấy tháng, họ đua nhau diễn đến vài lần chuyện đó.

Thế nhưng, họ đã thực hiện lời thế hứa ra sao ?

Dù hàng loạt văn bản quy định nọ kia nhan nhản về khoảng cách, về quy định, về dự án... bao nhiêu báo chí phản ánh và tiếng kêu của người dân vang lên khắp nơi, nhưng hầu như chẳng mấy tác động đến quan chức nhà nước.

Họ bị điếc, bởi họ không cần nghe những thông tin không có lợi cho họ.

Họ bị đui mù, bởi họ không cần nhìn đến thực tế xã hội và đời sống người dân - những người rút máu, mài xương để nuôi họ.

Họ bị câm, bởi những điều họ nói ra không được lòng đồng bọn, những người cũng quan chức như họ

Điều cơ bản, là họ nói ra, họ sẽ bị bật ra khỏi guồng máy và hệ thống tham nhũng hiện nay. Và điều cơ bản hơn, là với trình trạng người khuyết tật như vậy, họ sẽ được vinh thân, phì gia một cách rất "đàng hoàng"rồi dạy dỗ đạo đức cho người khác.

Điều này đã được chứng minh rất sống động là lời của ông  nhũng rằng "Tham nhũng là những người có chức, có quyền, chống lại họ có khi chúng tôi chết trước".

Bó tay với một Cục trưởng cục Chống tham nhũng. Không biết thỉnh thoảng ông ta đọc trong những tiêu chuẩn hay những lời tuyên truyền về phẩm chất, tính chiến đấu hy sinh vì lý tưởng, vì giai cấp của các đảng viên như lời ông ta thề thốt khi vào đảng, thì ông ta có bật cười văng cơm ra không ?

Trên lĩnh vực BOT, những phát biểu của quan chức nhà nước, từ Đại biểu Quốc hội cho đến ngành Giao thông vận tải đều cho thấy một tư duy bảo vệ đám cướp của người dân mà cướp cách ngang nhiên, trắng trợn.

Ngày 15/8/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bàn về chính sách đầu tư giao thông. Tại hội nghị này, khi nói đến BOT Cai Lậy, các đại biểu thi nhau kêu "buồn".

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu kêu la rằng ông "buồn". Người ta cứ tưởng ông ta buồn vì dân của ông ta, những người dân một nắng hai sương vùng Miền Tây của ông đang khốn nạn bởi bọn cướp ngày, ngang nhiên chặn đường đòi tiền những người dân không mua, không bán.

Nhưng không, ông buồn vì ông sợ cho các nhà đầu tư (!) và ông yêu cầu "sớm xử lý vì nếu không thì nó sẽ lan rộng đến nơi khác". Nghĩa là, với ông ta, chuyện cướp là đương nhiên, còn việc người dân phản ứng chống lại cướp là "phải xử lý".

Nghe những lời này, người dân Miền Tây chắc hiểu rằng ông ta đã bứng hết họ hàng hang hốc mồ mả cha ông nhà ông ta ra Hà Nội và chắc chẳng bao giờ trở lại miền An Giang.

Hèn chi nhà đầu tư BOT Cai Lậy không thèm giải thích việc hút máu dân, mà ngược lại gửi cho nhà nước danh sách các lái xe trả tiền lẻ để yêu cầu"trừng trị".

Ông Đỗ Bá Tỵ, một ông quân đội sang làm Phó Chủ tịch Quốc hội cũng kêu "buồn" như các đại biểu khác.

Nhưng, buồn xong rồi thì sao ? Chẳng ai nói được điều gì hơn có lợi cho dân.

Dân còn chịu được, thì quan cứ bóp

Có lẽ phát biểu lan truyền và nhận được sự phản ứng dữ dội nhất là của các quan chức ngành Giao thông vận tải, một ngành tiêu nhiều tiền bậc nhất của đất nước, của người dân.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật phát biểu như sau : "Chúng ta phải sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Làm gì cũng phải có kỷ cương phép nước, chứ không phải ai muốn làm gì thì làm... Hàng ngàn xe đi qua, họ tuân thủ, tại sao chỉ có một số ít tài xế phản ứng ?".

À, thì ra vậy.

Có điều Hiến pháp và Pháp luật ấy ở đâu, ai phải sống và làm theo nó còn ai được miễn thì ông không nói. Có cái hiến pháp và pháp luật nào cho phép chặn đường móc tiền người khác khi không bán, không mua ? Cứ người dân không phản ứng thì ông cứ bóp ? Nếu phản ứng thì ông cho là phá hoại và đưa danh sách cho công an ?

Với Nguyễn Nhật, nếu ai chú ý chắc hẳn chẳng ai không nhớ về một nhân vật mà cứ đến làm ở đâu bị kỷ luật đấy, và cứ mỗi khi bị kỷ luật xong lại leo lên cao hơn.

Hẳn ông Nhật còn nhớ tên ông được ghi bảng đen trong vụ Formosa ? Ông đã góp công tạo nên thảm họa cho quê hương, để rồi sau đó chạy ra Cục trưởng Cục Hàng Hải và lại tiếp tục bị Bộ Giao thông vận tải kỷ luật. Rồi sau đó lên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Người ta còn đồn với nhau rằng chỉ cần ít lần bị kỷ luật nữa thì chúng ta có Chủ tịch nước Nguyễn Nhật.

Cái "sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Làm gì cũng phải có kỷ cương phép nước" của ông là vậy sao ông Nhật ? Nếu không phải là đảng viên CS, là quan chức thân thế, thì liệu Nguyễn Nhật có được ưu ái hơn thằng bé cướp hai cái bánh mỳ rồi đi tù không ? Thật đúng là chuyện cha ông nói "gái đĩ già mồm".

Tại cuộc họp nói trên, ông Trương Quang Nghĩa, bộ trưởng Giao thông vận tải nói rằng : "Những người dân, doanh nghiệp, hội vận tải địa phương không kêu mà chỉ có doanh nghiệp ở địa phương khác". Nghĩa là, phải hiểu rằng người dân không kêu, tức là còn bóp được, và cứ thế mà bóp.

