Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 07 mars 2023 23:14

Tiễn biệt Ngọc Hoài Phương

Tin Ngọc Hoài Phương ra đi không bao giờ trở lại đã nhắc tôi nhớ lại những tháng năm hai đứa làm báo với nhau tại Sàigòn trước 1975.

Ngochoaiphuong1 (2)

Chân dung Ngọc Hoài Phương - Ảnh Phạm Trần

Thuở ấy trên khúc đường Gia Long, giữa Nguyễn An Ninh và Ngã sáu Sài Gòn, có ba Tòa soạn báo Thời Luận, báo Tiếng Chuông và báo Dân Chủ có mặt từ thời Đệ I Việt Nam Cộng Hòa.

Ngọc Hoài Phương làm cho báo Thời Luận của cụ Nghiêm Xuân Thiện và tôi làm cho báo Dân Chủ của ông Vũ Ngọc Các. Cả hai báo đều sống chật vật và thường bị Bộ Thông tin làm khó dễ vì có lập trường đối lập với Chính quyền.

Một người hiền lành

Nói về nghề nghiệp thì cả hai chúng tôi, giống như hầu hết ký giả thời ấy, đều không được học làm báo tại nhà trường vì thời ấy không có lớp "dạy làm báo". Chúng tôi biết làm báo và làm phóng viên là nhờ "học lóm" được từ các lớp đành anh trong nghề.

Sở trường của Phương là làm Thơ, nhưng Thơ không làm ra tiền nên anh phải sống nhờ viết tin cho báo. Anh không chuyên loại tin nào, nhưng rất thính các loại tin kinh tế và xã hội. Ngược lại tôi lại chuyên về tin chính trị và quân sự.

Vì tin của Phương "không đụng chạm đến ai" nên được các báo "chỉ biết làm thương mại" ưa chuộng. Nhờ vậy, bỗng chốc đã thấy tên anh xuất hiện trên hai báo Ngôn Luận của ông Hồ Anh và Tiếng Vang của Quốc Phong. Tất nhiên thêm báo là thêm tiền nên cuộc sống của anh thoải mái hơn nhiều ký giả đồng nghiệp.

Phương Kều

Đối với anh em trong nghề, chúng tôi gọi anh là "Phương Kều" vì anh gầy gò và cao. Anh là một trong số nhà báo "hiền như Bụt" và không biết giận hờn với ai. Cả hai chúng tôi đều gia nhập Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt do nhà báo Nguyễn Kiên Giang làm Chủ tịch. Kkhi ký giả Nguyễn Thanh Hoàng (báo Chính Luận) thành lập Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam thì Phương và tôi cũng tham gia. Vì vậy mà ông Nguyễn Kiên Giang mới hỏi gặn chúng tôi : "Tụi bay bắt cá hai tay hả ?". Phương Kều vừa cười vừa trả lời : "Tụi em bắt cả hai tay cho chắc ăn" !

Nhưng cuộc đời làm báo của chúng tôi tưởng bình yên lại bất ngờ chuyển sang một khúc quanh không mấy thuận lợi khi Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, vào năm 1972, áp dụng Sắc luật 007, theo đó mỗi tờ báo phải ký quỹ một số tiền rất lớn mới được hành nghề khiến nhiều tờ báo tầm vó nhỏ không đủ tiền ký quỹ đành phải đóng cửa.

Bách khoa Toàn thư (Wikipedia) mở viết : "Theo điều luật này, tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng thì sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Điều này được xem như dùng "bàn tay sắt" đối với giới báo chí. Nhiều tờ báo bị đóng cửa, chủ báo bị phạt, bị tịch thu tiền ký quỹ, một số người còn bị tù. Có khoảng 70% người làm báo bị thất nghiệp. Trước tình hình đó, các nghiệp đoàn ký giả ở Sài Gòn đã tập hợp lại để tìm ra một biện pháp nhằm cứu nguy cho báo chí".

