Một duyên – hai nợ - ba tình
duyên kiếp-nợ đời-tình trần ?
Lời tâm sự
Đây không phải là một bản thảo của học thuật, bằng nghiên cứu, khảo sát, điều tra, điền dã, như các đầu sách trước đây của thầy. Mà đây chỉ là phần trả lời của thầy trước các câu hỏi của những bạn đã nghe chương trình TÂM SỰ TRI THỨC THƯỜNG NHẬT LIÊN CHÂU LỤC của thầy qua mạng xã hội.
Mùa xuân năm 2022, thầy được tâm sự với các bạn về các chủ đề : tình cảm, tình ái, tình yêu, tình dục, tình nghĩa, tình thương… Sau đó, các bạn liên tục gửi tới các câu hỏi chung quanh chủ đề : tình yêu, và thầy tuần tự trả lời từng câu hỏi. Chính những câu hỏi của các bạn đã đưa đường dẫn lối cho thầy, giúp thầy tìm được đường đi nước bước cho bản thảo ngắn gọn này. Ngắn gọn khi trả lời các hỏi bằng các mô thức phải súc tích từ phân tích tới giải thích, có tổng luận từ lý luận tới lập luận, từ giải luận tới diễn luận.
Ngắn gọn chính là thử thách, mà mô thức phải gánh vác sự thăng trầm của ngôn ngữ. Khi ngữ nghĩa phải trợ duyên cho ngữ vựng, ngữ văn, ngữ pháp để tìm được lối ra trong câu chuyện của chúng ta: một duyên-hai nợ-ba tình.
Trong tiểu phẩm này, những câu hỏi cùng các câu trả lời đều có nền là các ảnh về nghệ thuật tạo hình trong các cuộc khảo sát thực địa của thầy về mỹ thuật và nghệ thuật. Đây chính là câu chuyện học thuật đôi: ban ngày thì thầy đi điều tra và điền dã về mỹ cảm, mỹ xúc làm nên mỹ quan, tạo ra mỹ học. Buổi tối, thầy trả lời các câu hỏi của các bạn về tình cảm tạo nên xúc động rồi xúc cảm có trong mỗi nhân kiếp của chúng ta mỗi lần chúng ta vào nhân lộ một duyên-hai nợ-ba tình.
[…]
Câu hỏi : Tình rễ ?
Một duyên-hai nợ-ba tình, mang chứng tích của trần duyên, có chứng nhân của nhân duyên, có chứng từ của tình duyên.
Câu chuyện nói có sách mách có chứng có ngay trong nhân lộ của trần duyên-nhân duyên-tình duyên. Nhân lộ này giờ đã thành nhân kiếp chung, cái ích kỷ thô thiển của mạng ai nấy lo đã được thay bằng cái dấn thân của trao thân gửi phận. Cái vị kỷ thô sơ của đời ai nấy giữ đã được thế bằng cái trao thân của ăn đời ở kiếp với nhau, nhờ một duyên-hai nợ-ba tình.
Để người yêu này thì thầm người yêu kia : "Anh yêu em, vì anh biết cái rễ chung thủy được giáo dục trong gia đình của em". Rồi người yêu kia thầm thì với người yêu này : "Em yêu anh, vì em biết ơn đấng sinh thành của anh, luôn trọn vẹn chung tình với nhau".
Tình rễ có rễ sâu gốc chắc từ chung thủy tới chung tình.
Lê Hữu Khóa
(29/11/2022)
Thư mục & Thư luận
Phương pháp luận
Lý thuyết luận
Khoa học luận
Mỹ luận
Thi luận
Xã luận
Nhân luận