Ừ, ông nói cũng phải thôi. Vấn đề là ở người dân thôi, chèo thuyền hay lật thuyền đều là người dân. Nếu người dân không biết giành lấy cái quyền của mình, kể cả cái quyền được rên, thì hẳn nhiên cứ vậy mà chấp nhận.

Bị hiếp mà không kêu, không chống cự, nghĩa là đã đồng tình với tên cưỡng bức.

Bị cướp mà không kêu, dù với bất cứ lý do gì nghĩa là đã đồng ý để nó cướp.

Và cả hệ thống quan chức đang hành xử trên tư duy như vậy, để đưa đất nước "Tiến nhanh, tiến mạnh, tiếng vững chắc lên chủ nghĩa xã hội" và "vì hạnh phúc của nhân dân".

Và những câu chuyện hài xuyên thế kỷ chẳng biết bao giờ chấm dứt.

Hà Nội, Ngày 16/8/2017

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 15/08/2017 (nguyenhuuvinh's blog)

Published in Diễn đàn

Giáo phận Vinh tổ chức ngày môi trường lần thứ 3 : Cầu cho những người dấn thân bảo vệ môi trường sống.

moitruong1

1 tháng 9, "Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên"

Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định thiết lập "Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên" vào ngày 01 tháng 9 hằng năm. Hưởng ứng quyết định của Đức Thánh Cha, Giáo phận Vinh sẽ tổ chức ngày Môi trường vào 1/9/2017 trong quy mô toàn thể Giáo phận.

Giáo phận Vinh hưởng ứng mạnh mẽ

moitruong2

Giáo phận Vinh sẽ tổ chức ngày Môi trường vào 1/9/2017 trong quy mô toàn thể Giáo phận.

Trong bản Thông báo tổ chức "Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên lần thứ III"của Ban Công lý - Hòa bình của giáo phận, linh mục Anton Nguyễn Văn Đính, Trưởng Ban đã ký và thông qua Đức Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp gửi cộng đoàn Dân Chúa Giáo phận Vinh có nêu rõ các nội dung như sau :

1. Thứ Sáu, ngày 01/9/2017 - Các giáo xứ, chuẩn giáo xứ, giáo họ độc lập và các cộng đoàn trên toàn Giáo phận tổ chức Giờ chầu Thánh Thể cầu nguyện cho những người đang dấn thân bảo vệ môi trường, cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo có những chính sách đúng đắn, biết tôn trọng Mẹ Thiên Nhiên và cầu nguyện cho nhân loại biết ý thức quý mến môi trường sống của mình.

2. Chúa Nhật, ngày 03/9/2017 - Các giáo xứ, chuẩn giáo xứ, giáo họ độc lập và các cộng đoàn hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho việc bảo vệ môi trường và thực hành những việc cụ thể như thu gom, xử lý rác thải, khai thông cống rãnh, làm sạch môi trường sống, tạo lập những nơi quy tụ và xử lý rác thải lâu dài.

3. Thành lập Ban Môi Trường Giáo xứ, cổ võ các Hội đoàn Công Giáo tiến hành, các đội tình nguyện viên chuyên về thu gom, tiêu huỷ rác thải, bảo vệ và chăm sóc môi trường, trồng thêm cây xanh nơi mình đang sống.

4. Thông điệp "Laudato Sí" của Đức Thánh cha Phanxicô là giáo huấn quan trọng của Hội Thánh về việc chăm sóc thiên nhiên. Vì thế, xin quý Cha Quản xứ, quý Bề trên các cộng đoàn dòng tu tạo điều kiện để giáo dân và các thành viên của mình được học hỏi Thông điệp này, để ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc môi trường thiên nhiên".

Điều cần nói rõ là Giáo phận Vinh là nạn nhân trực tiếp của Thảm họa biển do Formosa đầu độc.

moitruong3

moitruong4

Thông báo "Ngày Thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên" lần thứ III

Hậu quả thảm họa và sự bao che

Thảm họa biển do Formosa gây ra đã hơn một năm đã tạo nên một cơn khủng hoảng toàn diện trên khắp đất nước Việt Nam. Những hậu quả của nó không chỉ là việc biển bị đầu độc, đời sống hàng chục triệu người không chỉ mấy tỉnh miền Trung là như dân, mà mọi ngành nghề trong đời sống xã hội bị đảo lộn từ nghề đánh bắt, chế biến hải sản, du lịch, dịch vụ, vận tải, kinh doanh buôn bán đều bị đình trệ.

Không chỉ có vậy, nỗi lo lắng của nhiều người dân về một nòi giống Việt được bình an đã bị đe dọa nghiêm trọng. Cho đến hiện nay, Việt Nam đã và đang đứng ở tốp thứ 2 của thế giới về bệnh ung thư. Nhưng với tình trạng ô nhiễm không được kiểm soát hiện nay, thì nguy cơ khủng khiếp đang chờ đợi dân tộc này.

Hàng loạt cá chim, các sinh vật biển và trên bờ cũng như cây cỏ đã bị tận diệt bởi dòng chất thải độc từ Formosa. Hàng trăm tấn cá đã bị chết, một dải bờ biển dài dọc Miền Trung đã bị nhiễm độc... Tất cả đã hiện hữu trước mắt và là một mối nguy thật sự cho tương lai.

moitruong5

Chỉ cần nhìn những người thợ lặn trực tiếp tại sau cửa thải Formosa đã bị nhiễm độc, hàng loạt thanh niên nhiễm chì, nước biển chứa lượng kim loại nặng kinh hoàng với hàng trăm tấn chất độc... thì điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta và thế hệ con cháu chúng ta ?

Theo các nhà khoa học căn cứ các vụ việc nhiễm độc biển, thì để làm sạch môi trường biển Miền Trung, cần thời gian ít nhất 70 năm, với điều kiện chính phủ có biện pháp mạnh mẽ để khôi phục biển và nhất là Formosa, nơi thải độc phải ngừng hoạt động.