Đi ăn mày

Bách khoa Toàn thư viết tiếp : "Ngày 8 tháng 9 năm 1974, một cuộc họp liên tịch đã được hội chủ báo tổ chức, với ba đoàn thể ký giả tham dự là : Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt,Hội ái hữu ký giả Việt Nam và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam . Cuộc họp đã bầu ra Ủy ban đấu tranh đòi tự do báo chí do ông Nguyễn Văn Binh, dân biểu đối lập, đại diện báo Đại Dân Tộc làm chủ tịch . Nhiệm vụ trước hết của Ủy ban này là chống lại việc thi hành Sắc luật 007.

Hình thức đấu tranh "ký giả xuống đường đi ăn mày" được thống nhất. Các đại diện của ban tổ chức gồm có : Nguyễn Kiên Giang (chủ tịch Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt), Tô Văn, Phi Vân của đoàn Nam Việt ; nhà báo Văn Mại (cựu tổng thư ký tòa soạn báo Buổi Sáng), Lý Bình Hiệp, Trần Kim Uẩn của Hội ái hữu ký giả Việt Nam ; Thanh Thương Hoàng, Thái Dương, Tô Ngọc của Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Trong đó, các thành viên Văn Mại, Đoàn Hùng, Ái Lan, Ninh Anh lo chuyện tài chính. Ngoài ra, thành phần dẫn đầu còn có nhà báo Nam Đình (chủ báo Thần Chung và sau là Đuốc Nhà Nam)Trần Tấn Quốc (chủ nhiệm tờ Tiếng Dội Miền Nam và là người khởi xướng giải thưởng cải lương Thanh Tâm), linh mục Nguyễn Quang Lãm, Chủ nhiệm báo Xây Dựng, nhà báo Tô Nguyệt Đình tức Nguyễn Bảo Hóa, nhà thơ nhà báo soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà…".

Danh xưng ban đầu là "Ngày báo chí xuống đường đi ăn mày", nhằm tập hợp, tranh thủ giới chủ báo và tất cả những người làm việc trong bộ máy làm báo, từ ký giả, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết trên báo, họa sĩ, nhiếp ảnh viên, những người làm công tác trị sự, phát hành báo, thầy cò... gọi chung là "công nhân liên thuộc".

Ban tổ chức quyết định chọn ngày 10 tháng 10 năm 1974 làm ngày xuống đường biểu tình. Nón lá, bị, gậy (các vật dụng của ăn mày) được chuẩn bị sẵn. Các khẩu hiệu làm sẵn đeo trên ngực, kẻ trên nón lá dòng chữ "10-10-1974, ngày ký giả đi ăn mày". Các lực lượng cũng được bố trí theo vòng trong, vòng ngoài, sẵn sàng đối phó với việc bị khủng bố từ phía chính quyền.

Suốt trong ngày 9/10/1974, rất nhiều thành phần trong giới báo chí, quần chúng cảm tình với báo chí, nghị sĩ, dân biểu... đã đến Câu lạc bộ báo chí (số 15 Lê Lợi) để bày tỏ cảm tình, tiếp tế bánh mì,thuốc lá,cà phê, cam, chanh ".

Tôi và Ngọc Hoài Phương đã hòa nhập vào đoàn người xuống đường diễn hành. Phương Kều và tôi đều đeo trước ngực tấn biển nhỏ "Ký giả đi ăn mày". Khi đoàn biểu tình định tiến vào Tòa nhà Hạ Nghị Viện thì bị lực lượng cảnh sát nổi và an ninh chìm chận lại.

Ngọc Hoài Phương ra hải ngoại

Sau cuộc biểu tình, hàng ngũ ký giả tan hàng và hầu hết đều thất nghiệp. Chỉ còn lại những ai làm cho báo tiếng Hoa và báo nước ngoài tồn tại cho đến ngày 30/4/1975.

Tôi và Phương mất liên lạc với nhau từ dạo ấy cho đến năm 1976, sau khi tôi đã đến Hoa Thịnh Đốn, bỗng dưng nhận được Tập san Hồn Việt ở San Diego, California, do Nguyễn Hoàng Đoan và Phương Kều đứng đầu biên tập, gởi tặng.

