Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Khi mới qua Mỹ tị nạn, thỉnh thoảng gặp đồng hương, bạn học thì hay hỏi nhau trước đây sống ở đâu. Tôi trả lời : Sài Gòn. Có ai hỏi thêm ở chỗ nào, tôi xác định : Ngã ba Ông Tạ. Nhắc đến địa danh đó, nhiều người nghĩ ngay đến món… thịt chó.

ongta2

Chợ trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) giáp tết Mậu Thân 1968 - Ảnh tư liệu trong sách Harold Boehle

Điều này đúng về khu vực này vào thập niên 1970 mà tôi còn nhớ, với quán cầy tơ nổi tiếng trên đường Phạm Hồng Thái, cách đường Thoại Ngọc Hầu chừng chục mét, là giao lộ làm thành Ngã ba Ông Tạ mà nhiều người biết từ trước năm 1975 là thuộc về xã Tân Sơn Hòa, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định.

Nhưng khu vực này đâu chỉ vang danh một thời với món nhậu được người Bắc di cư 54 đem vào Nam cùng với riềng, lá mơ, húng quế, mẻ, mắm tôm là món "đánh chén" đặc thù của quê cha đất tổ, mà hai mươi năm sau có người đã chế lời bản đồng ca nổi tiếng của Trịnh Công Sơn, với ý nghĩa không lấy gì làm vui cho người Bắc 75 so với Bắc 54 khi vào miền Nam : "Từ Bắc vô Nam tay cấm bó rau, tay kia cầm sợi dây để bắt con cầy…".

Theo nhà báo Cù Mai Công, tác giả của nhiều tập sách về Ngã ba Ông Tạ và Gia Định – Sài Gòn thì thịt chó nay không còn là món khoái khẩu của nhiều người Ông Tạ.

ongta1

Hai tập sách của tác giả Cù Mai Công (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Hai tập sách mới nhất của Cù Mai Công về địa chí và nhân vật đã được Nhà xuất bản First News cho phát hành cuối năm 2023 là "Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương 2" và "Dân Ông Tạ đó !" (Tập 3).

Là một cư dân được sinh ra, lớn lên ở Gia Định – Sài Gòn, chính xác là từ xứ Tân Chí Linh, Ngã ba Ông Tạ, và là một nhà báo, tác giả đã tìm hiểu, sưu tầm tài liệu về rất nhiều sự kiện và nhân vật của vùng đất một thời là thủ đô Việt Nam Cộng Hòa.

"Dân Ông Tạ đó !" (Tập 1 và Tập 2) phát hành hai năm trước ghi lại lịch sử của khu vực từ ngày còn là đồn chống Pháp, còn sình lầy nước đọng, cho đến cái tên Ông Tạ do đâu mà có và về nhiều nhân vật từng sống ở đó, có những tướng tá, công chức cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa, mà tác giả cho biết đã phải mệt mỏi làm việc với khâu kiểm duyệt trước khi được phép xuất bản.

"Dân Ông Tạ đó !" (Tập 3) dày 280 trang, chia làm ba phần : Thói ăn, Nếp ở và Trường xưa bạn cũ. Đọc sách này đã gợi lại cho tôi những ký ức tuổi thơ vì tôi cũng là "người Ông Tạ".

ongta3

Một cảnh trong chợ Ông Tạ - Ảnh minh họa

Nhiều món ăn của khu vực là món Bắc đã theo đoàn người di cư sau Hiệp định Genève 1954, vào sống hài hòa với người miền Nam cố cựu : "Người từ là từ phương Bắc đã qua dòng sông, sông dài…".

Phở, cháo, canh bún được tác giả ghi lại nguồn gốc, lịch sử và nhân vật đã tạo nên hương vị đặc biệt của nó, như bánh cuốn bà Dương ở Tân Chí Linh, của gia đình chị Thanh Thu mà nay vang danh với tiệm ăn "Bánh cuốn Ông Tạ" trong khu Vietnam Town, San Jose. Theo tác giả, ăn bánh cuốn quan trọng nhất là nước mắm, không dùng loại rẻ tiền như để kho thịt hay kho cá và phải có hương vị cà cuống, bắt sống từ cánh đồng rau muống An Lạc hay Sơn Tây, chứ không phải loại tinh dầu chiết xuất của Thái Lan.

Nhắc đến canh bún là hình ảnh chiếc nón sắt được dùng để giã cua đồng một thời xa xưa, nổi tiếng là canh bún bà Hân ở xứ Tân Chí Linh hay của cô Bích bên xứ Nghĩa Hòa đã có từ 60 năm qua.

Canh bún, bánh canh là những món rẻ tiền. Nấu phở phải có xương, có thịt bò nên những năm đầu của nếp sống di cư cũng chỉ có những gánh phở, xe phở ở khu vực Ông Tạ. Từ gánh phở của cụ Chiến đến xe phở Phú Vinh trước khi có tiệm phở Đức, phở Cường hay phở Phú Vương, Phú Vinh. Nhờ đời sống kinh tế phát triển, người dân cũng ăn phở nhiều hơn.

