Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chuyến đi thăm viếng chính thức của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda ở Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp, theo như những miêu tả của báo chí Việt Nam. Còn phía Ba Lan nói chung và cộng đồng người Việt ở Ba Lan nói riêng đã đánh giá như thế nào về chuyến đi này ?

balan1

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda được ghi nhận "kết thúc tốt đẹp"

Ý kiến nói chuyến thăm của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda "đã kết thúc tốt đẹp" nhưng cộng đồng người Việt ở Ba Lan sẽ có tương lai thế nào vẫn luôn là câu hỏi hóc búa.

Những ai quan tâm tình hình chính trị ở Ba Lan đều biết là quốc gia này có một nền kinh tế đang phát triển khá nhanh trong khối Liên Hiệp Châu Âu, nhưng về chính trị thì lại đang có một số khó khăn và cụ thể là đang có một sự chia rẽ rõ rệt trong dân tộc Ba Lan. Đảng cầm quyền ở Ba Lan (mà Tổng thống đương thời của Ba Lan cũng là do đảng này dựng lên) đang có xu hướng muốn xây dựng quốc gia này trở thành một đất nước hùng mạnh, với tinh thần/chủ nghĩa dân tộc cao.

Vậy là họ có xu hướng không đồng tình với Liên Âu trong nhiều lĩnh vực. Nhưng các đảng đối lập ở Ba Lan thì vẫn muốn Ba Lan phải luôn luôn gắn bó chặt chẽ mọi quan hệ với Liên Âu, để cùng phát triển. Do vậy, khi Tổng thống cùng đoàn tùy tùng của mình và 65 doanh nghiệp Ba Lan sang Việt Nam tìm những mối quan hệ hợp tác mới, thì người ta cũng đã có đưa một số ý kiến có vẻ coi thường chuyến đi này, nhấn mạnh là tại sao Ba Lan không củng cố những mối quan hệ với những quốc gia hùng mạnh ở Châu Âu là Đức và Pháp (đầu tầu của Liên Âu), mà lại đi tìm những người bạn mới, ở tận Việt Nam, Kazachstan hay Etiopia (ngoàn những quốc gia này, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng đã có chuyến đi thăm Trung Quốc).

Nói chung đa số người dân Ba Lan đều được biết là Việt Nam hiện nay đang có những bước chuyển đổi khá mạnh mẽ. Họ cho là Việt Nam đang trở thành một con hổ của Châu Á. Mặc dù nền chính trị của hai quốc gia vẫn hoàn toàn khác biệt, nhưng họ biết là Việt Nam cũng ngày càng thoáng mở, nhất và về vấn đề phát triển kinh tế, nhà nước Việt Nam ngày càng quan tâm đến sự phát triển của những công ty tư nhân loại nhỏ và vừa.

Do vậy Ba Lan cho là cần tận dụng mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam trong quá khứ, để tìm cách xâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường các nước ASEAN ở Đông Nam Á, tức là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Ba Lan có thêm những thị trường mới để xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt khi họ biết là chỉ tính riêng Việt Nam, đây là một thị trường rất rộng lớn, với con số trên 90 triệu người tiêu dùng.

Do vậy, nói chung người ta cho rằng chuyến đi của Tổng thống sang Việt Nam là một bước đi đúng đắn. Nhiều hợp đồng hợp tác trực tiếp đã được ký kết, thí dụ như về lĩnh vực y dược : Tập đoàn Adamed sẽ đầu tư 50 triệu USD vào công ty dược khá lớn và đang phát triển nhanh nhất ở Việt Nam là Đạt Vi Phú. Tổng Giám đốc của Tập đoàn Adamed là bà Małgorzata Adamkiewicz và ông Giám đốc của Đạt Vi Phú là Phạm Tài Trường đều vui mừng là ngành dược ở Ba Lan và Việt Nam cũng sẽ được phát triển nhanh trong tương lai nhờ có sự hợp tác này.

