Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

01/07/2024

Đọc sách viết về Ngã ba Ông Tạ và Gia Định – Sài Gòn

Bùi Văn Phú

Khi mới qua Mỹ tị nạn, thỉnh thoảng gặp đồng hương, bạn học thì hay hỏi nhau trước đây sống ở đâu. Tôi trả lời : Sài Gòn. Có ai hỏi thêm ở chỗ nào, tôi xác định : Ngã ba Ông Tạ. Nhắc đến địa danh đó, nhiều người nghĩ ngay đến món… thịt chó.

ongta2

Chợ trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) giáp tết Mậu Thân 1968 - Ảnh tư liệu trong sách Harold Boehle

Điều này đúng về khu vực này vào thập niên 1970 mà tôi còn nhớ, với quán cầy tơ nổi tiếng trên đường Phạm Hồng Thái, cách đường Thoại Ngọc Hầu chừng chục mét, là giao lộ làm thành Ngã ba Ông Tạ mà nhiều người biết từ trước năm 1975 là thuộc về xã Tân Sơn Hòa, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định.

Nhưng khu vực này đâu chỉ vang danh một thời với món nhậu được người Bắc di cư 54 đem vào Nam cùng với riềng, lá mơ, húng quế, mẻ, mắm tôm là món "đánh chén" đặc thù của quê cha đất tổ, mà hai mươi năm sau có người đã chế lời bản đồng ca nổi tiếng của Trịnh Công Sơn, với ý nghĩa không lấy gì làm vui cho người Bắc 75 so với Bắc 54 khi vào miền Nam : "Từ Bắc vô Nam tay cấm bó rau, tay kia cầm sợi dây để bắt con cầy…".

Theo nhà báo Cù Mai Công, tác giả của nhiều tập sách về Ngã ba Ông Tạ và Gia Định – Sài Gòn thì thịt chó nay không còn là món khoái khẩu của nhiều người Ông Tạ.

ongta1

Hai tập sách của tác giả Cù Mai Công (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Hai tập sách mới nhất của Cù Mai Công về địa chí và nhân vật đã được Nhà xuất bản First News cho phát hành cuối năm 2023 là "Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương 2" và "Dân Ông Tạ đó !" (Tập 3).

Là một cư dân được sinh ra, lớn lên ở Gia Định – Sài Gòn, chính xác là từ xứ Tân Chí Linh, Ngã ba Ông Tạ, và là một nhà báo, tác giả đã tìm hiểu, sưu tầm tài liệu về rất nhiều sự kiện và nhân vật của vùng đất một thời là thủ đô Việt Nam Cộng Hòa.

"Dân Ông Tạ đó !" (Tập 1 và Tập 2) phát hành hai năm trước ghi lại lịch sử của khu vực từ ngày còn là đồn chống Pháp, còn sình lầy nước đọng, cho đến cái tên Ông Tạ do đâu mà có và về nhiều nhân vật từng sống ở đó, có những tướng tá, công chức cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa, mà tác giả cho biết đã phải mệt mỏi làm việc với khâu kiểm duyệt trước khi được phép xuất bản.

"Dân Ông Tạ đó !" (Tập 3) dày 280 trang, chia làm ba phần : Thói ăn, Nếp ở và Trường xưa bạn cũ. Đọc sách này đã gợi lại cho tôi những ký ức tuổi thơ vì tôi cũng là "người Ông Tạ".

ongta3

Một cảnh trong chợ Ông Tạ - Ảnh minh họa

Nhiều món ăn của khu vực là món Bắc đã theo đoàn người di cư sau Hiệp định Genève 1954, vào sống hài hòa với người miền Nam cố cựu : "Người từ là từ phương Bắc đã qua dòng sông, sông dài…".

Phở, cháo, canh bún được tác giả ghi lại nguồn gốc, lịch sử và nhân vật đã tạo nên hương vị đặc biệt của nó, như bánh cuốn bà Dương ở Tân Chí Linh, của gia đình chị Thanh Thu mà nay vang danh với tiệm ăn "Bánh cuốn Ông Tạ" trong khu Vietnam Town, San Jose. Theo tác giả, ăn bánh cuốn quan trọng nhất là nước mắm, không dùng loại rẻ tiền như để kho thịt hay kho cá và phải có hương vị cà cuống, bắt sống từ cánh đồng rau muống An Lạc hay Sơn Tây, chứ không phải loại tinh dầu chiết xuất của Thái Lan.

Nhắc đến canh bún là hình ảnh chiếc nón sắt được dùng để giã cua đồng một thời xa xưa, nổi tiếng là canh bún bà Hân ở xứ Tân Chí Linh hay của cô Bích bên xứ Nghĩa Hòa đã có từ 60 năm qua.

Canh bún, bánh canh là những món rẻ tiền. Nấu phở phải có xương, có thịt bò nên những năm đầu của nếp sống di cư cũng chỉ có những gánh phở, xe phở ở khu vực Ông Tạ. Từ gánh phở của cụ Chiến đến xe phở Phú Vinh trước khi có tiệm phở Đức, phở Cường hay phở Phú Vương, Phú Vinh. Nhờ đời sống kinh tế phát triển, người dân cũng ăn phở nhiều hơn.