Tập sách nhắc đến tiệm phở gần đầu đường Nghĩa Phát, vừa từ đường Bành Văn Trân rẽ vào, là tiệm của bác Huyền, người cùng giáo họ Long Cù, xứ Trực Chính với thày u tôi, là những gia đình công giáo theo các cha di cư vào Nam. Đó là tiệm phở đầu tiên nằm trong giáo xứ Nghĩa Hòa. Được sinh ra và lớn lên trong giáo xứ này, tôi muốn chia sẻ thêm về những quán phở ở Nghĩa Hòa. Sau phở bác Huyền, vào đầu thập niên 1970 có một tiệm phở nữa cũng trên đường Nghĩa Phát gần đầu nhà thờ. Còn theo đường Nghĩa Hòa phía cuối nhà thờ, đi vào đến ngã tư ông Nghìn có tiệm phở của ông giáo Chung.

Quán phở của ông Chung có một điểm đặc biệt là mở cửa lúc nửa đêm thứ Sáu tuần Thánh, chờ đồng hồ báo 12 giờ 01 phút sang ngày thứ Bảy là bà con có thể ăn phở sau một ngày ăn chay, kiêng thịt và tham dự các nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu với ngắm 15 Sự Thương Khó, rồi tháo đanh, táng xác, rước kiệu, hôn chân Chúa. Ăn phở vào giờ đó không sợ phạm giáo luật về việc giữ chay.

Viết về mùa Phục Sinh ở Nghĩa Hòa là giáo xứ lớn nhất trong khu vực, tác giả ghi lại nhiều chuyện mang tính khôi hài mà những thiếu nhi đã từng sinh hoạt nhà thờ không thể quên, như roi mây của các ông trùm, ông quản trong giáo xứ hay những câu trong kinh cầu chịu nạn thảm thương bị chế lời.

Về tôn giáo, dù đa số người Bắc di cư theo đạo Công giáo, nhưng khu vực cũng có nhiều người theo đạo Phật, có những ngôi chùa Viên Giác, Hải Quang, Khuông Việt mà sinh hoạt Giáng Sinh cũng nhộn nhịp, theo giáo sư Đặng Quốc Thông từ Đại học Houston, Texas về thăm nhà ở xóm chùa ghi lại trong bút ký cuối năm 2022 được trích lại trong sách.

Những Phật tử nổi tiếng ở đây có nhạc sĩ Thông Đạt, tác giả của "Ai về sông Tương" và "Hoa cài mái tóc", có ông bà chủ tiệm bún thịt nướng thơm lừng Ngọc Hà truyền từ đời bố mẹ qua cho con là chị Ngọc Oanh kinh doanh đến năm 2007 thì không còn và chị đã cho tác giả công thức làm món này để đăng vào tập sách, lưu lại về lịch sử của một món ăn tuyệt ngon của khu vực.

Ngã ba Ông Tạ còn là thủ phủ giò chả của Sài Gòn – Gia Định, nhờ có lò mổ heo bên khu cổng bom, với nhiều nhà làm giò nổi tiếng là ông Phán, Thanh Hải, Tuyết Hương bỏ mối cho nhiều nơi trong thành phố.

Ở đây từng có những gánh cháo xanh, cháo sườn. Giờ chỉ còn cháo của bà Đào rất thương người nghèo, có người vào mua chỉ có 10 ngàn trong túi, bà múc luôn cho tô cháo 30 ngàn. Đó là thói ăn nếp ở của dân Ông Tạ.

Các món ăn ở đây gồm đủ miền Bắc, miền Tây, món Quảng, món Huế. Gỏi ốc, cuốn bánh tráng với rau xà lách và đủ loại rau thơm, chấm nước mắm chua cay ngọt. Chân bò, đuôi bò, tai bò luộc chấm tương gừng. Nhiều món nhậu nhưng không thấy tác giả nhắc đến bia rượu.

"Dân Ông Tạ đó !" (Tập 3) đưa tôi về miền ký ức tuổi thơ thì "Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương 2" lại đưa tôi về Sài Gòn mộng mơ của tuổi mới lớn, khi mà niên khóa 1970-71 mỗi chiều tôi đạp xe từ Nghĩa Hòa để lên trường Nguyễn Bá Tòng Sài Gòn học lớp 10, hay sáng đi học thêm Anh ngữ Ziên Hồng và có những ngày cúp cua lang thang trên phố, quanh hàng quán. Rồi những năm đại học với lý tưởng, ước mơ cho quê hương thanh bình.

Tác giả đưa tôi trở lại những sạp bán sách cạnh rạp chiếu bóng Nam Quang, những con đường lá me bay hay những con phố nhộn nhịp của trung tâm thủ đô từ Nguyễn Huệ, Tự Do qua Lê Lợi, Hàm Nghi, không chỉ qua năm tháng của thập niên 1970 hay hiện tại. mà còn về lại với lịch sử của Sài Gòn từ ngày còn là Bến Nghé.