balan2

Quầy bán món ăn Việt Nam tại khu thương mại Wólka Kosowska

Theo như Tổng cục Thống kê của Ba Lan cho biết, hiện nay quốc gia này xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu các mặt hàng nông nghiệp, chủ yếu là động vật và các sản phẩm từ động vật (đặc biệt là gia cầm), ngoài ra trong các mặt hàng xuất khẩu còn có nhiều sản phẩm ngành hóa học công nghiệp và ngành thiết bị vận chuyển. Do vậy người ta đang tò mò muốn biết là công ty của Ba Lan Wawrzaszek chuyên sản xuất xe cộ đặc biệt cùng các doanh nghiệp khác sang Việt Nam với những ý tưởng hay với những hợp đồng gì lớn cụ thể ?

Ngoài những hợp đồng trực tiếp giữa các doanh nghiệp, Ba Lan còn cho Việt Nam vay 250 triệu USD, để Việt Nam đặt mua hàng hóa của Ba Lan.

Văn phòng đại diện Cơ quan Đầu tư và Thương mại Ba Lan đã được thành lập ở Thành phố Hồ Chí Minh ắt hẳn sẽ là trung tâm giao dịch và là địa điểm để nhiều công ty của Ba Lan và cả của Việt Nam tìm đến để có thể phát triển những mối quan hệ hợp tác trong tương lai.

Ít ai biết rằng ở Thành phố Hồ Chí Minh còn có một cộng đồng người Ba Lan đang sinh sống ở Việt Nam khá đông đảo với con số vài chục người, họ đã thành lập là Hiệp hội người Ba Lan sinh sống ở Việt Nam với tên gọi "Polonia Sajgońska". Chủ tịch Hiệp hội này, ông Maciej Ryczko đến từ công ty Polviet Business Solutions in Vietnam cũng rất vui mừng là trong tương lai, mối quan hệ giữa hai quốc gia cũng sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

'Chung sống'

Một văn bản hợp tác quan trọng đã được ký kết trong lĩnh vực giáo dục, do vậy cả hai bên có hy vọng là sự trao đổi khoa học và giáo dục giữa hai quốc gia sẽ ngày càng được nâng cao. Trong chuyến thăm, Tổng thống Andrzej Duda đã trao tặng các huân chương công trạng của Ba Lan cho một vài cựu nhân viên ngoại giao và một số dịch giả Việt Nam Trong tương lai, ắt hẳn sẽ có nhiều sinh viên Việt Nam sang Ba Lan học tập, bởi vì dù sao chi phí cho công việc học tập ở Ba Lan vẫn không cao so với các quốc gia phương Tây khác, mà ở Ba Lan cũng có khá nhiều trường đại học uy tín, vậy bằng cấp mà sinh viên Việt Nam nhận được ở quốc gia này sẽ có giá trị không chỉ ở Châu Âu, mà khi về Việt nam cũng sẽ được đánh giá ngày càng tốt hơn.

Hiện nay các trường đại học có thể trực tiếp ký kết với nhau về vấn để trao đổi sinh viên. Có một điều thú vị nữa là ở trường Đại học Tổng hợp Adam Mickiewicz ở TP Poznań đang có ngành Việt Nam học (bộ môn nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Việt), sinh viên Ba Lan vẫn đang tích cực học tiếng Việt, với hy vọng là sẽ được sang Việt Nam thực tập, thậm chí sang tìm việc làm ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp ngành học này.

Cộng đồng người Việt ở Ba Lan cũng vui mừng khi mối quan hệ giữa Việt Nam và Ba Lan sẽ ngày càng phát tiển tốt đẹp. Cộng đồng này chưa thể được coi là cộng đồng dân tộc thiểu số ở Ba Lan, nhưng đang được phía Ba Lan đánh giá khá cao. Người ta cho là người Việt đã có khá nhiều đóng góp vào sự đa sắc tộc cho xã hội Ba Lan. Người Việt cũng có nhiều đóng góp vào nền kinh tế Ba Lan, đặc biệt là về vấn đề ẩm thực, vì hiện nay đã có rất nhiều người dân Ba Lan biết đến các món ăn ngon của Việt Nam như là món nem, mà người Ba Lan đã quen gọi với cái tên sajgonki, tức là nem Sài Gòn. Ngoài ra, người Ba Lan cũng đã phát âm tốt khi muốn đặt ăn món phở (Việt), mà không cần phải có một tên gọi riêng bằng tiếng Ba Lan.