Chúng tôi rất vui khi gặp lại và cùng nhau làm báo từ dạo ấy, nhưng nghề báo ở nước ngoài không nuôi sống chúng tôi. Rất may, Phương có bà vợ, chị Lâm Ngọc Phương Dung, rất đảm đang. Chị là một chuyên viên sửa sắc đẹp phụ nữ nên bao nhiêu tiền làm ra, chị dành một phần cho Phương Kều làm báo.

Có lần Phương khoe với tôi : "Tao may mắn hơn chúng mày. Từ ngày sang Mỹ đến giờ tao chỉ biết làm báo, không làm nghề nào khác". Trong khi hai đồng nghiệp một thời với Phương ở "lò" Thời Luận là Sao Biển và Tâm Chung thì rất lận đận và làm đủ mọi nghề để sống.

Cũng muốn nhắc lại là sau khi ký giả Duy Sinh Nguyễn Đức Phúc Khôi vượt biển sang Orange County (Cali, Mỹ) năm 1980, Phương Kều lại cùng Duy Sinh thành lập Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam hải ngoại. Duy Sinh giữ chức Chủ tịch và Phương làm Tổng Thư Ký. Duy Sinh là người năng nổ, bạo miệng, muốn làm những chuyện "tầy trời", ngược lại Phương Kều điềm đạm nên được nhiều anh em quý mến. Đã có lần được yêu cầu giữ ghế Chủ tịch nhưng Phương từ chối. Phương bảo : "Làm chức gì thì có được trả lương đâu mà còn làm anh em mất lòng. Thôi kệ, để cho Duy Sinh làm đi".

Theo nhà báo Phan Tấn Hải, trong cuộc phỏng vấn của nhà thơ Du Tử Lê, nhà báo Ngọc Hoài Phương tự khai : "Tôi là dân "Bắc kỳ di cư" 1954 sau khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước. Quê quán tại làng Quan Đình, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Nhưng trong thời Pháp thuộc, làng tôi và một số làng kế cận được sát nhập vào quận Đông Anh, tỉnh Vĩnh Phúc Yên. Trên giấy tờ ghi ngày sinh của tôi là 18 tháng 10 năm 1942, nhưng bố tôi lại bảo thật sự tôi tuổi Tân Tỵ. Là con trai lớn trong một gia đình gồm 10 anh em (7 trai, 3 gái) qua hai đời mẹ (cả hai bà đều là con gái họ Đàm nổi tiếng của làng Me, Từ Sơn, Bắc Ninh). Như vậy, theo người miền Bắc thì tôi được gọi là "Cậu Cả".

Đấy là Ngọc Hoài Phương, một nhà báo và nhà thơ bạn tôi đã vĩnh viễn ra đi ngày 28/02/2023 tại Quận Cam (California). Xin tiễn bạn hiền thảnh thơi đi về Cõi Phật.

Phạm Trần

(07/03/2023)

Additional Info

  • Author Phạm Trần
Published in Văn hóa

Nhà báo Ngọc Hoài Phương - một nhà thơ suốt đời chỉ sống bằng nghề báo - vừa ra đi. Anh là người đã nhiều năm sống trong nghề báo tại Việt Nam trước 1975, và khi ra hải ngoại đã sáng lập nguyệt san Hồn Việt để hình thành một dòng sống văn hóa Việt cho cộng đồng gốc Việt tại Quận Cam. Trong khi anh Ngọc Hoài Phương cầm bút trong làng báo, bên cạnh anh từ những ngày tại Việt Nam là hiền thê Lâm Ngọc Phương Dung hoạt động trong ngành truyền hình Miền Tây Việt Nam.

ngochoaiphuong1

Nhà báo, nhà thơ Ngọc Hoài Phương ra đi

Bản Cáo Phó từ bà quả phụ Lâm Ngọc Phương Dung, pháp danh Diệu Hạnh, viết : "Ký giả Ngọc Hoài Phương, tên khai sanh Nguyễn Ngọc Kiểm, pháp danh Tuệ Phương, sanh ngày 18/10/1942, tại Bắc Ninh, Việt Nam. Đã giã từ Cõi Tạm để về Cõi Phật lúc 8 giờ sáng ngày 28/2/2023 tại tư gia ở Westminster, California. Hưởng thọ 82 tuổi".