Những ngôi nhà, những căn biệt thự, những khách sạn mang đậm nét Sài Gòn được tác giả ghi lại với nhiều chi tiết lí thú. Dưỡng đường Dung Anh nơi ra đời của con gái đầu lòng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Hay những căn nhà với bản vẽ của tổ hợp kiến trúc sư Hoa-Thâng-Nhạc trông trang nhã, thông thoáng, với đá rửa hoặc đá mài đến nay vẫn còn, so sánh với những căn nhà mới xây với hình dáng "củ hành" trông kịch cợm.

Không chỉ viết về lối kiến trúc, về những kiến trúc sư của Sài Gòn ngày trước, tác giả còn nhắc đến những văn nghệ sĩ. Có mấy ai biết nhà thơ Bùi Chí Vinh, nhà văn Trần Mạnh Hảo, nhạc sĩ Lã Văn Cường từng là thợ trong các lò kẹo lạc ở Ngã ba Ông Tạ. Về cuộc đời trầm luân của thi sĩ họ Bùi.

Về phát triển giáo dục qua sự thành hình của những ngôi trường ở quận Tân Bình, Gia Định vào thập niên 1970. Những câu chuyện về thày cô ở trường Nguyễn Thượng Hiền nơi tác giả học cấp ba, cũng như trường cấp 1 Mai Khôi và cấp 2 Ngô Sĩ Liên, cùng các trường Thánh Tâm, Văn Đức, Nguyễn Gia Thiều. Nhà giáo dục Cao Thanh Tùng, một thời nổi tiếng qua chương trình "Đố vui để học" trên truyền hình số 9, trò chuyện cùng học trò cũ là Lê Học Lãnh Vân về những học trò dốt, kém đáng cần quan tâm, giúp đỡ là triết lý giáo dục và phương pháp sư phạm. Hay thi đậu hạng cao cũng không ồn ào khoe khoang. Nói chung, giáo dục trước đây không khoe thành tích từ bé đến lớn như ngày nay.

Sách của Cù Mai Công cho độc giả gặp lại nhiều nhân vật nổi tiếng. Đặng Chí Bình theo toán đi "nhảy Bắc" vào năm 1959 là một câu chuyện trinh thám đã được ông ghi lại trong tác phẩm "Thép Đen". Trung tá kiêm võ sư Lý Văn Quảng thanh liêm, chính trực. Chủ tiệm ảnh Á Đông là hình ảnh một doanh nhân di cư thành công đã xây nhà bốn tầng chỉ sau 10 năm vào Nam lập nghiệp.

Ông Huỳnh Bửu Sơn là người giữ kho vàng của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam. Tuy nhiên tác giả không nhắc đến chuyện 16 tấn vàng mà trong quá khứ có những vu cáo cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã mang theo khi ra đi vào cuối tháng 4, 1975, mà sau này chính ông Sơn đã xác nhận ông là người kiểm tra và đã giao lại cho chính quyền mới.

Luật sư Trương Đình Dzu là một chính trị gia chủ trương thương lượng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, đã tranh cử đối lập với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và từng bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa giam tù. Sau 1975 ông lại bị Hà Nội giam vì nghi là người của CIA. Con trai của ông là David Trương Đình Hùng, sinh viên du học Mỹ từ thập niên 1960, sau đó dính vào hoạt động gián điệp và bị một tòa án Mỹ kết án 15 năm tù vào cuối thập niên 1970.

Đọc sách về Ngã ba Ông Tạ, Gia Định – Sài Gòn gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm thân thương của quê nhà. Tháng trước vợ chồng tôi đi chơi Châu Âu, hẹn một chị ở Hà Lan qua Vương quốc Bỉ gặp nhau tại trung tâm hành hương Đức Mẹ Banneux. Chị bạn cũng là người Ông Tạ, trước ở Tân Chí Linh cùng xứ với Cù Mai Công. Hôm đó hai mẹ con lái xe hơn hai giờ, mang theo bánh cuốn nhà làm, với giò lụa, bánh khúc qua đãi chúng tôi một bữa ăn ngoài trời. Thật là ngạc nhiên.

Quen biết nhau hơn 40 năm, đã gặp lại nhau vài lần, hôm nay hai gia đình ngồi giữa rừng thông xanh ở Bỉ, ăn bánh cuốn chả lụa, có hành phi, giá, rau húng, chỉ thiếu chút hương vị cà cuống trong nước mắm, mà thấy thật ngon. Vừa ăn vừa ôn lại kỉ niệm thời ở quê nhà, kể chuyện sinh hoạt bên Mỹ, bên Hà Lan.

Sau bữa ăn, vào trung tâm hành hương viếng Đức Mẹ, thắp nến, đọc kinh cầu nguyện. Có lẽ chúng tôi cũng đang thể hiện thói ăn, nếp ở của người Ông Tạ, dù sống xa quê hương vạn dặm.