balan3

Ông Ngô Hoàng Minh (phải) trong một buổi sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam tại Ba Lan

Người Việt thế hệ thứ hai ở Ba Lan đã khá nổi tiếng là rất chăm chỉ học hành, nhiều cháu đã và đang đạt được thành tích cao trong học tập. Do vậy, mặc dù có một số người Ba Lan hiện nay có xu hướng bài trừ người nước ngoài, nhưng nói chung người ta cho là trong tương lai người Việt sẽ không gây ảnh hưởng gì đến họ, mà hai dân tộc này có thể cùng hòa đồng chung sống với nhau.

Tuy nhiên, về chính sách di dân nói chung, Ba Lan vẫn khá thận trọng, không muốn cho nhiều người nước ngoài xâm nhập vào xã hội này (người Ucraina sang Ba Lan sinh sống và làm việc rất đông đảo, cũng chỉ vì là nhiều người Ba Lan đã và đang đi ra nước ngoài sinh sống, do vậy thị trường lao động ở Ba Lan đang cần nhiều nhân công). Vậy có thể phỏng đoán là Ba Lan cũng không sẽ không có chính sách dễ dàng mở cửa cho người Việt ồ ạt chuyển sang quốc gia này sinh sống, mà ngược lại, người ta đang tìm cách thắt chặt mọi vấn đề liên quan đến người nước ngoài ở Ba Lan, trong vấn đề cấp thẻ cư trú ở Ba Lan (muốn được nhận thẻ định cư, sẽ cần phải thông thạo ngôn ngữ Ba Lan).

Chính quyền Ba Lan đang rất quan tâm đến chuyện các công ty và người nước ngoài có chấp hành những nguyên tắc chặt chẽ về thuế má hay vấn đề đóng bảo hiểm hưu trí và y tế ở Ba Lan hay không, do vậy những cuộc kiểm tra của các cơ quan liên ngành vẫn liên tục xảy ra ở những khu có nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc.

balan4

Nhiều người Việt Nam làm nghề buôn bán quần áo tại Ba Lan

Như vậy, một mặt Ba Lan muốn giữ gìn mối quan hệ hữu nghị và tăng cường và phát triển những hợp tác làm ăn với Việt Nam, mặt khác cuộc sống và chuyện làm ăn của người Việt ở Ba Lan ắt hẳn vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong tình hình mới hiện nay. Cộng đồng người Việt ở Ba Lan sẽ có một tương lai như thế nào, sẽ vẫn luôn là một câu hỏi khá hóc búa không chỉ cho những người Việt đang sinh sống ở đây, mà còn cho cả những người đang có dự định chuyển sang đất nước tươi đẹp này sinh sống.

Dù sao, người Việt đang sinh sống ở Ba Lan đã vài chục năm nay, vậy có thể nói là hai dân tộc đã khá hiểu biết về nhau, vậy tất cả chúng ta có thể luôn nghĩ lạc quan về tương lai và nhớ đến một thực tế là nói chung người Ba Lan khá hiền lành và thân thiện, ngoài ra khi họ tồn tại được và ngày càng phát triển ở đất nước này, thì ắt hẳn người Việt cũng sẽ làm được như vậy, nếu tất cả chúng ta cùng cố gắng... làm theo như người Ba Lan, trong mọi lĩnh vực. Vậy là chúng ta sẽ hòa nhập tốt, chứ không phải lo sợ là chúng ta sẽ bị hòa tan.

Published in Diễn đàn

Cách đây khoảng 10 năm, Ba Lan quả là một miền đất hứa cho người Việt nhập cư.

balan1

Quán ở bờ biển Kolobrzeg : cuộc sống của người Ba Lan ngày càng được cải thiện sau thay đổi thể chế

Sau nhiều biến đổi ở Đông Âu, đặc biệt sau cuộc thay đổi thể chế chính trị thành công ở Ba Lan, rồi khi quốc gia này được gia nhập NATO và Liên Âu, ở đây quả thực có rất nhiều phát triển vượt bậc trong mọi khía cạnh, không chỉ về chính trị mà cả kinh tế và xã hội.