Khi nói tới dòng sống văn hóa Việt tại Quận Cam, tất nhiên phải nhớ tới báo Hồn Việt, nhớ tới hình ảnh nhà báo Ngọc Hoài Phương miệt mài với các vận động hình thành Little Sài Gòn, và nhớ tới chị Phương Dung, một nữ Phật tử nhiệt tâm từng tổ chức những pháp hội đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma trong đó chị là một người thông dịch chính.

Nhà thơ Du Từ Lê trong bài "Ngọc Hoài Phương, Tính chất nhà báo trong thi ca" đã kể về những thời gian mới cầm bút của anh Ngọc Hoài Phương :

(trích)

"Chỉ biết thời trung học, ông rất xông xáo, nhiệt tình với những sinh hoạt văn nghệ học sinh thời đó. Nhưng giai đoạn này của Ngọc Hoài Phương đã chấm dứt sớm khi ông chính thức bước chân vào làng báo. Khoảng giữa năm 1964, ông nhận lời phụ trách trang văn nghệ, rồi mau chóng trở thành Phụ tá Tổng thư ký nhật báo Thời Luận của giáo sư Nghiêm Xuân Thiện.

Khởi từ bệ phóng nhật báo Thời Luận, tính tới ngày di tản khỏi Sài Gòn, Ngọc Hoài Phương được giới ký giả ghi nhận là, một trong những ký giả thành công nhất, qua nhiều vai trò, chức vụ của nhiều nhật báo, tuần báo khác nhau ở Sài Gòn.

Định cư tại miền nam California, ngay những tháng năm đầu tiên của đời tỵ nạn, Ngọc Hoài Phương cũng đã trở lại với sinh hoạt báo chí, như một cái nghiệp mà, ông không thể bỏ được. Đó là thời gian ông cùng với cố ký giả Nguyễn Hoàng Đoan và một vài thân hữu nữa, dựng bảng Hồn Việt ở San Diego, trước khi di chuyển về vùng Los Angeles.

Khi tạp chí Hồn Việt được sang tên cho ông Đỗ Ngọc Tùng thì, Ngọc Hoài Phương là người được ông Tùng yêu cầu ở lại, tiếp tục trông nom tổng quát tờ báo này. Tới năm 1989, ông chính thức trở thành chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Hồn Việt do ông Đỗ Ngọc Tùng trao lại".

(hết trích)

Tuy nhiên, mang thân phận cầm bút lưu vong, nhà báo Ngọc Hoài Phương vẫn tự thấy anh như một con cá xa nguồn. Đó là hình ảnh anh ghi lại trong thơ, trích :

...Con cá mắc cạn

Ta như con cá xa nguồn

Bao nhiêu năm

Vẫn chẳng buồn trách ai.

Cuộc đời

Bớt một

Thêm hai

Thế cho nên

Chuyện dông dài

Vậy thôi… 

Trong một bài viết có nhan đề "Một thời văn nghệ học sinh : Ngọc Hoài Phương", nhà thơ Du Tử Lê kể lại trên trang nhà dutule.com hồi năm 2012 :

(trích đoạn phỏng vấn)

"Du Tử Lê : Trước nhất, xin ông một tiểu sử vắn tắt.

Ngọc Hoài Phương : Tôi là dân "Bắc kỳ di cư" 1954 sau khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước. Quê quán tại làng Quan Đình, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Nhưng trong thời Pháp thuộc, làng tôi và một số làng kế cận được sát nhập vào quận Đông Anh, tỉnh Vĩnh Phúc Yên. Trên giấy tờ ghi ngày sinh của tôi là 18 tháng 10 năm 1942, nhưng bố tôi lại bảo thật sự tôi tuổi Tân Tỵ. Là con trai lớn trong một gia đình gồm 10 anh em (7 trai, 3 gái) qua 2 đời Mẹ (cả hai bà đều là con gái họ Đàm nổi tiếng của làng Me, Từ Sơn, Bắc Ninh). Như vậy, theo người miền Bắc thì tôi được gọi là "Cậu Cả".