Bùi Văn Phú

(01/07/2024)

Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco.

Published in Văn hóa

Khi nhận được sách của tác giả Cù Mai Công gửi tặng, nhìn mấy hình trên bìa là một trời ký ức lại ùa về vì tôi đã được sinh ra và đã lớn lên ở vùng đất có tên Ngã ba Ông Tạ.

ongta1

Bìa sách Sài Gòn một thuở "Dân Ông Tạ đó" – Tập 2. Cù Mai Công. Nhà xuất bản Trí Việt – First News, 287 trang (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Hình ảnh những phụ nữ đội nón lá buôn thúng bán bưng trên đường Thoại Ngọc Hầu, nay là Phạm Văn Hai, cũng là hình ảnh của u tôi hơn 30 năm về trước. Khúc đường này tôi đã nhiều lần đi bộ qua lại từ khi lên mười và khi lên cấp 3 đi học bằng xe máy thì cũng thường chạy qua đây.

Trên đường có nhà thuốc tây Bình Dân mà mỗi lần đi xem xi-nê ở rạp Đại Lợi bọn trẻ chúng tôi từ xứ Nghĩa Hòa luôn ghé vào, bước lên bàn cân xem mình nặng bao nhiêu ký.

Đường Thoại Ngọc Hầu chạy từ bãi cỏ trước Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa đến khi chạm vào đường Phạm Hồng Thái nối dài Lê Văn Duyệt và làm thành ngã ba, gọi là Ngã ba Ông Tạ, nổi tiếng từ sau năm 1954 khi có đoàn người di cư từ bắc vào đây sinh sống, lập nghiệp.

Qua bìa sau, đọc những hàng chữ tác giả viết về ngày Tết mà lòng lại xôn xao nhớ quê cũ, khi không khí tết đang về bên trời Cali.

"Chắc chắn Ông Tạ là một trong những vùng pháo nổ nhiều nhất Sài Gòn – Gia Định, không kém Chợ Lớn. Giầu nghèo gì cũng ít là một phong, thường cả thước. Những nhà cao tầng khu ngã ba có nhà nổ cả chục thước. Đường sá ngập hồng xác pháo, không ai quét dọn, xe cộ qua lại cuốn tung…".

Không khí tết ở Ngã ba Ông Tạ trong ký ức của tôi cũng là những hình ảnh, âm thanh như thế, với tiếng pháo nổ giòn tan, xác pháo ngập đường và vang vang tiếng nhạc xuân của nhạc sĩ Hoài An, cũng từng sống ở đây và đã viết nhiều ca khúc về mùa xuân như "Ngày xuân thăm nhau", "Tâm sự ngày xuân", "Câu chuyện đầu năm"…

"Xuân mang niềm tin tới

Bao la nguồn yêu mới

Như hoa mai nở phơi phới

Thế gian thay nụ cười

Đón cho nhau cuộc đời

Trên đất mẹ vui khắp nơi…"

Tác giả ghi lại sinh hoạt sống động trong những ngày cuối năm ở Ngã ba Ông Tạ với lò mổ heo nhộn nhịp, những nơi làm giò dồn dập sản xuất để cung cấp cho thị trường tết, không chỉ riêng khu vực mà nhiều nơi khác của Sài Gòn.

Khi tết về, nhà nhà đi chúc tết nhau, cư dân tụ họp ngoài đường đánh bầu cua, mà khi tác giả còn nhỏ đã một lần thử vận đỏ đen và thua hết tiền lì-xì.

Ba năm trước Cù Mai Công xuất bản Tập 1 sách về Ngã ba Ông Tạ với nhiều lịch sử địa dư của vùng đất và một số nhân vật.

Tập 2 nổi cộm với hàng nghìn nhân vật từng sống ở đây trong 70 năm qua, là những người chủ đất xa xưa, các sĩ quan tướng tá của cả hai miền Nam Bắc từ thời chiến tranh và sau ngày thống nhất, các văn nghệ sĩ, nhà báo hay chủ các quán ăn, quán cà phê có từ hơn nửa thế kỷ trước mà vẫn còn hiện diện cho đến ngày nay, được truyền từ đời ông bà sang đời con, rồi đến đời cháu.

Qua những trang sách, tác giả dẫn người đọc len lỏi vào từng ngõ hẻm. Những hẻm nhỏ chỉ vừa đủ cho hai xe máy lách nhau gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm quê nhà cùng liên tưởng đến những ngõ ngách ở Venice bên Ý.

Nhưng hình ảnh còn trong trí nhớ của tôi cũng chỉ là một phần nhỏ nhoi so với tổng thể của tập sách mà tác giả Cù Mai Công đã ghi lại với lịch sử của những khu xóm như ngõ Con Mắt, ngõ Cổng Bom – Chùa Khuông Việt, xóm Đại Lợi, xứ An Lạc, đường Thánh Mẫu với hàng trăm căn nhà và hàng nghìn nhân vật đã làm nên vùng đất này.