Cuộc sống của người dân Ba Lan ngày càng được cải thiện, thu nhập trung bình và mức sống ngày càng cao, mặc dù vẫn chưa thể so sánh được với các quốc gia Tây Âu.

Ngay từ những năm 90, có thể nói là cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã phát triển một cách cực kỳ nhanh chóng.

balan2

Quầy bán món ăn Việt Nam tại khu thương mại Wólka Kosowska

Trước đó, ở quốc gia này mỗi năm chỉ có vài chục sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tập. Ba Lan không nhận công nhân Việt Nam vào các nhà máy làm việc hay đi học nghề.

Chỉ có một đoàn nhân viên (toàn nữ) duy nhất, khoảng vài chục người sang với danh nghĩa là học nghề, nhưng thực ra là để làm việc trong nhà máy dệt may ở Lodz, miền Trung Ba Lan.

balan3

Trung tâm ASG nằm về phía Nam của Warsaw có nhiều quầy hàng của người Việt Nam và Trung Quốc

Khi được tự do ở lại quốc gia này, những người này cùng nhiều người Việt Nam khác đã bắt đầu chọn nước Ba Lan của một thời đại mới là nơi sinh sống của mình từ những năm đó.

Rồi khi ở Ba Lan có một khu buôn bán lớn nhất Đông Âu, gọi là chợ trời Sân Vận động Mười Năm (Stadion Dziesieciolecia), thì con số người Việt sang Ba Lan sinh sống lên tới vài chục ngàn người.

Không có số thống kê cụ thể, vì ở những thời trước, chuyện quản lý hộ khẩu và giấy tờ cư trú của chính quyền Ba Lan đối với người nước ngoài nói chung và người Việt nói riêng vẫn chưa bị kiểm soát chặt chẽ như hiện nay.

Người ta thường nhắc đến con số 50 ngàn, 70 ngàn và thậm chí có nguồn báo chí còn đưa tin là có khoảng 100 ngàn người Việt sinh sống ở Ba Lan.

Giấy tờ cư trú EU

Hiện nay tổng số người Việt sinh sống ở Ba Lan cũng chỉ còn khoảng 30 ngàn người, khi đã có những nghiên cứu tính toán khá cụ thể.

Hơn 10 ngàn người vẫn được Sở Ngoại kiều cấp lý thẻ cư trú (ngắn hạn hay dài hạn), khoảng 5 ngàn người đã được cấp quốc tịch Ba Lan, vài ngàn người sử dụng giấy tờ do các quốc gia khác trong Khối Schengen cấp (nhưng được sinh sống ở Ba Lan) và vài ngàn người vẫn chưa có thẻ cư trú ở Ba Lan, tức là vẫn đang sinh sống bất hợp pháp ở quốc gia này.

balan4

Nhiều người Việt Nam làm nghề buôn bán quần áo tại Ba Lan

Sở dĩ có sự thay đổi là vì ở Ba Lan đã không còn khu chợ trời lớn nhất kia, mà đã xây dựng được một vài khu trung tâm thương mại, bởi vì người Việt ở Ba Lan chỉ có nguồn thu nhập chính là buôn bán hàng vải và giày dép.

Một số người Việt khác kinh doanh nghề ẩm thực. Gần đây mới bắt đầu xuất hiện nghề nail. Chính quyền Ba Lan cũng ngày càng thắt chặt những chính sách đối với người nước ngoài, thường xuyên kiểm tra chuyện hợp pháp hóa cư trú và chuyện làm ăn thuế má ở những khu có nhiều người nước ngoài lao động.

Ngoài ra người Trung Quốc cũng dần dần chiếm lĩnh được thị trường buôn bán ở Ba Lan. Nghe nói họ đoàn kết với nhau, làm ăn với quy mô lớn, lâu dài và ổn định hơn.