Điều nguy hiểm hơn tất cả những thực tế đó là thái độ bao che của nhà cầm quyền Việt Nam, mà cụ thể hơn là một nhóm lợi ích đã rước tai họa về cho đất nước, dân tộc và sau khi gây thảm họa, thì đã bằng mọi cách kể cả bạo lực mà đàn áp, dập tắt tiếng kêu của người dân để mưu cầu lợi ích của mình, của phe nhóm và đảng phái mình mà bất chấp tính mạng người dân cũng như sự tồn vong của nòi giống Việt.

moitruong6

Sự bao che, biện bạch nhiều khi hết sức sống sượng và trắng trợn của nhà cầm quyền Việt Nam đối với thảm họa Formosa là một tội ác - tội ác chống lại loài người. Chính sự giấu giếm đó đã làm cho người dân trở thành những thùng chứa chất độc di động. Sau cú sốc ban đầu cá chết hàng loạt, hàng trăm, ngàn tấn cá đã di cư vào vùng biển độc bị bắt đã được tung ra thị trường đưa chất độc đến mọi ngõ ngách.

Không chỉ có cá và hải sản - những thứ mà người dân cẩn thận thì còn có thể tránh - mà muối biển được sản xuất ngay cửa biển nhiễm độc Formosa được báo chí tung hô là được mùa...

Những sản phẩm này sẽ về đâu trong lòng dân tộc và đất nước này, để đưa dân tộc này đi đâu ? Câu hỏi đó, nhà cầm quyền Việt Nam im bặt.

Qua một thời gian hơn 1 năm kể từ thảm họa Formosa, người ta thấy gì ?

Sự tiếp tay cho Formosa tiếp tục bưng bít và xả thải độc hủy diệt môi trường, trong khi đó, lại đàn áp tàn bạo những người dân là nạn nhân của thảm họa. Đặc biệt là những người đứng lên đòi quyền lợi cho mình và cho đồng bào.

Thử hỏi, một chính quyền "Của dân, do dân và vì dân" này đang ra tay bạo lực vì ai ?

Qua một quá trình lăn lộn với những nạn nhân thảm họa Miền Trung qua các cuộc thăm viếng, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã nhận định như sau : "Tôi thấy cái chết của biển cũng như của cá nó chỉ là cái ngọn vấn đề, cái chính gây ra cái chết này là do cái chết của tâm hồn con người. Tôi thấy có ít nhất có bốn cái chết : cái chết của lương tâm, cái chết của luân lý, cái chết của lý trí, cái chết của chính trị".

Quả đúng vậy, điều cay đắng nhất mà người dân chịu đựng ở đây, là họ thấy rõ sự vô cảm, độc ác và phản bội của cái gọi là chính quyền mà họ phải nai lưng để nuôi nấng bằng những đồng tiền thuế nặng nề như một ma hồn trận nhằm bóc tận xương tủy của người dân. Nhưng, hệ thống đó đã và đang chống lại họ, đẩy họ vào cuối con đường bị tiêu vong.

Để che đậy những hậu quả khủng khiếp của thảm họa, nhà cầm quyền đã từ chối mọi sự giúp đỡ của quốc tế, của các tổ chức nhân đạo và có kinh nghiệm xử lý. Đơn giản chỉ vì họ muốn mình họ múa gậy vườn hoang, sau đó kêu gào người dân tắm biển, ăn cá nhiễm độc, mặc xác người dân khốn khổ bệnh tật và làm mồi cho tử thần.

Trước tình hình đó, các giáo sỹ và giáo dân đã buộc phải đi đầu trong việc bảo vệ môi trường sống chung của đất nước, của dân tộc.

Và hẳn nhiên, họ đã chấp nhận trở thành người lính xung kích bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự sống thì cũng có nghĩa là đương đầu với sự đe dọa, hằn học, và sự bẩn thỉu của thế lực dối trá, sự chết.

Những chặng đường Thánh Giá

Trước những hậu quả nặng nề của thảm họa Formosa, những giáo sĩ, giáo dân khu vực Miền Trung đã ý thức rất sớm những hệ lụy lâu dài của nó. Họ đã đứng lên trước dùi cui, sự hăm dọa và bạo lực để đòi cuộc sống không chỉ cho họ, mà cho cả đất nước, cả dân tộc.

Nhiều cuộc xuống đường mà có những cuộc với cả chục ngàn người đã nói lên tinh thần của người Công giáo Việt Nam không làm ngơ và sợ hãi trước sự chết để mặc cho sự dữ hoành hành.

Những cuộc xuống đường đã làm nhà cầm quyền hoảng hốt và đổ không biết bao nhiêu tiền của, công cán và nhân tài vật lực để nhằm ngăn cản người dân đòi quyền sống và bảo vệ kẻ thủ ác. Oái oăm thay, chính những hành động đó đã chứng minh câu nói trong dân gian bấy lâu nay : "Chính quyền hèn với giặc, ác với dân".

Rồi những cuộc thắp nến, cầu nguyện liên lỉ không chỉ ở các tỉnh miền Trung, mà ngọn lửa cầu nguyện cho đất nước cho môi trường đã và đang lan đi khắp nơi không chỉ trong nước mà ra cả nước ngoài, gây nên sự chú ý hết sức rộng rãi.

Điều đó, đồng nghĩa với sự hoảng hốt của nhà cầm quyền.

moitruong7

Những chuyến đi vận động quốc tế, trao thỉnh nguyện thư đến các nước, quốc hội Châu Âu, Đài Loan của Đức Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp... với những "hành trình đau lòng" nhưng không thể khác.

Tất cả những điều đó, đã mặc nhiên đặt giáo hội Công giáo trước mũi súng và dùi cui của nhà cầm quyền, là đối tượng đấu tố, chà xát và bôi nhọ của một cái gọi là chính quyền của dân nhưng phục vụ cho giặc.

Biết bao những trò bẩn thỉu, đê tiện và trái ngược đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc đã được đưa ra thi thố nhằm triệt hạ ý chí đòi sự sống, đòi quyền được tự do, được mưu cầu hạnh phúc của người dân mà đối tượng là những người công giáo biết sống cho tha nhân, biết yêu thương chính kẻ thù của mình.

moitruong8

Nhiều người dân đã bỏ mạng vì Formosa bị nhiễm độc. Cả đất nước đang nằm trong lằn ranh đỏ của sự nhiễm độc từ biển và các sản vật từ biển mang kim loại nặng của Formosa - nguyên nhân tiềm tàng của ung thư nòi giống. Nhiều người dám dấn thân vì môi trường hiện đang ở trong nhà tù cộng sản, chỉ vì họ đòi quyền được sống.