Gia đình ở xứ Tân Chí Linh, khi còn nhỏ tác giả học trường Mai Khôi trên đường Thánh Mẫu, nay là đường Bành Văn Trân, rồi học trường Ngô Sĩ Liên nên dấu chân non của Cù Mai Công đã in đậm trên những con đường, trên từng ngõ hẻm của khu vực. Khi vào đời, làm phóng viên báo chí và vẫn sống ở nơi chốn cũ nên tác giả đã có những góc nhìn sâu và tinh tế về một nơi gọi là nhà, đó là khu vực Ngã ba Ông Tạ.

ongta2

Ngã ba Cách Mạng Tháng 8, bên phải, và Bành Văn Trân, bên trái, ở gần trung tâm Ngã ba Ông Tạ (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Cù Mai Công đã tìm tòi, ghi lại dấu ấn địa chí và nhân vật ở vùng đất này, như tấm lòng của một người con có hiếu muốn thực hiện lời trăng trối mà mẹ tác giả đã nhắn gửi trước khi qua đời.

Qua tập sách, độc giả biết được những nhà báo tiếng tăm từng sống qua hay hiện đang sống ở Ngã ba Ông Tạ như Thiên Hổ, tức linh mục Nguyễn Quang Lãm chủ bút nhật báo Xây Dựng ; Lê Nguyễn Hương Trà, Phạm Chu Sa, Trương Bảo Châu, Nguyễn Hồng Lam. Hay những nhà báo gốc Ông Tạ hiện sống ở nước ngoài là Nguyễn Vy Túy từ xứ Lộc Hưng, hiện ở Úc và tác giả bài điểm sách này từ xứ Nghĩa Hòa, hiện ở Mỹ cũng được tác giả ưu ái nhắc đến trong tác phẩm.

Tác giả ghi nhận đến từng chi tiết về một số gia đình đã sống ở đây, hiện nay còn ở quê nhà hay đã ra nước ngoài. Gia đình ông Trịnh Quang Tường một thương gia, kỹ nghệ gia, nhà làm văn hóa với ba vợ và 11 người con. Gia đình ông Vũ Thanh Tâm, chủ tập đoàn Đông Phương kinh doanh dịch vụ tổ chức hội nghị. Gia đình ông Vũ Hữu Soạn có con trai là Vũ Hữu San, Hạm trưởng chiến hạm HQ-4 của Hải quân Việt Nam Cộng hòa từng tham chiến ở Hoàng Sa. Gia đình cụ Trần Ruy Dương, nguyên trưởng ty hiến binh Phước Tuy - Bà Rịa có 7 người con và con trai cả là thẩm phán Trần An Bài.

Ngã ba Ông Tạ cũng là nhà của nhiều văn nghệ sĩ được tác giả nhắc đến. Linh mục nhạc sĩ Kim Long với ca khúc "Kinh hòa bình" vang vang trong các thánh đường, các cuộc rước kiệu từ 65 năm qua. Nhạc sĩ Thông Đạt với ca khúc "Mừng ngày Phật Đản" nổi tiếng về đạo và "Ai về sông Tương" về tình yêu. Nhạc sĩ Hoài An với nhạc xuân, nhạc sĩ Nguyễn Vũ với nhạc phẩm "Bài thánh ca buồn" về mùa lễ Giáng Sinh, nhạc sĩ Ngọc Chánh – Shotgun với "Vết thù trên lưng ngựa hoang". Nhà thơ Đỗ Trung Quân mà ai cũng biết qua ca khúc "Quê hương là chùm khế ngọt" phổ từ thơ của ông với những câu :

"Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng…"

là hình ảnh của cánh đồng giáo xứ An Lạc còn ghi trong ký ức tuổi thơ của thi sĩ.

Văn thi sĩ từng sống ở đây có Hoàng Hải Thủy, Đinh Tiến Luyện, Võ Hà Anh – Dung Saigon, Nguyễn Hữu Hiệu, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Ngọc Ngạn. Ca sĩ có Giang Tử, Vũ Khanh, Tóc Tiên, Đàm Vĩnh Hưng.

Tập sách của Cù Mai Công làm nổi bật lên tính cách của con người khu vực Ngã ba Ông Tạ, đó là chăm chỉ làm ăn, sống hài hòa với nhau, dù là người Nam hay người Bắc, dù theo đạo Chúa hay đạo Phật. Cư dân vùng đất này luôn có ý chí vươn lên, dù còn ở quê nhà hay đang sống ở nước ngoài.

Chợ Ông Tạ Sài Gòn ngày ấy bây giờ ra sao Một vòng khu chợ Phạm Văn Hai, Tân Bình, Sài Gòn

Bùi Văn Phú

(10/02/2023)

Bùi Văn Phú là giảng viên đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco.