Nhu cầu về hàng hóa buôn bán ở những khu trung tâm thương mại của người Việt thì ngày càng giảm.

Tình hình mưu sinh làm ăn để phục vụ cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, do vậy đã có nhiều người Việt trở về quê hương Việt Nam sinh sống, hoặc đi tiếp sang các quốc gia Phương Tây khác để tìm miền đất hứa mới cho mình, cũng y như người Ba Lan (từ xưa tới nay người dân Ba Lan rời bỏ quê hương đi ra nước ngoài sinh sống vẫn khá đông, mà chưa thấy mấy ai hồi hương).

Chính quyền Ba Lan đã có 3 lần thoáng mở luật cư trú, tạo điều kiện cho những người nước ngoài có cơ hội hợp pháp hóa cư trú, cụ thể là họ đưa ra chính sách khoan hồng gọi là "cấp thẻ nhân đạo" (ân xá) cho những người đang sinh sống ở Ba Lan bất hợp pháp.

Lần đầu là năm 2003 và lần thứ 3 là năm 2012. Hiện nay khó mà hy vọng là Ba Lan sẽ cho ra bộ luật nhân đạo thêm một lần nữa, bởi vì người ta không muốn có quá nhiều người dân Ấn Độ, Pakistan hay đặc biệt là những người theo đạo Hồi sang Ba Lan xin giấy tờ cư trú, nhân dịp có những lần khoan hồng như vậy.

Tuy nhiên, do nền kinh tế đang phát triển mạnh, Ba Lan lại đang cần thêm rất nhiều nhân công.

Người Ukraine đã và đang chuyển sang Ba Lan làm việc với số lượng đông đảo. Những chính sách xin/cấp giấy phép lao động (tương đương với việc cấp quyền cư trú) ở Ba Lan cũng có phần thoáng mở hơn.

Gần đây có một số lượng khá đông người Việt lại sang Ba Lan xin giấy tờ cư trú. Những người có visa Schengen được vào Ba Lan tự do, nếu xin được việc làm ở một công ty nào đó thì những người này được quốc gia này cấp cho giấy phép lao động và thẻ cư trú từ 1 đến 3 năm.

Sau 5 năm làm việc đàng hoàng, có đóng thuế và bảo hiểm đầy đủ và liên tục, người nước ngoài được cấp thẻ cư trú lâu dài, gọi là thẻ định cư.

Nhân dịp này có một số người Việt có lẽ chỉ sang Ba Lan để xin cấp thẻ cư trú, rồi lại trở về các nước khác sinh sống. Bởi vì là nguồn thu nhập ở Ba Lan vẫn chưa thể so sánh được với các quốc gia Tây Âu.

Một số khác có lẽ chỉ muốn kiếm cho mình tấm thẻ cư trú ở Châu Âu, kiếm được visa du lịch Schengen, rồi sang Ba Lan để xin cấp thẻ cư trú "để dành", chứ thực ra hiện nay vẫn đang còn có công việc, tức là đang sinh sống ở Việt Nam.

Nhưng thời gian chờ đợi ra được tấm thể cư trú ngày càng dài, lên đến vài tháng, vì người ta xem xét hồ sơ ngày càng kỹ hơn, xem người nộp đơn có nhu cầu sinh sống thực sự ở Ba Lan hay không.

Ngoài ra Cục Biên phòng Ba Lan vẫn thường xuyên đi kiểm tra những nơi làm việc của người nước ngoài. Trong giấy phép lao động của người nước ngoài có thể ghi là người này có vị trí công việc là "chuyên viên bán hàng", vậy mà khi kiểm tra thì phát hiện ra là người nước ngoài đó đang làm việc trong tiệm sơn cắt móng tay.

Do vậy, quyết định cho pháp lao động và cư trú sẽ có thể bị thu hồi, vì làm việc không đúng mục đích ghi trong giấy phép.

Ngoài ra nhà chức trách còn phát hiện ra là có một số người nước ngoài sử dụng visa giả trong hộ chiếu, rồi nộp đơn xin thẻ cư trú ở Ba Lan.