Nhưng, tất cả những điều đó chỉ là trò con trẻ.

Trước sứ mệnh cao cả mà Đức Thánh Cha đã kêu gọi, những người Công giáo Giáo phận Vinh lại tiếp tục cuộc hành trình gian khó bảo vệ ngôi nhà chung của đất nước, của thế giới bằng những hành động thiết thực và mạnh mẽ.

Trước hết, là lên tiếng mạnh mẽ và cầu nguyện cho những người đã dấn thân bảo vệ môi trường, nhất là những người đang bị bách hại vì công cuộc đó.

Hà Nội, ngày 14/8/2017

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 14/08/2017 (nguyenhuuvinh's blog)

Published in Diễn đàn

Vụ việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đưa về Việt Nam theo khẳng định cùng với sự giận dữ và những biện pháp ngoại giao nặng nề của Bộ ngoại giao Cộng hòa liên bang Đức đã là một chủ đề nóng trên mạng Internet cũng như toàn xã hội Việt Nam trong và ngoài nước gần chục ngày qua.

vu01

Hình chụp ông Trịnh Xuân Thanh, không rõ ngày tháng, tại một công viên ở Đức.AFP photo

Ngoài việc trục xuất trưởng đại diện tình báo Việt Nam trong vòng 48 tiếng, bản Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Cộng hòa liên bang Đức cũng ghi rõ : "Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác trên bình diện chính trị, kinh tế và chính sách hợp tác phát triển".

Còn Ngoại trưởng Đức, ông Sigmar Gabriel : "Chúng ta không thể trở lại tình trạng bình thường, làm như là không có chuyện gì xảy ra".

Quan sát sự việc dưới góc độ xã hội và luật pháp qua bản chất sự việc, người ta mới nhận ra nhiều điều qua sự việc này về mánh lới tuyên truyền bịp bợm, về nhận thức của người dân...

Thậm chí không chỉ là những người mà nhà nước thường gọi là "dân trí thấp".

Tự thú hay bắt cóc ?

Trước hết, điều người ta thắc mắc đầu tiên về vụ việc này là có thật Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc như tuyên bố của Bộ Ngoại giao Cộng hòa liên bang Đức ? Hay Trịnh Xuân Thanh đã về nước đầu thú như những thông tin của nhà nước Việt Nam chính thức đưa tin ?

Qua những gì được thể hiện, chỉ cần sự chững chạc trong giận dữ và hành xử của phía Cộng hòa liên bang Đức, cũng như sự lấn bấn, lúng túng và thiếu minh bạch của Nhà nước Việt Nam, người dân ít quan tâm nhất cũng tự đặt ra cho mình những câu hỏi để qua đó có thể tự trả lời mà rút cho mình đâu là sự thật :

- Trịnh Xuân Thanh bị Việt Nam tuyên bố truy nã quốc tế tại sao người ta tìm mãi trong danh sách Interpol có rất nhiều người Việt lại không có cái tên Trịnh Xuân Thanh ?

- Trong lệnh truy nã của Việt Nam, tờ nào cũng có ghi : "Bất cứ ai cũng có quyền bắt Trịnh Xuân Thanh đến giao nộp cho cơ quan công an...". Trước đó, Việt Nam tuyên bố Trịnh Xuân Thanh đã đến một nước Châu Âu. Vậy Trịnh Xuân Thanh từ Châu Âu về đến trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bằng con đường nào để không bị bắt ngay tại biên giới, tại cửa khẩu khi nhập cảnh hoặc trên đường ? Hay Trịnh Xuân Thanh có phép xuất quỷ nhập thần và đã thi thố cái tài đó trong trường hợp này ?

- Tại sao, Trịnh Xuân Thanh bị truy nã khi ở nước ngoài đã gây sự chú ý của toàn xã hội, từ Tổng bí thư Đảng cho đến bà đánh dậm dưới ao, thế mà ngang nhiên về nước rồi đến cơ quan công an đầu thú mà Bộ trưởng Công an không hề hay biết ?

- Vì sao chính phủ Cộng hòa liên bang Đức giận dữ đến mức đó ? Phải chăng là không có việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trên đất Đức, chỉ vì Cộng hòa liên bang Đức thích giận giữ và làm căng thẳng quan hệ hai nước mà thôi ?

- Tại sao chính phủ Cộng hòa liên bang Đức, một nhà nước dân chủ, pháp quyền lại bao che cho Trịnh Xuân Thanh là người bị Đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật và cáo buộc tham nhũng ? Phải chăng, nhà nước này đang bao che cho tham nhũng và tội phạm ?

- Trịnh Xuân Thanh có phải là tội phạm hay chưa ? Tại sao Trịnh Xuân Thanh lại có thể xin tỵ nạn ở Cộng hòa liên bang Đức ?

- Tại sao Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam đầu thú có đơn, đưa lên truyền hình rằng tôi tự thú... Vậy mà khi Cộng hòa liên bang Đức tố cáo mạnh mẽ, đuổi đại diện cơ quan tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin về đồng thời mạnh mẽ cảnh báo nhiều hậu quả khác mà Việt Nam lại nhu nhược, hèn nhát đến mức chỉ cho người phát ngôn lên truyền hình nhỏ nhẹ : "Tôi lấy làm tiếc..." - nghĩa là cô gái này lấy làm tiếc còn Việt Nam thì chưa ý kiến gì ?

Chỉ cần trả lời những câu hỏi trên, thiết nghĩ người dân thường cũng biết được sự thật có đúng như hệ thống tuyên truyền Việt Nam đã và đang tung hứng.