Published in Văn hóa

Phu nhân của cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, bà Christine Nguyễn Thị Mai Anh, mới qua đời ngày 15/10/2021 tại miền Nam California, hưởng thọ 91 tuổi. Bà mất đúng 20 năm sau khi ông Thiệu qua đời tại Boston, Hoa Kỳ năm 2001.

ongta1

Ông bà Nguyễn Văn Thiệu và hai người con lớn - © 2021 Buivanphu

Hai mươi năm của chính thể Việt Nam Cộng Hòa đã có bốn tổng thống : Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương và Dương Văn Minh.

Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm có bà Ngô Đình Nhu được cho là "Đệ Nhất Phu nhân" không chính thức, vì bà là vợ của cố vấn Ngô Đình Nhu, bào đệ của Tổng thống độc thân Ngô Đình Diệm. Thực sự bà Nhu là con người với tham vọng chính trị vì bà là dân biểu quốc hội và đã khuấy động chính trường trong những năm dưới thời Ngô tổng thống.

Sau cú đảo chánh 1/11/1963, trước khi khai sinh Đệ nhị Cộng hòa, những năm 1965-67 có bà Đặng Tuyết Mai cũng sôi nổi vì là tình nhân, rồi trở thành phu nhân của Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, là chức vụ như thủ tướng, cùng với Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu là Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, như một quốc trưởng.

Ngoài ông Kỳ và ông Thiệu, những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa còn có Tổng thống Trần Văn Hương, lãnh đạo một tuần, và Tổng thống Dương Văn Minh lãnh đạo đất nước hai ngày nên người dân không nghe biết đến các vị phu nhân. Ngay cả tướng Minh, sau đảo chánh 1/11/1963 đã làm Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng và quốc trưởng nhưng người dân cũng ít nghe nói đến phu nhân.

Bà Nguyễn Văn Thiệu là phu nhân của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa từ 1967 đến 1975, nhưng bà không phô trương ồn ào, không can dự vào công việc của chồng mà chỉ làm công tác xã hội, ủy lạo chiến sĩ, giúp người nghèo.

Trong quá khứ, giới truyền thông chống chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thường đưa ra cáo buộc những phu nhân của lãnh đạo miền Nam, như bà Nguyễn Văn Thiệu, bà Trần Thiện Khiêm, bà Đặng Văn Quang với những vụ mua quan bán chức hay buôn lậu mà không đưa bằng chứng, chỉ là những lời đồn, như vụ buôn lậu ở Long An với còi hụ xe nhà binh với đồn đãi là bà Thiệu tổ chức. Khi đó vụ việc đổ bể và nhiều thùng rượu mạnh được vội vã đổ hàng ngay trong khu vực Ngã ba Ông Tạ.

Khu vực Ngã ba Ông Tạ từ năm 1974 cũng là bản doanh của Phong trào Chống tham nhũng, do linh mục Trần Hữu Thanh đứng đầu, đặt tại giáo xứ Tân Chí Linh. Phong trào đã đưa ra những bản cáo trạng nhắm vào Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân.

Khi hay tin bà Thiệu qua đời, nhiều cư dân vùng Ông Tạ đã nhắc lại những ký ức về bà.

Theo phóng viên báo Tuổi Trẻ Cù Mai Công, một người được sinh ra và sống ở Ngã ba Ông Tạ, viết trên Facebook thì trước 1963 ông bà Thiệu sống trong cư xá sĩ quan Trần Hưng Đạo, trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), gần Bộ Tổng tham mưu và bà Thiệu cùng với bà Trần Thiện Khiêm thường đi chợ Ông Tạ bằng xích lô đạp, ngang qua nhà ông.

Khi ông Thiệu làm tổng thống, bà Thiệu muốn xây một bệnh viện cho người nghèo thì địa điểm cho Bệnh viện Vì Dân được chọn nằm tại một góc của Ngã tư Bảy Hiền, trên phần đất mà địa dư nằm trong quần thể Ngã ba Ông Tạ.

Bệnh viện Vì Dân được khánh thành năm 1971. Nhiều cư dân trong khu vực đã được chữa trị miễn phí nên dân quanh vùng gọi đó là "Bệnh viện Bà Thiệu" hay "Nhà thương Bà Thiệu". Đó là một cơ sở y tế rộng lớn, hiện đại với 400 giường bệnh. Tôi đã đi qua nơi này mỗi ngày trong những năm học cấp ba ở trường Nguyễn Bá Tòng Gia Định.

ongta2

Bệnh viện Vì Dân được khánh thành năm 1971

Vùng Sài Gòn – Gia Định khi đó đã có các bệnh viện Bình Dân, Chợ Rẫy, Nguyễn Văn Học, Nhi Đồng nằm ở nhiều vị trí. Khi bệnh viện Vì Dân được mở ra thì tầm hoạt động bao trùm một vùng rộng lớn để phục vụ dân chúng, có thể nói là từ Hòa Hưng, Ngã ba Ông Tạ ra đến Hóc Môn, Trung Chánh theo đường Lê Văn Duyệt nối dài (nay là Cách Mạng Tháng 8). Còn theo đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt) nối dài Võ Tánh là từ cư xá Lữ Gia qua Ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, tới Ngã tư Phú Nhuận.