Tập sách nhắc đến tiệm phở gần đầu đường Nghĩa Phát, vừa từ đường Bành Văn Trân rẽ vào, là tiệm của bác Huyền, người cùng giáo họ Long Cù, xứ Trực Chính với thày u tôi, là những gia đình công giáo theo các cha di cư vào Nam. Đó là tiệm phở đầu tiên nằm trong giáo xứ Nghĩa Hòa. Được sinh ra và lớn lên trong giáo xứ này, tôi muốn chia sẻ thêm về những quán phở ở Nghĩa Hòa. Sau phở bác Huyền, vào đầu thập niên 1970 có một tiệm phở nữa cũng trên đường Nghĩa Phát gần đầu nhà thờ. Còn theo đường Nghĩa Hòa phía cuối nhà thờ, đi vào đến ngã tư ông Nghìn có tiệm phở của ông giáo Chung.

Quán phở của ông Chung có một điểm đặc biệt là mở cửa lúc nửa đêm thứ Sáu tuần Thánh, chờ đồng hồ báo 12 giờ 01 phút sang ngày thứ Bảy là bà con có thể ăn phở sau một ngày ăn chay, kiêng thịt và tham dự các nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu với ngắm 15 Sự Thương Khó, rồi tháo đanh, táng xác, rước kiệu, hôn chân Chúa. Ăn phở vào giờ đó không sợ phạm giáo luật về việc giữ chay.

Viết về mùa Phục Sinh ở Nghĩa Hòa là giáo xứ lớn nhất trong khu vực, tác giả ghi lại nhiều chuyện mang tính khôi hài mà những thiếu nhi đã từng sinh hoạt nhà thờ không thể quên, như roi mây của các ông trùm, ông quản trong giáo xứ hay những câu trong kinh cầu chịu nạn thảm thương bị chế lời.

Về tôn giáo, dù đa số người Bắc di cư theo đạo Công giáo, nhưng khu vực cũng có nhiều người theo đạo Phật, có những ngôi chùa Viên Giác, Hải Quang, Khuông Việt mà sinh hoạt Giáng Sinh cũng nhộn nhịp, theo giáo sư Đặng Quốc Thông từ Đại học Houston, Texas về thăm nhà ở xóm chùa ghi lại trong bút ký cuối năm 2022 được trích lại trong sách.

Những Phật tử nổi tiếng ở đây có nhạc sĩ Thông Đạt, tác giả của "Ai về sông Tương" và "Hoa cài mái tóc", có ông bà chủ tiệm bún thịt nướng thơm lừng Ngọc Hà truyền từ đời bố mẹ qua cho con là chị Ngọc Oanh kinh doanh đến năm 2007 thì không còn và chị đã cho tác giả công thức làm món này để đăng vào tập sách, lưu lại về lịch sử của một món ăn tuyệt ngon của khu vực.

Ngã ba Ông Tạ còn là thủ phủ giò chả của Sài Gòn – Gia Định, nhờ có lò mổ heo bên khu cổng bom, với nhiều nhà làm giò nổi tiếng là ông Phán, Thanh Hải, Tuyết Hương bỏ mối cho nhiều nơi trong thành phố.

Ở đây từng có những gánh cháo xanh, cháo sườn. Giờ chỉ còn cháo của bà Đào rất thương người nghèo, có người vào mua chỉ có 10 ngàn trong túi, bà múc luôn cho tô cháo 30 ngàn. Đó là thói ăn nếp ở của dân Ông Tạ.

Các món ăn ở đây gồm đủ miền Bắc, miền Tây, món Quảng, món Huế. Gỏi ốc, cuốn bánh tráng với rau xà lách và đủ loại rau thơm, chấm nước mắm chua cay ngọt. Chân bò, đuôi bò, tai bò luộc chấm tương gừng. Nhiều món nhậu nhưng không thấy tác giả nhắc đến bia rượu.

"Dân Ông Tạ đó !" (Tập 3) đưa tôi về miền ký ức tuổi thơ thì "Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương 2" lại đưa tôi về Sài Gòn mộng mơ của tuổi mới lớn, khi mà niên khóa 1970-71 mỗi chiều tôi đạp xe từ Nghĩa Hòa để lên trường Nguyễn Bá Tòng Sài Gòn học lớp 10, hay sáng đi học thêm Anh ngữ Ziên Hồng và có những ngày cúp cua lang thang trên phố, quanh hàng quán. Rồi những năm đại học với lý tưởng, ước mơ cho quê hương thanh bình.

Tác giả đưa tôi trở lại những sạp bán sách cạnh rạp chiếu bóng Nam Quang, những con đường lá me bay hay những con phố nhộn nhịp của trung tâm thủ đô từ Nguyễn Huệ, Tự Do qua Lê Lợi, Hàm Nghi, không chỉ qua năm tháng của thập niên 1970 hay hiện tại. mà còn về lại với lịch sử của Sài Gòn từ ngày còn là Bến Nghé.