Dân trí và nhận thức luật pháp

Chúng tôi đã có bài viết : Qua vụ Trinh Xuân Thanh : Nghĩ về một thói quen hành xử, ở đó chúng tôi đã chỉ những hành động côn đồ xuất khẩu ra quốc tế này chỉ là bước tiếp theo của những hành động vốn đã thành thói quen hành xử trong nước xưa nay.

Ở đó chúng tôi cũng đã đặt vấn đề liệu Trịnh Xuân Thanh có phải là quan chức tham nhũng duy nhất ở Việt Nam và việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có phải chỉ nhằm mục đích cho "cuộc chiến chống tham nhũng" ?

Ngoài việc dùng truyền thông nhằm lấp liếm đi hành động của nhà cầm quyền tự ý bắt cóc người trên lãnh thổ của Cộng hòa liên bang Đức làm người Đức giận dữ, thì đám báo chí và dư luận viên (một dạng an ninh và tay chân của công an) đã to mồm kêu gào : Nhà nước Đức thiếu thiện chí, bảo kê tham nhũng, rửa tiền... và dù bằng cách nào, thì miễn là bắt được Trịnh Xuân Thanh về chịu tội tham nhũng là được...

Thậm chí, cho đến khi những dòng chữ này viết ra, thì ở Việt Nam cũng như trên thế giới, chưa có một phiên tòa nào được mở để kết luận Trịnh Xuân Thanh là có tội, cho dù đó là một phiên tòa đểu kiểu như phiên tòa cách đây đúng 6 năm, ngày 2/8/2011 tại Hà Nội xử Cù Huy Hà Vũ đi nữa. Tại phiên tòa đó, người ta bất chấp sự thật, bất chấp lý lẽ, luật lệ để tuyên án Cù Huy Hà Vũ có tội và kết án 7 năm tù giam. Cũng tại phiên tòa đó, Luật sư Trần Đình Triển đã chứng kiến sự bất nhân và những trò đểu của hệ thống tòa án cộng sản. 

Thế nhưng, ngay cả phiên tòa đểu như vậy, hiện vẫn chưa có để kết tội Trịnh Xuân Thanh, thì không rõ căn cứ vào đâu mà các tiến sĩ luật, luật sư... cùng đồng lòng với đám dư luận viên kết tội khơi khơi Trịnh Xuân Thanh là tội phạm, là rửa tiền, là cố ý làm trái... mà tất cả những điều đó, chỉ căn cứ vào lời của Đảng và báo chí nhà nước. Để rồi đi đến kết luận : "Tôi cho rằng đó là ý kiến thiếu thận trọng, vội vàng, chưa quán triệt nguyên tắc các Công ước quốc tế mà Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức đã tham gia ký kết..".

Vậy phải chăng, ở đây, các ông tiến sĩ và luật sư ở đây đồng ý rằng chỉ cần Đảng muốn và dùng báo chí của đảng thì đã đủ để thay Tòa án ?

Thế là, lẽ ra đối tượng bị ném đá là Trịnh Xuân Thanh vì những "thành tích làm bay hơi hàng ngàn tỷ đồng của dân" thì lại diễn ra một quá trình tranh luận khác, đó là "ném đá" những người bảo vệ việc bắt cóc của một "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên đất nước khác".

Mục đích biện minh cho phương tiện ?

Xưa nay, trong chế độ cộng sản việc đạt bằng được mục đích đặt ra là một điều luôn được ưu tiên, dù mục đích đó là gì và việc đạt mục đích đó bằng những biện pháp nào. Khi đạt được mục đích, thì mọi việc được coi là thắng lợi.

Chẳng hạn, để thực hiện lệnh từ quan thầy Quốc tế cộng sản từ Nga, Tàu, những năm 50 của thế kỷ trước, nhằm triệt tiêu tầng lớp tinh hoa, giàu có của dân tộc để tiện lợi cho việc tiến hành cuộc Cách mạng vô sản, việc tập hợp quần chúng làm những cuộc lên đồng tập thể, cướp bóc có tổ chức trong toàn xã hội như những tập duyệt cho đám Công - Nông liên minh, Quốc tế cộng sản đã đặt ra mục đích Cải Cách ruộng đất.

Đảng cộng sản Việt Nam đã tiến hành cuộc Cải cách ruộng đất, gây nên một tội ác đẫm máu với dân tộc. Hồ Chí Minh đã từng phải có động tác "tự phê bình, lau nước mắt" trước hàng chục, hàng trăm ngàn người dân bị oan khuất và mất mạng vì cuộc Cải cách ruộng đất này. Sau này để giảm bớt tội lỗi của mình với dân tộc chính những người cộng sản Việt Nam đã tự biện minh rằng : Khi đó, đảng ta bị áp lực từ Đảng cộng sản Trung Quốc và Liên Xô trong Quốc tế cộng sản... Thế nhưng, chính những lời lẽ đó đã hạ bệ uy tín Đảng cộng sản, luôn luôn có những lời lẽ rêu rao rằng "Đảng ta đã luôn có đường lối độc lập, tự chủ và sáng tạo"...

Dàn dư luận viên của đảng trước hết là chối bỏ việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc bằng những lập luận : Bằng chứng đâu, Trịnh Xuân Thanh về nước là tự nguyện, là do hối lỗi, là để hưởng lượng khoan hồng của đảng nhà nước... thôi thì đủ mọi lời lẽ biện minh.

Thế nhưng, khi cộng đồng quốc tế và mạng xã hội làm sáng tỏ vụ bắt cóc, thì dàn dư luận viên giở bài cùn rằng : Miễn là bắt được Trịnh Xuân Thanh về trị tội, còn bắt cách nào thì... thoải mái.

Khi đạt được mục đích, thì mọi phương tiện, cách làm đều được nhà nước chấp nhận. Chính tư duy này đã và đang được bằng mọi cách áp đặt lên suy nghĩ của người Việt Nam trong xã hội ngày nay.

Các Luật sư, tiến sĩ... về luật, những người mà lẽ ra với sự hiểu biết của mình sẽ phân tích cho xã hội những vấn đề đen, trắng, đúng, sai trong từng vụ việc dưới khía cạnh luật pháp và hành xử thượng tôn luật pháp. Điều đó cũng chính là giúp cho đảng cộng sản, cho nhà nước như họ muốn, để đảng, nhà nước biết mà sửa sai cái thói côn đồ để tự biến mình thành côn đồ quốc tế.