Du Tử Lê : Kế tiếp, chúng tôi được biết hồi còn học trung học, ông đã có những sinh hoạt mà, danh từ thời đó, gọi chung là "văn nghệ học sinh". Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là, ông đã đến với sinh hoạt văn nghệ học sinh trong hoàn cảnh nào ? Hay bắt nguồn từ những lý do gần, xa nào ?

Ngọc Hoài Phương : Theo tôi, ở bất cứ lứa tuổi nào trong đời người cũng đều cần có "trò chơi". Khi còn nhỏ thì đánh bi, đánh đáo, nhảy dây... Lớn lên một chút, có người thích đá banh, bơi lội, bóng chuyền hoặc... đánh lộn. Một số người khác như tôi chẳng hạn, lại thích có một chút "văn nghệ, văn gừng" cho vui. Tôi nhớ thời đó, giữa thập niên 50, dưới mái trường Chu Văn An - Thầy Vũ Ngô Xán làm hiệu trưởng - lớp Đệ Lục B.2 chúng tôi có một đội đá banh lừng lẫy mà các đội banh của các lớp khác phải kiêng nể với những tên tuổi mà, cho đến nay, gần sáu mươi năm đã trôi qua, bạn bè cùng thời vẫn chưa thể quên được như thủ quân Trương Trọng Trác (nhà báo Trọng Kim), thủ môn "Minh Dê" (Nguyễn Quang Minh), trung phong Văn Sơn Trường (sau này là một bác sĩ của binh chủng Hải quân), các cầu thủ "Ngân Ngố" (Ngô Đình Ngân), "Toàn Bò" (Luật sư Nguyễn Thế Toàn), Lê Ái Quốc (sau này là Trung tá Không quân), Trương Minh Triết, Nguyễn Ngưu, "Cò Viễn" (Nguyễn Chí Viễn)... Một nhóm khác với Nguyễn Khắc Thành, "Cậu Trời" Nguyễn Ngọc Chân... và tôi tập tành làm quen với thơ văn qua những "tác phẩm" trên tờ bích báo của lớp... Thật sự mà nói thì hồi đó, ngay cả trong những năm cuối của bậc trung học, khi đã tìm được "đất dụng võ" trên nhật báo Ngôn Luận và tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong của ông Hồ Anh (Nguyễn Thanh Hoàng), chúng tôi cũng chẳng bao giờ ôm giấc mơ rằng mình sẽ trở thành "nhà thơ, "nhà văn" hay "nhà báo" gì cả, mà giản dị chỉ là một cuộc vui chơi, giải trí trong lớp tuổi học trò mà thôi".

(hết trích)

Nhà báo Ngọc Hoài Phương cũng là một nhà thơ độc đáo trong kiểu riêng của anh, và đã từng ấn hành tập thơ nhan đề "Cõi Tạm". Nhà thơ Lê Giang Trần kể lại trong bài viết nhan đề "Cõi tạm của Phương ‘Kều’" với một vài hình ảnh đầy thương nhớ và thơ mộng về anh :

(trích)

"...Nhà thơ Ngọc Hoài Phương là một người tôi xem như là anh ruột của mình cũng giống như nhà thơ Du Tử Lê. Hai người "Anh" này đã hết sức đặc biệt dành cho tôi một tình thương từ khi mới quen biết đến mãi mãi về sau, luôn gần gũi, dịu dàng, an ủi mỗi khi tôi lâm vào hoàn cảnh thương khó...

Cõi tạm" được Ngọc Hoài Phương dùng đặt tựa cho tập thơ mà hầu hết gom lại thơ đăng qua một thời gian trên nguyệt san Hồn Việt của ông, do Việt Dzũng thực hiện và xuất bản năm 1992. Rồi đến năm 1999 in thêm một tập thơ, Ngọc Hoài Phương chỉ thêm vào hai chữ "vẫn còn", là thi tập "Vẫn còn cõi tạm"…

Tôi đã nhìn ra một Ngọc Hoài Phương công tử ngay từ vài lần đầu gặp mặt ; với tôi, "công tử" là một phong thái, phong cách, toát ra thanh lịch, hấp dẫn nhìn vào bằng thiện cảm ; hoàn toàn không phải kiểu công tử nhà giàu kênh kiệu sinh ra đã ngậm thìa vàng muỗng bạc. Chàng luôn diện kẻng, áo quần sang trọng bảnh bao, nếp ủi bén ngót ; và nào phải chỉ qua diện âu phục, chàng luôn ăn nói dịu dàng, phong cách thơ thới tự tại, khiêm cung nhưng thể hiện phong độ chững chạc tự tin.