Một người dân đã hồi tưởng về nơi này :

"Tôi cũng dân gốc Ông Tạ, hồi nhỏ sống và đi học ở Ông Tạ, lớn lên lấy vợ cũng đem về Ông Tạ và có con cũng ở Ông Tạ. Khi Bệnh viện Vì Dân đang xây, tôi 13 tuổi, chỉ nghe người ta nói nên biết đó là ‘bệnh viện của bà Thiệu’, nhưng nhiều lần đi học trường Nghĩa Hòa về ngang, ngó lên mấy chữ VÌ DÂN to đùng trên nóc bệnh viện, tôi không hiểu, cứ tự nghĩ trong đầu : ‘Tên nghe kỳ !’

Sáng Mùng 2 Tết năm 1973 bố tôi xuất hành lấy hên đầu năm, khi về đến nhà thì than nhức đầu và ngả mình lên chiếc ghế bố, miệng tự dưng á khẩu. Đến chiều chúng tôi nhờ xe Lam đưa bố tôi vào Bệnh viện Vì Dân. Hóa ra bố tôi bị đứt mạch máu não. May mà các bác sĩ tận tình chạy chữa, nên bố tôi vẫn giữ được tánh mạng, nhưng cũng bị liệt nửa người, chỉ chống gậy đi đi lại lại trong nhà, chín năm sau thì mất.

Những ngày vào thăm bố trong bệnh viện, vào cổng phụ trên đường Lê Văn Duyệt, bây giờ là Cách Mạng Tháng 8, có cảnh sát áo trắng mũ lưỡi trai đứng gác, tôi mới hiểu ý nghĩa của hai chữ ‘vì dân’, nghĩa là ‘vì người nghèo’. Nhưng cũng chỉ là hiểu nghĩa đen vậy thôi, rồi quên mất. Hôm nay, nghe tin bà Mai Anh mất, tôi nhớ lại chuyện xưa, rồi nghĩ đến chuyện nay, tự dưng thấu suốt được cái nhân ái to lớn ẩn trong hai chữ ‘Vì Dân’ đơn giản và cụt lủn mà ngày xưa tôi đã chỉ thấy kỳ !

Xin cúi đầu tạ ơn người Phụ nữ có gương mặt phúc hậu và một trái tim nhân ái. Cầu mong Bà được an nghỉ đời đời nơi nước Chúa

ongta3

Trên trang Facebook của Hội Đồng Hương Ông Tạ nhiều người nhắc đến bà Thiệu và công trình của bà.

Hà Trần nhớ lại : "Tôi sanh con đầu lòng tại Bệnh Viện Vì Dân. Tôi là giáo viên nên cũng được không tốn lệ phí, cũng được cho tiền sữa, được chăm sóc chu đáo, 3 bữa ăn một ngày. Mong Bà ra đi thanh thản và nguyện xin Chúa đón nhận trên đường Bà về Quê Trời."

Khánh Vũ không quên một kỷ niệm : "Em gái út của tôi được hạ sinh hồi đầu năm 1974 tại bệnh viện Vì Dân, lúc đó tôi chỉ là chú nhóc 7 tuổi, được ba đưa vào bệnh viện thăm má, thăm em bé mấy ngày liền. Tôi đã phóng cẳng thả giàn chạy chơi trong bệnh viện. Lần đầu tiên trong đời tôi được đi thang máy là ở bệnh viện Vì Dân này đây. Viết ra đây một thoáng kỷ niệm về một nơi bà Mai Anh đặt dấu ấn, đã và sẽ được người đời trân trọng nhắc nhở mãi về sau…".

Chung Nguyen : "Bệnh viện Vì Dân tôi biết khi còn rất trẻ vì gia đình tôi ở khu Ông Tạ. Tôi có bà chị họ sinh đẻ ở đó, chị là vợ một quân nhân thường thôi chứ không phải cấp úy hay tướng tá gì hết. Sau một tuần lễ ở bệnh viện quay trở về nhà, chị không phải đóng một đồng tiền lệ phí nào cho bệnh viện, chị còn được cho tiền và 10 mét vải may tã cho em bé, 10 hộp sữa bò và thuốc men cho cả hai mẹ con…".

Còn Thien Nguyen, một học sinh nghèo, nhớ lại ngày nhận học bổng : "Bà đã trao tiền học bổng học sinh nghèo, học giỏi cho tôi cả năm lớp 9. Mẹ đã dắt tôi đi nhận tại hội trường Viện Quốc gia Âm nhạc…".