Thì qua vụ án này, ngược lại có những người trong số họ lại là những người hành xử với tư duy độc tài và phe nhóm, cũng chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của đám phe nhóm đang đánh nhau theo kiểu "lựa theo chiều gió" mà người ta chưa hiểu họ đang mong đợi điều gì ? Phần còn lại, những Luật sư hiểu biết lại ngại va chạm, ngại ảnh hưởng đến mình, đồng nghiệp mình... mà im lặng ?

Lẽ nào họ không biết phân tích luật pháp và nhìn nhận vấn đề trên cơ sở luật pháp rằng : Nhà nước Đức đã không phản đối vì việc Việt Nam bắt Trịnh Xuân Thanh ra tòa để luận tội. Nhưng nhà nước Cộng hòa liên bang Đức đã không đồng ý và phản ứng dữ dội bởi chủ quyền của họ bị xâm phạm khi nhà nước Việt Nam tổ chức bắt cóc người trên đất nước họ mà không đượ sự đồng ý của họ, dù người đó là ai.

Phải chăng, việc nhà nước Đức phản ứng dữ dội vì chủ quyền bị xâm phạm lại đã trở thành chuyện lạ ở Việt Nam, khi mới mấy hôm thôi, nhà nước Việt Nam đã lặng lẽ cất ván, rút dù buộc nhà thầu khoan thăm do dầu khí tại Bãi Tư Chính, trong thềm lục địa Việt Nam, chỉ vì anh bạn vàng của Đảng mới hắng giọng ?

Và điều đáng buồn ở đây, là tư duy "Mục đích biện minh cho phương tiện" người cộng sản đã thành công trong việc xây dựng một nền tư pháp độc tài không chỉ với đám dư luận viên hoặc những người dân dân trí thấp mà ngay trong cả những tầng lớp luật sư, trí thức được coi hoặc tự nhận là hiểu biết.

Với tư duy và nhận thức như vậy, thì một nhà nước pháp quyền còn là một mơ ước xa vời với Việt Nam.

Hà Nội, Ngày 10/8/2017

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 10/08/2017 (nguyenhuuvinh's blog)

Published in Diễn đàn

Cho đến hôm nay, những phản ứng dữ dội của Cộng hòa Liên bang Đức về thông tin nhà cầm quyền Việt Nam cho mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ của họ đã chứng minh cho mọi người rằng sự việc là có thật và hết sức nghiêm trọng. Cái gọi là "lấy làm tiếc" của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam vốn yếu ớt và trái ngược với thái độ cần có để khẳng định sự vô tội cũng như thiếu vắng sự hung hăng thường thấy của Việt Nam trong thái độ với "phe đế quốc, tư bản" đã gián tiếp chứng minh sự thật ở đâu.

vutxt1

Chẳng biết cái sự "lấy làm tiếc" đó nó sẽ giải quyết được gì khi Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói :

"Trong mọi trường hợp chúng ta không thể dung túng cho một vụ việc như vậy được và việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức vi phạm nghiêm trọng và chưa từng có luật Đức và quốc tế... Chính phủ Liên bang Đức yêu cầu phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý".

Còn Bộ ngoại giao Đức tuyên bố : "Hệ quả của vụ việc hoàn toàn không thể chấp nhận được này là đại diện chính thức của cơ quan tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức sẽ bị tuyên bố là người không được hoan nghênh (persona non grata) và có 48 tiếng để rời khỏi Đức". 

Có lẽ, với Việt Nam, kể từ thời chiến tranh lạnh, chiến tranh với Trung Quốc phía bắc đến nay, thì đây là một sự cố ngoại giao đủ lớn để làm rung động nhiều thứ trong xã hội.

Cũng có lẽ, nhiều người dân Việt Nam không hiểu được tầm mức của sự việc đến đâu, lợi gì hoặc hại gì ?...

Tuy nhiên, để phần nào tìm hiểu điều đó, hãy nghe Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức như sau : "Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác trên bình diện chính trị, kinh tế và chính sách hợp tác phát triển".

Và lời của Ngoại trưởng Đức, ông Sigmar Gabriel : "Chúng ta không thể trở lại tình trạng bình thường, làm như là không có chuyện gì xảy ra".

Những câu hỏi nghi vấn

vutxt2

Sự việc xảy ra từ 23/7, thế nhưng hệ thống quan chức và báo chí đã im như thóc cho đến 30/7 khi trên mạng xã hội, nhà báo Huy Đức đã cho "rò rỉ thông tin" Trịnh Xuân Thanh đã về nước, làm sôi sục mạng xã hội. Thì oái oăm thay, người đứng đầu Bộ Công an vẫn nhơn nhơn trả lời : "Hiện nay, tôi chưa có thông tin gì". Thế nhưng, khi biết sự việc không thể còn giấu kín thì chỉ một ngày sau, 31/7 báo chí rầm rập đưa tin "Trịnh Xuân Thanh về đầu thú" (!?).

Vậy có nghĩa là Bộ trưởng Công an đã lừa dối cả toàn thế đất nước ? Lẽ nào những vụ việc như vậy mà người đứng đầu Bộ Công an lại không hề biết ?

vutxt3

Còn nếu sự thật là ngay cả Bộ trưởng Công an cũng không được biết Trịnh Xuân Thanh đã ở trong nước, thì càng khẳng định điều mà dân gian vẫn đồn đoán xưa nay : Trong hệ thống nhà nước hiện có nhiều phe nhóm khác nhau theo kiểu sứ quân. Do vậy mà việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh về nước là việc của nhóm nào đó không phải của nhóm thuộc Bộ trưởng Công an. Hoặc ngược lại Bộ trưởng Công an là nhóm thực hiện nhưng muốn giấu kín thông tin...

Dù theo hướng nào, thì người dân Việt Nam cũng một lần nữa có dịp kiểm chứng lại lòng tin vốn đã ít ỏi, lại hao hụt theo thời gian bởi quá nhiều sự việc giữa lời nói và việc làm từ các quan chức nhà nước Cộng sản.