Nói chung anh có tính hiền lành với mọi người, đến người em nhỏ tuổi như tôi, anh chưa bao giờ tỏ thái độ kẻ cả. Suốt 37 năm từ ngày biết anh, tôi chưa bao giờ nghe anh "nói xấu" hay "kêu ca" bất cứ ai. Anh đã trong nghề báo chí 50 năm, từ Việt Nam rồi tiếp tục ở Mỹ, từng một thời là công tử Sài Gòn, thì Sài Gòn Nhỏ bên trời lận đận này cũng thế, vẫn là một công tử thứ thiệt : hào hoa, trang nhã, lịch sự, phong cách, đầy bằng hữu, đầy sự quý mến của mọi người, và anh không bao giờ cao ngạo. Đức tính thiện lành của anh, thơ của anh, bài viết báo của anh, tất cả minh bạch một tâm hồn cao thượng, một con người nhân bản...".

(hết trích)

Nhà thơ Ngọc Hoài Phương sáng tác thơ như thế nào ? Chị Phương Dung, hiền thê của anh, đã kể lại qua cuộc phỏng vấn của Sóng Văn, qua bài trên Trang nhà Luân Hoán có nhan đề "Nhà thơ Ngọc Hoài Phương qua bà Phương Dung" như sau :

(trích)

Sóng Văn : Xin cho biết một ít thói quen của ông nhà trong lúc sáng tác ?

Phương Dung : Ông chồng tôi sáng tác (làm thơ) rất bất thường, chẳng có trạng thái nào báo trước cả, chẳng hạn như mỗi sáng lái xe đưa tôi đến tiệm, xe vừa ngừng ở đèn đỏ, chàng bèn rút bút ra ghi vội mấy câu thơ. Đèn xanh, xe chạy, chàng đọc lại cho tôi nghe, và hỏi được không ? Chẳng hiểu các nhà văn nhà thơ khác trước và sau khi sáng tác có những trạng thái ra làm sao, tôi không được rõ, riêng ông chồng tôi, chẳng thấy một dấu hiệu gì khác lạ trước và sau khi làm xong mấy câu thơ mới...

Sóng Văn : Bà đã từng có những đóng góp vào công việc sáng tác của ông nhà ?

Phương Dung : Tôi còn nhớ ngày xưa ông chồng tôi thường làm thơ ướt át loại "than mây khóc gió" Và tôi vẫn góp ý là sao thơ của bố giống thơ... đau ban quá vậy ? Nhờ vậy dần dà chàng đã chuyển hướng để có được các câu thơ về Thiền và Đạo".

(hết trích)

Theo nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiển, trong sách "Đọc mười hai tác phẩm văn chương Việt Nam" của Nhà xuất bản Thư Ấn Quán phát hành năm 2014, trong chương riêng về 2 tập thơ của Ngọc Hoài Phương đã phân tích như sau :

(trích)

"Đọc "Cõi tạm" và "Vẫn còn cõi tạm" của Ngọc Hoài Phương

Người đời vẫn nói rằng tình yêu là đề tài muôn thuở của thi nhân. Nhưng luôn luôn tình yêu đau khổ nhiều hơn hạnh phúc, nên cổ nhân nói "lưới tình" ! Phải, tình yêu là một cái lưới, hễ ai vướng vào thì chắc chết... như con cá vướng vào lưới của người ngư phủ ! Vậy mà, đối với Ngọc Hoài Phương, tôi tìm mãi trong "Cõi tạm" và "Vẫn còn cõi tạm", tôi không hề thấy Phương vướng vào lưới tình ! Hay là Phương có vướng, mà giấu biệt đi, không đem nó vào thơ ! Tình yêu, đối với Phương, tôi cảm nhận nó nhẹ nhàng, nó không làm ray rứt, nhớ nhung, dằn vặt, đau đớn... Tình yêu chỉ là hợp tan thường tình :