Nhà thơ Bùi Chí Vinh là cư dân quận 3 Sài Gòn thời trước 1975, khi hay tin bà Thiệu qua đời đã làm bài thơ, với những câu :

Cô Bảy Mỹ Tho cùng tuổi với má tôi

Má tôi chết trước cô 3 năm ở một xứ sở buồn như địa ngục

Cô chết lưu vong nhưng cũng có những tháng ngày hạnh phúc

Thượng thọ 90 còn gì nữa để ngậm ngùi

"Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời"

Cô đã thuộc lòng lời ca thánh yêu thương khi ngồi trong lớp học

Khi trở thành Đệ nhất Phu nhân cô càng biết rơi nước mắt

Xây bệnh viện Vì Dân miễn phí giúp người nghèo

Là phụ nữ miền Tây cô không thích nói nhiều

Công, dung, ngôn, hạnh như Kiều Nguyệt Nga trong thơ Đồ Chiểu

Cô đi không hậu ủng tiền hô, cô đến không slogan khẩu hiệu

Thăm viện dưỡng lão, trại cô nhi như thăm viếng người nhà

Cô Bảy Mỹ Tho ơi, làm sao không nén nổi xót xa

Bệnh viện Vì Dân của cô ngày xưa bây giờ "Vì Quan" mà phục vụ

Dân còn không có ăn thì lấy gì mà thuốc men, mà giường nằm, mà lót tay đủ thứ…

Cách bệnh viện Vì Dân vài trăm mét là trường trung học Quốc Gia Nghĩa Tử, nơi dành cho học sinh là con em của tử sĩ và thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Tuy bà Thiệu không phải là người khai sinh ngôi trường, nhưng bà luôn quan tâm giúp đỡ cho trường và các em học sinh.

vidan3

Bà Thiệu không phải là người khai sinh ngôi trường trung học Quốc Gia Nghĩa Tử, nhưng bà luôn quan tâm giúp đỡ cho trường và các em học sinh.

Bà Tranh Nguyễn, người cùng xóm với tôi ở Ngã ba Ông Tạ và là cựu học sinh nội trú của trường Quốc Gia Nghĩa Tử, hiện ở tiểu bang Texas, chia sẻ : "Bà Thiệu là người đã dành rất nhiều tâm huyết cho trường. Khi xây xong bệnh viện Vì Dân bà đã đưa mấy chục học sinh Quốc Gia Nghĩa Tử đi học điều dưỡng để về làm cho bệnh viện. Bà còn có nhiều gắn bó dành cho thương binh, cô nhi, quả phụ. Học sinh của trường luôn coi bà là nghĩa mẫu".

Khi hay tin bà Thiệu từ giã cõi đời, bà Tranh viết mấy vần thơ tưởng nhớ :

Chúng con là đám trẻ sớm mồ côi

Từ bốn phương lòng đang hướng về Cội

Cùng chung tay thắp một nén nhang trầm

Quyện theo gió bay về bên Nghĩa Mẫu

Muốn nói nhiều nhưng bây giờ không thể

Vì chúng con lòng thổn thức bi thương

Quốc Gia Nghĩa Tử một ngôi trường

Không sáng lập nhưng Mẹ đã dày công vun đắp

Cho chúng con những đứa trẻ mồ côi

Những đứa trẻ còn cha không lành lặn

Một tương lai, một cuộc sống no đầy…

Bệnh viện Vì Dân một điều còn hiện hữu

Dù hôm nay đã đổi chủ thay tên

Nhưng trái tim của nhiều người đất Việt

Vẫn ghi lòng công của Mẹ… Mẹ ơi

Mẹ ra đi để lại luống ngậm ngùi

Lòng thương nhớ bao giờ nguôi hả Mẹ !!?

(19/10/2021)

Bà Thiệu quê quán ở Mỹ Tho, sinh năm 1931 trong một gia đình công giáo có mười chị em và bà là người con thứ 7 nên có tên "Cô Bảy Mỹ Tho". Cô Bảy kết hôn với trung úy Nguyễn Văn Thiệu năm 1951 và có ba người con là Nguyễn Thị Tuấn Anh, Nguyễn Quang Lộc và Nguyễn Thiệu Long.

ongta4

Bà Thiệu quê quán ở Mỹ Tho, sinh năm 1931 trong một gia đình công giáo có mười chị em và bà là người con thứ 7 nên có tên "Cô Bảy Mỹ Tho". Ảnh Getty Images 

Cuối tháng 4/1975, trong lúc tình hình quân sự và chính trị tại Việt Nam trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và vài ngày sau ông rời Việt Nam qua Đài Loan, rồi sang Anh quốc sống ở London gần 20 năm trước khi qua Mỹ định cư ở vùng Boston. Sau khi ông Thiệu mất, bà dọn về nam California sống với con trai cho đến khi lìa trần.

Xin chia buồn cùng tang quyến. Nguyện xin cho linh hồn Christine được an nghỉ bên Chúa Kitô trên Thiên Đàng.

Bùi Văn Phú

Nguồn : VOA, 28/10/2021

Published in Diễn đàn