Nhưng, ở đây chưa tìm hiểu về vấn đề đó, chúng ta thử giải mã vì sao nhà cầm quyền Việt Nam lại thực hiện điều này và họ có lường được cơ sự sẽ như thế này không ?

Điều người ta thấy khó hiểu là việc bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh bằng mọi giá có phải thực chất là nhằm chống tham nhũng ? Nếu ai đã từng theo dõi quá trình gọi là "chống tham nhũng" ở Việt Nam vài ba chục năm nay, thì sẽ hiểu được ngọn nguồn cái gốc và cái ngọn của công cuộc này là gì, và quan chức Việt Nam chống tham nhũng ra sao.

Cũng như Việt Nam đâu chỉ có mỗi Trịnh Xuân Thanh tham nhũng mà thôi ?

Nếu điểm danh những gương mặt cán bộ, lãnh đạo từ nhỏ đến lớn ở Việt Nam với một câu hỏi đơn giản : Họ lấy tiền đó từ đâu ? trong các hoạt động công khai lẫn riêng tư, thì người dân ta sẽ tự trả lời được hệ thống tham nhũng ở Việt Nam lớn mạnh và hùng hậu đến mức nào.

Chẳng hạn, khi nhìn cơ ngơi đồ sộ và lộng lẫy huy hoàng của cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, người ta tìm câu trả lời cho câu hỏi : Từ một anh chàng người dân tộc, học hành chẳng được bao nhiêu, chắc chắn cha ông không để lại của cải gì, xuống Hà Nội làm quan chức, lương bổng ông được bao nhiêu mà ông hết nhà nọ đến dinh thự kia lộng lẫy vàng son ? Đó là tiền âm phủ hay tiền thật ?

Chẳng hạn, người ta thấy Nguyễn Minh Triết dù đã về hưu vẫn ồn ào tặng tiền chỗ nọ, tặng nhà chỗ kia... trong khi một ông cán bộ về hưu và quá trình làm việc cũng chỉ làm Chủ tịch nước, không đi buôn chổi đót cũng chẳng dán hộp các tông, lại càng không chạy xe ôm hay "là thêm đến thối móng tay" như các quan chức khác. Vậy tiền đó đâu ra ?

Và bao nhiêu ví dụ ngút trời khác nữa.

Còn nếu có thể nói rằng đấy là cuộc chiến chống tham nhũng thật sự, thì ở đây lại cần đặt ra câu hỏi : Ai chống ai ? Chính Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã thốt lên rằng đó là cuộc chiến "Ta đánh ta". Phải lưu ý chữ "ta" ở đây, muốn ám chỉ rằng là các đảng viên cộng sản.

Và nếu cuộc chiến chống tham nhũng là có thật, thì chắc chắn cái lệnh khởi tố tại Tòa án khi xét xử Dương Chí Dũng mà anh ta khai ra việc hối lộ cả chục tỷ đồng cho quan chức Bộ Công an như Phạm Quý Ngọ, thậm chí có dính dáng đến cả Trần Đại Quang... chắc chắn đã không bị bỏ qua dễ dàng như thế.

Vậy thì lý do nào để nhà cầm quyền Việt Nam sẵn sàng làm một việc hết sức tổn hại đến mối quan hệ với một nước có vị trí hết sức lớn lao trên thế giới ?

Hãy nghe Ngoại trưởng Đức nói : "Trong những năm vừa qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu trong quan hệ song phương. Thương mại và đầu tư đã phát triển nhanh chóng, quốc gia này đã ăn mừng những thành quả tăng trưởng to lớn, ở Việt Nam đang có nhiều dự án tốt và quan trọng về mặt chính sách phát triển. Vậy nên càng khó hiểu việc các cơ quan Việt Nam rõ ràng chấp nhận rủi ro đem vụ việc này lên bàn cược. Những gì đã xảy ra ở Berlin hồi cuối tháng 7 vừa qua là một gánh nặng rất lớn cho mối quan hệ Đức-Việt".

Cần phải nói rõ rằng, qua những sự việc trên Biển Đông và các hoạt động ngay cả với "các nước anh em và bè bạn" - theo quan niệm Việt Nam - thì chưa có thời nào Việt Nam cô đơn như hiện tại. Thậm chí ngay cả những nước đã thề non hẹn biển là "ba nước Đông Dương anh em" như Lào và Campuchia cũng đã lần lượt rũ áo ra đi.

Vậy nếu tính về lợi ích đất nước, nhất trong hoàn cảnh này, thì chẳng có cuộc chiến nào, chẳng có một điều gì để xúi Việt Nam phá bỏ một mối quan hệ ngoại giao quan trọng đến như vậy với Cộng hòa Liên Bang Đức và sau đó là Liên hiệp Châu Âu, chứ chưa nói đến con "tép riu" Trịnh Xuân Thanh.

Lý giải hiện tượng : Thói quen côn đồ

Điều chỉ có thể lý giải ở đây là thói quen côn đồ đã ngấm vào não trạng và biến thành hành động của nhà nước Cộng sản Việt Nam. Với họ, việc bắt cóc, bất chấp luật pháp quy định là chuyện hết sức thường ngày. Đơn giản chỉ vì họ là cộng sản, họ là công an, là người nhà nước Việt Nam.

vutxt4

Điều này không chỉ một lần mà đã rất nhiều lần trước đây và cho đến hiện nay. Và điều này không chỉ đã thành chuyện thường trong nước và đang tiếp tục "xuất khẩu ra nước ngoài" loại công nghệ này.

Thói quen côn đồ muốn là bắt bất chấp luật pháp đã được nhà cầm quyền thực hiện tại Việt Nam như một phần tất yếu của quá trình hành xử với người dân. Có thể dẫn đến muôn vàn ví dụ gần xa để chứng minh điều này.