"Em còn lễ Phật trong chùa

Ta ngồi chờ ở cuối bờ trần gian

Một mai, hết chuyện hợp tan

Câu kinh Bát Nhã âm vang cõi trời"

(Cõi tạm, trang 27, Nhà xuất bản Hồn Việt, 1992)

Và cũng chỉ là duyên nợ mà thôi :

"Không duyên thì cũng nợ nần

Cách nào cũng chỉ có ngần ấy thôi

Một mai bỏ phố về trời

Với em tìm lại sáng ngời cõi Tiên

Ở đây ta giấu muộn phiền

Cõi nào cũng chẳng bình yên để về

Cõi trần còn lắm nhiêu khê

Cõi sau biết có cận kề-nợ-duyên !"

(Cõi tạm, trang 91)".

(hết trích)

Còn lời của nhà thơ Ngọc Hoài Phương tâm sự ra sao ? Trong bài viết nhan đề "25 năm sau ở quán Biên Thùy" thi sĩ Ngọc Hoài Phương tự kể như sau :

(trích)

"...Có lẽ một phần vì lời "hăm he" của Thông Híp nên cuối năm Đệ Tam, lớp tôi có 8 cậu thi nhẩy đậu Tú Một, mà toàn đậu Bình và Bình Thứ mới hách chứ. Cái lạ nhất mà có lẽ suốt đời tôi không thể quên được là "Thủ Khoa Toàn Quốc" năm đó là một trong những người thuộc lớp tôi : Nguyễn Gia Kiểng. Năm sau Kiểng lại chiếm chức Thủ Khoa Toàn Quốc Tú II và vồ một học bổng qua Tây… Năm Đệ Tam, Nguyễn Gia Kiểng là Trưởng lớp, tôi nắm chức Trưởng ban Văn Nghệ, Vũ Thành An làm Trưởng tiểu ban Nhạc. Năm sau, Kiểng thi nhẩy đậu Tú I rồi thì tôi được đôn lên làm Trưởng lớp và "Thầy Phó Tế" Vũ Thành An làm trưởng ban Văn Nghệ…

Nhưng điều mà anh em chúng tôi lấy làm thích thú nhất là sau hơn nửa thế kỷ nổi trôi theo vận nước, lưu lạc khắp bốn phương trời, ngoài một số đã yên giấc ngàn thu, những người còn lại đã lần lượt quy về một mối kết thành danh sách dài thoòng như sớ Táo quân… ở vào cái tuổi ngấp nghé "Thất thập cổ lai hy" này mà anh em chúng tôi vẫn có được nhiều dịp gặp gỡ, đàn đúm, nhắc lại "chuyện xưa tích cũ" bằng lối xưng hô "cậu cậu, tớ t ớ; mày mày, tao tao…" thì quả là hạnh phúc vô cùng...".

(hết trích)

ngochoaiphuong2

Một buổi họp mặt thân mật tại nhà riêng ở Cali với sự hiện diện của Nguyễn Gia Kiểng vừa từ Pháp sang nám 2018

Theo Cáo Phó, hiện nay linh cữu nhà thơ Ngọc Hoài Phương quản tại Peek Funeral Home, Phòng số 2.

Địa chỉ : 7801 Bolsa Ave. Westminster, CA 92683.

Tang lễ sẽ tổ chức vào Thứ Bảy 25/3/2023 :

- từ 8 giờ sáng : Lễ phát tang

- từ 10 giờ sáng : thăm viếng

- từ 2:45 giờ chiều : Lễ di quan.

Việt Báo thành kính phân ưu cùng bà quả phụ Lâm Ngọc Phương Dung, pháp danh Diệu Hạnh, và xin góp lời cầu nguyện để nhà thơ Ngọc Hoài Phương sớm về cõi Phật.

Phan Tấn Hải

Nguồn : Việt Báo, 04/03/2023

Additional Info

  • Author Phan Tấn Hải
Published in Diễn đàn