Những ngôi nhà, những căn biệt thự, những khách sạn mang đậm nét Sài Gòn được tác giả ghi lại với nhiều chi tiết lí thú. Dưỡng đường Dung Anh nơi ra đời của con gái đầu lòng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Hay những căn nhà với bản vẽ của tổ hợp kiến trúc sư Hoa-Thâng-Nhạc trông trang nhã, thông thoáng, với đá rửa hoặc đá mài đến nay vẫn còn, so sánh với những căn nhà mới xây với hình dáng "củ hành" trông kịch cợm.

Không chỉ viết về lối kiến trúc, về những kiến trúc sư của Sài Gòn ngày trước, tác giả còn nhắc đến những văn nghệ sĩ. Có mấy ai biết nhà thơ Bùi Chí Vinh, nhà văn Trần Mạnh Hảo, nhạc sĩ Lã Văn Cường từng là thợ trong các lò kẹo lạc ở Ngã ba Ông Tạ. Về cuộc đời trầm luân của thi sĩ họ Bùi.

Về phát triển giáo dục qua sự thành hình của những ngôi trường ở quận Tân Bình, Gia Định vào thập niên 1970. Những câu chuyện về thày cô ở trường Nguyễn Thượng Hiền nơi tác giả học cấp ba, cũng như trường cấp 1 Mai Khôi và cấp 2 Ngô Sĩ Liên, cùng các trường Thánh Tâm, Văn Đức, Nguyễn Gia Thiều. Nhà giáo dục Cao Thanh Tùng, một thời nổi tiếng qua chương trình "Đố vui để học" trên truyền hình số 9, trò chuyện cùng học trò cũ là Lê Học Lãnh Vân về những học trò dốt, kém đáng cần quan tâm, giúp đỡ là triết lý giáo dục và phương pháp sư phạm. Hay thi đậu hạng cao cũng không ồn ào khoe khoang. Nói chung, giáo dục trước đây không khoe thành tích từ bé đến lớn như ngày nay.

Sách của Cù Mai Công cho độc giả gặp lại nhiều nhân vật nổi tiếng. Đặng Chí Bình theo toán đi "nhảy Bắc" vào năm 1959 là một câu chuyện trinh thám đã được ông ghi lại trong tác phẩm "Thép Đen". Trung tá kiêm võ sư Lý Văn Quảng thanh liêm, chính trực. Chủ tiệm ảnh Á Đông là hình ảnh một doanh nhân di cư thành công đã xây nhà bốn tầng chỉ sau 10 năm vào Nam lập nghiệp.

Ông Huỳnh Bửu Sơn là người giữ kho vàng của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam. Tuy nhiên tác giả không nhắc đến chuyện 16 tấn vàng mà trong quá khứ có những vu cáo cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã mang theo khi ra đi vào cuối tháng 4, 1975, mà sau này chính ông Sơn đã xác nhận ông là người kiểm tra và đã giao lại cho chính quyền mới.

Luật sư Trương Đình Dzu là một chính trị gia chủ trương thương lượng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, đã tranh cử đối lập với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và từng bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa giam tù. Sau 1975 ông lại bị Hà Nội giam vì nghi là người của CIA. Con trai của ông là David Trương Đình Hùng, sinh viên du học Mỹ từ thập niên 1960, sau đó dính vào hoạt động gián điệp và bị một tòa án Mỹ kết án 15 năm tù vào cuối thập niên 1970.

Đọc sách về Ngã ba Ông Tạ, Gia Định – Sài Gòn gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm thân thương của quê nhà. Tháng trước vợ chồng tôi đi chơi Châu Âu, hẹn một chị ở Hà Lan qua Vương quốc Bỉ gặp nhau tại trung tâm hành hương Đức Mẹ Banneux. Chị bạn cũng là người Ông Tạ, trước ở Tân Chí Linh cùng xứ với Cù Mai Công. Hôm đó hai mẹ con lái xe hơn hai giờ, mang theo bánh cuốn nhà làm, với giò lụa, bánh khúc qua đãi chúng tôi một bữa ăn ngoài trời. Thật là ngạc nhiên.

Quen biết nhau hơn 40 năm, đã gặp lại nhau vài lần, hôm nay hai gia đình ngồi giữa rừng thông xanh ở Bỉ, ăn bánh cuốn chả lụa, có hành phi, giá, rau húng, chỉ thiếu chút hương vị cà cuống trong nước mắm, mà thấy thật ngon. Vừa ăn vừa ôn lại kỉ niệm thời ở quê nhà, kể chuyện sinh hoạt bên Mỹ, bên Hà Lan.

Sau bữa ăn, vào trung tâm hành hương viếng Đức Mẹ, thắp nến, đọc kinh cầu nguyện. Có lẽ chúng tôi cũng đang thể hiện thói ăn, nếp ở của người Ông Tạ, dù sống xa quê hương vạn dặm.

Bùi Văn Phú

(01/07/2024)

Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bùi Văn Phú
Read 899 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)