Do vậy, có lẽ trong thời gian tới, chuyện xin được tấm thẻ cư trú ở Ba Lan lại sẽ không hề đơn giản.

Bởi vì theo Bộ luật về người nước ngoài của Ba Lan, người ta không thể chấp nhận những người xin cư trú mà đã có những hành vi gian trá trong các loại giấy tờ nộp kèm theo đơn và có gian trá nói dối khi bị phỏng vấn.

Vậy là Ba Lan vẫn không hề dễ dàng trong vấn đề nhập cư. Lực lượng Biên phòng Ba Lan vẫn làm việc rất tích cực. Khi phát hiện ra những người nhập biên trái phép từ phía Đông, họ thường tìm mọi cách trả lại ngay sang quốc gia bên kia biên giới.

balan5

Thủ đô Warsaw : có những người Việt Nam từ nước khác sang Ba Lan để làm giấy tờ cư trú có giá trị trong khối Schengen

Khi bắt giữ được người nước ngoài chưa có thẻ cư trú ở trong nội địa Ba Lan, người ta đưa những người này vào trại có canh gác, rồi tìm cách ép quốc gia xuất xứ nhận những người này hồi hương.

Thu nhập của người lao động ở Ba Lan ngày càng khá dần, nhưng không hề cao, do vậy khi những người Việt mới sang Ba Lan làm ăn thường gặp nhiều khó khăn, vì rào cản ngôn ngữ.

Mà thường thì tay nghề của người Việt cũng không cao, nên khó xin được việc làm theo đúng nghề nghiệp.

balan6

Cửa tiệm bán lẻ quần áo của người Việt trong khu thương mại ở Wólka Kosowska, gần Warsaw

Đây là lý do đa số chỉ có cách là đi làm thuê cho những người Việt đã sinh sống nhiều năm ở Ba Lan, vì họ đã lập công ty buôn bán tư nhân riêng.

Nhiều người Việt trước đây đã có thu nhập khá tốt, cuộc sống đã ổn định, đã đầu tư mua được nhiều bất động sản, do vậy hiện nay họ không còn nhu cầu phải tiếp tục bươn chải trong chuyện nhập hàng hay là trực tiếp đi buôn bán nữa.

Có thể nói là nhiều người đã thành đạt, hiện nay có thời gian hưởng thụ những đồng tiền mình kiếm được, tích cực đi du lịch hay tham gia thể thao, bóng đá, tennis, golf, khi chuyện buôn bán đã không còn dễ dàng như xưa.

Có thêm một số người Việt sang Ba Lan xin cư trú, nhưng thỉnh thoảng vẫn có người bỏ sang nước khác sinh sống, do vậy có thể nói là con số khoảng 30 ngàn người Việt sinh sống ở Ba Lan sẽ không thay đổi trong một thời gian dài sắp tới.

Có điều đáng nhấn mạnh là cộng đồng người Việt ở Ba Lan khá thuần, chăm chỉ làm ăn, không gây nhiều phiền hà cho chính quyền nước sở tại, trẻ em chăm chỉ học hành, đạt nhiều thành tích.

Chính quyền Ba Lan chưa bao giờ kêu ca là tỷ lệ tội phạm của cộng đồng này là một con số đáng quan ngại.

Do vậy vấn đề người ta có gây khó khăn cho người Việt khi xin giấy phép cư trú hay không, cũng phụ thuộc vào chính người Việt.

Người Ba Lan sẽ xem xét kỹ là người Việt có nhu cầu thực sự sang lao động và sinh sống ở Ba Lan hay không, tức là cộng đồng này có mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và xã hội Ba Lan trong tương lai hay không.

Ngô Hoàng Minh

Nguồn : BBC, 21/09/2017

Tác giả Ngô Hoàng Minh là phiên dịch viên tuyên thê làm việc cho Bộ Tư pháp Ba Lan. Ông sang Ba Lan du học từ 1980, tốt nghiệp ngành lập trình, khoa Tin học Đại học Bách khoa Wroclaw và hiện định cư ở Warsaw.

Published in Văn hóa