Mới đây, ông Lê Đình Lượng, một công dân bình thường tại Nghệ An, khi đến thăm bạn tại Hoàng Mai đã bị bắt một cách bí hiểm vào ngày 24/7/2017 mà không có bất cứ một quyết định hoặc giấy tờ hay quy trình luật pháp nào. Việc ông bị bắt cóc đã gây hoảng sợ cho gia đình và nhiều người dân. Sau khi đã bắt người, hôm sau báo chí mới được công an thông tin rằng"Nhà chức trách đang hoàn tất thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Lê Đình Lượng để phục vụ công tác điều tra theo quy định pháp luật".Điều này đồng nghĩa với việc bắt Lê Đình Lượng khi chưa hề có vụ án nào được khởi tố, chưa có lệnh bắt tạm giam cũng như lệnh khởi tố bị can. Chỉ đơn giản là thích thì bắt. Thế thôi.

Trước đó, một nhà hoạt động xã hội là Hoàng Bình cũng đã bị công an Nghệ An chặn bắt khi đang đi trên đường. Khi bắt người, Công an Nghệ An đã dùng biện pháp của đám lục lâm thảo khấu là chặn xe và lôi người đi không có bất cứ một văn bản hoặc lệnh nào. Hài hước hơn là sau đó, nhà cầm quyền Nghệ An mới gửi đến báo chí một bản gọi là "Thông cáo báo chí" là đủ thay cho tất cả quy trình bắt người.

Ngay giữa thủ đô Hà Nội, nhiều người dân khi ra đường bị một nhóm côn đồ không có bất cứ một lệnh hoặc chẳng cần lời nào, cứ vậy xô đến bắt về đồn công an giam giữ đến khi chán thì... thả ra. Thậm chí hài hước hơn, nhiều người còn bị công an trá hình là côn đồ đánh đập, bắt giữ như chốn không người giữa đất nước "anh ninh và đáng sống". Thậm chí các luật sư còn bị đánh túi bụi thâm tím mặt mày đến khiếp đảm vì "chạy xe gây bụi" ở "thành phố vì hòa bình" này.

Rất nhiều người thậm chí bị chặn đường, chặn ngõ và hành xử hết sức lỗ mãng bởi lực lượng công an trá hình côn đồ. Họ hoạt động ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật và bất chấp mọi sự kêu la, phản đối của người dân và sẵn sàng chà đạp lên mọi văn bản pháp luật.

Cách đây một năm, hệ thống Công an Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã tiến hành một vụ "bắt cóc" làm rung chuyển Bình Thuận. Hai cha con ông Lê Hồng Phong (37 tuổi, ở Bình Thuận) bị một nhóm người lạ mặt bắt cóc gần cổng trường mầm non Tuổi thơ. Người dân hốt hoảng gọi điện báo khắp nơi. Cuối cùng mới biết đó là công an Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Cách đây 2 năm, sáng 21/1/2015, một đám công an giả dạng côn đồ đã xông vào đánh đập chúng tôi khi đến thăm ông Trần Anh Kim tại Thành phố Thái Bình. Oái oăm thay, những côn đồ vừa mới cải trang đánh người xong, mấy phút sau diện đúng quần áo và cảnh phục để ngồi làm việc, yêu cầu nạn nhân viết tường trình về việc bị côn đồ đánh và cướp của.

Mặc dù Hiến pháp quy định : "Không ai bị bắt nếu không có quyết định của toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định". Và "mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể""mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư".

Thế nhưng, hiện tượng bắt cóc công dân vẫn cứ diễn ra đều đặn theo ý muốn của bất cứ một viên công an nào đó. Đó là cách hành xử của hệ thống công an hiện nay. Họ ngang nhiên bắt người như trộm cướp, như bắt lợn, rồi giải thích rằng hành động đó của họ là "Mời".

Điều này không chỉ xảy ra với những viên công an tẹp nhẹp mới vào nghề, mà oái oăm thay là não trạng của những viên Công an mang quân hàm tới Đại tá, nghĩa là đã ăn không biết bao nhiêu cơm của người dân.

Thậm chí, để giải thích cho việc công an Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vào Bình Thuận gây ra vụ bắt cóc hai cha con nói trên, Đại tá Đinh Huy Hoàng - Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng giải thích : "Trong quy trình thực hiện công tác điều tra, có những lúc mời hoặc bắt không như thông thường,… có những tình huống chỉ là mời nhưng sau đó để bắt, hoặc có những lúc phải áp dụng đồng thời cả hai biện pháp".

Chỉ cần nghe những lời giải thích này, người ta đặt ra hai nghi vấn : Hoặc ông đại tá không hiểu gì về ngôn ngữ Việt Nam. Ông không hiểu giữa hành động "Mời" và "Bắt" nó khác nhau ra sao. Còn nếu ông ta hiểu được ngôn ngữ Việt Nam, thì ông ta đã coi Hiến pháp, pháp luật chỉ là tờ giấy lộn để ông lau tay nếu cần thiết.

Và thói lộng hành, hành xử này đã trở thành một thói quen, một "biện pháp nghiệp vụ" nhằm đối phó với người dân đang nuôi nấng họ.

Và khi những hành vi lỗ mãng bất chấp luật pháp đó luôn được dung dưỡng và tuyên dương, không bị ngăn chặn và trừng trị, thì nó sẽ trở thành những "Quy trình", "Nguyên tắc" của hành động.

Và khi đã thành thói quen hành xử trong nhà, thì ra ngoài xã hội thói quen đó cũng cứ vậy mà diễn.

Thế rồi, như cha ông ta thường nói : "Ăn trộm quen tay, ăn mày quen thói". Cho đến hôm nay, hành vi bắt cóc được xuất khẩu ra thị trường Quốc tế.

Nhưng, thật không may cho họ, nước Đức không dung dưỡng tội phạm, nhưng không bao giờ chấp nhận những hành vi của đám lục lâm thảo khấu thi thố trên đất nước họ.

Và hậu quả là Việt Nam đang đối diện với những khó khăn, không chỉ hiện tại mà lâu dài trong mối quan hệ với Cộng hòa Liên bang Đức và trên trường quốc tế trong hoàn cảnh nhà cầm quyền cô đơn ngay chính với cả nhân dân mình.

Hà Nội, ngày 8/8/2017

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 08/08/2017 (nguyenhuuvinh's blog)

Published in Diễn đàn
Trang 8 đến 8